Bốn bài thơ của Taras Shevchenko

Ngân Xuyên dịch theo bản tiếng Anh từ tiếng Ukraina của Alexander J. Motyl

Có thể là hình ảnh về 1 người

Taras Shevchenko sinh ngày 9/3/1814 tại làng Moryntsy, châu Kiev, Đế quốc Nga (nay là tỉnh Cherkasy của Ukraina). Là con một gia đình nông nô, cũng như cả gia đình mình, Taras là sở hữu của địa chủ Pavel Engelhardt. Chín tuổi ông mồ côi mẹ, ba năm sau mồ côi cha, vì thế từ nhỏ Taras đã phải lao động vất vả chăn dắt gia súc ngoài đồng cỏ. Mười lăm tuổi Taras được sung vào đám "tiểu đồng" cần vụ của chủ. Sớm nhận ra những tài năng của cậu bé Taras, Pavel Engelhardt đã gửi cậu học vẽ cùng họa sĩ Jan Rustem ở Đại học Vilnius. Sau khi chuyển đến Saint Petersburg, Shevchenko được tiếp tục học vẽ bốn năm. Ngày 22 tháng 4 năm 1838, chàng trai Taras được một số văn nghệ sĩ Nga bỏ tiền ra trả cho địa chủ Engelhardt để chuộc thành người tự do. Taras Shevchenko trở thành sinh viên Học viện Mỹ thuật, trực tiếp theo học danh họa Karl Pavlovich Briullov.

Ngoài việc học vẽ ở Học viện Mỹ thuật, Shevchenko còn say mê sáng tác thơ ca. Tập thơ đầu tay nhỏ bé của Shevchenko có tên là Người hát rong (Kobzar) xuất bản năm 1840 nhờ tiền của một người bạn Ukraina của mình. Tập thơ nhỏ, chỉ với 8 bài thơ và trường ca này đã gây một ấn tượng mạnh mẽ cho người đọc Ukraina cũng như người đọc Nga.

Năm 1841, Shevchenko sáng tác bản trường ca lớn Haydamaky miêu tả cuộc khởi nghĩa nông dân 1768. Cũng như tập thơ đầu tay Người hát rong, bản trường ca Haydamaky đã thành công lớn. Tiếp theo xuất hiện những tác phẩm thơ ca khác đều có giá trị: Hamalya, Trizna, Giấc mơ, v.v.

Năm 1845, Shevchenko tốt nghiệp Học viện Mỹ thuật, và trở về Ukraina bắt đầu làm việc tại ủy ban khảo cổ học. Vì giao du với các thành viên trí thức tiến bộ, đặc biệt là với nhà hoạt động xã hội Nicolay Kostmarov, tham gia Hội ái hữu Thánh Cyril và Methodius – một tổ chức chính trị hoạt động bí mật ở Kiev nhằm chống lại chế độ nông nô, Shevchenko đã bị bắt cùng 10 người khác trong tổ chức. Tất cả những người này phải chịu những hình phạt khác nhau vì tội tổ chức các hoạt động chính trị, trong đó Shevchenko bị hình phạt nặng nhất vì trường ca Giấc mơ đã châm biếm hoàng hậu. Shevchenko bị đày đi làm lính trơn ở tiểu đoàn tiền phương Orenburg, bị cấm sáng tác và đã phải sống ở nơi lưu đày xa xôi hẻo lánh suốt mười năm ròng.

Các năm 1848-1849 Shevchenko được tham gia đoàn thám hiểm ở biển Aral. Với sự ưu ái của các sĩ quan ở đây, Shevchenko được tự do sáng tác và kết quả là có nhiều tác phẩm thơ cũng như hội họa được sáng tác trong thời kỳ này.

Sau khi Sa hoàng Aleksandr II lên ngôi, năm 1857, Shevchenko được trả tự do. Ông được trở về Nizhny Novgorod, sau đó về Saint Petersburg. Thời kỳ này Shevchenko tiếp tục viết, vẽ và tập hợp những sáng tác trong thời kỳ lưu đày.

Năm 1859 ông về thăm quê hương Ukraina. Ngày 2 tháng 9 năm 1860 Shevchenko được phong Viện sĩ của Viện Hàn lâm Nghệ thuật. Năm 1860, tại Saint Petersburg, Shevchenko cho xuất bản lại bản mới của tập thơ Người hát rong (Kobzar).

Sau những năm tháng cơ cực tù đày, Shevchenko có dự định trở về Ukraina sinh sống, đã có ý định mua đất làm nhà ở Ukraina và sẽ cưới vợ nhưng ông đã lâm bệnh hiểm nghèo. Buổi sáng ngày 10 tháng 3 năm 1861, Taras Hryhorovych Shevchenko qua đời.

Ông được chôn cất tại nghĩa trang Smolensky ở Saint Petersburg. 58 ngày sau đó, theo như Lời di chúc của Taras Shevchenko, hài cốt của ông được đem về an táng tại Đồi Chernecha (nay là Đồi Taras), thành phố Kaniv, tỉnh Cherkasy, bên sông Dnepr.

Di sản văn học của Taras Shevchenko được coi là nền tảng của văn học Ukraina, và đến một mức độ lớn hơn, là nền tảng của ngôn ngữ Ukraina hiện đại. Taras Shevchenko là người đầu tiên nâng thơ ca Ukraina lên ngang tầm các nền thơ khác của châu Âu.

Taras Shevchenko trở thành biểu tượng của dân tộc Ukraina. Trong lịch sử văn học thế giới, tên tuổi của ông đứng ngang hàng với những thiên tài về ngôn ngữ như Pushkin, Goethe, Maeterlinck… Thơ của ông được dịch ra hơn hai trăm thứ tiếng của thế giới.

(Theo Wikipedia)

*

DI CHÚC

Khi tôi chết

hãy để tôi yên nghỉ, hãy để tôi nằm

giữa những thảo nguyên Ucraina rộng lớn.

Hãy để tôi thấy

những cánh đồng bao la và những quả đồi nghiêng

tôi biết bao yêu quý.

Hãy để tôi nghe

sông Dnep cuộn trào.

Và khi máu

của kẻ thù của Ucraina

chảy vào nước biển xanh

đấy là khi tôi sẽ quên

những cánh đồng và những quả đồi

để lại chúng tất cả

và cầu nguyện Chúa.

Cho tới tận khi đó tôi chưa hề biết Chúa.

Hãy chôn tôi, hãy vùng lên

và bẻ gãy xích xiềng của bạn.

Hãy tắm rửa tự do của bạn

bằng máu của những kẻ áp bức.

Và khi đó hãy nhớ đến tôi

Với những tiếng thì thầm dịu dàng

và những lời êm ái

trong đại gia đình

của tự do mới mẻ.

 

KHÔNG ĐỀ

Ngày trôi và đêm trôi

và mùa hè đã hết;

lá đã vàng và lá đã khô;

mắt tôi đã cạn trơ.

Đầu óc tôi đã ngủ yên

tim tôi không còn đập nữa,

Và vạn vật đều im lìm.

Tôi tự hỏi: mình đang sống đây

hay chỉ lang thang vô tích sự?

nếu như tôi chỉ khóc cười

không thôi.

Hãy nói ta hay, số phận, ngươi ở đâu?

Sao ta chẳng có?

Chúa ơi, nếu người không chia cho con một số phận tốt

thì một số phận xấu cũng được chứ sao?

Chỉ cốt sao đừng để con thành kẻ mộng du

đánh mất trái tim

lăn qua cuộc đời

như khúc gỗ mục.

Hãy để con sống

hãy để trái tim con đập

hãy để con yêu.

Nếu không – mả cha cuộc đời này!

Thật tệ hại khi sống trong xiềng xích

và chết là người nô lệ.

nhưng còn tệ hơn là ngủ

và ngủ quên trong tự do

và ngủ thiếp đi mãi mãi.

Bạn sống ư? Bạn chết ư?

Ai biết?

Hãy nói ta hay, số phận, ngươi ở đâu?

Sao ta chẳng có!

Chúa ơi, nếu người không chia cho con một số phận tốt

thì một số phận xấu cũng được chứ sao?

1845

 

GỬI N. N

Khi chiều tà phủ bóng những ngọn đồi

khi chim thôi hót ca và những cánh đồng yên tĩnh

khi mọi người cười và tìm chốn nghỉ ngơi

Tôi lặng ngắm khung cảnh này.

Trái tim tôi vội tìm về những khu vườn rực rỡ của Ucrana.

Và tôi vội vã.

Ôi, tôi vội vã biết bao với những ý nghĩ của mình

khi trái tim tôi khao khát được nghỉ ngơi.

Khi những cánh đồng tối dần,

khi những lùm cây tối dần,

khi những quả đồi tối dần,

tôi nhìn một vì sao.

Và tôi ứa nước mắt.

Này vì sao ơi!

Ngươi có chiếu rọi đến Ucraina không?

Những đôi mắt đen có thau rửa trời xanh để tìm ngươi?

Hay chúng chẳng thèm nhìn?

Thôi mặc chúng ngủ nếu chúng không nhìn.

Thôi mặt chúng chẳng biết gì về số phận tôi.

1847

 

KHÔNG ĐỀ

Ôi giá chi tôi lại được thấy

những cánh đồng và thảo nguyên quê hương.

Khi tôi già rồi

Chúa có cho tôi

được tự do không?

Tôi sẽ về lại Ucraina,

Tôi sẽ trở về nhà.

Ở đó họ sẽ chào đón tôi – mừng thấy một người già.

Ở đó tôi sẽ nghỉ lại,

Tôi sẽ cầu nguyện Chúa.

Tôi sẽ ở đó – nhưng rồi thì sao?

Sẽ chẳng có gì cả.

Làm sao tôi sống trong nô lệ mà không hy vọng?

Hãy nói cho tôi biết

xin hãy nói

để tôi khỏi phát điên.

1848

Comments are closed.