Thơ Việt từ hiện đại đến hậu hiện đại (kỳ 25)

Inrasara

ĐỐI THOẠI HẬU HIỆN ĐẠI

(thay lời kết)

Năm năm nhập lưu hậu hiện đại: sáng tác, phê bình và nói chuyện, nhiều câu hỏi đặt ra với tôi. Vài trăm câu hỏi, nhưng chung quy tất cả đều có thể đúc kết lại thành hệ thống phản biện khá cố định. Cuối tháng 2-2009 vừa qua, nhân cuộc nói chuyện với sinh viên Khoa Sáng tác & Lí luận – phê bình, Trường Đại học Văn hóa ở Hà Nội, sau đó là các buổi trà dư tửu hậu nhưng không kém sôi nổi với bạn văn chương tại Thái Nguyên và Vinh, tôi có cơ hội kiểm lại các câu hỏi từng gặp. Tạm ghi chúng ra đây, vừa sắp đặt nhưng vẫn đầy ngẫu hứng, để độc giả cùng thưởng lãm và suy nghiệm cho riêng mình.

Inrasara

Chúng ta không có tự do, chưa sẵn sàng cho tự do, sợ tự do, thậm chí nói như E. Fromm – chúng ta chạy trốn tự do escape from freedom. Không tự do, bởi ta muôn đời lệ thuộc vào quyền lực đủ loại, đủ dạng. Từ ý thức hệ tôn giáo hay chính trị đến nền giáo dục ta thụ hưởng, từ truyền thống văn hóa đến nề nếp gia đình nơi ta sinh và lớn lên, từ uy tín của đạo sư hay lãnh tụ đến cuốn sách ta đọc, vân vân. Khi còn lệ thuộc vào một quyền lực nào bất kì là ta còn quy thuộc vào trung tâm. Còn trung tâm là ta còn chưa sắn sàng cho hậu hiện đại. Như ngay cách bố trí chỗ ngồi cho cuộc trò chuyện hôm nay cũng mang đầy “chất quyền lực”. Khi tri thức là một thứ quyền lực thì kẻ truyền đạt trí thực cũng dễ tạo cho mình một quyền lực: quyền lực của kẻ biết! Trong khi tôi không ý định mang cái biết đến với các bạn, và các bạn chỉ là người tiếp nhận thụ động. Mà cùng ngồi lại như là những sinh thể độc lập sẵn sàng cho tự do, cho tiếp cận một trào lưu văn chương mang ở tự thân yếu tính tự do. Chỉ khi bạn tự do bạn mới giải trung tâm. Giải trung tâm là căn cốt của tinh thần hậu hiện đại. Giải trung tâm ở mọi lãnh vực, mọi khía cạnh, cấp độ. Hậu hiện đại liên quan mật thiết với tự do.

Bằng lối mở như thế, chúng ta có thể thảo luận về hậu hiện đại được rồi.

Anh là người cổ xúy cho hậu hiện đại?

– Không! Tôi tìm hiểu văn chương đương đại Việt Nam, trong đó có hậu hiện đại.

Anh có thể nói rõ hơn?

– Tôi viết về hậu hiện đại sau khi Việt Nam đã có sáng tác hậu hiện đại.

Nhưng đọc anh, tôi có cảm giác anh đang cổ xúy cho nó.

– Tạp chí Việt số 7 đã cổ xúy cho chủ nghĩa hậu hiện đại từ cuối năm 2001 rồi (số 7, chủ đề Chủ nghĩa hậu hiện đại và Văn học Việt Nam). Tôi chỉ là kẻ đến sau. Viết về hậu hiện đại, tôi “đứng vào trong” nó để viết. Thiển nghĩ chỉ với thái độ “đứng vào trong” ấy, phê bình mới có cơ may đối xử công bằng với các trào lưu nghệ thuật, qua đó khai vỡ vùng u tối hãy còn phong kín của tác phẩm nghệ thuật. Tôi gọi đó là phê bình lập biên bản.

Phê bình lập biên bản, nghe kì kì sao ấy

– Lập biên bản nghĩa là phơi mở sự việc như nó là thế mà không áp đặt một lối nhìn nào bất kì. Giữ nguyên hiện trường. Diễn đạt bằng ngôn từ giản đơn nhất có thể các quan điểm sáng tác, qua đối chứng với chính sáng tác phẩm của họ đặt trong tiến trình phát triển thơ Việt trong thời đại toàn cầu hóa.

Nghĩa là nhìn sáng tác hậu hiện đại qua chính lí thuyết mĩ học hậu hiện đại?

– Đúng. Chỉ như vậy ta mới nhận ra cái hay/ dở của nó mà không bị chi phối bởi định kiến hay lí thuyết văn học khác nó.

Nhưng vài nhà phê bình cho rằng Việt Nam chưa thể có sáng tác hậu hiện đại, bởi chưa có hoàn cảnh hậu hiện đại

– Đó là người ta nói, tôi thì khác. Ngay hôm nay, trong cùng thời điểm, xã hội Việt Nam hiện hữu ít nhất năm thời kì lịch sử nhân loại. Nông nghiệp thì miễn bàn rồi, tại Sài Gòn và vài vùng phụ cận của nó như Tiền Giang, Bình Dương, Đồng Nai thôi, xã hội ta nhập nhằng thời kì tiền công nghiệp, công nghiệp, hậu công nghiệp và cả thời kì… hậu hái lượm nữa!

Anh có chủ quan không?

– Không! Bạn cứ đọc báo với xem tivi về tình trạng dân tộc Stiêng hay vài dân tộc thiểu số miền Bắc, về đời sống nông dân vùng sâu vùng xa miền Tây, rồi bạn thâm nhập vào cuộc sống đô thị Sài Gòn hiện thời thì nhận ra ngay.

Nhưng Việt Nam không có siêu tự sự để hội đủ yếu tố cho hậu hiện đại.

– Không ư? Ta có vài siêu tự sự nhập khẩu, và ta đang phải mang vác, chịu đựng chúng. Với cảm thức hậu hiện đại, ta đang tháo gỡ chúng. Từ đó sinh ra ý thức về vị trí xã hội hậu thuộc địa, về việc tranh đấu nữ quyền, về thế đứng ngoại biên của dân tộc thiểu số, về vấn đề chuyên quyền và chống chuyên quyền, cùng bao nhiêu thứ khác,… Các yếu tố ấy là cả miền đất mầu mỡ cho văn chương hậu hiện đại nảy sinh và phát triển.

Không ít người cho hậu hiện đại không thích hợp với truyền thống văn hóa Đông phương và Việt Nam.

– Thử nhìn sâu hơn vào truyền thống Đông phương và Việt Nam, ta nhận ra bao nhiêu nét tương đồng với tính hậu hiện đại. Tất nhiên những điều ấy chưa thể gọi là chủ nghĩa hậu hiện đại, nhưng chúng là những hạt mầm có khả năng thích ứng với tâm thức hậu hiện đại.

Nếu Thượng đế đã chết của Nietzsche được xem như phát ngôn bản lề mở đầu cho cảm thức hậu hiện đại, thì ở Đong phương, Thiền sư Vân Môn còn quyết liệt hơn: Phùng Phật sát Phật, hay vào thế kỉ hai mươi là tinh thần hủy trung tâm triệt để của Krishnamurti. Tại Việt Nam, Tuệ Trung Thượng sĩ đã nghịch rất “hậu hiện đại”: “Phật là Phật, anh là anh. Anh đâu cần làm Phật, Phật đâu cần làm anh”. Trong đời sống thường nhật của Việt Nam, “tính hậu hiện đại” vẫn bàng bạc.

Chủ nghĩa hậu hiện đại vào Việt Nam như thể một cơ duyên và cơ hội.

Nhưng dù gì thì gì, ta đang bàn về văn chương, mà thực tiễn sáng tác mới mang tính quyết định. Anh có thể kể tên nhà văn hậu hiện đại được không?

– Mười hai năm, trong đó năm 2002 được xem là năm bản lề chuyển hướng hệ mĩ học sáng tạo, tôi có thể kê biên ra trên dưới bốn mươi nhà văn, nhà thơ sáng tác có ít/ nhiều yếu tố hậu hiện đại trong cảm thức/ thủ pháp. Trong nước: Bùi Chát, Lý Đợi, Phan Bá Thọ, Trần Tiến Dũng, Như Huy, Nguyễn Quốc Chánh, Khúc Duy, Lynh Bacardi, Lê Vĩnh Tài, Inrasara, Bỉm, Nguyễn Thị Thúy Quỳnh, Đặng Thân, Nguyễn Viện, Lê Anh Hoài, Phạm Lưu Vũ, Nhật Chiêu, Hoàng Long, Phương Lan, Thanh Xuân, Vũ Thành Sơn, Trần Wũ Khang, Jalau Anưk, Miên Đáng, Liêu Thái; ngoài nước: Nguyễn Tôn Hiệt, Lữ, Nguyễn Hoàng Nam, Đỗ Kh, Vương Ngọc Minh, Đinh Linh, Nguyễn Đăng Thường, Hoàng Ngọc-Tuấn, Nguyễn Hoàng Tranh, Lê Nghĩa Quang Tuấn, Lê Thị Thấm Vân, Nguyễn Hoàng Bắc, Trần Vũ, Lê Văn Tài, Thận Nhiên.

Tôi biết trong số đó có vài người không nhận mình là hậu hiện đại.

– Đó là chuyện của họ, còn nhận ra yếu tố hậu hiện đại (cảm thức/ thủ pháp) trong tác phẩm họ là vấn đề của nhà phê bình. Có những nhà văn, nhà thơ sử dụng thủ pháp hậu hiện đại dù họ có thể chưa hoàn toàn viết với cảm thức hậu hiện đại.

Và cũng không ít người tự nhận tác phẩm mình là hậu hiện đại. Như mới đây nhà văn Nguyễn Đình Chính viết ngay trang bìa tác phẩm Online balô là “tiểu thuyết hậu hiện đại”.

– Đó cũng là việc của họ nữa. Tôi thì không cho đó là tiểu thuyết hậu hiện đại. Có khi còn phản hậu hiện đại nữa không chừng. Hậu hiện đại đâu phải cứ muốn gì thì viết. Hậu hiện đại không đồng nghĩa với lối viết phi nguyên tắc, văng mạng.

Bởi thế chăng mà khi anh đẩy họ vào nằm chung rọ hậu hiện đại, người ta nghĩ anh đang cổ xúy cho phong trào văn nghệ phi thực và không có hậu vận này nhằm lăng xê cho vài tên tuổi nào đó…

– Cổ xúy cho cái mới có gì là sai! Nhưng hậu hiện đại đâu cần tôi cổ xúy, nó là thực tế lù lù đấy chứ. Những Đinh Linh, Nguyễn Hoàng Nam, Hoàng Ngọc-Tuấn, Lý Đợi,… có cần ai lăng xê không? Tôi đã viết về hơn bảy mươi tác giả, trong đó gần hai mươi cây bút là hậu hiện đại trong cảm thức/ thủ pháp.

Mười tám người trong chuyên luận này, mỗi Trần Wũ Khang là thân và đồng tộc, còn lại đa số tôi chưa một lần biết mặt: Nguyễn Đăng Thường, Đỗ Kh., Lê Thị Thấm Vân, Nguyễn Tôn Hiệt, Chân Phương, Nguyễn Thế Hoàng Linh, Khế Iêm, Vũ Thành Sơn; có bạn một lần tạt qua nhà tôi ở Sài Gòn: Nguyễn Hoàng Nam; có bạn tôi được dịp ghé Hải Phòng ngủ qua đêm tán gẫu: Mai Văn Phấn; có bạn từng cà phê bia bọt vài bận: Nguyễn Hoàng Tranh, Như Huy, Đặng Thân, Đinh Linh, bên cạnh vài bạn quanh quẩn đụng nhau suốt quán cóc Sài Gòn, Ban Mê: Lý Đợi, Bùi Chát, Lê Vĩnh Tài.

Dẫu sao, văn chương nghệ thuật là hướng về cái đẹp. Khoảng thời gian khá dài ấy, người đọc vẫn chưa tìm ra tác phẩm hậu hiện đại nào thật hay, thật xuất sắc, anh nghĩ sao?

– Tôi thì nghĩ khác. Tôi có thể kể ra mươi tác phẩm văn xuôi đáng chú ý: Người ăn gió và quả chuông bay điMưa mặt nạ của Nhật Chiêu, Hậu sản của Lynh Bacardi, Gừng đi bỏ phiếu của Đỗ Kh., Em có gì bí mật, hãy mail cho anhCơn bấn loạn bằng phẳng của Nguyễn Viện, MA NET của Đặng Thân, Chuyện tình thời tạp kĩ của Lê Anh Hoài, Cái sân vuông và nơi thờ Phật của Lữ,… thậm chí có tập văn xuôi mang hơi hướng hậu hiện đại tôi cho là rất độc đáo: Luận ngữ tân thư của Phạm Lưu Vũ. Rồi các truyện ngắn hậu hiện đại đặc sắc của Hoàng Ngọc-Tuấn nữa…

Về thơ, tôi tự tin chọn ra trăm bài thơ hậu hiện đại “hay” của mười lăm tác giả xuất sắc. Bạn thử đọc qua Thơ Việt, từ hiện đại đến hậu hiện đại thì rõ.

Nhiều người vẫn không thấy chúng hay…

– Không sai. Nhưng đó không phải lỗi tại người viết hay độc giả, mà lỗi hệ thống. Đủ loại hệ thống trong cơ chế đóng. Bạn chưa trang bị tri thức mĩ học hậu hiện đại thì bạn khó có thể nhận biết tác phẩm hậu hiện đại hay/ dở thế nào. Hoặc nếu có trang bị đủ đầy, nhưng bạn không mang cảm thức hậu hiện đại thì bạn cũng không thể thưởng thức tác phẩm hậu hiện đại. Nó không thuần lệ thuộc vào tri thức mà chủ yếu vào tinh thần và mĩ cảm cá nhân.

Nhưng sáng tác hậu hiện đại đa phần hướng về phía tối, ngôn từ dung tục nên đã gây không ít phản cảm …

– Đó là bạn chưa có cái nhìn toàn diện và còn định kiến. Có tác phẩm hậu hiện đại “dơ, nhếch nhác” (Bùi Chát chẳng hạn) bên cạnh tác phẩm hậu hiện đại sang trọng (Nhật Chiêu là điển hình), có tập thơ “đen, phản diện” (Lý Đợi) bên cạnh tập văn xuôi mang màu sắc hậu hiện đại nhưng đẹp và cao cả (Lữ), có tác phẩm hậu hiện đại chuyên trị chuyện đời thường (Khúc Duy) nhưng cũng không ít tác phẩm hậu hiện đại suy tưởng vấn đề triết học và xã hội sâu thẳm (Nguyễn Tôn Hiệt, Như Huy),… Nhìn toàn diện như thế, chúng ta mới tránh được thái độ bất công với bất kì trào lưu văn học nào, nhất là trào lưu mới như hậu hiện đại.

Nhà trường không dạy chủ nghĩa hậu hiện đại, độc giả không được trang bị kiến thức tối thiểu về hậu hiện đại, thì làm sao họ có thể hiểu tác phẩm hậu hiện đại?

– Đấy chính là điều đáng buồn. Nhưng dẫu sao, để hiểu và thưởng thức tác phẩm hậu hiện đại không thuần thuộc vào kiến thức mà đầu tiên và nhất là, tâm thế người đón nhận và tâm thức hậu hiện đại. Không hiếm trường hợp dẫu có hiểu biết kha khá về hậu hiện đại nhưng vẫn không chấp nhận sáng tác thuộc trào lưu này. Không vấn đề gì cả!

Đại học kì thị, báo chí từ chối đăng sáng tác hậu hiện đại, hỏi làm sao văn chương hậu hiện đại có cơ may tồn tại và phát triển? Anh có đang đánh trận với cối xay gió không?

– Nó đã tồn tại như nó vẫn tồn tại từ hơn mươi năm nay. Vẫn ở ngoại biên như chính định mệnh của nó. Nhóm Mở Miệng lập nhà xuất bản Giấy Vụn để in thành sách các tác phẩm hậu hiện đại, các nhà văn hậu hiện đại khác đăng sáng tác trên mạng và in photocopy. Ít nhất cho đến nay đã có gần ba mươi tác phẩm có mặt dưới hình thức này. Chúng vẫn có cuộc sống của mình.

Theo anh, để thành nhà văn hậu hiện đại thì cần những yếu tố nào?

– Vấn đề này, tôi đã phân tích thấu đáo trong phần “Tổng luận” rồi (Tiểu mục: “Hiện đại và hậu hiện đại”, “Viết hậu hiện đại”), không phải nhắc lại. Hậu hiện đại không là chủ nghĩa nghệ thuật thuần túy, như tượng trưng hay siêu thực chẳng hạn, mà là trào lưu văn hóa mang tính toàn cầu, tác động rộng lớn đến nhiều mặt văn hóa xã hội. Là chủ nghĩa thuần túy, người viết có thể muốn hay không vận dụng thủ pháp của nó vào sáng tác; còn hậu hiện đại, phải mang đầy đủ cảm thức hậu hiện đại, bạn mới hi vọng có sáng tác hậu hiện đại đúng nghĩa. Và hay, dĩ nhiên. Ngược lại, bạn chỉ là kẻ học đòi. Tác phẩm bạn chết ngay khi mở mắt chào đời. Tôi cũng đã đọc phải vô số sáng tác “hậu hiện đại” như thế.

Nhưng dẫu sao đi nữa, tôi vẫn có cảm nhận hậu hiện đại như cái gì đó có tính phá hoại vô trách nhiệm…

– Đó là bạn đang đứng ở ngoài nhìn vào. Ngược lại là khác. Tính chất phi nghiêm cẩn unseriousness trong giọng điệu của đa số sáng tác hậu hiện đại dễ gây lầm tưởng về một bỡn cợt vô trách nhiệm của thế hệ hư vô chủ nghĩa mới. Thế nhưng, quay cận cảnh bề tối truyền thống văn hóa dân tộc không đồng nghĩa với phá hoại truyền thống văn hóa dân tộc, nhìn phản biện lịch sử không là chống phá lịch sử, giễu nhại đại tự sự thì khác cả vực thẳm với hủy hoại mọi loại đại tự sự mà là đặt đại tự sự vào thế chông chênh để chúng tự soi lại mình bằng gương soi khác, từ nhiều chiều và dưới nhiều góc độ. Tất cả là để cùng tự thức self consciousness trong chân trời của tự do sáng tạo trong thế giới toàn cầu hóa, ở đó mỗi cá nhân được thể hiện trọn vẹn mọi khả năng của mình. Nếu xem là phá hủy, thì đó phải là phá hủy theo tinh thần hậu hiện đại.

Có ý kiến cho rằng thơ nên chết đi, vì sự động đúc và nhảm nhí ngày một nhiều của nó, là một người quan tâm sâu sát đến đời sống của thơ, anh nói gì? (câu hỏi của Lý Đợi).

– Theo tôi, thơ và thái độ thơ cũ cần chết đi, chết đi cùng những nhảm nhí của thơ và nỗi đông đúc chen chân không lọt của nhà thơ. Thơ cần chết sớm đi để người đọc khỏi lo lắng về thân phận èo uột của nó, cần chết nhanh hơn để nhân dân khỏi tốn tiền của nuôi nó, nó cần chết ngay tức thì để hàng năm cả chục tấn giấy được dùng vào việc khác thiết thực hơn. Thơ cần chết đi để thế hệ thơ mới và loại thơ mới khai sinh.

Nhưng chúng đã chết cả rồi mà!

Tại sao phải cứ hiện đại với hậu hiện đại? Không có các chủ nghĩa, văn học Việt Nam không thể đẻ ra tác phẩm hay sao?

– Đó là nhìn nhận của bạn, cứ tạm để yên nó. Xin trích dẫn bài tổng luận cho Thơ Việt, từ hiện đại đến hậu hiện đại:

“Trong khí hậu tinh thần văn chương Việt Nam đương thời, khi đại bộ phận nhà thơ quẩn quanh vùng bản năng với sáng tác phi lí thuyết, thì việc đề cập đến các chủ nghĩa là cần; khi đa số phê bình mãi dừng lại ở phê bình ấn tượng đầy cảm tính, thì phần việc của phê bình lập biên bản là kéo nhận định đến sát thực với văn bản để đảm bảo tính khoa học hơn; khi số đông còn quan niệm tác giả – tác phẩm xuất hiện chính thống mới là văn chương, thì nhấn vào văn chương và nhà văn ngoại biên là nhằm đánh tan định kiến và mặc cảm tệ hại, qua đó mọi hình thức và trào lưu văn chương đề huề có mặt; khi văn học còn vướng kẹt, tù túng trong hệ mĩ học cũ, thì sự phá cách [và phá phách] phải được xiển dương trước nhất; và khi sự phá phách có nguy cơ dẫn đến hư vô chủ nghĩa, thì tinh thần hậu hiện đại đòi hỏi trách nhiệm công dân, tại đó tính thời sự trong sáng tác hậu hiện đại là một; cuối cùng khi những đầu óc bảo thủ còn nghi ngại sự mất gốc lai căn của hậu hiện đại, thì việc nêu bật những nét tương đồng giữa tính hậu hiện đại và truyền thống Việt Nam không phải là không cần thiết.

Tất cả chúng đều là phương tiện thiện xảo, như thể một quá độ thiết yếu”.

Theo tôi được biết, vẫn có rất nhiều bộ phận độc giả và nhà phê bình không thiện cảm với hậu hiện đại.

– Tôi không lấy làm lạ về hiện tượng này. Bao nhiêu hình dung từ tiêu cực đã đổ lên đầu hậu hiện đại. Không kể kẻ muốn bảo vệ quyền lợi, giữ vững ghế ngồi; cũng nên gạt qua bên người sáng tác mang tâm thế mặc cảm kì lạ là không muốn thấy thành tựu văn học của mình bị vượt qua. Sự dị ứng với hậu hiện đại này lỗi phần nào về phía “nhà” phê bình thủ cựu hay độc giả chưa tiếp nhận đủ đầy lí thuyết hậu hiện đại, nhưng theo tôi lỗi chính là từ người viết nhân danh hậu hiện đại hay nhà văn hậu hiện đại nóng vội trình làng sản phẩm còn non kém của mình với niềm tin rằng hễ đã “mới” là chắc chắn hay!

Không thiện cảm thì còn may, dễ dàng nhận thấy sự chống đối hậu hiện đại lồ lộ. Nhưng tôi chưa thấy ai phản đối chính lí thuyết hậu hiện đại, mà chỉ chống sự có mặt của nó. Sự chống này không biết mình đang làm gì. Tôi vừa viết xong chuyên luận tập hợp 18 khuôn mặt thơ hiện đại và hậu hiện đại Việt tiêu biểu. Hi vọng nó phần nào giải tỏa nỗi ấy.

“Thành kiến với cái mới”, không khéo vài nhà nghĩ rằng anh cho họ lạc hậu, từ đó càng thiếu thiện cảm với các nỗ lực của anh.

– Tôi không cho hậu hiện đại thì tiến bộ hơn hiện đại, tượng trưng thì lạc hậu so với cái gì đó. Ai dám bảo việc khám phá hoạt động vô thức của Freud và chủ nghĩa siêu thực thoát thai từ triết học đó là lạc hậu? Mỗi hệ thống triết học đều giúp con người phương cách mới để khám phá hiện thực, mỗi trường phái văn nghệ đều có thể hiến tặng cho nghệ sĩ một cách biểu hiện khác trong nghệ thuật. Chúng góp nhiều chiều nhìn để làm phong phú cuộc sống tinh thần của nhân loại. Thái độ cản trở sự hình thành và phát triển cái mới mới là lạc hậu và phản [chuyển] động.

Mươi năm qua, chính sự vận động của chủ nghĩa hậu hiện đại đã tạo nên sự sinh động và phong phú của văn chương tiếng Việt đương đại.

Anh nói giải trung tâm, nhưng trong 54 dân tộc ở Việt Nam, tiếng Việt vẫn là trung tâm. Và đại đa số nhà văn dân tộc thiểu số trong đó có Inrasara đang rời ngoại vi để hướng về trung tâm, sự thể này không là mâu thuẫn sao?

– Nhận định đó đúng với đại đa số nhà văn dân tộc thiểu số khác, nhưng không thể áp dụng với Inrasara. Tôi không hướng trung tâm rồi tan chảy vào nó mà là đi vào lòng trung tâm để làm cuộc giải trung tâm. Tôi vẫn sáng tác song ngữ, vẫn nghiên cứu văn học và ngôn ngữ dân tộc, vẫn đứng đầu gió chủ biên đặc san Tagalau. Tôi vẫn thường nói nhà văn hậu hiện đại là kẻ có thể theo dõi trào lưu triết học mới nhất trên thế giới đồng thời sẵn sàng đi vào làng quê vùng xa điều tra nạn mất cắp gà để hỗ trợ chính quyền địa phương giải trừ tệ nạn xã hội.

Chủ trương giải trung tâm không là một đại tự sự khác sao?

– Đó chính là điểm tế vi của hậu hiện đại. “Khi đã nhập lưu hậu hiện đại mà chỉ biết hậu hiện đại, ngoài ra không gì cả, là ta còn chưa thật sự LÀ hậu hiện đại”. Ở đây tôi có thể viện đến phép biện giải độc nhất vô nhị của nhà Phật: Phật thuyết giải trung tâm toàn triệt tức phi giải trung tâm toàn triệt thị danh giải trung tâm toàn triệt!

Xin được đặt câu hỏi mang tính riêng tư: Anh phải lòng hậu hiện đại từ bao giờ?

– Ngay từ tuổi tìm học (tuổi mười lăm), tôi hoàn toàn thở hơi thở của tư tưởng Krishnamurti, Phật giáo và Heidegger. Sau 30-4, sống ở quê nhà, tôi mù với bao biến động của triết học thế giới. Mãi văn hóa internet ra đời, đọc các bài lí luận – phê bình và dịch thuật của Nguyễn Hưng Quốc, Hoàng Ngọc-Tuấn, tôi mới lần tìm đến Lyotard, Derrida, Deleuze,… Và tâm thức tôi bùng vỡ. Hậu hiện đại lâu nay ngủ trong tôi, bỗng thức giấc.

“Núp bóng” Nguyễn Hưng Quốc, Hoàng Ngọc-Tuấn, anh không sợ mình lép vế sao? Tầm Inrasara đâu kém cạnh họ mà cứ phải thế?

– Khía cạnh này, tôi đi sau họ dăm năm, vậy thôi. Chẳng có gì gọi là lép cả! Họ từ giữa lòng hiện thực đời sống hậu hiện đại [những năm tám mươi], rèn luyện trong mĩ học hậu hiện đại, sau đó sáng tác và thuyết lí về hậu hiện đại mười năm sau đó. Từ đó, họ nhìn về thực tiễn văn chương Việt với cái nhìn phản biện bên cạnh nỗ lực khai mở một hướng đi khả dĩ, bằng nghiên cứu, dịch thuật, phê bình. Riêng Hoàng Ngọc-Tuấn còn tuyên bố đầy dự cảm rằng: “chẳng bao lâu nữa lối viết hậu hiện đại sẽ trở nên phổ biến ở Việt Nam” (báo Thế thao – văn hóa, 6-1-2004). Tôi ngược lại, từ thực tiễn sáng tác bước sang tư tưởng hậu hiện đại để làm phê bình hậu hiện đại.

Một câu nữa: Tại sao đang sáng tác ngon lành anh lại chuyển sang phê bình?

– Tôi muốn tìm hiểu tinh thần con người thời đại tôi sống. Sáng tác hậu hiện đại có nhiều thành tựu, nhưng tôi chưa thấy nhà phê bình nào ghi nhận và đánh giá nó. Đó là điều đáng tiếc. Thế là năm năm qua, tôi nhập cuộc. Ghi nhận, đánh giá và học hỏi. Bởi dẫu sao, tôi vẫn là người sáng tác.

Anh có thể nói khái quát nguyên nhân “xảy ra” Thơ Việt, từ hiện đại đến hậu hiện đại?

– Tôi yêu tiếng Việt, yêu thi sĩ mà tôi nghĩ họ đang sáng tạo. Hết mình và sẵn sàng trả giá cho sáng tạo. Các nỗ lực đó nếu không được ghi nhận thì đáng buồn biết bao. Dù nhà thơ có vẻ đang mất thế giá trong xã hội, hay cho dù văn chương chẳng là cái đinh gì cả giữa vũ trụ vô cùng, thiên địa du du. Thơ Việt, từ hiện đại đến hậu hiện đại làm cái chuyện không là gì cả nhưng cần thiết đó.

Thơ Việt, từ hiện đại đến hậu hiện đại gồm mười tám khuôn mặt thơ mà tôi nghĩ họ đại diện cho tiến trình. Không phải họ hay hơn mà là họ tiêu biểu hơn. Nhiều nhà thơ khác nổi tiếng, sáng giá nữa, nhưng đã không nằm trong hệ thống từ hiện đại đến hậu hiện đại, nên tạm vắng mặt. Cũng không ít nhà thơ trong con số 18 sáng tác nhiều loại thơ khác nhau bằng nhiều thủ pháp khác nhau, tôi không đề cập hết mà chỉ tách bạch nó ra để phụng sự cho chủ đề chuyên luận.

Thơ Việt, từ hiện đại đến hậu hiện đại không phân biệt tuổi tác, giới tính, thế hệ, vùng địa lí. Tôi cũng không ý định làm công tác mặt trận.

Tôi ủng hộ, cổ xúy mọi lí thuyết, các sáng tác theo trào lưu [mới]. Dù hiện đại, hậu hiện đại [không] chỉ là những chủ nghĩa, những từ; và cho dù trào lưu hậu hiện đại Việt chưa có thành tựu lớn có khả năng thuyết phục/ đánh gục độc giả khó tính, nhưng trong khí hậu văn chương hôm nay, nó là vấn đề cấp thiết. Cũng như Chưa đủ cô đơn cho sáng tạoSong thoại với cái mới, Thơ Việt, từ hiện đại đến hậu hiện đại là bước chuẩn bị cho khai mở một cõi miền tiên quyết của sáng tạo.

Sài Gòn, cuối tháng 2-2009

_________

Chú thích

Để giúp độc giả có cơ sở tham chiếu, tôi xin dẫn nguyên văn vài câu hỏi được ghi ra giấy trong buổi nói chuyện tại Khoa Sáng tác & Lí luận – phê bình vừa qua (người hỏi không ghi tên). Riêng câu hỏi trong buổi Cà phê giao lưu thì đã được thể hiện đầy đủ trong “Đối thoại”.

1. Chúng ta đang nói về hậu hiện đại. Nhưng chưa thấy nói rằng nó hay hay dở, đẹp, hay chưa đẹp. Hơn thế, hậu hiện đại là sản phẩm của văn hóa Tây phương. Việt Nam là một nước Á Đông, việc chấp nhận nó hay không có thể quy kết là lạc hậu hay là sự bảo vệ an toàn cho văn hóa. Khi mọi thứ tồn tại đều có lí, nhưng có lí chắc đã là hợp lí? Người ta yêu cái đẹp. Hậu hiện đại đã đẹp chưa?

2. Thơ hậu hiện đại, có nhiều hình thức thể hiện lạ, ngôn ngữ mới, thậm chí lập dị, có gì đó đột phá quá mới, quá lạ. Có lúc đọc nó, chính những người có tri thức, thông tuệ cũng bất ngờ, hoảng hốt trước cái quá mới, quá lạ của nó. Nhà thơ có nghĩ rằng, với cái quá mới, quá lạ, đôi khi quá xa với cảm thức thơ ca truyền thống ấy sẽ khiến cho thi đàn thiếu vắng đi phần lớn độc giả chưa đủ “trình độ” tiếp cận. Liệu rồi thơ cứ đi theo chiều hướng ấy? Rồi những người của thế hệ trước, những người ít học của thế hệ này, có thể hiểu được chúng? Như trước đây họ hiểu ngôn ngữ giản đơn của thơ ca dân gian, truyền thống?

3. Bên cạnh đó, ngôn ngữ hậu hiện đại của một số nhà thơ quá mạnh, đôi khi là thô tục. Nhà thơ có ngại sự “phô bày” đến “bóc trần”, “bóc trụi” như thế sẽ khiến cho nhiều người “phản cảm” với thẩm mĩ của thơ ca hậu hiện đại? Và hơn nữa, như vậy có thể bị coi là “thô thiển” hay không?

4. Nói như nhà thơ: Hậu hiện đại là “giải trung tâm”. Trong thiền định là quan sát tất cả sự biến đổi của tâm trạng. Vậy thì cái quan sát tâm trạng có phải là trung tâm hay không? Hậu hiện đại chủ trương “giải tán” sự chi phối đối với tự do sáng tạo. Vậy cái tự do sáng tạo ấy có thành trung tâm hay không? Và thâm chí khi đã giải được trung tâm thì cái “rỗng” có trở thành trung tâm hay không? Và như vậy các mâu thuẫn trên có thể thành phản hậu hiện đại hay không?

5. Việt Nam có trên 54 dân tộc, không có dân tộc trung tâm. Đây là một trong những tâm thế, không khí chuẩn bị cho hậu hiện đại. Nhưng thực ra: dân tộc Kinh giữ vị trí chủ đạo trong nền văn học ở Việt Nam. Ngôn ngữ của dân tộc này được xem là ngôn ngữ chuẩn. Thậm chí các sáng tác của những tác giả hậu hiện đại cũng viết bằng thức ngôn ngữ chuẩn ấy. Vậy điều nhà thơ nói ở trên có mâu thuẫn không?

6. Nói đến hậu hiện đại nhà thơ cũng như nhiều người nói đến cảm thức hậu hiện đại. Vậy nhà thơ có thể nói rõ hơn về cảm thức hậu hiện đại (một cách dễ hiểu nhất)

7. Nhà thơ nói hậu hiện đại là giải trung tâm à sự tự do trong sáng tạo (thoát khỏi khỏi ràng buộc của quan niệm đạo đức, truyền thống…) à có bao giờ con người có thể hoàn toàn thoát khỏi những ràng buộc đó? Nếu ko thoát khỏi được thì làm sao có thể nói là chúng ta có hậu hiện đại? Nếu có được sự tự do ấy thì liệu văn chương có “loạn” khi ai muốn viết gì thì viết.

8. Hiện nay tất cả đều đồng ý với lí thuyết “Văn chương là nghệ thuật ngôn từ” mà ngôn từ thuộc về ngôn ngữ. Trong khi người ta khẳng định ngôn ngữ là công cụ quan trọng nhất, không thể thay thế được trong giao tiếp và tư duy (kể cả tư duy nghệ thuật). Vậy các hình thức thơ hậu hiện đại như thị giác, hành động… có phải là sự tìm tòi mà biết trước đích đến là số không (chúng không thay thế được ngôn ngữ trong sáng tạo văn chương).

PHỤ LỤC

NỖI NIỀM HẬU HIỆN ĐẠI 1

Lập biên bản

Thơ Việt, từ hiện đại đến hậu hiện đại là một tiến trình. Tiến trình đó được ghi nhận bằng phương pháp phê bình tôi tạm gọi là phê bình lập biên bản. Lập biên bản nghĩa là phơi mở sự việc như nó là thế mà không áp đặt một lối nhìn nào bất kì, giữ nguyên hiện trường, tìm hiểu triết lí trên đó thơ nảy sinh… Diễn đạt bằng ngôn từ giản đơn nhất có thể các quan điểm sáng tác qua đối chứng với chính sáng tác phẩm của họ đặt trong tiến trình phát triển thơ Việt trong thời đại toàn cầu hóa. Nghĩa là phê bình không định kiến, không nhân danh, không từ hệ mĩ học này phê phán sáng tác thuộc hệ mĩ học khác.

18 & không hơn nữa

18 khuôn mặt thơ mà tôi nghĩ họ đại diện cho tiến trình. Không phải họ hay hơn mà là họ tiêu biểu hơn. Nhiều nhà thơ khác nổi tiếng, sáng giá nữa, nhưng đã không nằm trong hệ thống, nên tạm vắng mặt. Cũng không ít nhà thơ trong con số 18 sáng tác nhiều loại thơ khác nhau bằng nhiều thủ pháp khác nhau, tôi không đề cập hết mà chỉ cắt lát để phụng sự cho chủ đề chuyên luận.

Thơ Việt, từ hiện đại đến hậu hiện đại không phân biệt tuổi tác, giới tính, thế hệ, vùng địa lí. Tôi cũng không ý định làm công tác mặt trận.

3 & 24

Lẽ ra con số là 24 như dự định ban đầu, do tôi thiếu thông tin về 3; 3 còn lại họ từ chối nhập cuộc. Tôi tôn trọng sự chọn lựa đó, mặc dù với tư cách là nhà phê bình tôi có thể viết về họ mà không phải hỏi ý kiến, miễn là không tuyển thơ (để tránh vi phạm bản quyền). Đương nhiên, không mợ thì chợ kém vui đi… một ít.

Giải minh

Dù thư đi tin lại mang tính riêng tư, nhưng cũng cần đôi lời giải minh. Bạn không thích ngồi chung mâm với nhóm Mở Miệng thì xin miễn bàn. Bạn ban đầu khá nhiệt tình nhưng sau xin rút, bảo thơ mình không liên can gì đến tạp chí Thơ, tạp chí Việt, hay Bùi Giáng. Thật sự đến lúc này tôi cũng không hiểu ý của bạn. Có lẽ có vài ngộ nhận nhỏ nào đó ở góc khuất tâm linh nào đó. Riêng bạn không muốn dính dáng đến nhà nước, thì xin thông tin chung luôn thể. Thơ Việt, từ hiện đại đến hậu hiện đại sẽ được in trong nước nguyên văn. Nếu có đoạn nhận định bị cắt, nhà xuất bản sẽ ghi rõ chữ “kiểm duyệt” mấy chữ, mấy câu; còn bài thơ tuyển nào bị duyệt bỏ thì người tuyển không thay nó bằng bài khác mà đề tên chính bài đó, và cho đường link để độc giả tìm đến bài thơ.

Xa & lạ

18 người.

Mỗi Trần Wũ Khang là thân và đồng tộc, còn lại đa số tôi chưa một lần biết mặt: Nguyễn Đăng Thường, Ðỗ Kh., Lê Thị Thấm Vân, Nguyễn Tôn Hiệt, Chân Phương, Nguyễn Thế Hoàng Linh, Khế Iêm, Vũ Thành Sơn; có bạn một lần tạt qua nhà tôi ở Sài Gòn: Nguyễn Hoàng Nam; có bạn tôi được dịp ghé Hải Phòng ngủ qua đêm tán gẫu: Mai Văn Phấn; bạn từng cà phê bia bọt vài bận: Nguyễn Hoàng Tranh, Như Huy, Ðặng Thân, Ðinh Linh, bên cạnh vài bạn quanh quẩn đụng nhau suốt quán cóc Sài Gòn, Ban Mê: Lý Ðợi, Bùi Chát, Lê Vĩnh Tài.

Nỗi người

Hậu hiện đại nhập địa Việt Nam gặp nhiều dị ứng. Nhiều bài báo hoặc hồ nghi hoặc chống đối. Nhưng đa số chống đối sự du nhập hơn là phản đối chính lí thuyết hậu hiện đại. Hơn nữa, chống này dựa trên vài sáng tác không tiêu biểu trên nền tảng hiểu biết chưa đầy đủ hay thành kiến với cái mới, cái xa lạ. Thơ Việt, từ hiện đại đến hậu hiện đại hi vọng phần nào giải tỏa nỗi ấy.

Tại sao phải hiện đại, hậu hiện đại?

Trong khí hậu tinh thần văn chương Việt Nam đương thời, khi đại bộ phận nhà thơ quẩn quanh vùng bản năng với sáng tác phi lí thuyết, đề cập đến các chủ nghĩa là cần; khi phê bình mãi dừng lại ở phê bình ấn tượng đầy cảm tính, phần việc của phê bình lập biên bản là kéo nhận định đến sát thực với văn bản để đảm bảo tính khoa học hơn; khi số đông còn quan niệm tác giả – tác phẩm xuất hiện chính thống mới là văn chương, nhấn vào thơ và nhà thơ ngoại biên là nhằm đánh tan định kiến và mặc cảm tai hại; khi thơ ca còn vướng kẹt, tù túng trong hệ mĩ học cũ, sự phá cách [và phá phách] phải được xiển dương trước nhất; khi sự phá phách có nguy cơ dẫn đến hư vô chủ nghĩa, tinh thần chuyên luận kêu gọi trách nhiệm công dân, tại đó tính thời sự trong sáng tác hậu hiện đại là một; khi những đầu óc bảo thủ còn nghi ngại sự mất gốc lai căn của hậu hiện đại, Thơ Việt, từ hiện đại đến hậu hiện đại nêu bật những nét tương đồng với tính hậu hiện đại đã có mặt trong truyền thống phương Đông (Phật giáo, Krishnamurti…) và Việt Nam từ lâu lắm.

Tất cả chúng đều là phương tiện thiện xảo, như thể một quá độ nhất thời.

Chuẩn bị

Tôi ủng hộ, cổ xúy mọi lí thuyết, các sáng tác theo trào lưu [mới]. Dù hiện đại, hậu hiện đại [không] chỉ là những chủ nghĩa, những từ; và cho dù trào lưu hậu hiện đại Việt chưa có thành tựu lớn khả năng thuyết phục/ đánh gục độc giả khó tính, nhưng trong khí hậu văn chương hôm nay, nó là vấn đề cấp thiết. Cũng như Chưa đủ cô đơn cho sáng tạoSong thoại với cái mới, Thơ Việt, từ hiện đại đến hậu hiện đại là bước chuẩn bị cho khai mở một cõi miền tiên quyết của sáng tạo.

Phê bình & sáng tạo

Tôi là người sáng tác nhưng lại đi làm phê bình, là điều cực chẳng đã. Tôi tháo gỡ nỗi này bằng coi phê bình là một sáng tác, sáng tác kiểu khác. Làm vậy lắm khi còn là một lợi thế nữa, biết đâu chừng. Bởi sáng tạo, nên mỗi tác giả tôi tiếp cận mỗi cách khác nhau, bài viết được thể hiện khác nhau.

Chủ quan & thiếu sót

Viết bằng tình yêu nên khó tránh thiên lệch; coi phê bình như là sáng tác thì không thể không chủ quan, thiếu khuyết. Vài người đã chỉ ra trước và sau khi bài được đăng trên Tienve.org. Tôi xin cảm ơn và sẽ xem xét lại các ý kiến phản hồi đó.

Thế hệ mới

Dự định phần 3 là phần cuối của Thơ Việt, từ hiện đại đến hậu hiện đại, tôi sẽ dành một chương cho thế hệ mới. Nhưng thế thì phí quá. Bởi tôi thấy thế hệ này nảy ra nhiều khuôn mặt sáng giá, cần được đối xử trân trọng hơn. Tôi không biện biệt thế hệ qua tuổi tác mà bằng thời điểm tác phẩm xuất hiện. Ví như thơ cụ thể của Lê Văn Tài, ngày càng cuốn hút tôi kì lạ gọi mời nhiều diễn giải lí thú, nếu chỉ dành một đoạn như ở bài tổng luận thì chả bõ. Hay Khánh Phương làm thơ muộn, muộn và chậm nữa, nhưng đây là một giọng thơ lạ, độc đáo. Nguyễn Vĩnh Nguyên, Lê Nghĩa Quang Tuấn, Trúc-Ty, Gyảng Anh Yên, Thục Linh, Bỉm, Nguyễn Thị Thúy Quỳnh, Thạch Trung Tuệ Nguyên, Nhã Thuyên, Jalau Anưk, Phạm Thị Điệp Giang, Phan Thị Vàng Anh, Lê Hưng Tiến, Ðỗ Trí Vương, Tú Trinh… nữa. Vân vân. Hi vọng sẽ gặp nhau ở dịp khác vậy.

Cảm tạ

Viết Thơ Việt, từ hiện đại đến hậu hiện đại, tôi nhận được nhiều động viên từ các bạn văn nghệ và bằng hữu; tôi cũng đã được cung cấp tài liệu và thông tin quý từ các nhà thơ, nhà văn – người có tên trong Thơ Việt, từ hiện đại đến hậu hiện đại và cả những người yêu văn học ở ngoài cuộc. Tôi xin nói lời cảm ơn đến tất cả. Cuối cùng, tôi cảm ơn Ban biên tập website Tienve.org đã giúp sửa chữa các lỗi bản thảo, tìm và bổ sung phần chú thích và kịp thời đưa bài viết đến với độc giả.

NỖI NIM HU HIN ĐẠI 2

1. Về chuyến xe thơ khởi động đầy hứa hẹn Thơ đến từ đâu? do Nguyễn Đức Tùng cầm lái trên Talawas, Inrasara được hân hạnh ngồi ghế số 2; đến khi xe cập bến Việt Nam đầy bão táp thì tất cả hành khách được phân lô theo trật tự abc để tránh chen lấn. Khá đáo để. Khách lên bờ (mãi sau, NĐT bảo do gửi nhầm địa chỉ, nên tôi không nhận được thư, do đó tôi hoàn toàn không biết tình hình gì trong thời gian sách in), dòm lại thấy có mòn hao vài sợi tóc bạc:

“[bài thơ thích nhất là] Gia tài của Nguyễn Hoàng Nam và bài Khóc Văn Cao của Bùi Chát” rơi mất đâu chữ “Bùi”, thành ra mỗi “Chát”; còn “nhóm Mở Miệng” thì còn lại thành: nhóm MM” (nỗi này người biên tập đã xin lỗi chung về “viết tắt”).

Thế thôi, với tôi vậy là ổn. Phần tôi không vấn đề gì để kêu ca. Chỉ tiếc ví mà biết trước, chắc tôi nhờ anh thay hình mới chứ không là tấm ảnh đầy phong độ chộp từ hơn chục năm trước, để tránh tiếng với đời là cái ông rọm tới nơi mà còn… đoảng.

2. Ở một bài liên quan, Nguyễn Quốc Chánh viết:

“Vì không thể bẽn lẽn thêm nữa nên tôi đã phải từ chối cái rẹt lời rủ rê cố đấm ăn xôi (Inrasara nhấn mạnh) của ông Inrasara trong cuốn Thơ hậu hiện đại gì đó được hứa là sẽ xuất bản chính thức…”

Quả thật, tôi không hiểu nổi tác giả muốn ám trỏ nỗi gì. Không hiểu, nên thử dò la manh mối.

Thơ Việt – từ hiện đại đến hậu hiện đại của Inrasara thì khác cả trời biển với Thơ đến t đâu? của Nguyễn Đức Tùng từ cách làm đến mục đích.

Mục đích: Ý hướng tìm hiểu tâm hồn người Việt, tôi chọn thơ Việt hôm nay làm đối tượng. Thơ Việt đương đại trong đó có Thơ Việt – từ hiện đại đến hậu hiện đại gồm ba phần: Tổng luận – Phê bình – Tuyển thơ, nhấn ở hai khoản trước, tuyển thơ là để minh họa.

Cách làm: Nếu Thơ đến t đâu? thuộc thể loại phỏng vấn cần hiệp lực tác chiến từ hai bên mới ra hình hài, thì Thơ Việt đương đại lại khác: Người làm phê bình có thể phê bình mà không cần hỏi í kiến tác giả. Chỉ vì công cuộc có tuyển thơ (liên quan đến bản quyền), và để bổ khuyết tư liệu, nên tôi mới liên hệ với tác giả. Danh sách 78 người gồm đủ khuynh hướng, tôi đều có “Thư mời chung” (nhưng gửi thư điện tử đến từng địa chỉ một), ở đó bảy vị từ chối vì lắm lí do, bằng nhiều thái độ khác nhau.

Gặp trường hợp này, tôi có “Thư riêng” giải minh. Qua giải minh, ba người vui vẻ nhập cuộc chịu chơi, bốn còn lại giữ vững lập trường. NQC rơi vào con số 4 này. Tôi đã một lần nói rõ sự vụ ở Tin V:

“Bạn không thích ngồi chung mâm với nhóm Mở Miệng thì xin miễn bàn. Bạn ban đầu khá nhiệt tình nhưng sau xin rút, bảo thơ mình không liên can gì đến tạp chí Thơ, tạp chí Vit, hay Bùi Giáng. Thật sự đến lúc này tôi cũng không hiểu ý của bạn. Có lẽ có vài ngộ nhận nhỏ nào đó ở góc khuất tâm linh nào đó. Riêng bạn không muốn dính dáng đến nhà nước…”[1]; bạn nữa dứt khoát “bác không thể nhét tôi nằm chung với đám phản động này được”.

Tôi tôn trọng chọn lựa của các bạn và đã nói lời cám ơn, rất mực văn minh phong vận.

Vậy thôi, không gì khác.

Tôi chưa bao giờ gửi thư mời lần thứ hai cho tác giả nào bất kì. Tánh tôi từ thuở mẹ đẻ đã thế, đồng bào nào không tin cứ về làng thổ cẩm Caklaing đất nắng Phan Rang hỏi ông anh ruột tôi là nông dân-thi sĩ Phú Đạm thì biết ngay! Mười hai năm trải qua ba cơ quan Nhà nước khác nhau cho đến khi làm nhà văn tự do vào tuổi tứ thập, đố bà con nhìn thấy đơn xin việc của tôi.

In ấn: Sống ở Việt Nam, viết sách, tôi in “trong nước” Việt Nam – là vấn đề chả cần bàn. Ồ, ví mà có nhà xuất bản ngoại quốc nào đó hợp đồng in chúng thì sướng rên. Toàn bộ chữ nghĩa ấy, trong đó có nghiên cứu – phê bình phục dịch cho Thơ Việt đương đại đều đã đưa lên Tiền Vệ, Inrasara.com… Rồi khi làm bản thảo, tôi giao cho nhà xuất bản và Công ty Sách lo liệu tất tần tật. Bảy tác phẩm khác của tôi cũng thế, có cái ba năm vẫn chưa nghe nó oe oe chào đời, tôi cũng không nửa lần hỏi han hay trăn trở chuyện ngoài lề, rằng nó có vấn đề gì không, hay tôi có phải chung chi không? Ừ, nếu có nhà nào ì thì tôi ì lại, bởi đơn giản tôi chưa biết tới khái niệm “văn hóa chạy” là gì.

3. Tóm lại:

Song thoại vi cái mi (NXB Hội Nhà văn, H., 2008) sau 15 tháng chờ, Ban biên tập không bỏ một câu hay nửa dòng, ngoài duy nhất chữ “nhà xuất bản” trong “nhà xuất bản Giấy Vụn”;

Tôi không đòi hỏi mình phải được dành ghế ngồi ở Thơ đến t đâu? Nhập cuộc văn chương, tôi chưa từ chối cuộc phỏng vấn nào bất cứ, từ Tin V, Talawas, BBC cho đến Thiếu nhi dân tc… ; cũng không chê bai hay ưỡn ngực về tuyển nào bất kì, từ tuyển thơ CLB thơ tỉnh lẻ, dân tộc thiểu số cho chí “tinh tuyển” thơ “cấp quốc tế”, tôi đều vô tư, vô vị lợi và vui vẻ. Còn nếu có ai dùng phỏng vấn hay tuyển đó vào mục đích nào đó thì hết thuộc vòng kiểm soát của tôi rồi;

Tôi càng chưa hề năn nỉ hay “cố đấm” mời cho kì được ai ngồi vào chiếu Thơ Việt đương đại; do vậy nếu vị nào mong giải quyết khâu oai với tôi ở khoản này thì nên đi chỗ khác chơi là vừa.

4. Tạp chí Hn Vit do Mai Quốc Liên tổng biên tập, số 6, 12-2007, Vũ Hồng Ngự (?) sau khi mang bài thơ “Lỗ thủng lịch sử” của Nguyễn Hữu Hồng Minh ra “đánh”, đã chỉ [điểm] đích danh tôi mà quy kết:

“Nhưng tuyên bố như ông Inrasara, người luôn cổ vũ, tuyên truyền cho các dòng thơ phá phách “hậu hiện đại” này (…) thì là phi lịch sử và nhất là ẩn đằng sau những lời lẽ cổ vũ ấy là những hàm ý sâu xa hơn, thách thức hơn, kích động hơn (Inrasara nhấn mạnh), không khó nhận thấy.”

Trong lúc tôi chưa nửa lần bàn tới bài thơ trên ở bất kì đâu. Là chuyện tôi không hiểu nổi!

Một nhà phê bình ở phía bên này đã vậy, đành vậy. Đó là sự việc của hai năm cũ. Hôm nay, một nhà thơ ở phía khác ôm mang tâm sân hận đẩu đâu giận cá ải ai xách con dao tạt qua chém thớt nhà Inrasara tôi, thì hơi bị… trật. Ơn trời, may mà hụt, nếu không, nhỡ tôi nổi hứng ba gai quay lại tặng anh một thụi, hỏi anh biết đàng nào mà rờ đây. Buồn [và] cười vậy đó!

Bảy năm nghiên cứu thơ Việt mà tôi tạm gọi là “phê bình lập biên bản”[2] với mục đích “tìm hiểu tâm hồn Việt”, đến nay có thể khẳng định mà không sợ sai là: Tôi chưa hiểu gì cả.

5. Tuổi 15, khi tôi đang ngồi năm cuối Trung học đệ nhất cấp, Paul Mus đã khiến tôi kinh hồn khi phán rằng văn học Chăm có thể chỉ tóm gọn trong hai chục trang sách, nghĩa là chả có gì đáng nói. Thế là tôi đi và tìm, “từ bàn chân trần trắng, từ con số không, từ con số âm – có lẽ”, để 25 năm sau cho ra Văn học Chăm, khái luận – văn tuyển (3 tập). Tác phẩm được nhà xuất bản in ngay, và cũng ngay sau đó tôi nhận nắm xôi 1.000 francs của CHCPI khá thơm tho.

Rồi sau bảy năm nhập làng chữ nghĩa Việt, khi nhận thấy thơ đổi mới đã qua ải từ lâu mà chẳng có nhà phê bình nào làm quyết toán; thơ hậu hiện đại đi gần hết chặng đường dài với bao thành tích mà vẫn chưa ai lập danh sách ghi công; thơ của các cây bút mới đang làm cuộc bứt phá ngoạn mục vài năm qua cũng thế, nói chi thơ dân tộc thiểu số mãi chịu phận hẩm hiu dù nó không thiếu món “đậm đà”, thế là tôi xắn ống quần vào cuộc.

Thơ Việt đương đại sau năm năm lặn lội tạm kết thúc:

Thơ đổi mi, mt khi đầu mi: 12 vị;

Thơ Việt, t hin đại đến hu hin đại: 17 tác giả;

Thơ DTTS Việt Nam, t mt hướng nhìn động: 10 người; và

Các khuôn mặt mi: 15 nhà (và còn hứa hẹn)[3]

Một cái Tết đi qua, thêm cái nữa sắp tới mà tất cả vẫn còn ngồi hít bụi nơi cửa xuất bản[4] nói chi người viết có miếng xôi nhuận bút cầm tay, chỉ thỉnh thoảng nghe tiếng bấc chì ném qua lại lộp bộp, ở đó vài cái miểng có văng tới phía mình. Đôi lúc buồn – “muốn gầm một tiếng tan u uất” hay tủi – toan học đòi bác Bàng Giúi “giã từ cõi mộng điêu linh/ anh về buôn bán với mình phôi pha”. Nhưng nghĩ lại, thôi thì cứ nếp nhà ông Inrasara thuở Chuyn 40 năm mới k & 18 bài thơ tân hình thức (NXB Hội Nhà văn, 2006) mà trì trì:

Không bên lề

không trung tâm

tôi trú trên đường biên

Không ngoài luồng

không chánh lưu

sống như thể không đường biên

ng chng có gì trm trng c

mỗi các ông c dng chòi

mỗi các ông c có mt như một biên gii.

Sài Gòn, 10-12-2009

_________________________

[1] Xem thêm: “Nỗi niềm hậu hiện đại — Thay lời kết”, đã đăng trên Tiền V.

[2] Xem Inrasara, “Thơ Việt sau hậu hiện đại & Phê bình mở”, Tổng luận 15 khuôn mặt thơ mới:

“Thời đại toàn cầu hóa mà văn học Việt Nam vẫn đóng, hoặc có mở nhưng chỉ he hé. Sáng tạo văn chương đã mở với trào lưu sáng tác hậu hiện đại, nhưng lối tiếp cận và lối đọc văn chương ta vẫn cứ đóng. Đóng, cả ở phía phê bình. Phê bình nhìn tác phẩm văn chương như là một sản phẩm chết đã đành, nó còn í đồ loại bỏ thứ văn chương không hợp khẩu vị, khác với hệ mĩ học truyền thống, đi chệch khỏi quan điểm sáng tác của mình ra khỏi đời sống văn học. Hầu hết sáng tác hậu hiện đại Việt cùng với hàng trăm tác phẩm xuất bản không chính thống chưa được hân hạnh có mặt trong đời sống phê bình văn học thời gian qua, xuất phát từ tinh thần chối bỏ hẹp hòi ấy. Phê bình lập biên bản có mặt để giải quyết vấn đề khúc mắc đó.

Lập biên bản có nghĩa là chấp nhận mọi hiện tượng văn chương xảy ra trong thời đại ta đang sống. Bày nó ra như nó là thế, tìm hiểu triết lí trên đó thơ văn đó nảy sinh… Các quan điểm sáng tác ấy chưa hẳn đã cùng lối nghĩ của tôi hay tôi đã đồng tình hoàn toàn với nó, nhưng tôi cố gắng nhìn nhận nó như nó là thế (…).

Bất kì hiện tượng văn học nào tồn tại đều có lí do của nó. Tìm hiểu tinh thần con người thời đại thì không thể bỏ rơi chúng, miệt thị chúng. Tôi không cho phong trào văn chương thời thượng nào đó thì tiên tiến hơn cái có trước, không cho hậu hiện đại tiến bộ hơn hiện đại, tượng trưng lạc hậu so với siêu thực. Mỗi trường phái văn nghệ đều có thể hiến tặng cho nghệ sĩ một cách biểu hiện khác. Chúng góp nhiều chiều nhìn để làm phong phú cuộc sống tinh thần nhân loại. Nhìn văn học trong tiến trình và biến trình của nó – từ một tác giả, một nhóm tác giả cho đến một trào lưu – là cái nhìn khả dĩ hơn cả. Chỉ có thái độ và hành vi cản trở sự hình thành và phát triển cái mới mới là lạc hậu và phản [chuyển] động. Tôi chống lại nó”.

[3] Lí là thế, tình thì như vầy:

“Tôi yêu tiếng Việt, yêu các thi sĩ mà tôi nghĩ họ đang sáng tạo. Hết mình và sẵn sàng trả giá cho sáng tạo. Các nỗ lực đó nếu không được ghi nhận thì đáng buồn biết bao. Dù nhà thơ có vẻ đang mất thế giá trong xã hội, hay cho dù văn chương chẳng là cái đinh gì cả giữa vũ trụ vô cùng, thiên địa du du. Thơ Việt – từ hiện đại đến hậu hiện đại làm cái chuyện không là gì cả nhưng cần thiết đó” (Xem: “Nỗi niềm hậu hiện đại — Thay lời kết”).

[4] Mươi năm qua đa phần nhà xuất bản Nhà nước chỉ đóng vai bán giấy phép, các Nhà sách hay Công ty tư nhân thì thấy có lợi nhuận hay để đánh bóng danh tiếng, mới in (đương nhiên rồi); còn tôi thì – ngoài thơ – không ý định bỏ tiền ra để in tác phẩm mình, nên việc các cuốn sách này không mở mắt được hoàn toàn chưa hẳn vì chúng có vấn đề gì đó. Đến hôm nay nếu người viết còn mang ý đồ ăn theo “có vấn đề gì đó” để nổ thì rất ngớ ngẩn, nó chỉ có thể lừa được bộ phận độc giả nhẹ dạ mà thôi.

Comments are closed.