Người Việt – một câu hỏi lớn (1)

Năm 2020 mở ra với một biến cố chấn động: cuộc tấn công vào xã Đồng Tâm của lực lượng vũ trang Hà Nội vào rạng sáng ngày 9 tháng 1. Nó đã giết chết người nông dân/cựu binh Lê Đình Kình, khi cụ đang ở trong nhà mình.

Đất nước Việt Nam, dân tộc Việt Nam sẽ đi về đâu? Đâu là con đường đúng để cả trăm triệu người Việt tự cứu lấy mình?

Văn Việt xin mời các anh chị tham gia cuộc trò chuyện về Người Việt, như cách giúp chúng ta nhìn/hiểu rõ hơn về chính mình, để có được lựa chọn đúng đắn/phù hợp cho đất nước, dân tộc trong tương lai.

Chúng tôi xin lần lượt đăng tải những câu trả lời đã nhận được.

Bài đầu tiên là của Giáo sư Chu Hảo.

 

CHU HAO.1

*Ký ức tuổi thơ nào đã ảnh hưởng lên cuộc đời của anh/chị?

-Ký ức tuổi thơ sớm nhất mà tôi còn nhớ là một làng quê nghèo thanh bình vùng đồng chiêm trũng ở Yên Dũng – Bắc Giang, quê nội của tôi. Giữa năm 1946, lỡ chuyến theo cha đi kháng chiến vào Miền Nam Trung bộ, tôi theo mẹ tản cư từ Hà Nội về nhà ông nội ở thôn Trung Can, làng Hương Gián. Lớp học đầu tiên của tôi không phải là học Quốc ngữ, mà học chữ Nho với Thầy đồ – Ông nội. Trượt kỳ thi Hương, Ông thanh thản làm thầy đồ và thầy thuốc tại quê nhà.

Chữ viết bằng bút lông đầu tiên tôi được Ông dạy là chữ “Hảo hoa”, tức là “ Hoa đẹp [tốt]”. Những tri thức đầu tiên mà Ông giảng cho tôi là những khái niệm Hán – Việt (viết bằng chữ Nho) lấy từ cuốn sách mà Ông tự soạn để dạy học, được bắt đầu bằng các cụm từ: “Thiên tâm, Thiên lý, Thiên tài, Thiên hương. Địa chỉ, Địa điểm, Địa lợi, Địa phương. Tam sinh: Dân sinh, Dân tộc, Dân quyền. Tam dục: Đức dục, Trí dục, Thể dục…”.

Cho đến nay tôi vẫn còn nhớ ý nghĩa của từng từ ấy với tinh thần Duy Tân – Đông Kinh Nghĩa Thục mà mãi sau này tôi mới rõ nguồn cơn. Ông nội tôi là bạn thân của cụ Nguyễn Khắc Nhu, người đã vận động bạn mình tham gia khởi nghĩa Yên Bái của Quốc Dân Đảng vào năm 1940. Ông tôi đã khiêm cung từ chối để tiếp tục đi theo chủ trương bất bạo động và thực hành tư tưởng Khai dân trí – Chấn dân trí của Phan Châu Trinh. (Cũng xin nói thêm là không may cho Ông tôi: cuối năm 1940, cả bốn người con trai của Ông đều tham gia phong trào cộng sản và cùng bị giam tại các nhà tù Sơn La, Côn Đảo).

Hình như, một cách vô thức, những bài học khai tâm ấy đã theo tôi đi suốt cuộc đời cùng với những tấm gương làm người quân tử mà Ông tôi kể không biết mệt. Cô đọng nhất có lẽ là câu đối ghi trên cột đồng trụ ở Nhà thờ Tổ có từ thời Lê Cảnh Hưng (1730):

Trung Can độc khởi cương thường trụ

Hương Gián tư bồi đạo nghĩa căn

(Dịch nghĩa: Thôn Trung Can mọc lên một cây cương trực/ Làng Hương vun đắp cho mình gốc rễ đạo lý).

Vào một đêm trăng sáng, cả nhà ngồi ngoài sân vê các viên thuốc Bắc nhỏ (thuốc tễ) cho Ông. Mới gần sáu tuổi thì vê được mấy, chỉ mải ngó nghiêng trời đất, rồi tôi bỗng hỏi: “Ông ơi! Phía sau cái Trời đang nhìn thấy trên kia là cái gì ạ?”. Ông ngước lên Trời rồi trầm trồ: “Ồ! cái thằng này giỏi! Ông cũng không biết phía sau Trời là cái gì! Lớn lên con cố học thật cao để mà biết được nhiều điều, có ích cả đấy!”. Hình như câu nói ấy của Ông đã hướng dẫn tôi suốt đời. Giờ đã ở tuổi 80 tôi vẫn thích học, khốn nỗi càng học càng thấy mình biết ít quá!

*Ngày nhỏ, anh/chị từng mơ lớn lên sẽ làm gì? Ở tuổi thành niên, anh/chị đã thực hiện được bao nhiêu % mong muốn? Con người hiện nay của anh/chị khác biệt với hình ảnh mong muốn ra sao, cả về mặt cá nhân và mặt xã hội? Anh/chị có muốn “thay đổi” gì trong những việc đã làm?

-Như trên đã nói, từ nhỏ tôi đã tâm niệm là phải học “đến cùng”, tuy chẳng hề băn khoăn “đến cùng” là đến đâu. Và cuộc đời đã cho tôi may mắn được liên tục học cho đến khi bước vào giai đoạn thực tập rồi thực thụ nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực Vật lý lý thuyết ở Liên Xô cũ, sau đó chuyển sang nghiên cứu và giảng dạy Vật lý các linh kiện bán dẫn (Vi điện tử) ở Pháp, rồi về nước phụ trách Viện Công nghệ Vi điện tử cho đến khi được bổ nhiệm làm Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ở tuổi 55. Tôi nghỉ hưu ở tuổi 65, và từ đó làm giám đốc – tổng biên tập Nhà Xuất bản Tri Thức cho đến 2018, để thực hiện ước vọng xây dựng Tủ sách Tinh Hoa Tri thức Thế giới.

Ngoài ra tôi cũng đã tham gia sáng lập Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh và Viện IDS. Hiện nay tôi đang cùng với Nhà văn Nguyên Ngọc, PGS-BS Nguyễn Hữu Toàn, TS Vũ Ngọc Hoàng và ông Nguyễn Sự triển khai các hoạt động của Viện Phan Châu Trinh – Hội An (một tổ chức Khoa học và Công nghệ tư nhân, đăng ký hoạt động ở Quảng Nam) nhằm tiếp tục phát huy tinh thần và tư tưởng của Cụ Phan trong thời đại mới; đồng thời vẫn theo đuổi công việc làm sách ở NXB Tri Thức như một biên tập viên chính với niềm say mê như thuở ban đầu…

Như vậy, có thể nói là tôi đã làm được một số việc có ích và ít nhiều có hiệu quả, hợp với mong muốn và sở thích của mình. Tôi đã từng găp nhiều khó khăn trong công việc, nhưng chưa bao giờ nản chí. Chỉ tiếc là đáng lẽ còn có thể làm mọi việc tốt hơn, nhưng tôi không có gì đáng phải ân hận, và không muốn “thay đổi” gì cả trong thành công cũng như thất bại của mình. Cuộc đời là thế… Trời cho đến đâu thì được đến đó, may vẫn nhiều hơn khôn mà.

*Nhân sinh quan/thế giới quan của người Việt là gì, theo anh/chị? Nó đã chuyển biến thế nào theo tình hình đất nước trong từng giai đoạn?

-Đấy là một đề tài nghiêm chỉnh và rộng lớn. Tôi chỉ có thể nói vắn tắt thế này.

Nhân sinh quan là quan niệm của mỗi người về cuộc sống của riêng mình và của cộng đồng. Nói chung thì ai cũng muốn có một cuộc sống no ấm, yên lành và có quan hệ tốt với những người xung quanh, ấy là hạnh phúc đời thường; ai có điều kiện cũng muốn “phải có danh gì với nước non”, ấy là niềm vui cống hiến và sáng tạo. Nói chung thì ai cũng quý trọng sự tử tế, tự trọng, tính cương trực, lòng can đảm và tình nhân ái; muốn cái thiện thắng cái ác và những điều tốt đẹp nhiều hơn những sự xấu xa…, ấy là đạo làm người. Đó là nói chung, còn nói riêng thì mỗi người mỗi vẻ, ở những bậc thang giá trị khác nhau: từ cao thượng đến thấp hèn. Đó là tình trạng phổ quát của nhân loại, người Việt Nam càng không phải là một ngoại lệ. Tôi không thấy có sự thay đổi nào lớn trong nhân sinh quan của loài người từ khi khái niệm ấy ra đời trong thời kỳ cổ đại, người Việt Nam cũng thế!

Ngược lại, thế giới quan của nhân loại thì đã thay đổi rất cơ bản từ thời cổ đại đến nay. Thế giới Tự nhiên bao gồm: Vũ trụ bao la chứa đầy vật chất và năng lượng thấy được (chỉ khoảng 5%) và không thấy được (khoảng 95%); vạn vật vô cơ, thực vật, động vật và Con người (với đầy đủ ba thành tố: thể xác, tinh thần và tâm linh). Quan sát, hình dung, tìm hiểu và ứng xử như thế nào với Thế giới Tự nhiên ấy là Thế giới quan, được xây dựng bằng trí tuệ tập thể, được thừa nhận chung như một Hệ hình/Chuẩn thức (Paradigm) của Thời đại.

Thời Cổ đại kéo dài từ thời Tiền sử đến Thế kỷ (TK) 5 trước công nguyên (TCN) là thời kỳ đa thần, người ta tin rằng các vị Thần chia nhau cai quản mọi lĩnh vực của Tự nhiên. Thời Trung cổ, kéo dài cho đến TK 16 là thời kỳ thống trị của các đức tin Tôn giáo, mỗi Tôn giáo có một vị Chúa Trời của mình và chúng sinh là bầy “búp bê” trong ngôi nhà của Chúa; giới thống trị hồi đó chủ trương duy trì đức tin tâm linh trong nhà thờ để chăn dắt tín đồ quan trọng hơn việc tiếp tục niềm tin “khoa học”cho rằng Vũ trụ có một trật tự nội tại và được vận hành tuân theo các quy luật (nguyên lý) mà con người có thể giải mã được thông qua quan sát và suy lý.

Tiếc rằng ý tưởng đột phá ấy của người Ioni (La Mã cổ đại) từ TK 6 TCN đã bị “lãng quên”, và chỉ được “phát hiện lại” từ TK 17. Từ đó đến nay là thời kỳ phát triển rực rỡ của nền văn minh hiện đại dựa trên Hệ hình Duy vật – Duy lý – Thực chứng. Bốn Thế kỷ thống trị của Hệ hình này đã làm cho khoa học, công nghệ, và đời sống vật chất của xã hội tiến bộ vượt bậc, hơn cả sự mong đợi “viển vông” nhất của người bình thường. Mặt trái của tấm huân chương huy hoàng này sự tàn phá bất tận và không thương tiếc môi trường sinh thái Trái đất – ngôi nhà chung của chúng ta; là văn hóa – đạo đức xã hội ngày càng suy đồi; và còn có thể nguy hiểm hơn là sự ngộ nhận về sức mạnh vô đối của nền khoa học – công nghệ hiện đại, về khả năng đi đến cùng để biết được hết mọi huyền bí của Tự nhiên.

Quả thật loài người đã bất chấp lẽ Thiêng liêng của Trời Đất, đang gây ra và ngày càng đẩy nhanh hơn quá trình phá hoại môi trường sinh thái toàn cầu dẫn đến hủy hoại mọi sự sống trên hành tinh này. Quả thật chưa bao giờ chúng ta được chứng kiến một thời kỳ cái ác lấn át cái thiện, làm người tử tế hóa ra lại là việc khó khăn, gian dối và bạo lực tràn lan, người ngay phải sợ kẻ gian, và… rất buồn là hình như luật nhân quả không mấy khi ứng nghiệm ngay, mà phải đợi đến kiếp sau (thế thì còn nói làm gì nữa!?).

Nhiều nhà khoa học cho rằng đó là cái giá phải trả cho sự quay lưng lại miệt thị Tôn giáo và Tâm linh từ Thời Phục hưng (TK17) và Khai sáng (TK18); đồng thời phê phán Hệ hình Duy vật – Duy lý – Thực chứng đã dựng nên một thứ “Chủ nghĩa Khoa học Duy vật luận [cực đoan]” (E. F. Shumacher, Sự chỉ dẫn cho người bị bối rối, NXB Tri thức 2019).

Người ta đã thấy rõ khoa học hiện đại ngày càng tỏ ra bất lực trước những hiện tượng siêu nhiên đầy huyền bí nhưng linh nghiệm như: sự tồn tại của linh hồn, khả năng ngoại cảm, hiện tượng đầu thai lại ở kiếp sau…, mà những cái đó thuộc thế giới Tâm linh, song hành với thế giới Thể chất và thế giới Tinh thần của Con người.

Đã đến lúc phải từ bỏ Hệ hình đã trở nên bất cập này để xây dựng một nền khoa học khác như được trình bày trong “Tuyên ngôn về nền Khoa học hậu Duy vật” (của 300 nhà khoa học tại Hoa Kỳ từ năm 2014). Cùng với sự “cáo chung” của Hệ hình khoa học tự nhiên này là sự xuất hiện Chủ nghĩa hậu hiện đại trong các ngành khoa học xã hội và nhân văn và Văn học và nghệ thuật vào đầu TK 21.

Đó thực sự là cuộc khủng hoảng tinh thần thời đại. Từ đây các “Đại tự sự” không còn được tung hô; “bất kỳ tuyên bố chân lý hay đạo lý tối hậu nào đều bị tránh xa, các thể loại bị nhòe đi và thực tại bị trộn lẫn, và sự nghiêm túc bị thách thức và sự mỉa mai được yêu thích” (Howard Gardner, Trí khôn sáng tạo, NXB Tri thức 2019).

Thế giới quan của nhân loại đại thể đã đi theo một tiến trình như vậy. Thật đáng tiếc là Việt Nam mình chẳng có đóng góp gì đáng kể cho nền văn minh hiện đại gắn với quá trình hình thành Thế giới quan hiện đại này.

*Theo anh/chị, lịch sử Việt Nam có gì đáng tự hào và có gì đáng hối tiếc?

-Mặc dầu còn nhiều quan điểm khác về Lịch sử Việt Nam giữa Đại Việt Sử Ký Toàn Thư và các công trinh của giới sử học thời hiện đại so với các tác giả có phần hơi “cực đoan” cả từ hai phía: Hà Văn Thùy (Hành trình tìm lại cội nguồn, NXB Hội Nhà văn, 2015) và Keith Taylor (Một lịch sử của người Việt Nam A history of Vietnames, 2011), tôi vẫn tin rằng nước Việt Nam ngày nay có một lịch sử liên tục lâu đời, ít ra là từ thời Nhà Thục (257-208 TCN) với Quốc hiệu Âu Lạc.

Theo truyền thuyết (tức là không có bằng chứng cụ thể và đầy đủ) có thể đã có Thời kỳ Hồng Bàng (18 đời các vua Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân và Hùng Vương) với Quốc hiệu Văn Lang tồn tại từ 2.000 năm TCN. Có một lịch sử bền vững lâu dài như vậy, ở cạnh một đế quốc hung hãn như Trung Hoa, mà tổ tiên ta vẫn giữ gìn được sự toàn vẹn lãnh thổ với truyền thống đoàn kết chống xâm lăng là một điểm rất đáng tự hào. Bị Bắc thuộc 1000 năm mà không bị Hán hóa là một điều kỳ diệu.

Chúng ta không có một nền văn hóa hùng vĩ, nhưng có nhiều nét tinh tế và minh triết, làm nên một bản sắc dân tộc đặc sắc. Tạm gác sang một bên các ý kiến khác nhau về thời điểm, phương thức thực hiện và cái giá phải, thì việc từ một nước nô lệ thời Pháp thuộc trở thành một nước Độc lập, từ một nước phân tranh hai miền Nam – Bắc trở thành một Quốc gia thống nhất là những biến chuyển đáng mong đợi của mọi quốc gia cùng hoàn cảnh.

Tiếc rằng dù sao thì cho đến tận bây giờ nước ta vẫn là một nước nghèo, chưa có đóng góp gì cho đáng kể cho nền văn minh nhân loại về văn hóa, nghệ thuật và khoa học. Tôi tin rằng, cũng như mỗi con người, mỗi dân tộc cũng có một số phận. Tôi nghĩ là Dân tộc ta có một số phận không mấy may mắn. Đó là điều hết sức đáng tiếc.

Đến tận đầu TK20 mà dân tộc ta vẫn còn ở trong tình trạng bán khai, đến nỗi Phan Châu Trinh phải thốt rằng chúng ta đã thua kém các nước tiền tiến một thời đại văn minh.

Vượt qua môt thời đại văn minh đâu phải là một việc dễ dàng! Và khốn thay, những nan đề về Dân trí, Dân khí và Dân sinh mà Cụ đã vạch ra cách nay một trăm năm vẫn là mối lo thường nhật của tầng lớp “thất phu [và nhất là sĩ phu] hữu trách”.

*Cái gì hay nhất và dở nhất trong tính cách người Việt? Cái cần nhứt cho con người Việt hiện nay là gì? Làm sao để thay đổi theo chiều hướng tốt hơn?

-Có lẽ Lòng yêu nước là nét đặc trưng nhất trong tính cách của người Việt Nam, được trui rèn và thể hiện một cách hào hùng trong các thời kỳ kháng chiến chống ngoại xâm. Không may thay là các cuộc xâm lăng mà chúng ta phải gánh chịu ấy hơi bị nhiều. Nhưng lại rất may là với tinh thần yêu nước ấy mà tổ tiên và các thế hệ gần đây mới giữ được độc lập và gần như toàn vẹn lãnh thổ và biên đảo cho đến ngày hôm nay.

Cũng cần phải nói thêm rằng: lòng yêu nước kiểu này thường gắn liền với tâm lý bài ngoại (trong thời chiến) và sùng ngoại (trong thời bình). Fukuzawa Yukichi gọi đó là “kiểu tinh thần yêu nước thô ráp(Bàn về Văn minh, NXB Thế giới, 2018). Ông cũng nhấn mạnh: “Đến lúc này [1875, Thời Minh Trị Duy tân)], cần và đã xuất hiện một nhân tố mới: Mọi người dần dần từ bỏ sức mạnh của nắm đấm thuần túy mà tập hợp cùng các nhóm trí thức. Trí lực ngày càng lớn mạnh, làm cho tinh thần yêu nước thô ráp trở nên ngày một tinh tế, làm cho kẻ yêu nước non nớt trở trưởng thành lên”.

Không khó nhận ra sự tương đồng tư tưởng giữa Phan Châu Trinh và Fukuzawa; và đau lòng thấy cảnh Fukuzawa thì được cả xã hội đồng lòng hưởng ứng, còn Phan Châu Trinh thì tuyệt đối cô độc giữa đồng bào của mình.

Theo tôi, cái dở nhất trong tính cách người Việt từ xưa đến nay là tư duy hời hợt, háo danh và ganh tỵ. Những nhận xét này cũng không mấy khác so với ý kiến của bậc tiền bối Đào Duy Anh và Trần Trọng Kim mà chúng ta đã biết. Chỉ có điều đáng lo ngại là những nét xấu ấy không những không giảm đi mà lại còn tăng lên nhiều lần trong thời hiện đại. Tôi có dịp tham gia thảo luận về tầng lớp có học nước nhà, mà ta vẫn quen gọi là sĩ phu hay trí thức, nên hiểu sâu hơn một chút tính cách của tầng lớp này.

Ta thường nghe: Trí thức của Trung Hoa thì thâm thúy (thâm Nho), của Nhật thì khiêm tốn (đến mức hơi khách sáo), của Pháp thì hào hoa phong nhã (gallant), của Anh thì lạnh lùng (phớt tỉnh Ăng lê), của Mỹ thì thực dụng (một cách hợp lý và hiệu quả)… Còn sỹ phu – trí thức Việt Nam thì sao? Tôi khá bất ngờ khi nhận được câu trả lời từ nhiều đồng nghiệp trong và ngoài nước: là cơ hội!? Thật vậy sao?

Trên đây tôi chỉ đề cập đến những “cái nhất” theo yêu cầu của người đặt vấn đề, chứ không phải liệt kê ra hết những mặt mạnh và mặt yếu của từng lĩnh vực như nhiều nghiên cứu đã từng công bố. Cho nên cái cần cho chúng ta hiện nay là phát huy cái mạnh nhất và khắc phục cái yếu nhất nói trên. Công việc ấy chỉ có thể làm được với một nền Giáo dục lành mạnh và hiện đại, để làm nền móng cho một nền Văn hóa tinh hoa – cái mà hiện nay chúng ta chưa có, và không biết bao giờ mới có.

*Anh/chị đang nghĩ/hy vọng gì về tương lai người Việt/nước Việt?

Từ thời cổ đại đến giờ, ở đâu cũng vậy, thế hệ trẻ hôm nay là tương lai của đất nước ngày mai. Thế hệ trẻ bao giờ cũng vừa đáng tôn trọng, vừa “đáng sợ”. Khổng tử nói “Hậu sinh khả úy” là với ý nghĩa đó. Nhưng họ đáng tôn trọng hay “đáng sợ” đến mức nào trong tương lại phụ thuộc phần lớn vào xu thế phát triển của thời đại, vào truyền thống văn hóa dân tộc, và nền giáo dục họ đang được thụ hưởng.

Tôi không mấy lạc quan về tình trạng chung của giới trẻ hiện nay, nó không nằm ngoài về tình trạng suy thoái văn hóa – đạo đức của cả loài người mà nước ta không là một ngoại lệ. Thế nhưng đâu đó vẫn có các cá nhân, các nhóm trẻ xuất sắc với tâm hồn trong sáng và sức sáng tạo tuyệt vời, họ sẽ cứu rỗi dân tộc này!

Comments are closed.