Thảo luận mùa hè 2022 (2): Nguyễn Viện – Văn chương không thể khởi sắc khi nhà văn vẫn sợ hãi chính trị

Vào tháng sáu, Văn Việt bắt đầu thực hiện cuộc Thảo luận mùa hè 2022.

Thời điểm đó, cả nước (và nhứt là Sài Gòn), đã lựng chựng những bước đi đầu tiên, cố “bình thường trở lại” sau những tháng ngày kiệt quệ vì phong tỏa. Những nội dung chia sẻ trong thảo luận là từ trạng thái đó:

”Đang là thập niên thứ ba của thế kỷ 21, và nhân loại vừa ra khỏi một thảm họa cực kỳ khốc liệt khiến mỗi người phải nhìn lại mình và trả lời câu hỏi: Nếu được sống (tiếp) thì sẽ sống thế nào?

Còn các nhà văn thì hỏi: Nếu được sống (tiếp) thì sẽ viết thế nào?

Phải chăng nhà văn đã “chậm chân”, đã bị “bỏ-lại” so với sự phát triển của khoa học và công nghệ, những thứ đã giúp cho một người bình thường, chỉ với bàn phím và mạng xã hội, có thể nối kết cùng cộng đồng và được đón nhận một cách hiệu quả hơn so với trang viết của nhà văn?

Phải chăng sự thiếu vắng những nhà văn tên tuổi mà tư tưởng đủ sức gây ảnh hưởng lên toàn nhân loại khiến những tác phẩm hư cấu giờ trở nên “nhẹ-cân-hơn” ngay cả với thể loại văn chương phi-hư-cấu?

Và anh/chị có thể trả lời các câu hỏi sau hoặc mở rộng vô giới hạn theo ý của anh/chị.”

Xin giới thiệu bài của nhà văn Nguyễn Viện.

VĂN VIỆT

…………………………..

nguyen vien

Nguyễn Viện

1- Có phải cuộc sống lệ thuộc vào công nghệ đã khiến con người bớt quan tâm tới những vấn đề trước đây là “trọng điểm” của văn chương? Những vấn nạn về triết lý sống/chiến tranh-hòa bình/tình yêu nam nữ… có phải đã thay đổi?

-Trước hết, tôi đồng ý rằng cuộc sống bây giờ lệ thuộc rất nhiều vào công nghệ, một ví dụ gần gũi nhất, tôi đang sử dụng laptop để trả lời qua hình thức email. Bản thân tôi cũng viết trên máy tính, và nó rất thuận lợi khi phải sửa chữa, thay đổi… một cách vô cùng đơn giản, ít tốn công nhất so với việc phải viết tay như trước.

Tuy nhiên, không vì thế mà suy nghĩ hay xúc cảm hoặc nguồn cảm hứng của tôi khác đi. Nói cách khác, không phải vì lệ thuộc công nghệ mà sự quan tâm của tôi trong các vấn đề của văn chương thay đổi. Bởi vì, “trọng điểm” của văn chương về căn bản không có gì đổi khác, bởi bản chất cuộc sống con người vẫn thế. Cái gọi là công nghệ chỉ giúp con người sống tiện nghi hơn, tiết kiệm được thời gian hơn và cùng với cuộc cách mạng công nghệ ấy, nó cũng làm cuộc sống con người tăng tốc hơn. Con người tham lam hơn và hưởng thụ nhiều hơn.

Có thể, nhờ cuộc cách mạng công nghệ mà người ta cập nhật thông tin nhanh hơn, nhiều hơn và bao quát hơn.

Triết lý sống hay các vấn nạn về chiến tranh – hòa bình, tình yêu nam nữ hoặc gia đình hay tôn giáo… tất nhiên luôn được điều chỉnh theo thời thế. Mà thời thế ở đây, theo tôi là vấn đề của nhận thức và văn hóa, không phụ thuộc vào công nghệ, bởi công nghệ chỉ là phương tiện. Và phương tiện thì không tác động đáng kể đến bản chất muôn thuở của con người.

Các kim chỉ nam về tư tưởng hay cứu cánh của con người vẫn đứng vững. Những thay đổi lớn lao của con người thuộc về ý thức và tư tưởng.

Với cách mạng công nghệ, phương thức giải trí hay cách truyền tải thông tin của con người có thể thay đổi, như sách báo truyền thống có thể sẽ phải khác đi, văn chương có thể trở thành thứ yếu.

Nhưng theo tôi, những vấn nạn của đời sống sẽ không bao giờ thay đổi.

2- Người đọc đang trông chờ gì ở các nhà văn?

-Tôi chỉ có thể trả lời câu hỏi này khi đặt mình vào tư cách người đọc.

Tôi nghĩ có ít nhất hai cách chờ đợi.

Một là, người đọc muốn được nghe một câu chuyện khác, không phải giống như cuộc đời họ hay câu chuyện của họ. Một cái gì mới, khác lạ. Một thế giới họ chưa hề được biết tới, cùng với nhà văn, họ muốn được khám phá, không chỉ câu chuyện mà cả cách được kể câu chuyện ấy.

Hai là, người đọc chờ đợi được nghe lại câu chuyện của mình, của cái đang xảy ra trước mắt họ, cũng như những khát vọng của họ. Nói một cách khác, là phản ảnh được cuộc sống như nó đang diễn ra, những suy nghĩ và cảm nhận về thời đại mình đang sống.

3- Nhà văn có thể làm gì để “cập nhật” mình, để không bị “bỏ lại”?

-Tất nhiên, một nhà văn thì không thể để mình bị lỗi thời so với cuộc sống đương đại, thậm chí phải là người đi trước thời đại.

Người ta thường hay nói, nhà văn cần phải đọc nhiều. Nhưng với tôi, điều quan trọng hơn là phải sống nhiều. Điều ấy có nghĩa, cuộc sống hay suy nghĩ của nhà văn thì nên được “cập nhật” bằng chính cuộc sống và cách sống của mình, hơn là những trải nghiệm vay mượn (đọc sách) từ người khác. Điều ấy, vừa làm cho nhà văn có nội lực thâm hậu hơn, vừa tránh được ảnh hưởng của người khác.

Nhưng tôi không loại trừ, nhà văn hay bất cứ ai, ngoài chiêm nghiệm hay sống thực một cách sâu sắc, cùng vui buồn với cuộc đời, lo âu và hạnh phúc với thực tại mà còn cần được bổ sung kiến thức, làm giàu kiến thức bằng sách vở.

4- Liệu nhà văn Việt Nam có đủ tài năng và bản lĩnh văn hóa/nghề nghiệp để “chuyển tải/chuyển hóa” những thực tại nhức nhối trong cuộc sống hiện tại vào tác phẩm?

-Ở Việt Nam có rất nhiều nhà văn viết theo khuynh hướng hiện thực. Và nếu chỉ để chuyển tải thực tại thành văn học hay văn chương, điều ấy không phải là bất khả. Vấn đề là nhà văn Việt Nam đương đại có đủ bản lĩnh và dũng cảm để chuyển tải thực tại ấy không.

Thật ra, để biến thực tại thành văn học, nhà văn cần nhiều yếu tố hơn việc chụp bắt thực tại.

Tài năng là cái đến sau.

5- Anh/chị có tin rằng văn chương tiếng Việt sẽ khởi sắc, bởi cuộc sống đang đầy xáo trộn cũng đồng thời tạo ra nhiều gợi ý và cảm hứng/thách thức cho nhà văn?

-Quả thật, chúng ta đang sống trong một xã hội đầy những xáo trộn và bất trắc. Đấy chính là chất liệu của nhà văn. Đồng thời những xáo trộn và bất trắc ấy cũng thúc đẩy nhà văn làm việc như một cơ hội tốt.

Nhưng đối với hầu hết các nhà văn lớn tuổi, có vẻ như họ đã hết năng lượng để cập nhật thời thế và những tư duy mới của thời đại. Họ an phận và trung thành với “cái đẹp” và nếp sống cũ. Vì thế xã hội hay cuộc đời có biến đổi tới đâu thì họ vẫn là những kẻ đã dừng chân vĩnh viễn với các giá trị truyền thống, lạc hậu.

Đối với các nhà văn trẻ, tuy mang tâm thức thời đại, nhưng cái rào cản của chế độ toàn trị và sự thiếu tự do trong ý thức chính trị đã vô hình chung chặn cửa sáng tạo của họ.

Vì thế, trong ngắn hạn, văn học Việt Nam rất khó để khởi sắc khi chúng ta thiếu hẳn một bầu khí hưng phấn và những diễn đàn mở của tự do tư tưởng và khích lệ sự cách tân.

Chỉ khi nào nhà văn Việt Nam thoát ra được khỏi nỗi sợ hãi chính trị, cũng như cái áp lực của văn hóa đạo đức truyền thống, khi ấy chúng ta mới có thể hy vọng.

Comments are closed.