Thơ Đặng Tiến (Thái Nguyên): Chân Dung

CHÂN DUNG 26 – N.V. GOGOL

 

CHỢT NHỚ N.V. GOGOL

 

Tôi đọc ông từ thời sinh viên

Những trải nghiệm phần nhiều học trò sách vở

Khi ấy mắt còn trong veo và gương mặt chưa nhàu nhĩ

Đọc ông và cười

Những linh hồn chết, những thây ma sống,

Những viên chức tép riu nỗi sợ cấp trên khiến lạc giọng khuỵu gối xám

mặt

Sao lắm chuyện nực cười…

Năm tháng qua đi

Tôi trở thành một vai diễn trong tấn tuồng nhân gian

Vui nhộn và bi thảm

Nghiêm trang và nực cười

Những nhân vật của ông hiện diện khắp nơi

Chỉ có điều họ không ngậm tẩu không khoác áo choàng đã không nói

tiếng Nga không đi ngựa

Họ là đồng bào của tôi, người Việt thuần chủng

Nhưng sao mà y hệt những gì ông đã viết

Thanh tra thanh mẹ thanh gì

Nghe tiếng tất cả xoắn vặn rúm ró và lo cống nạp

Tấn kịch bi hài tất cả đều nhem nhuốc

Tất cả đang nhốn nháo sống mà như những thây ma

Những thây ma tươi cười như robot

Những thây ma chưa bao giờ chết

Những thây ma

Những viên chức cấp thấp cấp cao cấp vừa cấp nhỡ

Huênh hoang và nhạt nhẽo

 

Mòn mỏi trong phì nộn

Bận rộn ngồi lê buôn chuyện

Cả một thời nhạt toẹt não nề…

V.N.Gogol hình như có lần thở dài ngao ngán

Phải là kẻ vô cảm, tận cùng vô cảm

Mới không phát khóc lên vì tấn tuồng nhạt nhẽo

Cuộc đời

Tôi đang cố vô cảm

N.V. Gogol ơi!

 

CHÂN DUNG 27 – LỖ TẤN

 

CỐ HƯƠNG

[Ghi lại sau khi đọc Lỗ Tấn. Gọi là phát triển năng lực!]

——————————

Những bài thơ về quê cũ,

Những bài hát về quê cũ,

Cũ như không thể cũ hơn,

Sao mà cũ thế.

Sao cứ phải yêu?

Sao cứ phải rưng rưng nước mắt?

Sao cứ phải nhớ quay nhớ quắt?

Nào có gì đáng nhớ đâu!

Thuyền trôi trên sông cảnh đôi bờ đìu hiu như vạn năm vẫn đìu hiu như

thế!

Ngôi nhà mấy đời cha ông vắng hoe lơ thơ mấy con sẻ đậu.

Tất cả đã bỏ đi rồi.

Về quê thì sẽ gặp người,

Một người đàn bà không kỉ niệm,

Một người đàn bà chỉ khiến đàn ông ngoảnh mặt,

Một người đàn bà vô sinh!

Còn gì nữa?

Tuổi thơ tình bạn.

Trong veo đôi mắt,

Trong veo tiếng cười,

 

Trong veo giọng nói,

Cố hương đây rồi!

Tất cả tắt ngấm khi gặp lại người,

Mặt thê lương,

Giọng nói thê lương,

Dáng vẻ thê lương,

Héo hắt.

Cố hương ơi,

Trở về không vui,

Ra đi không tiếc,

Nào lại xuôi dòng theo sông ta từ bỏ,

Đi đâu, không rõ,

Nhưng cứ đi, đâu cần biết đi đâu,

Chỉ cần có nơi để bỏ,

Cố hương.

Rau muống và tương,

Nơi nào mà chẳng có.

Bánh đa vừng, chùm khế ngọt, con đò, cánh diều hay dòng sông bên bồi,

bên lở…

Chỉ còn là kí ức xa vời.

Cố hương, cố hương!

Cố hương, cố hương!

 

THẬT ĐÁNG THƯƠNG

[Để nhớ Lỗ Tấn]

 

Phòng giam

Cai ngục chỉ biết dùng xích xiềng, gậy và nắm đấm

Tù nhân bị đánh bầm dập, te tua

Chỉ còn đôi mắt

Vẫn trìu mến

Nhìn người đồng bào của mình sống trong u mê, lầm lạc

Tù nhân chia sẻ với cai ngục những chuyện sơ đẳng nhất

Về đạo làm người…

Cái khối u mê xác thịt

Không hiểu vì hắn không quen nghe

Hắn chỉ quen tuân lệnh và ra lệnh

Cái máy vô hồn

Xót thương!

Thật đáng xót thương!

Người đồng bào u mê lầm lạc

Những người đồng bào u mê lầm lạc

Cả một dân tộc u mê lầm lạc

U mê lầm lạc suốt nghìn năm

Lầm lạc u mê

Ai kì bất hạnh!

Ôi bất hạnh nghìn năm!

Ôi bất hạnh triệu triệu con người!

Bất hạnh triền miên không dứt

Trăm năm nghìn năm miên viễn Bất Hạnh Con người

Những cai ngục thật đáng xót thương

Những người sinh ra cai ngục thật đáng xót thương

 

Xứ sở ngục tù thật đáng xót thương

Thật đáng xót thương xứ sở ngục tù

Tất cả đều là tù nhân

Tù nhân vĩnh viễn

Ngục tù vĩnh viễn

Đáng thương biết nhường nào.

***

Ai bảo đây không phải là thơ…thì tùy!!!!

 

CHÂN DUNG 28 – VÕ SA HÀ (NGÔ GIA VÕ)

 

NÀO TA VỀ VỚI NÚI

[Tặng thi huynh Võ Sa Hà]

 

Thị thành đã đủ ngọt bùi

Đủ đắng cay đủ mồ hôi bụi bặm trần ai

Đủ nước mắt

Đủ khóc

Đủ cười

Thơ đã viết ngàn bài

Trò có trên cả vạn

Rượu từng uống trắng đêm

Thế sự phiêu phiêu mây trắng

Thế sự phiêu phiêu mặt nước cánh bèo

Những trang sách cũ

 

Ủ ê mốc bụi

Héo rũ đường thi

Nát bấy những trang Kiều….

Thôi ta trở về

Trở về thôi

Trở về với núi

Núi đá trập trùng

Núi đá mênh mang

Núi đá xám đen mùa đông

Núi đá biếc xanh mùa hạ

Núi đá hoang lạnh mùa thu

Núi đá mùa xuân tình tứ

Vẫn nhọn hoắt nhìn trời…

Trở về thôi

Trở về cùng núi

Núi luôn đợi ta về

Như sợi tơ đợi tay người thêu trên tấm khăn choàng e ấp

Như tiếng chim queng quý đợi bạn tình

Trở về thôi

Núi đá

Núi đá của ta ơi

Người đàn ông làm thơ xa quê từ thưở ấy

Mang theo hồn núi hồn mây

Mang theo hồn nước hồn thác

Mang theo trong kiếp lưu đày

Kiếp lưu đày thị thành

 

Hồn thơ đành xếp lại

Đành xếp lại hồn thơ đá núi

Vụng về

Vụng về giữa cuộc trần ai

Trở về

Trở về thôi

Mây đang chờ ta

Núi đang chờ ta

Suối đang chờ ta

Mảnh trăng thu sáng như gương giữa thăm thẳm cao xanh

Đang chờ ta…

 

UỐNG RƯỢU CÙNG VÕ SA HÀ

 

Bạn văn gặp gỡ

Ta được ghé ngồi

Nhận vai châm tửu

Cuộc vui

Tửu nhập ngôn sơn sơn

Cùng nhau cười nghiêng ngả

Mặc Lí Bạch “nguyệt hạ độc chước”!

Nào chén chú chén anh

Nào chén tôi chén bác

Nào đồng khởi chén của tất cả chúng ta

 

Nào cùng nói

Nói những lời gan ruột

Mấy mươi năm

Như một chốc thoáng qua…

Ta đã đi qua những tháng những ngày

Cuồng nhiệt, ăm ắp

Tràn trề sinh lực

Những đúng sai

Những được mất

Những lỗi lầm

Đã cháy hết mình

Đã yêu và đã sống

Nhiều khi chỉ vì một lời hứa vu vơ

Ái tình, Dục tình, Diễm tình

Trong – đục

Ta đã trải qua

Hình như chẳng có gì phải hối tiếc

Ta đã sống để rồi ta sẽ chết

Đủ làm nên ta là một là riêng

Nhất, Nhì… hà tất bận tâm

Ngẩn ngơ khi trở về già!

Mặc ai sầu thảm

Mặc ai ngẩn ngơ

Mặc ai âu lo

Mặc ai nuối tiếc

Mặc ai…

 

Ta đã sống

Không héo rũ

Không nhạt nhòa lễnh loãng

Không hùa theo thế sự nổi chìm

Ta đã sống và ta đã sống

Dẫu chỉ bên lề một nhánh cỏ biếc xanh

Dẫu chỉ bên lề

Hoa dại

Sắc hương làm đẹp cho đất

Ai biết mặc ai

Ai không biết mặc ai…

Nào nâng chén cùng bạn hiền ta kính trọng

Nghêu ngao một câu Kiều

Hôm nay, Trời còn để có…

Cạn chén vơi đầy

Nhắc đôi câu chuyện cũ

Và cười

Xí xóa thôi

Cùng xí xóa

Nhân sinh đã nặng gánh rồi

 

CHÂN DUNG 29 – NGUYỄN LINH KHIẾU

 

THI SĨ

[Kính tặng thi sĩ Nguyễn Linh Khiếu, một chân dung phác thảo]

 

Người làm dậy hồn những cỏ nội hoa hèn

Nhờ thi nhân hoa trở thành bất tử

Những loài hoa được sinh ra từ Chữ

Những loài hoa được sinh từ trái tim thi nhân…

Sông Hồng ngàn năm

Sông Hồng vạn năm

Sông Hồng triệu năm

Bỗng một ngày mang tầm vóc mới

Tầm vóc sinh sôi nảy nở

Tầm vóc sông Mẹ sông Cha

Tầm vóc từ trái tim từ tâm hồn thi sĩ sinh ra

Sông Hồng lai láng, trào dâng cuồn cuộn như sức tráng nhân rạo rực

Rùng mình trao truyền máu thịt

Rùng mình hóa thân bất diệt

Rùng mình như trái tim thi sĩ ngân rung…

Sông Hồng

Sông Hồng

Sông Hông chan chứa chảy

Sông Hồng thao thiết chảy

Không lững lờ nửa đục nửa trong

Không hững hờ bàng bạc

Không cạn dòng

Sông Hồng chảy từ trái tim thi sĩ

Sông Hồng chảy từ nỗi lòng thi nhân

Sông Hồng một tráng thi vĩ đại…

 

Dài dặc sông Hồng

Nơi nào bến đậu?

Nơi nào cho hồn thi nhân an trú dẫu tạm thời

Trong cõi nhân gian bụi bặm?

Bến sông nào?

Bến sông nào?

Có phải nơi cuối dòng?

Có phải nơi giáp biển?

Có phải ở nơi xa tít cánh buồm?

Xa tít cánh chim?

Chân trời xa tít

Nơi trái tim thi nhân cồn cào khao khát

Nơi ánh mắt thi nhân vời vợi hướng theo

Nơi giáp biển bốn bề vây sóng nước

Nơi bật lên tiếng hát của Tình yêu…

Tình yêu hướng về sông chảy ngược

Tình yêu tỏa đôi bờ mỡ màu

Tình yêu hướng khơi xa mê hoặc…

Thi sĩ

Tình yêu.

 

CHÂN DUNG 32 – TẠ DUY ANH 

TRONG SỰ HÌNH DUNG CỦA TÔI

[Đọc văn và hình dung ra người – Kính tặng nhà văn Tạ Duy Anh]

 

Người đàn ông vóc hình có phần nhỏ thó

 

Ít nói

Lóng ngóng vụng về những chỗ đông người

Thường vắng mặt ở những nơi ngôn từ rập rờn sắc bướm

Thường vắng mặt ở những nơi nói nói nói cười cười lễnh loãng

Thường vắng mặt ở những nơi gióng trống khua chiêng

Khẩu hiệu treo và cờ quạt linh đình

Những diễn từ viết sẵn

 

Người đàn ông hình như thường im lặng

Trước những ồn ào khen chê

Người đàn ông thu mình lại như chỉ muốn giữ cho mình phần bé nhất

Một chỗ ngồi

Một chốn ẩn cư

Một công việc để có lương đều đều đưa vợ

Không thể không ăn

Không thể không ở

Không thể không nuôi con

Không thể khước từ ma chay cưới xin sinh nhật

Đành sống

Dù nhiều khi ngán ngẩm

Đành sống

Để nhiều khi chán ghét chính mình…

 

Người đàn ông cầm bút

Viết

Viết

 

Viết

Để được thực là mình

Để được nói ra tất cả

Không lên gân

Không đùa nhả

Không bịa đặt

Không vẽ vời hoa lá cành đèm đẹp

Không ngó trước ngoảnh sau dè chừng

Không bớt xén sự thật cho vừa lòng những bóng ma vô hình hay những

bóng người hữu hình

Đã viết là nói lên sự thật

Người đàn ông

Được là chính mình

 

Những trang chữ đều đặn như đàn kiến

Hiện hình

Một cõi nhân sinh hỗn độn tận cùng

Một cõi nhân gian người ma thánh phật cộng sinh

Bầm dập te tua nát bấy

Mồ hôi đổ trộn cùng máu chảy

Đất cỗi cằn một phen tận diệt tận sinh

Những thanh âm của một thời sắt máu

Chát chúa, lâm li, gầm ghè, cuồng loạn

Nhập nhèm thiện ác hư ảo hư vô

Người đàn ông lặng lẽ hàng đêm viết

Sự thật hãi hùng…. Đọc lại nhiều khi

 

Những trang văn

Mệt nhoài, kiệt sức

Người đàn ông lại tự thưởng cho mình

Hình như chỉ là đôi ba điếu thuốc

Xoàng xĩnh thôi

Một – sinh – thú. Người đàn ông đã chọn

Cho riêng mình

Không phiền lụy đến ai./.

 

Đ.T

Comments are closed.