Thomas Stearns Eliot, nhà cách tân thơ đầu thế kỷ XX (kỳ 2)

Howard Gardner

Hoàng Hưng dịch

Những toan tính mới về cuộc sống

Với dữ kiện là những cảm giác mạnh mẽ về sự tha hoá của Eliot và việc anh đi tìm một sự cân bằng dễ chịu hơn, thì quyết định làm một chuyến du hành châu Âu sau khi tốt nghiệp là điều không tránh khỏi. Eliot đến nước Pháp trước, ở đó anh tìm bắt không khí của Laforgue: “Cái loại thơ tôi cần để dạy tôi sử dụng giọng nói của riêng mình không hề có ở nước Anh; nó chỉ tìm được ở Pháp”. Eliot đi dự những buổi nói chuyện của các học giả Pháp như Henri Bergson và Émile Durkheim và thấy mình đặc biệt bị lôi cuốn bởi những quan điểm bảo thủ của Charles Maurras, một gương mặt giống như Irving Babbitt, con người tự gọi mình là người công giáo, cổ điển, và quân chủ. Eliot đánh bạn với một số thanh niên Pháp, đáng kể nhất là nhà tiểu thuyết tương lai Alain-Fournier (Henri-Alban Fournier) và một sinh viên y khoa-kiêm-nhà văn tên là Jean Verdenal, Eliot trở thành thân thiết với người này và cái chết của anh ta trong Thế chiến thứ Nhất đã tỏ ra đặc biệt chấn thương cho Eliot.

Chàng Eliot du khách ở Paris dường như đã không hạnh phúc bằng chàng Eliot sinh viên ở Boston; anh lại bị sốc bởi sự tương phản giữa những salon trí thức, sự tiên phong trong nghệ thuật với sự nghèo khổ dơ bẩn của đường phố. Nhưng những lá thư gửi về nhà chỉ ra rằng, giống như những nghệ sĩ trẻ có tài khác, anh đang chìm đắm khá sâu trong thông tin và các ấn tượng. Anh cũng đi ít nhất một chuyến tới London, thăm nước Đức, và, mùa hè năm 1911, anh hoàn tất một phác thảo của bài thơ quan trọng đầu tiên, “Bản tình ca của J. Alfred Prufrock”.

Eliot xem xét việc ở lại nước ngoài và tìm cách sống sót như một nhà thơ, nhưng cuối cùng anh quyết định trở về Harvard vào năm 1911 và bắt đầu học tiếp chương trình tiến sĩ triết. Giờ đây nhìn lại, ta có thể thấy thời kỳ này là một quãng nghỉ, thậm chí là sự thụt lùi, khi Eliot một lần nữa lại thực hiện những trông đợi của một gia đình đầy tham vọng, bảo thủ và hướng về một nghề nghiệp ổn định. Thực vậy, Eliot đã nói về “những hoảng loạn hằng đêm” đáng sợ mà mình đã trải nghiệm trong khi cư trú ở châu Âu. Nhưng đó cũng là thời gian Eliot tiếp tục giả định trong tâm trí mình những lựa chọn sống khác nhau, những triết lý cá nhân và những phương thức biểu đạt chính mình. Anh theo những khoá học với Bertrand Russell, người đã coi anh như một sinh viên thầm lặng làm dáng với sự uể oải hay joie de vivre [niềm vui sống]. Anh học chữ Phạn, đọc các kinh sách Ấn giáo và Phật giáo, và tiếp tục làm thơ; theo thuật ngữ của nhà phân tâm học Erik Erikson thì Eliot đang thử nghiệm vô số căn cước và giọng nói khác nhau. Như để làm rõ sự bất định này, tuồng chữ viết của anh thực sự thay đổi nhiều lần trong thời kỳ này.

Sau khi tốt nghiệp đại học, Eliot chìm đắm vào những trang viết của triết gia đương thời người Anh, F.H. Bradley, người đã khai thác mối quan hệ giữa vẻ ngoài và thực tế, trải nghiệm và sự thật, trải nghiệm chủ quan và sự thật khách quan. Những câu hỏi triết học lưu niên này lôi cuốn Eliot, và cuối cùng anh tìm cách xử lý chúng trong thơ của chính mình và những bài viết khác. Không rõ là những giải đáp thực sự của Bradley có gây ấn tượng cho Eliot, nhưng những sự nhạy cảm của hai người là trùng hợp. Eliot chia sẻ với Bradley hứng thú với các nghi lễ và vai trò của trật tự trong sự tồn tại của chính mình, sự thu hút bởi trải nghiệm chủ quan, hứng thú với việc hợp nhất những niềm tin bất hoà, và sự không tin ở trí khôn “mang tính khái niệm”. Chủ điểm bình luận – “Trải nghiệm và các mục tiêu của tri thức trong triết học F.H. Bradley” – đã cho Eliot cơ hội xem xét một vấn đề đặc biệt quan trọng với anh: “một thời khắc thấu thị ngắn ngủi điên rồ và những cách diễn giải mâu thuẫn về nó”. Có lẽ Bradley là triết gia duy nhất tiếp tục nổi tiếng bên ngoài giới chuyên gia do tình cờ là chủ đề luận văn của một nhà thơ hàng đầu.

Eliot dường như đã có phần hạnh phúc hơn khi là một sinh viên cao học so với khi là sinh viên đại học, và anh được khoa triết Harvard đánh giá cao, trong nhiều năm các thành viên khoa này thúc giục anh gia nhập hàng ngũ của họ. Nhưng chẳng bao lâu trước khi nổ ra Thế chiến thứ Nhất, Eliot quay về London và cuối cùng ở lại châu Âu gần 20 năm. Từ chối đời sống đại học miền thôn dã, anh tuyên bố: “Người ta tự ý thức nhiều hơn biết bao khi sống ở một đô thị lớn”. Vào thời gian này, anh bằng lòng sống cuộc đời của kẻ bên lề: anh đã chấp nhận thân phận nhà văn và tự cam kết sẽ thành công ở những bến bờ ngoại quốc.

Hai nhà thơ hợp sức

Phải hết sức tự tin, chàng trai trẻ Eliot mới dám rời bỏ cuộc sống của một người Mỹ dễ chịu và một triết gia hứa hẹn để toan tính cái nghề nghệ sĩ ở nước ngoài. Đặc biệt là Hoa Kỳ vẫn được nhìn từ Paris và London như một vũng ao tù, ít thành tựu đáng kể về nghệ thuật. Chỉ có một cá nhân khác thường nhất, như nhà văn Henry James đã thành công khi tự bứng mình sang châu Âu; và sau nửa thế kỷ, ông vẫn cảm thấy ở đó mình là kẻ ngoài cuộc.

Nhưng Eliot đã có một kẻ đi trước từ năm 1908, một nhà thơ trẻ người Mỹ từ Idaho có thiên bẩm, tên là Ezra Pound. Là một tính cách mạnh mẽ và gây tranh cãi, Pound đã tự mình gây ấn tượng đối với các giới văn chương Anh bởi nhân cách cũng như năm tập thơ đã xuất bản của mình. Gặp anh chàng Eliot chưa có sách xuất bản vào tháng Chín năm 1914, Pound lập tức trở nên nhiệt tình với đối tác là chàng trai trẻ đào tạo tại Harvard này. Ông viết cho Hariett Monroe, biên tập viên tạp chí Poetry [Thơ], rằng “Prufrock” là bài thơ hay nhất mình đã thấy từ một người Mỹ, và nói với nhà văn H.L. Mencken rằng Eliot là “người thông minh cuối cùng tôi tìm thấy”. Như Eliot nhớ lại: “Năm 1914 việc gặp gỡ Ezra Pound đã thay đổi đời tôi. Ông ta đã nhiệt tình với các bài thơ của tôi và cho tôi lời khen ngợi và sự khuyến khích mà từ lâu tôi không còn hy vọng nhận được”. Hai con người, tương tự về lý lịch mặc dù tính khí khác nhau, nhanh chóng trở thành bạn thân.

Nhiều năm sau đó, Eliot, Pound và nhà văn kiêm hoạ sĩ Wyndham Lewis hợp sức để cổ động những hình thức biểu đạt mới bằng tiếng Anh. Theo Eliot thì sự cách tân như thế là cần thiết vô cùng; nghệ thuật của thời đại đang mang tính lãng mạn và tuyên truyền một cách vô vọng. Sau này ông bình luận rằng “tình trạng thơ vào năm 1909 hay 1910 là tù đọng đến độ khó cho bất kỳ nhà thơ trẻ nào của ngày hôm nay tưởng tượng nổi”. Các chàng thiểu số này học hỏi lẫn nhau về kỹ thuật, chẳng hạn, Eliot chịu ảnh hưởng của Pound về sự gián tiếp, phân mảnh và sự xếp liền kề đầy bất ngờ.

Họ cũng là cái phao tâm lý của nhau. Sự ủng hộ của Pound đối với Eliot là đặc biệt quan trọng. Có tính chiến đấu hơn nhiều so với Eliot, Pound đã giới thiệu anh và những trang viết của anh tới một diện rộng các cá nhân cả ở Anh lẫn Hoa Kỳ. Ông như một loại đại lý và nhà tổ chức biểu diễn, tiến cử sự nghiệp của Eliot cho mọi người nghe, thậm chí bảo vệ tư cách lưu vong của Eliot trước gia đình anh. Hoàn toàn có khả năng là, không có Pound thì Eliot sẽ không ở lại nước Anh, thực hiện việc chuyển từ triết học sang thơ, cưới người vợ đầu, gặp đại diện xuất bản Quinn, hay xuất bản thơ ở Mỹ.

Ta có thể tự hỏi một cách chính đáng tại sao các vần thơ của một người Mỹ từng chịu ảnh hưởng chủ yếu của thơ tượng trưng Pháp lại có thể gây hứng thú cho công chúng văn chương Anh? Theo tôi, sự thay đổi nhất định đang diễn ra trong thế giới phương Tây vào thời đó được thấy ít hơn bên trong đảo quốc Anh so với bất kỳ nơi nào khác. Những đế quốc lớn của TK 19 đang tan vỡ; sự đồng thuận mang tinh thần tự do, theo đó một tầng lớp quý tộc được khai sáng cùng nhau làm việc vì lợi ích rộng lớn của xã hội, đã tan biến; sự khác biệt giữa các tầng lớp xã hội trở nên nhức nhói và thành chuyện hơn; sự dơ bẩn của đời sống đô thị, không những không chỉ là căn bệnh nhất thời của việc kỹ nghệ hoá, mà giờ đây được coi như thường trực; và những hình thức tôn giáo và những hệ ý thức được chấp nhận đang bị phá hoại, ngay cả khi nhu cầu về chúng được cảm thấy càng khẩn thiết hơn bao giờ hết.

Các dấu hiệu của những vấn đề trên và những khuynh hướng gãy đổ khác đã bắt đầu nổi lên trong các hình thức nghệ thuật vào khúc quanh của thế kỷ. Các tác giả tiểu thuyết như Émile Zola ở Pháp hay Theodore Dreiser ở Hoa Kỳ tìm cách thể hiện những thăng trầm của thời đại mình; các hoạ sĩ như Picasso và Braque ở Pháp đã phối hợp những hình thức nghệ thuật cao và thấp; các nhà soạn nhạc như Strauss, Schonberg và Stravinsky đã mỗi người một cách bác bỏ những hình thức an ủi lãng mạn của TK 19. Nhưng ở nước Anh, những khuynh hướng trên có phần ít rõ hơn, thì thơ của Alfred, Lord Tennyson và Rudyard Kipling, tiểu thuyết của George Eliot và Thomas Hardy, và các tác phẩm của những nhà soạn nhạc có chiều hướng hàn lâm như Edward Elgar, các hoạ sĩ như Walter Sickert, vẫn giữ được ảnh hưởng.

Đời sống văn học đầu TK 20 ở nước Anh đi đến chỗ chịu ảnh hưởng – thậm chí áp đảo – bởi những cá nhân không phải người Anh – James Joyce, William Butler Yeats, và George Bernard Shaw tất cả đều từ Ireland; Joseph Conrad từ Ba Lan; và Eliot với Pound từ Hoa Kỳ. Những cá nhân này đã là bậc thầy về ngôn ngữ, nhưng có lẽ vì họ chủ yếu là người nước ngoài, nên đã làm nổi bật những khuynh hướng ít quan trọng hơn đối với những người đã coi những tiêu chuẩn của thời đại Victoria là đương nhiên. Chắc chắn là, ngay cả nếu không có những các nhân bên lề ấy, các hình thức nghệ thuật Anh cũng vẫn thay đổi; sau hết, nhà cách mạng Virginia Woolf, là người mang dòng máu Anh (dù có lẽ, một cách đáng kể, ông không phải người Anh). Nhưng những nhà văn bên lề, không phải người bản xứ, đã giúp các hình thức nghệ thuật thay đổi nhanh hơn và cũng đặt lên chúng một dấu ấn quốc tế.

CHỨNG CỨ CỦA THIÊN BẨM THI SĨ

Bài thơ buổi đầu của Eliot “Bản tình ca của J. Alfred Prufrock” là một đóng góp quan trọng cho sự hiện đại hoá văn chương tiếng Anh. Cái tên phi lý của nhân vật, đi với cái nhãn lãng mạn của một bản tình ca, lập tức ghi dấu bài thơ như một tác phẩm thơ đi qua những sự bất tương hợp. Một đề từ, một điệp khúc về những cá nhân “nói về Michelangelo”, và những lời nói về Hamlet, Lazarus, một khách Bộ hành vĩnh cửu, và thằng Khùng, cho thấy người nói là một kẻ có những năng lực cảm nhận giàu kiến thức, với nghệ sĩ tính cao. Những tiếng lóng nói về những khách sạn rẻ tiền một đêm, những nhà hàng mùn cưa, một điểm hói giữa tóc, tay chân mảnh dẻ, váy quét lê trên sàn, và những đường may viền của áo liền quần là dấu hiệu của một tác giả thoải mái (hay khổ sở) y như nhau đối với đời sống và ngôn từ đường phố, phòng hoà nhạc và quán rượu bia.

Thì hãy đi thôi, tôi với bạn

Khi chiều hôm giăng toả bầu trời

Như người bệnh chịu thuốc mê trên bàn mổ

Khi đọc dòng mở đầu gây chú ý này, ta lập tức gặp một tiếng thơ có thể thoải mái đặt liền kề nhau những yếu tố xa nhau nhất; một hoàng hôn lãng mạn với một người bệnh hôn mê. Cặp dòng thơ gây bất ngờ này trở lại suốt trong bài thơ: những cuộc chuyện trò giữa những câu hỏi tràn ngập; lúc gặp và giết người; đến và đi và nói chuyện với Michelangelo; đo đếm cuộc đời bằng muỗng cà phê; hành động táo bạo… ăn một trái đào, khuấy tung vũ trụ; bóp vũ trụ thành một trái banh; một cái đầu hơi hói được mang đến trên chiếc đĩa thức ăn. Tất nhiên, cặp dòng thơ kia không chỉ bộc lộ những sự xếp liền kề lạ lùng trên thế giới; chúng cũng gợi lên những cảm nhận kỳ lạ của một cá nhân bị sốc vì những sự bất tương hợp như thế.

Bài thơ cũng nói về những sự bất tương hợp ở một trình độ ý niệm hơn: nhân vật ngay lập tức ở vào tâm điểm của bài thơ và rời khỏi thế giới tầm thường của mình; những tiếng nói thay đổi, trẻ trung, trung niên, và già nua; căn cước cũng mang những yếu tố nam và nữ ngang nhau, cũng như một cuộc sống hành động và ngưng nghỉ trong sự tê liệt. Vần thơ thay đổi từ nhịp và vần thông thường đến những dấu chấm lửng tình cờ và dòng thơ ngắn bất ngờ. Những tâm trạng tức thời được thể hiện, như cách chuyển tải sự phân mảnh của thế giới, nhiều thế giới cùng tồn tại khiến nhà thơ trẻ bất an. Một tinh thần tự trào và mỉa mai kiểu Laforgue lan toả và thống nhất cả bài thơ.

“Prufrock” và một bài thơ ban đầu cùng loại “Chân dung một Quí bà”, đã thông báo Eliot là nhà thơ trẻ có thiên bẩm. Phần lớn các nhà thơ làm thơ khi còn rất trẻ, và Eliot cũng làm thơ mà chưa xuất bản ngay ở tuổi thiếu niên. Thường thì thứ thơ ban đầu này có ít giá trị tự thân, mặc dù trong trường hợp Eliot, như đã nói, nó bộc lộ một kho từ vựng đáng nể, một phác hoạ về giọng điệu và hình thức, một tính hài hước hứa hẹn, và sự quan tâm đến những đề tài cái chết, sự mất mát, và sự trôi qua của thời gian. Tuy nhiên, trong buổi thiếu thời, hay sau đó ít lâu, thường có sự vọt trào nhanh chóng: trong vòng vài năm ngắn ngủi, nhà thơ khám phá ra một giọng nói rõ rệt – hay, trong trường hợp Eliot, một tổng thể các giọng rõ rệt. Như đã xảy ra một cách đáng lưu ý nhất với John Keats, giọng của Eliot kết hợp cái triết lý với cái nôm na; anh có năng lực nói về những đề tài triết lý trong khi bao bọc chúng với ngôn ngữ và hình tượng của đời sống ngày thường.

Eliot không hề chắc chắn rằng mình vẫn muốn là kẻ phát ngôn của Prufrock hay người quan sát “Quý bà”. Một phần con người anh thăm dò tư cách tác giả với tiếng Pháp, thể hiện các cảnh tượng của Paris qua những đoạn thơ bốn dòng chặt chẽ bằng tiếng Pháp. Tác phẩm ban đầu của anh cũng bao gồm những thử nghiệm với kịch kiểu Elizabeth, xây dựng hình ảnh kiểu bí truyền, châm biếm thẳng thừng, cũng như khai thác những đề tài tôn giáo. Trong thư từ gửi bạn bè, anh phác hoạ những vở kịch thơ cũng như những thứ thơ giễu nhại rẻ tiền. (Những phiên bản thử nghiệm dưới hình thức thư từ dễ dãi này còn tiếp tục suốt đời). Ngay từ sớm, Eliot đã thể hiện năng khiếu nhại kỳ diệu, và anh thấy rất dễ nhại các lối văn khác nhau. Anh cũng viết những văn bản triết học nghiêm túc, những bài nghiên cứu và một luận văn dài, và có những thời kỳ anh không có bài thơ nào hết.

Thực sự, trong khi thừa nhận rằng “Prufrock” có giá trị, Eliot cũng không vội vã xuất bản nó và có thể cũng không hề xuất bản nó ít ra trong một thời gian, nếu không vì Aiken và Pound thúc giục; anh thú nhận rằng theo kiểu nào đó nó có vẻ như khúc ca thiên nga [trước khi chết] của mình. Tuy có thể rõ ràng là đã thành đạt trong mắt mọi người, Eliot vẫn chưa chắc chắn mình muốn trở thành cái gì, hay thành ai. Mãi mãi là con người bên lề, anh hiếm khi thể hiện sự tự tin rõ rệt như Freud, Einstein và Picasso thời trẻ.

Định cư ở châu Âu

Khi Đại chiến bắt đầu, Eliot cảm thấy hơn bao giờ hết rằng tương lai của mình nằm ở châu Âu. Từ chối học năm thứ hai theo một học bổng của Harvard cho du học sinh, anh chọn việc thử sống ở vùng London với nghề dạy học và viết văn.

Cho đến lúc này, Eliot thực sự chưa hề có trải nghiệm tính dục hay đời sống tình ái. Như anh thú nhận trong một bức thư gửi Conrad Aiken: “Đôi khi tôi nghĩ rằng sẽ tốt hơn nếu mình đã từ bỏ tình trạng trai tân và sự e thẹn từ nhiều năm trước; và thực sự đôi khi tôi vẫn nghĩ rằng làm thế trước khi cưới vợ thì cũng hay”. Nhưng vào năm 1915, vài tháng sau khi gặp Pound, con người truyền nghị lực, anh gặp một cô gái người Anh thông minh, giàu sức sống, gây ấn tượng, ngây thơ và nhạy cảm tên là Vivien Haigh-Wood. Tom và Vivien phải lòng nhau và cưới nhau ngay.

Đã có nhiều giai thoại về cuộc hôn nhân lần thứ nhất của Eliot (ngay cả trong Tom và Viv, một vở kịch mới đây ở London), xét về mọi mặt thì rất độc đáo, thậm chí bi thảm, bất hạnh. Rõ ràng sự lôi cuốn ban đầu là giữa hai mặt đối lập: chàng trai tân người Mỹ giàu suy tư, ẩn dật, có học thức và cực kỳ hướng nội với cô gái Anh sống động, thích vui đùa, ăn vận táo bạo, từng trải hơn về tình trường. Họ tất phải xem những tính cách và ước vọng của mình là bổ khuyết cho nhau, coi mỗi người là một giải pháp cho những mối lo và thất bại của người kia. Mặc dù họ vật lộn trong gần hai năm để cho cuộc hôn nhân suôn sẻ, nhưng rõ ràng nó không bao giờ tiến triển. Bertrand Russell, người đã biết và thích Eliot trong mấy năm và có vẻ như đã có tằng tịu ít lâu với Vivien trong những năm đầu của cuộc hôn nhân, đã diễn giải như sau: ông tin rằng Eliot đã cưới Vivien với hy vọng được khuyến khích bởi cuộc hôn nhân, nhưng sớm khám phá ra rằng việc này chỉ đơn giản là không thể. Rõ ràng Eliot đã không thoải mái trong tình trạng tính dục của mình, mặc dù không có chứng cứ thuyết phục cho thấy anh có khuynh hướng đồng tính đáng kể.

Ngay sau đám cưới, rõ ràng Vivien đã thường xuyên bị yếu mệt. Vài triệu chứng mang tính thể chất rõ ràng (xưng mặt, rối loạn tuyến yên, viêm màng phổi, đau cột sống), nhưng cô cũng bị rối loạn đáng kể về thần kinh, và hoàn toàn có thể cũng có vài yếu tố căng thẳng về tâm thần và hysteria. Dường như cô đã rất yếu mệt, tuy vậy vẫn có thể làm tổn thương anh chồng cực kỳ nhạy cảm bằng những nhận xét của mình. Ít ra trên bề mặt, Eliot đã là một người chăm sóc vợ khá tốt, chú tâm đến những rối loạn của cô, thể hiện sự quan tâm đáng kể về tình trạng của cô và luôn chung thuỷ. Song cùng lúc, anh đau khổ sâu xa vì sự bất tương hợp của hai người, anh thú nhận ngay sau hôn lễ: “Tôi đã sống đủ chất liệu cho những bài thơ dài trong sáu tháng qua”. Bản thân Eliot đã trở nên ngày càng bất an, cuối cùng thì suy sụp vào những tháng ngay trước khi viết Đất hoang. Điều chưa xác định là mức độ mà sự rối loạn thần kinh của mỗi người góp phần vào những khó khăn của người kia – liệu mỗi người có làm cho người kia phát điên vì việc làm hay lời nói của mình hay không.

Trong một thời gian ngắn, Eliot tìm cách theo đuổi cuộc sống điển hình của người nghệ sĩ trẻ, ban ngày dạy học và ban đêm thì viết lách. Mọi chỉ dấu đều cho thấy, anh đã là một ông thầy tận tuỵ và hiệu quả, được học trò đánh giá cao. Tuy nhiên, một lần nữa, Eliot lại rời bỏ. Anh quyết định làm việc cho một ngân hàng, và, trước sự ngạc nhiên của mọi người và của chính anh, anh thấy rằng mình thích công việc không có gì là nghệ sĩ này. Eliot vui vẻ chơi với các con số, gia nhập lề lối lặp đi lặp lại của công việc bàn giấy, và ăn vận cũng như làm tròn vai trò của một nhà quản lý chuyên nghiệp. Có lẽ không đáng ngạc nhiên, nếu xét về dòng dõi, khi Eliot chứng tỏ là anh tinh thông việc này và cuối cùng đã được trao cho trách nhiệm ghê gớm là giải quyết những món nợ của cuộc chiến tranh.

photograph of Ezra H. Pound

Ezra Pound, người biên tập thơ của Eliot thời đầu.

Comments are closed.