Nguyễn Huy Thiệp

Thomas A. Bass, https://mekongreview.com/nguyen-huy-thiep

Nguyễn Trung Kiên dịch

 

Nguyễn Huy Thiệp (đứng). Ảnh: Peter Zinoman

Nguyễn Huy Thiệp gặp chúng tôi trong trang phục áo sơ-mi trắng dài tay, hở cổ, quần dài xanh đậm và đôi dép xăng-đan. Mặt lấm tấm mồ hôi, ông xin lỗi vì đã đến muộn, giải thích rằng ông vừa đạp xe 15 km trên chiếc xe đạp mà ông vẫn đạp quanh Hà Nội để tập thể dục, kể cả vào ngày mà nhiệt độ lên tới 30 độ C với độ ẩm cao. Thiệp giới thiệu với tôi vài số tạp chí tiếng Việt đăng bài ông viết, kể về việc ông viết truyện ngắn nổi tiếng ‘Tướng về hưu’ của mình như thế nào. Tôi cảm thấy những bài báo này thể hiện một bước ngoặt đầy hạnh phúc trong cuộc đời của ông. Sau ba mươi năm sống trong sự thờ ơ của nền chính trị tại Việt Nam, cuối cùng ông cũng nhìn thấy ánh sáng cuối đường hầm.

Thiệp có gò má cao đặc trưng của người miền Bắc, trên khuôn mặt tròn với vẻ tinh quái ở tuổi 65. Ông luôn mỉm cười. Ông pha trò. Hãy tưởng tượng Picasso được cấy ghép từ Riviera đến Hà Nội với đôi mắt nâu luôn liếc nhìn. Thiệp nói lắp, như thể những câu nói được kéo dài từ tận tám trăm năm trước, khi những người nô lệ Chàm được đưa lên phía bắc Hà Nội, nơi họ định cư tại ngôi làng là quê hương của Thiệp ở ngoại ô thành phố và mang theo đạo Phật, mà mẹ của Thiệp và sau đó chính ông bắt đầu tu tập. Tôi để ý thấy Thiệp có cái dái tai to và dài ẩn dưới mái tóc nâu bạc, mà người Việt quen gọi là ‘tai Phật’.

Là nhân vật hàng đầu của phong trào Đổi mới những năm 1980, mặc dù có lẽ không nổi tiếng ở ngoài nước như Bảo Ninh hay Dương Thu Hương, nhưng Thiệp là nhà văn Việt Nam nổi tiếng nhất. Ông là người định hình phong cách văn chương xuất sắc, và là người sáng tạo ra lối kể chuyện đa nghĩa – một cú hích để đẩy nền văn chương Việt từ chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa sang chủ nghĩa hiện đại. Sau khi Thiệp xuất hiện trên văn đàn, không người cầm bút nào có thể tiếp tục viết theo lối cũ mà họ từng theo trước đó. Ông định nghĩa lại các chuẩn mực bằng cách lần lượt công bố các truyện ngắn mà ngay lập tức trở thành kinh điển.

Thiệp bắt đầu sự nghiệp thành công nhanh chóng của mình từ năm 1987, và đến năm 1988, ông đã xuất bản tuyển tập truyện ngắn và được mọi người ca tụng là là ‘năm của Nguyễn Huy Thiệp’. Năm 1989, bộ phim “Tướng về hưu” ra mắt, đến năm 1990 thì Thiệp được kết nạp vào Hội Nhà văn. Nhưng đây cũng là năm mà các tuyển tập truyện ngắn của ông bắt đầu biến mất khỏi các cửa hàng sách. Báo ‘Nhân dân’, tờ báo của đảng, đã đăng hai bài viết công kích Thiệp, cho rằng ông đã ‘phản bội Cách mạng Việt Nam bằng cách lật đổ những anh hùng thiêng liêng trong lịch sử Việt Nam’ và rằng ông đã ‘bị lừa gạt bởi ảo ảnh hão huyền của Sài Gòn trước năm 1975’. Chiến dịch tố giác tiếp tục cho đến năm 1991, khi công an đột kích vào nhà Thiệp, mang theo sách và bản thảo của ông, và tạo ra một bước ngoặt trong cuộc đời ông. Đây cũng là một bước ngoặt của nền văn học Việt Nam, khi cuộc thử nghiệm 5 năm ngắn ngủi của đất nước với công cuộc Đổi mới đã kết thúc bằng thời đại đen tối vẫn tồn tại cho đến ngày nay.

Thiệp nói: “Tôi muốn có một cuộc sống bình thường”, nhắc lại điều mà tôi nhận ra rằng đó là câu thần chú của mọi nghệ sĩ, nhà văn Việt Nam, những người hy vọng tránh được tù tội. ’Tôi không cảm thấy thoải mái với các chính trị gia. Đó là cách truyền thống của người dân ở đây để tránh xa chính trị’.

Tôi đã sắp xếp để dành buổi chiều cùng Thiệp tại quán cà phê Nhân, nơi gặp gỡ yêu thích của ông trong thành phố. Nơi lui tới của các nghệ sĩ và nhà văn này nằm trong một tòa nhà gần Hồ Gươm, trung tâm lịch sử của Hà Nội. Sau hai mươi phút đạp xe từ ngoại ô vào thành phố, Thiệp gọi một cốc sắn dây, rất tốt để làm mát cơ thể đang quá nóng.

Ông nói: “Lịch sử gia đình tôi là nguồn cảm hứng cho truyện ngắn ‘Tướng về hưu’. Ông tôi có hai bà vợ. Bà vợ thứ hai thật độc ác, giống như người vợ trong câu chuyện. Bà ấy tàn nhẫn đến mức bố tôi buộc phải rời miền Bắc để vào Sài Gòn. Ông làm thuê cho cộng đồng người Hoa và sau đó vào đại học để học kỹ thuật. Ông nhận được công việc giám sát viên đường sắt thuộc địa, nơi ông chuyên xây dựng cầu và đường. Người Pháp đã trả công xứng đáng cho ông. Ông ở lại miền Nam cho đến năm 1945 thì gia nhập lực lượng cách mạng và về sống ở miền Tây Bắc, nơi ông làm việc cho triều đình. Ông là một viên quan to, cưỡi ngựa và mặc một bộ đồ trắng’.

Thiệp kể về việc cha ông gặp rắc rối như thế nào khi đưa ra đề nghị thả một nhóm tù nhân. Sự việc này tái xuất hiện trong một câu chuyện khác của Thiệp. Thiệp nói, gia đình ông là một trong những gia đình lâu đời nhất ở Hà Nội. Họ có thể tìm dòng dõi của mình từ tám trăm năm trước. Họ bắt đầu mất dần từng mảnh đất trong các cuộc chiến tranh tại Việt Nam trong thế kỷ XX. Không còn lại gì, cho đến khi một thửa đất – mảnh vườn ngoại ô Hà Nội, nơi gia đình thường lui tới để nghỉ ngơi để trốn cái nóng của thành phố, được trả lại cho họ vào năm 1960. Đây là nơi Thiệp hiện đang sinh sống.

Tôi nhận ra rằng mình đang nói chuyện với một nhà quý tộc trên chiếc xe đạp, một người Hà Nội già đang lăn lộn khắp thành phố hệt như một tay bán hàng rong, ngoại trừ chiếc xe đạp của ông là một chiếc đắt tiền với đôi lốp xe sáng bóng. Không có tài liệu tiểu sử nào về Thiệp mà tôi từng đọc nhắc đến cha ông đang cưỡi ngựa hay bận bộ đồ trắng. Các tài liệu ấy chỉ nhắc đến mẹ ông và cách bà bị buộc phải rời khỏi thành phố và sống như một nông dân ở nông thôn trong cuộc chiến tranh chống Mỹ.

Xem ảnh do một người bạn chung chụp, tôi mới biết có bức tượng Phật khổng lồ đang ngự trong vườn nhà Thiệp. Ông nói: “Tôi dựng tượng Phật năm 1991. Tôi dựng nó khi đang gặp khó khăn. Đó là phản ứng của tôi với chính quyền. Mất ba tháng rưỡi để xây dựng bức tượng và tốn kém như xây một ngôi nhà. Tôn giáo đã giúp tôi cân bằng những xung đột quanh mình’.

Tôi đề nghị ông giải thích. Thiệp nói: “Năm 1991, công an đã đột nhập vào nhà tôi. Họ lấy tất cả sách báo và bản thảo của tôi và buộc tội tôi phá hoại sự thành công của chủ nghĩa xã hội. Tôi đã bị thẩm vấn trong mười ngày liên tiếp. Họ đối xử với tôi như một kẻ bất đồng chính kiến. Tôi đã bị sốc. Đây là một lời cảnh tỉnh cho tôi.’

Đổi mới, một sự thử nghiệm ngắn ngủi của Việt Nam, giống perestroika, đã kết thúc. Thiệp nói: “Đây là lúc chính quyền bắt đầu khủng bố các tác giả ở Việt Nam. Tôi nhận ra công việc của mình có thể ảnh hưởng đến gia đình. Họ gọi tôi là kẻ phản bội. Họ đối xử với tôi như một nhà bất đồng chính kiến. Tôi quyết định hành động chậm lại. Tôi sẽ tạm dừng trong bài viết của mình. Rủi ro quá lớn.’

Ông nói: “Tôi không ngừng viết, nhưng đã ngừng ngây thơ. Tôi sẽ viết một cách thận trọng hơn. Tôi sẽ kiềm chế trong việc viết lách của mình. Tôi sẽ cẩn thận hơn. Tôi đã thay đổi chủ đề và ngôn ngữ của mình. Trước đây tôi là người lập dị và kiêu ngạo. Bây giờ tôi sẽ cẩn trọng hơn.”

Thiệp bắt đầu viết những bài luận khó hiểu về Phật giáo và che giấu những tuyên bố của mình bằng tư tưởng bí truyền. “Tôi quyết định viết những câu chuyện lạc quan hơn, những câu chuyện tươi sáng hơn,” ông nói.

Tôi hỏi rằng công an văn hóa có trả lại sách và bản thảo cho ông không. ‘Không, họ không trả. Dù sao thì chúng cũng là rác rưởi’, ông nói về những bài viết đầu tiên của mình.

Tôi dừng lại một chút, trước khi nhớ ra rằng Thiệp đang nói về những truyện ngắn xuất bản trước năm 1991, hay nói cách khác, về những truyện ngắn đã giúp ông nổi tiếng.

Ông nói: “Chính trị ở phương Đông giống như một con rồng. Khi nó vui, bạn có thể chơi đùa với nó, nhưng khi nó tức giận, nó có thể ăn tươi nuốt sống bạn".

Ông quay lại nói về bức tượng Phật trong khu vườn của mình. “Viết lách giống như một tôn giáo. Nhà văn ngồi thiền, phải giữ sự thiền định của mình. Bạn sẽ bị tổn thương nếu bạn đánh mất tâm trí thiền định của mình”.

Khi Thiệp đến thăm Hoa Kỳ vào năm 1998, nhiều người với niềm hi vọng được đến gặp một tác gia lớn đã bị thất vọng. Ông rất khó hiểu và phức tạp với triết lý của mình đến nỗi những người phiên dịch của ông đã dịch sai ý. Thiệp càng để tâm trí mình chìm đắm trong những trừu tượng Phật giáo, thì các nhà kiểm duyệt càng chiến thắng.

Tôi hướng cuộc trò chuyện trở lại sự nghiệp ban đầu của ông. Ông nói: “Trước năm 1991, tôi viết bằng bản năng. Tôi thích viết khi còn nhỏ, mặc dù cha tôi phản đối việc tôi trở thành nhà văn.’ Nền văn học của Thiệp pha trộn các tác phẩm kinh điển của Trung Quốc với văn học Pháp. Ngoài ra còn có một số lượng lớn những câu chuyện dân gian Việt Nam, mà Thiệp được nghe trong suốt một thập kỷ sống ở vùng núi Tây Bắc Việt Nam. ‘Tôi muốn kết hợp hai nền văn hóa Đông và Tây,’ ông nói về một bộ ‘Tổng tập’ của mình gồm gồm năm mươi truyện ngắn, bảy vở kịch dài và đầy đủ, nhiều bài tiểu luận, ba tập kịch bản phim, và một cuốn tiểu thuyết được xuất bản bằng tiếng Pháp, Nos Vingt Ans [Tuổi hai mươi yêu dấu].

Giấc mơ của người nghệ sĩ. Tranh Nguyễn Đình Đăng

 

*

Thiệp được nuôi dưỡng bởi một người mẹ theo đạo Phật, người ông ngoại đã giới thiệu văn học Trung Quốc cho ông, và những người thầy khác, bao gồm một linh mục Công giáo và các giáo sư của ông tại Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội, nơi ông học lịch sử. Sau khi tốt nghiệp năm 1970, Thiệp được đưa đến sống giữa người H’mông và các dân tộc thiểu số khác ở vùng núi Tây Bắc Việt Nam. Ông ở đó trong một thập kỷ, dạy các lớp phụ đạo cho cán bộ cộng sản. Ông thích tìm hiểu về thế giới đầy linh hồn của những người miền núi, và dường như, họ đánh giá cao việc tìm hiểu về thế giới thần thoại của ông. Phương pháp dạy của Thiệp là mượn sách ở thư viện tỉnh, vốn đã sơ tán lên núi để bảo quản. Ông đã đọc rất nhiều tài liệu và lịch sử thế giới và sau đó kể những câu chuyện về những cuốn sách này cho học sinh của mình. Dostoevsky và Camus trộn lẫn với các chủ đề về kinh tế và triết học biến thành những bài giảng tuyệt vời. Thiệp không cần phải mượn chủ nghĩa hiện thực huyền ảo. Ông đã sống chung với nó.

Năm 1980, Thiệp rời khỏi rừng vì đói và chán chường. Ông làm thêm bảy năm nữa với tư cách là một họa sĩ, thợ đá và buôn hàng chợ đen, trước khi đăng truyện đầu tiên trên báo ‘Văn nghệ’, tờ báo chính thức của Hội Nhà văn Việt Nam. Ông nói: “Vào năm 1986, điều kiện xã hội ở Việt Nam rất tồi tệ. Xã hội hỗn loạn và nghèo đói. Vì mất đi sự hỗ trợ từ Liên Xô, Việt Nam đã mở cửa với thế giới bên ngoài. Viết lách trở nên dễ dàng hơn. Trước năm 1986, các nhà văn đã từng bị bắt. Nhưng sau năm 1986 và sự khởi đầu của công cuộc Đổi mới, xã hội đã có sự cởi mở và việc viết lách trở nên khả thi”.

Thiệp nói về truyện ngắn đầu tiên của mình, công bố năm 1987: “Tôi thật may mắn. Thời điểm của tôi đã đến. Tôi viết bằng bản năng. Tôi đã viết bởi niềm vui của việc viết lách. Mọi người chờ đợi những câu chuyện của tôi ra mắt.”.

Thiệp hoạt bát khi nói chuyện. Ông cười nhiều và giậm chân để nhấn mạnh.

Tôi hỏi Thiệp liệu ông có gặp khó khăn khi tác phẩm của mình được xuất bản sau khi nhà ông bị công an văn hóa khám nhà hay không. "Đúng vậy, sau năm 1991 có lệnh bí mật của lãnh đạo. Không ai có thể nhắc đến tên tôi hoặc xuất bản tác phẩm của tôi. Tác phẩm của tôi đã bị ‘kiểm duyệt’. Ngày càng mất nhiều thời gian hơn để xuất bản”.

Ông nói: “Tôi đã cố gắng điều chỉnh tác phẩm của mình cho phù hợp với nhu cầu xã hội. Tôi tự kiểm duyệt nội dung. Đôi khi nó đã được sửa chữa bởi các biên tập viên. Thông thường, họ quá nhiệt tình hoặc quá sáng tạo, đặt bình luận của họ lên đầu các câu chuyện của tôi. Tôi phải chấp nhận rằng những câu chuyện của tôi sẽ bị kiểm duyệt bởi những tay kéo kiểm duyệt vốn không biết văn học là gì. Văn học Việt Nam ra đời trong thời đại cách mạng. Nó đã được sử dụng như một công cụ chính trị, điều này làm cho nó trở nên đẫm mùi ý thức hệ. Nó không đủ tinh tế. Rất khó để trở thành một nhà văn ở Việt Nam."

*

Khi bóng tối dần buông xuống thành phố, chúng tôi quyết định đi dạo quanh Hồ Hoàn Kiếm, cách quán cà phê vài bước chân. Thiệp mở khóa xe đạp và dắt nó theo. Bờ Hồ tấp nập người tan sở, các đôi uyên ương hẹn hò, những người cùng nhau chơi cờ tướng, tập Thái Cực Quyền, hay tản bộ trong không khí ấm áp vào buổi tối như chúng tôi.

Tôi đang nhìn chằm chằm ngôi đền nhỏ nằm trên hòn đảo xanh tí hon đánh dấu trung tâm lịch sử của Hà Nội thì Thiệp đề nghị chúng tôi sang đường. Các dòng xe máy và ô-tô lao vun vút qua chúng tôi. Thiệp đạp xe đến trước cửa một khách sạn mới sang trọng, Apricot, được đặt theo tên của phòng trưng bày nghệ thuật Hà Nội đã tài trợ cho hoạt động sang trọng này. Ông chủ khách sạn, người tình cờ đang đứng trên bậc thềm, chào đón Thiệp một cách trang trọng và mời chúng tôi vào trong tham quan. Thiệp gửi xe đạp cho người gác cổng.

Chúng tôi bước vào sảnh đợi gắn đèn chùm với một nghệ sĩ dương cầm đang trình tấu bên chiếc đại dương cầm, và dạo qua những bức tranh về đời sống nông thôn Việt Nam. Chúng tôi đi thang máy lên tầng hai và đi bộ về phía trước. Ở đây chúng tôi tìm thấy một loạt các tủ kính trưng bày với hàng chục đĩa sứ. Phòng trưng bày các tác phẩm nghệ thuật của Thiệp cho thấy ông làm gì khi ông không viết. Các đĩa màu trắng được minh họa bằng những hình vẽ đậm màu xanh lam — chân dung tự họa, vài dòng thơ, hình ảnh những người làm việc trên cánh đồng, hình ảnh minh họa từ các câu chuyện và thần thoại Việt Nam. Một vài tấm hình vẽ Thiệp trong thời gian bị bệnh gần đây. Một tấm vẽ một người phụ nữ đang đốt sách. Hình ảnh bắt nguồn từ một câu chuyện dân gian về một bác sĩ đã chết, và vì ông đã chết, người vợ của ông cho rằng những tác phẩm của ông là vô giá trị. Mặt sau những chiếc đia có những dòng chữ thảo là những đoạn trích từ nhật ký hoặc những suy nghĩ hay bình luận của Thiệp về cuộc sống hàng ngày của ông.

Bây giờ tôi mới nhận ra nguồn gốc của nụ cười nhăn nhúm của Thiệp. Bị kiểm duyệt chặn kể chuyện, ‘Picasso của Hà Nội’ của chúng ta sinh tồn bằng cách bán những chiếc đĩa đã được ông vẽ trang trí. Ông cũng đã mở quán ăn. Từ nhiều năm nay, Thiệp mở quán ăn bình dân Hoa Ban bên bờ sông Hồng. Người dân địa phương gọi quán ăn này là ‘Kiếm sắc’, tên của một trong những câu chuyện nổi tiếng của Thiệp. Nhưng cái tên, theo tiếng lóng của Việt Nam, cũng có nghĩa là ‘chặt chém’ hoặc ‘bán quá đắt’.

Tôi hỏi chủ nhân của Khách sạn Apricot xem những chiếc đĩa sứ của ông Thiệp có phải là bộ sưu tập lâu dài của khách sạn không hay chúng được bán. Ông nói: “Điều đó phụ thuộc vào giá cả”.

Tác phẩm gây dư luận của Nguyễn Huy Thiệp là bộ ba truyện lấy bối cảnh những năm 1800, có tên là ‘Kiếm sắc’, ‘Vàng lửa’ và ‘Phẩm tiết’. Các truyện ngắn này khiến cho các nhân vật lịch sử của Việt Nam trở nên sinh động. Bằng cách ‘trần tục hóa’ những nhân vật này, Thiệp bộc lộ sự tàn bạo và yếu đuối của họ. Trong ‘Vàng lửa’, người lính đánh thuê đóng vai người kể chuyện của Thiệp kết luận rằng Việt Nam là ‘cô gái đồng trinh bị nền văn minh Trung Hoa cưỡng hiếp. Cô gái ấy vừa thích thú, vừa nhục nhã, vừa căm thù nó’.

Người kể chuyện của Thiệp nói rằng con của cô gái bị hiếp dâm này chính là Nguyễn Du. Nguyễn Du là nhà thơ nổi tiếng đã viết nên thiên sử thi ‘Truyện Kiều’ của Việt Nam. Bản thân Kiều đã là một câu chuyện về sự cưỡng đoạt. Nó kể về câu chuyện của một thiếu nữ trẻ tự nguyện trở thành gái mại dâm ở Trung Quốc để cứu cha mình khỏi bàn tay của chủ nợ. Phăng, người kể chuyện, nói: “Nguyễn Du là đứa con của cô gái đồng trinh kia, dòng máu chứa đầy điển tích của tên đàn ông khốn nạn đã cưỡng hiếp mẹ mình”.

Cuộc tấn công vào bậc đại thi hào của Việt Nam đã gây sốc cho độc giả của Thiệp, nhưng Thiệp nghĩ rằng ông chỉ đơn thuần chỉ ra điều hiển nhiên. Có nên cảm thấy lạ lùng chăng khi mà pho sử thi dân tộc của Việt Nam, bài thơ mà mọi trẻ em Việt Nam học thuộc lòng, lại kể về câu chuyện của một cô gái bị bán vào động mại dâm ở Trung Quốc? Phăng nói: “Cộng đồng Việt là một cộng đồng mặc cảm. Nó nhỏ bé xiết bao bên cạnh nền văn minh Trung Hoa, một nền văn minh vừa vĩ đại, vừa bỉ ổi lại vừa tàn nhẫn…”

Câu chuyện đầu tiên và vẫn là câu chuyện nổi tiếng nhất của Thiệp là ‘Tướng về hưu’, tác phẩm được ông đăng trên báo ‘Văn nghệ’ năm 1987. Truyện kể về một vị tướng già, không thích hợp với cuộc sống ở Việt Nam hiện đại, trở về đơn vị rồi hy sinh. Bản chất hám lợi của nước Việt Nam đương thời được thể hiện rõ qua người con dâu của vị tướng già tên là Thủy. Đây là nhân vật mà Thiệp nói được lấy nguyên mẫu từ lịch sử gia đình của chính mình. Thủy là một ‘phụ nữ hiện đại’, một bác sĩ tại một bệnh viện phụ sản, người đã mang thai nhi bị bỏ ra khỏi bệnh viện để mang về nhà cho chó béc-giê ăn – đàn chó mà cô nuôi để bán trên thị trường chợ đen. Bị kẹt giữa bi kịch gia đình này này là người con trai bất hạnh của vị tướng già, người cố gắng hài hoà nhưng không thành công, giữa bản năng thương mại của người vợ và quy tắc đạo đức lỗi thời của cha mình.

Câu chuyện đầy tính khiêu khích này được xuất bản chỉ vì Nguyên Ngọc – mới được bổ nhiệm làm Tổng Biên tập báo ‘Văn nghệ’ – đã tìm thấy nó trong đống bản thảo và dám in nó. Sau một thập kỷ sáng tác trong thầm lặng, Thiệp đã có rất nhiều truyện ngắn sẵn sàng công bố, và Nguyên Ngọc đã công bố chúng, nhiều nhất có thể, liên tiếp và nhanh chóng, cho đến khi ông bị sa thải vào năm 1988. Điều này đánh dấu sự kết thúc cho sự bùng nổ văn hóa ngắn ngủi của Việt Nam, và chẳng bao lâu nữa, công an văn hóa sẽ tìm gặp Thiệp.

Năm 2008, hai mươi năm sau khi bị sa thải, Nguyên Ngọc đăng một bài luận về văn học Việt Nam đương đại trên ‘Journal of Vietnamese Studies’. Ông nói rằng Việt Nam thời hậu chiến đã sản sinh ra ba nhà văn lớn: tiểu thuyết gia Bảo Ninh, người không còn xuất bản tiểu thuyết, Phạm Thị Hoài, sống lưu vong ở Berlin, và Nguyễn Huy Thiệp, người hiện đang nghiên cứu triết học Phật giáo và vẽ trên đĩa sứ. Cho đến khi Thiệp xuất hiện trên văn đàn, văn học Việt Nam bị mắc kẹt trong một chuỗi lặp lại vô tận của những câu chuyện theo phong cách hiện thực xã hội chủ nghĩa về những người lính dũng cảm và những người nông dân cao quý. Độc giả quá ngán ngẩm, khiến tờ ‘Văn nghệ’ buộc phải đình bản bởi không còn đủ tiền để mua giấy và trả tiền in.

Điều đầu tiên Nguyên Ngọc thực hiện với tư cách là Tổng Biên tập mới của tờ báo là tiếp cận với đống truyện bị từ loại vì chúng phản ánh quá trung thực những vấn đề nhức nhối của cuộc sống. Ngay sau khi được giới thiệu trên văn đàn, truyện ngắn ‘Tướng về hưu’ đã xô đổ chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa. Nó đã du nhập vào văn học Việt Nam những chủ đề hiện đại và môi trường xung quanh của cuộc sống hiện đại. Không còn có một quan điểm trung tâm hay thẩm quyền đạo đức nào nữa. Thay vào đó là sự mơ hồ và tất cả những bóng mờ cùng sự thỏa hiệp của hiện tại. Thiệp đã quay ngược về quá khứ trong văn học Việt Nam, diễn giải lại nó, và phóng chiếu nó về tương lai mà ông đã cố gắng sáng tạo ra, trong một đợt công bố truyện ngắn hàng loạt, tất cả các thể loại văn học đặc trưng cho công cuộc Đổi mới của Việt Nam những năm 1980. Ông kể những câu chuyện về cuộc sống hàng ngày làm rung chuyển khung hình, để những khoảng trống của sự tự ngẫm nghĩ xuất hiện trong thực tế được chấp nhận. Ông diễn đạt lại những câu chuyện dân gian Việt Nam với guồng quay hiện đại. Nhưng gây sốc hơn cả là ba câu chuyện lịch sử dẫn đến việc ông bị công an văn hóa khám nhà.

Nguyên Ngọc cho biết, các tác phẩm của Thiệp ‘gây xôn xao dư luận’ của Thiệp, và đã giúp Nguyên Ngọc chứng kiến số lượng phát hành báo ‘Văn nghệ’ của ông tăng vọt. “Tất cả các nhà văn, mặc dù họ có thể không nói một cách cởi mở như vậy, nhưng đều nhận ra một điều rất quan trọng: họ không thể viết theo cách mà họ từng viết trước đây."

Những xáo trộn do cú gây chấn động văn đàn của Thiệp được Nguyên Ngọc gọi là ‘văn học sử thi đầy tính trữ tình cách mạng’ của Việt Nam. Thay vì những câu chuyện về những chiến binh dũng cảm và những người nông dân cao quý, những thể loại mới đã được phát minh hoặc hồi sinh, bao gồm ‘phóng sự tiểu thuyết’, hồi ký, phóng sự phi hư cấu và ‘ một vụ mùa bội thu của truyện ngắn’. Ngoại trừ các tác phẩm của Bảo Ninh và Phạm Thị Hoài, ‘sức mạnh của tiểu thuyết để khái quát về xã hội vẫn còn rất yếu’, Nguyên Ngọc nói. ‘Văn học đã chọn một thể loại khác để làm công việc mà tiểu thuyết chưa thể làm được, một thể loại mà tự nó, do đặc điểm riêng của nó, đòi hỏi sự khái quát: truyện ngắn’.

Nguyên Ngọc nói: “Nhà văn nổi bật nhất… vẫn là Nguyễn Huy Thiệp, và bên cạnh là Phạm Thị Hoài. Từ rất sớm, ông đã bắt đầu viết từ nhiều góc độ khác nhau, sử dụng một cách tiếp cận đa diện đến mức khiến độc giả thường xuyên sửng sốt… Trong quá trình đó, ông đã khởi xướng nền văn học Việt Nam hiện đại mà chúng ta có thể gọi là ‘văn học tự vấn’. Nhờ đó, một luồng sinh khí mới đã lan tỏa trong văn học Việt Nam, từ văn học nó đi vào xã hội… Có thể nói đây là lần đầu tiên trong văn học, người Việt Nam dấn thân vào việc tự vấn một cách dứt khoát như vậy".

*

Đây là một đoạn trích đã được chỉnh sửa từ Thomas A. Bass’s Censorship in Vietnam: Brave New World (Nhà xuất bản Đại học Massachusetts: 2017).

Nguồn: FB Nguyễn Trung Kiên

Comments are closed.