Ba nhà thơ nữ Hoa Kỳ

Hoàng Hưng chuyển ngữ.

 

Ba bài thơ giới thiệu dưới đây trích từ Tuyển tập thơ hay hàng năm của Mỹ.

 

aliceAlice B. Fogel

A. B. Fogel sinh năm 1954 tại New York, dạy học tại Đại học New Hamsphire. In thơ từ 1993. Thi khôi bang New Hamsphire 2014-2019

NHU YẾU

Lũ cừu non không phải thế đâu

Chúng không ngoan ngoãn

Chúng tò mò và hoang dại,

Say đắm mùa xuân

Chúng đáng yêu

                         và chẳng lặng im khi đói.

 

Đêm nay con cừu nhỏ nhất trong đám sinh ba

Xé màn bình yên với nhu cầu của nó

Lũ anh khỏe hơn

                             không cho nó ăn

 

Tôi là người chăn, chủ trại, là mẹ nó

Tôi sẽ xuống với nó trong đêm

trong chuồng lạnh

                            và ôm nó vào lòng

 

Nhưng nó sẽ không nằm im – nó không ngoan ngoãn

Tôi sẽ đứng ở khung cửa mở

Dưới sức nặng của vầng trăng và đám cây đang quan sát, và tôi chăm nó             

                                                                                          như đứa con rứt ruột.

 

Nhưng nó sẽ không yêu tôi – nó không ngoan ngoãn

Hãy uống đi, bé con. Hãy nhận những gì ta có thể cho con.

Đêm nay cả thế giới lảng vảng

                                              quanh chu vi sự sống của con.

 

Sự phẫn nộ giữ cho con sống

đó là cơ may duy nhất của con

Vì thế ta biết ta phải làm gì

                                        sau lúc cho con ăn.

 

Ta sẽ khuôn miệng ta theo

                                        những từ gay gắt nhất

kể cả những từ được nuôi dưỡng trong im lặng.

 

Ta sẽ đâm thủng bằng lời mọi lỗ tai

chịu sức ép của không khí thoáng đãng

Ta sẽ không ngoan ngoãn.

 

Các người nhớ đến ta vì ta có nhu cầu

được hy vọng nhiều hơn sợ hãi

vì ta gào lên những cái tên khủng khiếp

 

Ta phải gào lên

như con cừu đói, gào lên

đủ đánh thức những con sói trong đêm

 

Không ai được phép ngủ.

                              

 

lucia-perilloLucia Maria Perillo

Lucia Maria Perillo, sinh năm 1958 tại New York. Dạy ở Đại học Nam Illinois. “Cuộc đời nguy hiểm” (1989) là tập thơ đầu tay của bà, được giải Norma Farber của Hội thơ Mỹ. Bài “Da” được viết trong bối cảnh dư luận ồn ào quanh cuộc triển lãm ảnh táo bạo của Robert Mapplethorpe ở Cincinnati.

DA

Cho đến nay hình như bất cứ ở đâu một cô gái cởi áo quần ra là cảnh sát có thể tìm thấy cô

đằng sau các xe hơi hay bên những ao đêm tối mịt. Mở ra như một chiếc lá mới vắt ngang

đầu gối một chàng trai, da trắng và căng lên dưới trăng gần như quá kinh khủng, quá đẹp để nhìn, một cái hộp mồi lửa, dẫu cô chẳng hề hay biết.              

Nhưng những kẻ đến đây

quạt những cây bấc đêm bằng ánh đèn flash và bắp đùi – họ biết.

Biết về nàng Helen, về việc một thân thể có thể gây ra sự sụp đổ của thành Troy và cái chết của một vị vua hiền như thế nào.

Vì vậy họ sẽ đọc cho chàng trai biết các quyền của chàng và xô anh vào thành xe hai chân giang ra.

Trong khi cô gái nhảy lò cò, chân trần trên nhựa đường còn nóng, choàng một chiếc chăn len cấp cứu.

Đôi khi các cô gái trốn đi để khỏi bị cha đánh, đôi chân trắng loé lên trong lúc chạy.

Và các chàng trai bị còng tận đến khi lằn cả cổ tay, được thả ra cách nhà nửa khối phố.

 

Trời ơi, đã bao năm tôi tin là thật sự có những đạo luật chống lại những việc như thế, những luật dành cho tuổi thành niên: không thò đầu khỏi xe la hét khi xe chạy qua đường hầm, không đi bộ chân trần,

không hát những bài điên khùng nơi công cộng.

Nếu không, họ có thể nhốt ta vào tù

hay, gần như khép ta vào tội chết, khi mách với cả hai ông cha Công giáo thế tục và thiêng liêng của ta.

Mà trong tất cả những tội ấy, khỏa thân tất nhiên là tệ hại nhất, vì sự phát sáng của da, dù mặt da có lông mượt như nhung hươu,

có thể khiến chẳng những đàn ông mà cả nền văn minh phát điên, có thể dẫn chúng ta tới những sự tàn bạo không thể nói.

Có những bậc cao niên nhờ kinh nghiệm mà hiểu những điều ấy hơn chúng ta.

Và thật thế, khi nhớ ra mình có thứ da ấy tôi bối rối gần phát rồ.

Da mà đến giờ tôi thấy thật giống một bông loa kèn trắng lớn nở xòe trong buổi sáng đầu tiên.

 

sophie cabotSophie Cabot Black

Sophie Cabot Black, sinh năm 1958 tại New York City. Cô giảng dạy về thơ trong Chương trình Dịch vụ Công cộng. Giải thưởng John Masefield của Hội thơ Mỹ. Bài thơ “Chất vấn” (Interrogation) là một kinh nghiệm vào lúc cô “bắt đầu cuộc đấu tranh tinh thần chống sự buông thả và nghiện ngập”, làm sao cho “cái tự kỷ được xếp lại để tôn vinh hoặc tồn tại cùng kẻ khác”.

 

CHẤT VẤN

Khi anh yêu em, lúc em đứng

áp tường, cái… của em

Bỗng thành bất khả tri, những lời mới lạ

Buột ra, tên anh hai lần nhắc.

 

Lúc ấy mình không cẩn trọng.

Những thân xác góp tình

Triệt để đi theo những mục tiêu

Của đường thẳng, đường cong, bỗng trở nên

 

Tình cảm. Ta lang thang trong và ngoài

Miệng nhau. Em vẫn nghĩ rằng

Anh hỏi em gì đó. ánh sáng

Tuôn xuống, treo bên trên chúng mình như một viên đá quý.

 

Em quên mất những lời vừa nhớ ra để nói

Anh bóp xuyên da em tìm mạch máu, từng ngón

Từng ngón, mắt anh trắng bệch và ngây dại

Mắt em cũng bắt đầu trống rỗng, trở nên

 

Giống hệt mắt anh, cho đến khi tất cả là

Một con tim, mỗi tiếng đập khiến cho tiếng đập trước lặng im.

                                 

 

 

 

 

 

 

 

Comments are closed.