Thương ngàn & Thương người

Nguyễn Hoài Nam

image

Vĩnh Quyền là một nhà báo kỳ cựu, một cây phóng sự, bút ký xuất sắc của báo Lao Động, tờ báo vốn nổi danh trong làng báo Việt Nam về thể loại này. Ông đồng thời là một nhà văn luôn nỗ lực tự đổi mới nghệ thuật trong và qua các sáng tác văn chương đa dạng của mình. Tính cho đến nay, nhà văn Vĩnh Quyền đã là tác giả của trên hai mươi tập tản văn, bút ký, truyện ngắn và tiểu thuyết gây được nhiều quan tâm của độc giả. Ông vừa cho ra mắt tác phẩm mới nhất, tiểu thuyết có tên “Thương ngàn” (NXB Trẻ, 2023).

1. Rút gọn

“Thương ngàn” được kể bắt đầu từ ngôi thứ nhất số ít, với nhân vật người kể chuyện xưng Tôi, một người đàn ông Huế ham đọc, ham chơi, một kẻ nghiện rừng, “đã có hơn mười năm lang bạt nơi các cánh rừng thâm nghiêm từ Tây Nguyên đến miền Trung”. Và ở thời điểm của truyện kể, Tôi đang trong rừng, tham gia một dự án phục hồi rừng nguyên sinh miền tây tỉnh Quảng Nam. Ở đây, Tôi cộng tác và trở thành bạn thân với một già làng Katu, người sẽ kể cho anh nghe, bên bếp lửa nhà sàn, một câu chuyện bi thương khởi nguồn từ tập tục săn máu cúng Giàng rất cổ xưa của người Katu. Ở đây, một cách ngẫu nhiên, Tôi bắt gặp một bản chúc thư viết bằng chữ Nôm của một di thần triều Tây Sơn, vì trốn triều Nguyễn tầm nã nên đã chạy đến nương thân dưới chân đỉnh Zi’lieng thần thánh của người Katu, và lập thệ đời đời bất hợp tác với nhà Nguyễn. Ở đây, sau vài dè dặt ban đầu, Tôi được một cộng sự trong dự án phục hồi rừng kể chuyện đời của anh ta, một kẻ cũng nghiện rừng và từng dấn mình vào sự kiện cháy rừng khốc hại nhất trong lịch sử nước Úc, “Black Summer”, từ tháng 9 năm 2019 đến tháng 3 năm 2020.

Ngoài ra, còn có câu chuyện của chính Tôi, được kể lại từ những hồi ức về gia đình, và kể lại dưới dạng một bức thư gửi cho vợ, một cuộc tự phẫu tâm hồn chân thành và đau đớn mà Tôi gọi là một “đối thoại độc thoại”. Và không thể không nói đến câu chuyện được “kể” từ chính những ghi nhận tức thời của Tôi về một vụ lở núi trong thảm họa Rào Trăng kinh thiên động địa ở miền Trung Việt Nam vào mùa đông năm 2020. Nghĩa là, trong tiểu thuyết “Thương ngàn” của Vĩnh Quyền có rất nhiều câu chuyện, được kể lại dưới nhiều hình thức. Có những câu chuyện được đặt cạnh những câu chuyện. Có những câu chuyện nối tiếp những câu chuyện. Có những câu chuyện cuộn kén trong lòng những câu chuyện. Nói một cách khác, ở tác phẩm này, như nối tiếp cái mạch tiểu thuyết đã khởi đi từ các tác phẩm trước đó: “Mảnh vỡ của mảnh vỡ”, và nhất là “Trong vô tận”, nhà văn Vĩnh Quyền đã thể hiện một nỗ lực làm mới nghệ thuật tự sự của mình, cho chính mình, bằng những hình thức rất gần với điều mà các nhà tự sự học thường gọi là “siêu hư cấu”, hoặc “siêu tiểu thuyết”.

“Thương ngàn”, nhan đề tác phẩm của Vĩnh Quyền, nghĩa là thương rừng. Ý nghĩa cốt tủy của cuốn tiểu thuyết đã nằm ở chính nhan đề của nó. Thương ngàn, thương cho rừng bị tàn phá, thương cho tự nhiên bị hủy diệt bởi lòng tham và sự ngu dốt của con người, thương cho con người vì lòng tham và sự ngu dốt nên đã phải hứng chịu những hậu quả khốc liệt của sự mất cân bằng sinh thái và biến đổi khí hậu. Đào sâu nữa, thương ngàn còn là thương cho cái thiên tính, “tính tự nhiên”, trong bản chất tâm hồn của con người đã trở nên khô cằn, chai sạn, lệch lạc, méo mó, vì bị đủ thứ định kiến nhân vi ngụy tạo chồng lấp, ăn mòn. Theo ý nghĩa này, tiểu thuyết “Thương ngàn” của Vĩnh Quyền xứng đáng được xem như là một trong những tiếng kêu tha thiết và thống thiết nhất của văn chương sinh thái ở Việt Nam, từ trước đến nay.

2. Mở rộng

Rút gọn tác phẩm thì là như vậy. Nhưng làm vậy, “Thương ngàn” sẽ chỉ còn đọng lại thành đúng một tiếng kêu thương, một ký hiệu biểu đạt cho nỗi đau tự nhiên và nỗi đau con người trong cảnh thế giới tự nhiên bị tàn phá, bị hủy diệt đến kiệt cùng. Trong khi văn bản của tác phẩm tiểu thuyết này vốn dung chứa nhiều hơn thế, những đa dạng đa tạp của đời sống xã hội và đời sống trong lòng người, những suy nghĩ gợi mở về con đường văn chương của một nhà văn, và có thể, của nhiều nhà văn khác.

Trước hết, nói về văn chương sinh thái. Thật ra văn chương Việt Nam, từ thời cổ trung đại đến cận, hiện đại và đương đại đã hình thành một truyền thống yêu thiên nhiên, khao khát tìm đến và hòa mình vào thiên nhiên, trò chuyện với thiên nhiên, và có khi hóa thân vào thiên nhiên để từ đó cất lên tiếng nói của trời cao, biển rộng, rừng núi, ruộng đồng, chim muông, cỏ cây, hoa lá, vạt nắng, cơn mưa… Điều đó xuất hiện nhiều trong thơ của Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương thời trung đại; của Nguyễn Bính, Xuân Diệu, Huy Cận, Hàn Mặc Tử thời hiện đại; rồi trong bài ký “Trò chuyện với cây xanh” của Nguyễn Minh Châu, trong tiểu thuyết “Rừng động” của Mạc Phi, trong truyện ngắn “Muối của rừng” của Nguyễn Huy Thiệp, hay trong truyện vừa “Cánh đồng bất tận” của Nguyễn Ngọc Tư, v.v. Nhưng đó không/ chưa phải là văn chương sinh thái đích thực. (Và vì thế, gần như mọi diễn giải về văn chương sinh thái qua/ bằng những tác phẩm này, rốt cuộc chỉ là những nỗ lực áp lý thuyết phê bình sinh thái từ phương Tây vào văn chương Việt Nam theo các cách ít nhiều gượng gạo, dẫu có thừa nhiệt tình thành thật. Hệ quả là, sự thực hành phê bình sinh thái trên những đối tượng văn chương ấy hiện ra cứ như một sự… đánh tráo cái tên, ví dụ, từ “Thiên nhiên trong thơ Nguyễn Trãi” thành “Thơ Nguyễn Trãi từ góc nhìn sinh thái”, với vài thuật ngữ chuyên môn thêm vào, là xong). Không khó để nhận thấy ở các tác giả tác phẩm kể trên, dù có nói nhiều bao nhiêu và bộc lộ niềm yêu thiên nhiên tha thiết đến nhường nào, thì thiên nhiên vẫn chỉ là thiên nhiên của một cảm quan “con người trung tâm luận” mà thôi. Con người là cái rốn của vũ trụ và là chủ tể của muôn vật muôn sự trong tự nhiên. Con người có quyền năng trên tất cả, từ quyền năng hưởng dụng tùy thích đến quyền năng lấy mình ra làm kiểu mẫu của muôn loài, “bóp” hình ảnh của thế giới tự nhiên theo cảm xúc, cảm giác nhất thời của mình (Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ – Nguyễn Du). Trong khi đó, để có thể khẳng định là văn chương sinh thái, mối quan hệ, tương tác giữa con người với tự nhiên trong văn chương ấy phải được thay đổi triệt để. Nó phải được đặt trong cảm quan “tự nhiên trung tâm luận”, như một nhận định của Sylvia A. Earle: “Phần còn lại của thế giới tự nhiên có thể tồn tại mà không có chúng ta, nhưng chúng ta không thể tồn tại mà thiếu phần còn lại của thế giới tự nhiên”, mà Vĩnh Quyền đã lấy làm đề từ cho tiểu thuyết “Thương ngàn”.

Dĩ nhiên, chỉ một đề từ này không đủ để làm nên “Thương ngàn” như một tác phẩm văn chương sinh thái đích thực (nhà văn vẫn có thể tuyên ngôn một đằng nhưng viết lại thành ra một nẻo khác). Mà bởi, toàn bộ cuốn tiểu thuyết, từ cái cảm hứng lớn nhất, mạnh nhất, đến những sự kiện và chi tiết tế vi của nó, đều hướng tới và là hiện thể cho một thế giới chỉ có thể tồn tại bền vững khi con người xác tín và thực hiện được mối quan hệ cộng sinh hài hòa bình đẳng với tự nhiên. Tự nhiên có những quy luật và những trật tự của tự nhiên – “văn hóa của tự nhiên”, có thể nói như vậy – và con người cần phải học để biết tôn trọng những quy luật, những trật tự ấy. Không gian nghệ thuật chủ yếu trong “Thương ngàn” là rừng, rừng Trường Sơn – Tây Nguyên, vốn hùng vĩ nguyên sinh nhưng bị hủy diệt tàn bạo, nơi nhà văn có lẽ đã tích lũy được khối kinh nghiệm thực địa đủ lớn và sự suy ngẫm đủ sâu để hình thành cảm quan “tự nhiên trung tâm luận” của mình. Trong không gian ấy, và trong câu chuyện của nhân vật người kể chuyện xưng Tôi, ít nhất đã có hai vụ lở núi – khi Tôi đang trên đường về huyện cùng già Koong, và khi Tôi đang trong chuyến khảo sát cùng Kiên – cả hai đều có nguyên nhân chính là từ lòng tham và sự ngu dốt của con người. Nhưng cũng trong không gian ấy, có khi chỉ cần một vài chi tiết nhỏ cũng đủ tạo sự thấm thía về mối quan hệ và ứng xử cần thiết giữa con người với tự nhiên. Ví như lời nhắc của già Koong khi thấy Tôi âu yếm bế chú khỉ hoang Kiki: “Nếu mày còn ý định trả nó cho rừng thì đừng tiếp tục coi nó như bé con. Thân thiện với con người không giúp nó sinh tồn trong hoang dã đâu”. Hay như câu chuyện Kiên kể lại cho Tôi nghe về chuyến khảo sát loài sói đỏ, “sói hoàng hôn” Tây Nguyên, mà anh thực hiện cùng Katy, nhà động vật học người Úc: khi nghe tiếng tru dài hào sảng của sói đỏ, con chó cái của họ “run bắn, rít nhắng rồi phóng vụt theo mùi đực”, Kiên định lao theo, thì Katy níu lại, khẩn thiết: “Để chúng tự do”.

Như vậy, hiểu biết “văn hóa của tự nhiên” để không can thiệp thô bạo vào các quá trình tự nhiên, chính là một khía cạnh thể hiện cảm quan “tự nhiên trung tâm luận” của Vĩnh Quyền trong tiểu thuyết “Thương ngàn”. Và điều đó không chỉ xảy ra trong tự nhiên, trong không gian rừng Trường Sơn – Tây Nguyên, mà nó còn xảy ra trong những không gian đẫm mùi người, không gian của đô thị Huế, Sài Gòn, và cả nước Mỹ xa xôi. Theo dòng hồi ức của nhân vật người kể chuyện xưng Tôi, độc giả được dịch chuyển từ rừng xanh của cao nguyên trung phần Việt Nam sang nước Mỹ, nơi Tôi tái ngộ vợ mình sau mười năm xa cách. Tái ngộ cũng chỉ để nhận ra rằng mọi việc đã khác, “Nồng ấm ấy không nuôi được lâu, nguội dần theo ngày”, và xét cho cùng thì Tôi là loài thảo mộc không thích hợp để bám rễ vào thổ nhưỡng đời sống nước Mỹ. Vì thế Tôi nhanh chóng trở về nước, sau khi đã để lại cho người vợ một bức thư mà Tôi gọi là “độc thoại qua đối thoại”. Từ cái “độc thoại qua đối thoại” ấy của Tôi, hiện lên hình ảnh một gia tộc, có thể là cự tộc, ở Huế, với những người đàn ông và những người phụ nữ Huế đặc biệt: vừa sang trọng, lễ giáo chỉn chu, vừa ngầm ẩn một tinh thần phóng túng, kiêu hãnh, kiêu hãnh ngay trong cái vẻ cam chịu bí ẩn nào đó. Ở dòng hồi ức về gia đình xuất hiện chi tiết hai cây hoa đỗ quyên: từ rừng Bạch Mã chúng được cha Tôi bứng về trồng trong vườn nhà, rồi từ vườn nhà chúng lại được ông mang trả về rừng Bạch Mã, bên con thác đẫm sương, bởi một sự thức nhận mà ông nội Tôi gián tiếp chia sẻ: “Cái gì thuộc nơi nào hãy trả về nơi đó”. Có thể nói, đó là “trật tự tự nhiên của tự nhiên”, và đó cũng là “trật tự tự nhiên của văn hóa” mà con người cần học, và biết để tuân thủ cho đúng. Điều này sẽ góp soi sáng phần nào cái khoảng tối, lặng trong mối tình lỡ dở của ông nội Tôi, trong đời sống vợ chồng nhiều bí ẩn của cha mẹ Tôi, và trong cả cái quyết định của Tôi: về nước, chấm dứt đời di trú bên Mỹ dưới mái nhà vợ. Ấy là bởi Tôi đồng thuận với cái dự cảm mà Vy, vợ Tôi, một nhà thiên văn học, đã viết trong bài báo khoa học về “một vũ trụ nở rộng theo thời gian, ngày càng tối hơn, lạnh lẽo cô đơn hơn, mỗi hành tinh trở nên xa vắng hơn với những hành tinh khác từng cuốn hút nhau, để cuối cùng là viễn cảnh băng giá toàn trị”. Ấy là trật tự của tự nhiên mà con người, chủ thể của văn hóa, phải chấp nhận, không nên và cũng không thể cưỡng lại được.

Tư tưởng về “trật tự tự nhiên của tự nhiên” và “trật tự tự nhiên của văn hóa” còn lan thấm các câu chuyện khác trong tiểu thuyết “Thương ngàn”: câu chuyện về tập tục săn máu cúng Giàng của người Katu mà già Koong kể cho Tôi nghe, và câu chuyện từ bức chúc thư của một cô trung triều Tây Sơn đã ẩn thân hàng chục năm dưới chân núi thiêng Zi’lieng. Trong câu chuyện săn máu, cô gái người Katu xé rào tabou của tộc người để cứu mạng kẻ thù, chàng trai người Kinh đã hạ sát người cô yêu, nhưng sau cùng cô không theo chàng về xuôi, mà vẫn ở lại rừng, trốn sự truy đuổi ở trong rừng, bởi vì đó là trật tự tự nhiên: rừng mới chính là nơi cô có cuộc sống và cái chết thực sự. Còn câu chuyện về bức chúc thư: rốt cuộc nó còn có một phần phụ lục do cháu nội của cô trung triều Tây Sơn viết, nói về việc anh ta bước qua lời nguyền gia tộc để ứng chiếu Cần vương của vua Hàm Nghi. Không gì khác, đó là trật tự tự nhiên của văn hóa, khi chủ nghĩa dân tộc trỗi dậy, chiếm thế ưu thắng, đẩy những nguyên tắc gia tộc xuống hàng thứ yếu.

Trong tiểu thuyết “Thương ngàn”, ở những câu chuyện ngoài câu chuyện do Tôi kể, người đọc nhận thấy hồi quang của đề tài lịch sử và truyện đường rừng mà nhà văn Vĩnh Quyền từng viết trước đó, rất sớm, khi ông khởi nghiệp văn. Nhưng tất cả đều trở nên mới mẻ hơn bởi được nhúng trong cảm quan “tự nhiên trung tâm luận”, trong sự lo lắng về sinh thái, một trong những mối bận tâm mang tính toàn cầu của con người đương đại. Vẫn có ở đây một kiểu nhân vật đàn ông Huế vừa nghiêm cẩn gia phong, lại vừa lãng tử phóng khoáng. Nhưng đàn ông Huế ấy còn thêm phần thâm trầm mới mẻ khi dấn thân vào tự nhiên để suy tư về “ký ức tương lai” qua hình ảnh cây lim xanh già cỗi độc trọi trên triền núi, một dấu chỉ mà Trường Sơn nguyên sinh để lại giữa đời. Chính những điều đó, ở bề rộng, đã làm nên cái ổn cố và cái lưu chuyển trong văn chương hư cấu của Nguyễn Phúc Vĩnh Quyền.

Comments are closed.