Thơ Nguyễn Đức Tùng, nơi câu chuyện bắt đầu bằng ngôn ngữ khác

Lê Hồ Quang

 

Nếu phải khái quát ngắn gọn về thơ của Nguyễn Đức Tùng, tôi sẽ mượn chính thơ ông để diễn tả – đấy là “nơi câu chuyện bắt đầu bằng ngôn ngữ khác”. Tính truyện là một đặc điểm thi pháp nổi bật của thơ Nguyễn Đức Tùng. Bằng thơ và qua thơ, tác giả nhẩn nha kể cho chúng ta nghe những câu chuyện của đời người, những câu chuyện kết đọng trải nghiệm, xa xôi và xưa cũ nhưng sáng nét lạ lùng. Ký ức của cá nhân, của cộng đồng đã được đánh thức trong những câu chữ chừng như không thể đơn giản, gọn gàng hơn trong Làng quê, Sau chiến tranh, Ký ức những năm 80, Đêm ngủ trên nền nhà cũ, Hai vầng trăng, Em… Đừng tìm kiếm những cảm giác êm đềm, ngọt ngào theo kiểu thi vị hóa khi đọc những bài thơ viết về tuổi thơ, về mẹ hay quê hương của tác giả này. Đấy là một ký ức không nguyên vẹn, đầy đổ vỡ và luôn găm lại cảm giác đau đớn. Chỉ có điều, cùng thời gian, nó ngưng lại trong cái nhìn phân tích tỉnh táo và lặng lẽ:

Chiến tranh

 

Người đưa thư

Dựng xe đạp trước nhà

 

Uống với dì tôi một tách trà

Rồi lặng lẽ cáo lui

 

Không biết dì tôi không biết chữ

 

Trong phong bì là giấy báo tử

Câu chuyện được kể theo trật tự tuyến tính mạch lạc. Từ ngữ ngắn gọn và đơn giản, không hề gây khó độc giả. Bài thơ dường như thuần sự kiện, những sự kiện được lược thuật từ góc nhìn của đứa cháu, người chứng kiến và kể chuyện, với sự giản ước tối đa ngôn ngữ biểu cảm. Cái còn lại là một tình huống của đời sống và số phận.

Thơ đã đi qua rất nhiều chặng đường lịch sử. Từ những “trữ tình rậm lời” của thơ tiền hiện đại, đến với sự “tối tăm” và hóc hiểm ngôn ngữ của thơ hiện đại, qua mê cung của thơ hậu hiện đại với bề bộn những “giải thiêng”, “giải tự sự”, “giải trung tâm”…, đến một lúc nào đó, người ta bỗng cần đến thơ như những câu chuyện bình dị của đời sống con người. Những câu chuyện của Thơ, như Nguyễn Đức Tùng đã làm được trong tác phẩm của mình.

Trong những sáng tác này, ký ức là một cõi riêng và dường như bất khả xâm phạm. Đó dường như chỉ là ký ức của cá nhân, khó lòng chia sẻ, được “ghi chép” lại bằng thứ ngôn ngữ tương thích lạ lùng với chính nó. Nhưng cũng bởi vì quá cá nhân và riêng tư nên nó đã vô tình làm hiển lộ một vùng ký ức khác, hết sức rộng lớn, âm u và dai dẳng, “dòng bi ký” của lịch sử dân tộc mà con người thuộc về, và có thể hơn thế, của cả lịch sử nhân loại. Sự chồng lấn ấy cho phép quá khứ hiện hữu cùng hiện tại, cùng với hiện tại, nó xác định sự tồn tại có lý do của con người dù anh ta không ngừng phản tư về điều đó. Ký ức được tự do lựa chọn những miền nhớ và biểu hiện theo cách riêng, có khi như một âm thanh, một hình ảnh sống động vụt hiện, có khi như một cảnh tượng vô cùng mơ hồ, lạ lùng, một tiếng nói thì thào vụn vặt kéo dài: Trời tối rồi/ Những đứa trẻ bỏ cuộc chơi ra về/ Khi nghe mẹ gọi/ Một đứa còn ngồi lại/ Đếm những hòn bi ăn được/ Trước căn nhà vắng lạnh của mình (Tuổi thơ); Khi anh trở về/ Người vợ đã chết/ Vết máu khô trên ngực/ Trong bụi tre cú rúc liên hồi (Làng quê); Khi trong đêm/ Một người về gõ cửa/ Thấy mùa hè đi qua trên một lưỡi dao…/ Không ai biết cuộc chiến tranh của chúng ta/ Vừa bắt đầu trên một xứ sở khác (Ngày của em); Một tai nạn khủng khiếp/ Chỉ một người sống sót/ Kể lại bí mật (Buổi chiều)… Trong cõi nhớ này, các chiều kích không/ thời gian vừa tiếp nối vừa song hành, vừa tuần tự vừa bất định. Chúng có thể kéo dài miên man đồng thời cũng liên tục thay đổi, tựa như những phiến phong cảnh không ngừng đổi thay khi ta nhìn qua ô cửa toa tàu trên đường xa vạn dặm. Đó là hành trình tâm tưởng, nó không bị (và không thể) găm cứng bởi bất kỳ cái mốc hạn định nào. Nó liên tục vận động, chảy trôi, không ngừng va đập trong những xúc cảm trái ngược, trong nỗi hoài nhớ và cảm giác bất an thường trực. (Đó là lý do khiến bài thơ đôi khi trở nên hơi loãng ý và dài dòng, chẳng hạn ở Ngày của em). Tựu trung, đó là ký ức của một cá nhân chưa bao giờ (trong ý thức và có lẽ, trong cả vô thức) lìa xa cội rễ đã sinh thành ra nó – một bối cảnh đầy máu và nước mắt của lịch sử dân tộc, và từ trên những vách đá chất ngất đau thương và thù hận biết nở ra những đọt mầm của hy vọng.

Nếu “tính chủ quan” được xem như một đặc thù thể loại của thơ trữ tình (theo quan niệm truyền thống và phổ biến) thì ở thơ Nguyễn Đức Tùng, “tính khách quan” mới là đặc trưng nổi bật. Tính khách quan được thể hiện từ phương diện ngôn ngữ đến cách tái hiện hình tượng, tình huống, sự kiện… Đọc thơ ông, độc giả dễ có cảm giác dường như tác giả tập trung đến việc kể/ tả/ phân tích hơn là việc giãi bày xúc cảm hoặc thổ lộ cái tôi. Sự việc được đẩy lên bề mặt của văn bản với tất cả những đặc điểm, tính chất khách quan, tự nhiên nhất. Tác giả dường như chỉ làm mỗi một việc là “trình bày” sự việc ra trước độc giả như nó là, không tô vẽ, không thêm bớt. Và ông thực hiện điều này rất đỗi tự nhiên. Hãy lấy một ví dụ – bài Trên đường:

Lái xe trên đường

Đêm tối mù, mưa rơi

Xe đánh ầm một tiếng, giật nẩy lên

Khựng lại, quay nghiêng

Rồi vọt tiếp, đang vội

 

Chắc chắn tôi đã cán chết người

Nhưng không ai biết. Đêm tối đường

Trơn mưa rơi mù mịt

 

Tôi định chạy luôn. Nhưng

Nỗi sợ hãi dâng lên. Một điều gì

Chặn ngang ngực. Tôi quay xe lại

Đậu bên kia đường. Bật đèn

Nhấp nháy. Tôi thận trọng run rẩy băng qua đường

 

Kẻ bị tôi đụng phải

Đang chậm chạp đứng dậy

 

Nhưng đó không phải là một người.

Bằng thủ pháp mô tả “hãm chậm”, nhà thơ đã kéo giãn cái khoảnh khắc Xe đánh ầm một tiếng, giật nẩy lên trở nên dài đến vô tận. Nhân vật kể chuyện (và cả độc giả) như mê mụ đi trong sương mù của cảm giác cho đến mãi dòng kết thúc mới choàng tỉnh: Nhưng đó không phải là một người. Nhìn bề mặt, bài thơ dường như thuần túy thuật truyện, nhiều chi tiết sắc lạnh, “rất Tây” (xin đặc biệt lưu ý cách diễn đạt ở câu cuối). Nhưng sự thật đấy là một diễn trình “giải phẫu” tâm lý rất nhanh, rất “nhà nghề”, dứt khoát và rành mạch, thể hiện ngay trong hình thức ngắt nhịp giật cục đầy bất thường của hàng loạt câu thơ. Chỉ một khoảnh khắc mà như vô tận. Và trong cái khoảnh khắc ấy, con người phải đối mặt với bản chất cố hữu: nỗi sợ hãi, đớn hèn, thói vô trách nhiệm, sự bất lương, tráo trở. Tuy nhiên, cuối cùng, trong tình huống giả định ấy, lương tri con người đã chiến thắng: Tôi đã quay xe lại. Và đã được đáp đền. Nhưng đấy vẫn là một kết thúc để ngỏ. Bởi nếu đó là một người? Cơn ác mộng chưa kết thúc.

Tất nhiên, ấn tượng về sự khách quan, “như thực” này chỉ có thể được tạo ra bởi một kỹ thuật viết độc đáo (mà tôi sẽ nói cụ thể hơn ở phần sau) chứ không phải là sự copy hiện thực. “Tính trữ tình” trong những bài thơ đậm tính tự sự này, do vậy, cũng mang nét riêng biệt. Nó gián tiếp thể hiện qua bức tranh đời sống được chọn mô tả. Khi đó, nhà thơ đồng thời trao quyền diễn giải rộng rãi cho người đọc. Nó cũng cho thấy một tư tưởng của tác giả: chỉ khi đời sống hiện diện như nó là, người ta mới có thể cảm nhận và thấu suốt – một cách trọn vẹn, ngay lập tức – về sức mạnh, vẻ đẹp cũng như giá trị của nó. Nói khái quát, đấy là một phương thức trữ tình mang tính đặc thù của ngòi bút này.

Nhưng có phải chỉ đến Nguyễn Đức Tùng mới xuất hiện lối viết này? Không phải. Ngay từ thời Thơ mới, lối trữ tình bằng hình thức kể chuyện đã khá phổ biến trong thơ Nguyễn Bính, Nguyễn Nhược Pháp, TTKH… Thời thơ kháng chiến, ta cũng rất quen với những Núi Đôi (Vũ Cao), Màu tím hoa sim (Hữu Loan), Cuộc chia ly màu đỏ (Nguyễn Mỹ), Hơi ấm ổ rơm (Nguyễn Duy)… Không thể nói những bài thơ này thiếu sự kể, tả sinh động, chân xác. Vấn đề là, ở đây nhu cầu “tả thực” luôn bị át đi bởi nhu cầu “trữ tình”, và trữ tình một cách “thiết tha”, “nồng nàn”. Trong thơ Việt Nam đương đại, cũng không thiếu những cây bút trữ tình bằng hình thức tự sự. Lê Văn Ngăn, Nguyễn Quang Thiều, Mai Văn Phấn, Inrasara… có nhiều bài thơ viết theo lối này. Nhưng dường như ngay khi “tả thực”, thậm chí “cực thực”, nhiều bài thơ của họ vẫn nhằm hướng đến một cái đích tượng trưng nào đó. Nguyễn Đức Tùng khác hơn: ông muốn sự vật hiện diện trong thơ như là chính nó. Và ông tin sự vật có thể hiện diện như là chính nó. Ông muốn “xé toạc” đến tận lõi cái vỏ ẩn dụ trong thói quen tư duy thơ để sự vật “trần trần trực sự”, không cần bất kỳ một “phụ chú” giãi bày xúc cảm nào. Một điều khác nữa: dường như đây cũng là một hướng tìm tòi khá tập trung và ngày càng rõ của tác giả này. Trong một liên hệ tự nhiên, tôi nghĩ tới phong cách thơ của một tác giả Mỹ hiện đại mà Nguyễn Đức Tùng đã từng viết rất hay về ông, nhà thơ William Carlos Williams với những bài “thơ đề trên cửa”.

Chọn phương thức trữ tình theo lối tự sự, nhà thơ đồng thời cũng chọn lựa một giọng điệu riêng, thích hợp để kể những câu chuyện của mình – một giọng điệu nhẹ nhõm, từ tốn, bình thản, không hề cao giọng nhưng chính vì vậy mà đầy thuyết phục. Ta hãy đọc Thời gian của một ngày:

Bạn nghĩ một đời bắt đầu từ lúc sinh ra

Đến khi chết. Một ngày bắt đầu từ sáng

Đến khi bạn lên giường, tắt đèn, nằm dưới cơn mưa

Bạn nhớ lại: buổi học đầu tiên, kỳ thi cuối cùng

Nụ hôn ở giữa, cuộc chiến tranh

Những cãi vã, nạn cháy rừng, đứa bé chết trôi mùa lũ

Cuộc khủng bố. Nhưng một ngày không kéo dài cách ấy

Nếu bạn muốn sống nhiều cuộc đời trong một

Không phải chấn thương, khúc quanh, mà chính buổi sáng

Bình yên, ly cà phê quán cóc, thư viết tay, trò chuyện mỗi ngày bên bàn ăn, ngọn đèn bếp ấm, đơn điệu của tình yêu, nhiệm vụ lặp lại

Của tình bạn, tiếng tích tắc đồng hồ, lặp lại, mơ hồ nhớ, hay khắc sâu trong ký ức

Sẽ kéo dài ra cuộc đời bất tận

Như khi người khách lạ, vừa đi vội vã vừa kéo lê va li trên đường

Hoàng hôn xuống, trong rừng, bạn lái xe, trời sắp mưa, bạn phân vân nửa muốn dừng

Nửa muốn không. Và bạn đã dừng lại, và một ngày như thế sẽ dài ra

Ngoài việc tước bỏ tối đa những lời giãi bày cảm xúc trực tiếp của cái tôi hoặc mô tả sự việc theo những diễn biến (như là) khách quan, tác giả thường tập trung vào việc khắc họa tình huống câu chuyện. Các tình huống thường được tạo nên bởi sự bất ngờ của chi tiết đóng vai trò “lẫy chốt”. Chi tiết này thường nằm ở dòng/ câu cuối, đem lại một nhận thức trái ngược, thậm chí đối lập hoàn toàn với thông báo ta nhận được từ toàn bộ những dòng thơ trước đó. Do vậy, nó tạo nên một kết thúc kịch tính:

Sau chiến tranh

 

Mỗi khi trời trở gió

Anh thường đau

Ở bắp chân

 

Không còn ở đó

Câu thơ “bắp chân không còn ở đó” đã được cắt rời để tạo nên sự bùng nổ vào phút chót, lật nhào cái trật tự (tưởng như) bình thường, êm thấm, xuôi chiều trước đó. Đáng chú ý nhất trong bài thơ chính là cái quãng ngắt bất thường ấy. Nó diễn tả thấu triệt nỗi mất mát của con người ngay từ cảm giác về cái trống rỗng hiện diện trong khoảng cách của dòng thơ. Đây thực ra là một kiểu cấu tứ “tân cổ điển”. Kết thúc của bài thơ không trùng với sự kết thúc, khép kín trọn vẹn về nghĩa. Ở những bài thơ dài hơn (về số lượng chữ), chẳng hạn Trong ký ức của chủ tịch xã, Em không muốn về quê, Em… câu kết thúc cũng đóng vai trò như vậy: nó phong kín một cảm giác đau đớn, không thể hóa giải, không thể tan chảy, một nỗi cuồng nộ ẩn sau vẻ bình thản câm lặng.

Rượu vang đỏ thắm là một ví dụ khác:

Khi cuộc cãi vã xảy ra

Cô ném vào mặt anh

Nửa cái bánh pizza

 

Rồi bước xuống cầu thang

Nửa chừng

Dừng lại

Rất lâu

 

Vì bỏ quên trên lầu

Cái nút mở chai

Chi tiết cô gái “nửa chừng/ dừng lại/ rất lâu” trên bậc cầu thang sau cơn giận giữ có thể khiến người đọc tò mò. Vì cô hối hận chăng? Vì bối rối và muốn làm lành chăng?… Nhưng hóa ra, lý do đích thực lại là bởi “vì bỏ quên trên lầu/ Cái nút mở chai”. Một nghịch lý hài hước nhẹ nhàng. Ẩn sau đó là một nụ cười. Dẫu vậy, Rượu vang đỏ thắm có lẽ không chỉ là một bài thơ hướng đến mục đích triết lý. Sắc đỏ ấy, bước chân ngập ngừng ấy còn gợi ra một vẻ đẹp dung dị ẩn trong những ấm lạnh đời thường. Kiểu kết thúc ẩn chứa ý vị hài hước này còn hiện diện trong nhiều bài thơ khác: Đi dạo với một nhà văn dưới ánh trăng, Lên chùa ngày tết, Trí thức…

Dù viết về những đề tài mang tính sử thi như chiến tranh, lịch sử hay về đời sống thế sự, tư cách “người quan sát” ở ngòi bút này là rất rõ. Quan sát để không bỏ qua những chi tiết dù nhỏ nhặt nhưng nhiều khi lại là yếu tố cốt tử tạo nên toàn bộ đời sống. Quan sát để ghi nhớ, để chứng thực. Và quan sát để tái hiện một cách chân thực, sòng phẳng, không “làm màu” về đời sống, về lịch sử. Không phải từ tư cách kẻ đứng ngoài vô can mà với tư cách kẻ trong cuộc tỉnh táo, biết đứng tách ra, đứng cao hơn chính cái tôi của mình để nhận thức thực tại. Năng lực quan sát tinh nhạy và khả năng khái quát hóa mạnh mẽ từ những điều giản đơn, bình thường, như khả năng phát hiện ra cái khoảnh khắc “ngập ngừng” của con người khi bước xuống cầu thang sau cơn cãi vã, ấy thực sự là sức mạnh của ngòi bút này.

Sự mô tả cụ thể và chân xác đối tượng, lột bỏ triệt để những “xống áo” trữ tình, là yếu tố cốt lõi tạo nên tính khách quan ở những bức tranh đời sống trong thơ Nguyễn Đức Tùng. Những tình huống, chi tiết, hình ảnh được cấu trúc thành một chỉnh thể mà sự liên kết chặt chẽ giữa chúng khiến người ta khó nghĩ tới một hình thức tồn tại khác. Rời ra, chúng chỉ còn là những mảnh vụn vô nghĩa.

Vẫn là cái nhìn quan sát sắc sảo ấy, khi nhà thơ viết/ kể về tình yêu trong Những con rệp:

Ngày thứ hai của tuần trăng mật

Chúng ta ngủ trong một khách sạn rẻ tiền

Những con rệp cắn anh suốt đêm

 

Bây giờ đây anh nhớ chúng khôn xiết

Khi mỗi lần đi ngang mộ em

Ta có thể nói nhiều thứ gây ấn tượng ở bài thơ này, chẳng hạn, tính tối giản của chi tiết; sự rút ngắn đột ngột trong khoảng cách thời gian, sự tương phản giữa những không gian mô tả…. Chúng rất dễ dẫn độc giả đi đến diễn ngôn triết lý quen thuộc về khoảng cách vô tận giữa quá khứ và hiện tại; cuộc sống và cái chết; tình yêu và nỗi đau chia lìa… Nhưng tôi chú ý hơn đến sự đồng nhất khá nghịch thường giữa bộ ba hình ảnh những con rệp/ khách sạn rẻ tiền/ em (người vợ yêu, đã mất). Hãy thử liên hệ với hình ảnh em trong thơ của Huy Cận, Hàn Mặc Tử… hoặc em trong những câu thơ Nguyên Sa – áo nàng vàng anh về yêu hoa cúc/ áo nàng xanh anh mến lá sân trường để thấy sự khác biệt. (Dĩ nhiên, cũng có lúc Nguyên Sa có sử dụng hình ảnh suồng sã hơn, chẳng hạn: Hôm nay Nga buồn như một con chó ốm/ Như con mèo ngái ngủ trên tay anh, nhưng ngay cả khi đó thì cái phẩm tính lãng mạn vẫn tràn trề). Vấn đề không dừng lại ở hình ảnh. Vấn đề nằm trong cái quan niệm mới về tính thơ. Với Nguyễn Đức Tùng, cuộc đời là thế: vừa trần trụi thô bạo vừa ân tình, ân nghĩa, vừa đẹp đẽ cao quý vừa vặt vãnh tủn mủn, vừa nghiêm trang vừa hài hước, vừa có lý vừa phi lý… (ngoài bài Những con rệp nói trên, còn có thể kể đến Thơ tình như một ví dụ tiêu biểu khác). Do đó, tính thơ có thể đến ngay từ trong cái đời thường, cái hài hước, cái thông tục và cái hiện tại. Hoàn toàn không phải một ý niệm tiên nghiệm, khô cứng, nó luôn được mở rộng và làm mới, được “lạ hóa” từ những trải nghiệm sáng tạo khác biệt. Như vậy, sự bất ngờ của tình huống hay sự “suồng sã” trong các chi tiết kể, tả trên, xét đến cùng, là thủ pháp nhằm tạo nên tính thơ theo kiểu Nguyễn Đức Tùng.

Sự thực là không dễ (và tôi nghĩ là cũng không cần thiết) khuôn những sáng tác của Nguyễn Đức Tùng vào những “chủ nghĩa” này hay “trào lưu” nọ. Dù rất ngại cách diễn đạt này nhưng tôi vẫn phải nói rằng, thơ ông dường như sự cất tiếng nhẹ nhõm và tự nhiên của những suy ngẫm, triết lý về con người và đời sống. Những câu chuyện thơ của ông đẹp một cách mới lạ, độc đáo song vẫn có một cái gì đó rất gần gũi. Nói cách khác, chúng hiện đại một cách cổ điển. Dĩ nhiên, ảnh hưởng của thơ phương Tây ở thơ ông là không thể phủ nhận. Sắc thái “Tây hóa” thể hiện trước hết trong tinh thần tôn trọng tính khách quan của sự vật và cái nhìn “giải phẫu” đời sống cặn kẽ và giàu lý tính. Đây mới là điều tạo nên cái lạ (và mới, hiểu theo nghĩa là một giá trị) trong tinh thần, tư tưởng thơ của Nguyễn Đức Tùng chứ không phải ở cách sử dụng các vật liệu “phương xa” như hoa forsythia, trạm xe điện, bill điện thoại, bánh pizza… (Nếu tính về chất liệu thì sự thực là “chất liệu truyền thống”, do sức mạnh của hồi ức, lại có phần lấn át với số lượng những chiếu hoa, bể nước, bụi tre, thang thuốc bắc, bến đò, đồng tiền kẽm, cuốn Kiều…). Dĩ nhiên, cũng cần kể tới những cấu trúc ngôn ngữ khá lạ tai, thậm chí đôi khi gây cảm giác hơi giống… thơ dịch, in đậm dấu ấn kiểu tư duy và diễn đạt của một người từng sống lâu ở nước ngoài. Song, nhìn một cách bao quát, yếu tố quen và lạ, truyền thống và hiện đại, phương Đông và phương Tây dường như vẫn tìm được một sự “hòa giải” và hòa hợp khá tự nhiên trong thơ Nguyễn Đức Tùng. Dẫu vậy, trong tập Sơ thảo của ông, vẫn thấy rõ tính chất “tập hợp” tạm thời. Nó cũng cho thấy tính chất “hành trình” với những thể nghiệm theo nhiều bút pháp mới cũ đan xen. Một số bài như Hoa đào, Hẹn em, Xin, Thôi, Đất trời, Chiêm bao… khá cũ về mặt ý và lời, quá khác biệt nếu ta đặt chúng bên cạnh những bài thơ hết sức hiện đại đã phân tích ở trên. Cũng chưa thấy rõ tính nhất quán cấu trúc cần có của một tập thơ và đây chính là điều tác giả cần chú ý khi in tập.

Thơ đến từ đâu? Thơ cần thiết cho ai?… là câu hỏi mà Nguyễn Đức Tùng từng đặt ra cho nhiều người trong những cuốn sách đã xuất bản trước đó. Từ góc nhìn của mình, tôi nhận ra Thơ, với ông, hẳn đã đến từ những câu chuyện của ký ức, rộng lớn và bí ẩn, đôi khi tăm tối bởi những nỗi đau và vết thương rách xé, song luôn được rọi sáng bởi lương tri và tình yêu đối với đời sống và con người, và bởi vậy, nó làm nên căn cốt và sức mạnh tinh thần của hiện tại. Do đó, thơ cần thiết trước hết là cho chính ông – một nghệ sỹ, một trí thức. Nhưng đồng thời, khi đó, thơ cũng trở nên xiết bao cần thiết cho người đọc, những người muốn tìm thơ để làm đầy hơn cảm giác sống và để biết rằng, thơ đôi khi rất giản dị, như chính những câu chuyện của đời sống con người.

Vinh 14/ 2/ 2016.

TS LÊ HỒ QUANG- THAM LUẬN TẠI HỘI THẢO “THẾ HỆ NHÀ VĂN SAU 1975”- ĐẠI HỌC VĂN HÓA 28.4.2016

Comments are closed.