Thơ Đặng Hồng Nam

Hai ta đều đã qua chặng đường khá dài
Có bao nhiêu hành lý mang theo
Có nắm tay nhau cũng chỉ là thô ráp
Chỉ ngọt ngào trong những cơn mơ

**
Em ở yên trên con thuyền ấy nhé
Mưa anh và em cùng ướt
Chung một dòng ta hướng về nhau

**
Mưa trên trời trút xuống
Nước thượng nguồn đổ về
Lòng như ngã ba sông

**
Người đông quá
Kéo đến đây
Sau ngày mùng hai tháng chín
Đông như ngày xưa
Những cuộc mít tinh trên đường phố
Mỗi người cầm trên tay một lá cờ nhỏ
Cùng hô vang Đả đảo Mỹ-Diệm
Hay như năm bảy nhăm
Trước Nhà hát lớn
Hát say sưa Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng
Nhưng hôm nay
Trong phòng khám của bệnh viện Bạch Mai
Người ta đến cùng chung ước vọng
Khỏi ốm đau cho từng đứa con yêu của giống nòi
Chung ước vọng nhưng không chung tiếng nói
Ai nấy đều mong nhanh đến lượt mình
Đứng vào bên chiếc cửa tò vò
Và không mong có thêm người đến tiếp

**
Tôi nghe em chơi mãi
Công xéc tô thứ hai
Rachmaninov
Đời buồn chết đi được
Cứ phải phân vân hoài
Sống nữa hay là thôi

**
Những ngôi chùa xưa
Trên nền đất cũ
Màu thiền đã hết
Không phải vì gạch ngói đã thay
Mà vì hồn đã chết

**
Tôi học được gì suốt tuổi thơ tôi
Vào trước mỗi tiết học
Bạn quản ca bắt nhịp cho cả lớp hát bài Giải phóng miền Nam
Cầm gươm ôm súng xông tới
Vận nước đã đến rồi
Ôi vận nước
Đến lúc chết tôi cũng không thể nào hiểu nổi

**
Một phần tư thế kỷ đã qua
Sẽ là vui nhất có một ngày
Ucraina giải phóng nước Nga
Giải phóng nhiều cái đầu u mê ở nước ta

**
Bạn trải qua những ngày tháng khổ đau
Đói nghèo cô đơn lầm lũi
Rồi một ngày bạn cất lên tiếng hát
Đẹp như ngọc ném trên sàn nhà

**
Nhớ thương đầy vơi
Từ một nơi xa xôi trống vắng
Tấm thân mỏng manh
Chờ bay theo cơn gió nhẹ

**
Chúng mình ôm nhau
Sao không trôi đi
Chúng mình hôn nhau
Sao không bay lên
Tới một vì sao đang đợi

**
Rồi một buổi sáng ấy
Trong lành và mát mẻ
Ta thấy mình rất già
Bao mùa thu đã qua

Rồi một buổi sáng ấy
Trong lành và dịu êm
Ta thấy mình rất trẻ
Vẫn còn bao ước mơ

Buổi sáng (2)

Đặng Hồng Nam

3.

Năm tôi học lớp tám, sau một chuyến đi công tác Hà Nội bố tôi mang về một chiếc đài. Cái đài Liên Xô, đã cũ, ông đã mua nó với giá năm trăm đồng. Hồi đó là một món tiền lớn, phải nhiều lứa lợn của mẹ tôi dồn lại mới được. Tôi nghe nói một chiếc Rigônđa có giá một ngàn đồng. Rigônđa, đài của Liên Xô, hồi ấy người ta chỉ biết cái đài ấy thôi nhưng không mấy ai dám mơ. Nó to như một cái tủ, dài như một cái giường, vỏ gỗ véc ni bóng loáng, bên trong có máy quay đĩa, đặt nó cạnh bộ sa lông Đức ở giũa nhà thì thôi rồi.

Tôi nhớ có lẽ nhà Văn Tín là người đầu tiên trong thành phố một chiếc Rigônđa. Nói đến Văn Tín thì ai cũng biết, nhà tư sản ở phố Trần Hưng Đạo. Gọi là tư sản, chẳng biết ngày xưa thế nào, có mỗi một gian hàng bán từ phong bì, tem thư, nhãn vở, ngòi bút đến bút máy, khăn mùi soa và một số linh tinh khác. Đặc biệt ở đấy có hẳn một hộp kính bày rất nhiều nhẫn vàng giả. Nhẫn làm bằng nhôm mạ một lớp màu vàng chóe. Nếu có một ai đó đeo một cái nhẫn bằng vàng giả người ta sẽ bảo đó là vàng Văn Tín. Khi tôi năm, sáu tuổi, bà Văn Tín cũng chừng ba lăm, ba sáu. Một người đàn bà đẹp, hơi đẫy, khuôn mặt uy nghi, ăn mặc sang trọng luôn ngồi bán hàng. Hình như năm tôi học lớp mười nghe nói bà ấy bị khám nhà, hẳn là vì thấy bà ấy giàu quá nên đến lấy đi một ít.

Chỉ một chiếc Rigônđa mới có máy quay đĩa, từ đó mới phát ra được những thứ âm nhạc không có ở trên loa đài. Kỳ diệu làm sao tiếng hát của Robertino, cậu bé tám tuổi người Ý với những bài như O sole mio, Santa Lucia… Rồi lại bài Con vẹt xanh, chả biết là của ban nhạc nào nhưng ai cũng thuộc giai điệu của nó: Anh đứng bên em cứng đờ, chưa nói câu nào đã sờ, tèn tèn ten tén ten. Đã là sinh viên năm thứ mấy ở Hà Nội, một buổi chiều mùa đông, lang thang gần ga Hàng Cỏ tôi nghe được tiếng phát ra từ một chiếc Rigônđa bản Đanuýp xanh. Âm thanh của bản nhạc ấy, quang cảnh của Hà Nội buổi chiều ấy in đậm trong tôi tới tận bây giờ.

Cái đài nhà tôi mang hiệu Record, lẽ dĩ nhiên là bằng kí tự Nga, chữ P phải đọc là R, chưa ai từng biết đến, chẳng ai thấy nó ở đâu bao giờ. Nó cũng giống như một chiếc Rigônđa, một thùng gỗ đánh véc ni bóng loáng, trong có máy quay đĩa, nhưng bé hơn rất nhiều, thật thích hợp cho nó nằm trên trốc cái tủ buýp phê, trên ngăn giữa và sát vách của ngăn thứ nhất. Mở đài thì có thể đứng dưới đất vặn những cái núm của nó là được, nhưng mở đĩa thì phải đứng lên một chiếc ghế đẩu mới có thể đặt đĩa vào, chỉnh tốc độ.

Một đống đĩa có lẽ đến vài chục cái đen sì, dày bình bịch toàn là của hãng Pháp-Á hẳn là từ rất xa xưa, đều ghi tốc độ 78 vòng/phút, hầu hết đều nứt và sứt. Có lẽ chủ cũ của nó là người nghiên cứu sân khấu truyền thống, tôi lọc ra được vài cái của vở cải lương Đời cô Lựu và vài cái nữa của vở tuồng Phụng nghi đình. Cứ phải đứng chôn chân trên cái ghế đẩu vì nó chạy cứ loang loáng, vèo một cái đầu kim đã dịch vào giữa đĩa. Cô Lựu là một phụ nữ xinh đẹp, vợ của một tá điền, đang có mang thì bị hội đồng Thăng lập mưu cướp, đẩy người chồng của cô đi tù. Đứa con trai của cô sinh ra cũng bị hội đồng Thăng giấu đi. Cô sinh với hội đồng Thăng một con gái tên là Kim Anh. Tôi nghe được màn diễn cuộc gặp của người chồng cũ sau khi vượt ngục trở về cùng với đứa con trai tên là Luân đã trưởng thành với cô Lựu, hội đồng Thăng và Kim Anh. Cô Lựu hát: “Thằng Luân là con mà con Kim Anh cũng là con…”. Hội đồng Thăng lên giọng vờ như không biết: “Thằng Luân là thằng nào mà lại là anh của con Kim Anh?”. Phụng nghi đình thì diễn tích Lã Bố hí Điêu Thuyền. Tiếng Lã Bố thét, rồi lại tiếng Điêu Thuyền thét, quyện vào nhau trong tiếng trống phách và các loại nhạc cụ cổ.

Có đúng một cái đĩa chạy tốc độ 45. Nó bằng ni lông, mỏng, bé bằng bàn tay, có những bản hành khúc vui nhộn, lại có cả một bài hát giọng nam luôn lặp đi lặp lại Mê hi cô Mê hí cô. Vỏn vẹn hai cái đĩa 33 vòng/phút, một cái nhạc Traicốpxki, của Nga, những trích đoạn nổi tiếng trong các vở ba lê, một cái Beethoven, của Đức, symphony số 1, 2 và 3. Hai cái đĩa này phải hơn ba mươi phút mới hết một mặt, tôi có thể đứng xuống đất, đi đi lại lại, thậm chí làm một công việc gì đó. Tôi nghe đi nghe lại hai cái đĩa này. Những bản nhạc của Traicốpxki luôn gợi nên một nỗi buồn da diết trong một không gian mênh mông lạnh lẽo. Những bản symphony của Beethoven thì lại như đưa người ta vào trong chiến trận, giục giã người ta xông lên.

Tôi không có tí năng khiếu về âm nhạc nào, mặc dù yêu thích và đã từng nhiều lần thử sức. Bắt đầu là một buổi chiều năm tôi học lớp hai. Tôi hãy còn buồn ngủ, mở mắt ra và thấy mình đang ngồi trên ghế. Bố tôi đang xúc một thìa cà phê, cái thìa bé tẹo, thứ cà phê đặc sánh hãy còn lang láng trong chiếc tách sứ, đưa vào mồm tôi. Ông ồ lên một tiếng và thôi không đút cà phê cho tôi nữa. Ông chở tôi đến cung Thiếu nhi gặp ông Phạm Viết Bình. Ông Bình là người dạy nhạc và có lẽ cũng là người phụ trách cung Thiếu nhi. Người ta luôn nhìn thấy ông với cây đàn ắccoócđêông dẫn dắt dàn đồng ca thiếu nhi biểu diễn ở Giàn Leo mỗi dịp Quốc khánh hay ngày Tết.

Có lẽ chẳng có ở đâu giống như Nam Định, một thành phố bé tẹo mà có đến mấy cái vườn hoa kéo liền thành một dãy, cạnh một cái quảng trường rộng mênh mông. Vườn hoa thứ nhất nằm trên phố Trần Hưng Đạo, có Đài liệt sĩ và những cây gạo rất to. Vườn hoa thứ hai có Nhà kèn, một cái ki ốt xây hai tầng, tầng trên phải đi lên bằng cầu thang, bốn xung quanh xây lan can, trên có mái bằng, sàn gạch luôn để trống. Tầng một, ngay lối cầu thang đi lên có một cánh cửa sắt luôn luôn đóng im ỉm. Người ta bảo rằng ngày xưa Tây vẫn thường ra đấy thổi kèn. Tiếp đến là một cái vườn hoa có giàn leo. Đó là một cái sân khấu ngoài trời có xây trụ ở hai bên cánh gà, bên trên có những thanh dầm, có lẽ là bằng xi măng cốt thép, chạy ngang làm thành một cái giàn có thể cho những ngọn nho hoặc ti gôn leo lên đấy được. Chẳng biết từng đã có cây nào leo lên đấy chưa, tôi nhìn thấy nó từ khi còn bé cho đến tận khi về già, nó vẫn luôn trơ ra như thế thôi như một sự chờ đợi hay mời gọi. Cũng là một công trình có từ thời Pháp, gần ngay với nó là nhà Xéc, nguyên tiếng Pháp là Cerle, ở đấy có một cái sân tenít, lối đi xuống sân có một bờ tường uốn vòng cung rất đẹp. Tòa nhà này bị bom Mỹ đánh hỏng ngay từ cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ nhất.

Ông Bình là người hào hoa phong nhã, đúng típ của những nghệ sĩ thời xưa. Về sau có nhiều năm ông là Trưởng đoàn Văn công của tỉnh, tác giả của mấy bài hát thiếu nhi khá nổi tiếng. Ông cũng khá nổi tiếng đa tình, nhiều cô diễn viên xinh đẹp phải lòng ông.

Ông Bình bảo với bố tôi:

– Cho nó học bănggiô.

Bố tôi nói:

– Măngđôlin.

Ông Bình bảo:

– Măngđôlin thì về sau học viôlông, bănggiô thì ắccoócđêông.

Bố tôi đồng ý với ông cho tôi học đàn bănggiô. Lần đầu tiên tôi được nhìn thấy một cây đàn. Mặt đàn bằng da, giống như mặt trống, có những chốt hãm bằng sắt sáng choang. Ông dựng lên trước mặt tôi một cái giá nhạc. Cũng lần đầu tôi nhìn thấy một thứ kỳ diệu như thế. Một cái khung bằng sắt mỏng gắn vào một cái cần có ba chân, có thể gập vào, xòe ra, nâng lên, hạ xuống. Hẳn nó cũng là một sản phẩm còn lại từ thời Pháp, về sau thứ như thế dần biến mất, thay vào đó là một cái bảng bằng gỗ đóng đinh vào một cái cọc gỗ. Ông Bình mở ra một quyển vở chép nhạc, đặt lên giá nhạc, viết vào một khuông nhạc bốn nốt tròn, ông bảo đấy là đồ, rê, mi, pha và hướng dẫn tôi dùng móng gảy đánh vào đàn bốn nốt ấy kèm với giậm chân đánh nhịp. Bố tôi sau khi trao đổi vài câu với ông Bình thì đã biến đi, chỉ còn lại mình tôi với ông trong một căn phòng ở tầng hai gần như trống trơn, chỉ có vài cái giá nhạc được xếp gọn để sát bức tường đối diện và vài chiếc ghế.

Việc hướng dẫn tôi diễn ra dường như chỉ chừng có năm phút, ông Bình cũng biến đi luôn, để tôi một mình thực hành điều ông chỉ bảo. Làm đi làm lại mấy lần như thế, tôi chẳng biết làm gì nữa, ngó nghiêng một hồi, cuối cùng tôi quyết định bỏ đàn đấy và đi ra ngoài. Các phòng đều vắng tanh. Tôi xuống tầng một, có một phòng mở cửa, ở đấy có một người phụ nữ. Đó là cô Duyên phụ trách thư viện. Cô có nụ cười thật hiền hậu. Cô tự giới thiệu tên cô và nói rằng bố tôi biết cô. Tôi chọn được quyển Vichia Malêép ở nhà và ở trường, đọc một lúc không thấy thú lắm.

Có một thằng nào đó xuất hiện. Nó đến ngay cái bàn bóng đá, cái bàn bằng gỗ với những hàng cầu thủ của hai bên được gắn vào những thanh sắt, rất thành thạo nó xoay những cái núm chạy dọc hai bên bàn, những cầu thủ bằng gỗ nhào lộn, quả bóng gỗ lăn đi lăn lại với những tiếng lộc cộc lạch cạch rộn rã. Rất nhanh, quả bóng chui vào một bên gôn, kết thúc một ván chơi, thằng đó cũng dời hàng tay nắm biến mất. Tôi thấy hấp dẫn vì trò chơi này, thế là tôi bỏ sách để điều khiển những cầu thủ gỗ tung người đá vào quả bóng, nghe tiếng nó lăn đi lăn lại lộc cộc. Tôi cứ thế chơi cho tới khi hết giờ, chào cô Duyên rồi ra về, cô cười với tôi một nụ cười thật là hiền hậu.

Mỗi tuần một buổi vào chiều thứ năm. Bố tôi gọi tôi ra khỏi giấc ngủ trưa nhưng không phải pha cà phê cho tôi uống nữa. Tôi đến cung thiếu niên gặp ông Bình. Cái móng gảy lần trước ông đưa cho tôi tôi không còn nhớ gì đến nó nữa. Cần phải mua một cái khác. Tôi chạy về nhà xin tiền bố tôi. Ông đang chuẩn bị đi làm. Ông đưa cho tôi tờ một hào, màu đỏ, cũ kĩ và quăn queo.

Tôi đến hiệu đàn ở phố Lê Hồng Phong. Cả thành phố chỉ có một hiệu đàn đó thôi nhưng sự tồn tại của nó cũng góp phần tạo nên sự khác biệt của thành phố của chúng tôi. Một gian nhà lợp ngói thấp lè tè, trên cửa ra vào treo một tấm biển hiệu rất to Hợp tác xã đàn Tháng Tám. Nguyên hai chữ Tháng Tám kéo riêng ra một dòng dưới, choán gần hết tấm biển hiệu. Nền sơn và các dòng chữ đều đã ố xỉn. Một cái tủ kính to choán hết bức tường còn lại, bên trong bày mấy thứ nhạc cụ đã cũ. Một cái ắccoócđêông, một cái ghita, một cái đàn nguyệt, một cái trống. Sau bao nhiêu năm, tới tận bây giờ, cái hiệu đàn ấy vẫn nguyên như cũ. Tấm biển hiệu không hề được sơn lại, mỗi ngày nó chỉ cũ kĩ đi thêm một chút thôi. Cái tủ kính vẫn thế, những tấm kính có vẻ mờ đục hơn, không còn cái đàn ắccoócđêông, vì lâu nay rất ít người chơi loại nhạc cụ này, cái ghi ta, cái đàn nguyệt, cái trống có vẻ bám bụi nhiều hơn. Mặc dù gọi là hợp tác xã, cửa luôn để trống nhưng hiếm khi thấy có ai ra vào, từ ngoài đường cũng ít khi thấy có người trong ấy. Về sau tôi mới biết, ở cái hiệu đàn ấy thường chỉ có một người đàn ông. Sau căn nhà lợp ngói là một khoảng sân rất hẹp, tiếp đến là một ngôi đền gần như đã bỏ hoang. Người đàn ông đang ngồi bên những mảnh ghép của một cây đàn gỗ với những thứ đồ nghề lỉnh kỉnh trong một góc nhà đứng dậy lấy đưa cho tôi cái móng gảy. Hai hào một cái. Tôi không biết cái móng gảy được làm bằng đồi mồi hay là một thứ nhựa trong suốt có vân, màu nâu, hình tam giác. Tôi nhớ cảm giác mân mê cái móng gảy nằm trong túi quần trên đường từ hiệu đàn quay trở lại cung Thiếu niên hơn là đã sử dụng nó như thế nào với cây đàn bănggiô. Giậm chân trước giá nhạc vài lượt, vẫn bốn nốt đồ, rê, mi, pha, tôi lại xuống tầng một đến chỗ cô Duyên, lại mượn một quyển sách nào đó, rồi ôm cái bàn đá bóng cho đến khi hết giờ. Chiều thứ năm tuần sau lại thế, vòng qua hiệu đàn mua móng gảy trước khi đến cung Thiếu niên.

Lại còn vở chép nhạc nữa. Cuốn vở chép nhạc được in ấn cẩn thận có lẽ cũng là sản phẩm hiếm hoi còn lại từ thời Pháp mà ông Bình dành cho tôi không còn nữa. Ông bày cho tôi cách kẻ những khuông nhạc. Lấy một cái vỏ bao diêm, xé ra miếng bao quanh ngăn đựng, lột hết giấy bám trên nó, ta được một miếng gỗ mỏng màu trắng ngà, đều tăm tắp. Lấy kéo cắt một đầu của nó thành một hình răng cưa. Phải cắt sao cho thật đều, có năm cái mũi nhọn nhô lên. Chấm nó vào trong lọ mực, lấy thước kẻ đặt lên trang vở rồi kéo đều, thế là được một khuông nhạc với năm dòng kẻ. Các dòng không đều nhau lắm, nét to nét bé do cắt vỏ bao diêm, chỗ thì mực ra đậm quá hoặc nhòe, chỗ thì không có mực. Dù sao thì cũng là một công việc khá thú vị. Tôi đem đến cho ông Bình quyển vở với những khuông nhạc màu mực xanh le lét. Ông viết vào đấy một cái khóa son và bốn nốt nhạc như mọi khi. Có vẻ như thế là đã kết thúc một buổi học nhạc. Có lẽ cũng chỉ hai lần đi mua móng gảy và một lần kẻ vở chép nhạc. Chiến tranh lan ra Miền Bắc, tất cả phải đi sơ tán. Nếu không thế thì chắc là bố tôi con phải mất thêm tiền cho tôi mua móng gảy mà tôi cũng không biết hơn một nốt nhạc nào.

Vào một buổi chiều chủ nhật năm tôi học lớp sáu, ở nơi sơ tán, từ chiếc đài Mẫu Đơn xinh xắn của bố tôi phát ra một bản nhạc êm dịu. Tôi như thấy một cơn gió nhẹ đang cuốn những chiếc lá khô trên mặt đất. Đấy là lần đầu tiên tôi thấy sự kì diệu của âm nhạc. Từ đấy tôi đem lòng say mê với một thứ âm nhạc mà về sau mới biết là nhạc cổ điển.

Khi bố tôi mua chiếc Record về thì trên Đài Tiếng nói Việt Nam bắt đầu có chương trình giáo dục âm nhạc. Ban đầu là Nhạc nước ngoài, phát vào tám giờ sáng đến chín giờ, giờ ấy thì người ta đi làm, có cả nhạc dân gian Hungari, Ấn Độ… Sau gọi là Thính phòng và giao hưởng, phát vào ba giờ chiều chủ nhật. Có một giọng nữ phát thanh viên giọng Sài Gòn nghe sang trọng một cách lạ lùng. Giọng nữ này không hề nghe thấy vào bất kỳ buổi phát thanh nào khác. Tôi tưởng tượng một người phụ nữ xinh đẹp và thanh lịch, hẳn là bà đã từng có một cuộc sống phong lưu ở Sài Gòn, từng tiếp xúc với nhiều người nước ngoài. Các buổi phát thanh khác phát thanh viên thường phải nói liên tục, ngay buổi phát thanh ca nhạc, chỉ vài phút là hết một bài hát, phải giới thiệu luôn bài tiếp theo. Ở buổi phát thanh Nhạc nước ngoài, mỗi bản nhạc đều kéo dài thậm chí mười lăm, hai mươi phút, giọng người nữ phát thanh viên được nghe thấy thật ít ỏi. “Các bạn thân mến. Trong chương trình Nhạc nước ngoài hôm nay xin mời các bạn nghe một số bản nhạc Đài Phát thanh Cộng hòa Dân chủ Đức gửi tặng cho đài chúng tôi.” “Và bây giờ Dàn nhạc Philharmonic Berlin dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng… sẽ trình tấu cho chúng ta nghe bản… của…”.

Một ông nhạc sĩ tên là Nguyễn Sinh chuyên phân tích các tác phẩm âm nhạc. Thật ra có lẽ ông chỉ phân tích Bản giao hưởng số 5 của Beethoven và Hồ Thiên nga của Traicốpxki. Những bài phân tích ấy thỉnh thoảng được phát lại. Hồi ấy tôi còn chưa biết ba lê là gì nên rất ngạc nhiên không hiểu tại sao chỉ nghe nhạc không mà người ta lại có thể kể thành một câu chuyện với nhiều chi tiết tỉ mỉ đến thế, thậm chí đến cả màu sắc của từng con thiên nga.

Phải đến khi học năm thứ nhất khoa Ngữ Văn trường Đại học Tổng hợp tôi mới được lần đầu tiên được xem một tác phẩm ba lê. Đó là phim Rômêô và Juyliét, của Liên Xô, ở một rạp chiếu phim ngay cạnh Bờ Hồ. Về sau này, phim ảnh vắng khách, nó được biến thành Nhà hát Múa rối Thăng Long, chuyên biểu diễn rối nước cho những đoàn khách du lịch nước ngoài. Từ Ký túc xá Mễ Trì cách chục cây số chúng tôi tới đó bằng tàu điện, xe buýt hoặc xe đạp. Một bộ phim như thế hầu như không được chiếu cho những công chúng thông thường, nó hầu như chỉ để dành cho những đối tượng có nhiệm vụ nghiên cứu. Được xem một bộ phim như thế là một khoái cảm vì mình được nằm trong đẳng cấp vượt trội. Suốt thời sinh viên tôi được xem khoảng một chục bộ phim như thế, hầu hết là của Liên Xô, ở mấy cái rạp xung quanh Bờ Hồ. Bộ phim có lẽ đã được sản xuất từ một hai chục năm trước đó. Chúng tôi chỉ cố gắng tìm hiểu câu chuyện được thể hiện, không ai quan tâm đến nghệ thuật múa và âm nhạc. Về sau nhớ lại, nhớ nhất cảnh Rômêô vượt tường gặp Juyliét, tôi chắc rằng âm nhạc của Procofiev và đó là bộ phim của Ulanova.

Phải đến năm cuối ở trường Đại học, một buổi chiều chủ nhật tôi mới được nghe từ loa công cộng lời giới thiệu của ông Nguyễn Sinh cho bản nhạc Carmen. Tôi không biết đấy là opera, càng không hề biết đến cái tên Bizet. Tôi bị cuốn hút bởi những đoạn nhạc rộn rã và thê lương mà ông Nguyễn Sinh bảo phải tưởng tượng ra hành trình của đoàn người Digan. Tôi nhớ rất lâu đoạn nhạc mở đầu có rất nhiều thanh âm của bộ gõ để về sau trong một buổi tối vào dịp Tết khi ra khỏi nhà một người bạn tôi nhận ra nó vang lên từ chiếc ti vi đen trắng của gia đình người hàng xóm của anh ta. Tôi được nghe lại nó trên ti vi vài lần nữa, mà cũng chỉ vào dịp Tết, tác giả của nó là Sêđrin. Phải rất lâu sau đó nữa tôi mới biết Sêđrin chỉ là một ông người Nga soạn riêng một đoạn mở đầu của vở nhạc kịch cho dàn nhạc bán cổ điển.

Hàng tuần tôi mong đến ngày chủ nhật để được nghe nhạc. Tôi như là người mang thú vui hành xác. Tôi dỏng tai lên để cố tìm ra một cái gì đó trong những dòng âm thanh hỗn độn. Không ít lần tôi ngủ gật khi ngồi trước cái đài Record. Điều tai hại là nhà tôi luôn có khách. Vào thời ấy người ta thật yêu quí nhau. Bất kể lúc nào một người hàng xóm, một người bạn học hay cùng nơi làm việc đều có thể đến nhà nhau chơi. Gọi là đến chơi nhưng thực ra chỉ nhìn thấy mặt nhau, bộ mặt vẫn gặp thường xuyên, cười và nói vài câu bâng quơ. Mẹ tôi làm cán bộ công đoàn, tính bà xởi lởi, từ giám đốc, bí thư đảng ủy đến các cán bộ, kỹ sư, hễ có dịp là đều đến nhà tôi. Luôn luôn có những người công nhân đến để kể lể hoàn cảnh của mình để nhận được những lời khuyên giải, động viên, mẹ tôi rất giỏi làm điều đó, hoặc xin được trợ cấp hay tăng lương. Luôn có những người họ hàng ở quê, nhất là quê ngoại, lên thăm. Lên thành phố vì có một việc gì đó hoặc đón tàu đón xe đi đâu đó họ đều cảm thấy cần phải ghé đến nhà tôi chơi. Những lời hỏi han về mùa màng, làng xóm luôn được tuôn ra. Bố tôi cũng có những cộng tác viên, những người đang tập sáng tác, những người yêu văn chương tìm đến. Người ta có thể nói chuyện cùng với tiếng đài phát tất cả các chương trình, nếu lại là ca nhạc nữa càng vui, nhưng không thể chịu được cái dòng âm thanh hỗn độn của bao nhiêu nhạc cụ cùng tấu lên một lúc ấy. Tôi phải thỏa mãn cơn thèm của mình bằng cách ra ngoài đường để đứng dưới chiếc loa công cộng.

Thấy đã có khách ngồi trong nhà, tôi ra đi trước lúc ba giờ. Ra đến đường tôi rẽ trái để tới phố Hàn Thuyên. Nếu rẽ phải tới phố Hàng Cót thì gần hơn nhưng ở đấy lúc nào cũng đông người. Cái cột điện ở phố Hàn Thuyên nằm cạnh bức tường bao của Xí nghiệp Dược, trước lối vào Xí nghiệp May. Chỉ toàn có người đạp xe qua.

Hồi ấy toàn những cây cột điện được làm từ thời Pháp, bằng sắt đóng khung, sơn màu xanh thẫm. Chiếc loa trên đầu nó đang phát nốt chương trình gì đó. Tôi đến bên nó dỏng tai lên và chờ đợi. Lời người giới thiệu chương trình. Rồi tiếng nhạc cất lên. Tôi say sưa uống dòng âm thanh ấy, cố gắng gạt khỏi nó tiếng người đi xe đạp trên đường, thỉnh thoảng lại có một chiếc xe ô tô tải chạy qua. Tôi không nhớ tôi đã nghe những bản nhạc nào, của ai.

Tôi như một kẻ bị lạc trong những cách rừng, cố gắng tìm đường ra và không hề để ý đến vẻ đẹp của nó. Bản Melancolique của Traicốpxki có lẽ là thứ duy nhất mà tôi nắm được, nhưng không phải từ cái loa ở cột điện này mà ở đường đi Thái Bình. Một buổi chiều sau Tết, không biết hôm ấy vì sao tôi lại lang thang ra cái đoạn đường vắng vẻ ấy, tiếng viôlông réo rắt quấn chặt lấy tôi. Tổ khúc Bốn mùa, như người ta vẫn gọi, mà có lẽ tôi chỉ nhớ được mỗi khúc nhạc Chèo thuyền, cũng của Traicốpxki, thì tôi không nhớ đích xác lần đầu được nghe ở đâu. Không ít lần tôi đã thất vọng khi đã đứng bên chân cái cột điện ấy, vì hôm ấy có bóng đá trên sân Hàng Đẫy, âm nhạc phải nhường chỗ cho tường thuật bóng đá. Lại những hôm trời mưa nữa. Trời mưa vẫn có thể có khách trong nhà, nhưng tôi thì lại không thể phơi mặt ra ngoài trời.

Cho đến rất nhiều năm sau, tôi không có lấy một người bạn để chia sẻ niềm đam mê, cũng không có một phương tiện nào khác, hiểu biết của tôi chẳng thêm lên được mấy, tôi không còn cố công thường xuyên bên những cái loa công cộng nữa, nhưng bất cứ ở đâu chỉ thoáng nghe thấy tiếng nhạc đó là tôi hướng ngay về nó với bao nỗi thèm khát.

Bố tôi là người thích đài. Trong quyển anbum của gia đình có một bức ảnh to choán hết cả một tờ với độ dài khoảng hai mươi phân chụp bố tôi, một thanh niên chừng mười chín hai mươi, còn khá nhiều chất nhà quê, oai phong ngồi sau, một cái bàn làm việc rất rộng, trên đấy có một ít giấy bút và một cái đài. Cái đài hộp gỗ vuông mà về sau tôi thấy lại trong các bộ phim, các bức ảnh về thời chiến tranh Thế giới II. Hồi Kháng chiến chống Pháp bố tôi từng làm thư kí riêng cho ông Bí thư Tỉnh ủy. Thoạt đầu ông làm ở Ban thông tin tuyên truyền, dần dần viết báo, sáng tác văn thơ. Hồi đầu Cuộc chiến tranh phá hoại ông luôn có cái đài Orionton, đài của Hung, khá to và nặng, ông phải buộc một cái dây sợi khá to để đeo bên hông và sau lưng. Về sau ông lại có cái đài Mẫu Đơn của Trung Quốc, mặc dầu nhỏ nhắn xinh xắn nhưng lại có một cái bao bằng da màu nâu khá đẹp và có dây để khoác lên vai.

Cũng như mọi người thời bấy giờ, cái đài chủ yếu để nghe thời sự. Những ngày chủ nhật ông về chỗ anh em chúng tôi sơ tán, tôi được nghe từ cái đài của ông buổi phát thanh Thiếu nhi. Tiếng kèn rộn rã bài Đội ca. Những câu chuyện bổ ích và lý thú. Nếu là buổi tối thứ bảy thì lại có Sân khấu truyền thanh, trước đó là Kể chuyện cảnh giác. Tôi nhớ có những buổi tối chủ nhật ở nơi sơ tán ông cầm chiếc đài dò tìm đài Mátxcơva. Giữa những tiếng lạo xạo nổi lên tiếng chuông ngân dài nghe như từ một nơi xa lắc xa lơ, rồi tiếng người nữ phát thanh viên giọng lơ lớ: “Đây là đài phát thanh Mátxcơva”. Đài Bắc Kinh thì rất dễ bắt, nếu có gặp thì ông cũng bỏ qua.

Thật lạ kì là khi có cái đài Record ông lại gần như chẳng nghe bao giờ. Chỉ có tôi luôn loay hoay với mấy cái đĩa cũ và nhăm nhăm mở nó vào mỗi chiều chủ nhật. Nó hay hỏng luôn, khi thì dây cua roa quay đĩa, khi thì núm dò sóng, khi thì hỏng một cái bóng điện tử… Chỉ có tôi mày mò tự sửa hoặc chằng nó lên gác ba ga xe đạp đưa đến cửa hàng sửa chữa. Khi tôi đi học đại học thì Hoa tiếp thu nó để học hát. Hoa thích hát, nhất là hát cải lương. Những làn điệu truyền thống buồn ảo não được lồng vào những lời mới mang nội dung yêu nước và chiến đấu. Các chương trình học hát thường phát vào buổi chiều. Có lẽ phải đến tận những năm cuối tôi học đại học cái đài mới biến khỏi nhà tôi. Có lẽ nó đã nát quá. Hồi ấy tôi có nhiều việc phải lo nên không để ý nó không còn khi về nhà.

4.

Một trong những ký ức sớm nhất của tôi còn lưu giữ được là một buổi sáng trong căn nhà ở phố Hoàng Văn Thụ. Hoàng Văn Thụ là con phố lớn thứ hai của thành phố Nam Định. Nó chạy dài từ bờ sông Đào đến tận chỗ bây giờ là đường Trường Chinh, cũng như phố Trần Hưng Đạo, con phố được coi là lớn nhất, chạy song song với nó từ Bến Đò Quan tơi Dốc Lò Trâu. Phố Hoàng Văn Thụ bao gồm mấy con phố cũ, từ đầu giáp bờ sông là phố Hàng Dầu, phố Khách ở đoạn giữa, oách nhất và to nhất, tiếp đến là phố Hàng Giấy… Nhà tôi ngày xưa ở đoạn phố Khách, đối diện chếch với Hiệu sách Nhân dân, tòa nhà thuộc loại to nhất thành phố, vốn là cửa hiệu của một người Hoa. Về sau tôi nghe nói ông chủ này đã chết vì tuyệt vọng dưới gầm cầu Long Biên sau cuộc Cải tạo tư sản tư doanh ở miền Bắc. Đối diện với nó, giáp đường Lê Hồng Phong có một căn nhà ba tầng rất bề thế vốn là của một người Ấn Độ, trên mặt tiền của nó còn những chữ đắp nổi 1924 Mohamed Cany và một số hoa văn. Gọi là nhà tôi nhưng chỉ là một phần của căn nhà mà chủ cũ của nó đã bỏ đi Nam hoặc bị tịch thu, do Nhà nước quản lý và cho thuê. Tầng một là một gian rộng, mọi người vẫn thường đi qua đấy, thoạt đầu là hai vợ chồng một nhà tư sản tên là Minh Đức. Tôi vẫn nhớ vẻ hiền lành và phúc hậu của hai ông bà. Cả gian phòng gần như trống rỗng, chẳng có thứ đồ đạc nào đáng kể. Về sau hai ông bà chuyển đi Hà Nội. Trước khi đi ông bà tặng gia đình tôi một cái lọ lộc bình và mời đến nhà ông bà chơi nếu có dịp đi Hà Nội. Một lần đưa tôi đi chơi Bờ Hồ, bố tôi bảo với tôi: “Nhà ông bà Minh Đức ở gần đây.” Có vài lần bố tôi đi Hà Nội về, mẹ tôi hỏi có đến thăm ông bà Minh Đức không, bố tôi bảo không. Đến thay cho ông bà Minh Đức là bà Cả Nghệ, bà này nói giọng trọ trẹ, chát chúa, da đen sạm, mặt đanh, vấn tóc. Là người Nghệ An hay Hà Tĩnh thì đã hẳn, nhưng vì sao lại gọi là Cả thì không biết nữa. Mỗi lần đi qua đấy tôi đều có cảm giác ngần ngại. Mẹ tôi có vài ba điều phàn nàn về “cái con mụ Cả Nghệ”. “Điêu toa là dân xứ Nghệ, tệ bạc là dân xứ Thanh”. Mẹ tôi bảo thế.

Từ ngoài đường vào, qua gian nhà có bà Cả Nghệ, đến một cái sân nhỏ, ở đấy có một cái giếng, rồi cầu thang lên tầng hai. Cầu thang ngoài trời, vòng lại phía đi ra đường, đến một cái sân nhỏ. Sân lát đá hoa, lan can xây rất cẩn thận, có bề mặt khá rộng, hàng chân hình lục bình. Có lẽ bức ảnh bốn mẹ con được chụp ở cái sân này. Mẹ tôi, hai bím tóc dài thả về phía trước, bế Dũng. Hoa đứng bên phải. Tôi trong bộ lính thủy, cưỡi con ngựa gỗ, ở bên trái. Anh em tôi chênh nhau mỗi đứa hai tuổi. Vào lúc ấy Dũng chỉ mới được vài tháng, và tôi hẳn là đã hơn bốn tuổi. Bức ảnh hẳn là do bố tôi chụp. Ông có một cái máy ảnh, đến tận hồi đi sơ tán ông vẫn có lần chụp ảnh ba anh em chúng tôi.

Đứng từ đây có thể thấy hai cái sân thượng của những ngôi nhà đằng sau. Ở trong những ngôi nhà ấy có bà Phàn người Hoa. Có lẽ chỉ có một lần duy nhất tôi nhìn thấy bà và thằng con trai bà ở trên sân thượng. Thoạt đầu là thằng con trai bà, nó có lẽ hơn tôi một tuổi nhưng cao hơn hẳn, nước da trắng, sáng, mặc một cái áo kẻ ca rô nhạt rất đẹp, nó mở tròn đôi mắt nhìn tôi. Và sau đấy là bà Phàn. Bà lên để bắt nó xuống. Bà cũng nhìn qua tôi một cái. Qua sân là vào nhà. Nhà lát ván gỗ đen, có lẽ là lim, ở ngay trên đầu bà Cả Nghệ.

Ở ngay cửa là gia đình người thợ rèn, vào trong nữa mới đến nhà tôi. Gia đình này có ông thợ rèn, bà vợ và đứa con gái. Ông thợ rèn, nghe nói là ông làm nghề ấy, người săn chắc, có nước da như đồng hun, thường đi từ sáng sớm. Đứa con gái năm, sáu tuổi, giống mẹ, hai mẹ con lúc nào cũng như quấn lấy nhau và có vẻ sợ sệt mỗi khi ông ở nhà. Nhiều khi đang ăn cơm, vì cáu giận, có lẽ do không hài lòng với thức ăn bà vợ nấu, ông hất cả mâm cơm ra ngoài sân. Có lần mẹ tôi nhờ ông rèn cho một con dao, ông khẽ gật đầu. Mấy hôm sau ông đem về cho mẹ tôi một con dao, nó nhỏ thôi, nhưng dày gấp ba bốn lần những con dao bình thường, lưỡi của nó còn rõ những vết mài, có cảm tưởng như nó vừa được nhấc ra khỏi lò lửa, hãy còn nóng rẫy, chỉ nhìn qua thôi cũng thấy là rất sắc.

Phần của gia đình tôi ở tận với bức tường có cửa kính nhìn xuống đường phố. Đến gần bức tường ấy, cách chừng hơn một mét, sàn nhà bỗng tụt hẳn xuống một bậc. Tôi không hiểu tại sao người ta lại làm như thế. Đến sát bức tường, bậu cửa sổ có lẽ phải cao gần ngang đầu người lớn. Có hai cái cửa sổ khá lớn nằm liền nhau trên bức tường ấy.

Tôi như nhìn thấy tôi năm ba tuổi ngồi trên sàn gỗ trong căn nhà ấy. Lúc ấy vào khoảng chín giờ sáng. Ánh nắng chiếu qua cửa kính. Tôi ngồi một mình bên xoong cháo hãy còn lưng lưng. Đó là cái xoong của Liên Xô có hình ống khá cao, tôi chưa thấy nhà nào có một chiếc xoong như thế, sự dày dặn và chất lượng nhôm của nó thì khỏi phải nói, gia đình tôi sử dụng nó cho đến suốt những năm sau này, luôn gọi nó là “cái nồi cao cổ”, mẹ tôi luôn nhắc lại rằng nó được mua khi bà đẻ Hoa, Hoa bao nhiêu tuổi thì cái xoong bằng ấy tuổi. Một bát cháo đang ăn dở và một cái bát đựng những mẩu xương cóc đã gặm.

Nhà tôi thường nấu cháo cóc. Dũng bị bệnh còi xương, một ông thầy thuốc khuyên cho ăn thịt cóc. Nó sống được, khỏe mạnh là nhờ có thịt cóc, về sau mọi người gọi nó là Tổng Cóc. Sau mỗi trận mưa, trong vườn hoa, hồi ấy người ta gọi công viên là vườn hoa, có rất nhiều cóc. Cóc nhảy cả trên đường, bố tôi đang đi xe đạp nhìn thấy một con cóc ông cũng dừng lại để bắt. Những con cóc được cho thuốc lào vào mồm để rỉ ra trên lớp da sần sùi một ít nhựa màu trắng. Thế rồi đem ra chặt đầu, lột da. Chúng quào quào những cái tay cái chân, trông giống hệt như con người. Một cái âu sắt tráng men xếp đầy những con cóc đã được lột da, bỏ hết ruột rà, chỉ còn mỗi thân mình và hai cái chân, hai cái tay, rửa sạch. Thịt cóc gỡ ra làm ruốc còn xương đem nấu cháo. Mùi ruốc cóc khi sao lên rất thơm. Nồi cháo luôn được ưu tiên cho Dũng, tôi và Hoa tiếp quản phần còn lại. Khi có Dũng thì tôi đã lên bốn, không thể có chuyện năm tôi lên ba ngồi bên nồi cháo cóc. Nhưng ký ức của tôi là như thế. Ký ức luôn rõ ràng nhưng nó cũng có thể bị chồng lấn. Tôi luôn thấy rõ tôi, một thằng bé lên ba, vào buổi sáng ấy, trong ánh nắng tràn qua cửa kính, ngồi một mình bên nồi cháo và hai cái bát. Tôi bị ăn phải tóc. Một búi tóc nằm trong cổ họng tôi. Tôi thò hai ngón tay vào mồm moi được một sợi tóc và cố lôi nó ra. Nhưng chỉ được một sợi, tôi tóm được một sợi khác, lần này sợi tóc bị quấn chặt với búi tóc nằm trong cổ họng tôi, tôi cứ loay hoay, ứa nước mắt vì bất lực.

Một ký ức sớm hơn, vào năm tôi lên ba. Đúng là năm tôi lên ba. Ở nhà bà Tân Thịnh. Đó là ngôi nhà nằm ngay góc phố Lê Hồng Phong và phố Bến Ngự nhìn sang đầu phố Hàng Sắt. Ngôi nhà hai tầng thôi nhưng vì nó hơi nhỏ nên trông có vẻ cao. Có hẳn ba bức mặt tiền, bức giữa có hai chữ đắp nổi TÂN THỊNH, hai bức hai bên đều có ba chữ cái TTh đắp nổi thành hình vòng tròn. Về sau tôi được biết nó vốn là một hiệu may rất nổi tiếng của thành phố. Lúc bấy giờ có lẽ ông Tân Thịnh đã chết hoặc bỏ đi Nam nên không hề thấy nhắc đến ông, chỉ nhắc đến bà.

Nhà tôi ở một phòng trên tầng hai. Trời mới sáng. Chỉ có Hoa ngồi trên giường. Đầu nó có một cái mụn khá to. Ngày xưa trẻ con hay bị mụn, nhất là vào mùa hè. Hễ cứ vào hè đứa nào cũng rôm sẩy khắp người, mang vài ba cái mụn trên đầu là bình thường. Mẹ tôi đang giặt giũ dưới tầng một. Tôi có thể nhìn thấy bà và nghe thấy tiếng nước. Bà đi lên vì đã xong việc. Tôi thấy không cần ở bên Hoa nữa nên đi ra ngoài và theo lối cầu thang đi lên sân thượng. Sân thượng nhỏ và hẹp. Có bức tường chắn cao ngang đầu tôi. Chỉ một mình bố tôi ở trên ấy. Ông mặc quần đùi, áo may ô, đang cầm một quả tạ tay. Nhìn thấy tôi ông hạ quả tạ xuống, đi đến bên tôi vẻ mặt vừa như dò hỏi vừa như thích thú.

Một buổi sáng, khi ấy nhà tôi đã chuyển đến ở phố Bắc Ninh, tôi nghe hai bà nói với nhau:

– Anh em Ngô Đình Diệm bị giết hôm qua.

Bằng cách nào đó tôi cũng biết được sự kiện này khá quan trọng và nó đã diễn ra ở miền Nam xa xôi. Có thể tôi đã vài ba lần thấy người ta giương cờ và khẩu hiệu đi thành đoàn trên đường phố, hô những câu như:

– Đả đảo Ngô Đình Diệm!

– Hồ Chủ tịch muôn năm!

Hoặc vô tình cầm lên một tờ báo có tranh biếm họa Ngô Đình Diệm và Trần Lệ Xuân.

Rồi một buổi sáng, trời hãy còn tối đen, bố tôi chở tôi trên chiếc xe đạp ra khỏi thành phố. Tôi luôn nghe thấy những tiếng lịch kịch, tiếng vọng lại từ nhiều nơi của từng âm thanh phát ra, trong ánh đèn đường tôi nhìn thấy vài ba chiếc xe ba gác của những gia đình chở đồ đạc đi sơ tán. Trời dần sáng, hai bên đường quốc lộ là những cánh đồng ngập nước. Mặc dầu ngồi trên chiếc gối cũ chằng lên gác ba ga nhưng tôi vẫn càng lúc càng thấy tê đít. Chẳng bao lâu sau tôi thấy đít mình tê dại tưởng không chịu được nữa. Bố tôi dừng xe cho tôi đứng xuống đường một lúc. Đứng xuống tôi mới biết cái gác ba ga xe đạp đã được chằng khá kỹ một cái gối cũ.

Ven đường là cánh đồng ngập nước, loi nhoi những ngọn cỏ lăn. Tới một chỗ có người qua lại, có một cái bia xây bằng gạch để ghi nhớ một chiến thắng tại đây của quân ta với quân Pháp thì rẽ vào một con đường nhỏ. Tới một cái làng. Đi dưới những lùm tre. Tới một cái sân rộng, một dãy nhà dài, bờ hè khá cao. Có mấy người phụ nữ. Bác Nghị, người cao tuổi nhất, mặc áo nâu quần đen, đầu đội khăn vuông. Bố tôi giao tôi cho họ rồi trở về thành phố.

Sáng hôm sau. Tôi thức dậy trong tiếng chim kêu. Trong một gian của dãy nhà dài ấy. Chỉ có một mình tôi, cửa sau mở rộng, thông ra vườn. Có những khóm cây nhỏ ở ngay trước cửa. Những con chim nhỏ đang ríu rít bay từ khóm này sang khóm khác.

Phải rất nhiều năm sau, khi đã là người trưởng thành, từng đi đây đi đó, đọc kha khá sách, tôi mới nhớ lại buổi sáng hôm đó. Tôi chưa từng biết đến một điều kỳ diệu đến thế. Tôi nhớ như in làn ánh sáng dịu, nhớ rõ mồn một những tiếng chim kêu, những nhánh cây hoa hồng gai và cây mẫu đơn, cả những viên gạch trên nền nhà mang màu xám rắn đanh như sành, cả cái cót thóc xẹo xọ nằm trong góc nhà… Tôi hiểu rằng đấy là một cảnh giới an trú mà tôi không có nhiều cơ may gặp lại trong đời.

Tôi ở đấy, hàng ngày thơ thẩn chơi trên cái sân rộng, ra bờ ao, sang một hai nhà hàng xóm, chừng năm hay bảy ngày gì đấy, bố tôi đạp xe tới đón tôi về thành phố.

Rồi một buổi chiều, chỉ có mình tôi ở nhà, tiếng còi báo động vang lên. Tiếng còi u u từ phía Nhà máy Dệt tung lên bầu trời. Xưa kia nó là tiếng còi tầm phát ra vào những lúc sáng, trưa, chiều, đều đặn mỗi ngày, theo sau nó là những bước chân rầm rập của những người đi trên đường phố. Tiếng còi bây giờ mang đến sự im ắng sợ hãi. Chẳng mấy chốc đã nghe thấy mấy tiếng “ục ục” vọng lại từ phía xa xa. Rồi người ta nhìn thấy từ phía ấy một cột khói bốc lên.

– Sở Dầu, nó đánh trúng Sở Dầu. – Ai đó nói tỏ vẻ thông thạo.

– Đúng rồi, Sở Dầu. – Một người khác nói như muốn bảo với người trước rằng anh cũng chẳng có gì giỏi hơn tôi.

Từ trên ban công tôi thấy những người nằm trên cáng. Họ đi từ phía phố Hoàng Văn Thụ hướng về phía bệnh viện. Tất cả đều bất động, người đầy bụi bặm, máu bám trên vài ba chỗ, nước da đã nhợt màu, có một người phụ nữ phi dê.

Mấy hôm sau thì tôi được đưa về quê nội. Ở đấy đã có bà Lác, Dũng và Hoa.

Buổi sáng (1)

 Đặng Hồng Nam

1.

Tôi bị đánh thức bởi tiếng loa công cộng. Chiếc loa treo trên cột điện ở ngã tư trường Vườn Dâu. Thoạt tiên là bài Diệt phát xít, sau đấy là bài Giải phóng Điện Biên, bài hô tập thể dục, tiếp đấy là chương trình thời sự. Nhìn qua cửa sổ đã thấy sáng lờ mờ. Tiếng loa dội vào tai nhưng vì ở khoảng cách khá xa nên nó nhoè đi, chập chõm những âm rõ nghĩa. Chắc là không có gì. Các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước đi thăm nơi này nơi nọ, tiếp khách này khách nọ, sản lượng lúa ở chỗ này, năng suất công nghiệp ở chỗ kia… Tin tức kiểu ấy người ta đã nghe mãi, nó gần như giống nhau ngày này sang ngày khác, năm này qua năm khác. Người ta khó chịu vì sự nhàm chán của nó nhưng như một thói quen, người ta vẫn mong tìm thấy một cái gì mới lạ. Sự nhoè đi của âm thanh, tính bập bõm của thông điệp đôi khi bắt người ta phải cố gắng để hiểu.

Bố tôi vẫn nằm yên, mặt quay vào bức tường trong, lưng quay về phía tôi. Không biết ông có bị đánh thức bởi tiếng loa như tôi không. Thật ra tôi cũng không quan tâm đến điều đó.

Đối với tôi, ông luôn trong trạng thái nửa ngủ nửa thức. Có lẽ từ lúc lên giường cho đến khi trở dậy cũng có lúc ông thiếp đi một cách thực sự, và ít ra những lúc được dìu từ giường đến chỗ ngồi, những lúc ăn uống hoặc nói một câu gì đó, có vẻ như ông tỉnh táo hơn. Mỗi buổi tối, sau khi đưa ông lên giường tôi cũng đặt lưng xuống nằm cạnh ông. Ông đi ngủ muộn, thường là sau khi vẳng tới tai đoạn nhạc mở đầu của chương trình Tiếng thơ hoặc Đọc chuyện đêm khuya, cũng từ cái loa công cộng ở ngã tư trường Vườn Dâu, cũng có thể cùng có từ loa một nhà hàng xóm. Ông không cần phải đi nằm sớm, bởi vì có đi nằm sớm thì chưa chắc ông đã ngủ được ngay, mà nếu ngủ được ngay thì có thể ông sẽ tỉnh giấc vào giữa đêm khuya, trong khi ngồi ông có thể sinh hoạt với cả nhà và nếu cần ông có thể ngả đầu ra sau mà ngủ, trong tư thế ấy ông sẽ không ngủ được lâu.

Cái khó của ông là không thể tự làm lấy mọi việc. Từ bảy năm nay ông bị bệnh liệt run. Các cử động của ông đều khó khăn, chậm chạp, chân tay lúc nào cũng run lẩy bẩy. Ông được chuyển từ bệnh viện E (bệnh viện dành riêng cho cán bộ) của tỉnh lên bệnh viện E Trung ương, bệnh không hề thuyên giảm. Người ta mách cho tên tuổi của những ông lang. Từ những vị thuốc Bắc có mùi thơm cho đến những thứ củ, quả, lá lẩu hắc xì được cho vào nồi, đun trên bếp lửa sụt sùi rồi chắt ra uống. Có người bảo phải ăn xương hầm của bảy con mèo đen. Đàn bà chín vía, đàn ông bảy vía, phải là con số bảy. Hồi đó chưa có nền kinh tế thị trường, tất cả đều dựa trên quan hệ thân quen, thật khó mà có thể nhờ người tìm ra cho đủ bảy con mèo đen, một con đã khó.

Có ai đó mách cho ăn chó bao tử. Điều này có thể thực hiện được. Mẹ tôi đến gặp ông Dục ở phố Hàng Thao. Hồi ấy thịt chó gần như là một món ăn cao cấp nhất mà người ta có thể ước ao. Vào hàng thịt chó phải là những người có tiền nhất, ăn chơi nhất. Hồi ấy thành phố Nam Định có hai hàng thịt chó nổi tiếng nhất, do ngẫu nhiên, ông Sinh và ông Dục. Ông Sinh ở phố Nguyễn Du. Phố Nguyễn Du gần nhà tôi hơn nhưng có lẽ hàng ông Sinh hoạt động không đều đặn hay như thế nào đó nên mẹ tôi phải đến hàng ông Dục. Ông Dục, một người có nước da bánh mật, mặt to, tròn, có những múi thịt nổi lên từ hai bên mép chạy vòng qua hai gò má, nghe mẹ tôi giãi bày nguyện vọng thì gật gật và bảo bà hàng ngày đến ông. Mỗi buổi chiều, dời nhà máy, bà đạp thẳng xe đến hàng ông Dục. Sau hơn một tuần thì gặp được một con chó chửa. Chó đang chửa mà đem bán cho hàng thịt chó thì chỉ là chó ăn trộm. Chó con thì chỉ đem mà vứt đi. Chỉ có năm con chó con, giá mà có đủ bảy con, thôi thì năm cũng được, ông Dục lấy mẹ tôi với một cái giá vừa phải.

Năm con chó, mỗi con to bằng củ khoai, đỏ hon hỏn, ông Dục cho vào túi ni lông và đưa cho mẹ tôi. Mẹ tôi nhắm mắt lại để khỏi nhìn vào nó, treo cái túi ni lông vào ghi đông xe đạp và đạp về nhà. Bà rửa chúng bằng nước lã sau đó rửa lại bằng rượu, bà nhón lấy từng con bằng hai ngón tay, đưa ra xa, cố gắng để khỏi bị nôn, cho chúng vào một ngăn cạp lồng, cho vào một nồi nước để hấp cách thuỷ. Bà để nó lên bếp dầu, vặn nhỏ lửa, đun suốt một đêm, thỉnh thoảng phải đổ nước vào trong nồi cho khỏi cạn, sáng ra bếp cũng vừa hết dầu, bà để đấy đi làm, tối hôm sau, cơm nước xong xuôi, bà lại đun nó tiếp. Ba đêm liền như thế. Khi mở nắp cạp lồng ra, trong đó là một thứ nước lệt sệt, cũng không tanh cho lắm, thậm chí còn có mùi thơm của thức ăn. Với một quyết tâm cao, ông run rẩy, tóm tém nuốt từng thìa cái thứ nước lệt sệt ấy. Đôi khi ông ngừng lại vì một thứ bột lẩn mẩn, đấy hẳn là tàn tích của những bộ xương non. Đút cho ông hết cái ngăn cạp lồng ấy bà coi như đã lập được một kỳ tích, để lại ông ở nhà, khoá cửa lại và đạp xe đến nhà máy nơi có một cuộc họp đang chờ bà. Khi trở về bà gặp một cảnh tượng thật kinh hoàng. Giữa nhà nhoe nhoét mấy bãi phân lỏng. Mùi phân nồng nặc, khắm lằm lặm, còn ông thì nửa nằm, nửa ngồi, gần như kiệt sức với cái quần dính đầy phân.

Sau nhiều lần đi lại giữa bệnh viện E của tỉnh và bệnh viện E Trung ương, sau nhiều cuộc hội chẩn, ông được kết luận là mắc bệnh Parkinson. Vào thời ấy nếu không phải là bác sĩ, chưa ai nghe thấy cái tên bệnh ấy bao giờ. Để lấy dẫn chứng sinh động và cũng để hiểu được tính chất nghiêm trọng của căn bệnh, người ta bảo Mao Trạch Đông cũng mắc bệnh này. Mao Trạch Đông thì người ta luôn thấy trong các tờ hoạ báo Trung Quốc, mặt to phèn phẹt, người như một đống thịt, ngồi bất động, sống dai nhanh nhách. Trung Quốc, Đông y là nhất, Tây y cũng không phải là thường, cần đổ một núi vàng, giết một triệu người để chữa bệnh cho Mao Trạch Đông người ta cũng sẵn sàng, ấy thế mà cũng có chữa được đâu. Vì thế, cộng với nỗi khiếp sợ sau vụ chó bao tử, mẹ tôi quyết không nghe ai mách về các ông lang, những con vật hay các thứ lá lẩu nữa.

Thuốc điều trị bệnh Parkinson chỉ bệnh viện Việt-Xô, bệnh viện dành cho cán bộ cao cấp, lương từ một trăm mười bốn đồng trở lên, mới có. Lương bố tôi chỉ có chín mươi nhăm đồng. Mẹ tôi được dịp trách ông, mấy lần người ta đề bạt ông lên làm phó Ty Văn hoá ông đều từ chối, cứ cố thủ cái chức trưởng phòng Sáng tác. Sau những cuộc vận động của một số người có uy tín và yêu quí ông, ban lãnh đạo tỉnh xét thấy công lao của ông đối với nền văn hoá tỉnh nhà nên quyết định tăng sớm cho ông một bậc lương, đủ để được làm bệnh nhân của bệnh viện Việt-Xô. Qua những cơn nguy kịch, ông được về nhà điều trị ngoại trú, hàng tháng người nhà đến bệnh viện lĩnh thuốc. Có thuốc ông đỡ run hơn, ngày nào ông cũng phải uống. Những viên thuốc cho bệnh Parkinson chỉ to bằng hạt gạo, ngày uống hai hoặc ba viên tuỳ theo đó là của Đức hay Liên Xô, kèm theo nhiều thứ thuốc khác, có lẽ là thuốc bổ, trợ lực hoặc chống dị ứng, gộp cả lại gần một vốc tay.

Ăn sáng và uống thuốc xong ông vẫn ngồi trên chiếc ghế có đệm mút dành riêng cho ông. Tấm mút được lấy ra từ ghế dành cho lái xe của một chiếc xe tải, phía dưới của nó có rất nhiều lỗ tròn, có lẽ vốn là để cho lò xo, bọc một tấm vải cũ, đặt vừa vào chiếc ghế của bộ sa lông Đức. Chẳng biết vì sao người ta lại gọi như thé. Chẳng ai biết một bộ sa lông của người Đức là như thế nào. Hồi ấy Đức, Đông Đức, là nước được coi là văn minh nhất trong phe Xã hội Chủ nghĩa, hơn Liên Xô nhiều, kiểu Đức thì có nghĩa là miễn chê. Bộ sa lông Đức nhà tôi được đóng bằng gỗ de, thứ gỗ thuộc nhóm bốn, nhóm một gồm những thứ quí giá như lim, gụ, sến, táu… Bằng tài ngoại giao, mẹ tôi xin được một cái phiếu mua nửa mét khối gỗ của công ty Vật liệu và chất đốt. Nhờ vả một ông cán bộ cung tiêu của Nhà máy, ông này rất kính nể mẹ tôi, ông ấy già, gầy hom hem vì mắc bệnh hen suyễn, lúc nào cũng thở khì khò và luôn có nguy cơ lịm đi, có một cái xe Mô kích, xe máy của Đức, đời cũ. Hồi ấy có xe máy, lại là Mô kích thì biết ông ta là người tháo vát đến thế nào. Ông cán bộ cung tiêu phải phóng xe Mô kích đến tận đầu kia của thành phố, nơi có văn phòng của công ty Vật liệu và chất đốt mới thuê được một chiếc xe ba gác chở về nhà cho mẹ tôi mấy tấm gỗ. Một nữ công nhân thân tín của mẹ tôi tiến cử ông chồng của bà đảm trách việc biến chỗ gỗ này thành bộ sa lông Đức. Chồng của bà, một người miền Nam tập kết, hình như quê Quảng Ngãi, về hưu đã lâu, có lẽ ông ta về hưu khi chưa đầy bốn mươi tuổi, chỉ ở nhà vớt bèo nuôi lợn, nấu cơm. Ông chồng bà công nhân đưa đóng gỗ đi, hơn một năm sau, sau nhiều lần giục giã, bà vợ luôn bảo với mẹ tôi: “Sắp xong rồi chị ạ. Nhà em bảo chỉ còn một tí nữa thôi.” Cuối cùng thì nhà tôi cũng có một bộ sa lông Đức.

Một cái bàn hình chữ nhật, chiều ngang chưa được nửa mét, chiều dài chừng tám mươi phân, dưới mặt bàn có một cái hộc nhỏ có thể để được hộp chè hay một vài thứ linh tinh gì đấy. Bốn cái ghế, mỗi cái là một tấm gỗ ghép nằm trên bốn cái chân ngắn một mẩu làm cho mỗi khi đặt đít vào người ta luôn có nguy cơ bị ngã bổ chửng ra đằng sau. Để đề phòng điều đó có một tấm gỗ ghép khác dựng làm lưng ghế. Hai bên có hai thanh gỗ đóng khung lại làm tay ghế. Tất cả đều được đánh véc ni. Thật ra nó chỉ được quang một lớp dầu bóng cùng với một lớp màu vàng loãng toẹt. Một bộ sa lông Đức đáng mơ ước thời đó phải là những tấm gỗ lim dày, hai tay ghế bằng lim uốn cong, mặc dầu được đánh véc ni một cách kĩ lưỡng vẫn nổi lên những vân gỗ đẹp mê hồn. Mẹ tôi không hài lòng lắm. Bà hơi xót xa: “Nửa mét khối gỗ mà được có thế này.” Dù sao thì cũng đã là một cuộc cách mạng, thay được bộ bàn ghế từ bao nhiêu năm.

Bộ bàn ghế cũ có từ hồi nhà tôi còn ở phố Bắc Ninh. Cái bàn vuông rộng chừng tám mươi phân, mặt bàn ghép bằng những miếng gỗ lim đen, chân bàn bằng gỗ tạp. Bốn cái ghế đẩu, mặt ghế cũng bằng gỗ lim đen. Tất cả đều được lựa ra từ một cửa hàng bán chất đốt và được thực hiện dưới bàn tay của ông Viêng, bác ruột của bố tôi vốn là lý trưởng chuyển sang hành nghề thợ mộc. Bộ bàn ghế ấy trải qua hai cuộc chiến tranh phá hoại của không quân Mỹ và được thay thế bằng bộ sa lông Đức một năm sau ngày giải phóng miền Nam. Cái tủ buýp phê được đóng sau một chút, cũng ở phố Bắc Ninh, bằng những thứ lấy ra được từ cửa hàng chất đốt, dưới bàn tay của ông lý trưởng hành nghề thợ mộc thì vẫn còn tồn tại.

2.

Có lẽ là năm tôi lên năm, bố tôi vẽ lên tờ giấy một hình vuông vuông rồi đưa cho ông Viêng. Đó là phác thảo hình cái tủ mà ông sẽ phải đóng. Ông Viêng kéo thêm một bạn thợ, thi công nhờ ở nhà ông Luân, chú họ của bố tôi, làm nghề đóng giày ở phố Hàng Rượu. Từ nhà tôi đi qua mấy nhà, rẽ trái, qua chừng hơn chục nhà nữa là đến nhà ông Luân. Có lần tôi qua đấy chơi thấy ông Viêng đứng trên cao, người bạn thợ của ông ngồi dưới thấp, hai ông đang kéo một cái cưa rất to để xẻ một tấm ván. Mấy hôm sau tôi thấy ông Viêng bảo với bố tôi: “Mai là xong” và ông yêu cầu sáng hôm sau bố tôi cho các ông một bữa ăn sáng, bố tôi nghiêm trang hỏi bữa ăn như thế nào, ông Viêng trịnh trọng yêu cầu vài lá bún với một ít mắm tôm, bố tôi tỏ ra sẵn sàng chấp thuận. Tôi nhớ khi nó được đưa về với lớp véc ni màu nâu sậm, hình dáng như phác thảo trong tờ giấy bố tôi đưa cho ông Viêng, nhưng tôi không hề nhớ gì đến sự hiện diện của nó trong căn phòng mà gia đình tôi ở trên tầng hai của một căn nhà ở phố Bắc Ninh, thậm chí nó nằm ở vị trí nào trong căn phòng bé nhỏ ấy tôi cũng không nhớ nữa. Sau năm năm sơ tán, nhà tôi chuyển từ phố Bắc Ninh về Khu Lao động Đồng Tháp Mười, tôi nhận ra nó là người thân, chỉ từ đấy tôi mới thấy nó tham gia vào cuộc sống của gia đình tôi.

Hồi chưa đi sơ tán, có một lần đèo tôi vào nhà máy, thỉnh thoảng bà vẫn đèo tôi vào đấy chơi, khi về, qua một khu đất trống, mẹ tôi chỉ vào đó bảo với tôi: “Mai kia nhà mình ở chỗ này.” Trước đó tôi đã có nghe mẹ tôi nói với bố tôi chuyển nhà đến một chỗ “có tí đất để tăng gia.” Dời nơi sơ tán chúng tôi về luôn căn nhà mới ở một khu tập thể nằm ở rìa thành phố. Khu tập thể này có chừng một chục dãy nhà cấp bốn nằm trên cánh đồng của làng Vị Xuyên ngày xưa, những dãy đầu tiên nằm ở phía đường Hàn Thuyên đã được xây và có người ở từ trước.

Hồi tôi học lớp một, có một lần mẹ tôi chở tôi ghé qua một trong những dãy nhà ấy, không ngờ tôi lại gặp thằng bạn học cùng lớp với tôi ở trường Trần Quốc Toản, thằng Quyên, nó là con thầy Đức, hiệu trưởng trường Trần Quốc Toản, ông cũng lại là người dạy bổ túc văn hóa cho mẹ tôi. Khi ấy nó đang chơi bi một mình trên bãi đất trước cửa nhà, nó đứng lên dướn đôi mắt híp nhìn tôi và mẹ tôi. Tôi nhảy xuống xe chơi với nó một lúc. Dãy nhà của gia đình tôi là dãy cuối cùng, vì giáp nó là một cái ao, qua cái ao là phía sau của những căn nhà của phố Hàng Cót. Chắc hẳn nó đã được xây ngay trong khi chúng tôi đi sơ tán, được một đơn vị xăng dầu sử dụng làm văn phòng, đến khi chúng tôi về họ mới rút đi, họ để lại cho nhà tôi một chiếc bàn. Đã có một số gia đình về ở trước. Cùng dãy, cách nhà tôi mấy nhà, một gia đình đông đúc, một bà mẹ và năm đứa con, bà làm công nhân Nhà máy Dệt. Một thằng kém tôi chừng hai tuổi vào mỗi buổi chiều đều kí cách chẻ củi, mỗi lần như thế nó đều hát bài Nổi lửa lên em. Bài hát ca ngợi những cô gái anh nuôi ở trong chiến trường. Lần đầu tiên tôi nghe bài hát ấy. Ở chỗ tôi sơ tán hầu như không có loa đài, tôi cũng không thấy ai tự nhiên cất tiếng hát như thế bao giờ. Nó còn hát nhiều bài nữa mà mãi về sau tôi mới biết.

Mỗi dãy nhà gồm ba cái nhà dài xây tường đơn lợp ngói nối nhau. Mỗi cái nhà như thế được chia ra thành năm gian cho năm hộ ở. Mỗi gian rộng ba mét, sâu tám mét, có một cửa ra vào và một cửa sổ. Phía sau có một cái cửa ăn thông với khu phụ gồm một mái bếp và một khoảng sân nhỏ làm chỗ rửa ráy tắm giặt. Một cái vòi nước bằng đồng thò ra từ bức tường cuối. Một cái rãnh nhỏ để thoát nước ra cống ở đằng sau, có thể đi đái ở nhà, còn ỉa thì phải đi vòng ra phía sau đến một cái nhà xí công cộng dùng chung cho tất cả khu tập thể ngay, cách chùa Cả một mảnh vườn nhỏ.

Nhà tôi ở nhà thứ ba tính từ ngoài đường vào. Đầu nhà là nhà ông Du phó Ty Thông tin, tiếp đến nhà tôi. Vì bố tôi là nhà văn, cần phải có không gian riêng để sáng tác nên được thêm một phần ba gian nữa. Một phần ba gian ấy thông với gian chính bằng một cửa ngách, ngăn với hai phần ba gian còn lại bằng một bức tường cao hơn đầu người, nhà của một ông nào đó, nghe nói là độc thân, ông ta chẳng ở đấy ngày nào, thoạt đầu thi thoảng có nghe tiếng của ông ta, về sau có một người được ông ta cho ở nhờ một thời gian, rồi lại một cặp vợ chồng cũng đến ở một thời gian, họ cãi cọ nhau rồi đi, cuối cùng là gia đình của một công nhân xí nghiệp Gỗ.

Cái tủ buýp phê kê sát tường ngay cạnh cửa ngách ăn thông giữa gian chính và gian buồng. Hồi đầu cái cửa ngách ấy còn được treo một tấm rèm. Tấm rèm không phải làm bằng những đốt trúc tô màu mà khi thả xuống người ta có thể thấy hình chùa Một Cột, đưa tay vào rẽ nó ra, những đốt trúc va vào nhau phát ra những tiếng kêu lạch xạch mà là làm bằng giấy, một sản phẩm đầy sáng tạo của thời chiến tranh chống Mỹ. Giấy từ những trang họa báo Liên Xô, Trung Quốc rất sẵn, cuộn lại thành hình những đốt trúc, móc vào với nhau bằng những đoạn dây đồng. Tất cả những đốt trúc giấy ấy đều mang màu trắng điểm những chấm đen hay những mảng màu khác nhau do những chữ hay do những bức ảnh tạo nên. Thưa thớt và nhẹ bẫng, bức rèm ấy tạo nên một ý niệm hơn là giá trị thực của việc chia cách không gian giữa gian chính và gian buồng. Chẳng bao lâu, những cuộn giấy ấy cứ rơi rụng dần, còn vài cái lưa thưa, cuối cùng thì chẳng còn vết tích gì nữa.

Gian buồng ấy vừa kê được một cách sít sao một cái bàn làm việc của bố tôi, một cái ghế, một cái tủ sách nhỏ và một cái giường đôi của bố mẹ tôi.

Tôi chưa thấy ở đâu có cái tủ buýp phê giống như ở nhà tôi. Nó gồm ba ngăn, ngăn đầu cao, hai ngăn còn lại thấp bằng nhau. Ngăn đầu để đựng quần áo. Sát nóc tủ có một thanh gỗ tròn để mắc vào đấy những cái mắc áo. Thật ra chỉ có vài cái thôi. Thường xuyên được treo ở trong ấy là cái áo vét bằng ka ki màu be của bố tôi, nó đã trải qua nhiều năm tháng. Về sau có thêm một cái ba đờ xuy bằng dạ, mẹ tôi dành được nó vào một đợt phân phối hàng viện trợ. Cái áo ba đờ xuy ấy vốn là của một ông Tây, Nga, Tiệp hay Bungari gì đó cho đi trong một đợt quyên góp ủng hộ những người anh em Việt Nam đang gian khổ trong cuộc chiến tranh chống Mỹ. Lẽ dĩ nhiên phải thần thế lắm mới có thể giành được một của quý như thế. Một cái áo vét của mẹ tôi may bằng một thứ vải tổng hợp nào đó cứng quèo và cũng đã cũ mèm. Mùa rét những thứ đó được đem ra sử dụng, thanh gỗ sát nóc tủ chỉ còn những cái mắc không.

Dưới những cái mắc áo luôn là một cái bọc. Một cái bọc bằng vải khá to choán hết bề ngang và cao lên đến nửa ngăn tủ. Trong bọc có mấy mảnh vải mà như thế nào đó mẹ tôi đã mua được, vài thứ quần áo tuy còn rất mới nhưng chẳng thể mặc cho một ai trong nhà, về sau lại còn có thêm một mảnh vải hoa to tướng, dày bình bịch, mẹ tôi bảo để dành cho tôi khi tôi cưới vợ. Cái bọc cứ nằm trong ngăn tủ năm này đến năm khác, thỉnh thoảng vào ngày có nắng mẹ tôi dở các thứ trong đó ra phơi, nhân tiện bà nhắc lại lai lịch một vài thứ trong đó và mục đích sử dụng chúng trong tương lai, Bố tôi bảo: “Ây, bọn nó về sau này sung sướng, chúng nó dùng gì những cái này.” Hoặc: “Hết chiến tranh, Mỹ nó đền bù cho khối.”

Ngăn thứ hai, ngăn giữa, chỉ là một cái khoang để trống ở phần trên. Chắc hẳn nó cần có một tấm kính nhưng ngay từ ban đầu đã không có rồi, về sau thì không ai nghĩ đến chuyện đó nữa. Trong khoang trống ấy luôn để chiếc cốc thủy tinh. Nhà tôi có duy nhất một chiếc cốc thủy tinh. Nó là sản phẩm của một hợp tác xã thủ công nào đó vào thời kì bắt đầu xây dựng Chủ nghĩa Xã hội. Cái cốc không có đủ chiều cao cần thiết, dày bình bịch, thứ thủy tinh rất thô, thế nhưng lại có những chấm tròn tạo nên cho nó một sự duyên dáng nhất định. Chiếc cốc thủy tinh luôn được để vào giữa bốn cái tách sứ Trung Quốc có quai, có hình một bông hoa to ở thân tách và một đường viền màu hồng ở miệng tách. Chúng đều khá cũ, lớp men trên chúng có đã ngả màu, nhưng vẫn toát lên vẻ sang trọng. Mỗi chiếc tách đều được nằm trên một cái đĩa riêng.

Một cái phin pha cà phê luôn được để trên một trong những cái tách ấy. Chiếc phin từ thời Pháp. Hồi ấy không có mấy người uống cà phê. Chỉ có những chiếc phin còn lại từ thời Pháp. Phin làm từ thời Pháp rất cầu kỳ. Sau năm 1975 thì người ta mới uống cà phê nhiều hơn và biết đến những chiếc phin làm bằng nhôm hết sức sơ sài. Chiếc phin của bố tôi làm bằng đồng, có lẽ nó từng có một lớp mạ nhưng đã bị bong hết cả, chỉ cong lại một số dấu vết loang lổ. Bên trong nó có một cái cối cũng bằng đồng có nhiều lỗ nhỏ, cái cối có một cái quai dài kéo từ đáy lên trên để giữ lấy cái nắp cũng có nhiều lỗ. Phải lấy cái cối ấy ra khỏi chiếc phin, cho cà phê vào đấy, kéo nắp đậy lại rồi mới cho nó vào trong phin, phải ấn nó xuống thật khít. Khi pha cà phê bao giờ bố tôi cũng rót vào đấy một ít nước sôi, đậy nắp phin lại, chờ một lúc, kiểm tra xem có nước trong chảy xuống tách không, nếu có thì tức là cối lắp vào chưa thật khít, phải chỉnh lại, sau đó mới rót nước sôi vào vừa cữ đã định. Được chừng lưng tách thứ nước có màu đen đặc sánh ông chuyển cái phin sang cốc thủy tinh, cho thêm nước sôi vào đấy, từ đấy cho ra một thứ nước nhờ nhờ, gọi là nước xái. Anh em chúng tôi được hưởng thứ nước xái đó.

Một cái cối xay cà phê cũng luôn được để trong góc trong cùng, cạnh những cái tách. Cái cối xay cà phê ấy cũng là một sản phẩm đặc Pháp. Một hộp gỗ vuông có chữ Peugeot và hình con sư tử, ở trên có một cái cần để quay, dưới cái cần ấy có một cái chóp hình bán cầu mà một nửa của nó là cánh cửa mở ra để cho những hạt cà phê vào đấy. Mỗi khi được bố tôi cho thử sức với cái cần quay ấy tôi đều để nguyên không đóng nắp lại, nhìn vào sâu trong lòng cái cối để thấy những hạt cà phê chen nhau chui xuống, thích thú với tiếng hạt cà phê vỡ nghe lạo xạo, chốc chốc lại kéo cái ngăn kéo ở dưới ra xem lớp hạt mỏng, bé li ti.

Có lẽ ông thường mua cà phê đã rang từ vài ba hiệu cà phê còn hoạt động cầm chừng vào thời đó. Đôi khi ông được một ai đó từ Nghệ An hay Sơn La về cho ông một gói hạt chừng vài ba lạng, ông phải đem đến một hiệu cà phê nào đó để thuê rang. Tôi nhớ có một lần, khi nhà tôi còn ở phố Bắc Ninh, ông tự rang lấy. Những hạt cà phê được đảo đều trong một cái chảo đặt trên bếp kiềng đun bằng củi cho đến khi ngả hẳn sang màu đen tuy không đều và bóng như những hạt cà phê được rang ở hiệu. Tôi nghe ông nói giá có một tí bơ.

Hồi đó bơ là một thứ vô cùng hiếm hoi và xa xỉ. Tôi nhớ đúng có một lần ông xin được từ ai đó một tí bơ. Đấy là lần đầu tiên tôi được nhìn thấy bơ. Cái tí bơ ông mang về ấy được bểu bằng một cái tăm vào một miếng ni lông bé tẹo rồi gập lại, cái tăm vẫn nằm nguyên trong đó. Khi tách cà phê vừa pha xong ông lấy cái tăm ra sao cho bơ chỉ dính một tí tị quanh đầu tăm, nhúng nó vào đấy. Cái tí tị bơ ấy tan ra óng ánh vàng trên mặt nước đen đặc và ấm nóng.

Ông còn có một cái ấm nhôm bé tí, nó không được nhẵn nhụi cho lắm, nổi rõ một đường ghép mí ở dưới thân ấm, có thể mẹ tôi đã nhờ một người thợ gò trong Nhà máy, hoặc ông đến phố Hàng Thiếc, nơi có những người thợ suốt ngày gò, hàn. Những khi cà phê bị để nguội ông dùng cái ấm ấy để sốp phê [hâm nóng, từ tiếng Pháp chauffer – Văn Việt] nó lên. Ông đổ tách cà phê vào trong ấm, ông lôi từ đâu đó ra một chiếc bếp cồn. Chiếc bếp cồn bằng đồng, hẳn là còn lại từ thời Pháp, có kết cấu cũng khá phức tạp. Ông phải kéo ra ấn vào một cái núm ở bên thành bếp để bơm cồn lên qua một cái kim ở trong lõi bếp rồi mới châm diêm vào đấy. Bụp một cái, ngọn lửa bùng lên trong xanh rất đều, trông rất đẹp mắt. Không có cồn ông dùng xăng thay thế, việc vận hành cái bếp có vẻ vất vả hơn, nhiều khi bơm mỏi tay xăng mới lên hoặc lên không đều, chảy tràn ra cả xung quanh. Thật ra cái bếp cồn dùng đun nước sôi để tiêm cho mẹ tôi nhiều hơn là để sốp phê cà phê. Thật kỳ diệu khi tách cà phê được đổ vào trong cái ấm ấy và được đun sôi lên. Từ cái vòi ấm phì ra một làn hơi nước, rồi cũng từ cái vòi ấy tuôn ra tách sứ một dòng nước đen nóng hổi, nhúng cái tăm có dính một bểu bơ vào đấy, cái bểu bơ ấy tan biến đi rất nhanh.

Không phải hôm nào bố tôi cũng uống cà phê và không phải lúc nào ông cũng có cà phê để uống. Cái tí bơ ông xin được ấy, mỗi lần bểu ra một tị, còn lại ông gập miếng ni lông lại, cho cả nó vào trong một cái lọ thủy tinh nhỏ, đậy nút chặt lại. Có lẽ ông chỉ được dở nó ra vài ba lần thì cà phê hết. Đến khi có lại cà phê, nhớ đến nó thì cái tí bơ nằm trong miếng ni lông đã mốc xanh, ông bần thần vứt nó đi.

Trong suốt nhiều năm khoang giữa của cái tủ buýp phê chỉ có chừng ấy thứ, thường là chúng nằm im cho bụi phủ, chỉ có cái cốc thủy tinh vừa ngắn vừa dày, như một cô nhà quê diêm dúa, luôn được nhắc ra cho vào. Thật ra vị trí thường xuyên của nó là trên bàn trà, cạnh bộ ấm chén, nó luôn được sử dụng để uống nước lã đun sôi, nước chanh pha đường, cũng có khi chỉ nước đường, pha sữa. Hồi ấy thỉnh thoảng cũng có sữa, sữa bột, hàng viện trợ từ một nước nào đó, trắng đục, như vôi bột, không biết để từ bao giờ vón cục hết cả lại, khi cho vào cốc phải dằm ra, cho nước sôi vào ngoáy mãi nó cũng không tan ra được, cứ để cái thứ nhếu nháo như thế cho vào mồm. Cái cốc để trên mặt bàn là thuận tiện nhất vì mọi người đều phải dùng đến nó, nhưng thỉnh thoảng một ai đó tự nhiên lại cho nó vào trong khoang tủ buýp phê, đừng giữa những cái tách pha cà phê.

Năm 1977 mẹ tôi được đi Tiệp Khắc. Chuyến đi dành cho những cán bộ Công đoàn có thành tích xuất sắc. Bà được đi hơn một tuần, được thăm thủ đô Praha, được đi xe ngựa thăm những lâu đài, một lâu đài mà bà nhớ được tên là Tô pô chan ki, ở đấy có những mái nhà dát vàng, những hầm rượu, những thảm chùi chân rất đẹp, những con thú đi săn được của người chủ cũ… Được truyền lại kinh nghiệm từ những người đi trước, bà mua mấy hộp cao Sao Vàng để làm quà cho những người bên ấy. Sau chuyến đi, ngoài mấy bộ xích líp xe đạp mà bà mua được bằng tiền tiêu vặt được cấp cho nhưng không dùng đến bà còn mang về hai món quà bà có được khi đến thăm những gia đình người Tiệp Khắc. Một cô bé bằng nhựa mặc váy viền xanh đỏ, loại váy truyền thống, rất đẹp. Một cô gái Nhật Bản làm bằng hai khúc gỗ, một khúc to và ngắn vẽ mái tóc đen chụp vào khúc bé hơn và dài vẽ khuôn mặt và bộ ki mô nô. Tôi nhớ khi có hai thứ trang trí này trong khoang tủ thì không còn cái cối xay cà phê ở trong đó nữa. Có lẽ bố tôi đã cho ai đó mượn và người đó không trả lại.

Đến năm 1978 thì bố tôi có một chuyến đi miền Nam. Khi ấy ông đã làm Phó chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật của tỉnh được mấy năm. Giải phóng miền Nam đã lâu mà ông chưa biết Sài Gòn như thế nào. Thể theo sự thúc giục của nhiều người, ông quyết định một chuyến đi. Ông đi bằng máy bay, lần đầu tiên ông được đi máy bay. Thua mẹ tôi, bà được đi trước ông. Sau chuyến đi ấy ông bổ sung cho khoang tủ giữa mấy cái đĩa sứ Đài Loan trên đấy có hình mấy cái lá tre màu xanh trông khá đẹp, một bộ đồ pha lê gồm một cái bình hình cầu có nút đậy bên trên kèm theo mấy cái chén con, trông cũng ngồ ngộ. Không biết có phải vì trong khoang tủ đã có một cô bé Tiệp Khắc và một cô gái Nhật Bản mà ông mang thêm về một cô gái Việt Nam. Cô gái mặc áo dài trắng trùm khăn voan nằm trong một cái hộp giấy bọc giấy bóng kính. Nó to hơn hẳn hai thứ đồ kia, thậm chí là hơi kềnh càng nữa, vì nó dài hơn chiều cao của khoang tủ nên không thể dựng đứng nó lên được mà phải để nó nằm chéo từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài, sát vách khoang tủ. Của đáng tội, nếu đặt nằm thì chả khác gì hình một cô gái nằm trong quan tài. Một năm sau thì bố tôi đổ bệnh, họ hàng ở quê lên thăm, tất cả đều chú ý đến cô gái mặc áo dài trắng trùm voan, nó gợi cho người ta nghĩ đến một thứ hàng mã hay một thứ hình nhân thế mạng hơn là một thứ đồ trang trí trong gia đình. Họ bàn tán bố tôi mắc bệnh nan y vì cô gái đó. Bố tôi luôn tỏ ra giễu cợt với những chuyện mê tín như thế tuy nhiên trong trạng thái bi quan, nể lời mẹ tôi ông để cho bà mang cô gái trùm voan đi trôi sông.

Ngăn tủ thứ ba, mặc dù giống ngăn thứ nhất, nó cũng có một ổ khóa chìm, nghĩa là một cái lỗ ở mép cánh tủ để chọc cái chìa khóa hình ống bằng đồng vào đấy mà xoay xoay. Không có tay nắm, việc cắm chiếc chìa khóa bằng đồng mang mục đích kéo cánh tủ ra hơn là vận hành cái chốt ở bên trong. Cánh tủ luôn bị kẹt chặt. Về sau không còn cái chìa khóa nào, cánh tủ phải khép vào vừa phải, để chừa mí để bấu đầu ngón tay vào đấy mà mở nó ra.

Trong suốt nhiều năm ngăn tủ này gần như không có gì. Có mỗi độc một lọ đường. Cái lọ thủy tinh vốn là lọ đựng hóa chất trong phòng thí nghiệm, đựng được hơn một cân đường. Đường chỉ nằm thành một lớp vừa phải trên đáy lọ và bám đầy thành lọ, tôi không nhớ có bao giờ đường nằm cao đến nửa lọ chứ đừng nói đến đầy. Vì miệng lọ quá bé, thò cái cù dìa vào nhiều khi không chạm được tới lớp đường, phải lắc, nghiêng cái lọ mới lấy được đường ra. Từ bao giờ đó xung quanh miệng lọ có những vết rạn. Thế rồi một lần Dũng và Hoa bị nhốt ở trong nhà, ai đó đã khóa cửa ra đi khi chúng còn đang ngủ, không có trò gì chơi, chúng bê lọ đường ra, moi đường trong ấy ra ăn. Những hạt đường dính trong thành lọ sát ngay trên miệng lọ không thể dùng cù dìa mà vét được, phải thò ngón tay vào mà quệt. Cái lọ bị vỡ. Về sau thì cái ngăn tủ ấy được để một cái ruột chăn bông khi hết mùa rét.

Cơm – Rau – Mắm

Đặng Hồng Nam

 

Không biết làm sao trên thế giới hầu như ở đâu cũng ăn cá tôm và các loại thuỷ sản, thế mà dường như chỉ có dân ta là biết ăn và làm nước mắm. Người ta bảo rằng khoảng thế kỷ thứ hai, thứ ba ở vùng biển thuộc đế quốc La Mã cũng từng có một sản phẩm tương tự như nước mắm.

Đối với dân ta, cơm-rau-mắm là ba yếu tố sơ khởi để hình thành một bữa ăn. Ăn cơm với mắm mà ngắm về sau; Cơm không rau đánh nhau không chửi. Ba thứ đó đủ làm thành một bữa ăn thanh đạm. Thịt, cá nhiều, sự chế biến cầu kỳ đều xoay quanh ba cái trục ấy. Cái bánh chưng ngon bắt đầu từ hạt gạo. Giò lụa ngon phải có nước mắm ngon quyện vào với thịt khi giã; khi ăn phải chấm với nước mắm ngon. Làm chả bánh đa dầu ngon đến mấy rồi mà khi ăn không có rau sống, rau thơm, không pha được bát nước chấm ngon thì ăn chẳng khác nào ăn rơm. Một nồi cơm gạo tám xoan và một bát nước mắm ngon nhiều khi còn hơn cả những cỗ bàn sang trọng.

Ngày xưa, nói đến gạo tám là quí lắm. Tiếc thay hạt gạo tám xoan. Chỉ đến ngày giỗ, ngày Tết mới được ăn gạo tám. Ngày giỗ, gia đình đông người chỉ dám thổi một nồi cơm gạo tám để cúng, thừa lộc bát cơm cúng trước tiên dành cho người cao tuổi. Bây giờ lúa năng suất cao, người ta ăn gạo tám suốt quanh năm cũng được. Cái gạo tám bây giờ đã nhạt, đã mất hương đã đành, lại thổi nồi cơm điện, gạo tám thành ra cá mè một lứa với bao thứ gạo khác lúc nào cũng đầy ắp trong các cửa hàng.

Giống lúa tám có nhiều thứ: tám dâu, tám xoan, tám nghển, tám ấp bẹ, tám dựa bờ,… Nói chung cứ gạo tám là người ta gọi là tám xoan. Hình như chữ xoan và chữ xuân có nghĩa gần nhau. Có nhà nghiên cứu bảo hát xoan, hát ghẹo ở Phú Thọ, chữ xoan là chữ xuân mà ra.

Mùa xuân cũng là mùa của hoa xoan .

Bữa ấy mưa xuân phơi phới bay

Hoa xoan lớp lớp rụng rơi đầy…

(Nguyễn Bính)

Lâu lắm rồi tôi không còn được bước chân trên những con đường làng ngập cánh hoa xoan, không khí đặc quánh mùi hoa xoan. Có lẽ chữ xoan luôn gợi nên cảm giác tươi trẻ và hấp dẫn, nó cụ thể và hữu hình hơn chữ xuân thiên về khái niệm chỉ thời tiết. Khuôn mặt trái xoan là khuôn mặt đẹp. Tuổi xoan là tuổi đầy sức sống. Trai ba mươi tuổi đang xoan. Gạo tám xoan. Đã là gạo tám là phải xoan.

Chữ xoan còn gần với chữ xanh. Trồng lúa tám người ta phải thu hoạch lúc chín non. Trồng lúa tám người ta phải trồng vào chân ruộng trung, có độ nước thế nào đó, độ pH thế nào đó, nghĩa là mỗi vùng chỉ có một số mảnh cấy được lúa tám thôi. Lúa tám chỉ trồng được vào vụ mùa, ở vụ này nắng ít, cây lúa lớn từ từ, trổ hạt đâm bông cũng từ từ, hạt không nhiều không to, nhưng mà thơm, mà dẻo. Lúa nếp cũng phải trồng vào vụ này mới ngon. Gạo nếp chiêm ăn vô duyên thượng hạng. Ngày xưa chưa thuỷ lợi hoá nhiều vùng chỉ cấy được một vụ lúa chiêm. Bụt Nam Xang chê oản chiêm có nghĩa là như thế. Nam Xang, nay là huyện Lý Nhân, xưa cũng là vùng đồng chiêm trũng. Cứ độ tháng Bảy, tháng Tám năm nào nước cũng ngập trắng đồng. Dân không trồng được lúa mùa thì đến Bụt cũng phải chịu khó mà xơi nếp chiêm vậy. Cứ bảo sao gạo nếp trong Nam không quí; vì nó không có cái rét, cái ẩm của thời tiết ngoài này.

Nói đến gạo tám phải kể đến gạo tám Xuân Đài. Xuân Đài là một xã nhỏ của huyện Xuân Trường. Không biết thổ nhưỡng như thế nào mà chỉ duy có xã ấy trồng được lúa tám ấp bẹ. Cây lúa cao ngang đầu người, đến khi thu hoạch bông lúa hãy còn nằm ấp trong bẹ, phơi khô hạt lúa đỏ sậm lại, mỗi hạt đều có hai sợi râu dài nghêu. Cũng những hạt lúa ấy đem trồng sang thửa rộng gần đấy của mấy xã bên , cây lúa ngắn lại, hạt lúa không đỏ bằng và cơm ăn cũng kém ngon đi. Ai đã từng được ăn gạo tám Xuân Đài một lần thì thật là nhớ đời. Nấu một nồi cơm gạo tám mà nức mũi cả xóm. Hạt cơm, hạt nào hạt nấy tròn mọng như con ong non, vừa đưa vào miệng nó đã dậy lên một mùi cốm mới. Đến cốm Vòng cũng không thơm ngon được như thế. Cơm gạo ngon như thế thì thức ăn nhiều làm gì cho phí hạt cơm đi. Cho đến cơm nguội để từ sáng đến tối ăn cứ vẫn sướng mê đi, thật là mỗi hạt cơm mỗi quí.

Gạo tám Xuân Đài phải ăn với nước mắm Sa Châu. Thôn Sa Châu nay thuộc xã Giao Châu huyện Giao Thuỷ. Nước mắm Sa Châu vốn nổi tiếng và được bán ở khắp các tỉnh Nam Định, Hà Nam, Thái Bình. Giờ đây người ta vẫn còn truyền tụng nhau về hũ nước mắm “tiến cha”, hũ nước mắm chắt được chôn ủ trong lòng đất hàng hai mươi năm, nó sánh như mật ong, trong như hổ phách, lấy đầu đũa chấm một giọt vào đầu lưỡi đã thấy ngọt từ trong cổ họng, râm ran khắp người. Ngày xưa những người đi biển, những người thợ lặn trước khi nhảy xuống nước, phải làm một ngụm nước mắm. Có một ngụm nước mắm vào người là có thể coi cái rét không ra gì, ngoi lên ngụp xuống cả ngày không biết mệt.

Thói quen ăn nước mắm ngấm vào máu của dân ta truyền đời bao thế hệ. Dù mắm ngon, mắm không ngon, xào nấu cái gì, không có mùi mắm, màu mắm là không chịu được. Thịt không hành, canh không mắm. Các cụ đã bảo thế rồi.

Người ta cho rằng quí nhất là mắm rươi. Mắm rươi quí vì nó không có nhiều, chỉ dành cho những người biết ăn, nó quả là thứ mắm tao nhã và sang trọng bậc nhất. Nhưng mắm rươi dẫu có nhiều cũng không thể ăn được nhiều, mỗi năm cũng chỉ nên ăn một hai lần và tùy từng lúc. Cũng như con rươi, ai đó một năm mà không được một miếng rươi vào mồm thì coi như là một sự thất thiệt lớn, nhưng vào mùa rươi mà ăn đến bữa thứ ba là hơi nhiều.

Mắm tôm mới là thứ gia dụng hơn cả. Trong bếp mỗi gia đình thường xuyên phải có tối thiểu: thùng đựng gạo, hũ muối, chai nước mắm, liễn mỡ hoặc chai dầu ăn, lọ mắm tôm và lọ mẻ.

Mẻ là thứ gia vị không có thứ gì thay thế được đã đành, việc nuôi giữ nó trong gia đình được coi như một niềm hi vọng. Người ta tin rằng hễ mẻ chết là thế nào gia đình cũng có chuyện không hay. Nhớ một lần tôi đưa mẹ tôi đi chơi Sài Gòn, nhà phải gửi hàng xóm. Vào đến Sài Gòn bà mới chợt nhớ đến lọ mẻ, lúc ấy chưa có điện thoại, bà liền viết thư ra chỉ để dặn cô em gái tôi thỉnh thoảng đến chăm sóc lọ mẻ. Tôi biết một ông già năm nay ngoài bảy mươi tuổi, hai đời vợ được bốn đứa con, ông bảo tổng cộng bốn đứa con khi sinh ra ông không bế chúng được hai tiếng đồng hồ, thế mà không có ngày nào ông không mở lọ mẻ ra xem một hai lần, ông chỉ cho mẻ ăn cơm mới nấu, cơm gạo ngon, chứ không phải bằng cơm nguội, tự tay ông cho mẻ ăn chứ không cho bất kỳ ai tham gia vào cái công việc ấy, thế thì bảo rằng ông chăm sóc lọ mẻ còn hơn chăm con mình cũng không ngoa.

Lắm lúc tôi cứ nghĩ, cuộc đời mà không có mắm tôm chắc là buồn đi biết bao. Gọi là một nồi canh suông rau muống hoặc rau đay, chí ít anh cũng phải cho một thìa mắm tôm vào hoà với nước, đun sôi lên rồi cho rau vào. Anh thử cho nước mắm và mì chính không xem sao, ăn chẳng ra cái gì cả. Anh thích sạch lòng nhẹ dạ, buổi sáng làm mấy lá bún hay mấy miếng bánh đúc, anh thấy té ra sống ở trên đời người ta cũng không cần nhiều lắm. Các nhà dinh dưỡng bảo rằng nếu mỗi tuần ăn hai bữa đậu phụ trở lên người ta có thể loại trừ được nhiều thứ bệnh. Vậy nếu anh là người được mời mọc nhiều, trong một tuần anh cũng nên cố gắng khước từ lấy vài bữa để về nhà ăn cơm với vợ con và để uống rượu với đậu phụ chấm mắm tôm.

Đậu phụ và mắm tôm cũng là hai thứ hợp nhau đến lạ lùng.

Ngày xưa có đôi bạn thân tên là Lưu Bình và Dương Lễ. Lưu Bình cậy mình giỏi giang nên ham vui, chểnh mảng học hành. Dương Lễ chú tâm vào đèn sách, lấy cần cù bù khả năng. Qua kỳ thi, Dương Lễ đỗ cao, một bước lên quan, Lưu Bình thì vẫn nguyên phận hàn nho. Lưu Bình tìm đến thăm người bạn thân cũ. Giàu đổi bạn, sang đổi vợ; Dương Lễ lánh mặt, chỉ cho một tên hầu ra tiếp. Tên hầu trông thấy dáng vẻ tiều tuỵ của Lưu Bình thì khinh ra mặt và nói:

– Ông nói ông là bạn học của quan tôi thì ông có biết đối không? Ông đối được câu này thì tôi cho ông vào gặp quan tôi, nếu không đối được thì mời ông đi.

Cực chẳng đã, Lưu Bình đành phải nhận đối với tên lính hầu của bạn. Tên lính hầu ra:

Nướng đậu phụ cho cha ăn.

Lưu Bình coi là chuyện vặt liền đối luôn:

Sắc ích mẫu cho mẹ uống.

Cứ tưởng như thế thì tên hầu phải chịu cứng, nào ngờ hắn cười ầm lên chê anh ta là dốt. Theo tên hầu, vế đối hoàn chỉnh phải là:

­­­­Mua mắm tôm cho mẹ chấm.

Ở đời nhiều khi dốt đặc còn hơn hay chữ lỏng. Trong câu chuyện này tên hầu có cái lý của hắn. Đã nói đến đậu phụ thì phải nói đến mắm tôm cũng như nói đến cha thì phải nói đến mẹ chứ đậu phụ và ích mẫu thì có ăn nhập gì với nhau. Lưu Bình chào thua và quyết tâm học hành thành đạt để rửa hận

Sao mà nhiều thứ duyên nợ với mắm tôm đến thế. Thịt chó, đậu phụ đã đành rồi, lòng lợn, thịt luộc cũng yêu mắm tôm nốt. Không biết từ bao giờ người ta có câu: Trai tơ lấy phải nạ dòng, Như nước mắm thối chấm lòng lợn thiu. Trong thực tế không phải cứ trai tơ lấy nạ dòng là dở, nhiều khi còn hay nữa là đằng khác. Lòng lợn là miếng ruột non, miếng cổ hũ, miếng tràng, miếng dồi… Làm một đĩa lòng ăn chơi, có mấy lá húng, anh chấm nước mắm cũng được, chấm mắm tôm thì đậm đà hơn. Nhưng nếu đi vào bữa, ăn bát tiết canh xong, ăn lòng mà chấm với nước mắm thì tức hanh hách, anh phải chấm mắm tôm để nâng cung bậc của bữa ăn lên để sau đó kết thúc một cách có hậu bằng bát cháo nóng. Thịt luộc chấm mắm tôm được, chấm nước mắm cũng được nhưng không hay bằng chấm mắm tép.

Rau muống xào mà không có ít mắm tôm với mấy nhánh tỏi ăn chẳng ra làm sao. Rau cần xào cũng thế.

Nấu riêu cua dứt khoát phải có mẻ, mắm tôm. Nấu riêu cá, dù đã có dưa chua, cà chua, quả dọc, quả me vẫn cứ phải cho thêm vị chua của mẻ, vị gắt của mắm tôm.

Đã mắm tôm là phải gắt. Nó là âm thanh chát chúa của tự nhiên. Giống như tiếng chầu gõ vào tang trống gỗ, tiếng phách cật tre già trong giàn hát cô đầu, tiếng ngâm, tiếng hãm, ừ… ư… ứ… hự…

Giang sơn một gánh giữa đồng

Thuyền quyên ứ hự anh hùng nhớ chăng.

Đã là mắm tôm phải có màu… mắm tôm. Cái màu ấy vẫn được dùng để chỉ xe cộ, quần áo… Mắm moi, khách đi nghỉ ở Sầm Sơn hay được chào mời mua mắm moi, một loại tép biển. Mắm moi có màu hồng, ăn bún được, ăn thịt luộc được nhưng ăn thịt chó chắc là không được. Vùng Nghệ An – Quảng Bình thường có mắm ruốc, có màu sậm hơn và tơi vụn hơn. Nhớ một lần uống rượu ở nhà Phùng Quán, ông lấy ra một bát mắm Huế để chấm cà. Ông bảo ông vẫn phải nhờ người gửi từ Huế ra. Mắm có màu đen ghé nâu, chấm cà muối được nhưng không chắc ăn thịt chó có được không.

Riềng – mẻ – mắm tôm, bộ ba luôn cặp kè bên nhau này là một điển hình của tư duy ăn uống người Việt. Gia vị chỉ góp phần giữ lại và tôn vinh những mùi vị tự nhiên của từng loại thực phẩm chứ không áp chế nó, quân bình hoá nó.

Riềng – mẻ – mắm tôm khẳng định vị trí của mình trong món nhựa mận, chả chó, nó lại phát huy thắng lợi sang món chân giò nấu giả cầy, lươn – cá om mẻ – nghệ….. Lươn, ốc, ba ba nấu chuối xanh cũng dứt khoát phải có mẻ mắm tôm. Chả cá Lã Vọng dù làm bằng cá chiên, cá lăng thực thụ nếu không có riềng – mẻ – mắm tôm chắc chắn không thể thành được đặc sản bậc nhất của Hà Nội ba mươi sáu phố phường. Hình như Vũ Bằng có kể rằng khi ướp chả cá người ta còn ướp với mật chó. Điều này có lý, vì nồi nhựa mận thể nào cũng phải có mật chó. Mua thịt chó sống ngoài chợ về nấu kiểu gì cũng vẫn thấy thiêu thiếu một cái gì đó, ấy là vì không có mật.

Xung quanh con chó vẫn còn lắm chuyện. Ăn thịt chó phải có húng, mà cái húng ấy phải là húng chó. Có hai loại húng, một loại mọc bò lan dưới đất gọi là húng dũi và một loại mọc thành cây, ra cành, ra lá, ra hoa, gọi là húng chó. Đến đây cả các bà nội trợ, các bà bán hàng la ghim cũng không thống nhất trong việc phân biệt đâu là húng quế. Người thì bảo húng quế là thứ bò lan dưới đất, lá nó nhỏ, cuộng nó tía, có mùi thơm nức như miếng quế. Người thì bảo ấy là cây húng mọc cao, trồng lâu vỏ cây sần sùi ra như là vỏ cây đại thụ ở trên rừng đại ngàn. Khi ăn thịt chó phải ăn húng chó đã đành rồi, ăn lòng lợn tiết canh người ta cũng ăn với thứ húng ấy nhưng trong khi ăn người ta không gọi là húng chó mà lại gọi là húng dổi. Ăn rau sống, ăn chả bánh đa, ăn phở… thì ăn húng dũi. Húng dũi, ngọn húng phải cùn quằn bò sát đất thì mới ngon chứ lại tốt bời bời thì hoặc là có vị bạc hà hoặc là chẳng có vị gì cả. Húng dũi ngon được trồng nhiều ở Láng nên người ta vẫn quen gọi là húng Láng. Cách đây năm bảy năm đi trên đường Láng còn trông thấy mấy mảnh đất to hơn cái chiếu trồng húng, bây giờ nhà cửa lấp hết, chẳng biết húng Láng còn đất mà sống hay không.

Nói thì nói thế thôi chứ dẫu sao thịt chó vẫn là âm thanh náo nức của cuộc đời, nó biểu hiện sự xô bồ, tung hoành và tháo cởi. Dù rằng biết rõ lúc sinh thời các cụ cũng rất thích thịt chó nhưng đố ai dám đưa đĩa thịt chó lên bàn thờ cúng ông bà ông vải nhà mình.

Mâm cơm cúng gia tiên nhất thiết phải có gà. Gà và xôi, sau đó mới tính đến các món xào, nấu, giò, nem, ninh mọc. Xôi nếp và thịt gà là biểu hiện những thứ quý giá nhất trong những sản phẩm của người nông dân. Trong mâm cỗ, đĩa thịt gà luộc luôn ngời lên vẻ thơm thảo và trang nhã. Chính vì thế mà ăn thịt gà người ta không bao giờ chấm nước mắm mà chỉ chấm muối. Đĩa muối trắng hoặc muối tiêu, rắc vào đấy mấy sợi lá chanh thái chỉ. Ăn thịt gà thích nhất là ăn với xôi đỗ xanh, mà xôi đỗ xanh cũng hợp nhất là ăn với thịt gà. Màu vàng của mỡ gà, da gà hoà với màu vàng của đỗ, cái thơm của thịt gà quyện với cái thơm của hạt xôi thành ra khoái khẩu. Ăn hai thứ ấy mà lại ăn bốc nữa thì sự thích thú lại tăng lên một bậc. Cỗ lòng gà không gì hợp hơn là đem nấu miến cùng với nước luộc gà. Uống rượu với thịt gà xong làm một bát miến nấu cùng với nứơc luộc ta thấy sự mát dạ và ấm lòng tăng lên rất nhiều. Tâm thành cúng giỗ tổ tiên và sự thừa lộc hoan hỉ của con cháu cũng chỉ cần đến thế là đủ. Mùi xôi đỗ, mùi miến nấu và mùi khói hương trầm hoà quyện với nhau thành mùi vị rất đặc trưng trong ngày cúng giỗ. Là người Việt Nam, dù đi xa mãi đâu, đến chết thì thôi chứ không thể nào quên được mùi vị như thế.

Cũng trong ngày cúng giỗ, thứ không thể thiếu được là chuối. Thứ chuối ngon nhất, thơm nhất là chuối tiêu, đặc biệt là cuối thu trở đi chuối mới có màu vàng trứng cuốc. Mùi chuối tiêu cũng hợp với mùi xôi đỗ và khói hương đến kì lạ. Quả chuối tiêu bóc ra vàng ươm, ăn một miếng cứ thấy thơm ngát ở trong miệng, sự thơm tho ấy dường như không thể có gì sánh được. Chuối là thứ dễ trồng cho nên sẵn, cũng vì thế nên lâu nay người ta coi rẻ nó và hướng tới những thứ đắt tiền và có nguồn gốc xa lạ mà quên rằng chuối bao giờ cũng là một bà hoàng của các loại hoa quả.

Con gà ri ngày xưa chỉ to bằng vốc tay, thịt nó thơm phưng phức, ăn một miếng là nhớ suốt cả năm. Con lợn ỉ cũng thế, da nó đen trùi trũi, nuôi suốt một năm khéo lắm mới chỉ được hơn ba chục cân, đến cái miếng tóp mỡ của nó cũng ngon. Được cái miếng tóp mỡ ấy mà kẹp với bánh đa, uống rượu thì phải biết. Những giống như thế giờ đây gần như mất hẳn, chẳng biết người ta có còn giữ được trong các bảo tàng giống gia súc, gia cầm nữa hay không.

Đồng quê mình kể cũng lạ. Trời không nóng lắm mà cứ bức chảy mỡ ra, trời không rét lắm mà cứ buốt thấu tận xương tuỷ, đương giữa mùa đông mà nhiều khi phải bật quạt, đã sang mùa hè mà còn có thể mặc áo bông, cây cối quanh năm xanh tốt mà thường thứ gì cũng chỉ bé tẻo bé teo. Từ quả ớt, quả chanh, củ hành, củ tỏi, quả na, quả táo cho đến con gà, con vịt, con ngan, con cua, con ốc, con hến đều thế hết. Hoá ra là những thứ cây thứ con ở ta lớn lên cũng nhọc nhằn như cuộc sống của những người nông dân mình vậy, cho nên hương vị quê hương của chúng càng nặng đầy và không đơn chiều.

Yêu những thức ăn của quê hương cũng là yêu đất trời của quê hương ta vậy.

Bánh cuốn làng Kênh

Đặng Hồng Nam

 

Đó là một cái làng nằm cạnh Cổng Hậu, thành phố Nam Định. Từ đấy lên đền Trần cũng chẳng bao xa. Nó cũng rất gần với làng Thượng Lỗi, nơi nức tiếng vì có rau muống ngon từ thời các vua Trần.

Hồi còn bé, sống ở ngay giữa thành phố nhưng tôi cũng chẳng bao giờ được ăn bánh cuốn. Hồi ấy trẻ con nói chung sáng ra được lưng bát cơm nguội đảo nóng trên chảo chạy vội qua hàng mỡ là may lắm rồi. Đôi khi vì không còn cơm nguội tôi được năm xu xôi của bà bán xôi ngồi ở ngay xế trước cửa nhà. Hồi ấy năm xu xôi được một nắm con con đặt vừa lòng bàn tay một đứa trẻ con.

Sau mấy năm đi sơ tán trở về phố, cuộc sống vẫn như vậy. Có lẽ là năm tôi học lớp tám, một buổi sáng chủ nhật, đạp xe qua phố Cổng Hậu tôi vô tình đi qua một hàng bánh cuốn. Tôi không để ý lắm đến người phụ nữ mặc áo cánh bạc màu ngồi bên cạnh một cái thúng, có một cái mẹt đặt trên miệng thúng, trên đó là một tệp bánh cuốn, vài ba cái đĩa, vài ba cái bát, vài ba đôi đũa và một hai thứ chai lọ gì đấy. Nhưng một cái mùi chua chua dìu dịu thoảng qua mũi tôi. Mùi bột gạo chín, mùi nước mắm cùng chanh, dấm… Mùi của một hàng bánh cuốn hôm ấy tôi còn nhớ như in tới tận bây giờ.

Gia đình tôi thân với gia đình bác Chân ở làng Kênh. Bác trai làm cùng cơ quan với mẹ tôi, bác gái là nông dân. Tôi nhớ những lần đến chơi nhà bác vào buổi chiều, chỉ có chị Cần, con gái bác, ở nhà. Chị vừa xay bột vừa trò chuyện với tôi, dòng bột trắng chảy đều từ trên cối xuống cái chậu hứng ở dưới.

Cũng như hầu hết những người phụ nữ trong làng, hàng ngày bác Chân vừa phải ra đồng để có công điểm của hợp tác, vừa phải làm bánh cuốn đem ra thành phố bán để có tiền tiêu. Hồi ấy cả thành phố có lẽ chỉ có người làng Kênh bán bánh cuốn. Mỗi người một cái thúng, họ ngồi lặng lẽ ở một góc phố nào đó.

Một hôm, vì lý do gì đó, bác Chân không đi bán hàng, bác gọi anh em tôi đến để ăn bánh cuốn. Chỉ có bánh cuốn không. Bác bảo ăn no đi. Anh em tôi được một bữa thoả thích. Bác bảo mỗi năm bác sẽ cho chúng tôi ăn một bữa thế này, nhưng ngay sau đó là Chiến tranh phá hoại của Mỹ lần thứ hai, gia đình tôi đi sơ tán, mà bác cũng vất vả hơn với đồng tiền bát gạo hàng ngày. Rồi anh em chúng tôi đi học xa, đi bộ đội, đi làm, lấy vợ lấy chồng, chẳng bao giờ chúng tôi được ăn bánh cuốn ở nhà bác Chân một lần nữa.

Khi có tiền tôi thường chỉ nghĩ đến ăn phở. Một bát phở không chỉ thoả mãn cơn đói luôn thường trực mà còn là sự hưởng thụ cao nhất của miếng ngon. Quên làm sao bát phở làm nóng ran người trong một buổi tối mùa đông ở một thời khốn khó. Mãi nhiều năm sau đó việc được một ai đó mời đi ăn phở là một hạnh phúc vô bờ. Mà muốn tỏ thịnh tình với ai thì cũng không gì bằng mời người đó đi ăn phở.

Cái nghèo, cái đói rồi dần cũng nguôi ngoai. Người ta được hướng đến những thứ giàu chất đạm, chất béo hơn, có cả rượu, bia. Bún móng giò, bún thập cẩm, miến ngan, cháo lòng tiết canh, trứng vịt lộn… Đôi khi, sau một bữa nhậu buổi tối, tôi tìm vào hàng bánh cuốn nằm trong một ngõ nhỏ cạnh Nhà thờ. Từ chân tượng Đức Mẹ, con ngõ đâm sang đường Hoàng Văn Thụ.

Bà vợ người dài ngoẵng, ngồi ôm nồi tráng bánh, ông chồng người ngắn một mẩu, xăng xái đi lại. Từng lá bánh, được cái nào chị rắc nhân thịt lên cái ấy ở ngay trên mặt vỉ, cuộn nó lại rồi đặt ra đĩa. Bánh lúc nào cũng vừa mới tráng, nóng hôi hổi. Có cả rượu. Đôi khi đến bữa, một mình chẳng biết ăn gì, đến đấy uống vài chén rượu, ăn một đĩa bánh cuốn, thế là xong.

Bánh cuốn, người ta chia ra làm hai loại, bánh cuốn tráng và bánh cuốn hấp. Thì cái nào mà chả tráng với hấp. Bánh cuốn tráng có nghĩa là tráng xong, cứ để thế, lấy kéo cắt ngang vài nhát, ăn với giò, chả. Bánh cuốn hấp thì cuộn nhân thịt rồi đem hấp lại. Nói chung bánh cuốn hợp với những chế phẩm của thịt. Muốn cho khác đi, người ta không ăn giò, chả mà thay vào đó ruốc, rồi từ ruốc thịt nạc người ta chuyển sang ruốc tôm cho có phần sang hơn. Có lẽ các cụ nhà ta ngày xưa chỉ ăn bánh cuốn tráng, đến khi có người Hoa đến ở các thành phố mới có bánh cuốn hấp. Bánh cuốn hấp có vẻ cầu kì hơn, sang hơn. Những bà già là tiểu thư hồi Pháp thuộc tỏ ra sành sỏi gọi nó bằng cái tên là “lốc bểu”. Các dân tộc vùng cao miền Bắc cũng thường ăn bánh cuốn hấp.

Tôi nhớ đến hàng bánh cuốn Hải Nam ở đường Cao Thắng, Sài Gòn, hồi những năm tám mươi tôi từng lang thang, một đôi lần ghé vào đấy. Chắc hẳn chủ nhân của nó là người gốc đảo Hải Nam. Căn nhà thấp nhưng khá rộng, nhiều chỗ ngồi, bữa trưa khá đông khách. Điều đặc biệt của hàng bánh cuốn này là cô gái chạy bàn. Chừng mười tám, đôi mươi, thấp nhỏ, hơi mũm mĩm, cô ta hối hả xếp những đĩa bánh cuốn lên hai cánh tay và vai giống như một diễn viên xiếc, gần như chẳng cần một sự cố gắng nào, cô mang tới cho từng bàn. Bánh cuốn nhân thịt khá ngon, nhưng màn biểu diễn xiếc này hẳn là làm cho nó được biết đến và nhớ đến nhiều hơn.

Cũng vào những năm tám mươi, lần đầu tiên tôi được ăn bánh cuốn Sài Gòn. Đang đi lang thang thì gặp một người bạn cũ. Anh là dân Sài Gòn gốc, quen nhau ở ngoài Bắc cách đó cả chục năm. Gặp lại tôi anh tỏ ra rất vui. Để có thể ngồi với nhau, để tỏ tấm thịnh tình, anh dẫn tôi vào một hàng bánh ướt. Vào thời đó, mời đãi nhau một thứ gì phải là một cố gắng lớn. Cô gái trẻ mặc bộ đồ hoa đặt trước mặt chúng tôi hai cái đĩa nhỏ, thứ đĩa mà người ta vẫn thường dùng cho các đồ ăn vặt như mấy miếng xoài, mấy miếng đu đủ hay một cái bánh bông lan. Trong đĩa có ba cái bánh ướt được gói lại thành hình vuông, hai cái nem Thủ Đức và một miếng giò lụa cắt mỏng với một thứ nước xốt chua chua, ngọt ngọt.

Có lẽ tôi được ăn bánh cuốn lần đầu tiên trong đời là năm tôi năm tuổi. Năm ấy mẹ tôi được Công đoàn cho một phiếu nghỉ ở Sầm Sơn, bà cho tôi đi theo. Ở chung phòng với một bà người Hà Nội. Chừng bốn, năm ngày gì đấy, đến ngày cuối cùng hai bà quyết định chia tay nhau bằng một bữa bánh cuốn. Tôi không nhớ miếng bánh cuốn được đưa vào mồm tôi lúc đó thế nào, chỉ nhớ con đường đi men theo một bên có những hòn núi nhỏ, một bên là những cành cây khẳng khiu. Bà già che một bên mắt bằng góc của một chiếc lá, có vẻ như là lá mướp được giắt vào vành tóc vấn trên đầu. Bà ngồi bên chiếc nồi nghi ngút hơi nước, lá bánh được bà nhấc ra khỏi mặt vỉ bằng một chiếc que nhỏ, mỏng mảnh, mềm mại.

Có lẽ bắt đầu từ người em trai tôi. Nó đi lao động xuất khẩu ở Đức, năm ấy nó trở về sau mười năm biệt căng hà cố. Mười năm ấy là bức tường Berlin cùng với Liên Xô sụp đổ, nó đã có vợ con và sinh sống ổn định tại một thành phố lớn miền Tây Nam nước Đức. Nó rủ tôi đi ăn bánh cuốn. Tôi hí hửng dẫn ông em tới hàng bánh cuốn ở ngõ Nhà thờ. Trái với mong đợi của tôi, ông em tỏ ra không thích lắm. “Em thích bánh cuốn tráng hơn”. Nó nói. Có thể vì nó đã sống ở xứ thừa mứa chất đạm, chất béo, cũng có thể nó nhớ tới bữa bánh cuốn ăn ở nhà bác Chân năm nào.

Có lẽ bắt đầu từ vợ tôi. Hầu hết đàn ông đều khôn ra vì nhờ có vợ. Tôi là người dẫn vợ tôi tới hàng bánh cuốn của bà Phương ở phố Bắc Ninh, phia sau đền Hàng Bạc, nhưng chính cô ấy mới cho tôi niềm tin rằng đó là hàng bánh cuốn ngon nhất thành phố. Bà Phương đúng là người làng Kênh, ngồi bán ở đây mấy chục năm liền. Bánh của bà mỏng, đều, đưa vào mồm ngon thun thút. Thường bà đặt thúng xuống lúc sáu giờ sáng, có khi bảy rưỡi, tám giờ đã hết hàng. Cô con gái bà ngồi bán ở phố Hàng Sắt, từ Bắc Ninh quẹo sang một tí. Bánh cuốn của cô cũng ngon nhưng so với bánh của bà mẹ thì kém hẳn. Thường bánh của bà đã hết mà của cô vẫn còn nhiều, cô phải chuyển bớt sang nhờ bà bán giúp. Khi bà Phương cao tuổi, không bán hàng được nữa, cô con gái ngồi vào chỗ của bà. Gia đình tôi chuyển lên sống ở Hà Nội, mỗi lần về đều chỉ đến hàng cô ăn hoặc mang đi. Thế rồi cô con gái của bà Phương lên chức bà, cô phải ở nhà trông cháu. Con gái cô làm ở một công ty nào đó, nó không muốn nối nghiệp của mẹ và bà ngoại, vừa ít tiền vừa vất vả. Phải mất mấy năm, gia đình tôi lúng túng đi tìm một hàng bánh cuốn khác.

Tôi đến thăm bác Chân. Bác trai mất đã lâu, bác gái ngoài tám mươi, nghỉ làm bánh cuốn từ lâu. Bác bảo gạo làm bánh cuốn phải là gạo Mộc Tuyền. Mộc Tuyền cũng là giống mới, phải đầu những năm sáu mươi ở thế kỉ vừa rồi mới có, trước đó các cụ làm bằng gạo tép đỏ. Cái giống lúa đó trồng ở chân ruộng sâu, cây lúa dài, năng suất thấp nhưng gạo nấu cơm ngọt cơm vô cùng, tráng bánh cuốn vừa mềm vừa róc. Cối xay không phải là cối đá xanh Thanh Hoá mà là cối đá đỏ mua từ Vĩnh Phúc. Một vài tháng, rãnh cối mòn, lì, phải nhờ người băm lại, nếu không khéo bột xuống không đều, không mịn. Nồi tráng bánh phải là nồi đồng, đáy loe ra, miệng thắt lại, có thế mới dồn được hơi lên mặt vỉ. Làm cái vỉ cũng phải kì công, nan tre phải vót thật đều để có thể uốn khít vào miệng nồi. Phải chọn thứ vải mặt mịn, vừa thoát hơi nước, vừa róc bánh. Ngày xưa dùng vải phin Nam Định, sau dùng vải loong. Khi đổ bột phải đổ đều, nhanh tay, lửa dưới nồi phải to, lá bánh phải phồng lên thì mới gọi là được, vừa phồng lên phải nhấc ra ngay, chậm một tí thì lại nhão. Bánh chín hơi ngả sang màu vàng. Xoa qua một tí dầu ăn, ngày xưa dùng dầu lạc, phải khử cho hết mùi hôi, rồi rắc nhân lên trên. Nhân bánh chỉ là mộc nhĩ thôi nhưng trước khi xào thì phải phi hành mỡ cho thơm. Hành phi thì phải nhỏ lửa sao cho vàng đều, lúc sắp được thì cho vào một tí nước mắm cho nó thêm giòn, thêm thơm.

Bánh cuốn ở Hà Nội thì không thể mê. Đi đâu cũng gặp hàng bánh cuốn nóng. Kê nồi ngay tại hàng, ăn đến đâu tráng đến đấy. Nóng thì quả là có nóng nhưng thường nhão nhoen nhoét, hành phi thì làm sẵn từ bao giờ, để trong lọ, chẳng giòn mà cũng chẳng có mùi thơm. Nước chấm thì lợ đường với mì chính. Luôn có cái chiêu khi bánh vừa chín người ta đập lên đấy một quả trứng rồi gói nó lại, rất thích hợp cho những đứa trẻ lười ăn. Bánh cuốn Thanh Trì, đặc sản truyền thống, nay chỉ còn độ chục người bán, cố thủ ở những con phố nhỏ, phải lọ mọ kiếm tìm thì mới gặp. Ăn cũng được, bánh tráng dày bình bịch, chẳng giống như nhà văn Vũ Bằng ca ngợi. Có một hàng bánh cuốn Thanh Trì rất to, rất nổi tiếng và đông khách, nó đúng là một thảm hoạ ẩm thực. Ở các chợ, trong những hàng bán bún, bánh phở, đậu phụ, đa số là người làng Phú Đô, luôn có cả bánh cuốn, cũng bán cân. Người ta bảo đấy là bánh cuốn tráng máy. Tôi không hiểu tráng máy là như thế nào. Nó cũng mỏng nhưng cứng quèo, khô không khốc, có cảm tưởng như nếu ăn thì chả khác gì ăn giấy. Thế mà vẫn có nhiều người mua.

Bắt đầu một xu thế đưa bánh cuốn ra khỏi quê hương mình. Đâu mà chả biết làm bánh cuốn. Bánh cuốn Thái Bình, bánh cuốn Hải Dương… Ai cũng bảo bánh cuốn quê mình là ngon nhất. Có lẽ thành công nhất là bánh cuốn Phủ Lý. Phủ Lý, cái thị xã bé nhỏ thủ phủ của tỉnh Hà Nam, bị lãng quên khi tỉnh này sát nhập với Nam Định thành tỉnh Nam Hà, bị tan hoang sau hai thời kì chiến tranh phá hoại của máy bay Mỹ, chỉ được làm mới vào những năm chín mươi khi tỉnh Hà Nam được tái lập, nghĩa là được tách ra khỏi tỉnh Nam Định, trở về trạng thái ban đầu. Trước đó, ai có lỡ dừng chân ở Phủ Lý thì phát kinh vì hàng quán sơ sài, chặt chém ác liệt. Bánh cuốn Phủ Lý ra đời kịp thời đáp ứng cho nhu cầu của đám công chức kênh kiệu mới từ thành phố Nam Định kéo về. Nó không thèm giấu đi sự quê mùa, thô lậu của những lá bánh cứng quèo quèo, trắng phớ như còn nguyên lõi gạo, bù vào đó, nó cho người ta no nê với những miếng thịt ba chỉ được tẩm ướp sơ sài và nướng lên vội vã. Tôi đã ngồi trong một căn nhà dựng bằng tranh tre, nứa lá bên cạnh quốc lộ một nhìn sang bên kia đường, phía có đường sắt Bắc-Nam chạy qua, cũng một căn nhà dựng bằng tranh tre nứa lá, nơi người ta đang nướng chả, khói toả ra mù mịt, cùng với những người khác ngóng cổ chờ đến lượt mình. Sự háo hức với một miếng ăn cũng có cái hay của nó. Cuối cùng thì một thanh niên từ bên kia đường cũng chạy sang mang tới cho tôi một cái bát ô tô trong đó có đựng nước chấm cùng với đu dủ xanh thái lát, hành tây thái mỏng và những miếng chả quạt còn hơi bốc khói. Mấy năm sau, trong một lần cùng đi tiễn vợ chồng người em trai lên sân bay Nội Bài để trở lại cuộc sống ở Đức, chuyến xe có cả anh chị em bên đằng vợ của ông em, dừng lại ở thị trấn Đồng Văn, trước một hàng bánh cuốn Phủ Lý. Cũng tên là Đồng Văn nhưng thị trấn này thuộc tỉnh Hà Nam, nằm cách Phủ Lý hơn chục cây về phía Hà Nội, gần bến đò Yên Lệnh, qua đò sang bên kia sông Hồng là tới thị xã Hưng Yên, về sau người ta làm cầu Yên Lệnh vượt sông chạy ngay từ đấy. Thị trấn Đồng Văn nổi tiếng có quán trà sen của cụ Trưởng An, lần nào qua đấy tôi cũng dừng lại uống trà, cũng để nghỉ ngơi sau một chặng đường mệt nhọc. Hình như gian hàng mở ra chưa được bao lâu. Cũng cái thứ bánh cứng quèo, thịt nướng thì nguội ngơ nguội ngắt. Về sau thỉnh thoảng đi qua, tôi thấy có những chiếc xe du lịch dừng lại đấy để thả khách vào ăn. Về sau tôi bắt đầu thấy đây đó trên những đường phố Hà Nội những biển hàng bánh cuốn Phủ Lý.

Sự xuất hiện của bánh cuốn Cao Bằng ở Hà Nội có vẻ như sau bánh cuốn Phủ Lý nhưng lại rầm rộ hơn. Hầu như mỗi một khu đô thị mới mở ra là lại có một hàng bánh cuốn như thế. Bánh cuốn Cao Bằng, một thứ bánh cuốn của người Tày, Nùng, đại diện cho các tỉnh vùng cao, Tôi lên Cao Bằng có một đôi lần, mà toàn đi với đoàn, vội vã. Ấn tượng nhất với tôi là một lần được ăn phở vịt ở Nà Pạc. Về sau gặp một hàng phở vịt ở phố Nguyễn Khang, bên bờ sông Tô Lịch tôi thường đến đấy ăn nhưng mời bạn thì chẳng ai tỏ ra hào hứng. Độ vài năm thì hàng phở vịt ấy không còn nữa, không còn tìm thấy một hàng khác ở Hà Nội. Bánh cuốn Cao Bằng mang theo cả cái lạnh của những vùng núi phía Bắc về giữa lòng Hà Nội. Một bát nước canh, phải nói là canh chứ không phải nước chấm, to đùng, nghi ngút bốc hơi, vài cọng hành xanh mướt, một cái giò nạc nho nhỏ, vài cái bánh cuốn cuộn thịt, thêm một cái bánh cuốn cuộn trứng nữa, lần lượt thả vào bát canh ấy mà ăn. Tôi tưởng tượng mình là một cậu bé hay một người bán gà, lợn ngồi xì xụp ở một chợ phiên. Có mùi thơm của bột gạo cùng với mùi măng chua, ớt ngâm. Nhưng mỗi lần ăn xong tôi đều thấy hơi tấm tức. Bánh ít quá, ăn nữa thì hơi ngán, mà không ăn nữa thì thấy thiêu thiếu.

Bánh cuốn vùng cao tôi chỉ thật sự ấn tượng trong một lần tới thành phố Tuyên Quang. Bên bờ sông Lô. Trời lạnh. Củi trong bếp cháy rực toả ra hơi ấm. Nước hầm xương rất ngọt. Bánh cuốn dẻo, mềm ăn với thịt viên. Ít lâu sau, trong một chuyến lên Đồng Văn, Đồng Văn – Mèo Vạc, tôi háo hức đi tìm bánh cuốn, có lẽ do khách du lịch đến đây chỉ toàn ăn bún, phở nên hàng bánh cuốn bị bỏ quên, bếp lạnh tanh, mấy cái bánh cuốn làm từ bao giờ nguội ngơ nguội ngắt, thất vọng não nề.

Tôi đưa con gái đi học tiếng Anh ở khu Trung Hoà. Khu ấy toàn những dân nhà giàu mới nổi, rất nhiều những hàng ăn uống xịn xò. Tôi thấy một ngôi nhà khá bề thế treo biển Bánh cuốn làng Kênh – Bà Nhân. Hơn một chục bộ bàn ghế kê kín tầng một. Trong cùng, cạnh gầm cầu thang là lò tráng bánh. Trên tường treo những bức ảnh phố xá Thành Nam xưa, hẳn là được lấy từ trên mạng, phóng to ra. Vài bàn có khách đang ăn, vài bàn khách ngồi chờ. Gần ngay cửa ra vào có một cặp vợ chồng người Hàn Quốc, ông chồng to béo luôn ngọ ngoạy tấm thân, có lẽ họ chờ đã khá lâu và đang vận dụng sự kiên nhẫn. Trong khi chờ đợi tôi ngắm những bức ảnh để hồi nhớ về quê hương. Bà Nhân, hơn tôi chừng bảy tám tuổi, nói mình đúng người làng Kênh. Bà biết rõ gia đình cụ Chân. Bà sống với cô con gái học Ngân hàng ở Anh về. Ngôi nhà này nếu cho thuê thì được năm mươi triệu một tháng nhưng bà tiếc nghề làm bánh cuốn, muốn tráng bánh phục vụ khách hơn là ngồi chơi. Hai mươi nhăm ngàn một suất, tôi gặp lại những miếng chả rất đặc trưng của bánh cuốn làng Kênh. Bánh không được mềm cho lắm. Có vẻ như viêc áp dụng cung cách phục vụ kiểu nhà hàng, hẳn là có bàn tay của cô gái học ở Anh, không hợp lắm với một thứ quà dân dã. Hơn một năm sau tôi không thấy hàng này còn bán nữa.

Vợ tôi cầm chiếc điện thoại bảo với tôi rằng có một chỗ bán bánh cuốn Làng Kênh, ở gần nhà bác Trí. Bác Trí là anh họ tôi, nhà ở Khương Trung. Vợ tôi nhìn vào điện thoại đọc số nhà và tên phố, đó là một con phố mới bên bờ sông Tô Lịch. Hai vợ chồng lao xe máy đến. Hoá ra cái hàng này bán nhiều thứ ăn uống khác nhau, bánh cuốn được cho vào thùng xốp chuyển từ Nam Định lên theo chuyến xe khách sớm. Đúng là hương vị quê nhà, nhưng người bán, một thanh niên, có vẻ khá xa lạ với nó, cậu ta coi nó cũng chỉ là một thứ đồ ăn sẵn như bao thứ khác.

Rồi một buổi chiều chủ nhật. Chỉ có hai vợ chồng ở nhà. Đến bữa vẫn chẳng thấy động chạm gì đến nồi niêu. Lại chiếc điện thoại trên tay, vợ tôi bảo: “Đi”. Cô Mơ, ngõ… đường Yên Phụ. Mất bốn nhăm phút xe máy, may mà đường không đông, tới nơi thì trời đã tối mịt. Vòng đi vòng lại mấy lần thì tìm ra con ngõ ở lưng chừng dốc, cạnh một building to tướng mới tinh, con ngõ lại đi xuống một cái dốc, chỗ có nhà, chỗ cỏ mọc hoang tàn. Vợ lôi điện thoại ra, hoá ra cô Mơ đã chuyển đến phố Núi Trúc. Đến phố Núi Trúc, tìm được ngõ nhưng nhà không có số, đi vào hai mươi mét thì có một ngã ba, rẽ trái, đến nhà thứ năm bên trái. Chiếm bề dài của ngõ chừng bốn mét, có một lối đi nhỏ cạnh một căn nhà nhỏ trong đó bày bán vài thứ lưu niệm tự làm. Dọc theo lối đi, sát với bức tường ngăn với nhà bên cạnh, một hàng trúc quân tử khẳng khiu, trên mỗi cây trúc đều có gắn một ngọn đèn nhỏ hình ngôi sao đang thắp sáng. Đến một khoảng sân nhỏ, rồi một căn nhà hai tầng khá đẹp xây theo kiểu nhà thời Pháp thuộc, có những bộ bàn ghế để khách ngồi uống cà phê. Có một lối đi qua căn nhà làm theo kiểu thời Pháp thuộc để đến căn nhà phía sau, cũng hai tầng nhưng khá cũ kĩ, hẳn là đã được xây vào những năm tám mươi. Đến đấy thì gặp cô Mơ. Cô Mơ gần sáu mươi, người làng Kênh. Tôi lại đem cụ Chân ra để test. Vâng, hai cụ thế này, chị Cần thế này, anh Thành thế này. Cô bán ở cổng Sợi C, con trai, con gái đều đi làm trên này, lên trông con cho chúng nó. Con cái chúng lớn cả, không phải trông nữa, muốn ở lại cùng các con. Bán ở Yên Phụ được hơn một năm, đông khách, nhà chỗ ấy không thuê được nữa, mới chuyển về đây, hôm nay là ngày khai trương, vợ chồng tôi là người đầu tiên. Có vẻ như nhận được điện thoại của vợ tôi mới xay bột, đốt lò. Anh chị chờ một tí. Không sao. Anh chồng người phố Hàng Tiện, phố rất thân quen với vợ tôi, chuyện qua chuyện lại nở như ngô rang. Được một bữa thoả cơn thèm. Cuộc sống bận rộn, đường xá xa xôi, vợ chồng tôi chẳng có dịp nào gặp lại vợ chồng cô Mơ lần nữa.

Nhớ bánh cuốn làng Kênh là nhớ về Nam Định. May tôi còn bà mẹ già và cô em gái ở đấy. Ngồi xe khách chưa đầy hai tiếng là có thể về thăm bà. Một năm có vài ba cái giỗ, chí ít thì mấy ngày Tết, Tết thì cả nhà tôi phải về ăn Tết với bà. Cứ về đến Nam Định là hai cô con gái tôi hối hả đi ăn quà. Quà ở Nam Định về cơ bản cũng giống như ở những nơi khác, nhưng nó có phong vị riêng, lại rẻ nữa. Thành phố vừa nhỏ vừa cổ, các hàng quà cứ chen vào nhau sít sìn sịt. Có hai thứ mà chúng không muốn bị bỏ qua là phở Đán và bánh cuốn làng Kênh. Phở Đán, hăm bảy, hăm tám Tết là đã nghỉ, năm nào về sớm thì được ăn. Bánh cuốn làng Kênh, không hàng này thì hàng khác, có người bán tới tận hai chín, ba mươi, có thể được ăn một hai bữa cho đỡ nhớ.

Cô em gái nhờ tôi thế chân trông bà cho cô đi chơi miền Nam ít hôm. Tôi mượn một chiếc xe đạp đến làng Kênh. Làng đã chuyển thành phố từ hàng chục năm nay, nằm trong khu đô thị mới Đông A, ngay cạnh cái bùng binh to tướng. Ao chuôm bị lấp hết, dấu tích duy nhất còn lại là cái đình ở đầu làng xưa. Căn nhà xưa của bác Chân không còn nữa, thay vào đó là ngôi nhà ba tầng, cửa kính sáng choang. Hai bác Chân qua đời đã lâu, chị Cần cũng mất vì bệnh ung thư, chỉ có gia đình nhà Thành ở đó. Thành có con gái chuẩn bị lấy chồng, con trai thì làm ở Hà Nội. Vợ Thành trước kia bán lòng ở chợ, bây giờ làm tạp vụ cho một nhà hàng. Tôi hỏi sao không để cô ấy làm bánh cuốn. Cũng đã thử rồi anh ạ. Cô ấy không tráng được, toàn phải em tráng. Nói chung con gái ở làng mới tráng được, con dâu ít người làm được lắm. Em mới dạy cho một cô ở bên Đông Hưng, Thái Bình, lấy có năm triệu. Em cho cả bí quyết pha nước chấm. Mới chỉ tàm tạm nhưng cô ấy bảo so với bên ấy thế là ngon lắm rồi. Cô ấy về mở hàng bên ấy, đông khách lắm.

Chợ Đông Mạc gần chỗ mẹ và em gái tôi ở. Cái chợ được xây từ rất lâu, mới trở nên sầm uất từ mấy năm nay. Tôi phát hiện ra một hàng bánh cuốn làng Kênh. Dưới bóng của một cây khế rất to, quả sai trĩu chịt, một chiếc dù bạt được căng ra để che cho mấy bộ bà ghế. Trong nhà cũng có mấy bộ, mấy ông già quá tuổi hưu, có vẻ như họ vừa ăn vừa nhâm nhi chén rượu. Họ trêu đùa cô chủ, nói chuyện bóng đá, chuyện chính trị, giảng giải với nhau một câu chữ Hán. Bên ngoài, đa phần là phụ nữ, họ dừng xe máy lấy một túi đem đi hoặc ghé đít vào ngồi ăn một cách vội vã. Cô Ngọc, chủ hàng, ngoài năm mươi, người chắc nịch. Tôi hỏi sao làng Kênh lại ở chỗ này. Đất nhà em bị giải toả, nhận đền bù, tìm được đâu thì ở đấy. Một bà già ngoài bảy mươi, người hơi đẫy, vì tuổi tác, ngồi bên cái nồi i nốc sáng choang lặng lẽ vừa đổ bột vừa nhấc ra từng lá bánh. Bây giờ người ta đều dùng điện, không phải than củi như xưa, vừa sạch sẽ, muốn tăng nhiệt đến mức nào cũng được. Có cả trứng vịt lộn. Người ta có thể lót dạ một hay hai quả trứng vịt lộn trước khi ăn bánh cuốn, có lẽ cũng là một giải pháp hợp lý cho những người cần nạp đủ năng lượng cho một ngày làm việc hoặc những người đàn ông rỗi việc có thêm cái để kéo dài bữa điểm tâm buổi sáng. Tôi lấy ra một chiếc bát con trên chồng bát đặt trước mặt. Cạnh đấy có một bình nhựa đậy nắp, biết đấy là nước chấm, tôi nhấc lên toan rót thì cô Ngọc trông thấy, vội nói: “Ấy, bình đó nguội rồi, để em lấy trong này”. Và ngay lập tức cô đem ra một chiếc bình khác rót vào bát cho tôi. Tôi thả vào đấy vài lát ớt, rắc vào đấy một tí hạt tiêu. Tôi lấy một quả quất xanh đã được khứa một mỏm đầu vắt vào đấy. Có lẽ vị chua dìu dịu của quất hợp với bánh cuốn hơn là chanh. Thấy sẵn rổ rau thơm, tôi ngắt một nhánh nhỏ từ một cọng mùi già đưa vào mồm nhai. Cô ngọc đưa bánh cuốn ra cho tôi. Trên lớp bánh trắng ngà, những miếng hành phi vàng rộm. Cạnh đĩa là hai miếng chả. Có lẽ chỉ ăn bánh cuốn làng Kênh mới thấy chả làm theo kiểu này. Người ta vê lại thành từng khúc dài hơn một gang tay, to bằng hai ngón tay cái, nướng vàng đều phía ngoài, khi ăn thì cắt từng lát, cắt chéo, dày chừng nửa đốt ngón tay. Ngày xưa, hồi bà Phương còn bán hàng tôi vẫn thấy, người ta còn thúc mỡ vào bên trong, khi cắt ra miếng chả có những chấm trắng tròn, lâu nay, chắc vì đa số khách ăn sợ béo, người ta chỉ làm bằng thịt nạc không thôi. Tôi gắp lên một miếng bánh cuốn, kèm với nó là những miếng hành phi, thả vào bát nước chấm. Bao nhiêu năm ăn bánh cuốn tôi đều chấm như chấm rau hay thịt cá, không hiểu tại sao lần này tôi làm như vậy. Tôi vẫn thấy nhiều người, nhất là phụ nữ, làm như thế. Có lẽ như thế mới đúng kiểu. Miếng bánh vừa xoè ra trong bát nước chấm, ta đưa nó vào mồm, kéo theo cả cái vị đậm đà, chua chua, ngọt ngọt của nước chấm, cả cái giòn, cái bùi của những miếng hành phi, mộc nhĩ. Thật ra như thế là đủ, tôi muốn nâng cung bậc của nó lên nên cắn thêm một miếng chả. Chưa thấy đủ, tôi húp một ngụm nhỏ nước chấm, nhai thêm một cọng rau thơm. Ăn hết đĩa bánh, tôi lưỡng lự không biết có nên bảo cô Ngọc cho thêm một ít bánh không. Tôi có thể ăn được nữa, nhưng từ bao giờ tính điều độ của người già đã hình thành trong tôi. Tôi bảo cô Ngọc cho tôi mười nghìn bánh không để đem về cho cụ. Cụ, mẹ tôi, không cần ăn chả. Bánh cuốn tôi mua về lần nào bà cũng ăn hêt, vừa ăn vừa xuýt xoa:

– Ngon quá, ngon hơn ăn phở.