VẤN ĐỀ THỂ LOẠI LỜI NÓI

(tiếp kỳ trước)

M.M.Bakhtin

Lã Nguyên dịch

Để kết luận phần này, xin nói thêm mấy lời về câu (ở phần cuối của công trình này, chúng tôi sẽ trở lại với vấn đề câu một cách chi tiết hơn).

Là một đơn vị ngôn ngữ, câu không có khả năng xác định quan điểm chủ động – hồi đáp của người nói. Phải trở thành một phát ngôn hoàn chỉnh, câu mới có được khả năng ấy. Bất kỳ câu nào cũng có thể hoạt động với tư cách một phát ngôn hoàn chỉnh, nhưng trong trường hợp này, như chúng ta đã biết, nó được bổ sung bằng hàng loạt yếu tố rất quan trọng mang đặc tính ngoài cú pháp làm thay đổi bản chất của nó từ trong gốc rễ.Và chính điều đó là lý do dẫn tới hiện tượng quang sai cú pháp: khi phân tích một câu riêng lẻ tách khỏi ngữ cảnh, người ta có thể từ đó đoán ra chỉnh thể phát ngôn. Nhờ thế, nó có được sự hoàn kết ở mức độ đủ để có thể đáp lại nó.

Như một từ, câu là đơn vị biểu nghĩa của ngôn ngữ. Vì vậy, mỗi câu được tách ra riêng rẽ, ví như “mặt trời mọc”, hoàn toàn có thể hiểu được, tức là chúng ta hiểu được ý nghĩa ngôn ngữ của nó, vai trò có thể có của nó trong phát ngôn. Nhưng từ một câu riêng lẻ ấy, không thể nào xác lập được quan điểm hồi đáp, nếu chúng ta không biết, với câu ấy, người nói đã nói hết những gì anh ta muốn nói hay chưa, những câu khác của người nói ấy nói trước và nói sau câu này là gì. Có điều, khi đã biết được như thế, thì đó không còn là một là câu nữa, mà là một phát ngôn có đầy đủ giá trị được tạo thành bởi một câu: nó bị đóng khung và bị giới hạn bởi sự thay đổi các chủ thể lời nói, và nó phản ánh trực tiếp hiện thực ngoài lời (tình huống). Có thể đáp lại một phát ngôn như vậy.

Nhưng nếu câu ấy bị ngữ cảnh bao quanh, thì nó sẽ chỉ tìm thấy toàn bộ ý nghĩa[1] của nó trong ngữ cảnh ấy, tức là chỉ trong phát ngôn hoàn chỉnh và chỉ có thể đáp lại cái phát ngôn hoàn chỉnh mà câu đó là yếu tố biểu nghĩa của nó. Chẳng hạn, phát ngôn có thể là thế này: “Mặt trời đã mọc. Dậy thôi”. Sự thông hiểu hồi đáp (hoặc đáp to lên): “Vâng, quả đến lúc phải dậy rồi”. Nhưng nó cũng có thể là thế này: “Mặt trời đã mọc. Nhưng còn sớm lắm. Phải ngủ thêm tí nữa”. Ở đây ý nghĩa của phát ngôn và phản ứng đáp lại là những cái rất khác nhau. Câu trên có thể là một bộ phận cấu thành của một tác phẩm nghệ thuật như một yếu tố của bức tranh phong cảnh. Phản ứng hồi đáp ở đây, – tức là ấn tượng tư tưởng – nghệ thuật và sự định giá, – chỉ có thể gắn với toàn bộ bức tranh. Trong ngữ cảnh của tác phẩm khác, câu trên lại có thể có ý nghĩa tượng trưng. Trong tất cả các trường hợp như thế, câu là yếu tố biểu nghĩa của toàn bộ phát ngôn, yếu tố chỉ tìm thấy ý nghĩa cuối cùng của nó ở chỉnh thể ấy.

Nếu câu của chúng ta xuất hiện với tư cách một phát ngôn hoàn chỉnh thì nó sẽ có ý nghĩa toàn vẹn trong những điều kiện xác định cụ thể của giao tiếp lời nói. Chẳng hạn, nó có thể trở thành lời đáp cho một câu hỏi khác: “Mặt trời mọc chưa?” (tất nhiên, với với tình huống xác định, thích hợp với câu hỏi ấy). Ở đây phát ngôn là sự khẳng định một sự thật cụ thể, sự khẳng định có thể đúng, có thể sai, có thể tán thành hoặc không tán thành. Câu, vốn chỉ mang tính khẳng định theo hình thức của nó, nhờ ngữ cảnh của một phát ngôn cụ thể, sẽ trở thành sự khẳng định thực tế.

Khi phân tích một câu riêng lẻ như vậy, người ta thường tiếp nhận nó như một phát ngôn hoàn chỉnh trong giới hạn của một tình huống bị đơn giản hoá: quả là mặt trời đã mọc, thì người nói xác nhận: “Mặt trời đã mọc”, người nói thấy cỏ xanh, thì tuyên bố: “Cỏ xanh”. Những “giao tiếp” vô nghĩa như thế thường được xem ngay là những trường hợp kiểu mẫu của câu. Thực tế, mọi thông báo tương tự như vậy đều nhắm tới một ai đó, được gợi ra bởi một cái gì đó, có một mục đích nào đó, có nghĩa là, chúng đều là một mắt xích thực tế thực của mạch giao tiếp lời nói trong một lĩnh vực hoạt động và đời sống cụ thể của con người.

Câu, giống như từ, có sự hoàn chỉnh về nghĩa và sự hoàn chỉnh về hình thức cú pháp, nhưng sự hoàn chỉnh về nghĩa ấy chỉ mang tính trừu tượng và chính nhờ thế mà nó trở nên rành rọt như vậy; đó là sự hoàn chỉnh của yếu tố, chứ không phải là sự hoàn chỉnh của chỉnh thể. Câu như một đơn vị ngôn ngữ, giống như từ, không có tác giả. Nó không phải của ai, giống như một từ, và, chỉ khi hoạt động như một phát ngôn hoàn chỉnh, nó mới trở thành sự biểu hiện quan điểm cá nhân của người nói trong tình huống nào đó của giao tiếp lời nói. Điều này dẫn chúng ta tới đặc điểm mới, đặc điểm thứ ba của phát ngôn: mối quan hệ giữa phát ngôn với bản thân người nói (tác giả của phát ngôn) và những người tham gia khác của giao tiếp lời nói.

Mọi phát ngôn đều là một khâu của mạch giao tiếp lời nói. Đó là quan điểm chủ động của người nói trong phạm vi ý nghĩa – sự vật này hay phạm vi ý nghĩa – sự vật khác. Vì thế, trước hết, mỗi phát ngôn bao giờ cũng mang đặc điểm của một nội dung ý nghĩa – sự vật nào đó. Nhiệm vụ (ý đồ) ý nghĩa – sự vật của chủ thể lời nói (hoặc tác giả) là nhân tố đầu tiên quyết định sự lựa chọn các phương tiện ngôn ngữ và thể loại lời nói. Đây là phương diện đầu tiên của phát ngôn, phương diện quyết định các đặc điểm kết cấu – phong cách của nó.

Phương diện thứ hai quyết định kết cấu và phong cách của phát ngôn là nội dung biểu cảm, tức là thái độ tình cảm – định giá chủ quan của người nói với nội dung ý nghĩa – sự vật ở phát ngôn của mình. Trong các lĩnh vực khác nhau của giao tiếp lời nói, bình diện biểu cảm có ý nghĩa khác nhau và mức độ đậm nhạt khác nhau, nhưng nó hiện diện khắp mọi nơi: không thể có phát ngôn trung tính tuyệt đối. Thái độ định giá của người nói với đối tượng lời nói của mình (dù đối tượng ấy là thế nào đi nữa) cũng quyết định sự lựa chọn các phương tiện từ vựng, cú pháp, kết cấu của phát ngôn. Phong cách cá nhân của phát ngôn chịu sự quy định chủ yếu của phương diện biểu cảm. Trong lĩnh vực phong cách học, đây là luận điểm đã được thừa nhận chung. Một số nhà nghiên cứu thậm chí quy phong cách về bình diện xúc cảm – định giá của lời nói[2].

Liệu có thể xem bình diện biểu cảm của lời nói là một hiện tượng của ngôn ngữ như một hệ thống hay không? Có thể nói về bình diện biểu cảm của các đơn vị ngôn ngữ, tức là của từ và của câu hay không? Với những câu hỏi như thế, cần đưa ra ngay một câu trả lời mang tính phủ định tuyệt đối[3]. Như một hệ thống, ngôn ngữ cố nhiên có cả một kho dự trữ giàu có các phương tiện ngôn ngữ như từ vựng, hình thái, cú pháp…để biểu đạt quan điểm tình cảm – định giá của người nói, nhưng tất cả những phương tiện ấy, giống như các phương tiện của ngôn ngữ, hoàn toàn trung tính với mọi sự định giá thực tế nào đó. Chữ “dễ thương”[4] – có tính chất âu yếm, theo nghĩa gốc, cũng như theo hậu tố – tự bản thân nó, như một đơn vị ngôn ngữ, cũng giống như từ “xa xăm”[5]. Nó chỉ là một phương tiện ngôn ngữ dùng để, khi cần, bộc lộ thái độ tình cảm – định giá với hiện thực, nhưng nó chẳng liên quan tới một hiện thực cụ thể nào cả, người nói chỉ có thể thực hiện mối quan hệ này, tức là sự định giá hiện thực, trong phát ngôn cụ thể của mình. Tự chúng, những từ chẳng phải của ai không đánh giá gì cả, nhưng chúng có thể trợ giúp cho mọi người nói, mọi sự định giá khác nhau nhất, thậm chí, mọi sự định giá trực tiếp xung đột với nhau của người nói.

Và câu, như một đơn vị ngôn ngữ, cũng trung tính, tự nó không có bình diện biểu cảm, nó chỉ có được phương diện biểu cảm (chính xác hơn, tham gia vào sự biểu cảm) trong phát ngôn cụ thể. Ở đây, cũng có thể có quang sai. Rõ ràng cái câu, “Ông ấy chết rồi” cũng có một nội dung biểu cảm nhất định, câu “Vui làm sao!” có nội dung biểu cảm còn rõ hơn. Thực ra, chúng ta vẫn thường tiếp nhận những câu như vậy như những phát ngôn hoàn chỉnh, hơn nữa, tiếp nhận trong tình huống điển hình, tức là, tựa như những thể loại lời nói có sự biểu cảm mang tính loại hình. Là câu, chúng trung tính, không có nội dung biểu cảm. Tuỳ vào ngữ cảnh phát ngôn, câu “Ông ấy chết rồi” có thể biểu đạt tình cảm tích cực, mừng vui, thâm chí hoan hỉ. Còn câu “Vui làm sao!” trong một ngữ cảnh phát ngôn nào đó có thể có giọng điệu hài hước, hay cay đắng – mỉa mai.

Một trong những phương tiện bộc lộ thái độ tình cảm – định giá của người nói với đối tượng lời nói của mình là giọng biểu cảm vang lên rành rọt trong diễn xuất khẩu ngữ[6]. Giọng biểu cảm là dấu hiệu cấu thành của phát ngôn. Nó không có trong hệ thống ngôn ngữ, tức là bên ngoài phát ngôn. Cả từ lẫn câu, như những đơn vị ngôn ngữ, đều không có giọng biểu cảm. Nếu một từ riêng lẻ được nói ra với giọng biểu cảm, thì nó không còn là một từ, mà là một phát ngôn hoàn chỉnh được biểu hiện bằng một từ (không có bất kỳ cơ sở nào để mở rộng nó thành một câu). Có những dạng phát ngôn định giá trở thành khuôn sáo, rất hay gặp trong giao tiếp lời nói, đó là những thể loại lời nói định giá thể hiện sự khen ngợi, tán thành, thán phục, bài bác, nhiếc móc: “Tuyệt!”, “Cừ!”, “”Nhục!”, “Tởm!”, “Ngu!”… Trong những điều kiện nào đó của đời sống chính trị – xã hội, nhiều từ bỗng có mãnh lực đặc biệt, trở thành những phát ngôn cảm thán biểu cảm: “Hoà bình!”, “Tự do!”… (Đây là những thể lời nói chính trị – xã hội, đặc biệt). Trong một tình huống nào đó, một từ có thể tìm thấy ý nghĩa biểu cảm sâu sắc qua hình thức phát ngôn cảm thán: “Biển! Biển” (hàng vạn người Hy Lạp reo lên bên Xénophon)[7].

Trong tất cả những trường hợp trên, ta không tiếp xúc với một từ riêng lẻ như một đơn vị ngôn ngữ, cũng không tiếp xúc với nghĩa của một từ, mà tiếp xúc với một phát ngôn hoàn chỉnh và với một ý nghĩa cụ thể – với nội dung của phát ngôn cụ thể; ở đây, nghĩa của từ có quan hệ với một thực tế hiện thực xác định trong những điều kiện hiện thực cụ thể của giao tiếp lời nói. Vì thế, ở đây, chúng ta không chỉ hiểu nghĩa của một từ nào đấy như một từ của ngôn ngữ, mà xác lập với nó quan điểm chủ động – hồi đáp (đồng cảm, tán thành, hoặc phản đối, khích lệ hành động). Bởi vậy, giọng biểu cảm ở đây thuộc về phát ngôn, chứ không thuộc về từ.

Thế mà vẫn rất khó đoạn tuyệt với quan niệm cho rằng, mỗi từ của ngôn ngữ tự nó vẫn có và có thể có “giọng biểu cảm”, “màu sắc biểu cảm”, “yếu tố giá trị”, “vầng phong cách”…, và như thế, có giọng biểu cảm của riêng nó, như một từ. Quả là có thể nghĩ rằng, khi chọn một từ để phát ngôn, đúng là chúng ta bị điều khiển bởi giọng biểu cảm thuộc về từ riêng lẻ ấy: chúng ta chỉ chọn những từ có giọng hợp với sự biểu cảm trong phát ngôn của chúng ta và gạt bỏ những từ khác. Chính bản thân các nhà thơ đã miêu tả công việc với từ ngữ của mình như thế và chính phong cách học cũng diễn giải quá trình ấy như vậy (chẳng hạn, “thực nghiệm phong cách học” của Peskovski[8]).

Nhưng dù thế nào đi nữa thì vấn đề vẫn không phải như vậy. Trước mắt chúng ta lại là một nhầm lẫn quen thuộc. Khi chọn từ, bao giờ chúng ta cũng xuất phát từ cái chỉnh thể phát ngôn đã được trù tính[9], mà cái chỉnh thể phát ngôn do chúng ta trù tính và tạo ra thì bao giờ cũng mang tính biểu cảm, và chính nó sẽ làm tán xạ toàn bộ sự biểu cảm của mình (chính xác hơn, sự biểu cảm của chúng ta) ra mỗi từ mà chúng ta đã lựa chọn, có thể nói, làm nội dung biểu cảm lây lan ra cái chỉnh thể. Chúng ta lựa chọn từ theo chức năng mà tự nó vốn không có tính biểu cảm, nhưng chúng có thể đáp ứng, hoặc không đáp ứng mục đích biểu cảm trong mối liên hệ với các từ khác, tức là trong mối liên hệ với chỉnh thể phát ngôn của chúng ta. Cái nghĩa trung tính của từ có liên quan tới một hiện thực có thật nào đó trong những điều kiện hiện thực nào đó của giao tiếp lời nói sẽ thắp lên ngọn lửa biểu cảm. Và quả là chính điều đó vẫn diễn ra trong quá trình kiến tạo phát ngôn. Xin nhắc lại, chỉ có sự tiếp xúc giữa nghĩa của ngôn ngữ với một hiện thực cụ thể, chỉ có sự tiếp xúc giữa ngôn ngữ với hiện thực vẫn diễn ra trong phát ngôn mới sinh ra ngọn lửa biểu cảm, ngọn lửa ấy không có trong hệ thống ngôn ngữ, không có trong hiện thực khách quan tồn tại bên ngoài chúng ta.

Vậy là, cảm xúc, định giá, biểu cảm hoàn toàn xa lạ với từ của ngôn ngữ và chỉ được sinh ra trong quá trình sử dụng sinh động ở phát ngôn cụ thể. Tự bản thân nó (ngoài mối liên hệ với thực tế hiện thực), nghĩa của từ, như chúng tôi đã nói, nằm ngoài xúc cảm. Có những từ được sử dụng để biểu đạt cảm xúc, đánh giá: “hân hoan”, “đau đớn”, “tuyệt vời”, “vui vẻ”, “buồn bã”…Những các nét nghĩa ấy cũng trung tính như mọi nét nghĩa khác. Chỉ trong phát ngôn, chúng mới có màu sắc biểu cảm, màu sắc ấy hoàn toàn độc lập với nét nghĩa của chúng khi được tách ra riêng rẽ, một cách trừu tượng: chẳng hạn “Mọi niềm vui với tôi giờ chỉ còn là nỗi đắng cay”, ở đây, từ “niềm vui” vang lên ngữ điệu biểu cảm, có thể nói, trái ngược với nghĩa của nó.

Nhưng với những gì vừa nói, vấn đề chưa phải là đã được giải quyết xong xuôi. Bởi nó cực kỳ phức tạp. Trong quá trình kiến tạo phát ngôn, khi chọn từ, gần như không bao giờ chúng ta chọn chúng từ hệ thống ngôn ngữ, dưới dạng từ điển, trung tính của chúng. Chúng ta thường chọn chúng từ những phát ngôn khác, trước hết, từ những phát ngôn có quan hệ họ hàng với chúng ta về mặt thể loại, tức là về mặt chủ đề, về kết cấu, về phong cách; và như vậy, chúng ta chọn từ theo đặc điểm thể loại của chúng. Thể loại lời nói không phải là hình thức của ngôn ngữ, mà là hình thức mang tính loại hình của phát ngôn như nó vốn dĩ; thể loại chứa đựng trong bản thân một nội dung biểu cảm tiêu biểu nào đó vốn là đặc điểm riêng của thể loại ấy. Trong thể loại, từ sẽ có được một nội dung biểu cảm điển hình nào đó. Các thể loại bao giờ cũng tương ứng với các tình huống điển hình trong giao tiếp lời nói, với các chủ đề điển hình, vì thế, chúng tương ứng cả với những mối xúc tiếp điển hình nào đó giữa các nghĩa của từ với thực tại hiện thực cụ thể trong những hoàn cảnh điển hình. Đó là cơ sở của mọi sự biểu cảm có thể có, những sự biểu cảm tựa như được tích tụ trong các từ. Sự biểu cảm mang tính điển hình về mặt thể loại ấy, dĩ nhiên, không thuộc về từ như một đơn vị ngôn ngữ, không nhập vào nghĩa của nó, mà chỉ phản ánh mối quan hệ của từ và nghĩa của nó với thể loại, tức là với những phát ngôn điển hình. Sự biểu cảm mang tính điển hình này và giọng điệu điển hình tương ứng với nó không mang sức mạnh cưỡng bách như các hình thức ngôn ngữ vẫn có. Đó là chuẩn mực thể loại thoải mái hơn nhiều. Trong ví dụ của chúng tôi “Mọi niềm vui với tôi giờ chỉ còn là nỗi đắng cay”, giọng biểu cảm của từ “niềm vui” được quyết định bởi ngữ cảnh dĩ nhiên là không tiêu biểu đối với từ ấy. Nhìn chung, các thể loại lời nói rất dễ chuyển đổi sự nhấn giọng, chuyện buồn có thể biến thành vui vẻ – bông đùa, nhưng kết quả, sẽ được một cái gì mới mẻ (ví như thể văn tế bỡn cợt).

Có thể nghiên cứu nội dung biểu cảm điển hình (thể loại) nói trên như “quầng phong cách” của từ, nhưng cái quầng ấy không thuộc về từ của ngôn ngữ như vố dĩ, mà thuộc về cái thể loại trong đó từ ấy thường hoạt động, nó là hồi âm của chỉnh thể thể loại vang lên trong từ.

Sự biểu cảm mang tính thể loại của từ – giọng biểu cảm thể loại – là chuyện không cùng, cũng như sự không cùng của bản thân các thể loại lời nói[10](chính chúng là hình thức tiêu biểu của các phát ngôn cá nhân, nhưng không phải là bản thân các phát ngôn). Nhưng từ ngữ có thể tham gia vào lời nói của chúng ta từ phát ngôn của các cá nhân khác, mà chúng vẫn giữ được – ở mức độ nhiều hay ít – giọng điệu và âm vang của những phát ngôn ấy.

Các từ của ngôn ngữ là thứ chẳng phải của ai, nhưng, đồng thời, chúng ta lại nghe thấy chúng trong những phát ngôn cá nhân nào đó, đọc được chúng trong những tác phẩm của cá nhân ai đó, và ở đây, từ ngữ đã có được sự biểu cảm chẳng những mang tính điển hình, mà còn ít nhiều bộc lộ rõ ràng (tuỳ thuộc vào thể loại) bình diện cá nhân, do ngữ cảnh phát ngôn mang tính cá thể – độc đáo quy định.

Nghĩa từ điển trung tính của các từ trong ngôn ngữ ngữ đảm bảo tính cộng đồng và sự thông hiểu lẫn nhau giữa những người nói cùng sử dụng một ngôn ngữ nào đó, nhưng việc sử dụng các từ trong giao tiếp lời nói sống động bao giờ cũng mang đặc điểm ngữ cảnh – cá nhân. Vì thế, có thể nói, với người nói, từ nào cũng tồn tại ở ba bình diện: như một từ trung tính của ngôn ngữ, chẳng thuộc về ai; như một từ lạ của những người khác, một từ đầy ắp âm vang của những phát ngôn lạ và, cuối cùng, như một từ của tôi, bởi vì, do tôi sử dụng nó trong một tình huống cụ thể, với một ý đồ nói cụ thể, nên nó thấm đẫm nội dung biểu cảm của tôi. Ở hai bình diện cuối, từ mang tính biểu cảm, nhưng sự biểu cảm ấy, xin nhắc lại, không thuộc về bản thân từ, nó được sinh ra ở chỗ xúc tiếp của từ với thực tế hiện thực trong những điều kiện của một tình huống có thật, được thực hiện bởi sự phát ngôn của cá nhân. Trong trường hợp này, từ hoạt động như sự thể hiện một quan điểm định giá nào đó của con người cá nhân (của một nhà hoạt động có uy tín, của một nhà văn, của cha, của mẹ, của bạn, của thầy…), như là lời nói tắt của phát ngôn.

Ở mỗi thời đại, trong mỗi nhóm xã hội, trong từng phạm vi nhỏ bé của gia đình, bằng hữu, thân hữu, đồng chí đồng đội…, nơi con người sinh sống và trưởng thành, bao giờ cũng có những phát ngôn, những tác phẩm nghệ thuật, khoa học, chính luận có uy tín cất cao giọng, được người ta dựa vào, viện dẫn, trích dẫn, bắt chước, làm theo. Ở mỗi thời đại, trong tất cả các lĩnh vực hoạt động và đời sống, bao giờ cũng có những truyền thống nào đó được thể hiện và gìn giữ trong bộ lễ phục ngôn từ: trong các tác phẩm, trong những phát ngôn, trong thành ngữ, tục ngữ… Bao giờ cũng có những tư tưởng chủ đạo của các bậc “chúa tể trí tuệ” ở một thời đại nào đó, những khẩu hiệu, những nhiệm vụ cơ bản nào đó được thể hiện bằng ngôn từ. Chính tôi đã nói về những kiểu mẫu học đường, văn tuyển mà trẻ em dựa vào đó để học tiếng mẹ đẻ, những kiểu mẫu mà cố nhiên là chứa đựng nội dung biểu cảm.

Ta hiểu vì sao kinh nghiệm lời nói cá nhân của mỗi người bao giờ cũng được hình thành và phát triển trong sự tác động qua lại thường xuyên, liên tục với những phát ngôn của các cá nhân khác. Ở một mức độ nào đó, kinh nghiệm ấy có thể xác định như một quá trình khai thác – mang tính sáng tạo nhiều hay ít – từ ngữ của người khác (chứ không phải từ ngữ của ngôn ngữ). Lời nói của chúng ta, tức là toàn bộ phát ngôn của mình (trong đó bao gồm cả những tác phẩm mang tính sáng tạo), đầy ắp từ ngữ lạ, với mức độ xa lạ hay thuần thục, mức độ hấp thụ và đào thải khác nhau. Những từ ngữ lạ này mang theo nội dung biểu cảm, giọng điệu định giá của mình, giọng điệu mà chúng ta sẽ khai thác, nhào nặn, biến đổi.

Cho nên, tính biểu cảm của các từ ngữ riêng lẻ không phải là thuộc tính của bản thân từ như một đơn vị ngôn ngữ, cũng không bắt nguồn trực tiếp từ nghĩa của các từ ấy – sự biểu cảm này hoặc là sự biểu cảm mang tính loại hình thuộc về thể loại, hoặc là tiếng vọng biểu cảm của cá nhân người khác, nó khiến cho từ ngữ tựa như trở thành đại diện cho một chỉnh thể phát ngôn lạ, như một quan điểm định giá nào đó.

Về câu như một đơn vị ngôn ngữ, cũng cần phải nói như vậy: nó cũng không mang tính biểu cảm. Chúng tôi đã nói về điều ấy ngay ở phần đầu của mục này. Chỉ xin bổ sung thêm chút ít vào những gì đã nói. Vấn đề là ở chỗ, có những kiểu câu thường hoạt động như những phát ngôn hoàn chỉnh của những kiểu thể loại nào đó. Câu nghi vấn, cảm thán và cầu khẩn là những kiểu câu như vậy. Có rất nhiều thể loại sinh hoạt và chuyên ngành (ví như khẩu lệnh, mệnh lệnh quân sự và sản xuất) thông thường được biểu hiện bằng một câu của kiểu tương ứng. Mặt khác, những câu thuộc dạng như thế thường rất hiếm gặp trong ngữ cảnh chặt chẽ của những phát ngôn mở rộng. Nhưng khi những câu thuộc dạng này nhập vào một ngữ cảnh được mở rộng một cách mạch lạc, chúng vẫn có sự tách bạch khá với tổng thể, chẳng những thế, chúng thường cố trở thành câu đầu, hoặc câu cuối của phát ngôn (hoặc là một một phần tương đối độc lập của phát ngôn)[11].

Xin có thêm một nhận xét. Câu như một đơn vị ngôn ngữ có giọng điệu cú pháp đặc biệt, nhưng không có giọng biểu cảm. Giọng cú pháp đặc biệt bao gồm: giọng kết thúc, giọng giải thích, giọng chia tách, giọng liệt kê…Giọng trần thuật, giọng nghi vấn, giọng cảm thán, giọng khẩn cầu thường giữ vị trí đặc biệt: ở đây giống như có sự giao cắt giữa giọng cú pháp và giọng thể loại (nhưng không phải giọng biểu cảm trong ý nghĩa chính xác của từ ấy). Chỉ trong phát ngôn hoàn chỉnh, câu mới có giọng biểu cảm. Khi dẫn một câu làm ví dụ để phân tích, chúng ta thường cấp cho nó một giọng tiêu biểu nào đó, biến nó thành một phát ngôn hoàn chỉnh (nếu là câu được chúng ta tách ra từ một văn bản nào đó, tất nhiên chúng ta sẽ tạo giọng cho nó phù hợp với sự biểu cảm của văn bản ấy)[12].

Vậy là, bình diện biểu cảm là đặc điểm cấu thành của phát ngôn. Hệ thống ngôn ngữ có những hình thức cần thiết (tức là những phương tiện ngôn ngữ) để biểu cảm, nhưng bản thân ngôn ngữ và các đơn vị biểu nghĩa của nó – từ và câu – từ trong bản chất, không có sự biểu cảm, mang tính trung lập. Vì thế, nó phục vụ đắc lực giống nhau cho mọi quan điểm đánh giá, mọi sự đánh giá khác nhau nhất, thậm chí đối lập với nhau.

Như vậy, phát ngôn, phong cách và kết cấu của nó được quyết định bởi bình diện ý nghĩa – sự vật và bình diện biểu cảm, tức là bởi thái độ định giá của người nói với bình diện ý nghĩa – sự vật của phát ngôn[13]. Phong cách học không hề biết tới bình diện thứ ba nào nữa. Nó chỉ tính tới các nhân tố quyết định phong cách và kết cấu của phát ngôn như sau: hệ thống ngôn ngữ, đối tượng của lời nói và bản thân người nói cùng quan hệ định giá của nó với đối tượng ấy. Theo quan niệm phong cách học thông thường, việc lựa chọn các phương tiện ngôn ngữ chỉ bị chi phối bởi những cân nhắc về mặt ý nghĩa – sự vật và biểu cảm. Điều đó quy định mọi phong cách ngôn ngữ, cả các khuynh hướng phong cách, lẫn phong cách cá nhân. Ở phía này, người nói, với thế giới quan, với sự định giá và tình cảm của mìmh và, từ phía khác, đối tượng lời nói của anh ta và hệ thống ngôn ngữ, đó là tất cả những gì quy định phát ngôn, phong cách và kết cấu của nó. Quan điểm thịnh hành nhất hiện nay là như vậy.

Trong thực tế, sự việc diễn ra phức tạp hơn nhiều. Mọi phát ngôn cụ thể đều là một mắt xích trong chuỗi giao tiếp giao tiếp lời nói của một lĩnh vực nào đó. Bản thân ranh giới của sự phát ngôn được xác định bằng sự thay đổi các chủ thể lời nói. Giao tiếp lời nói là quá trình “trao đổi tư tưởng” đa diện – năng động”. Các tư tưởng được trao đổi không lãnh đạm với nhau, mỗi tư tưởng không tự túc, tự mãn, chúng biết rõ về nhau, phản ánh lẫn nhau. Sự phản ánh qua lại ấy quyết định đặc điểm của chúng. Mỗi phát ngôn đầy ắp vọng âm, hồi âm của các phát ngôn khác được gắn kết với nó bởi sự thống nhất của một lĩnh vực giao tiếp lời nói. Mỗi phát ngôn cần được xem xét trước hết như một “lời đáp” trả lời những phát ngôn trước ở một lĩnh vực giao tiếp nào đó (ở đây, chúng ta hiểu từ “lời đáp” theo ý nghĩa rộng nhất): nó bác bỏ, khẳng định, bổ sung, nương tựa vào những phát ngôn ấy, phỏng đoán chúng bằng những điều đã biết, cân nhắc chúng theo cách nào đó. Đúng là phát ngôn bao giờ cũng có một quan điểm rành mạch nào đó rong một lĩnh vực giao tiếp cụ thể, về một vấn đề cụ thể, ở một công việc cụ thể. Chẳng thể xác định quan điểm của mình nếu không xác lập quan hệ với các quan điểm khác. Cho nên, mỗi phát ngôn bao giờ cũng đầy ắp những phản ứng theo kiểu hồi đáp đối với những phát ngôn khác trong một lĩnh vực giao tiếp lời nói nào đó. Những phản ứng này có nhiều hình thức khác nhau: những phát ngôn của người khác có thể nhập thẳng vào ngữ cảnh của phát ngôn, có thể chỉ nhập vào đó những từ hoặc những câu riêng lẻ mà trong trường hợp này chúng hoạt động như là những đại diện cho các phát ngôn hoàn chỉnh, hơn nữa, những phát ngôn hoàn chỉnh và những từ riêng lẻ có thể duy trì nội dung biểu cảm của mình, nhưng có thể đổi giọng (hài hước, bối rối, cung kính…), có thể kể lại những phát ngôn của người khác sau khi đã suy xét, ngẫm nghĩ lại ở những mức độ khác nhau, có thể chỉ viện dẫn chúng như những phát ngôn mà người trò chuyện với mình đã biết rõ, có thể ngầm phỏng đoán chúng, phản ứng hồi đáp có thể chỉ phản ánh trong sự biểu cảm ở lời nói của riêng mình – trong sự lựa chọn các phương tiện và giọng điệu ngôn ngữ, một sự lựa chọn không do đối tượng lời nói của mình, mà do phát ngôn của người khác về đối tượng ấy quyết định; và đây là một trường hợp điển hình và quan trọng: sự biểu cảm ở phát ngôn của chúng ta chịu sự quy định không chỉ bởi – đôi khi, không đáng kể – nội dung ý nghĩa – sự vật của phát ngôn ấy, mà còn bởi những phát ngôn của người khác về cái chủ đề mà chúng ta đang trả lời chúng, tranh luận với chúng: chính chúng sẽ quyết định cả sự nhấn mạnh các phương diện riêng lẻ, cả chỗ lặp lại, cả việc lựa chọn sự biểu đạt gay gắt hơn (hay ngược lại, mềm mại hơn), cả giọng điệu thách thức (hay ngược lại, nhượng bộ) v.v… Không bao giờ có thể hiểu thấu và giải thích được sự biểu cảm của phát ngôn đến tận cùng, nếu chỉ tính tới nội dung ý nghĩa – sự vật của nó. Ở mức độ ít hay nhiều, bao giờ sự biểu cảm của phát ngôn cũng trả lời, tức là thể hiện thái độ của người nói với các phát ngôn của người khác, chứ không chỉ phản ánh thái độ của nó với đối tượng phát ngôn của mình[14]. Các hình thức phản ứng hồi đáp đầy ắp trong phát ngôn vô cùng phong phú đa đạng và cho đến nay vẫn hoàn toàn chưa được nghiên cứu chuyên biệt[15]. Tất nhiên, những hình thức này luôn có sự khác biệt sâu sắc tuỳ thuộc vào những lĩnh vực hoạt động khác nhau và đời sống con người, nơi diễn ra giao tiếp ngôn ngữ. Phát ngôn dẫu mang tính độc điệu đến đâu đi nữa (ví như tác phẩm khoa học hoặc triết học), dẫu nó chỉ tập trung vào đối tượng của mình ra sao, thì ở một mức độ nào đó, nó vẫn không thể không trả lời những gì đã được nói từ lâu về đối tượng ấy, xung quanh vấn đề ấy, cho dù sự trả lời này không được biểu hiện rõ ràng ra bên ngoài: nó lộ ra trong bồi âm của ý nghĩa, bồi âm của biểu cảm, bồi âm của phong cách, trong những sắc thái tinh tế của kết cấu. Phát ngôn bao giờ cũng đầy ắp những bồi âm đối thoại[16] mà nếu không chú ý ta sẽ không thể thấu hiểu đến cùng phong cách phát ngôn. Quả là tư tưởng của chúng ta – cả triết học, cả khoa học, cả văn học nghệ thuật – được sinh ra và hình thành trong quá trình tác động qua lại và đấu tranh với những tư tưởng của người khác, và điều đó không thể không phản ánh trong các hình thức biểu đạt tư tưởng bằng ngôn từ của chúng ta.

Được nhận thức và được tách riêng như những yếu tố lạ thâm nhập vào phát ngôn, các phát ngôn và những từ riêng lẻ của người khác sẽ đem vào đây một cái gì đó có thể gọi là phi lý từ giác độ của ngôn ngữ như một hệ thống, nhất là từ giác độ cú pháp học. Mối quan hệ tương hỗ giữa lời nói lạ nhập vào và lời nói còn lại – của mình – chẳng có chút nào tương đồng với những quan hệ cú pháp trong phạm vi một chỉnh thể cú pháp giản đơn và phức tạp, cũng chẳng có gì giống với các quan hệ ý nghĩa – sự vật giữa các chỉnh thể cú pháp riêng lẻ không bị ràng buộc với nhau về cú pháp trong phạm vi một phát ngôn. Thế nhưng, các quan hệ này lại giống (tất nhiên, không đồng nhất) với mối quan hệ giữa những lời đối đáp trong đối thoại. Cái giọng điệu làm lời lạ tách riêng ra (trong văn viết, nó được biểu thị bằng dấu ngoặc kép) là hiện tượng thuộc loại đặc biệt: nó giống như sự thay đổi các chủ thể lời nói được chuyển dịch vào bên trong phát ngôn. Ở đây, các ranh giới do sự chuyển dịch ấy tạo ra bị nhoè mờ và trở nên đặc biệt: sự biểu cảm của người nói thấm qua ranh giới ấy, lan ra lời nói lạ mà chúng ta có thể truyền đạt qua các giọng mỉa mai, tức tối, đồng cảm, cung kính…(nội dung biểu cảm này được truyền đạt nhờ sự hỗ trợ của giọng biểu cảm, trong văn viết, chúng ta phỏng đoán và cảm nhận chính xác nhờ ngữ cảnh bao bọc lời nói lạ, hoặc tình huống ngoài lời – nó <?> ngầm chỉ ra nội dung biểu cảm tương ứng). Bởi thế, lời nói của người khác có sự biểu cảm kép: của nó, tức là của lời nói lạ, và của phát ngôn khu trú trong lời ấy. Tất cả những điều đó thường hiện diện trước hết ở những chỗ mà lời nói của người khác được dẫn ra một cách công nhiên và được nhấn mạnh một cách rõ ràng (trong ngoặc kép): ở đây có thể nghe thấy rất rõ âm hưởng của sự thay đổi các chủ thể lời nói và mối quan hệ đối thoại qua lại với nhau. Nhưng nếu nghiên cứu nó một cách sâu sắc ở những điều kiện cụ thể của giao tiếp lời nói, chúng ta vẫn tìm thấy trong mọi phát ngôn những lời nói thầm, lời nói nửa kín nửa hở của người khác với những mức độ xa lạ khác nhau. Bởi vậy, phát ngôn bao giờ cũng chồng chất lớp lớp âm vang xa xôi, chỉ nghe được rất khẽ của sự chuyển đổi các chủ thể lời nói, lớp lớp những bồi âm đối thoại, những ranh giới phát ngôn gần như bị xoá nhoà hẳn, được thẩm thấu chỉ là để dành cho sự biểu cảm của tác giả. Nếu không bị tách khỏi mối quan hệ với tác giả (người nói), mà được nghiên cứu như một khâu của mạch giao tiếp lời nói và trong các quan hệ với những phát ngôn khác gắn với nó (những quan hệ này thường không lộ ra ở bình diện từ ngữ, bình diện kết cấu-phong cách, mà chỉ lộ ra ở bình diện ý nghĩa – sự vật), thì phát ngôn hoá ra là một hiện tượng phức tạp và đa diện[17].

Mỗi phát ngôn riêng lẻ là một khâu của mạch giao tiếp lời nói. Nó có các ranh giới rõ ràng được xác định bởi sự thay đổi các chủ thể lời nói (người nói), nhưng trong phạm vi của những ranh giới ấy, phát ngôn, tựa như một đơn tử Leibniz, vẫn phản ánh tiến trình lời nói, phản ánh những phát ngôn của người khác, và cả những khâu của chuỗi giao tiếp đã diễn ra trước đó (đôi khi rất gần, nhưng đôi khi – trong các lĩnh vực giao tiếp văn hoá, rất xa).

Đối tượng lời nói của người nói, bất luận đối tượng ấy là thế nào, chắc chắn không phải lần đầu trở thành đối tượng lời nói trong phát ngôn ấy, và người nói này cũng không phải là người đầu tiên nói về nó. Có thể khẳng định, đối tượng đã được nói, được bàn bạc, soi sáng và đánh giá theo những cách khác nhau. Các quan điểm, thế giới quan, các xu hướng khác nhau giao cắt, tán đồng và đối địch với nhau ngay trên đối tượng ấy. Người nói không phải là Adam trong Kinh Thánh, người được tiếp xúc với những đối tượng còn trinh nguyên chưa có tên gọi, lần đầu tiên đặt tên cho chúng. Những quan niệm giản đơn về giao tiếp như là về cơ sở lôgic – tâm lý của câu buộc ta nhớ tới chàng Adam huyền thoại ấy. Trong lòng người nói bao giờ cũng có sự kết hợp của hai ý niệm (hoặc ngược lại, có sự phân chia một ý niệm phức tạp thành hai ý niệm đơn giản), và anh ta thốt lên những câu đại loại như: “Mặt trời toả nắng”, “Cỏ xanh”, “Tôi ngồi”… Tất nhiên, hoàn toàn có thể có những câu như vậy, nhưng hoặc là, lý do tồn tại và ý nghĩa của chúng là ở ngữ cảnh của cái phát ngôn hoàn chỉnh đã hướng chúng tới sự giao tiếp lời nói (với tư cách là lời đối đáp trong đối thoại, một bài báo khoa học nổi tiếng, cuộc đàm thoại của thày giáo trong giờ học), hoặc là, nếu đó là những phát ngôn trọn vẹn, thì lý do tồn tại của chúng thể nào cũng là tình huống lời nói đã gắn chúng vào mạch giao tiếp lời nói. Trong thực tế, xin nhắc lại, mọi phát ngôn, ngoài đối tượng của mình, bao giờ cũng đáp lại (theo nghĩa rộng của từ này) ở hình thức này hay hình thức kia những phát ngôn của người khác trước nó. Người nói không phải là Adam, và bởi vì bản thân đối tượng lời nói của anh ta dứt khoát sẽ trở thành vũ đài gặp gỡ với ý kiến của những người đối thoại trực tiếp (trong cuộc đối thoại hoặc tranh luận về một sự kiện đời sống nào đó), hoặc với những quan điểm, những thế giới quan, các xu hướng, các lý thuyết (trong lĩnh vực giao tiếp văn hoá). Thế giới quan, xu hướng, quan điểm, chính kiến bao giờ cũng được biểu đạt bằng ngôn từ (không thể có những tư tưởng trần trụi). Toàn bộ điều đó đều là lời nói của người khác (trong hình thức nhân xưng hay vô nhân xưng), và lời nói ấy không thể không tìm thấy sự phản ánh của mình trong phát ngôn. Phát ngôn không chỉ nhắm tới đối tượng, mà còn nhắm tới lời nói của những người khác về đối tượng ấy. Nhưng đúng là chỉ cần một ám chỉ nhẹ nhàng nhất về phát ngôn của người nói khác cũng tạo ra cho lời nói bước ngoặt đối thoại mà không một chủ đề về sự vật nào có thể tạo ra cho nó. Loại quan hệ với lời nói của người khác hoàn toàn khác với loại quan hệ với đối tượng, nhưng bao giờ nó cũng đi kèm với đối tượng ấy. Xin nhắc lại, phát ngôn là một khâu trong mạch giao tiếp lời nói, và không thể tách nó ra khỏi các khâu trước đó, những khâu quyết định nó ở bên ngoài và từ bên trong, làm nảy sinh ở đó những phản ứng hồi đáp trực tiếp và những lời đối đáp đối thoại.

Nhưng phát ngôn không chỉ gắn với những khâu diễn ra trước, mà còn gắn cả với những khâu diễn ra sau của giao tiếp lời nói. Khi phát ngôn đang được người nói tạo ra thì dĩ nhiên những phát ngôn trước, sau như thế vẫn chưa có. Nhưng ngay từ đầu, việc tổ chức phát ngôn bao giờ cũng tính tới những phản ứng hồi đáp có thể có, những phản ứng mà thực chất, nhở chúng, phát ngôn mới được tạo ra. Vai trò của những người khác, nhờ có họ mà phát ngôn được kiến tạo, như chúng ta đã biết, vô cùng lớn lao. <…> Chúng tôi đã nói rằng, những người khác này, những người khác mà với họ, lần đầu tiên, tư tưởng của tôi trở thành tư tưởng đích thực (và cũng nhờ thế, nó trở thành đích thực cả đối với tôi), không phải là những người nghe thụ động, mà là những người tham gia chủ động vào quá trình giao tiếp. Ngay từ đầu, người nói đã chờ đợi ở họ câu trả lời, chờ đợi sự thông hiểu hồi đáp chủ động. Toàn bộ phát ngôn được tổ chức tựa như là để đón đợi sự trả lời này.

Dấu hiệu cơ bản (cấu thành) của phát ngôn là tính định hướng nhắm tới một ai đó, tính nhắm gửi [18]của nó. Khác với các đơn vị biểu nghĩa của ngôn ngữ – từ và câu, những đơn vị vô nhân xưng, chẳng phải của ai, không gửi tới ai, – phát ngôn vừa có tác giả (và, tương ứng với nó, có bình diện biểu cảm mà chúng tôi đã nói), vừa có người nhận. Người nhận này có thể là người tham gia – đàm thoại trực tiếp trong đối thoại sinh hoạt, có thể là một tập thể chuyên gia biệt lập của một lĩnh vực chuyên ngành nào đấy trong giao tiếp văn hoá, có thể là một cử toạ ít nhiều mang tính đặc biệt, có thể là một dân tộc, là những người cùng thời, những người đồng chí, những đối thủ, địch thủ, là thuộc hạ, thủ lĩnh, là người thấp hèn, người cao sang, người gần gũi, người xa lạ v.v..; nó có thể là một người khác hoàn toàn không xác định, không cụ thể (trong những phát ngôn độc thoại đủ kiểu của loại biểu cảm) – tất cả các dạng các quan niệm ấy của người nhận đều chịu sự quy định của lĩnh vực hoạt động và đời sống của con người có quan hệ với một phát ngôn nào đó. Phát ngôn được dành cho ai, người nói (hoặc người viết) cảm nhận và hình dung thế nào về những người tiếp nhận phát ngôn của mình, sức mạnh ảnh hưởng của họ tới phát ngôn là thế nào – tất cả những điều đó đều lệ thuộc vào kết cấu, và nhất là, vào phong cách của phát ngôn.

Ở mỗi lĩnh vực giao tiếp lời nói, với mỗi thể loại lời nói, người nhận bao giờ cũng có một quan niệm mang tính loại hình, xác định nó là một thể loại.

Có thể nói thế này: người tiếp nhận phát ngôn có thể trùng khớp về mặt cá nhân với người (hoặc những những người) mà phát ngôn sẽ đáp lời. Trong đối thoại sinh hoạt hoặc trong trao đổi thư tín, sự trùng khớp cá nhân này thường là: người mà tôi trả lời chính là người tiếp nhận phát ngôn của tôi, là người, đến lượt mình, tôi chờ đợi ở anh ta sự đáp lại (hay chí ít là sự thông hiểu chủ động – hồi đáp). Nhưng trong các trường hợp trùng khớp cá nhân như thế, một nhân vật bao giờ cũng hoạt động ở hai vai trò, và sự khác biệt giữa các vai này mới đúng là điều quan trọng. Bản thân phát ngôn của người mà tôi đang trả lời (tôi đồng ý, tôi phản đối, tôi chấp hành, tôi quan tâm…) thì đã có sẵn, nhưng câu trả lời của anh ta (hoặc sự thông hiểu hồi đáp) thì vẫn còn ở phía trước. Khi tổ chức phát ngôn của mình, tôi cố gắng xác định nó một cách chủ động, nhưng mặt khác, tôi cũng cố phỏng đoán trước, và đến lượt nó, cái câu trả lời phỏng đoán trước ấy lại tích cực tác động tới phát ngôn của tôi (tôi bác bỏ mọi sự phản đối tự mình đã thấy trước, tôi nghĩ ra đủ mọi thứ biện hộ…). Khi nói, bao giờ tôi cũng tính tới cái vốn kinh nghiệm của người tiếp nhận trong việc tiếp nhận lời nói của tôi: anh ta đã có chút hiểu biết nào chưa trong tình huống này, liệu anh ta có những tri thức chuyên môn ở lĩnh vực giao tiếp văn hoá này không, nhãn quan, đức tin và định kiến của anh ta (từ giác độ của chúng ta), thiện cảm và ác cảm của anh ta thế nào – tất cả những điều đó sẽ quyết định quan điểm hồi đáp dành cho anh ta trong phát ngôn của tôi. Sự cân nhắc này quyết định đồng thời cả sự lựa chọn thể thoại phát ngôn, cả sự lựa chọn các thủ pháp kết cấu và, cuối cùng, cả sự lựa chọn các phương tiện ngôn ngữ, tức là phong cách phát ngôn. Chẳng hạn, các thể văn chương phổ biến khoa học thường nhắm tới một phạm vi độc giả xác định với cái nền đã biết về sự thông hiểu hồi đáp cụ thể; sách giáo khoa, giáo trình chuyên môn lại nhắm tới một cử toạ khác, còn những tài liệu nghiên cứu khoa học chuyên sâu thì dành cho một đối tượng hoàn toàn khác. Trong những trường hợp này, sự cân nhắc tới người nhận (và vốn kinh nghiệm của anh ta) và ảnh hưởng của người nhận tới việc tổ chức phát ngôn rất đơn giản: tất cả đều quy về khối lượng tri thức riêng biệt của anh ta.

Trong những trường hợp khác, sự việc có thể diễn ra phức tạp hơn rất nhiều. Sự cân nhắc tới người tiếp nhận và phản ứng hồi đáp của anh ta được dự đoán thường đa diện, phức tạp và rất căng thẳng, chứa đựng kịch tính đặc biệt bên trong phát ngôn (trong một số dạng đối thoại sinh hoạt, trong thư từ, trong các thể loại tự truyện và văn sám hối). Trong các thể loại tu từ, những hiện tượng trên thường có đặc điểm sắc nét, nhưng chủ yếu chỉ là ở bề ngoài.

Vị thế, cấp bậc và uy tín của người tiếp nhận bộc lộ trong phát ngôn thuộc những lĩnh vực giao tiếp lời nói mang tính sinh hoạt và sự vụ có một tính chất đặc biệt. Trong điều kiện xã hội có giai cấp, nhất là trong hoàn cảnh của chế độ phân chia tầng lớp – giai cấp, ta thấy các thể lời nói và các phong cách phù hợp với chúng có sự phân hoá cực lớn tuỳ thuộc vào chức tước, cấp bậc, phẩm hàm, sức mạnh tài sản, uy tín xã hội, tuổi tác của người tiếp nhận và vị thế tương ứng của bản thân người nói (người viết). Dù có sự phân hoá cực lớn thành những dạng thức cơ bản và sắc thái rất đa dạng, các hiện tượng trên chỉ có tính khuôn sáo, bề ngoài: chúng không có khả năng đáng kể trong việc chuyển xung đột nội tại rất đỗi sâu sắc vào phát ngôn. Chúng đáng quan tâm chỉ vì đó là những thí dụ thể hiện tuy thô thiển, nhưng hết sức rõ rệt ảnh hưởng của người tiếp nhận đối với cấu trúc và phong cách của phát ngôn[19].

Ở những thể lời nói mang tính suồng sã khác nhau, từ phía này, và những thể lời nói tâm tình thân mật, ở phía kia, chính đặc điểm và mức độ gần gũi trong quan hệ cá nhân giữa người nhận với người nói sẽ quyết định các sắc thái phong cách tinh tế hơn được. Giữa các thể lời nói bỗ bã và các thể lời nói tâm tình (và, theo đó, giữa các phong cách) tuy có những khác biệt sâu sắc, nhưng cả hai nhóm thể loại này đều cảm nhận giống nhau, rằng người tiếp nhận phát ngôn của mình ít nhiều nằm bên ngoài mọi cái khung ràng buộc của đẳng cấp và các ước lệ xã hội, có thể gọi là loại “vô hàm cấp”. Điều này làm nảy sinh sự cởi mở đặc biệt của lời nói (trong các phong cách suồng sã, đôi khi nó trở thành sự trơ tráo). Trong các phong cách tâm tình, sự cởi mở ấy được thể hiện ở xu hướng tựa như muốn hoà lẫn hoàn toàn người nói vào người tiếp nhận lời nói. Trong lời nói suồng sã, nhờ sự dỡ bỏ mọi cấm kỵ và quy tắc ngôn từ, nên có được sự tiếp cận hiện thực đặc biệt, phi quan phương, rất tự do[20]. Vì vậy, các thể loại và phong cách bỗ bã từng giữ vai trò to lớn và có ý nghĩa tích cực ở thời đại Phục hưng trong việc phá dỡ bức tranh thế giới chính thống thời trung đại[21], và ở những giai đoạn khác, khi thời đại đặt ra nhiệm vụ xoá bỏ các phong cách chính thống cổ truyền và loại thế giới quan đã xơ cứng, trở thành khuôn sáo, thì các phong cách bỗ bã có ý nghĩa to lớn trong văn học. Ngoài ra, sự suồng sã hoá các phong cách đã mở lối để các tầng vỉa ngôn ngữ vẫn bị cấm kỵ trước đó thâm nhập vào văn học. Ý nghĩa của các thể loại và các phong cách cợt nhả trong lịch sử văn học cho đến nay vẫn chưa được đánh giá đầy đủ.

Các thể loại và phong cách tâm tình dựa vào sự gần gũi tối đa bên trong giữa người nói và người tiếp nhận lời nói (ở mức độ tối đa, tựa như họ hoà vào nhau). Lời nói tâm tình chan chứa sự tin cậy sâu sắc đối với người tiếp nhận và sự đồng cảm của anh ta, tức là với sự tinh tế và sự thông hiểu hồi đáp đầy thiện cảm của anh ta. Trong bầu không khí tin cậy sâu sắc, người nói giãi bầy chiều sâu nội tâm đầy bí mật của mình. Chính điều đó đã quyết định tính biểu cảm đặc biệt và sự chân thành bên trong của các phong cách (khác với sự chân thành cởi mở oang oang ngoài quảng trường của lời nói suồng sã).

Các thể loại và phong cách suồng sã và thân tình (cho đến nay vẫn ít được nghiên cứu) bộc lộ hết sức rõ rệt sự lệ thuộc của phong cách vào sự cảm nhận và thông hiểu nào đó ở người nói với người tiếp nhận (phát ngôn của mình) và vào sự cân nhắc của người nói với sự thông hiểu chủ động – hồi đáp của anh ta. Các phong cách này giúp ta nhận ra sự thiển cận và và sai lầm của phong cách học truyền thống, loại phong cách học chỉ chăm chắm nhận thức và xác định phong cách từ giác độ nội dung ý nghĩa – sự vật của lời nói và quan hệ biểu cảm với nội dung ấy từ phía người nói. Không thể hiểu được cả thể loại, lẫn phong cách lời nói, nếu không tính tới quan hệ giữa người nói với người khác và các phát ngôn của họ (những phát ngôn đã có và phát ngôn dự đoán).

Nhưng ngay cả những phong cách biểu đạt gọi là trung tính hay khách quan, tập trung tối đa vào đối tượng của mình và có vẻ như xa lạ với mọi sự cân nhắc tới người khác, vẫn cứ bao hàm cả quan điểm nào đó của người tiếp nhận. Những phong cách khách quan – trung tính như vậy không chỉ thực hiện sự lựa chọn các phương tiện ngôn ngữ từ giác độ tương thích giữa chúng với đối tượng của lời nói, mà còn lựa chọn từ giác độ về cái nền kinh nghiệm giả định của người tiếp nhận lời nói, vậy mà, cái nền ấy được nghiên cứu còn quá chung chung và thường bị tách khỏi phương diện biểu cảm của nó (trong phong cách khách quan, sự biểu cảm của bản thân người nói chỉ có ở mức độ tối thiểu). Các phong cách khách quan – trung tính tựa như đòi hỏi một sự đồng nhất giữa người tiếp nhận với người nói, một sự thống nhất trong quan điểm của họ, nhưng để có được sự đồng nhất và thống nhất ấy, chúng đã phải trả bằng cái giá hầu như cự tuyệt hoàn toàn sự biểu cảm. Cần chỉ ra rằng, đặc điểm của các phong cách khách quan – trung tính (và tất nhiên, trong nền móng của nó vẫn có cả quan điểm của người tiếp nhận) vô cùng đa dạng, tuỳ thuộc vào sự khác nhau của các lĩnh vực giao tiếp lời nói.

Vấn đề quan niệm của người tiếp nhận lời nói (người nói hay người viết cảm nhận và hình dung nó như thế nào) có ý nghĩa vô cùng lớn lao trong lịch sử văn học. Với mỗi thời đại, mỗi khuynh hướng văn học và phong cách văn học – nghệ thuật, với mỗi thể loại văn học trong giới hạn của một thời đại thời đại, một khuynh hướng, quan niệm độc đáo của người tiếp nhận tác phẩm văn học, sự cảm nhận và thông hiểu độc đáo của độc giả, của công chúng, của nhân dân có những đặc điểm riêng. Nghiên cứu những thay đổi lịch sử của những quan niệm ấy là một nhiệm vụ thú vị và quan trọng[22]. Nhưng để công việc tiến triển một cách hiệu quả, ngay trong bản thân cách đặt vấn đề, cần phải có, dứt khoát phải có một tư tưởng lý thuyết rõ ràng.

Cần chỉ ra rằng, bên cạnh sự cảm nhận và hình dung thực tế về người tiếp nhận, sự hình dung và cảm nhận thực sự quyết định sự phong cách phát ngôn (tác phẩm), trong lịch sử văn học vẫn luôn tồn tại những hình thức giao đãi mang tính ước lệ và nửa ước lên với người đọc, người nghe, với hậu thế…, giống như bên cạnh tác giả thực tế, vẫn tồn tại những hình tượng ước lệ và nửa ước lệ của tác giả giả mạo, của người xuất bản, người kể chuyện đủ loại. Tuyệt đại đa số các thể loại văn học là những thể loại thứ sinh, phức tạp, được tạo thành bởi vô số các thể loại thứ nhất khác nhau đã có sự cải biến (lời đối đáp của đối thoại, truyện sinh hoạt, thư tín, nhật ký, biên bản…). Những thể loại thứ sinh của giao tiếp văn hoá phức tạp này thường diễn lại các hình thức khác nhau của giao tiếp lời nói thứ nhất. Toàn bộ các nhân vật văn học – ước lệ đóng vai tác giả, vai người kể chuyện và người tiếp nhận sinh ra từ đó. Nhưng tác phẩm đa thành phần và phức tạp nhất ở thể loại thứ hai trong tổng thể của nó (như một chỉnh thể) vẫn chỉ là một phát ngôn, một phát ngôn thực tế duy nhất có một tác giả thực tế và những người tiếp nhận được tác giả ấy thực sự cảm nhận và hình dung.

Bởi vậy, tính định hướng, nhắm gửi của phát ngôn là đặc điểm cấu thành của nó mà nếu không có, thì không thể có được phát ngôn. Các dạng thức điển hình khác nhau của tính nhắm gửi ấy và những quan niệm điển hình khác nhau của người tiếp nhận là những đặc điểm cấu thành, có ý nghĩa quyết định của các thể loại lời nói khác nhau.

Khác với các phát ngôn (các thể loại lời nói), những đơn vị biểu nghĩa của ngôn ngữ – từ và câu – từ trong bản chất của nó không có tính định hướng và tính nhắm gửi: chúng không phải của ai và không nhắm tới ai. Chẳng những thế, tự bản thân, chúng không có quan hệ với phát ngôn của người khác, với lời nói của người khác. Nếu như một từ hoặc một câu được nhắm tới ai, gửi cho ai, thì trước mắt ta sẽ là một phát ngôn hoàn chỉnh được tạo thành bởi một từ hoặc một câu, và tính định hướng không thuộc về nó như một đơn vị ngôn ngữ, mà thuộc về phát ngôn. Phải thông qua phát ngôn hoàn chỉnh như một bộ phận hợp thành của nó (yếu tố), câu do ngữ cảnh bao bọc mới có được thuộc tính định hướng[23].

Ngôn ngữ, như một hệ thống là cái kho dự trữ cả một khối lượng khổng lồ các phương tiện ngôn ngữ để biểu đạt tính định hướng về mặt hình thức: các phương tiện từ vựng, hình thái (các cách tương ứng, đại từ, các hình thức chỉ ngôi của động từ), cú pháp (các khuôn mẫu khác nhau và các biến thể của câu). Nhưng chúng chỉ có được tính định hướng thực sự trong chỉnh thể phát ngôn nào đó. Và tất nhiên, sự biểu đạt tính định hướng này không bao giờ chỉ bó khuôn ở việc sử dụng các phương tiện ngôn ngữ (cú pháp) đặc thù ấy. Chúng có thể hoàn toàn không có, và ngay cả như thế, phát ngôn vẫn có thể phản ánh sâu sắc ảnh hưởng của người tiếp nhận và phản ứng hồi đáp của nó được trù tính trước. Người nói bao giờ cũng tiến hành lựa chọn các phương tiện ngôn ngữ được dưới áp lực nhiều hay ít của người tiếp nhận và sự đáp lời được trù liệu trước của nó.

Khi tách câu ra khỏi ngữ cảnh để phân tích, thì vết tích của tính định hướng và ảnh hưởng của lời đáp được đoán trước, vết tích những lời đối đáp mang tính đối thoại với các phát ngôn trước đó, tức là những vết tích đã mờ nhoè của sự thay đổi chủ thể lời nói xẻ rãnh bên trong phát ngôn…sẽ bị mất hết, bị xoá sách, vì tất cả những cái đó rất xa lạ với bản chất của câu như một đơn vị của ngôn ngữ. Tất cả những hiện tượng ấy gắn với chỉnh thể phát ngôn, và ở đâu chỉnh thể này bị vuột ra khỏi trường nhìn của người phân tích, thì với anh ta, chúng không còn tồn tại. Đây là một trong những nguyên nhân tạo nên sự nông cạn của phong cách học truyền thống mà chúng tôi đã chỉ ra. Sự phân tích phong cách học, công việc bao trùm toàn bộ các bình diện của phong cách, chỉ có thể tiến hành như là phân tích một chỉnh thể phát ngôn, phân tích trong cái mạch giao tiếp lời nói mà phát ngôn ấy là một mắt xích không thể tách rời của nó <…>

Nguồn: Бахтин М.М. Собр. соч. – М.: Русские словари, 1996. – Т.5: Работы 1940 -1960 гг. – c.159-206, Комментарии – с. 535-555.


[1] Cặp đối lập nghĩa (tiếng Nga: значение.- ND) và ý nghĩa (tiếng Nga: смысл .- ND) mà M.Bakhtin sử dụng ở đây tuy gần nhau, nhưng không đồng nhất (do hiểu “ý nghĩa” giống như sự trả lời, hồi đáp) với cặp tương phản ai cũng biết nghĩa – ý nghĩa trong ngữ nghĩa học lô gíc. Vào những năm 1920, cũng chính cặp đối lập này còn có một nội dung thuật ngữ khác: “nghĩa” – “chủ đề” (Chủ nghĩa Mác và triết học ngôn ngữ, tr.101-108). Có thể thấy, phải đến những năm 1930, M.Bakhtin mới tiếp nhận hệ thống thuật ngữ đã được tiếp nhận chung (“nghĩa”- “ý nghĩa”). Nhưng cũng có thể các thuật ngữ “ý nghĩa” và “chủ đề ở M.Bakhtin còn có những chức năng khác: xuất phát từ việc sử dụng thuật ngữ “chủ đề” trong văn bản này, có thể giả định: thuật ngữ “ý nghĩa” có quan hệ với câu trong ngữ cảnh phát ngôn, còn “chủ đề” có quan hệ với phát ngôn nói chung.

[2] Chẳng hạn, xem: B.V.Tomasevski: “Lời của mọi ngôn ngữ trong mọi cách sử dụng, ngoài nghĩa logic – sự vật, còn có sự biểu cảm, hoặc là, có thể nói, vầng hào quang phong cách” (Ngôn ngữ và văn học.- “Tháng Mười”, 1951, số 7).

[3] G.O.Vinokur viết: “Chúng ta có quyền khẳng định rằng, đúng là trong bản thân ngôn ngữ, ngoài âm thanh, hình thức và các ký hiệu, còn có một cái gì đó, ấy chính là sự biểu cảm thuộc về các âm thanh, hình thức, ký hiệu” (Về các nhiệm vụ lịch sử của ngôn ngữ// “Ghi chép khoa học Đại học Sư phạm Quốc gia Moskva, Khoa tiếng Nga, T.5, Quyển 1, 1941). Tuy không khẳng định quyết liệt như thế, nhưng quan điểm trên được đa số các nhà ngôn ngữ học tán thành. Dù tỏ ra hoài nghi tính đúng đắn của việc phân chia các phong cách biểu cảm độc lập trong ngôn ngữ (do A.N.Gvozdev đề xướng trong công trình mà M.Bakhtin biết rõ: Đại cương phong cách học tiếng Nga, trong đó, tác giả chia phong cách biểu cảm thành các loại: phong cách tâm tình – âu yếm, phong cách đùa vui…), nhưng V.V.Vinogradov cũng không phủ nhận yếu tố biểu cảm trong nghĩa của các từ thuộc ngôn ngữ như một hệ thống. Điều thú vị là lý luận về các phong cách biểu cảm do A.N.Gvozdev đề xướng, được V.D.Levin ủng hộ, trở thành một trong những bình diện quan trọng của cuộc tranh luận về phong cách học diễn ra vào năm 1954. Phủ nhận tính biểu cảm trong hệ thống trừu tượng của ngôn ngữ, nếu có tiếp nhận khái niệm ấy với mục đích làm việc, là nhân tố bất di bất dịch trong quan điểm của M.Bakhtin.

[4] Tiếng Nga: “миленький” được cấu tạo từ từ “милый”. “Mил” là thân từ, bộ phận tạo thành “nghĩa gốc”; “енький” là hậu tố được thay cho “ый” để tạo thành từ giảm nghĩa (“миленький”), thể hiện tình cảm âu yếm.- ND.

[5] Ở đây, có thể M.Bakhtin tranh luận với quan điểm chung của ngữ pháp học hàn lâm, theo đó, trong tiếng Nga có các danh từ đặc biệt và tính từ mang sắc thái âu yếm – giảm nghĩa.

[6] Tất nhiên, nó được chúng ta nhận biết và tồn tại như một yếu tố phong cách khi đọc thầm lời viết trong thư tín (Chú thích của M.Bakhtin).

[7] Xénophon.- Anabasis. – M.-L.,1951, tr.121 (Quyển 4, Chương III).

[8] Kỹ thuật thực nghiệm phong cách học, tức là các phát minh giả tạo về những biến thể phong cách do A.M.Peskovski đề xướng trong bài Những nguyên tắc và thủ pháp phân tích và đánh giá phong cách học văn xuôi nghệ thuật (“Ars poetica”. М., 1927, tr.. 29 – 68) cho rằng, mỗi từ đồng nghĩa về mặt ngữ vựng hoặc cú pháp đều có những phẩm chất ổn định ban đầu, trong đó có biểu cảm. Theo Peskovski, khi chọn phương án này hay phương án khác, người nói (hay người thực nghiệm) dừng lại ở những chỗ mà trong văn bản nào đó “cần hơn”, tức là “rõ ràng hay tù mù”, “mạnh hay yếu” (tr.61). Đa số các nhà nghiên cứu, trong đó có V.V.Vinogradov, thừa nhận sự hiện diện của những phẩm chất biểu cảm đặc biệt trong các phương tiện đồng nghĩa ngôn ngữ khác nhau.

[9] Khi tổ chứ lời nói, bao giờ chúng ta cũng phải hình dung trước chỉnh thể phát ngôn của mình: cả trong hình thức của một sơ đồ thể loại nào đó, cả trong hình thức của một ý đồ lời nói cá nhân. Chúng ta không xâu chuỗi các từ, không chuyển từ từ này sang từ khác, mà tựa như chúng ta lấp đầy chỉnh thể bằng những từ cần thiết. Chỉ ở giai đoạn đầu nghiên cứu một ngôn ngữ xa lạ, và cũng chỉ khi tiến hành nghiên cứu bằng một phương pháp tồi, người ta mới xâu chuỗi các từ (Chú thích của M.Bakhtin).

[10] Một sự tỉnh lược chủ đề nhằm mục đích đối thoại sau này. Ở những công trình khác, những công trình không sử dụng cặp đối lập “hệ thống ngôn ngữ” và “lời nói” với từ cách là tiền đề xuất phát mang tính ước lệ, không vạch ranh giới phân chia rạch ròi ngôn ngữ và biểu cảm, M.Bakhtin không phủ nhận khả năng có thể tìm thấy một hình ảnh chủ thể nào đó ở phía sau phong cách ngôn ngữ. Dẫu chỉ mang tính diễn dịch, nguyên tắc nhân hoá các phong cách và các thể loại ngôn ngữ một cách dứt khoát là điều kiện (nguyên nhân) tồn tại của những bình diện nằm ở trung tâm chú ý của M.Bakhtin, như hiện tượng phong cách hoá, giễu nhại, phức điệu, lời nói gián tiếp…

[11] Nhìn chung, câu đầu và câu cuối của phát ngôn bao giờ cũng có một bản chất đặc biệt, có tính chất bổ trợ nào đó. Có thể nói, đó là những câu “tiền tiêu”, trực tiếp đứng ngay ở tuyến thay đổi các chủ thể lời nói (Chú thích của M.Bakhtin).

[12] Quan điểm của M.Makhtin trong vấn đề về giọng hoàn toàn trái ngược với cách kiến giải phổ biến thời ấy, bởi vì, không kể sự khác biệt trong tiểu tiết, tất cả các nhà nghiên cứu đều thừa nhận giọng biểu cảm thuộc về ngôn ngữ (Karsevski, Peskovski, Vinogradov…). Khác với quan điểm phổ biến, M.Bakhtin không chỉ nhấn mạnh các giọng thể loại với tư cách là dạng trung tâm, tức là nhấn mạnh loại giọng nếu được nghiên cứu theo những quan điểm khác thì chúng bị đẩy ra ngoài rìa, mà còn gắn chúng với những dạng ngữ pháp “cơ bản” – theo quan điểm phổ biến – của giọng, và chỉ để lại những loại giọng – với tư cách là giọng cú pháp thuần tuý (giọng liệt kê, chia tách…) – thường chỉ giữ vị trí ngoại biên giữa các giọng điệu cú pháp (Có thể xem: Peskovski A.M.- Cú pháp tiếng Nga dưới ánh sáng khoa học. M.- L.,1928, tr.524, 537-538). Chuyển thang phân loại giọng điệu về phía các thể loại lời nói, dẫu không giới thuyết đặc biệt, nhưng rõ ràng, bằng cách ấy, M.Bakhtin đã bác bỏ nguyên tắc loại phân loại câu dựa trên cơ sở phân loại giống như giống như phân loại các giọng điệu ngữ pháp cơ bản xuất phát từ quan niệm xem câu là thể thống nhất bao gồm cả giọng. Chẳng hạn, các loại hình “chức năng” hay “tình thái” cơ bản của câu theo V.V.Vinogradov – trần thuật, nghi vấn, cầu khẩn (Những vấn đề cơ bản của cú pháp câu//Vấn đề tổ chức cú pháp. M.,1955, tr.389-435) đều không phải là câu, mà là là các thể loại lời nói theo quan điểm của M.Bakhtin. Ở đây, M.Bakhtin thực sự bác bỏ nguyên tắc tiếp cận các đơn vị ngôn ngữ của Vinogradov. Tiêu chí nào cần được chọn làm cơ sở cho việc phân loại câu (nếu vẫn tiếp tục tựa vào hệ thống ngôn ngữ), ở đây, vấn đề này vẫn còn bỏ ngỏ, nhưng nếu chú ý tới các nhận xét sau này trong những văn bản khác của M.Bakhtin, nhất là lời giới thuyết trong đó nói rằng, ông xem đơn vị của câu là các “mô hình” của chúng chứ không phải là những câu thực tế (1961, Nhận xét, tr.339), thì có thể nói rằng, việc phân loại câu cần được tiến hành theo các cấu trúc trừu tượng của chúng, được tách ra độc lập với các bình diện lô gic – tâm lý và giao tiếp – cú pháp của lời nói. Cần lưu ý rằng, trong trường hợp này, với việc thay đổi tiền đề xuất phát, với việc từ chối phương châm tựa vào hệ thống ngôn ngữ, M.Bakhtin đã đề xướng một hướng tiếp cận khác trong việc phân loại câu, hướng tiếp cận phù hợp hơn với ý đồ sâu sắc trong hệ thống quan niệm của ông.

[13] Như chúng ta sẽ thấy ở phần tiếp theo, câu này nhấn mạnh quan điểm của những người phản đối M.Bakhtin, chứ không phải quan điểm của ông. Ở phần dưới, M.Bakhtin trình bày vắn tắt và có phần giảm nhẹ bản chất quan niệm ngôn ngữ chung của mình.

[14] Giọng điệu đặc biệt nhạy cảm và bao giờ cũng lộ ra ở phía sau ngữ cảnh (Chú thích của M.Bakhtin).

[15] Đây là chủ đề trung tâm của M.Bakhtin. Các hình thức đa dạng trong việc truyền đạt lời nói của người khác được nghiên cứu trong Chủ nghĩa Mác và vấn đề ngôn ngữ (tr.113-157), Những vấn đề văn học và mỹ học (tr.119-144), Những vấn đề thi pháp Dostoievski (tr.142-359).

[16] Kết hợp từ “bội âm đối thoại” (tiếng Nga: “диалогические обертоны”.- ND) không thường xuyên xuất hiện trong văn bản của M.Bakhtin, là một kết hợp hiếm gặp, không mang ý nghĩa thuật ngữ, dù ở đây nó được nhấn mạnh như một dấu hiệu của phát ngôn.

[17] Ở đây, một lần nữa, M.Bakhtin lại trình bày dưới dạng hàm súc hệ thống quan điểm có tính nguyên tắc về triết học ngôn ngữ của mình trong tổng thể của nó. Khác với những tiêu chí phân tích chỉnh thể văn bản ở thời này mới được đưa ra, nhưng về sau được tiếp nhận rộng rãi, những tiêu chí có nhiều điểm tương đồng với các thủ pháp phân tích câu như những đơn vị của ngôn ngữ, có nghĩa, theo hệ thống thuật ngữ của M.Bakhtin, chúng vẫn giữ nguyên tính “độc thoại”, ở đây, định đề được coi trọng hàng đầu là nguyên tắc “nhân hoá”, một nguyên tắc cho phép phản ánh tổ chức “đa thanh” không chỉ riêng của giao tiếp lời nói được tách ra thành phát ngôn, mà còn là của bất kỳ, của mỗi một phát ngôn riêng lẻ, thậm chí của cả phát ngôn “độc điệu”. Dưới dạng rõ ràng nhất, nhưng thích hợp đặc biệt đối với văn xuôi nghệ thuật, phương pháp phân tích mà theo M.Bakhtin có thể ứng dụng cho tất cả các dạng phát ngôn đã được trình bày qua việc nghiên cứu tiểu thuyết phức điệu (Những vấn đề thi pháp Dostoievski, tr.242-359). Nếu quan điểm dùng nguyên tắc “nhân hoá” để phân chia các đơn vị lời nói nhận được sự hưởng ứng của giới ngôn ngữ học, thì với bước đi tiếp theo và là bước đi rất quan trọng với bản thân M.Bakhtin – mở rộng ảnh hưởng của nguyên tắc này sang lãnh thổ bên trong của phát ngôn – hoàn toàn không thấy giới ngôn ngữ có một chút phản ứng gì.

[18] “Tính định hướng”: tiếng Nga: “обращенность к кому-либо”. “Tính nhắm gửi”: tiếng Nga: “адресованность”.- ND.

[19] Xin nhắc lại phát hiện rất đích đáng của Gogol: “Không thể tính hết mọi sắc thái và sự tinh tế trong cách ứng xử của chúng ta. Nhiều bậc hiền triết ở ta biết trò chuyện với một viên điền chủ sở hữu hai trăm nhân mạng khác với điền chủ có ba trăm nhân mạng, rồi với viên điền chủ có năm trăm nhân mạng, họ sẽ lại không nói giống như là đã nói với viên điền chủ có ba trăm nhân mạng, và với viên điền chủ có tám trăm nhân mạng, họ sẽ trò chuyện không giống như khi trò chuyện với điền chủ có năm trăm nhân mạng; nói tóm lại, dẫu có đến hàng triệu nhân mạng, thì vẫn tìm ra cách nói đúng điệu đúng làn” (Những linh hồn chết, Chương III) (Chú thích của M.Bakhtin).

[20] Sự cởi mở oang oang như ở chỗ không người, việc gọi tên sự vật bằng đúng cái tên của nó chính là đặc điểm của phong cách ấy. (Chú thích của M.Bakhtin).

[21] Chủ đề này chính thức được đặt ra và giải quyết trong Sáng tác của Francois Rabelais và nền văn hoá dân gian trung cổ và Phục hưng, M.,”Văn học nghệ thuật”, 1965.

[22] Trong Chủ nghĩa Mác và triết học ngôn ngữ, Bakhtin đã đưa ra cách phân loại lịch sử một cách sơ bộ theo xu hướng thứ nhất của lời có định hướng đối thoại (có nghĩa, không phải là lời được đoán định trước, mà là lời của người khác được tìm thấy trước), trong đó có các thời đại sau đây được nhận diện: thời đại của chủ nghĩa giáo điều quyền uy và duy lý, thời đại của chủ nghĩa cá nhân hiện thực và phê phán và, cuối cùng, thời đại của chủ nghĩa cá nhân tương đối luận, đặc trưng của thế kỷ XX (có ý muốn nói sự tan rã của ngữ cảnh tác giả do sự bành trướng bởi lời lạ của người khác. Nền tảng triết học ngôn ngữ của M.Bakhtin – lý thuyết của ông về “lời nói không trực tiếp” (“непрямое говорение”.- ND) – có thể xem là sự tìm kiếm lối ra, thoát khỏi chủ nghĩa cá nhân tương đối luận.

[23] Xin nhấn mạnh: các kiểu câu nghi vấn và cầu khẩn thường vẫn hoạt động như những phát ngôn hoàn chỉnh (trong các thể loại lời nói tương ứng) (Chú thích của M.Bakhtin).

Comments are closed.