Tự Lực văn đoàn – Văn học và cách mạng (15)

Thụy Khuê

Trại Cẩm Giàng

Phần II

Bảy anh chị em Nguyễn Tường

Sở dĩ tiểu thuyết Tự Lực văn đoàn có hấp lực lớn lao với độc giả, vì, ngoài tài năng của các nhà văn, còn có sự hậu thuẫn bằng chất liệu lấy ra từ chính đại gia đình họ: ở Khái Hưng là một gia đình quyền quý, đa thê, mẹ ghẻ, con chồng. Và ở Nhất Linh là nhà nghèo, các con phải tự học để lập thân, là bi kịch mẹ chồng nàng dâu, trọng nam khinh nữ và sự phân chia giai cấp trong chính gia đình ông.

Vì vậy, tìm hiểu gia đình Nguyễn Tường cũng là một cách tìm hiểu cuộc đấu tranh quyết liệt của Tự Lực văn đoàn để thay đổi những xấu xa trong xã hội, xuất phát từ gia đình, trong tác phẩm văn học.

Gia đình Nguyễn Tường có bảy anh chị em.

1- Nguyễn Tường Thụy, con cả, sinh năm 1903, tại Cẩm Giàng. Sau khi đậu bằng Cao tiểu (tức Cao đẳng Tiểu học hay bằng Thành chung, tương đương với bằng Trung Học sau này), ông phải đi dạy học để giúp đỡ mẹ nuôi các em. Ông Thụy được mẹ cưới vợ năm 1926.

Nguyễn Tường Bách, người em út viết về người anh cả:

"Nhà đông anh em, anh là người từ lúc còn trẻ đã phải ra làm giáo viên để chia đỡ gánh nặng trong gia đình, đã góp phần cung dưỡng các em ăn học thành người. Nhất là đối với tôi, anh là người giúp đỡ nhiều nhất. Tôi ở với anh mấy năm, trong khi tôi học tiểu học tại huyện Thư Trì (…) nhờ sự dạy dỗ và săn sóc của anh (…). Ở Thư Trì anh xung đột với viên tri huyện, không chịu làm trái, để chiều lòng tay này. Khi cãi nhau, anh nói độp vào mặt hắn: "Thằng đếch nào cũng chẳng làm gì được thằng nào…” và chẳng bao lâu sau, anh bị nha Học chính đổi đi Bắc Cạn.

Trong thời gian này, người vợ đầu tiên của anh ở lại Hà Nội, lúc sinh con đầu lòng đẻ khó đã chết cả mẹ lẫn con [theo Nguyễn Thị Thế, thì con chết ba tháng sau mẹ] trong khi anh còn ở xa trên mạn ngược. Lúc anh về được đến nhà thì chị Cả đã được chôn cất xong rồi. Tuy còn bé nhưng tôi cũng cảm thấy anh đau thương vô hạn. Tôi hết sức đồng tình với anh, nhất là vì trong nhà bất hoà với tấn kịch mẹ chồng nàng dâu bi đát. Hình như là chị đã mang cả cái oan ức xuống suối vàng, người chị dâu hiền lành ít nói của tôi. Lúc còn sống chị chỉ biết ngậm ngùi một mình."[1]

Đây là bi kịch đầu tiên trong gia đình được Nguyễn Tường Bách ghi lại trên giấy: Sự xung đột mẹ chồng nàng dâu. Sẽ được Nhất Linh tiểu thuyết hoá trong Đoạn tuyệt sau này.

"Trong cuốn nhật ký của anh, ngẫu nhiên tôi đọc được mấy hàng chữ Pháp: "me plonger dans l’étude comme dans une mer de l’oubli…" (ta dấn mình vào học tập như vào một bể cả lãng quên…)". Sau bi kịch đó, Nguyễn Tường Thụy dấn mình tự học, đỗ tú tài, thi vào ngạch công chức Pháp, sau này làm tới chức Giám Đốc Bưu Điện.

Năm 1930, bà Nhu cưới vợ lần thứ hai cho ông Thụy, gia đình giàu có nhất nhì ở phố hàng Gai, người vợ rất đảm đang, buôn bán giỏi. Gia đình ông Thụy giàu sang. Việc này trở thành cái hố chia cách sâu xa giữa người anh cả và các em. Nguyễn Tường Bách viết: "Cuộc đời công chức khá giả của anh so với cuộc đời tương đối lãng mạn của các anh em khác, đã là một nguyên nhân của sự cách biệt giữa anh em. Mà đối với mẹ tôi thì như khó xoá nhòa được những mâu thuẫn, trong đó vần đề mẹ chồng nàng dâu vẫn còn dưới hình thức khác. Vì thế có khi anh cũng buồn và tức. Anh giận mọi người lãnh đạm với anh. Có một lần trong ngày Tết, anh chỉ vào mặt tôi mà nói: "Còn thằng này nữa, tôi đã nuôi nấng dạy dỗ nó mà nó cũng thế cả.” (…) Tới những năm 39-40, chúng tôi bước vào con đường đấu tranh, tuy anh không đả động gì đến hay không can dự gì cả nhưng tôi cảm thấy rõ ràng trong thâm tâm anh, sự tán thành và đồng tình đối với lòng ái quốc." [2]

Những hàng trên đây của Nguyễn Tường Bách không chỉ tóm tắt cuộc đời của người anh cả, hiểu tại sao ông không tham dự vào những hoạt động của các em mà còn vẽ lại bi kịch của một con người, đã vượt qua tất cả những bất công trong một xã hội thối nát từ trong ra ngoài: nhà nghèo phải nghỉ học sớm để kiếm tiền phụ mẹ nuôi em. Đi dạy học bị quan huyện sách nhiễu, cưỡng lại, bị đày lên Bắc Cạn. Ở nhà vợ bị cảnh áp chế mẹ chồng nàng dâu. Vợ con chết. Uất ức, tự học để lập thân. Rồi trở thành nhà giàu, quyền cao chức trọng. Bị anh chị em lạnh nhạt: Cuộc đấu tranh giai cấp cũng nằm trong gia đình. Bắt đầu với người anh cả, sau tới người anh thứ tư Nguyễn Tường Long, qua lời Thế Uyên.

Ông bà Nguyễn Tường Thụy sinh các con: Nguyễn Tường Hùng, Nguyễn Tường Bá, Nguyễn Thị Nguyệt, Nguyễn Tường Lưu, Nguyễn Thị Nhật, Nguyễn Tường Quý, Nguyễn Thị Hồng, Nguyễn Tường Cường.

Người con trưởng là nhà văn Tường Hùng, có tác phẩm Gió mát, do Đời Nay in năm 1954 tại Sài Gòn. Tường Hùng cộng tác đắc lực với Nhất Linh trong tạp chí Văn Hóa Ngày Nay. Ông sang Pháp du học ngành kiến trúc, sau này thỉnh thoảng có viết truyện ngắn gửi đăng báo Văn ở Sài Gòn. Tường Hùng có đủ yếu tính văn nghệ của Nhất Linh và Thạch Lam: văn thơ mộng có cấu trúc thơ, ý lạ, nhận xét tinh vi, cảm xúc khác thường. Tiếc rằng ông viết ít, và viết rất tài tử nên không đào sâu vào những ngõ ngách ông đã khơi ra, đọc truyện ông người ta không khỏi có cảm giác như còn dang dở, chưa viết hết.

2- Nguyễn Tường Cẩm, sinh năm 1904 tại Cẩm Giàng. Giống anh, đậu bằng thành chung xong, ông cũng phải đi dạy học để kiếm tiền giúp đỡ mẹ nuôi các em. Sau ông tự học thi đỗ vào trường cao đẳng canh nông, trở thành kỹ sư canh nông.

Cuộc đời tình cảm của ông có nhiều thăng trầm: ba đời vợ. Ông phải thuyên chuyển đi khắp nơi vì nghề canh nông, nhưng có lẽ ở Sài Gòn nhiều hơn cả. Nguyễn Tường Cẩm thích văn chương, đã có bài đăng Phong Hóa, mấy số đầu, như: Thomas Bata, nhà đóng giầy trứ danh mới từ trần (Phong Hóa số 16, 6-10-32), truyện ngắn Bích Châu (Phong Hóa số 67, 6-10-33).

Ông bị bệnh hen nặng. Cuối năm 1934, về Hà Nội chữa bệnh, đúng dịp Nhất Linh định ra báo Ngày Nay có hình ảnh, bèn giao cho ông làm giám đốc Ngày Nay từ số 1 (30-1-35) đến số 5 (10-3-35). Nhưng Ngày Nay bị lỗ lã trầm trọng, cứ ra được vài số lại phải nghỉ. Nhất Linh thay anh làm giám đốc tờ báo, Nguyễn Tường Cẩm trở về với nghề kỹ sư canh nông.

Trong thời gian phụ trách Ngày Nay, ông ký tên Minh Trúc, viết bài Nền Mỹ thuật Việt Nam (Ngày Nay số 3, 20-2-35), nhiệt tình giới thiệu trường Mỹ Thuật Đông Dương và giáo sư Victor Tardieu. Trong gia đình, ông là người trực tiếp sống với dân quê nhiều hơn cả, ông viết bài xã luận Dân quê (Ngày Nay số 4, 1-3-35) cũng là bài xã luận đầu tiên trên Ngày Nay, tố giác đời sống hủ lậu, mê tín và khốn khổ của dân quê và đặt câu hỏi: "Có thể khác thế được không? Họ có thể sống một đời đáng sống hơn được không?". Bài này đi cùng với bài phóng sự Nhà cửa Annam của Việt Sinh (Thạch Lam), là hai bài mở đường cho chương trình Nhà Ánh Sáng của Tự Lực văn đoàn sau này.

Mặc dù Nguyễn Tường Cẩm đã bỏ báo Ngày Nay từ số 6 (2-4-35), và theo lời Nguyễn Tường Bách, ông không dính líu gì đến Quốc Dân Đảng; nhưng đến năm 1947, Nguyễn Tường Cẩm vẫn bị Việt Minh bắt đi mất tích. Ông có một người con trai duy nhất là Nguyễn Tường Tâm, được bà nội nuôi dưỡng.

3- Nguyễn Tường Tam sinh ngày 25-7-1906, tại huyện Cẩm Giàng tỉnh Hải Dương. Là chủ soái Tự Lực văn đoàn. Đảng trưởng đảng Hưng Việt, đổi thành Đại Việt Dân Chính sau sáp nhập vào Việt Nam Quốc Dân Đảng.

Thích văn chương từ nhỏ, mười tuổi đã tập làm thơ. Năm 16 tuổi, có thơ đăng báo Trung Bắc Tân Văn, và năm 18 tuổi, viết bài Mấy lời bình luận về văn chương truyện Kiều, ký Nguyễn Tường Tam, được đăng trên Nam Phong số 79 (tháng 1-1924). Bài này chưa có gì đặc sắc nhưng đưa ra một ý lạ: nên lấy truyện Kiều làm mẫu để viết văn quốc ngữ:

"Nhưng nói đến cái hay của văn Kiều thì chưa biết đến thế nào mà kể được. Ta chỉ nên nhận rằng văn chương Kiều có thể làm cái mẫu rất tốt cho văn chương quốc ngữ, và người nào làm văn cũng nên theo cách làm văn trong truyện Kiều, vì những câu thơ trong truyện đó đã tới được điểm. Tôi xin nói quyết một điều rằng: "Mong được một quyển truyện nào hay hơn truyện Kiều là mộng tưởng". Cái trình độ thơ quốc ngữ [quốc âm] đến như thế là tuyệt đích rồi. Cái phần ngang thì họa may, cái phần hơn thì không có nữa". (Nam Phong số 79, trang 30).

Năm 1923, Nguyễn Tường Tam đậu bằng Cao Tiểu (Thành chung), vào làm việc ở sở Tài Chính, gặp Tú Mỡ, viết Nho Phong (1924), rồi Người quay tơ (1927).

Năm 1924, Nguyễn Tường Tam học một năm Y khoa rồi bỏ[3].

Năm 1925, ông thi đỗ vào trường Mỹ Thuật Đông Dương, khoá đầu tiên, học cùng lớp với Nam Sơn, Nguyễn Phan Chánh, Lê Phổ, Lê Văn Đệ, Mai Thứ… Nhờ năm học này mà ông có nhóm bạn họa sĩ và kiến trúc, sau này, họ sẽ hợp tác chặt chẽ với Phong Hoá Ngày Nay, để vẽ hý họa trên báo và đưa mỹ thuật vào đời sống. Chúng tôi sẽ nói đến việc này trong chương viết về trường Mỹ thuật Đông dương và Nhà Ánh Sáng.

Nhưng chỉ học được hơn một năm, Nguyễn Tường Tam bỏ trường Mỹ Thuật. Trả lời phỏng vấn của Nguyễn Ngu Í, ông cho biết: "Mang giá, cọ màu, về nhà quê vẽ, tôi thấy đời sống dân khổ quá, tối tăm quá, cần phải làm gì cho lớp đồng bào ấy. Mà giá, cọ, màu không giúp được, thì phải bỏ qua bên".[4]

Lý do bỏ vẽ được trình bày sâu sắc và đầy đủ trong tiểu thuyết Tối tăm! Bùn lầy nước đọng, ký tên Nhất Linh và Khái Hưng, in trên Ngày Nay năm 1936[5].

Năm 1925, ông cưới cô Phạm Thị Nguyên (1907-1981)[6], nhà bán cau khô ở phố Hàng Bè.

Bà Nguyễn Tường Nhu thuê nhà ở phố Cầu Gỗ, gần đó, để làm đám cưới cho con:

"Đám cưới xong, mẹ tôi lại đi cân gạo cùng các bà bạn. Anh Tam cũng thôi đi làm, xin vào học trường Cao Đẳng hội họa. Chị Tam dọn hàng bán cau ngay ở nhà (…) Anh Cả tôi dạy ở Phượng Xuyên, anh hai vào học Canh Nông, anh Tư học trường Luật. Ngày chủ nhật các anh mới ra gặp nhau. Bà nội và tôi phụ giúp chị Tam bán cau (…) Cau khô được gửi từ Quảng Nam, Quảng Ngãi ra, vỏ cau vàng xấu trông không đẹp, chị tôi phải xây một cái lò cho cau vào, ở dưới đốt diêm sinh dòng dã một ngày cho miếng cau trắng ra. Ôi cái mùi diêm sinh tôi cũng không chịu nổi!" (Nguyễn Thị Thế, trang 96).

Gia cảnh lúc đó khá sung túc, được NguyễnThị Thế mô tả như sau:

"Bà nội già yếu vẫn ở trông hàng phụ với chị Tam. Mẹ tôi cũng nghỉ cân gạo vì anh Tư học xong trường Luật ra làm sở kho bạc nên bắt mẹ nghỉ buôn bán cho khoẻ. Bà thuê một căn nhà ở Hậu Giám[7] nhà Tây hai từng, đằng trước có đường tầu điện chạy Hà Đông, bên kia là Văn Miếu (…) Về ở với mẹ tôi lúc đó có anh Tư, anh Hai (lúc đó làm ở sở Công Nông) em Sáu, em Bẩy (…) Trong nhà tương đối đầy đủ, anh Tư đi làm bằng xe nhà có người kéo… cơm thì có bếp nấu (…) Gia đình xum họp được hơn hai năm, anh Tư phải đổi vào Sài Gòn. Mẹ tôi không đi theo được, nhưng thấy anh Tư buồn nên cho em Sáu đi theo (…) Được ít lâu sau, anh Hai cũng đổi vào Sài Gòn, sau lấy vợ ở Sài Gòn luôn, nhưng chị Hai lại là người Bắc. Anh tôi thuê một miếng đất, làm nhà gỗ, ba anh em về ở với nhau" (Nguyễn Thị Thế, trang 99-100).

Ở Hà Nội, bà Nhu thuê căn nhà nhỏ ở Đỗ Hữu Vị, mỗi tháng 60 đồng, để ở với Thế và Bách.

Ngày 17-8-1926, bà Nguyễn Tường Tam sinh đôi hai gái đầu lòng: Nguyễn Thị Kim Thư[8] và Nguyễn Thị Kim Thanh. Bé Thanh bị rơi xuống ao chết đuối hồi nhỏ ở Cẩm Giàng[9]. Bà Tam sinh 13 lần nhưng chỉ nuôi được 7[10]. Sau khi chồng đi du học Pháp trở về, bà sinh các con: Nguyễn Tường Việt (19-9-1931), Nguyễn Tường Triệu (15-11-1932), sẽ là con nuôi Khái Hưng, Nguyễn Tường Thạch (6-10-1935), Nguyễn Thị Kim Thoa (5-3-1938)[11] và nhà văn Nguyễn Tường Thiết (23-10-1940)[12].

Theo tiểu sử Nhất Linh của Nguyễn Ngu Í: "Vốn tính thích phiêu lưu", năm 1926, Nguyễn Tường Tam vào Nam, gặp Trần Huy Liệu, Vũ Ðình Di định cùng làm báo, nhưng vì Liệu và Di dự đám tang Phan Châu Trinh [cụ Phan mất ngày 24-3-1926, tang lễ ngày 4-4-1926], đã bị bắt, Nguyễn Tường Tam chạy sang Cao Miên vẽ tranh cho các vị quan ở Cao Miên, kiếm tiền đi Pháp. Tường Lân cũng muốn đi du học cùng với anh, nhưng vì xin đi học chữ nên bị bác đơn, còn Tam xin học nghề chụp ảnh nên được chấp nhận[13].

Nguyễn Thị Thế viết: "Bên chị Tam thì anh Tam tôi bỏ học vẽ, vào Sài Gòn được ít tháng, anh về khoe với mẹ tôi là anh vào Sài Gòn rồi đi sang Lào vẽ phông cho rạp hát được ít tiền, anh xin phép mẹ tôi qua Pháp, bà bảo qua bên đó những mấy năm lấy tiền đâu ăn học. Anh bàn là nghe nói trong Huế có một cái hội gọi là Hội Du học Bảo trợ, do các quan đại thần lập ra để cho con cháu các quan đại thần hoặc các vị có công với nước. Vì vậy cả nhà lo giấy tờ xin học bổng, cho cả em Sáu nữa. (…) Chỉ có anh Tam được, còn em Sáu họ nói nhỏ quá không nên cho đi (…) Một tháng ăn tiêu bên Pháp mỗi tháng phải mất một trăm sáu chục đồng. Hội cấp cho tám mươi đồng, còn lại nhà phải lo lấy. Chị Tam lúc đó đã hai con lại phải phụng dưỡng bà nội nên mẹ không bắt chị lo nữa, chỉ thỉnh thoảng gửi thêm một ít tiền để mua sách vở quần áo hoặc gửi thức ăn sang" (Nguyễn Thị Thế, trang 104-105).

Việc này chứng tỏ:

Bà Nhu kiểm soát toàn diện đời sống các con, kể cả khi đã lấy vợ, làm gì cũng xin phép mẹ.

Bà Tam hoàn toàn để chồng tự do bay nhảy: khi ông vào Nam định làm báo, bà đã có mang con đầu lòng, đến tháng 8-1926, bà sinh đôi, vừa coi cửa hàng cau, vừa trông nom bà nội chồng. Rồi khi chồng được mẹ cho phép đi du học, bà được "miễn" việc gửi tiền hàng tháng cho chồng bên Tây tiêu (vì nặng gánh gia đình?).

Nguyễn Tường Tam học ở Montpellier, cùng trọ một nhà với Nguyễn Mạnh Tường[14]. Gần ba năm sau, đỗ bằng cử nhân vật lý, ông trở về nước cuối năm 1930.

Ba mẹ con (bà Nhu, Tam và Thế) cùng về Huế tạ ơn các quan đã cấp học bổng, rồi vào Sài Gòn thăm anh Hai và anh Tư, trở ra Hà Nội đúng ngày 4 Tết (tức ngày 17-2-1931) (theo Nguyễn Thị Thế, trang 106).

Nguyễn Tường Tam với bằng cử nhân, được mời dạy học ở trường tư Thăng Long (do ông Phạm Hữu Ninh sáng lập từ năm 1925), ở đây, gặp Khái Hưng, cùng xây dựng Tự Lực văn đoàn và Phong Hóa Ngày Nay.

Bà Thế viết:

"Sau khi tờ báo đã vững vàng rồi. Các anh thấy mẹ tôi ở Cẩm Giàng có chuyện xích mích với bà hàng xóm xấu miệng, nên thuê nhà ở đường Quan Thánh gần toà báo, đón mẹ tôi lên ở, cùng với anh Tư, chú Sáu, chú Bẩy và hai vợ chồng tôi.

Tiền nhà anh Tam lo, tiền ăn anh Tư làm tham tá lo, lương được một trăm mười bốn đồng, một tháng. Trại Cẩm Giàng để cho người nhà trông nom". (Nguyễn Thị Thế, trang 117).

Toà soạn dọn về Quan Thánh từ Phong Hóa số 126 (30-11-1934). Vậy việc đón mẹ lên Hà Nội chỉ có thể xảy ra năm 1935. Còn Hoàng Đạo cưới vợ năm 1933 và ở gửi rể, nên không ở chung với mẹ và các em nữa. Điều này chứng tỏ anh em Nhất Linh, Hoàng Đạo, không hề sao lãng bổn phận gia đình.

4- Hoàng Đạo Nguyễn Tường Long sinh ngày 16-11-1907, tại làng Hàn Giang, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương. Thuở nhỏ học trường huyện, tên cha đặt cho là Nguyễn Tường Tư (chính ra là Tứ, nhưng vì trùng tên một người bạn của cha, nên đổi là Tư). Khoảng 1924, Nguyễn Tường Tam đặt lại tên cho các em, Tư trở thành Long.

Năm 1924, đậu bằng Cao tiểu, học Luật. Tốt nghiệp năm 1927, làm tham tá Ngân khố Hà Nội. Tiếp tục học thêm, đậu tú tài Pháp và chuyển sang ngạch Tư pháp, làm tham tá lục sự từ năm 1929, trong các toà "Tây án" ở các tỉnh Trung, Nam, Bắc. Lương Hoàng Đạo một trăm mười bốn đồng một tháng, theo Nguyễn Thị Thế. Trong thời gian này, có lần đã được bổ tri huyện, nhưng ông từ chối. Năm 1932, Nguyễn Tường Long đang làm việc ở Sài Gòn được đổi về Hà Nội, giúp anh làm báo và trở thành lý thuyết gia của Tự Lực Văn Đoàn.

Nguyễn Tường Long lập gia đình năm 1933 với cô Marie Nguyễn Bình. Gia đình giàu, có bốn cái nhà ở Hà Nội và một biệt thự ở Sầm Sơn. Cô Marie con một, học trường Pháp. Đám cưới do bà nội chủ trì, vì bà Nhu không tha thiết lắm. Hoàng Đạo đi xem mắt, bằng lòng, ông nhận lời ở rể (Nguyễn Thị Thế, trang 118-119).

Bà Hoàng Đạo (1913-1975), tên khai sinh là Marie Nguyễn Bình, nhà gọi là Nhã, trong gia phả họ Nguyễn Tường ghi tên Nguyễn Thị Nhã. Bà qua đời năm 1975 vì bệnh ung thư tại Sài Gòn. Trên mộ, bà dặn các con ghi tên Nguyễn Nhã, vì không thích chữ Thị. Cha là Nguyễn Bình, làm tham tá công chánh, quốc tịch Pháp. Villa của gia đình ở Sầm Sơn cũng tên Villa Nguyễn Bình. Sau bà đổi sang quốc tịch Việt.[15]

Sự giàu sang phú quý của gia đình bà hiện rõ trong bài Mẹ tôi của Từ Dung[16], con út Hoàng Đạo, với những lời ghi về mẹ: thuộc "gia đình quý phái, trưởng giả", bà ngoại là "mệnh phụ đài các", v.v.

Ông bà Nguyễn Tường Long có bốn con: Nguyễn Minh Thu (1934), Nguyễn Tường Ánh (1935) Nguyễn Lan Phương tức Nguyễn Lân (1937) và Nguyễn Từ Dung (1946)[17]. Nhà văn Đặng Thơ Thơ là con bà Minh Thu.

Sự giàu có của gia đình Hoàng Đạo gây chia rẽ vì nó tương phản với cái nghèo của gia đình Nguyễn Thị Thế và Thạch Lam.

Trong bài hồi ức Hoàng Đạo hay sự trở về quê cũ, in trên báo Văn số tưởng niệm Hoàng Đạo (Văn số 107-108, 15-6-68), Thế Uyên, đã nhớ về người bác: "ông là người trong họ tốt nhất và tử tế nhất", nhưng ngay từ nhỏ, cậu bé Thế Uyên đã cảm thấy "cái khoảng cách" giữa các gia đình. Với các con của Nhất Linh, là bạn chơi từ nhỏ, cậu vẫn thấy mình xa cách với "các anh các chị", còn "đối với gia đình Hoàng Đạo, thì không bao giờ có những loại giao thiệp như thế". Gặp nhau ở một ngày giỗ, cậu thấy thích A., con trai duy nhất của Hoàng Đạo, đòi mẹ dẫn lên chơi nhà "bác Long" nhưng mẹ không bằng lòng [nhà Hoàng Đạo ở số 18 Amiral Courbet]. Nài nỉ mãi, mẹ cũng cho đi, nhưng gặp nhau, "tôi cũng e dè nhiều vì A. không hoàn toàn tự nhiên và mẹ tôi luôn luôn lừ mắt. Vài tuần sau, tôi lại đòi đi nữa nhưng mẹ tôi không chịu". Thế là cậu bé đi tìm bạn một mình.

"Tìm được đến cửa nhà, tôi với mãi mới tới cái chuông. Cánh cổng không mở, chỉ có một người đàn bà mở chiếc cửa nhỏ ra ngó tôi rồi gắt: "Mày làm cái gì mà kéo chuông ầm ỹ lên thế! Muốn cái gì?" Một đứa bé lên tám lên chín đi kiếm bạn, tính lại dút dát như tôi làm sao mà diễn tả được, cho một người lớn gọi nó bằng mày với giọng bực dọc như thế, điều mà nó muốn kiếm. Tôi lủi thủi đi về và từ đó về sau tôi xếp A. cùng gia đình vào một thế giới có chuông ở cổng, có chó bẹc-giê sủa vang, nghiã là một thế giới không có chỗ cho một đứa bé đen thui nghịch ngợm như-con-thuyền-chài. Không những không bao giờ tôi trở lại thăm gia đình ấy, ngay cả A. tôi cũng tìm cách lảng tránh trong những ngày gặp ở trại của bà ngoại: mẹ tôi cấm tôi chơi cùng và bác gái cũng không thích để A. giao thiệp"[18].

Đoạn văn này của Thế Uyên ghi ấn sâu đậm trong lòng người đọc. Bởi nó phanh phui trần trụi vấn đề phân chia giai cấp, mà không một lý thuyết nào có thể diễn đạt rõ và hay hơn. Người đọc hời hợt có thể tưởng rằng Thế Uyên "nói xấu" gia đình. Không, ông chỉ nói lên sự thực mà người khác không dám nói, không dám viết ra và đó là dấu ấn của một nhà văn đích thực. Trong suốt thời tuổi trẻ, ông đã xếp "bác Long" vào cái thế giới trưởng giả, nhà có chó béc-giê, một thế giới đáng nghi, không thể tiếp xúc. Nhưng từ khi tìm hiểu tác phẩm của Hoàng Đạo, ông lại càng bỡ ngỡ, đặt câu hỏi: "Gia đình thì như vậy mà tranh đấu và tư tưởng lại như thế kia". Câu hỏi này vẫn còn có giá trị hôm nay, với những ai muốn nghiên cứu về Hoàng Đạo: Tại sao một người sống trong hoàn cảnh trưởng giả như thế, mà lại viết được Bùn lầy nước đọng, đào sâu vào nội tạng đen tối trăm mặt của đời sống dân quê, mà lại viết được Vấn đề cần lao, phanh phui tất cả tội ác thực dân trong những đồn điền cao su rừng sâu nước độc?

Thế Uyên đã có một lời kết thật hay:

"Đem so sánh với các cuốn sách tôi đã viết, thì thấy tất cả ba tập tiểu luận đã xuất bản, tôi không dành cho quê hương cũ một số đề tài bằng nửa số đề tài của riêng cuốn Bùn lầy nước đọng và nỗi tha thiết cũng không sao bằng một góc (…) Quê hương đã biến đổi hay chúng ta đã trở thành kẻ tha hương trên chính đất nước mình?"

Lời này Thế Uyên viết tháng 11 năm 1967, thật là cay đắng nhưng không xa sự thực. Không chỉ riêng Hoàng Đạo là người tranh đấu mãnh liệt hơn cả, mà Khái Hưng, Nhất Linh, Thạch Lam cũng vậy, như thể họ đã chia nhau phận sự viết về quê hương dưới thời Pháp thuộc. Khiến ngày nay, chỉ cần đọc họ, là chúng ta thấy rõ mọi khía cạnh tàn ác, hủ lậu, của một thời đại với những vấn nạn cần phải sửa đổi và họ đã thức thời, đã nhìn ra con đường tranh đấu, trướctrên những người khác. Thế hệ sau ở Sài Gòn, dường như không mấy ai quan tâm đến việc "đất nước" nữa, mà phần nhiều đi vào cá nhân con người, khám phá cuộc hiện sinh, tác phẩm của họ chứng minh nhận xét của Thế Uyên.

Vẫn trên báo Văn, số tưởng niệm Hoàng Đạo, ngoài bài Hoàng Đạo hay sự trở về quê cũ, còn có bài Đọc và đặt lại vị trí Hoàng Đạo cũng của Thế Uyên và bài Hoàng Đạo một vận động lịch sử của Dương Nghiễm Mậu. Đây là hai bài nghiên cứu sâu sắc đầu tiên về Hoàng Đạo.

Nhưng số báo tưởng niệm này bị ba bài viết của nhà nghiên cứu thời danh Nguyễn Văn Xuân áp đảo, mà hai bài có chủ đích hạ bệ Hoàng Đạo và Tự Lực văn đoàn:

Vài nét về giòng họ Nguyễn Tường

Từ phong trào Duy Tân đến Tự Lực văn đoàn.

Hoàng Đạo với Con đường sáng.

Bài đầu viết về tiểu sử dòng họ, không có gì đáng phàn nàn.

Trong bài thứ ba viết về tiểu thuyết Con đường sáng, ông Nguyễn Văn Xuân đã không ngần ngại tự khen mình: "Kể ra, có đủ can đảm ngồi đọc lại quyển Con đường sáng, tôi tự thấy vì một công tác phải hoàn thành chứ tình thực không sao tiếp tục nổi. Tôi không hiểu người đọc ngày nay tìm thấy niềm hứng thú nào khi xem quyển ấy tái bản".

Một nhận định chủ quan và kiêu ngạo. Chủ quan vì ông nghĩ hộ người đọc. Kiêu ngạo vì cho rằng mình đầy can đảm và có một "công tác" phải hoàn thành. Công tác gì? Đó là vấn đề.

"Công tác" ấy hiển hiện trong việc ông cố tìm cách vạch ra những "cái dở" của Hoàng Đạo:

"Nói về việc phá rừng, phá rẫy, ông [Hoàng Đạo] có vẻ nhỏ nhoi cạnh Lê Văn Trương".

"Nói về đồng quê, dân quê, nỗi khổ của đồng bào ta thì ông chỉ biết một cách lù mù, tổng quát, bên cạnh một khối những Ngô Tất Tố, Nam Cao, Tô Hoài."

Ông Nguyễn Văn Xuân có quyền có những "nhận định" như trên, nhưng ông không nên viết một câu như thế này:

"Và cho đến ngày nay, dù Hoàng Đạo đã chết nhưng bọn Duy ấy, Minh ấy, Yến ấy đã chết chưa? [Duy, Minh, Yến là những nhân vật trong Con đường sáng] Đây là một câu văn thâm độc, trù ểm, đầy thù hận về một người mà ông Xuân không biết, không hiểu tác phẩm, vì ông chưa từng đọc Hoàng Đạo một cách đàng hoàng cẩn thận.

Bài thứ hai Từ phong trào Duy Tân đến Tự Lực văn đoàn, là một bài lập thuyết công phu, có ý thức, tác giả giới thiệu Hoàng Đạo bằng những lời rất hoa mỹ, phỉnh phờ:

"Trong ý muốn tìm hiểu Hoàng Đạo như lý thuyết gia của một văn đoàn lớn, có ảnh hưởng vào một lớp thanh niên học thức (…) đường lối, chủ trương chính sách của văn đoàn đều do một tay ông tung hoành trong nhiều năm trời. (…) Tìm hiểu cho hết tính cách đa dạng và tài năng của Hoàng Đạo (…) cần phải đọc lại hết Phong Hoá Ngày Nay, Chủ Nhật… và tự đặt mình vào thời Pháp thuộc mới thấy rõ ông hơn".

Sau khi đọc lại hết Phong Hoá Ngày Nay, Chủ Nhật (chúng tôi chưa biết Chủ Nhật là báo nào, của ai), ông Xuân nhận thấy rằng: "Mười điều tâm niệm phản ánh tất cả chủ trương, đường lối của Hoàng Đạo và Tự Lực văn đoàn và của các biên tập viên hai báo Phong Hoá Ngày Nay: "Mười điều tâm niệm có thể xem như kim chỉ nam để mọi nỗ lực dồn vào và tiến lên bắt kịp nó bằng đủ phương tiện văn học, nghệ thuật và cả hoạt động xã hội nữa (áo tân thời Lemur, nhà ánh sáng, hôi chợ từ thiện, v.v…"

Sau khi tôn vinh Mười điều tâm niệm, ông so sánh từng điểm một trong mười điều này với chính sách của phong trào Duy Tân và ông kết luận:

"Không phải ngẫm nghĩ nhiều, bạn đọc thấy ngay là Tự Lực văn đoàn và Hoàng Đạo là lý thuyết gia, trên nhiều điểm tư tưởng và hành động còn sút kém xa phong trào Duy Tân 1904. (…) Tính chất của Tự Lực, từ tư tưởng đến hành động, gần như mang hẳn tự Tây phương về, quá nặng chủ nghiã cá nhân tiêu cực (…) Không phát xuất tự quần chúng rồi trở về quần chúng như phong trào Duy Tân. (…) Chủ nghiã cá nhân hẹp hòi và lạc lõng của Tự Lực văn đoàn đã tự giam mỗi con người một nơi trong môi trường ích kỷ nên không bao giờ họ biết quần chúng là ai. Lại thêm nhiễm tư tưởng trào phúng của Tự Lực văn đoàn, thanh niên chẳng biết cái gì là không đáng cười cợt. Ác hại là cái cười ấy thường chĩa mũi nhọn về phiá những người đáng thương yêu: quần chúng, nên cái nhìn của thanh niên thời ấy đối với quần chúng rất lệch lạc (…) So với phong trào Duy Tân cách nó đã ba mươi năm và cùng đúng một xu hướng với nó, là nguồn gốc của nó, thì mười điều tâm niệm chưa có điểm gì mới hơn mà còn thua sút những điểm căn bản cũ (…) Bây giờ ai cũng thấy Tự Lực văn đoàn chỉ còn vang bóng thời nào… Người ta tìm đọc văn phẩm của Tự Lực văn đoàn như tìm những truyện tình không hạ cấp. Thế thôi!"

Nguyễn Văn Xuân là một nhà nghiên cứu danh tiếng, với tác phẩm Phong trào Duy Tân, ông được người đọc mọi miền kính trọng. Nhưng ông lại nặng đầu óc địa phương, ghét những trào lưu văn học nổi tiếng, đặc biệt Sáng Tạo, vì ông cho rằng Sáng Tạo là nhóm người Bắc di cư độc chiếm văn đàn miền Nam. Trong bài viết này, ông dồn toàn lực đánh Hoàng Đạo và Tự Lực văn đoàn.

Ông cho biết cần phải đọc lại hết Phong Hoá Ngày Nay, Chủ Nhật… thì mới có thể thấy rõ Hoàng Đạo, vậy mà sau khi "đọc hết" Phong Hoá Ngày Nay, Chủ Nhật, ông lại chỉ thấy có mỗi cuốn Mười điều tâm niêm là đáng nói, còn những văn phẩm khác của Tự Lực văn đoàn, theo ông, chỉ là những truyện tình không hạ cấp, nên ông không thèm "đọc thật".

Để phê bình tư tưởng Hoàng Đạo, ông chỉ đọc có cuốn Mười điều tâm niệm, một cuốn sách mỏng, loại guide, viết riêng cho tuổi trẻ, khuyên họ nên rèn thân thể, luyện chí khí. Ông đem cuốn guide này so sánh với phong trào Duy Tân, một sự so sánh khập khiễng giữa hai cái không thể so sánh được: như ta so sánh một bài huấn luyện đức dục thiếu niên với một hành trình cách mạng.

Ông mổ xẻ cuốn guide đó, so sánh "từng điểm" (10 điểm) với phong trào Duy Tân, để quyết đoán rằng: Người được gọi là lý thuyết gia của Tự Lực văn đoàn, thực ra, chẳng có tư tưởng gì cả, những điều đưa ra trong sách còn kém xa phong trào Duy Tân và ông đóng khung họ trong mấy cái khuôn: "chủ nghiã cá nhân hẹp hòi", "ích kỷ không bao giờ biết quần chúng là ai", "về tranh hài hước, văn trào phúng thì ngay trong… Nhị thiên đường đã có." "Người ta tìm đọc văn phẩm của Tự Lực văn đoàn như tìm những truyện tình không hạ cấp. Thế thôi!"

Đây là lối đọc một biết mười của một số nhà nghiên cứu mà Thanh Lãng đi đầu.

Hoàng Đạo không chỉ phải chịu những nhận định sai lầm và mù quáng của Thanh Lãng. Tiếp đến là Nguyễn Văn Xuân, nhà nghiên cứu "không đọc" mà kịch liệt miệt thị Hoàng Đạo và Tự Lực văn đoàn. Sau cùng, Phạm Thế Ngũ, có lẽ vì ảnh hưởng Thanh Lãng, đã bỏ hẳn Hoàng Đạo ra ngoài, khi viết về Tự Lực văn đoàn, chỉ kể: Nhất Linh, Khái Hưng, Thế Lữ và Thạch Lam.

5- Nguyễn Thị Thế không ghi rõ năm nào bà lập gia đình, chỉ vắn tắt: "Trước hôm mẹ tôi đi, tôi thấy chú Sáu và anh Hoàn tới nhà. Tôi cũng chẳng để ý, chỉ thấy anh Hoàn cầm một chén trà hương mời mẹ tôi và nói: "Mẹ nhận con là rể xin phép mẹ uống chén trà này"" (Nguyễn Thị Thế, trang 202).

Ba chữ mẹ tôi đi trong câu trên đây, chỉ chuyến về Huế, cuối năm 1930, để cám ơn các quan đã cấp học bổng cho Nguyễn Tường Tam đi Pháp.

Ta lại biết rằng người con trưởng của bà Thế là Nguyễn Kim Tuấn (nhà văn Duy Lam) sinh năm 1932. Vậy bà Thế lấy chồng năm 1931[19]. Chồng bà là Nguyễn Kim Hoàn, lúc đó làm chủ bút báo Phụ Nữ (Nguyễn Thị Thế, trang 227). Năm 1939, ông Hoàn đổi việc, về làm quản lý nhà in báo Ngày Nay, kể từ số 166 (17-6-1939).

Ông bà Nguyễn Kim Hoàn-Nguyễn Thị Thế sinh các con: Nguyễn Kim Tuấn (Duy Lam) (1932-2021), Nguyễn Kim Dũng (Thế Uyên) (1935-2013), Nguyễn Kim Sơn, Nguyễn Thị Tuyết và Nguyễn Cao Thị Liễu.

Nguyễn Thị Thế có lối thực thà, thẳng thắn và sống động. Cuốn hồi ký đã xác nhận văn tài của bà. Không ai có thể nhận định về hồi ký của Nguyễn Thị Thế hay và đúng hơn Viễn Sơn Nguyễn Tường Bách:

"Những hình ảnh trung thực và sinh động với ngòi bút chất phác, đã phản ảnh được đời sống của gia đình Nguyễn Tường dưới một khiá cạnh riêng, với con mắt nhìn của một người phụ nữ duy nhất trong bẩy anh chị em.

Chị tôi đã viết ra những điểm mà anh em trai chúng tôi không thể thấy được hay ít để ý tới.

Người chị thân mật nhất của tôi đã từng săn sóc cho tôi từ lúc còn bé. Cũng như trăm nghìn phụ nữ Việt khác, đã sống một cuộc đời âm thầm so với các anh em trai. Chị chỉ được đi học mấy năm, trong khi chúng tôi ai cũng đỗ đạt khá cao, nhưng chị đã viết bằng tấm lòng mình hơn là bằng ngòi bút.

Những ngày đầu thế kỷ, gia đình gặp cảnh sa sút, phải dọn về quê ngoại phố huyện nhỏ Cẩm Giàng, chung quanh đồng không mông quạnh. Những ngày đông rét mướt, gió bấc thổi trên cánh đồng, trên những căn nhà tranh lụp xụp, mà tối đến, chỉ có vài ngọn đèn dầu le lói. Dân nghèo xác xơ, mà ngay chính nhà chúng tôi, đến ba mươi Tết phải lẩn trốn chủ nợ đến đòi, một cái bánh chưng cũng không có mà ăn. Nhưng đó mới là cái nôi của gia đình Nguyễn Tường. Không có cảnh trạng như vậy thì không có những nhà văn xuất chúng hay những chủ trương cải cách xã hội, và óc cách mạng dân tộc, dân chủ, đã gây ảnh hưởng mạnh trong cả một giao đoạn lịch sử sau này.

Hối ấy, chị là một người vất vả nhất trong gia đình. Coi cửa hàng, nấu, giặt, săn sóc các em. Sáng chị là người dậy sớm nhất và cũng là người ngủ muộn nhất. Nhiều khi không đủ thịt cá ăn, chị cũng nhường cho bà nội già yếu và cho chúng tôi. (…)

Khi thành gia thất, hai vợ chồng vẫn nghèo, nhưng chị vẫn nhịn ăn nhịn mặc để nuôi sống mấy đứa con đi học. Tôi thường lên đê Yên Phụ để thăm gia đình chị và gia đình anh Thạch Lam, hai gia đình nghèo và thiếu thốn thường xuyên. Nhưng chị vẫn quan tâm đến Thạch Lam, có lúc nghèo đến nỗi không đủ mền bông đắp, hai chị em vẫn giúp đỡ lẫn nhau khi cần thiết."[20]

Những lời của Nguyễn Tường Bách trên đây đã tóm tắt cuộc đời của người chị duy nhất, nói lên cảnh nghèo khổ của Nguyễn Thị Thế và Thạch Lam, tố cáo sự trọng nam khinh nữ trong gia đình, mà chủ động từ người mẹ. Chính người mẹ, bà Nguyễn Tường Nhu, đã bạc đãi, hất hủi con gái: Vậy chuyện trọng nam khinh nữ phát xuất từ đàn bà, hoặc đàn bà đồng lõa, vì ngu dốt, nhắm mắt tuân theo "truyền thống".

Nguyễn Thị Thế cũng đã viết rất thực về nhiều chuyện gia đình, về người chồng cờ bạc, ghen tuông, nghiện ngập. Nhưng khó nhất là người mẹ cư xử độc ác, bất công với chính con gái. Nguyễn Thị Thế đã không chùn tay, không mảy may giấu diếm, không tô hồng mẹ theo thói thường, vì vậy, bà là một nhà văn đích thực, cũng như Khái Hưng đã vạch trần bộ mặt dì ghẻ con chồng, thảm kịch của chính mình, trong Thoát ly.

6- Thạch Lam Nguyễn Tường Lân sinh ngày 7-7-1910 tại Thái Hà Ấp. Thủa nhỏ học trường sơ học Cẩm Giàng tới 14 tuổi. 15 tuổi, đỗ bằng cơ thủy (tiểu học). Tự học một năm thi đậu bằng Thành chung lúc 16 tuổi. Đỗ vào trường Canh nông, học một năm, xin thôi. Vào trường Albert Sarraut. Sau khi đỗ tú tài I, quyết định nghỉ. Từ 1932, bắt đầu làm báo, viết cho Phong Hoá từ số 14 (22-9-1932).

Sau đám cưới Nguyễn Tường Long (1933), vợ chồng bà Nguyễn Thị Thế thuê nhà ở với chú Sáu (Thạch Lam) tại làng Yên Phụ, bên Hồ Tây. Chú Bẩy (Nguyễn Tường Bách) học thuốc, ở nội trú. Bà Nhu lại trở về Cẩm Giàng, một mình.

Thạch Lam là người đầu tiên trong gia đình tự cưới vợ, rồi mới đem về trình mẹ, năm 1935. Nhìn ảnh, người vợ đẹp và hiền, tên bà là Nguyễn Thị Sói (như hoa sói và bà cũng thích hoa sói), khi quy y có pháp danh Diệu Tự. Bà sinh năm Ất Tỵ (1905), nguyên quán xóm Thanh Vân, thôn Vân Thị, xã Đa Tân, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình. Cha là ông Tứ. Lấy Thạch Lam là con thứ Sáu nên các cháu đều gọi là thím Sáu. Khi vào Nam năm 1954, bà khai tên Nguyễn Thị Sáu trong thế vì khai sinh[21].

Về tình cảnh gia đình Thạch Lam, Nguyễn Thị Thế viết:

"Lương mỗi người có ba mươi đồng, với vật giá hồi đó phải ăn tiêu dè sẻn. Anh Tam đã có chị Tam buôn bán phụ vào, anh Tư đi làm có lương, chỉ mình chú Sáu là đói và nghèo nhất. Nhà tranh vách đất, thậm chí đến cái mền cũng không có tiền mua. Một hôm sang sớm kêu chú có việc, thấy nằm đắp cái chăn dạ mỏng, vì lạnh quá đắp thêm cả cái khăn giải bàn và áo mưa nữa. Nhà ờ ven Hồ Tây mùa đông lạnh giá làm sao chịu nổi.

Tôi hỏi thím Sáu cái mền bông đã đặt tiền cùng với chị đâu không đem ra đắp. Thím nói cái mền có ba đồng, đặt trước một đồng rồi, còn lại hai đồng thôi mà em vay không được nên đành bỏ mất, có lấy được đâu.

Sau mẹ tôi phải mua cho chú ấy cái mền bông khác kẻo sợ lạnh quá sinh bệnh." (Nguyễn Thị Thế, trang 120).

Tuy làm báo, Nhất Linh vẫn đi dạy học, ông chỉ nghỉ dạy trong khoảng 1935-1936. Lương ông rất cao 300 đồng một tháng (theo Khái Hưng trong Những ngày vui). Hoàng Đạo cũng làm tham tá đến khi bị bắt (1941). Những sách của Khái Hưng, Nhất Linh bán rất chạy. Giải thưởng văn chương Tự Lực Văn Đoàn lúc đầu là tiền bán sách Nửa chừng xuân của Khái Hưng.

Thạch Lam nghèo vì chỉ lĩnh lương nhà báo, 30 đồng một tháng, và sách của Thạch Lam in ra bán không chạy bằng sách Khái Hưng, Nhất Linh. Và có lẽ còn do một lý do khác: Thạch Lam rất hào phóng với bạn bè, (theo Thế Lữ và Đinh Hùng) và ông nghiện thuốc phiện từ rất trẻ, Đinh Hùng viết: "Anh [Thạch Lam] sẽ viết "Thập niên đăng hỏa" một thiên hồi ký kể lại thời kỳ suốt mười năm anh dan díu với ả Phù dung. Hiện anh đã ly dị cùng ả rồi, nhưng "mười năm đèn lửa biết bao nhiêu tình""[22].

Sau khi Phong Hóa bị đóng cửa vĩnh viễn, tất cả "lực lượng" Tự Lực văn đoàn dồn vào Ngày Nay, từ số 16 (12-7-36). Ngày Nay tiếp tục ra đến số 224 (7-9-40). Nhưng từ khoảng số 100 trở đi, Khái Hưng cũng dần dần vắng mặt, tờ báo do Thạch Lam trông nom.

Tóm lại, kể từ năm 1938, khi Nhất Linh lập đảng Hưng Việt, thì Khái Hưng, Nguyễn Gia Trí, cũng ít thấy xuất hiện trên báo, Hoàng Đạo vẫn viết nhưng về sau đổi tên thành Tường Vân. Nhất Linh sống trong bí mật, để lại tiểu thuyết Bướm Trắng cho Thạch Lam đăng hàng tuần. Rồi Khái Hưng có việc phải sang Tàu. Kể từ số 211 (8-6-40) Ngày Nay yếu hẳn đi, hầu như không còn người cộng tác. Chỉ còn lại một mình, Thạch Lam kiêm cả tờ báo lẫn nhà xuất bản Đời Nay, quá sức, ông bị lao, lao tâm, lao lực.

Ngày Nay bắt buộc phải đóng cửa ở số 224 (7-9-40). Thạch Lam mất ngày 27-6-1942[23] tại nhà riêng ở Yên Phụ, cạnh Hồ Tây, ở tuổi 32. Trong chiến tranh, mộ ông ở nghiã trang Hợp Thiện được chuyển lên Yên Kỳ. Năm 2004, Nguyễn Tường Giang về Hà Nội tìm lại được mộ cha.

Bà Thạch Lam mất tại Sài Gòn ngày 4-2-1970 vì bệnh ung thư bao tử, chôn cất tại nghiã trang Giác Minh. Sau 1975, nghiã trang bị giải toả, tro cốt bà được đưa về nghiã trang Yên Kỳ, Bất Bạt, Sơn Tây, gần mộ chồng.[24]

Thạch Lam và Nguyễn Thị Sói có ba con: Nguyễn Tường Nhung (1936) (vợ Trung tướng Ngô Quang Trưởng, nguyên Tư lệnh quân đoàn I, VNCH), Nguyễn Tường Đằng (1939) và Nguyễn Tường Giang (1942) bác sĩ y khoa. Nguyễn Tường Giang ra đời được ba ngày thì cha mất, ông là tác giả tập thơ văn giá trị Khói hồ bay[25]. Cho đến nay, Nguyễn Tường Giang là nhà thơ duy nhất của dòng họ Nguyễn Tường.

7- Viễn Sơn Nguyễn Tường Bách, người con út, sinh năm 1916 tại Cẩm Giàng. Học tiểu học tại Cẩm Giàng, Thái Bình và trường Hàng Vôi, Hà Nội. Học trường Bưởi một thời gian rồi bỏ. Tự học, đậu tú tài Pháp, ban triết. Năm 1944, tốt nghiệp y khoa bác sĩ. Nguyễn Tường Bách viết bài thơ đầu tiên, Xuân, ký tên Tường Bách, đăng trên Phong Hóa Xuân, số 85 (11-2-1934). Có văn tài, nhưng chọn y khoa, nên chỉ thỉnh thoảng góp bài trên Phong Hoá. Ông viết thường xuyên hơn, trên Ngày Nay.

Khi Thạch Lam mất năm 1942, Nguyễn Tường Bách đang học y khoa, nhưng đã thay anh quản lý nhà xuất bản Đời Nay cho đến khi Khái Hưng, Hoàng Đạo được tha về năm 1943.

Năm 1945, khi Tự Lực văn đoàn quyết định ra lại báo Ngày Nay kỷ nguyên mới (5-5-1945) với Khái Hưng, Hoàng Đạo và Nguyễn Gia Trí; Nguyễn Tường Bách giữ chức Giám đốc. Ngày 19-8-1945, Việt Minh lên nắm chính quyền. Ngày Nay kỷ nguyên mới ra số 16 (18-8-1945) là số chót.

Nguyễn Tường Tam từ Trung Hoa trở về nước tháng 11-1945[26]. Tháng 3-1946, ông tham dự chính phủ Liên Hiệp (cùng với Nguyễn Tường Long).

Tháng 4-1946, ông cầm đầu phái đoàn Việt Nam đi dự hội nghị Đà Lạt. Hội nghị thất bại. Ông từ chối không dự hội nghị Fontainebleau, lên Đệ Tam Chiến khu Vĩnh Yên, rồi đi Trung Quốc.

Tường Bách theo Vũ Hồng Khanh lãnh đạo lực lượng Quốc Dân Đảng rút lên Yên Bái. Giao chiến với Việt Minh, Quốc Dân Đảng thua trận. Tháng 7-1946, Tường Bách được lệnh rút sang Trung Hoa cầu viện.

Khi còn tập sự tại bệnh viện Phủ Doãn, Nguyễn Tường Bách gặp Hứa Bảo Liên, một học sinh Hoa kiều, sinh tại Hà Nội, làm việc thiện nguyện tại đây. Khi chạy sang Trung Hoa, gặp lại Hứa Bảo Liên, đang học ban văn chương đại học Côn Minh; cưới nhau cuối năm 1946.

Tháng 8-1948, Hoàng Đạo mất đột ngột trên xe lửa từ Hồng Kông về Quảng Châu.

Năm 1948, Nguyễn Tường Bách và Hứa Bảo Liên lựa chọn theo xã hội chủ nghiã, chia tay với Nhất Linh, ở lại Trung Quốc. Từ 1950, hành nghề bác sĩ tại Phật Sơn.

Hồi ký Việt Nam những ngày lịch sử[27] Việt Nam một thế kỷ qua (hai tập)[28] của Nguyễn Tường Bách, thuật lại chuyện gia đình và cuộc tranh đấu trong Việt Nam Quốc Dân Đảng.

Hồi ký Nguyễn Tường Bách và tôi (1998) của Hứa Bảo Liên, cho biết về cuộc đời thăng trầm của ông bà trong thời gian ở Trung Quốc.

Nguyễn Tường Bách-Hứa Bảo Liên có một trai Nguyễn Hứa Kiên và năm gái: Nguyễn Hứa Lan, Nguyễn Hứa Linh, Nguyễn Hứa Loan, Nguyễn Hứa Anh, Nguyễn Hứa Trân.

Năm 1988, cả gia đình sang định cư Mỹ. Ông mất ngày 11-5-2013, tại California, Hoa Kỳ.

Gia đình tan tác

Cuối năm 1946, chiến tranh Pháp Việt bùng nổ. Đại gia đình Nguyễn Tường tan tác: vừa chạy loạn, vừa tránh sự lùng bắt của Việt Minh.

Vì là mẹ Nguyễn Tường Tam, bà Nhu phải lánh ở chùa Đào Xuyên (Gia Lâm, Hà Nội), phải đổi tên chuyển sang chùa sư nữ Bối Khê (Thanh Oai, Hà Nội). Sau cùng bà về được Hà Nội.

Vợ con Thạch Lam bỏ trại Cẩm Giàng, tản cư đến xóm Đìa, cách Nhã Nam sáu, bảy cây số, trong ba năm. Đời sống rất cơ cực. Bà Thạch Lam phải chôn đốt dĩ vãng, hình ảnh gia đình, đổi họ các con, Nguyễn Tường thành Nguyễn Thạch[29].

Bà Nhất Linh đưa con về lánh ở nhà người anh cả làng Phượng Vũ, phủ Thường Tín, quê mình, nhưng vẫn bị bắt, bị giải đi với con trai cả Nguyễn Tường Việt, 15 tuổi cùng với Nguyễn Tường Cẩm, anh chồng và Phạm Hoàng Tín, em ruột.

Nhờ vụ Pháp bỏ bom, Việt dẫn mẹ chạy thoát, về trú ở nhà người làm công thủa trước, rồi chạy lên mạn ngược. Ông Cẩm và ông Tín bị xích với nhau, nên không dám trốn. Cả hai bị đưa đi mất tích. Bà Nhất Linh Phạm Thị Nguyên phải đổi tên thành Phạm Thị Liên[30].

Năm 1949, bà Nguyễn Tường Nhu thuê người đi tìm vợ con Thạch Lam, họ tìm đến được xóm Đìa, dẫn hai bé trai về Hà Nội, cô con gái cùng mẹ về qua Cẩm Giàng. Sáng hôm sau, Tường Nhung có người bạn cùng tên Nhung đến đón đi chơi:

"Vừa đi nó vừa kéo tay tôi đi qua nhà ga hướng về hướng trại của gia đình tôi. Đi mãi mà tôi chẳng nhìn thấy trại, chỉ thấy toàn là ruộng và ruộng. Đi thêm một quãng nữa, nó dắt tôi lên ngồi trên đường rầy tầu hoả, rồi nó chỉ tay về trước mặt nói "Trại Cẩm Giàng của mày ở đấy". Rồi nó nói tiếp, khi Việt Minh rút lui họ đặt mìn giật xập hết. Ngay cả trường học của tao với mày cũng bị phá. Vì vậy, ngồi ngay trước cổng trại mà không thấy vết tích gì còn lại, chỉ toàn cỏ hoang. Nếu con Nhung không đưa đến đây thì không thể nào nhận được trước đó là một trang trại rộng lớn, đẹp đẽ có tiếng cả một vùng."[31]

Trại Cẩm Giàng đã trở thành bình địa.

Gia đình Thạch Lam trở về Hà Nội, sống nhờ cô Năm (Nguyễn Thị Thế) một thời gian. Bà Nguyễn Thị Sói đã phải xoay sở, tần ảo buôn bán, nuôi con.

Rồi năm 1953, bà nội Lê Thị Sâm lại "đích thân" đến gặp ông Nguyễn Khắc Thám, Tổng Giám Đốc Bưu Điện, xin cho con dâu vào làm việc ở sở Bưu Điện, từ 1953 đến khi về hưu năm 1967. Từ đó, các con Thạch Lam được sống yên bình đầy đủ, tới khi trưởng thành.

Người mẹ, người bà

Bà Nguyễn Tường Nhu nhũ danh Lê Thị Sâm là một nhân vật ngoại khổ. Không những nuôi chồng, nuôi con, từ khi chồng còn sống, bà còn lo cả đến các cháu, bà không bỏ sót ai.

Khi Nhất Linh cho Khái Hưng người con trai thứ hai là Nguyễn Tường Triệu. Khái Hưng muốn đổi tên chính thức cho con thành Trần Khánh Triệu, nhưng bà nội cấm[32].

Bà mất ngày 16-7 năm Tân Sửu[33] (26-8-1961) ở Sài Gòn. Chôn ở nghiã trang chùa Giác Minh[34] (Gò Vấp). Sau, các cháu đưa tro cốt bà về nghiã địa Trữ La, Cẩm Giàng bên cạnh mộ ông.

Một người bình tĩnh lạ thường, khi chồng chết, mẹ chồng khóc lóc, bà thản nhiên bảo: "Người chết đã yên phận rồi, bây giờ bà phải thương các cháu lo sao cho khỏi chết đói, để yên con còn phải lo buôn bán chứ cứ ngồi khóc hoài sao, người chết cũng chả sống lại được, mà người sống thì chết đói". Từ đó bà tôi thôi không khóc và chỉ khóc khi nào mẹ tôi đi vắng" (Nguyễn Thị Thế, trang 53).

Bà dịu dàng với con trai, âu yếm với các cháu. Nhưng bà cũng là người mẹ chồng cay nghiệt, Nguyễn Tường Bách viết:

"…Vì trong nhà bất hoà với tấn kịch mẹ chồng nàng dâu bi đát. Hình như là chị đã mang cả oan ức xuống suối vàng, người chị dâu hiền lành ít nói của tôi."[35]

Bà đầy quyền uy và độc đoán, ai cũng sợ, không dám gần, kể cả người con gái duy nhất:

"Tôi là người rất chịu đựng. Khi nhỏ đã từng chịu đựng mấy đứa em khó tính và bà mẹ nghiêm khắc mà tôi rất sợ ít khi dám dàng mặt. Hễ làm cái gì hỏng là bà cụ cốc lên đầu mắng nhiếc đủ điều. Tôi chỉ nhờ vào tình thương của bà nội tôi thôi, cái bánh cái kẹo gì, bà nội cũng giấu bớt cho tôi (…) Dù tôi đã có chồng có con nhưng vẫn kính sợ mẹ tôi như hồi còn bé, mẹ bảo sao nghe vậy không bao giờ dám nói sai lời" (Nguyễn Thị Thế, trang 222, 243).

Nguyễn Tường Bách, cũng chỉ thương bà nội:

"Cái chết của bà tôi, cái chết làm cho tôi xúc động sâu xa, rất lâu mãi về sau này vẫn không ngớt. Từ lúc còn nhỏ, tôi luôn luôn đồng tình với bà tôi, vì bà sống chịu đựng, cay đắng hơn ai hết trong phần cuối đời, người con trai duy nhất đã mất, tất cả đều do con dâu tần tảo làm ăn. Bi kịch mẹ chồng nàng dâu không một gia đình nào lúc đó tránh khỏi. Niềm an ủi duy nhất của bà là lòng thương mến của các cháu: và sáng nào bà cũng thắp hương, châm ngọn đèn con trên bàn thờ, rồi ngồi yên niệm Phật với chuỗi tràng hạt đen bóng".[36]

Nguyễn Tường Bách không viết gì về mẹ.

Người mẹ của Nhất Linh khác xa người mẹ của Nguyễn Thị Thế, dù cùng một mẹ.

Điều này chứng tỏ sự phân biệt đối xử lạ lùng giữa con trai và con gái: với Nhất Linh, người con "thành công" bà yêu thương và kính trọng, nhưng bà đối xử khác hẳn với người con gái duy nhất, bắt phải bỏ học, quán xuyến việc nội trợ, hầu hạ mẹ và lo cho các em, từ lúc 10 tuổi.

Đối với các cháu, nhất là con Thạch Lam, người con trai thông minh nhất nhà, bà yêu quý, chết yểu: "Bà không bao giờ đánh mắng và rất yêu thương các cháu, nhưng tôi rất sợ bà, nhất là khi phải ngồi ăn cơm chung với bà", Tường Nhung kể lại.[37]

Nguyễn Thị Thế mô tả tình anh em bền chặt, vẽ chân dung chính xác các anh và hai em, nhưng đã viết những trang hồi ký cay đắng về Tình mẹ con, thuật lại hình ảnh người mẹ nghiệt ngã, toàn trị trong gia đình, với một ngòi bút thản nhiên, chân thật.

Vần đề trọng nam khinh nữ, không cho con gái đi học, mẹ chồng nàng dâu, của xã hội cũ, là mấu chốt tất cả, trở thành vấn nạn hàng đầu trong tiểu thuyết Tự Lực văn đoàn, phải đạp đổ. Nguyễn Tường Bách diễn tả đầy đủ thực trạng này trong câu:

"Chính những xung đột nghiệt ngã trong gia đình chúng tôi giữa mấy lớp mẹ chồng nàng dâu, cùng với nhiều nỗi bất hạnh của phụ nữ bị trói buộc trong lễ giáo phong kiến lạc hậu trên xã hội, đã là đề tài cho nhiều tác phẩm sau này – thí dụ như cuốn Đoạn tuyệt của Nhất Linh"[38].

(Còn nữa)

Thụy Khuê

thuykhue.free.fr


[1] Hồi ký Nguyễn Tường Bách, Việt Nam những ngày lịch sử, do Nhóm nghiên cứu lịch sử xuất bản, Montréal, Canada, 1981, trang 44-45.

[2] Hồi ký Nguyễn Tường Bách, Việt Nam những ngày lịch sử, trang 45.

[3] Theo tiểu sử Nhất Linh của Nguyễn Ngu Í. Sống và viết với… nxb Bách Khoa, Xuân Thu tái bản ỏ Hoa Kỳ, không đề năm, trang 21.

[4] Trả lời phỏng vấn của Nguyễn Ngu Í, in trong Sống và viết với… nxb Bách Khoa, trang 16.

[5] Ngày Nay từ số 27 (27-9-36) đến số 32 (1-11-36), sau in thành sách chỉ giữ tên Tối Tăm và bỏ tên Khái Hưng.

[6] Bà Nhất Linh mất ngày 6-5-1981, tại Orsay, Pháp.

[7] Bây giờ là đường Nguyễn Thái Học.

[8] Bà Nguyễn Thị Kim Thư mất ngày 6-5-1976.

[9] Theo điện thư của Nguyễn Tường Thiết ngày 15-5-2020.

[10] Theo Trương Bảo Sơn, Những kỷ niệm riêng với Nhất Linh, in trong Nhất Linh người nghệ sĩ, người chiến sĩ, Thế Kỷ, 2004, trang 81).

[11] Bà Nguyễn Thị Kim Thoa mất ngày 6-2-2006 tại Marseille, Pháp. Sang Pháp từ 1966, bà đã từng trông người già, trong nhiểu năm săn sóc ông bà Hoàng Xuân Hãn, đến lúc giáo sư mất, năm 1996. (Theo Chị Thoa của Nguyễn Tường Thiết, in trong Nhất Linh cha tôi, Văn Mới, 2006; nxb Phụ Nữ tái bản trong nước, 2020).

[12] Ngày sinh các con của ông bà Nguyễn Tường Tam chép theo luận án Nguyễn Tường Tam sống và viết của Maria Strakovova, Tiệp Khắc, 2011.

[13] Theo Tiểu sử Nhất Linh của Nguyễn Ngu Í, Sống và viết với… trang 21.

[14] Theo lời dẫn nhập bài Nói chuyện với ông Nguyễn Mạnh Tường, do Nguyễn Tường Tam viết, trên Phong Hóa số 16 (6-10-1932).

[15] Theo điện thư của nhà văn Đặng Thơ Thơ, cháu ngoại Hoàng Đạo, ngày 4-7-2020.

[16] In trong Kỷ yếu triển lãm và hội thảo về báo Phong Hóa Ngày Nay và Tự Lực Văn Đoàn, NXB Người Việt, 2014, California, trang 212-217.

[17] Theo bài Mẹ tôi của Từ Dung, in trong Kỷ yếu triển lãm và hội thảo về báo Phong Hóa Ngày Nay và Tự Lực Văn Đoàn, nx Người Việt, 2014, California.

[18] Văn, Tưởng niệm Hoàng Đạo, số 107-108 (15-6-68), trang 14-15.

[19] Tiểu sử Nguyễn Thị Thế in bìa sau cuốn hồi ký, ghi bà lập gia đình năm 1933, là sai.

[20] Trích Vài cảm nghĩ về cuốn hồi ký của chị tôi: Nguyễn Thị Thế của Viễn Sơn Nguyễn Tường Bách, in trong Hồi ký về gia đình Nguyễn Tường của Nguyễn Thị Thế, Văn Hoá Ngày Nay, 1996, Hoa Kỳ, trang 255-256.

[21] Chúng tôi viết theo thông tin của nhà thơ Nguyễn Tường Giang.

[22] Đinh Hùng, Tìm hiểu Thạch Lam thêm một vài khiá cạnh, Văn số 36 (15-6-1965), Tưởng niệm Thạch Lam, trang 58.

[23] Những chổ khác thường viết 28-6-1942, chúng tôi sửa lại theo tư liệu của nhà thơ Nguyễn Tường Giang.

[24] Theo điện thư của Nguyễn Tường Giang ngày 6-7-2020.

[25] Nxb Thạch Ngữ, 2012, Hoa Kỳ.

[26] Nguyễn Tường Bách, Tưởng nhớ Khái Hưng, trong cuốn Khái Hưng, kỷ vật đầu tay và cuối cùng, tập 1, Hồn bướm mơ tiên, nxb Phượng Hoàng, California, 1997, trang 166.

[27] Việt Nam những ngày lịch sử của Nguyễn Tường Bách, Nhóm Nghiên cứu sử địa xuất bản, Montréal, 1981.

[28] Việt Nam một thế kỷ qua I và II, của Nguyễn Tường Bách, Thạch Ngữ, California, 1999 và 2000.

[29] Nguyễn Tường Giang, Thạch Lam cha tôi trong trí tưởng, in trong tập Khói hồ bay, trang 303.

[30] Nguyễn Tường Thiết, Bà Cẩm Lợi, in trong Nhất Linh cha tôi, trang 241.

[31] Mẹ tôi, bà Thạch Lam Nguyễn Tường Lân của Nguyễn Tường Nhung, in trong sách Kỷ yếu triển lãm và hội thảo về báo Phong Hóa Ngày Nay và Tự Lực Văn Đoàn, nxb Người Việt, 2014, California.

[32] Theo lời ông Nguyễn Tường Triệu nói với chúng tôi qua điện thoại, ngày 17-6-2017.

[33] Theo ngày giỗ, do Nguyễn Tường Nhung ghi lại trong bài Bà Nội và trại Cẩm Giàng. Có chỗ ghi 15-8-62.

[34] Nghiã trang này là nơi chôn thân nhân gia đình Nguyễn Tường: ông Nguyễn Tường Thụy, ông Nguyễn Kim Hoàn (chồng bà Nguyễn Thị Thế) và bà Thạch Lam, đều chôn ở đấy. Sau tro cốt ông bà Nhất Linh được đưa về Hội An. Tro cốt bà Lê Thị Sâm và bà Nguyễn Thị Sói được đưa ra Bắc.

[35] Nguyễn Tường Bách, Việt Nam những ngày lịch sử, Nhóm Nghiên cứu sử địa, Montréal, 1981, trang 45.

[36] Nguyễn Tường Bách, Việt Nam một thế kỷ qua, cuốn I, 1916-1946, Nxb Thạch Ngữ, 1988, Hoa Kỳ, trang 44.

[37] Bà Nội và trại Cẩm Giàng của Nguyễn Tường Nhung, tài liệu của Nguyễn Tường Giang.

[38] Nguyễn Tường Bách, Việt Nam một thế kỷ qua, cuốn I, 1916-1946, Nxb Thạch Ngữ, 1988, Hoa Kỳ, trang 44.

Comments are closed.