Trần Ngọc Cư
Trong tiếng Việt, động từ là có bao giờ chỉ sự hiện hữu như động từ être của Pháp hay động từ to be của Anh không? It ra trong mấy thập niên nay tôi thấy trong các bài viết, một số nhà văn hay nhà sư thường dùng cụm từ “như là”, “đang là”, như trong câu “thực tại đang là, chứ không phải đã là và sẽ là.” Hình như Trịnh Công Sơn trong một bài hát cũng có dùng hai chữ “như là” với “là” chỉ sự hiện hữu.
Trong tiếng Anh, động từ to be ngoài chức năng của một trợ động từ (helping verb, auxiliary verb, hay linking verb), còn có một nghĩa chắc nịch là “hiện hữu, tồn tại, có và không”. Như khi Hamlet khắc khoải giữa sống và chết (tự tử), giữa có và không liên quan đến cái chết của người cha do bàn tay ám muội của ông chú và mẹ mình: “To be or not to be, that is the question.” Being vì thế được dịch là hiện thể hay hiện hữu hay tồn tại, như tên sách Being and Time của Martin Heidegger được dịch ra tiếng Việt là Hiện hữu và Thời gian. Trong từ vựng địa ốc, nếu ta mua một cái nhà trong tình trạng hiện hữu (không đòi hỏi người bán phải sửa sang) người ta nói buy as is, và không ai dịch là “mua như là“. Thượng Đế của Do Thái Giáo ngoài cái tên Jehovah còn có tên “I am” (Ta có mặt khắp nơi). Khi Moses hỏi “Ngài là ai?“, Thượng Đế đáp lại “I am I am“, chữ am đầu có nghĩa là “là”, nhưng chữ am thứ hai chỉ sự hiện diện. Vậy, cụm từ “thực tế đang là” có sai nghĩa tiếng Việt không?
Đương nhiên, ngôn ngữ có tính võ đoán (arbitrary). Một từ được dùng sai bởi một tuyệt đại đa số qua một thời gian lâu dài, thậm chí vì nể nang người sử dung, nó sẽ được chấp nhận và trở thành chuẩn mực. Cụm từ “đang là, đã là, sẽ là” có rơi vào trường hợp này không? The Supreme Being (Hiện thể tối cao, Đấng Tối cao) có nên dịch là “Đấng Tối Là”?