Vĩnh biệt nhé dù chẳng đi chẳng đến
Đường chim bay không để lại sắc hình
Họa mi hót lưng đồi vừa lịm tiếng
Ngậm ngùi xa cố xứ vô minh
(N.T.V.)
Những ai chỉ thường đi trên “độc đạo” quen thuộc của mình, chỉ gần gũi hình ảnh nón tơi, áo chàm lên đường kháng chiến, khi đề cập đến việc dấn thân của trí thức thì thiên về thân phận trí thức nghèo với đường khoa cử lận đận và con đường thành đạt bị chế độ cũ ngăn trở; hẳn không ít lúng túng khi suy nghĩ và định giá cuộc đời, hành trạng và tầm vóc Ngô Kha. Nếu có độ lùi thế kỷ, người chép sử đời trước sẽ khai bút về một cuộc đời, một cuộc dấn thân, một tài hoa sáng láng, đầy ấn tượng ấy rằng “Ngô công tử vốn người thông minh đĩnh ngộ, văn hay chữ tốt, đỗ đạt cao, một thời lừng lẫy ở đất cố đô”. Với văn bằng thủ khoa khóa I Đại học Sư phạm Huế và tốt nghiệp Cử nhân Luật Đại học Luật khoa Huế, thi sĩ dược trang bị đầy đủ tri thức và học vị có giá một thời đủ để đĩnh đạc đi vào một đại lộ rộng mở dành cho các công chức mẫn cán và quan chức trung thành với chính quyền Ngô Đình Diệm và nền đệ nhất Cộng hòa.
Đây hẳn không phải là lần đầu tiên và cũng không chắc là lần cuối cùng giới quyền lực tối cao có xu hướng đánh giá sai đường bay của trí thức đã khai ngộ và thi ca đã thăng hoa: Thế hệ Ngô Kha trưởng thành tinh thần, trí tuệ trong một bối cảnh chính trị, xã hội gay cấn, phức tạp, hào hùng và đau thương bậc nhất trong lịch sử, trên đất Huế vốn mang một vị thế địa – chính trị đặc biệt tinh tế. Có thể nói rằng – điều mà các nhà chép sử và các nhà chính luận không quan tâm đủ hoặc cố ý bỏ sót – những yếu tố tiến bộ, khai phóng đã góp phần hun đúc nhiều lớp trí thức nghệ sĩ công khai và can trường đấu tranh Dân chủ, Hòa bình, đòi hỏi Độc lập và Thống Nhất, chống lại chế độ cũ có một phần đến từ chính nền giáo dục mà họ thụ hưởng – do những nghịch lý văn hóa, chính trị – vẫn còn hơi hướm tinh thần Rousseau, Voltaire và tinh thần đại học của một “thành phố Đại học” mà người Mỹ và gia đình họ Ngô đã gia công bồi đắp với những ý đồ chiến lược sâu xa của mình.
Ngô Kha là đứa con đích thực của phố thị mà “Cỏ may” (Tháng giêng từ giã thuốc đắng đi tìm Cỏ May). “Bông lau” (Khúc hát ngu ngơ của bông lau) hay “Hoa đồng thảo” (Đi qua những con đường quê mọc đầy hoa đồng thảo) dường như chỉ là kỷ niệm những chuyến đi điền dã cùng những nàng áo xanh và áo tím, khi thiên nhiên hiện ra như quê nhà tượng trưng muôn đời của tất cả thi nhân, chưa nói trong văn cảnh, chúng mang đậm sắc thái biểu tượng, ngụ ngôn. Dăm bài lục bát – đã mang tiết điệu và sắc giọng mới mẻ – khuất sau những dòng thơ siêu thực rậm rạp mà nhà thơ dù không cắt đứt lối trực cảm huyền diệu của thi ca muôn thuở, đã sớm thấm đẫm tinh thần suy tư, khắc khoải đặc thù của con người cá nhân hiện đại. Trên thực tế, không ít trí thức của phố thị miền Nam đã đột ngột bị đẩy từ một góc thư quán hay một café còn nồng mùi Bastos xanh và giai điệu Sérénata vào tâm điểm của một giai đoạn tàn khốc với những chọn lựa cũng quyết liệt không kém. Đành rằng cuộc dấn thân vì số phận nhân dân, việc chọn lựa hành động đoàn kết với quần chúng bị áp bức bao giờ chẳng là hành trình tiền định của người trí thức, nghệ sĩ trung chính, nhưng có thể thấy nhà thơ, người trí thức Ngô Kha đã bắt đầu nhập cuộc mà không kịp và không cần chỉnh sửa ngoại diện, y trang theo chủ nghĩa bình dân đang được ưa chuộng, vốn hợp khẩu vị những nhà lãnh đạo cách mạng chuyên nghiệp ở đâu đó trong bóng tối; cũng không cần sửa đổi những thuật ngữ còn mùi thư viện, kinh kệ, và ngôn ngữ gợi nhớ những trào lưu nghệ thuật hiện đại có phần lạ lẫm, đáng ngờ vực với nhiều người, bao gồm những người hiểu và không hiểu chúng.
Đại để những câu như:
“Thôi còn gì những buổi trời lá xanh
Đứa con trai khoác áo chim hồng bay qua đỉnh núi
Và cái chết từ bi như thạch cao”
Hay
“Bây giờ em đóng cửa
Nhốt bóng trắng ngoài ngõ
Tiếng con thằn lằn thở dài
Cây đàn thủy tinh chở tôi qua dãy núi
Đi thăm kỷ niệm”
từng được chú ý, bàn luận và cả tranh cãi nhưng dường như không nhận được bao nhiêu cảm thông.
Con người ấy, trong chuỗi ngày liên tục “Tự sát” (tự sát vì cô đơn nên chẳng bao giờ chết / Một ngày chấm dứt nhưng khói thuốc vẫn còn bay) đã từng buột miệng nói ra lời thơ tiên cảm cho cả một cuộc đời đa đoan về sau của mình, kể cả khi đã về bên kia cõi chết: “BÂY GIỜ AI NGHE LỜI PHÂN TRẦN CỦA TÔI”
Bị cầm tù trong một thế giới cô độc cùng tận – trước hết là thế giới tâm thức thi ca của thi nhân – những dòng thơ trăn trở, phẫn nộ đã vẽ lên những hình tượng, sắc màu có sức dự báo và sức tố cáo thống thiết, gợi tới những bức tranh ma quái, ngột ngạt của Dali (1904 – 1989) và Munch (1863 – 1944), và tranh phản chiến vẽ bằng bút sắt của Bửu Chỉ (1948 – 2002) cuối những năm 60 và đầu 70.
“Trên cánh đồng không có hoa
Không có người
Chỉ có chim ác là đậu trên những đốt xương”
Cảm quan thi sĩ có mặt trong suốt cả cuộc hành trình công dân mà thi nhân với thiên chức đầy bất trắc của mình vẫn quang minh chính đại, chưa hề biết man khai lý lịch. Chức danh nhà thơ, với ý nghĩa trang trọng nhất của nó, được đăng ký song hành cùng hộ chiếu công dân – chiến sĩ, cho dẫu lịch sử vốn lạnh lùng, không thể nhất thời vượt qua cảm quan sử thi để thể tất với đủ mọi thân phận và nói riêng thân phận phức tạp của thi ca, nơi mà giọng cuồng nộ, phủ định có thể là dấu hiệu của những suy tư, tìm tòi minh triết và những cấu trúc, câu chữ rối rắm, khó hiểu, thậm chí những khúc bi ca mang hơi hướm tuyệt vọng, lại có thể báo hiệu một khúc quanh mới mẻ, đầy sung mãn của sáng tạo.
Những bài thơ, những bức miêu tả đầy biểu tượng với những “mắt đêm”. “ảo ảnh”, “ngày tận thế”, “chiều mồ côi”, “vườn tiền sử” và “mộng du”, rồi “vườn cô độc” … chứng tỏ ảnh hưởng mà nghệ thuật của phố thị miền Nam nhận từ các trào lưu hiện đại thế giới, trước hết là Paris, trung tâm văn hóa Châu Âu. Và cũng cần ghi nhận đấy là thời điểm duy nhất trong lịch sử Việt Nam mà thông tin, sách báo văn hóa văn nghệ và chính trị xã hội từ Paris trực tiếp về Huế và Sài Gòn thường xuyên trong một thời gian kỷ lục chỉ vài ngày. Khác với cách đánh giá một chiều về nguồn thông tin này, đừng quên rằng dù không thiếu những dụng ý chính trị phức tạp và bất chấp tình trạng “vàng thau lẫn lộn” quen thuộc của thị trường văn hóa trong những xã hội tư sản, thì do truyền thống và phương pháp tư duy độc lập, mang đậm nét cá thể của văn hóa phương Tây – trong đó phải tính đến những xung đột văn hóa xã hội truyền thống giữa châu Âu và Mỹ (nói riêng về cách đánh giá về Việt Nam và cuộc chiến ở Việt Nam) – một số người cầm bút, đặc biệt những nhà văn, nhà báo khuynh tả đã có không ít những bài viết, phát biểu có tính gợi ý, tích cực đối với những độc giả trí thức miền Nam.
Mặt khác, bản thân sự tìm tòi và thay đổi kỹ thuật, thi pháp nói trên báo hiệu sự có mặt của một lớp sáng tạo và thưởng ngoạn mới không cò an tâm với những “Trăng thanh núi Ngự”, “Hương Giang yên bình” và “Ái tình vĩnh cửu” nữa. Xu hướng của nghệ thuật thế giới – từ thi ca tới hội họa – từ lâu đã đoạn tuyệt với lối chụp ảnh quen thuộc và những sáng tác ngâm vịnh theo lối thi xã ở cố đô cũng đã trở nên mòn sáo đối với những thế hệ độc giả mới. Nhưng thực tế, còn một lý do đơn giản mà hùng hồn hơn nhiều: làm gì còn “trăng thanh” những đêm đại bác bắt đầu vọng về phố cổ và cũng không thể có “tình yêu vĩnh cửu” khi lần lượt một trong hai người trở về trên xe tang hay với thân xác tật nguyền. Chiến tranh, trong kiểm chứng của lịch sử và ngoài cả ý định của chính nó, có thể góp phần đặt dấu chấm hết hoặc bắt đầu một loại thi pháp!
Và cũng có thể nói y như thế đối với lối sống của cả một thế hệ tri thức văn nghệ miền Nam. Ngô Kha – cùng với lớp bè bạn một thời của anh – vừa cất bước theo nhịp đi không thể cưỡng lại của lịch sử, lại đồng thời tự tạo ra một thí dụ độc đáo. Từ những tìm tòi, kết luận ở bình diện triết học – được khúc xạ lại qua ngôn ngữ thi ca hay những ngôn ngữ khác – nơi có bao nỗi niềm xao xuyến, quằn quại không nguôi, những chàng Narcisse mang quốc tịch Việt Nam của hậu bản thế kỷ 20, đang say mê cấu xé tinh thần mình, lại tìm ra vẻ đẹp, lẽ thiện và soi thấy bộ mặt biến dạng, đầy những vết thương của thế hệ mình trên số phận bi tráng và thường rất sỗ sàng của chiến tranh với những thương tích cũng được hiểu theo nghĩa bóng lẫn nghĩa đen của nó đã góp phần giúp họ nhận ra được gốc tích, đồng bào máu mủ của mình, xóa mờ bộ mặt thiên thần cô độc vốn là ám ảnh siêu hình thiên cổ lụy của bao nhiêu đời tao nhân mặc khách Đông Tây. Cảm xúc sầu xứ (Nostalgie) của những thi sĩ triết gia đã quy chiếu về một quê hương trần gian cụ thể đang nát tan dưới bom đạn của bọn xâm lược mà họ đã nhận ra được họ tên, quốc tịch.
Riêng về Ngô Kha, đấy là khởi đầu của TRƯỜNG CA HÒA BÌNH (1969) và một số bài thơ khác được xem là “dễ hiểu” hơn, đơn giản vì từ giọng điệu ngụ ngôn, độc thoại, thi sĩ đã chuyển qua tâm thế đối thoại, hướng về đồng bào, anh em của mình. Và đấy là một cuộc hành trình thú vị – xứng đáng cho một công trình nghiên cứu kỹ lưỡng hơn – từ một tâm thế mỏi mệt, có phần kiêu kỳ của một loài “Hoa cô độc”, “Kẻ đãng trí” xa lạ ngay trên quê hương của mình bỗng đột ngột tìm lại được ký ức trước một thực tại phũ phàng, chết chóc, điêu linh cùng cực, để xuất hiện một diễn giả hùng hồn thuyết giảng thông điệp HÒA BÌNH, một chiến sĩ “xuống đường” nhiệt huyết, hay nói như một tờ báo xuất bản ở Sài Gòn thời đó, một “lãnh tụ cực tả” nguy hiểm thật sự với nền “đệ nhị cộng hòa”.
Cuộc hành trình có thêm chiều kích và ý nghĩa mới, nhưng vẫn là một cuộc dấn thân song hành của thân phận kép, thân phận công dân – thi sĩ khi thi sĩ và lớp đồng bạn đồng đội kẻ sĩ của một thời có thừa dũng khí phô những bộ ngực lép trước những họng súng hung hãn của bạo quyền, thách đố với sinh mạng của mình, nhưng tâm thức chưa hề nguôi ngoai với chuyến đi cô độc và bắt buộc cuối cùng, với lời hẹn hò vượt qua “Khung cửa hẹp” (La Porte Étroite), nơi dĩ nhiên – và đã được báo trước – không thể đặt vé tập thể hay xuất trình thẻ ủy viên để dành quyền ưu tiên. Bài giải dân tộc với những đáp số Hòa Bình, Thống Nhất có thể kiểm chứng, nhưng lịch sử không nhất định phải giải quyết được số phận phức tạp và những chất vấn thiên cổ của thi ca, mà sứ mạng cao quý không phải ở chỗ ca ngợi hay chỉ ca ngợi, mà là và còn là tiếp tục những bài ca về những giấc mơ – hạ giới lẫn thiên giới – chưa trọn vẹn và có thể không bao giờ trọn vẹn. Thi sĩ, do vậy, vĩnh viễn là những đứa con bị tước quyền thừa kế trên mặt đất lẫn thiên đường!
Sự chọn lựa ý nghĩa kép của cuộc hành trình quyết định mối tình có phần đơn phương của thi sĩ, mà sự an ủi cần thiết khi nhiệt độ cô đơn tụt dưới độ âm là sự có mặt thủy chung, vô tư của mình trong cơn đại hồng thủy, là hình ảnh và di ảnh những bộ mặt âu lo trên con tàu đang mắc nạn, khi con người kề cận bên nhau trên con tàu đang mắc nạn, truyền hơi ấm và tình tự cho nhau, san sẻ gánh nặng và hiểm nguy cho nhau, dù không thể thề nguyền đồng hóa số phận và đánh tráo thân phận cho nhau. Thi sĩ sẽ tiếp tục cuộc hành trình khi hầu hết đám đông đã lục tục xuống sân ga và nỗi cô đơn truyền kiếp, món nợ chưa thanh toán và không thể thanh toán của thi sĩ có thể được triển hạn vì một khẩu hiệu tập thể tự nguyện, nhưng không bao giờ và không thể đòi xóa nợ, đòi hòi người trả thay hay bảo lãnh, dù là sự bảo lãnh của một Đấng Toàn Năng thực ra chưa hề có thực.
Từ một người đi đến với nhiều người, và từ đám đông quay về với những câu hỏi lơ lững muôn thuở của thân phận cá nhân – hay nói khác đi đây là thân phận của chính nhân loại thông qua số phận cá nhân – là một biểu đồ khá đơn giản, nhưng tóm lược được đường đi và đường bay của những con người từ cả trước thời cổ Hy Lạp, Vệ Đà, đã âm thầm chọn sự nghiệp của mình là CẢM và NGHĨ đến tận đường biên và bên kia đường biên nhân loại, mà mọi hành trạng, dấn thân khi chưa đến chỗ hẹn cuối cùng chung cục vẫn là những cách đối phó, dù là những cách đối phó khẩn cấp, có chọn lựa và có trách nhiệm đi nữa. Và như một nghịch lý đầy logic, không thể có một ký ức chung cho những người cùng đi qua dâu bể chiến tranh, từng soi mặt mình trên những tấm kính vỡ của những ngôi nhà không còn ai sống sót, từng chứng kiến những dòng sông cỏ lau lan kín, xóa mất bãi bờ. Và khi tiếng chuông nức nở từ những ngôi nhà thờ hoang tàn vắng bóng Đấng Cứu Thế rung lên, không còn ai nghe thấy, có lẽ trừ kẻ đổ chuông từ lâu đã mỏi mệt lắm rồi.
Đã đến gần lắm rồi một thế giới ám ảnh mà thi sĩ từng gọi tên là “Nhà tù vĩnh cửu” (Và nay gió cũng tang bồng / nhưng thi sĩ vẫn nằm yên trong nhà tù vĩnh cửu) với âm hưởng của thi ca lẫn triết học. Dù cái tên gọi dường như không được nhã nhặn cho lắm, nhưng ý niệm về một cõi an nghỉ đời đời hẳn vẫn hấp dẫn chàng thi sĩ tóc bồng hào hoa phong nhã đã bất đắc dĩ rồi án thư, vận trang phục giác đấu để tham dự một trận đánh hóa ra dài hơn dự kiến. Nhưng có ai dám chắc ở cõi vĩnh cửu kia đã hết hẳn tai ương! Có ai dám chắc nơi thi sĩ – vốn luôn ngây thơ và mơ mộng – đặt khá nhiều niềm tin lại không xảy ra cảnh chen chúc, sắp hàng, so bì lý lịch, công trạng y như từng xảy ra trên thế gian. Và biết đâu một lần nữa, thi sĩ lại là người đầu tiên phải lặng lẽ ra đi trước khi có lời yêu cầu chính thức!
Cái chết được báo trước là một thách đố kịch tính nhất cho một kiếp người thực ra đã quá thừa bất an trong cuộc sống riêng lẫn đời chung: nỗi cơ đơn giữa những đám đông theo chủ nghĩa cầu an, những nghi ngại vô cớ thường có trong thời chiến, sự đố kị của những nhân cách tầm thường, cuộc hôn nhân thất bại và cả những ám ảnh về những cái chết không ngừng đeo đuổi những người thân trong gia đình … Giữa những âm thanh chết chóc của đất cố đô những năm 72, 73 với bao dự cảm về những thay đổi vô chừng, giọng nói thường sang sảng, tự tín của người thuyết giáo chợt trầm hẳn xuống thì thầm như đang nói chuyện với chính mình. Về sự lựa chọn ở lại thành phố cùng anh em phong trào. Về thách thức với kẻ địch. Thách thức với sự tầm thường thâm độc trong chính thân phận nhỏ nhoi, yếu đuối của con người. Thách thức với sinh mạng của chính mình. Và về những lứa bạn bè lần lượt phiêu tán, người lên núi xa, kẻ bên trời lận đận … Một cuộc nói chuyện mang hình thức độc thoại hay lời nhắn gửi cuối cùng! Đã đến rồi chăng hồi kết cho một kiếp họa mi đã dành tặng mọi lời ca gan ruột cho cuộc đời vốn không phải bao giờ cũng thủy chung! Rồi bao nhiêu lời cảnh báo về những tín hiệu chết chóc đang rình rập, những lời nhắn gửi lo âu của những tấm lòng còn tưởng nhớ tới nhau, về sự an toàn cho bản thân dường như đã muộn; tất cả dường như nằm lại bên này bức tường cách âm, khi phía bên kia, tâm linh thi sĩ đã nhập thất, nghiêm cẩn chuẩn bị nghi lễ cho một cái chết đúng tư thế của chính mình – còn gì lẫm liệt mà xót xa hơn nữa không!
Con người cả gan tự định đoạt số phận của mình, vượt quyền tạo hóa, hẳn đã linh cảm được một kết thúc bi tráng, dữ dội nhất dành cho mình. Kẻ cố tình thúc đẩy cuộc gặp mặt sớm với định mệnh đã được toại nguyện. Vượt qua ngoài mọi cung bậc bi kịch, đấy chính là kết thúc có tính đồng lõa giữa một bên là nạn nhân anh hùng và phía bên kia là tên đao phủ cuồng trí đồng ý thức về “Bước đường cùng” của chính mình. Thi sĩ quyết bước qua “Khung cửa hẹp”, thực hiện kì được lời nguyền và dẫu vẫn đơn độc, trong phút giây Hiển Thánh, đã kịp đẩy được những kẻ chuyên chơi trò quyền lực và bạo lực ra khỏi ảo vọng chiến thắng, về đúng vị trí của mình: Bọn sát nhân!
Hỡi người anh em vĩ đại, tình yêu một thời tuổi trẻ của chúng tôi! Ở cuối con đường băng qua những cánh đồng đầy hoa đồng thảo và tiếng chim sơn ca là thị trấn lưng đồi như trong mơ ước của anh, nơi những ngôi nhà mới được dựng lên, con người đã trở về, con người được sinh ra, để quê hương của đồng xanh và hoa vàng dường như đang hẹp lại. Sau những tháng ngày thử thách và sau bao nhiêu nỗ lực phi thường của một thời hòa bình và cả sau những thiên kiến, ngăn trở vô cớ, vô tình, những bàn tay tiếp tục tìm nhau, những bàn tay vẫn ấm áp, những bàn tay còn thiện chí dù đã bớt nồng nàn, những bàn tay dần dà giá lạnh …
Vào mùa khô khi những đợt gió Lào lồng lộng thổi qua dãy đất xương xẩu miền Trung, chúng không còn mang âm thanh chiến tranh phản trắc hay đem theo mùi tử khí của quá khứ, lòng người ở lại chợt quay quắt nhớ những câu thơ mang hơi hướm di chúc:
“Nguyện làm chim mang quá khứ đau thương
trở về tấu khúc hòa bình lên hoa đồng thảo”.
Nhưng đã muộn thật rồi, còn người từng hứa:
“Nhớ nhau thì về cho kịp trời thu”
đã không bao giờ trở lại chỗ hẹn …
Vẫn còn đó những dặm đường cần kiên nhẫn vượt qua, còn đó những gánh nặng cần thầm lặng sẻ chia và không thiếu những vết thương cần tiếp tục chăm sóc – có lẽ không phải lúc nào cũng thích hợp với những bài ca thắng lợi quá giòn giã, quá vô tư – nhưng những hồn hoa dại và màu vàng trinh bạch ấy rưng rưng mãi lòng chúng tôi, như biểu tượng và lòng tưởng tiếc một tình yêu chưa hề nguôi ngoai qua năm tháng, gửi lại một cõi người ta dẫu chưa bao giờ hoàn hảo, như ý, nhưng vẫn rất thân thương, rất cật ruột, bởi từng được thiết tha ấp ủ bao năm trong những vần thơ tuẫn tiết của MỘT NGƯỜI NĂM XƯA!
30.4.2005
Nguyễn Thanh Văn
Bài đã in trong Ngô Kha-ngụ ngôn của một thế hệ, NXB Thuận Hóa, 2005. Bản thảo do Trần Thức, Nguyễn Duy Hiền, Nguyễn Thanh Văn, Lê Khắc Cầm, Nguyển Quốc Thái thực hiện.
HÀNH TRÌNH
Chuyến xe chiều chở đầy người
với sương mù và núi đi theo
và cô đơn lăn đều trên bánh
chuỗi cười để lại đằng sau
trên xe chiều mẹ cùng em
mùa thu và bầy chim đồng nội
có khoảng không dành riêng cho lũ bướm
với bàn tay kí ức vẫy bên đường
ta thấy em cài hoang liêu trên mái tóc
với mùi hương cánh đồng lúa chín
bằng đam mê chất đầy hành lý
miên man đi từ mặt đất nôn nao
ta nghe bước trên chân sỏi đá
tiếng trống khua hay từng lớp bụi hồng
xe lăn đi
trên đường bay của gió
hành trình qua năm cửa giác quan
rời cao nguyên
xe vượt suối đau thương
từ tối tăm
về kinh thành hy vọng
xe đi từ trái tim buổi sáng
để tìm em trong lũng đá mù
xe đi từ mùa xuân
khi núi hãy còn xanh
qua mùa đông
khi trăng vùi đất ẩm
xe lăn đi
trên đường sơn kỷ niệm
từng hàng cây vói gió gọi trên đồi
qua cửa ô
khu rừng dang cánh rộng
ngăn mây về qua vó ngựa trường sơn
khi nắng đã xuống lòng khe và suối
ném vòng hoa lên mặt nước dòng sông
khi chuyển động trở về trên bãi vắng
gối lên thềm vô định của chiều hôm
xe nghiêng nghiêng
trục quay và bánh gõ
Trong vòng tay nhịp võng của thời gian
giốc đi lên tường đá dựng câm buồn
đang thiếp ngủ như mối tình si dại
khi tĩnh vật đã thay lời trí nhớ
cửa bình nguyên mở rộng đón ta về
trên khoang xe
người vật cỏ cây
đang cúi xuống giữa lòng chiều vàng dã
xe lăn đi
qua những miền đất mẹ
mọi người vào vực tối của chân dung
khi ánh sáng tách rời vạn vật
trong âm thầm nghe động vết thương
khi hạnh phúc vỡ tan tinh thể
từng cánh sao cát bụi trên đường
ta nhìn thấy trong mắt em những mảng trời
đang kết hợp mái nhà lạnh lẽo
trên thân xác
điêu tàn còn nương dấu
giữa lòng quê
cuộc chiến bỏ quên người
xe lăn đi
đất mở rộng cơn đau
đường gai chạy qua đồng máu chảy.
Huế, 11.1969
MÙA ĐÔNG CHIẾN TRANH Ở HUẾ
Tặng Diễm Châu
Xin được nói với em lời chân tình
trong vùng lửa chiến tranh tôi chỉ là thỏi sắt
với ngày tháng của trái cây treo rực đỏ đầu cành
lao đầu vào tuyệt vọng
nên muốn thổ lộ cùng em
đêm tối mùa đông
cửa ngõ hồn tôi không đèn không đuốc
dù ngọn nến thắp lên để tiễn chân một ngày
theo điệu kèn đưa ma của ban quân táng
dù hư vô đã trở về từng giọt nước
từ nhà xác khổng lồ
khu rừng đang đứng gác
bên hành lang giòng sông trần tình cuộc chiến
những lũy thành dựng lên từ tiếng kêu hoang
với mảnh trăng im lìm trong cơn sốt rét
dưới chân kì đài dựng bia tử sĩ
tôi thấy lá cờ vàng bọc áo quan thủy tinh
giòng nước đen vẫn im lìm trôi
như những lời cầu nguyện
tôi nhìn thấy tháp chuông
mưa thì vẫn không thôi ru hoài điệu cổ bản
mưa vẫn không thôi ru hờ ở trên cao
núp dưới tàn cây sồi với những ngôi nhà cổ kính
thánh thần đã ngủ yên
trong chiếc nôi thủy thạch
của phiên khúc trùng âm nhức buốt
của người nghệ sĩ cổ truyền
những tiếng ngũ âm chảy trên gỗ quý
như nốt ruồi cô đơn
di động trong tim
bóng tối Việt Nam
mấy nghìn năm trên thành quách này
đã vùi chôn trong lòng thiên thể
trên cánh tay vàng úa mùa đông
nỗi chết truyền đi qua từng chiếc lá
tôi nghe tiếng động cơ của chiếc xe đêm
âm thầm làm vệ sinh cho thành phố
đang tiến về từ các cống rãnh
như một lũ chuột đồng
tôi thấy người vô danh đi trên vỉa hè
tìm kiếm kẻ thân yêu trên bảng số
khi trời đổ mưa
tôi thấy người chị
tay cầm cây nhang
với vầng mây cô đơn trải làm khăn chế
tối thấy người lính trẻ
chĩa súng dài trên mặt nước
với giòng sông
tôi thấy đứa bé mồ côi
ngước nhìn ảnh cha
với tương lai trên chiến địa
tôi vẫn thấy thành phố nằm ở đó
ôm em trong vòng đai an toàn
của kẽm gai cọc sắt
tôi trú ẩn ngoại ô
từng đêm đen mất ngủ
con đường tôi thường đến thăm em
cửa thành đóng kín
tiếng côn trùng vọng mãi đêm đêm
tôi thấy dưới ánh đèn khuya
gương mặt Việt – nam vỡ ra từng mảnh
trên bức tường già của Đại – nội
em đã đóng kín cổng giờ này
gió từ bức tường câm phả lại
trên đầu tôi
bầu trời căng như một cánh cung
sợi tóc chĩa vào lòng đêm
những mũi tên không kỳ hạn
đang trổ một con đường.
Huế, 11. 1969
(Đăng trên tạp chí Đất Nước số 16, tháng 12.1969, Sài Gòn)
CHIỀU MƯA DÔNG
Tôi bốc khói lên
hạt bụi chiều mưa dông
nứt nẻ
những phiến nặng nề trong hồn
cúi đầu xin thêm niềm đau khổ
nuốt đầy tâm trạng cô liêu
vật mình trong cơn bệnh hoạn
Những giọt mưa nhảy nhót bơ vơ
sánh đặc nỗi niềm trong đáy cốc
xin thêm hạt đường
tách nước trà nóng
những tảng mây về chiếm cô đơn
làm mưa gió
bầu trời gầm thét
như một con thú rừng khát máu
chiều cháy
bùng lên
từng đoàn man rợ đuổi theo
niềm bí ẩn trên ngọn cây
những con mèo hoang
chim nhỏ trên giàn ẩm ướt
chiếc hoa ti gôn đỏ lối đi đầy kỷ niệm
lều tranh thức giấc bi quan
khói xanh gọi cơm chiều
đi ngủ
kẻ phiêu lưu đốt thuốc
đá hoang liêu vào tiềm thức
chạy đến cuối đường
lửa tắt
đoàn ma treo lưỡi hái trên nóc nhà
dọa con nít
người đàn bà
nhìn qua khe hở
về liên hoan nhảy múa
những con chồn đen khoác màu dạ hội
những con gà tìm chuồng hoảng kinh
hai tay tôi úp trên đầu
nhìn chiêm bao
khép cửa phiêu lưu
ngoài kia gió về ẩm đục
người đi trên sa mạc
chiếc khăn lông cừu màu trắng mặt người con gái vô tư
tôi thức canh chừng linh hồn
chiều mưa dông
tiếng kêu cứu vang lên như mặt trời vỡ mật
8 – 3 – 1961
(Tác giả xuất bản và trình bày.
Nhà in Đại Học ấn hành, Huế 24.3.1961)
Tư liệu của nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Châu Phan
ĐIÊN
Tôi kẻ điên
thế kỷ nầy thác loạn
Người về đâu
xin mượn ánh gương soi
giữa cô đơn
chiếu rọi cuộc đời
tôi là bóng
bên ngoài ảo ảnh
Thân bé nhỏ
giữa trời hoang dông bão
sống lạc loài
phố thị xôn xao
muốn yêu đời chẳng có ngọt ngào
tình vốn đẹp nhân tình đắng xót
đau đớn mãi
tuổi đời vàng vọt
chết chóc nhiều
bi lụy khóc than
mảnh khăn tang chưa phải áo ngự hàn
làm ấm linh hồn độc ác
Thế hệ chết!
ngày mai tiêu diệt
tôi ngồi chờ viễn ảnh mồ côi
tôi mãi nhìn pháo nổ trên thây người
thân gục ngã
muôn làn máu đổ
thân ngã gục
muôn làn máu đổ
thân ngã gục muôn người giãy giụa
mắt hờn căm đỏ rực chiến chinh
thét cuồng điên
loạn cả kinh thành
chiều tận thế!
van xin người tỉnh lại
Tôi kẻ điên
trọn đời cuồng dại
tôi chỉ là một kẻ vong thân
khát tình thương chẳng thiết phân trần
còn cái bã con người
xin trả lại
Đời buôn bán
hãy đem thân tôi đoạn mãi
được giá rồi
xin hãy kết ước nhanh
nó là người
còn một chút thần linh
đem đấu giá! … lấy tiền kinh phí
đem bán hết cả hòa bình nhân thế
để con người
quằn quại hôm nay
tôi điên rồi hay lảo đảo cuồng say
tôi điên rồi
không còn một bàn tay
ôm mộng tưởng những ngày thơ bé dại
Ôi thế nhân
tiền thân
hiện tại
Ôi thần linh, ma quái, ôi người
tôi ngồi đây, nghe mãi nhịp tim tôi.
BÀNG HOÀNG
Xiềng tay lại ngồi khóc
Nhìn giấc mộng đi qua
Ngày liền theo bóng tối
Đời tàn trong chớp mắt
Kiếp sống ôi lạnh lùng
Thân đời không chiếu chăn
Một nụ cười cô độc
Đêm rừng dài sao băng
Tháng ngày lẫn trôi xa
Tử thần gõ guốc ma
Hồn bơ vơ ngái ngủ
Những chiều mưa gió sa
Chiêm bao trên dòng sông
Tương tư giữa quãng đồng
Mấy năm già rồi nhỉ?
Giang hồ vẫn tay không.
BÀI THƠ HÔM NAY
Khoang trời rừng dài tiếp nối
những vì sao đổi ngôi
mưa điên cuồng gió loạn
bóng đen làm mặt trời
còng lưng
người ca bài sám hối
trên bàn tay lạnh lùng
mùa đông tới
nhắc nhở
tâm sự cồn gân xanh
Muốn viết lên bài thơ
nhưng bút đời rét rỉ
mực cạn dòng chảy hết mùa xuân
tim khô gầy
thoi thóp thanh tân
đời dông tố
đốt linh hồn cầu nguyện
niềm than thở
dập tan kỷ niệm
vì đau thương khóa kín cô đơn
tuổi mùa xuân mãi mãi tủi hờn
bừng thức dậy đông sầu tím nhớ
người rên siết côn trùng nức nở
chiều mồ côi khoác áo chùng tu
nhớ nhung còn
tuyết lũng âm u
nỗi xót xa
khúc tình 18
Người quỳ lạy
lời van xin như bể thảm
nước cuồng lan, thú dữ – làm thinh
triều dâng lên môi tím yên lành
ngủ một giấc cuộc đời tan hy vọng
người đi vào thời gian cao rộng
mà vô tình quên vị thuốc trường sinh
còn đắng cay ở lại với mình
chiều dĩ vãng chở đầy khoang thổ mộ
xe đi hết quãng đường hầm hố
chuỗi ngày xanh xào xạc theo nhau
chiếc lá vàng mang nặng âm sầu
đêm trở dậy khép vòng tay ác quỷ …
Đốt đuốc lên hỡi linh hồn bé nhỏ!
hãy ca vàng khúc hát núi rừng
người hãy về diễn lại mùa xuân
trên vũ trường
dành một chút tình yêu kể lể
xin thơ ngây trái hồng 17
và môi em
viết bài thơ thế hệ mong tìm.
CÓ GÌ ĐẸP HƠN YÊU EM
Có gì đẹp hơn yêu em?
một ngày tuy không hò hẹn
tâm tư vẫn tìm về nhau
anh nhìn bóng đêm cuối tháng nghẹn ngào
thời gian không còn chung thủy!
Yêu em
anh tin cuộc đời
gửi lời nhớ thương bằng tâm niệm
hồn vẩn vơ theo màu áo em phất phới hương bay
anh nhìn những mái lầu nghiêng lệch
dòng sông không còn trong bằng tình chúng mình yêu nhau
Cuộc đời làm sao ví lòng người?
hai con tàu ngược chiều
nếu vật chất che mờ không trung và trái đất
không bao giờ thay đổi lòng mình khi đã yêu
Anh thường nhủ
đời em như nền mây
hồng thắm, nhạt mờ
lộng lẫy hay mơ buồn
theo dòng thời gian biến đổi
anh vẫn yêu em
như thuở ban đầu
dù nền trời dập dồn vân vũ
anh tin
tình yêu kết nụ đơm bông
Anh dang tay đón em
bằng nỗi lòng ấp ủ
dù người đời mặc cả tình thương
Anh vẫn còn yêu
như ngày xuân cũ
và còn nghe mãi
âm điệu màu hoa niên
Mây trời
dòng sông
khoang thuyền
trôi nổi!…
thành quách
lâu đài
danh vọng
phai mờ!…
Tất cả là xa xí phẩm
lòng người giữ mãi tình yêu
Phượng cầu hoàng
héo hắt chờ đợi
dù phượng hoàng chúa tể chim trời
yêu tiếng nói tuyệt vời
anh còn yêu em mãi …
……………………….
Anh vẫn còn chờ em
anh vẫn còn đợi em
dù dòng sông đổi lòng
bể sâu cuồng sóng
Anh đón em
bằng hơi thở
hò hẹn âm thầm
như trái núi
đá bia
không biết nói
lịch sử còn nhắc nhở
sao trên trời
im lìm bỡ ngỡ
có ai biết?
một vì sao mãi đợi chờ
vì vẫn trọn lời yêu em.
HOA NIÊN
Tình yêu chết
để tang trong thầm lặng
mộng vỡ rồi như lạc mẹ chiều xuân
ở nơi đây mà xa vắng muôn trùng
là tất cả ngày đi không trở lại
Tình đã chết
một đời trẻ dại
hương đã buồn kết trái cô đơn
tuổi hoa niên nào ai khỏi tủi hờn
đêm tỉnh dậy nghe linh hồn lạnh cóng
Tình yêu chết
một chiều biển động
thuyền ra đi sóng trở về không
bãi cồn rêu cát trắng lưng dòng
ngày xuống thấp trời mùa đông mù mịt
Tình đã chết
con tàu đi biền biệt
nấm mồ hoang xanh biếc sân ga
tiếng thời gian thổn thức mưa qua
nghe bão tố trong lòng vũ trụ.