"Hồi ức mở ra khả năng kết nối giữa các thế hệ"[1]

Nguyễn Thuỵ Phương

clip_image002

TS Nguyễn Thuỵ Phương trong ba người nhận Giải thưởng Giáo dục Pháp 2018. Ảnh: Juliette Agnel

“Hồi ức, nơi lịch sử đến chắt lọc, và đến lượt lịch sử cũng nuôi dưỡng nó, chỉ tìm cách lưu giữ quá khứ để phục vụ cho hiện tại và tương lai.” [2]

Nếu dựa vào khối văn khố lưu trữ thu thập chủ yếu ở ba quốc gia Pháp, Việt và Mỹ thì luận án tiến sĩ lịch sử giáo dục (bảo vệ năm 2013 tại Đại học Paris Descartes) “Trường Pháp ở Việt Nam (1945-1975): từ sứ mạng khai hóa đến ngoại giao văn hóa” tái dựng lại lịch sử của hệ thống giáo dục Pháp tại Việt Nam ở điểm nhìn “từ trên xuống”, nghĩa là một hệ thống được vận hành, điều phối ra sao bởi những nhà quản lý, điều hành của ba khối chính trị, ngoại giao và giáo dục người Pháp và người Việt. Quả thực, chúng ta không thể thu gọn một hệ thống giáo dục vào các trường học, những tư tưởng hay toan tính chính trị. Thông qua hồi ức của các cựu học sinh và giáo viên, tôi muốn làm nổi bật một lịch sử dòng thứ, một “lịch sử của học sinh”[3], nghĩa là một lịch sử xã hội và nhân tình, như một dòng chảy ngầm đối trọng và song hành với lịch sử chính thống trong văn thư.

Từ 1954 đến 1975, có hàng chục ngàn thanh thiếu niên Việt Nam ngồi trên ghế nhà trường tại các trường trung học Pháp ở Việt Nam. Có thể phân chia họ thành ba nhóm. Quãng đời học sinh của nhóm thứ nhất diễn ra trong cuộc chiến Đông Dương lúc mà nước Pháp hãy còn “cố đấm ăn xôi” vào tư tưởng thực dân đang cơn hấp hối. Với nhóm học sinh thứ hai, tuổi niên thiếu trôi qua tại miền Nam sau 1954, khi mà sự hiện diện của Pháp bị phản đối mạnh mẽ trên đường phố và trong các diễn ngôn của những người theo chủ nghĩa quốc gia đang nắm quyền. Và với nhóm thứ ba, họ đến trường trong bối cảnh miền Bắc Việt Nam xây dựng chủ nghĩa xã hội, ngôi trường của họ là trường học phương Tây duy nhất còn hoạt động trong một đất nước cộng sản. Những học sinh này thấm đượm văn hóa Pháp được truyền tải qua nhà trường Pháp. Ngày nay, rất nhiều người trong số họ sinh sống ở phương Tây và trở thành bác sĩ, nhà nghiên cứu, giáo sư, kỹ sư, nghệ sĩ, công chức cao cấp… Một số người trong số họ trở nên nối tiếng như nhà vật lý thiên văn Trịnh Xuân Thuận, nghệ sĩ hình họa Nguyễn Phước Vĩnh Khoa (danh họa VINK), nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, nhà ngoại giao Tôn Nữ Thị Ninh, nhà giáo Bùi Trân Phượng… Nhưng cũng có những người cả đời bị ghép vào cái danh “kẻ đi nhầm giày” hay có những người đi trước là “tú sinh” sau đi “cải tạo”…

Vậy đâu là điểm nhìn của những “người trong cuộc”, là học sinh và giáo viên, những người làm nên đời sống học đường, mà ta gần như không tìm thấy trong lưu trữ? Họ đã học, dạy và sống như thế nào trong nhà trường Pháp tại Việt Nam? Để phục dựng lại một câu chuyện “chủ quan” về hệ thống giáo dục này, song hành với lịch sử “khách quan” khai thác được từ lưu trữ, hơn một trăm hồi ức của các cựu giáo viên và cựu học sinh được tôi thu thập thông qua phỏng vấn và bảng câu hỏi cùng những bài viết của họ.

Ký ức – lời kể được thu thập theo phương pháp “chuyện đời kể lại” (récit de vie) thông qua một cuộc trò chuyện tự sự và bán hướng dẫn diễn ra trực diện tại Pháp và Việt Nam, qua điện thoại, thư từ (viết tay và e-mails) giữa Pháp với Canada, Mỹ, Úc, Bỉ, Việt Nam… Nghĩa là nhân chứng kể lại một phần đời hay toàn bộ cuộc đời mình. Hành trạng và số phận của các nhân chứng này rất phong phú tái hiện đúng những bước thăng trầm của lịch sử Việt Nam trong thế kỷ 20. Họ có thể là người Việt sống ở Việt Nam, Việt kiều, người Pháp hay lai Pháp-Việt sinh trưởng tại Đông Dương dưới thời thuộc địa, người Việt gốc Hoa. Các nhân chứng Việt kiều gồm hai loại: định cư tại ngoại quốc từ nhiều thập niên và cắt đứt mọi liên hệ tình cảm hay gia đình với Việt Nam, và những người vẫn luôn giữ mối liên lạc với quê hương và quay trở lại thường xuyên.

Phản ứng và tương tác của các nhân chứng trong các cuộc phỏng vấn phản chiếu rõ sự phong phú của muôn vàn chặng đường đời. Chính trị vẫn luôn là chủ đề nóng bỏng. Những vết đứt gãy hãy còn làm nhói đau giữa những người Việt theo quốc gia chủ nghĩa, chống Cộng hay những người Cộng sản, dù sống tại Việt Nam hay xa xứ. Nhiều nhân chứng sống ở Việt Nam đã phải trải qua nhiều đau khổ và thử thách do thời thế, chỉ riêng việc kể lại những gì họ đã sống giúp họ giải tỏa được những tình cảm ẩn giấu, kìm nén từ nhiều năm. Sự lắng nghe của nhà nghiên cứu trẻ, bằng tuổi cháu họ, như mang lại cho họ một sự công nhận đích thực. Đa số các nhân chứng đều thể hiện một nhu cầu tâm sự hay thổ lộ, kể lại một cách tự nhiên nguồn gốc gia đình, môi trường xã hội và học đường nơi họ sinh trưởng và trưởng thành. Nhưng họ tỏ ra dè dặt ngay khi đề cập đến việc phán xét quá khứ. Một số nhân chứng khác tỏ ra tự do hơn nhiều và lưu giữ một ký ức tích cực về quá khứ. Đó thường là những cựu học sinh người Việt hay người Pháp mà quãng đời đi học kết thúc trước 1954, và họ không phải sống trong bối cảnh chiến tranh Việt Nam hay thống nhất đất nước. Đối với họ, cuộc trò chuyện – phỏng vấn không chỉ đơn giản là dịp kể lại quãng đời đi học mà dường như đó là một thứ thanh lọc tinh thần (catharsis) cho những cảm xúc dồn nén hay thậm chí cả những ẩn ức. Ngược lại, một lượng nhỏ các nhân chứng tỏ ra rất dè chừng trong cuộc chuyện trò vì họ rời xa Việt Nam quá lâu. Những ký ức thu thập được từ bảng câu hỏi, một phương pháp đem lại cho nhân chứng khả năng kiểm soát tốt hơn lời kể của mình, đặc biệt phong phú. Các câu trả lời nhiều khi vượt quá khuôn khổ của câu hỏi mà trở thành những câu chuyện nhỏ hay những áng văn hay được những ngòi bút trên 70 -80 tuổi viết ra với đầy cảm xúc và suy tư. Bảng câu hỏi biến thành cuộc trò chuyện, bằng thư điện tử, giữa nhà nghiên cứu và những nhân chứng đó đã kéo dài trong nhiều tháng.

Gặp gỡ những cựu giảng viên và học sinh này là một hành trình phiêu lưu bổ ích đối với nhà nghiên cứu trẻ. Mối liên hệ giữa chúng tôi lúc thì suôn sẻ lúc thì trở ngại bởi chính vị trí của tôi: một người Việt trẻ, sinh ra sau mọi cuộc chiến và lớn lên trong một Việt Nam thống nhất, đất nước mà nhiều nhân chứng, thuộc cộng đồng hải ngoại, giữ một thái độ bất đồng hay xung đột. Ngược lại, với tư cách là một người Việt, được gặp gỡ những con người đã trải qua những phần đời trong những giai đoạn lịch sử đặc biệt của Việt Nam là một trải nghiệm nhân tình và học thuật độc nhất vô nhị của nhà nghiên cứu trẻ. Chính việc là người Việt, sinh tại Việt Nam trong thập kỷ 1980, khác xa với một Việt Nam trong cảnh chiến tranh mà đa phần các nhân chứng đã sống, đóng vai trò quan trọng trong việc tìm kiếm các nhân chứng. Được gặp họ chính là được đối thoại với một phần lịch sử đất nước như lời nhà nghiên cứu Nicole Lapierre “hồi ức mở ra khả năng kết nối giữa các thế hệ”.

Trong hành trình thu lượm hồi ức này, tôi không gặp được Giáo sư Trịnh Xuân Thuận vì hai bác cháu luôn “lỡ hẹn” với thời gian. Nhưng cuộc đời có nhiều duyên hạnh ngộ ở những nơi chốn mang tính biểu tượng. Viện Hàn lâm Pháp (la Coupole) là nơi chứng kiến những “hạnh ngộ” học thuật: năm 2012, tôi là khách mời của bác cho lễ nhận giải Prix mondial Cino-Del-Duca, năm 2018, tôi là khách mời của Pháp Viện với Grand Prix Louis Cros nhờ cuốn sách “Trường Pháp ở Việt Nam (1945-1975): từ sứ mạng khai hóa đến ngoại giao văn hóa”, trong đó, bác và các thế hệ của bác vừa là nhân chứng vừa là những người đồng hành giúp tôi hiểu sâu hơn về lịch sử chưa xa của Việt Nam.

“Ai không nghe thấy những tiếng nói vọng về từ quá khứ thì không thể hiểu được niềm hứng khởi của những cuộc phỏng vấn đem lại. Mối liên hệ trực diện này là một món quà mà ta không nên khước từ khi ta yêu lịch sử.”[4]

Khai bút đầu năm, Paris, 1/1/2019

clip_image003


Giải thưởng do Institut de France (Pháp Viện) lập ra dưới sự bảo trợ của Académie des sciences morales et politiques. Giải thưởng mang tên một nhà giáo dục học, sáng lập viên và chủ tịch của nhiều cơ quan và tổ chức giáo dục của Pháp. Louis Cros cũng là người đầu tiên, ở Pháp, phát hiện, định dạng và nghiên cứu bản chất và tác động chính trị-xã hội của một hiện tượng mang tầm quốc tế của các nền giáo dục quốc gia, đó là “bùng nổ sĩ số học sinh”. Giải thưởng thường niên này ghi nhận đóng góp của một vài công trình nghiên cứu trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo mang tính học thuật cao nhưng vẫn hướng đến đại chúng về những chủ đề mang tính thời sự và những thách thức mà giáo dục và đào tạo đang phải đối mặt.

clip_image005


Được thành lập năm 1795, đây được coi như “Pháp viện tối cao của giới bác học“, nơi tập hợp giới tinh hoa về khoa học, nghệ thuật và văn học với mục đích ủng hộ và bảo trợ các phát minh, nghiên cứu khoa học và sáng tạo nghệ thuật vì lợi ích cộng đồng thông qua những giải thưởng và tài trợ. Institut de France quản lý khoảng một ngàn quỹ, di sản, tài sản hiến tặng tư và công để dùng nó bảo trợ cho khoa học. Pháp Viện gồm 5 phân viện hàn lâm với những nhiệm vụ riêng: Académie française (Pháp ngữ), Académie des inscriptions et belles-lettres (lịch sử Cổ, Trung đại, Phục hưng và phương Đông học), Académie des sciences (khoa học tự nhiên, y học), Académie des beaux-arts (nghệ thuật), Académie des sciences morales et politiques (khoa học xã hội và nhân văn).

Những người Việt được nhận giải thưởng của Institut de France

Của Académie française: Trịnh Xuân Thuận (Grand Prix Moron 2007, Prix mondial Cino-Del-Duca 2012), Phạm Văn Ký (Grand prix du roman 1961)…

Của Académie des sciences: Nguyễn Quang Riệu (Astrophysique 1973), Bùi Huy Đường (Mécanique 1978), Ngô Bảo Châu (Mathématiques 2007), Phạm Huyên (Mathématiques 2007), Đặng Văn Kỳ (Mécanique, 1991)…

Comments are closed.