Huyền Trân Công Chúa (kỳ 2)

Truyện Khuất Đẩu

Đường vào quê chồng ngút ngàn dặm xa. Phải qua bao nhiêu sông, bao nhiêu núi, bao nhiêu đèo. Chỉ một con đường độc đạo còn gian nan hơn cả đường vào đất Thục. Lúc đi ngựa, lúc đi xe, lúc ngồi nghiêng ngửa trên bành voi. Không như cái đám mây trắng êm ả mà nàng thường mơ mộng. Nhưng nàng vẫn không hề than thở. Nàng vẫn kiên nhẫn vượt qua với tất cả can trường của một người con gái họ Trần. Cha nàng đã từng hai lần chiến thắng quân Mông Cổ, nàng không thắng nổi những gian nan khổ cực này sao?

Qua khỏi núi Hàm Rồng, đoàn người phải vượt qua một khúc sông cũng mang tên Hàm Rồng. Đúng là ai khéo đặt tên! Chỉ nghe tiếng gầm thôi là đã thấy lạnh mình. Cả con sông to lớn như bỗng bị một con rồng hả cái họng đen ngòm ra nuốt gọn. Nước xoáy tít cứ rót mãi vào trong cái hang không đáy. Rồi bất ngờ con rồng quẫy mạnh tung bọt lên như đang phun nước. Vô phúc cho con thuyền nào chui vào cái họng của nó!

Rồi những truông dài rú thẳm. Gió gầm rú rượt đuổi nhau như những con quỷ ăn thịt người. Khắp nơi vương vãi những đầu lâu, những xương người và xương súc vật trắng xác vì được gió và cát lau sạch bóng. Đêm nằm nghe gió hú càng thảm thiết cứ như có muôn ngàn oan hồn cùng một lúc khóc than.

Sau một đêm mỏi mệt, chỉ vừa mở mắt ra đã thấy núi. Núi chạy theo đoàn người như đám quân thổ phỉ. Ngày phun nắng chói chang, đêm thở hắt ra hơi đá lạnh buốt. Rồi bất ngờ, núi bỗng xoạc chân ra ngáng cả đường đi. Cái chân của nó thọc ra tận biển. Đành phải cố vượt qua cái khớp gối cheo leo của nó. Dưới sâu ầm ào sóng vỗ và trên cao mặt trời như bị mắc kẹt ở lưng chừng trời.

Cái nơi ấy sau này được đặt tên là đèo Ngang. Bên này là hai châu Hoan Ái. Bên kia là Ô Rí, cái miền đất nhờ nó mà Chế Mân có được Huyền Trân mà cũng vì nó nàng phải thân gái dặm trường!

Nước non ngàn dặm ra đi

Cái tình chi!

Đúng là chẳng phải tình. Chỉ là một cuộc đổi chác, thế thôi!

Đang là buổi chiều. Từ trên đèo một tiếng chim kêu thật buồn. Nó thắm thiết, nó lay lắt gợi nhớ những dặm ngàn lau lách, những chiêm trũng cò bay….

Dưói xa kia khói nhà ai bốc lên. Khói thổi cơm chiều phải chăng? Sao nó đen ngòm, cuồn cuộn, quằn quại? Nó như nghẹn uất từ lòng đất trườn lên. Không chỉ một ngọn mà nhiều ngọn. Khói đậm và gắt. Trong khói có lửa loé lên như những lưỡi kiếm. Dọc đường đi có hàng ngàn ngọn lửa và những con người đen đúa, nhếch nhác, trẻ già bồng bế nhau đứng đợi.

Hoá ra dân Chiêm bỏ cả nơi cắt rốn chôn nhau để đi theo vua của họ. Vương đã dâng đất cho người thì ở lại mà chi!

Họ đốt nhà!

Họ đốt cả làng!

Họ ra đi trong nước mắt!

Nàng không ngờ số phận đang mở ra cho nàng những cánh cửa thật đau buồn. Dân Chiêm sẽ hờn oán ai đây? nàng hay Chế Mân? Dù là ai thì cũng là nỗi đau ngàn năm không nguôi được.

Chưa bao giờ nàng thấy buồn như lúc này. Nàng không hiểu họ kêu khóc những gì. Nhưng phải rời bỏ quê hương với những ngọn núi lưng đèo, những dòng sông cồn bãi, rời bỏ những miền thịt da nồng ấm nhất thì dù Việt hay Chiêm cũng đau nỗi đau như nhau mà thôi! Cái nỗi đau ấy hiện đang xé nát lòng nàng nên nàng hiểu được vì sao những đôi mắt bỗng tối sầm khi thấy nàng. Đó là gì nếu không phải là oán hận?

Nàng muốn qua thật mau cái miền đất oan nghiệt này. Nhưng những truông dài, những đầm phá dọc ngang, cứ chằng chịt nối tiếp nhau như một mê cung đi hoài vẫn chưa thoát ra được.

Hai châu Ô Rí là miền đất nghèo cực nhất. Chỉ có gió và cát. Chỉ có sỏi đá và bão tố. Cứ như một khúc xương đã được gặm nhẵn bóng. Đem cái khúc xương ấy mà đổi lấy một cô công chúa xinh đẹp thì đúng là quá hời!

Một đằng thì một gái Huyền Trân đáng mấy mươi! Một đằng thì có đáng gì hai châu Ô Rí xương xẩu! Xem ra vua Việt và vua Chiêm, người nào cũng thấy mình quá được, chỉ có mỗi mình nàng là chẳng được gì ngoài những nỗi nhọc nhằn mà nàng phải chịu đựng.

Ước gì lúc này nàng được gặp phụ hoàng. Không phải để oán than mà để được gục đầu vào lòng ngài. Càng gian nan vất vả nàng càng cảm thấy yêu ngài. Chính ngài đã từng trải qua bao nhiêu ngày đêm cực nhọc để tìm cho nàng cái bến trong mười hai cái bến đục trong rất khó lường của cuộc đời. Ngài đã phải chịu đựng cực khổ xiết bao chỉ vì nàng!

Sau những ngày nắng cháy đến bỏng họng, đoàn người gặp một con sông nước ngọt và trong hơn cả nước ở giếng Trọng Thuỷ. Buổi sáng theo làn sương, sông toả mùi thơm ngát. Đây là con sông xinh đẹp nhất mà nàng từng đi qua trong đời. Không ai bảo cho nàng biết đây là con sông mà từng đêm các nữ thần vẫn thường rủ nhau xuống tắm.

Ngày hôm sau đoàn người như muốn ngộp thở trước những ngọn núi cứ chồng chất lên nhau đến tận trời. Đoàn người phải nghỉ lấy sức để ngày mai qua đèo.

Giá như không có một người dù sao cũng là chồng ở bên cạnh và giá như chỉ một mình nàng với đám quân hộ tống thì nào có khác gì cảnh Chiêu Quân đi cống Hồ! Trong khi thịt da của đất nước to béo mỡ màng thêm ra, trong khi kho tàng của hoàng huynh đầy thêm vì những đồ sính lễ, vua và các quan vẫn chưa hết hả hê uống mừng thì nàng một thân trơ trọi như kẻ lưu đày!

So với bà Trưng bà Triệu nàng đâu có kém phần dũng cảm. Nhưng người ta vẫn cứ trề môi:

Một gái Huyền Trân đáng mấy mươi!

Phải mất cả một ngày đoàn người mới vượt qua được ngọn đèo lẫn trong ngàn mây mà sau này vua Lê Thánh Tôn gọi là Đệ nhất hùng quan. Mây trắng bồng bềnh như đợi từ trăm năm ùa đến ôm choàng trong những đôi tay mát lạnh. Nàng có cảm giác như đang bay vào cổng Thiên đường.

Khi mặt trời đỏ như một trái hồng chín và to như một cái trống làng trườn lên khỏi mặt biển xanh, nàng thực sự cảm thấy đất trời tươi mới. Đây mới thực là phương Nam ngập tràn nắng gió nhưng cũng rất phì nhiêu mầu mỡ. Kìa là những bãi dâu xanh ngút ngàn hứa hẹn biết bao lụa là óng mượt. Những ruộng lúa lắm sắc màu: xanh mướt con gái đương thì, xanh cốm đòng đòng và vàng hây lúa chín đang chờ tay người gặt. Cài giữa ruộng đồng tươi tốt là những vạt đất nâu rịn rịn như da người. Tưởng cằn cỗi hoá ra bền bĩ dẻo dai, tưởng già nua nhưng nồng nàn tươi trẻ. Đất và người nối tiếp nhau chào đón. Bên ni giờ đây là quê chồng còn bên nớ là quê mẹ. Chẳng những xa tít dặm ngàn quan ải mà còn ngút ngàn trong nỗi nhớ niềm thương! Cái vương quốc của Chiêm vương từ đây cũng là của nàng. Không còn những đoàn người nheo nhóc lếch thếch theo sau. Chỉ có những cô gái mảnh dẻ tươi vui không ngớt rải hoa trên đường để chúc phúc cho Chiêm vương và vương hậu. Trong tiếng reo mừng nghe như tiếng chim, nàng không hiểu được từng lời nhưng cảm nhận được lòng thầm phục ngợi khen. Giữa họ, nàng như mới vừa bước xuống từ cõi trời!

Qua hết những nương dâu ruộng lúa, đoàn người như lạc vào một biển mía mênh mông. Mía phủ kín các ngọn đồi, ngập tràn trong các thung lũng rồi trải dài đến tận chân trời. Mía xạc xào trong gió như lau sậy ngan ngát mùi thơm của mật đường. Hai con voi được đãi mía no nê đến nỗi cái bụng vốn đã to lại càng to hơn.

Vậy mà chưa qua hết những miền trù phú. Hãy còn một rừng dừa dài đến mấy trăm dặm đang chạy đua cùng với biển. Soi bóng một cách duyên dáng trên tấm gương khổng lồ, những thân dừa nghiêng ngả đang xoè muôn triệu cánh tay che nắng cho người. Chẳng những suốt ngày nàng được giải khát bằng thứ nước tinh khiết ngọt ngon mà tối đến bọn thị nữ lại còn đem tắm mát cho nàng. Cả người nàng đắm chìm trong nỗi đê mê ngọt lịm. Nàng cảm thấy tự tin, rắn rỏi. Nàng đã bắt đầu yêu những ruộng lúa bãi dâu, những mía những dừa, yêu những con sông lớp lớp xe guồng, yêu màu biển xanh chói nắng rất đậm đà.

Có điều nàng chưa cảm thấy yêu được Chế Mân. Thật khó để yêu một người chỉ vì nàng mà một phần xương thịt của tổ quốc phải mất đi! Một người như thế, nhiều khi chỉ vì quá yêu một con chim mồi hay một con dế đá cũng dám đem nàng ra mà đánh đổi. Một người rất chi là bồng bột trẻ con. Nhưng dù sao cũng vẫn hơn một Trần Khắc Chung xấc láo. Cái được ở Chế Mân là chỉ làm mà không nói. Nếu cuộc cưới xin được cho là một canh bạc thì cái tiếng bạc sau cùng đặt cả hai châu Ô Rí quả là còn vang dội đến tận ngàn năm!

Qua hết rừng dừa là sắp tới kinh đô. Dễ chừng đã gần một tháng. Một cuộc rước dâu dặm ngàn vất vả. Khi lắc lư trong xe, khi nghiêng ngửa trên bành voi, khi thong dong trên lưng ngựa, khi êm mát trên con thuyền, nàng không nhớ hết đã qua bao nhiêu đèo bao nhiêu sông bao nhiêu rừng biển. Chỉ biết thịt da đã ngả màu nâu sẫm như vừa được lấy ra khỏi lò gốm. Lúc này mẫu hậu mà thấy được chắc lại thêm một lần ngất xỉu. Các công nương chắc phải trố mắt kinh ngạc vì nàng đã biến thành một con mọi đen! Nhưng cũng đâu có sao. Nàng tin là mình vẫn đẹp. Chẳng những đẹp mà còn săn chắc hơn. Ngực nàng vểnh lên như hai con chim đang ngửa cổ ra hót.

Đã thấy những cổng chào uốn cong hình tháp. Đã nghe thơm ngát mùi trầm hương. Tiếng trống paranưng bập bùng như tiếng sấm rền giữa đại ngàn. Rồi Đồ Bàn hiện ra rực rỡ với ngọn tháp đỏ thắm như một trái tim giữa lồng ngực. Hai hàng voi có cả trăm con được phủ vải đỏ và lụa tía quỳ phục trước cổng thành.

Chiêm vương và Huyền Trân đi vào thành dưới đám mây kết bằng hoa sứ và dưới cơn mưa bằng nước thơm. Cả kinh thành từ quan đến dân đều rạp mình chiêm bái. Hai người sóng đôi đến trước ngôi tháp thờ các nữ thần. Một đám vũ nữ ngực trần với xiêm y được dát bằng vàng và kết bằng ngọc đang kể chuyện tình yêu cho các vị thần đang ngự trên tháp bằng ngôn ngữ múa huyền bí. Những ngón tay được nối dài bằng các móng vàng cong vút đang quấn quít uốn lượn, những bàn chân đang cong mình nghiêng ngửa, những cái rún biết run rẩy như làn môi… tất cả như bị điệu trống và kèn mê hoặc dưới những cái nhìn nóng bỏng của các vị thần. Trong lòng tháp linh thiêng, một ngọn lửa màu xanh biếc đang nhảy múa phập phù như lưỡi rắn thần Naga. Một thầy tư tế vận toàn màu trắng đang đọc những câu kinh sấm truyền.

Xong nghi thức tấu trình với các nữ thần, thầy tư tế vừa rì rầm niệm chú vừa đến rảy nước thơm lên mình Chiêm vương và vương hậu. Một cuộn chỉ bảy màu được buộc vào tay của hai người. Coi như đã nên vợ nên chồng. Hai người được mời lên kiệu để bọn thị vệ khiêng ra trước cổng thành cho thần dân một lần nữa chiêm bái.

***

Sau hôn lễ, nàng được đưa vào một cung thất kết toàn lụa quý. Nàng được tắm , được thay xiêm y mới của vương hậu, được nghỉ ngơi để chờ ngày hợp cẩn. Nàng liền ngủ một giấc dài đến những hai ngày đêm. Chưa bao giờ nàng thèm ngủ và ngủ ngon đến thế. Bao nhiêu nhọc nhằn của cuộc hành trình vất vả như đã được giấc ngủ làm cho tiêu tan. Khi thức dậy, nàng ngỡ ngàng nhận ra mình đang đổi khác. Chẳng phải vì xiêm y hay vàng ngọc trên người mà dường như đổi khác tự trong lòng. Có một chút là lạ, một chút nôn nao như nỗi đợi chờ.

Nàng lại được bọn thị nữ xông nước thơm, nước thuốc, được xông trầm và xoa dầu bóng. Các móng tay móng chân được cắt tỉa và được gắn thêm những chiếc móng bằng vàng nho nhỏ xinh xinh.

Khi nàng đã hoàn toàn tinh khiết thơm tho, bọn thị nữ cho biết Chiêm vương đang đợi. Nhưng hôm nay nàng có thể không đến nếu chưa muốn. Ở cái xứ đàn bà được các vị nữ thần bảo trợ thì việc gối chăn là quyền của họ. Nếu họ chưa muốn, không một Chiêm vương nào dám ép.

Nàng nghiêng đầu qua vai giấu nụ cười e thẹn. Quả thật trong suốt cuộc hành trình, chưa bao giờ nàng nghĩ đến điều này. Chắc nó cũng xa lạ và mới mẻ hệt như cái miền đất phương nam này. Nhưng cũng như cuộc hành trình vừa qua, đã muốn là phải đi và đã đi là phải tới. Nàng liền gật đầu để bọn chúng đưa nàng đến nơi phải đến.

Nàng hơi rùng mình khi bọn chúng vẫn cứ để nguyên người nàng tuy rất thơm tho nhưng không quần áo, chỉ khoác lên người một tấm lụa màu tía! Bọn chúng khiêng nàng trên một cái kiệu không có màn che, đi qua những lối đi lót đá xanh và được thắp sáng bằng những cây sáp ong. Nàng hồi hộp cảm thấy như mình đang được khiêng đi hiến tế. Ngày xưa, người ta cũng khiêng những người con gái trinh nguyên như nàng đem đi cống nạp cho thủy thần. Có điều là những người con gái tội nghiệp ấy bị trói chặt chân tay, bị nhét giẻ vào miệng, chết khiếp trước khi chết chìm trong nước, không như nàng được lâng lâng trong nỗi sợ mơ hồ.

Bọn chúng khiêng nàng vào một sảnh đường có Chế Mân đang ngồi đợi. Chàng cũng vừa được tắm bằng nước thơm, được ướp hương và cũng chỉ khoác lên người một tấm lụa màu tía. Kiệu được đặt xuống trước mặt Chiêm vương như một thức ăn trân quý cho Vương ngự thiện. Bọn thị nữ không cần đợi lệnh cũng lặng lẽ lui ra. Một thoáng bất bình, nàng đã muốn theo ra. Nhưng Vương đã ra hiệu cho nàng cởi tấm lụa trên người chàng. Cứ như một bữa tiệc chỉ có hai người và chàng lịch sự mời nàng dùng trước. Cái máu bướng bỉnh và tính bạo dạn đã khiến nàng nhìn thẳng vào mắt chàng. Một chút nín thở, rồi nàng mạnh dạn kéo tuột tấm khăn khỏi người chàng. Rắn chắc như một pho tượng bằng đồng, chàng hiện ra sừng sững như một vách đá. Và nàng khi để rơi tấm khăn xuống sàn, cả sảnh sáng bừng lên như một thác nước dưới ánh trăng.

Đêm ấy, thác chảy qua ghềnh đá và đá nâng đỡ con thác tạo nên một bản tình ca bất tuyệt mà các vị thần đều ngẩn ngơ vì xúc động.

3

Thật đúng như lời của phụ hoàng, đây là xứ sở của bốn trời tự do rộng mở. Nàng không phải đóng khung trong những lề thói cứng nhắc của cung đình. Không phải nghe những lời dạy bảo đến phát chán của các công nương già. Không phải tránh những cái nhìn khắt khe của các lão quan. Chẳng những thế nàng còn được chiêm ngưỡng tôn sùng như một nữ thần.

Nàng một mình thong dong dạo chơi khắp kinh thành. Đến xem những chiêm nương khéo tay dệt những tấm vải đầy màu sắc, xem những thợ gốm nhào nặn đất sét mềm nhuyễn như bột, mê mải nhìn những chiếc bình, những lọ thoát ra từ đôi tay xấu xí tưởng là rất vụng về nhưng thật sự tài hoa của họ.

Nhưng mê nhất thích nhất vẫn là ngồi xem những thợ thủ công tạc tượng. Từ những tảng đá xám vô hồn, qua đôi tay của họ, những tượng Chàm sống động như người thật. Những bầu vú căng mọng đến nỗi không dám chạm tay vào. Tưởng chừng trong khối đá lạnh lẽo ấy có cả hơi ấm nồng nàn.

Mà cũng thật lạ lùng, cả cái miền đất này như ngập tràn bóng hình bầu vú. Các tượng nữ thần, các vũ nữ và cả những ngọn đồi tròn trịa xinh xắn đang nâng niu những ngọn tháp đều mang dáng hình bầu ngực của nữ thần Parvati. Cái nguồn sống bất tận ấy cứ phơi mở lồ lộ nhưng không vì thế mà sỗ sàng thô tục. Thần nuôi dưõng tình mẫu tử và dạy bảo cả tình yêu gái trai. Cái bầu ngực vĩnh cửu ấy được lưu giữ trang trọng trong máu trong tim của người thợ. Không cần đến một nguyên mẫu nào khác, những nhát đục cứ lặng lẽ bóc dần từng lớp đá, khi mạnh mẽ khi nhẹ nhàng, từng chút một cho đến khi làm lộ ra cái dáng hình tuyệt mỹ thì kính cẩn dừng lại. Người ta gọi đó là cái thần.

Ai chạm được cái thần ấy là đã thành nghệ sĩ. Và người thầy dạy họ chính là hồn đá. Lúc nào mạnh như tầm sét, lúc nào nhẹ như gió thoảng, lúc nào sâu lúc nào cạn, lúc nào nghiêng lúc nào ngửa, lúc nào đứng lúc nào ngồi…đều được đá nhắc chừng bên tai họ. Giữa đá và họ bền chặt một tình yêu bất tử.

Một bữa nọ, Chiêm vương cho gọi những người thợ tài nhất vào cung. Bọn họ hiểu rằng sắp được tạc một tượng nữ thần mới. Nữ thần ấy chính là vương hậu. Những khối đá đẹp nhất mịn nhất được đưa tới. Búa được tra lại cán và đục được đem mài lại để cho những đôi tay gân guốc ngày đêm miệt mài trong bụi đá.

Khi bức tượng hoàn thành, nàng sững sờ trước vẻ đẹp của chính mình. Mới thoáng nhìn ai cũng tưởng các bức tượng đều giống nhau. Vẫn đôi tay ấy, đôi chân ấy, hông háng ấy và nhất là cái bầu ngực đầy đặn giống như các tượng nữ thần, nhưng cả Chiêm vương và nàng đều thấy hiển hiện một Huyền Trân nồng say trong ánh mắt làn môi. Điều kỳ diệu là những người thợ ấy chưa hề một lần mời nàng ngồi làm mẫu. Thì cũng giống như khi tạc tượng các nữ thần: chỉ một thoáng nhìn, cái đẹp đã ngự trị ở trong hồn của họ.

Lịch sử của ngàn năm trước như quên mất nói tới hạnh phúc của đàn bà. Nhưng cứ xem cách sống ung dung của nàng, xem cái cách những người thợ nâng niu từng nhát đục để tạc tượng cho nàng, xem các Chiêm nữ đi từng hàng dài đội nước từ dưới sông lên cho nàng tắm và nhất là xem Chiêm vương yêu chiều quy phục nàng, ai dám bảo những ngày về với Chế Mân nàng không hạnh phúc?

Nàng hạnh phúc và càng hạnh phúc hơn khi khi các ngự y báo tin mừng nàng đã mang thai. Hạt mầm của cây đời sắp xanh muôn ngàn lá. Con nàng sẽ là vua nước Chiêm, con anh nàng sẽ là vua nước Việt. Gần gũi làm sao hai nước anh em. Cùng tựa lưng vào núi và quay mặt ra biển đông, chỉ cách nhau có mỗi Hải Vân quan. Như cách nhau một hàng dâm bụt!

Đặt tay lên bụng, nàng mơ màng nghĩ tới quê nhà. Nàng thấy cuộn lên nỗi nhớ thương mẫu hậu. Ôi chao, một ngày nào đó nàng sẽ đưa con về thăm quê ngoại. Không phải trèo đèo lội suối, vương hậu và hoàng tử sẽ đi trên một con thuyền với những cánh buồm trắng, sẽ theo sông Phú Lương đậu sát ở chân thành. Cả ngàn người ra đón và nàng sẽ phải đưa tay ra đỡ vương hậu lại một lần nữa ngất xỉu nhưng lần này là vì mừng vui. Nàng cũng sẽ cõng con leo lên Yên Tử để gặp phụ hoàng. Nàng sẽ xin phép ngài cho con nghịch phá đôi chút chuông mõ. Ở nước Chiêm người ta chỉ múa để xưng tụng các thần nên tiếng chuông tiếng mõ chắc chắn sẽ làm thằng bé ngạc nhiên thích thú.

Được tin nàng sắp sinh hoàng tử, thần dân càng yêu kính hơn. Mỗi khi đi ra ngoài thành, người ta tranh nhau hôn dấu chân nàng để lại. Các quan trấn nhậm phương xa thường gửi dâng nàng những con vật quý hiếm. Những chim trĩ đuôi dài cả thước, những con công xoè cánh điệu đàng, những con rùa màu trắng và có cả một con đười ươi lúc nào cũng nhe răng ra cười. Vì thế chẳng bao lâu nàng có cả một vườn thú nho nhỏ ngay trong kinh thành.

Một hôm, Chế Mân bảo sẽ đi xa trong ít lâu. Nàng hỏi thì bảo là đi săn. Mà lại là săn voi! Nghe nói thế nàng rất lo sợ. Làm sao bắt được con thú có những cái chân to hơn cả cột đình! Nhưng chàng bảo chẳng có gì đáng sợ. Cả trăm con voi kia nếu không vào rừng săn bắt thì làm sao có được. Đi săn voi là tiếp cận vơí các thần. Mà chàng cũng là một vị thần. Thần với thần gặp nhau có gì mà phải sợ. Không cách gì cản được chàng vì chàng muốn tặng con một món quà cho xứng với bậc đế vương.

***

Đoàn người lên đường với chục con voi đực và những thợ săn lão luyện. Người ta dự tính đi trong một tháng. Có khi phải sang tận đất Lào vì đó là vương quốc của loài voi. Chế Mân là một ông vua Chàm trẻ tuổi ham săn bắn. Chàng vẫn thường cùng bọn lính đi săn hươu nai, hổ báo. Nhưng săn voi thì chưa vì phải rất kiên trì và mưu lược. Phải tìm xem đường đi của chúng, xem cây lá chúng đã ăn, xem phân chúng để lại, phải biết trong đàn có bao nhiêu voi đực ,bao nhiêu voi cái, voi con. Rồi phải chọn nơi thuận lợi nhất để chia tách, cô lập. Và nhất là, phải có đường thoát hiểm khi bị nhiều đàn cùng lúc tấn công. Khi đã chọn được con voi cần săn bắt thì lũ voi nhà lập tức bao vây chèn ép sao cho con vật tội nghiệp chỉ có một cách duy nhất là lìa đàn về với đồng bằng.

Năm ngày sau, bọn thợ săn bắt gặp một đàn voi đến những mười lăm con, trong đó hơn nửa tá là voi đực. Con voi đầu đàn chỉ có một ngà và con voi mà chúng bảo vệ là một con voi trắng, vua của các loài voi. Đây là một đàn voi thiêng nên bọn thợ săn e ngại muốn tránh xa. Nhưng Chế Mân lại tỏ ra rất thích thú vì bắt được vua của các loài voi thì không gì sung sướng bằng. Chàng liền ra lệnh cho bọn thợ săn và lính ngự lâm tìm cách chia cắt và cô lập con voi đầu đàn.

Đó là một con voi đực rất to lớn và hung dữ. Cái ngà của nó bị gãy chắc là trong một trận đánh nhau kinh thiêng động địa nào đó. Không một chút sợ hãi, nó giương cái ngà duy nhất như một lưỡi kiếm lao thẳng vào những con voi đang phản bội giống nòi. Hết bên phải nó quay sang bên trái, lù lù như một con tê giác khổng lồ. Lũ voi nhà cũng rất tinh khôn. Chúng cứ khiêu khích gầm thét, lúc trước mặt lúc sau lưng, quần con voi dữ đến chóng mặt.

Suốt cả buổi một chọi mười làm cho nó mệt phờ. Nó dừng lại một lúc vừa để lấy lại sức vừa tìm xem trong bọn con nào yếu nhất để ra đòn quyết định. Thế rồi với tất cả sức mạnh và thù hận nó liền xé gió lao tới. Người ta nghe thấy một tiếng rầm với bao nhiêu cây lá gãy đổ rơi rụng. Một con voi nhà thoát chết trong gang tấc. Thay thế nó là một cây cổ thụ đang run lên bần bật. Nhưng cái tiếng thét kinh hoàng của nó làm cho bọn thợ săn bất chợt reo lên vui mừng: cái ngà nguy hiểm của nó dính chặt vào thân cây không cách gì rút ra được!

Để mặc cho nó lồng lộn thét gào, bọn thợ săn liền xua bọn voi nhà ngay lập tức chia cắt con voi trắng ra khỏi đàn. Tuy được tôn xưng là vua của các loài voi, nhưng con voi trắng xem ra rất lờ khờ chậm chạp. Chỉ một lúc nó bị cô lập như một con cừu giữa một bầy sói. Nó ngơ ngác nhìn lũ voi nhà, đành để chúng lùa đi trong tiếng reo hò của bọn lính ngự lâm.

Chế Mân rất đẹp lòng. Cả đoàn đi suốt đêm cố thoát ra khỏi rừng. Chẳng những tránh đàn voi ấy đuổi theo mà còn sợ những đàn voi khác nhiều khi đông đến cả trăm con đang ở khắp thượng ngàn cùng kéo đến giải vây. Lúc ấy dù có để vua của chúng ở lại cũng không sao thoát khỏi những đòn thù mà chỉ có cái chết mới làm cho chúng hả giận.

Sáng hôm sau đoàn người đã ra khỏi rừng, nhưng cũng phải mất cả mấy ngày nữa mới về tới kinh thành. Tối hôm ấy đoàn người nghỉ qua đêm trên một bãi cát ở sông Kôn. Dù có sông rộng che chắn, bọn thợ săn vẫn lo sợ đốt lửa suốt đêm. Bọn voi nhà vây quanh con voi trắng còn bọn ngự lâm nằm phục xung quanh căn lều của vương để bảo vệ.

Đêm yên lặng. Nước sông chảy êm như ru. Cả đoàn sau những ngày căng thẳng mệt mỏi lăn ra ngủ như chết. Chỉ có bọn voi nhà cảm nhận được bao nỗi hiểm nguy đang chực chờ. Chúng cứ dùng vòi tung cát lên cao, thỉnh thoảng lại thét lên những tiếng kêu đầy hoang mang lo sợ.

Và, đúng như linh tính đã báo trước cho chúng, khi trăng hạ huyền vừa rải ánh sáng yếu ớt xuống mặt sông thì đột nhiên bỗng ào ào như thác đổ với hàng trăm con voi rừng băng băng lội qua sông. Con voi một ngà cuồng điên lao lên phía trước. Những tiếng té tát vang rền. Cái bãi cát êm đềm chỉ trong chớp mắt đã bị lũ voi rừng tràn ngập. Những bàn chân to lớn thi nhau giẫm đạp, những xác người mỏng manh bị tung lên. Một cuộc giải cứu và trả thù chấn động đất trời. Con voi trắng vua của loài voi đã được đưa về đại ngàn, còn vua của người Chăm chỉ còn là một cái xác nhàu nát đầy máu me!

***

Tin dữ đưa về giữa lúc Huyền Trân đang ngắm những con thú cưng. Con chim trĩ vẫn nghiêng cái đuôi dài thướt tha chào nàng. Con công vẫn giương cái quạt nhiều sắc màu đỏm đáng. Con đười ươi vẫn cứ nhe răng ra cười dù không bị ai cù. Con rùa mai trắng vẫn trầm tĩnh nhai từng cọng rau. Nàng đang tự hỏi không biết cái con voi be bé mà Chiêm vương sắp đem về tặng con sẽ nhốt ở đâu. Nhất định không phải ở trong chuồng này. Nó nhỏ quá và cái con đười ươi ngu ngốc kia chắc chắn sẽ làm cho nó bực mình. Cái vòi của nó mà tóm được thì dù có muốn cười cũng phải khóc thôi con ạ!

Đầu tiên nàng nghe rào rào như gió đuổi nhau chạy trên những lùm cây, rồi tiếp theo những tiếng đấm ngực, tiếng kêu gào, tiếng thét hoảng sợ như thể cái tháp đồ sộ kia đang nghiêng và sắp đổ nhào. Thế rồi tất cả đột nhiên nín lặng. Mọi người mọi vật như bị đông cứng. Tháp vẫn đang nghiêng nhưng không đổ. Ai đang há họng ra vẫn cứ há, ai đang giơ tay vẫn cứ giơ tay, ai đang chạy vẫn giữ thế co chân đang chạy. Cả kinh thành chết lặng ít ra trong vài mươi giây khi những con voi phờ phạc vì chưa hết hoảng sợ đem cái xác mềm oặt nhàu nát như vừa bị cán qua che mía đi vào cổng thành.

Huyền Trân cũng chết lặng không chỉ cả xác mà chết cả hồn. Nàng cứ mở mắt trừng trừng, mở to đến hết cỡ nhưng chẳng thấy gì ngoài cái màu đỏ như ngập lụt cả kinh thành và cả đất trời. Nàng cứ đứng mãi như thế cho dù trời nắng hay trời mưa, cho dù hết đêm sang ngày nếu người ta không đưa nàng vào một ngôi nhà xây toàn gạch chỉ có một cửa ra vào như nhà ngục.

Bên ngoài triều thần vội vã tôn Chế Chí lên ngôi. Việc đầu tiên của tân vương là hoả thiêu cho cựu vương. Các thầy tư tế và ngự y phải mất cả ngày băng bó sao cho ra hình hài để đem đi xông trầm và ướp hương. Ba ngày sau khi đã được hong khô, người ta mặc áo đội mũ cho vương uy nghi như đang ngự trên ngai. Trước ngôi tháp thiêng, người ta chất củi thành một cái tháp đủ rộng để thiêu xác của Chiêm vương, vương hậu và vương phi.

Thế đấy, cái ngôi vương hậu vàng son lộng lẫy bỗng chốc hoá ra cái miệng đỏ lòm của lửa! Huyền Trân, Huyền Trân ơi, cây quế giữa rừng giờ chỉ còn là một cây củi mà thôi!

Cùng chung số phận với nàng còn có bốn vương phi người nào cũng đẹp như thần Parvati. Họ cũng được nhốt chung với nàng để chờ ngày thiêu sống. Ai cũng rũ xuống như những cành lan héo. Không ngờ những ngày tươi đẹp ở thế giới này quá ngắn ngủi.

Tuy không phải là người Chiêm, nhưng Huyền Trân cũng biết quá rõ những gì đang chờ đợi nàng. Ở nước Việt thì chôn sống, ở đây thì hoả thiêu! Tất cả chỉ là một cái chết bắt buộc để trả giá cho giấc mộng huy hoàng. Những vương phi tuy vậy vẫn còn chút an ủi là được chết cùng với Chiêm vương tức là cùng được đi về nước Trời. Còn nàng, nàng không tin như thế. Cái chết như thổi tắt một ngọn đèn. Phụt một cái, đang sáng bỗng trở thành tối om. Nàng chỉ tiếc cho đứa bé chưa được sinh ra, tiếc là không được cùng nó về thăm quê ngoại.

Ngày thứ năm sau cái chết của Chiêm vương, người ta tiến hành lễ hoả thiêu. Xác Chiêm vương được các thầy tư tế rảy nước thơm và đọc kinh cầu hồn. Sau đó bọn thị vệ khiêng xác lên đặt trên tháp củi giữa bốn vương phi đã được cho uống thuốc mê và bị trói cả chân tay. Huyền Trân chưa phải chết theo chồng vì hãy còn cái mầm sống trong lòng. Nàng mặc đồ tang, mặt che mạng, được phép chiêm bái như mọi thần dân.

Khi ngọn lửa bốc lên cao, thè những chiếc lưỡi dài liếm vào người các vương phi, bọn họ rùng mình tỉnh dậy. Họ không kêu la được vì mồm bị nhét đầy giẻ. Họ cong người lên dãy dụa như tôm cá bị nướng. Nhưng chỉ trong chớp mắt tất cả đều lặng im, chỉ còn nghe tiếng cười khành khạch của lửa gặp gió.

Cả người chết và người chưa chết đem thiêu cũng đều được lửa hào phóng giải thoát. Bởi lửa đời đời là sự sống ngay cả trong cái chết. Lửa là thần của các vị thần nên các ngọn tháp đều mang dáng hình ngọn lửa.

Ngay khi chuẩn bị việc hoả thiêu, tân vương Chế Chí đã cho sứ thần ra Thăng Long báo tin. Ngoài ra còn bóng gió rằng người dâng nộp hai châu Ô Rí đã chết thì lời ước cũng đã hoá thành tro.

Cả triều đình sửng sốt và nổi giận. Thái hậu thì chết điếng vì đau buồn. Bà buộc đức vua phải tìm mọi cách cứu cho bằng được công chúa, nếu không bà sẽ gieo mình xuống hồ Tây. Cái ngọn lửa từ kinh thành Đồ Bàn xa là thế mà ngày đêm vẫn như đang thiêu đốt bà. Khi đức vua đem nỗi lo ấy ra bàn bạc với triều đình, các quan ai cũng thuận theo thánh ý. Chỉ có một người là tướng quân Phạm Ngũ Lão dám đứng ra bộc bạch. Ông nói:

-Muôn tâu thánh thượng, thần trộm nghĩ nước lớn phải giữ nghĩa lớn. Cái đức của người quân tử là giữ chữ tín. Ta đã gả công chúa cho người thì sống chết gì cũng phải theo tục lệ của họ. Công chúa dù có phải hoả thiêu cũng là để trọn đạo làm người. Còn như muốn cứu công chúa thì chỉ có mỗi một cách là đem hai châu Ô Rí trả lại. Họ được đất, ta được người. Như thế là vẫn giữ được tình hoà hiếu như Thái thượng hoàng mong muốn.

Nhưng Trần Khắc Chung, một tướng quân trẻ tuổi mộng lớn thì quyết liệt chống đối:

-Việc gì phải trả lại đất. Thần xin đưa công chúa về bảo đảm không mất đi một sợi tóc.

Thế là Trần Khắc Chung được cử làm chánh sứ đi viếng tang. Sứ bộ đi trên một chiến thuyền có cả súng đại bác và những con ngựa nòi chạy tuyệt nhanh. Trời yên biển lặng nên chỉ trong năm ngày thuyền đã cập bến ở đầm Thị Nại.

Khắc Chung cùng với bốn quân kỵ tiến thẳng lên thành Đồ Bàn. Tân vương tiếp sứ thần theo đúng cách một nước nhỏ tiếp nước lớn: hết lời cảm ơn sứ thần đã ngàn trùng vượt biển đến viếng và xin tạ ơn bằng một mâm vàng. Nhưng khi sứ thần xin bái kiến vương hậu thì tân vương dứt khoát chối từ. Chẳng những thế, ngay sau đó Huyền Trân còn được canh giữ nghiêm ngặt hơn. Túc trực quanh nàng không phải những ngự y mà là những tên lính ngự lâm lăm lăm gươm giáo trong tay.

Khắc Chung cũng không vừa, ngay trong đêm đó đã mật lệnh cho bọn quân kỵ tìm ra chỗ giam giữ nàng. Nhìn lướt qua thành quách không được xây bằng gạch đá mà chỉ đắp bằng đất đỏ, tướng quân cười thầm vì việc cứu công chúa dễ như lấy đồ trong túi.

Sáng hôm sau, Khắc Chung đến chào từ biệt tân vương, xin gửi lại mâm vàng để tặng cho những người sẽ chăm sóc công chúa từ đây cho đến ngày nàng bị đem đi thiêu. Tuyệt nhiên không hề đá động gì đến chuyện trả lại đất để đổi lấy công chúa như tân vương dự tính. Tân vương đành tiễn họ ra khỏi thành. Dù sao thì cũng còn mấy tháng nữa nàng mới sinh, lúc ấy bàn chuyện đổi chác vẫn chưa muộn. Đối với tân vương, việc nàng có chết theo Chế Mân hay không, chẳng có gì là hệ trọng. Cái chính là hai châu Ô Rí đã phải mất vào tay người vì sự mê muội của ông anh dại gái! Giờ phải bằng mọi giá lấy lại cho bằng được. Mà cũng dễ thôi, cứ việc giữ nàng như một con tin, thỉnh thoảng doạ đem đi thiêu thì đất nào mà lấy lại chẳng được.

Ra khỏi thành, năm con ngựa Hồ chạy như bay trong gió. Loáng cái đã mất hút trong bụi đỏ mịt mù. Ai cũng đinh ninh bọn họ cố phi nhanh cho kịp xuống thuyền. Nhưng khi đến ngã rẽ xuống đầm Thị Nại, Khắc Chung và cả bọn bất ngờ rẽ ngược lên đường thượng đạo. Chẳng mấy chốc họ lại biến mất trong rừng sâu.

Ngựa buộc hàm, người ngậm tăm, bọn họ lặng lẽ tiếp cận những ngọn đồi vắng sau lưng thành Đồ Bàn. Chờ đêm tối, họ leo vào thành thẳng đến chỗ công chúa đang bị giam giữ. Nàng vẫn không hề biết có sứ thần Đại Việt đến viếng tang. Sau những ngày dài mỏi mệt không biết đến giấc ngủ là gì, nàng chỉ nằm thở dốc như một con cá mắc cạn. Đang lơ mơ bỗng nàng bị nhét giẻ vào miệng, bị bế thốc đưa qua khỏi thành. Khắc Chung đã chờ sẵn. Tướng quân ôm nàng phi nước đại. Chỉ ít lâu cả bọn đã xuống được thuyền.

Khi biết được Huyền Trân đã bị cướp, Chế Chí vội cho quân kỵ đuổi theo. Đuốc sáng ngời. Ngựa rầm rập. Cả kinh thành như được dựng dậy. Nhưng xuống tới bến thì bọn họ đã dong thuyền ra khỏi đầm Thị Nại. Khắc Chung còn cho nổ mấy phát thần công để thị uy.

***

Biển êm. Thuyền căng buồm no gió lướt trên sóng như bay. Khắc Chung đứng ở mũi thuyền khoan khoái ưỡn ngực ra thở. Chưa có trận chiến nào chớp nhoáng như cuôc đột kích vừa rồi. Nó rất thầm lặng nhưng hiển hách làm sao! Còn hơn cả Trần Quang Khải đoạt giáo Chương Dương độ. Thật là sảng khoái khi đoạt được một giai nhân. Bảo lính đem rượu ra uống, tướng quân cũng muốn mượn hơi men để làm một bài thơ, nhưng nghĩ mãi không ra đành chui vào trong khoang đánh một giấc tới sáng.

Huyền Trân cũng nằm trong khoang. Những sự việc vừa rồi diễn ra quá nhanh, cứ tưởng như trong mơ. Không biết ai đã cướp nàng và cướp để làm gì. Nhưng khi được quăng lên lưng ngựa và nghe tiếng “Đi!” nàng mới biết là được quân Đại Việt cứu thoát. Chắc là mẫu hậu đã cho người làm việc ấy. Có người mẹ nào trên đời này lại để con gái mình bị đem đi thiêu sống mà không tìm cách giải cứu. Nhưng đem nàng về để chết già trong thành Thăng Long thì thà chết trong ngọn lửa còn dễ chịu hơn!

Mãi đến khi mặt biển chói ngời vì ánh mặt trời, Khắc Chung mớí thức dậy. Tướng quân giả cách ngơ ngác hỏi:

-Ủa, công chúa sao lại ở đây?

-Ta là Vương hậu.

-Thì vâng. Nhưng sao Vương hậu lại ở trên thuyền của tại hạ

-Ngươi đừng có ỡm ờ nữa được không?

-Thưa được, tại hạ xin bái kiến Vương hậu.

-Ta muốn biết ai đã khiến ngươi làm cái việc cướp giật này?

-Chính tại hạ. Vương hậu không thấy vui sao?

-Ta vui thế nào được khi chỗ của ta không phải ở trên chiếc thuyền này.

-Thế Vương hậu muốn ở đâu, trên cái giàn hoả ấy chăng?

-Đúng, đó là chỗ của ta!

-Nhưng tại hạ không muốn và cả triều đình cũng không muốn thì sao? Mạt tướng đã làm hết sức để đưa công chúa về. Sao công chúa không có được một lời cảm ơn?

-Ta rất bực mình vì cái sự phá bĩnh của ngươi, sao ta lại cảm ơn?

-Không cảm ơn cũng được, nhưng hãy nhớ là công chúa đang ở trong tay của tại hạ.

-Thế ngươi định làm gì ta?

-Chẳng làm gì cả, lúc này chỉ mong công chúa hãy biết rõ cái thân phận của mình.

-Là thân phận gì?

-Một tù nhân!

-Ta là tù nhân của ngươi?

-Đúng rồi, Vương hậu của Chế Mân tức là kẻ thù của tại hạ.

Ước gì nàng có thể đâm đâu xuống biển. Bao nhiêu bất hạnh như sóng trào gió giật, nhưng cái nỗi nhục này xem ra quá sức chịu đựng của nàng. Phải như không có đứa bé nàng đã đi theo ngọn lửa cùng chàng.

Đôt nhiên nàng cảm thấy đau bụng dữ dội. Cơn đau quặn thắt như muốn bẻ gập người nàng lại. Người nàng tê cóng nhưng mồ hôi tuôn ra ướt dầm. Một tên lính có tuổi đoán chừng là nàng sắp sinh. Quả thực không ai ngờ được cái tình cảnh lạ lùng này. Trên thuyền toàn là đàn ông, nào ai biết phải giải cứu một người đàn bà sắp sinh như thế nào! Lúc xuống thuyền họ chỉ biết mang theo gươm giáo để chém giết, ngựa để chạy thoát cho nhanh, nào ai nghĩ ra được phải đem theo nữ tỳ và cả một bà mụ!

Rất may trên sóng nước chập chùng, họ trông thấy từ xa nổi lên một vệt xanh mờ. Đến gần mới biết là một hải đảo. Chẳng biết của nước nào, nhưng hãy có đảo là được. Còn hơn để nàng phải sinh ra trên thuyền giữa một bọn đàn ông chỉ biết trố mắt ra mà nhìn!

Đảo nhỏ như một cái chấm trên mặt biển mênh mông. Một vài túp lều nép mình dưới bóng dừa, năm ba đứa trẻ trần truồng mắt trắng dã và những mụ đàn bà đen đúa xấu xí. Không có một cái bến cho thuyền cập vào, bọn lính phải cõng nàng lên bờ. Dân đảo ùa ra xem, líu ríu như chim như chuột. Chẳng phải Chăm, cũng không phải Tàu, có lẽ là ngư dân của Chà và, Ma ní đã từ lâu trôi dạt đến đây. Chẳng ai hiểu họ nói gì, nhưng có đàn bà là được. Một tên lính khum hai bàn tay úp lên bụng, nhăn mặt đau đớn để ra dấu cho họ hiểu là người đàn bà mệt lả này sắp sinh. Một mụ già quắt đến vạch áo xem bụng của nàng rồi bất ngờ vung tay xua bọn đàn ông và trẻ con đi chỗ khác.

Khi chỉ có bọn đàn bà với nhau, bọn họ khiêng nàng vào lều đặt nằm trên một cái sạp làm bằng thân cây dừa. Họ cởi tuột quần áo nàng ra, giăng cả hai chân hai tay như sắp mổ bụng. Thế rồi họ cùng gào lên eo óc như quỷ ma.Thỉnh thoảng một mụ nhảy lên mình nàng đẩy cái bụng xuống như trẻ con đẩy cát trên biển để xây nhà. Vậy mà rồi nàng cũng sinh được. Có điều đứa bé đã chết ở trong bụng mẹ tự bao giờ!

***

Những ngày sau khi sinh, nắng gió và nước biển đã giúp nàng lại sức. Da dẻ tuy đen nhưng là đen dòn. Ngực nàng như có hai con chim bồ câu đang tranh nhau ấp trứng. Nó cứ rung rinh theo mỗi bước chân của nàng. Tướng quân Khắc Chung nhìn mãi không chán mắt. Trước sau gì nàng vẫn là người mà chàng muốn khát khao độc chiếm. Một hôm, chàng bước vào căn lều dành riêng cho nàng. Chàng nói:

-Thưa công chúa, tai hạ nghĩ rằng đã đến lúc chúng ta nên trở về.

-Về đâu ?

-Về Thăng Long chứ về đâu.

-Không, ta chỉ muốn được ở lại đây

-Với bọn thổ dân mọi rợ?

-Thì đã sao!

-Còn Thái hậu?

-Coi như đã chết rồi!

-Còn Thái thượng hoàng?

-Cũng vậy!

-Còn…còn tại hạ?

-Chính vì ngươi mà ta không muốn về!

-Vì sao công chúa khinh ghét tại hạ như thế?

-Vì ta không ưa được những người như ngươi.

-Công chúa vẫn còn tơ tưởng đến hồn ma của thằng mọi đen ấy sao?

-Đó là chồng ta.

-Nó chết rồi. Đúng là cái quân voi giày ngựa xéo, công chúa cũng đã thấy rồi đấy.

-Tiếc rằng con voi ấy đã nhầm. Kẻ bị giày phải chính là ngươi.

-Thôi đủ rồi. Công chúa cứ đợi rồi sẽ thấy.

Tướng quân giận dữ bỏ ra khỏi lều. Nàng ngồi một mình với bao nỗi buồn như mây trắng lớp lớp đùn lên ở chân trời.

Về ư? Cái kinh thành đó đâu còn là chốn quê nhà. Biết bao chuyện tầm phào nhảm nhí sẽ rộ lên khi thấy nàng trở về. Các công nương và các vương tôn sẽ nhìn nàng như thế nào? Một nửa hay một phần tư con mắt? Bọn tôn thất chắc hẳn sẽ vỗ đùi reo lên: nàng về rồi kia. Hai châu Ô Rí vẫn còn đấy, nào có mất mát gì đâu. Có chăng chỉ là một chút trinh tiết, nhưng có ngần ấy mà đổi được cả ngàn dặm vuông là quá hời!

Thế thì về mà chi! Hãy cứ ở lại đây với những mụ già líu lo như chim chuột, với những đứa bé thoăn thoắt trên những cây dừa nhanh như khỉ, với những cá những tôm những sò những ốc.

Ơ lại đây với những đêm trăng và cả những đêm mưa bão, những bình minh rực rỡ và những hoàng hôn tím buồn.

Ở lại đây với nấm mồ bé xíu của đứa con tội nghiệp chưa được một ngày làm người!

Ở lại đây, được rồi! Nhưng còn phụ hoàng thì sao? Ngồi kiết già trên núi Yên Tử, ngài có muốn gặp lại đứa con gái bất hạnh của ngài không? Ngài đã đạt tới Đạo chưa? Cái biển khổ mênh mông mà chỉ với một chiếc lá trúc thì biết đến bao giờ mới vượt qua được?! Ôi, nàng thèm được gặp ngài xiết bao! Vượt qua bao nhiêu thống khổ gắng gượng sống cho đến ngày hôm nay là cũng chỉ được mong gặp lại ngài một lần mà thôi! Nhưng cứ ở mãi đây thì làm sao gặp được? Vậy là về, phải về!

Nàng vội đi tìm tướng quân và gần như sụp xuống đất năn nỉ để xin được về ngay. Tướng quân cũng chẳng mong gì hơn!

Hôm sau thuyền nhổ neo. Dân đảo chất đầy cá khô và dừa lên thuyền. Bọn họ quá yêu công chúa. Nàng cứ như thần tiên mà họ may mắn được thấy trong đời. Nàng cũng yêu họ không kém. Ước gì nàng có thể quay lại sống với họ suốt đời. Nàng ứa nước mắt từ biệt.

Trời đẹp. Biển càng đẹp hơn. Bọn cá heo tinh nghịch đuổi theo. Suốt cả ngày dài chúng cứ uốn mình phóng vọt lên rồi nhẹ nhàng rơi xuống. Cứ như chúng đang vẽ những làn sóng, một nửa ở dưới nước, một nửa ở trên không.

Trời và biển như thế này đi thuyền thật tuyệt. Phải như hồi đó Chế Mân đón nàng bằng thuyền, cả chục chiếc cùng căng buồm trắng đẹp biết bao! Đi đường bộ quá nhọc nhằn! Nhưng nếu không trèo đèo lội suối thì nàng làm sao biết được non sông gấm vóc tuyệt vời, làm sao thấy được Hải Vân quan trùng trùng mây phủ, con sông Hương nước toả mùi thơm!

Tối hôm đó tướng quân đến bên nàng. Bọn lính đã dạt ra sau lái và mũi thuyền. Chỉ một mình nàng trong khoang và nàng hiểu điều gì sắp xảy ra. Rất bình tĩnh, nàng nói:

-Ta chỉ xin ngươi một điều!

-Điều gì?

-Cho ta gặp cha ta trước đã.

-Rồi sau đó?

-Ta sẽ gặp ngươi.

-Ở đâu?

-Trên chiếc thuyền này hay một ngọn núi nào đó

-Tại hạ muốn ngay bây giờ.

-Thế là ngươi muốn giết ta!

-Không.

-Ta sẽ gieo mình xuống.

-Không.

-Ta muốn…(nàng đứng lên nhưng tướng quân đã ôm lấy nàng)

-Ta cắn lưỡi ngay bây giờ!

-Không.

Đột nhiên tướng quân sụp xuống dưới chân nàng.

-Tại hạ đã chờ đợi cái phút giây này hàng bao nhiêu năm rồi. Tại hạ không thể chờ đợi thêm được nữa. Hãy cho tại hạ hưởng chút ân ái muộn màng. Công chúa không biết đấy thôi, từng bao nhiêu ngày đêm tại hạ chỉ mơ tưởng đến công chúa. Ngay cả lúc ăn nằm với con mụ ấy tại hạ cũng chỉ nghĩ đến công chúa mà thôi!

Rất sững sờ. Nàng không tin những lời vừa nói đó là của một tướng quân không hề biết run sợ trước quân Nguyên. Nỗi khinh bỉ cuồn cuộn dâng lên trong lòng khiến nàng buồn nôn. Với tất cả chán chường, nàng nói:

-Vậy thì ta chết ngay tại đây!

Nàng nằm vật ra trên chăn nệm đã được giải sẵn. Thoạt tiên tướng quân không ngờ. Chàng nhìn nàng một lúc rồi se sẽm, thập thò như một tên trộm vặt, cởi lần từng dải yếm. Sau đó khi tin chắc nàng không hề chống cự, chàng liền đổ gục xuống trên người nàng, kêu khóc, rên rỉ với bao nhiêu uất hận mê cuồng… Giờ đây chính chàng mới là kẻ chiến thắng. Chàng tận hưởng chiến thắng ấy suốt đêm suốt ngày, mặc cho biển đang gầm gừ nổi cơn thịnh nộ.

Đất trời nổi giận chăng?

Hai hôm sau, chiếc thuyền bách chiến của họ nhà Trần đã bị biển ném lên một bãi cát ở tận châu Hoan!

Kết

Trong rừng trúc xanh suốt bốn mùa có một vị sư già ngồi thiền định đã hơn năm năm.

Bao nhiêu lá trúc rơi rụng trên vai áo bạc màu của ngài và cũng bao nhiêu măng trúc từ lòng đất nẩy lên như những con sóc bao quanh ngài.

Một cơn gió nhẹ lướt qua làm rơi thêm mấy chiếc lá và những giọt sương mới đọng. Từ trên núi Yên Tử, một giọt chuông thong thả rơi xuống. Tiếng chuông sâu dài len lỏi trong vòm lá, quấn quýt trong rừng cây, cho đến khi hụt hơi tưởng chừng tan hết, thì một giọt khác rơi xuống tiếp sức làm cho không gian tinh khiết như được lọc sạch.

Thiền sư Trúc Lâm đã chọn khu rừng trúc ở lưng chừng núi làm tịnh thất. Lấy lá trúc làm nhà, lấy thân trúc làm chỗ tựa lưng, ngài sống những ngày thanh tịnh khác xa với cảnh rộn ràng xa mã ở chốn kinh thành. Chẳng phải ngài hành xác hay ép xác, nhưng được ngồi tĩnh lặng dưới những khóm trúc lao xao, trong làn sương sớm và dưới đám mây chiều, ngài cảm thấy như đã bước gần tới cội bồ đề của Đức Cồ Đàm.

Nhờ ngồi ở đây, ngài mới ngộ được rằng cây lá cũng biết vui biết buồn, cũng sinh cũng diệt như chúng sinh. Có điều chúng cứ tự sinh tự diệt mà chẳng cần ai cứu độ hay giải thoát. Nếu Phật nhiều như cát ở sông Hằng thì cả khu rừng trúc là hằng hà sa số Phật. Phật từ lúc mới nẩy chồi măng mà chẳng cần gì tu luyện!

Ngài ngồi đây chỉ dám mong có một điều: vỗ yên cái bể trầm luân trong chính lòng ngài. Nhưng ngài cũng biết là quá khó. Chỉ cần một cái tin của Huyền Trân là đã thấy trời nghiêng chớp giật. Lại còn trí trá lọc lừa. Đất đai thì giữ rịt lấy như con thú giữ mồi còn người thì đảo điên cướp giật. Cư xử với lân bang như thế thì chuyện binh đao ngàn đời là không dứt được.

Cứ phải nghĩ ngợi như thế, dù có nằm gối đầu lên cả chục bộ kinh cũng không sao tìm được cõi Chân Như.

Đúng lúc ấy, một thí chủ lặng lẽ đến quỳ xuuống trước mặt ngài. Không ngước nhìn, ngài vẫn biết người đó là ai. Ngài nói:

-Ta thực không ngờ mọi sự lại xảy ra như thế.

-Mọi sự vẫn phải xảy ra như vậy thôi, thưa cha. Có điều con không hiểu được tại sao bao nhiêu bất hạnh lại dồn dập xảy đến cho một người!

-Có lẽ tại nghiệp.

-Nhưng con đã làm gì nên nỗi. Và còn điều này nữa, ai cho hắn cái quyền vùi dập con?

-Không ai cho cả. Cũng là do nghiệp mà thôi.

-Vậy cha lên đây cũng là do nghiệp?

-Đúng vậy, giờ ta hỏi thật con, liệu con có muốn nương nhờ cửa Phật?

-Thưa không, đó không phải là nơi chốn dành cho con. Chuông mõ kinh kệ cũng chẳng có ích gì đối với một người mà ngay cả chút ánh sáng cuối cùng cũng đã tắt hết rồi.

-Quả thật cửa Thiền tuy rộng mở nhưng lại rất hẹp đối với con. Chính ta cũng chưa cứu được ta huống hồ là cứu được ai. Con có biết hiện giờ ta đang ở đâu trên đường đi tìm Đạo không?

-Cha đang quay trở lại đầu đường. Cha chưa bước được bước nào!

-Đúng đấy, con rất hiểu về đạo pháp dù con chưa một ngày tu luyện. Khi lòng ta hãy còn nôn nao muốn được ôm con như thế này thì bao năm ngồi thiền cũng chỉ để xa lánh thế sự mà thôi!

Huyền Trân bước tới gục đầu vào trong lòng ngài. Hai cha con ôm nhau như hai cây trúc trong một buổi chiều lặng gió. Và đó là lần cuối cùng.

Mấy tháng sau, mùa thu năm Mậu Thân (1308) ngài viên tịch. Khi các đệ tử đưa ngài đi hoả thiêu, người ta thấy một cây măng trúc đã mọc xuyên qua đùi của ngài.

Còn Huyền Trân? Nàng vẫn đẹp long lanh như tháp Cánh Tiên giữa phế tích Đồ Bàn. Và vẫn như một búp măng mạnh mẽ mọc xuyên qua tim tôi, kẻ 700 năm sau viết nên câu chuyện hư hư thực thực này.

Mùa Đông, 2006

Xem và chỉnh sửa đôi chút, mồng 9 Tết năm Mậu Tuất

—————————————–

Một vài ghi chú:

*Trần Khắc Chung tên thật là Đỗ Khắc Chung, có công trong lần thứ hai đánh quân Nguyê, được ban quốc tính (họ của vua). Trải qua bốn đời vua, Khắc Chung có nhiều công nhưng cũng có nhiều tội. Vào đời vua Trần Minh Tông, đã xúi vua giết Trần Quốc Chân vừa là cha vợ của vua vừa là một tướng tài. Minh Tông nghe lời Khắc Chung bắt giam Quốc Chân ở chùa Từ Phúc, cấm không cho ăn uống gì cả. Hoàng hậu phải giả cách vào thăm cha, lấy áo nhúng nước mặc vào cho cha uống. Uống xong thì chết

(Theo Việt Nam Sử Lược của Trần Trọng Kim).

*Huyền Trân vì có mang nên người Chiêm chờ nàng sinh con xong mới hoả thiêu. Nhờ vậy Khắc Chung mới đưa được nàng về. Thiền Sư Trúc Lâm hay được, sai đệ tử xuống Thăng Long bảo vua Anh Tông cho 300 thợ thủ công được trở về để an ủi người Chiêm.

(Theo Thiền Sư Nhất Hạnh trong Thả Một Bè Lau).

Comments are closed.