Con đường ra biển
Năm lên mười tuổi
Mạc Đăng Dung lên thuyền theo cha vượt cửa sông Văn Úc
Lần đầu tiên biết thế nào là sóng biển
Khi ngọn sóng cao như mái đình trùm lên con thuyền
cuốn cậu ra xa
Từ dưới sâu cậu bé vùng vẫy chống lại sóng dữ bám được mạn thuyền trước khi người cha túm cậu kéo lên
Từ cái lần đầu tiên ấy
Cậu không còn sợ biển
Cậu bỏ lại trên bờ nỗi sợ truyền đời
Những cơn sóng kinh hồn giữa trùng khơi
Chuyện thần biển bắt người, bắt cả ai dám cứu người trả nợ
Năm mười lăm tuổi
Cậu đã cứu được người bám cột buồm sắp chết.
Mười sáu tuổi, cậu nhìn thấy những chiếc thuyền buôn vĩ đại của những người da trắng
Trên những chiếc thuyền ấy chàng thanh niên thầm khâm phục họ
Đêm trở về căn nhà mái rạ nền đất nhà mình cậu thao thức mơ bay đến những chân trời xa lạ, những xứ sở giàu có tiền bạc và sức mạnh
Nơi những chàng trai như cậu có thể đi khắp trái đất với những con tàu vĩ đại, những kiện hàng to lớn, với những tráp đầy tiền, vàng bạc.
Cậu nhìn hai bàn tay mình
Hai bàn tay to, đầy chai sạn không khác gì bàn tay của những người thủy thủ da trắng. Cậu cũng kéo nổi mỏ neo, cũng nâng lên vai, vác đi những kiện hàng to.
Với những thứ đồ gốm, xấp tơ lụa trên thuyền cậu cũng đổi được vải vóc, đồ trang sức, đồ kim khí, thuốc men…
Cậu hỏi người cha: Cha ơi, để có những con thuyền to lớn đi ra được đại dương thì phải làm gì?
Cha cậu trả lời: Con phải có sức mạnh. Con phải làm cho đất nước giàu có. Biển cả sẽ giúp con.
Mạc Đăng Dung nhìn hai bàn tay mình. Thật lạ trong đó có cả sóng đại dương đang vỗ dào dạt, cậu đang lái một con thuyền to lớn đi về phía mặt trời lên mỗi sớm.
Hai mươi hai tuổi, trong trận tỷ thí đánh gục hai mươi đối thủ bước lên võ đài đô lực sĩ, trong hai bàn tay chàng đánh cá lại cồn lên những cơn sóng biển.
Những cơn sóng biển không bao giờ buông tha chàng cả khi cầm dù che đầu vua ở đội quân túc vệ.
Hai mươi chín tuổi, chàng có thanh bảo đao sức lực người thường không mang nổi. Trên mình ngựa đánh Đông dẹp Bắc lạ thay thanh bảo đao mỗi khi khua trên đầu binh địch phát ra những đợt sóng ầm ào cuốn tan tất cả các đạo quân cùng thành lũy.
Bốn mươi tư tuổi chàng đánh cá trở thành Hoàng đế.
Người vẫn không bao giờ nguôi nhớ tiếng sóng biển.
Vẫn mơ những con thuyền buôn vĩ đại, những xứ sở giàu đẹp bên kia bờ đại dương.
Mỗi buổi sáng
Hoàng đế – Người đánh cá nhìn lại hai bàn tay mình, tiếng sóng biển lại nhắc lời người cha ngày trước:
Biển cả sẽ giúp con.
Tháng 11 -2012
Lặng lẽ
Họ đã rời cuộc chơi
Sau một cú vấp ngã
Có thể
vì nhân cách của người nghệ sĩ
vì tài năng
vì lòng tự trọng
vì sự trung thực với cuộc đời
vì sự phản bội của những người bạn
vì sự ghen ghét
vì những cú đánh hôi
…
Họ từng có một cái tên
Vang lên một thời.
Họ đã biến mất
Khỏi các kỷ yếu
Khỏi lịch sử ngành đương đại
Khỏi trang sách hồi ký
Khỏi mặt báo
Đời sống đã quên không còn họ.
Tôi đi tìm dấu tích cuộc đời những cái tên đó
Đánh vật với những trang giấy cũ nát
Đánh vật với các trang web
Chỉ gặp lại những cái tên đơn giản không hồn
Nửa thế kỷ
Họ đã sống trên đời
Họ đã sống không dấu vết.
Đầu năm 2011
Galilê
Người ta không tin bởi người ta cảm thấy
Trái đất đứng yên
Còn mặt trời thì quay quanh trái đất
Và Côpecnich
Bị ném lên giàn lửa.
Người ta không thấy khi người ta hoảng sợ
Nhìn chiếc kính viễn vọng chín trăm lần
Kinh sáng thế bỗng trở thành huyền hoặc
Và Galilê bị tống vào trong ngục.
Người ta giả bộ thờ ơ
Mặc Kẻ Dị Giáo kia thét lên sau song sắt
Nhưng mà nó vẫn quay!
Sau ba trăm năm mươi chín năm
Giáo hoàng mới phục hồi danh dự cho ông
Người phát minh vĩ đại nhất của thế kỷ Khai Sáng.
1993
Thương thương Chế Lan Viên
Thương cho người đang đói lòng
Biết là bánh vẽ thế mà vẫn phải ăn
Ăn rồi lại phải khen ngon
Không thì chết đói, chết cả nhà vợ con.
Chết rồi bản thảo mới đưa ra
Chết rồi chúng nó làm gì được ông
Thương thương cho cái lưng còng
Suốt đời bánh vẽ dằn lòng để ăn.
Nhưng anh đã dám viết rằng
Vì anh đã có nhiều người theo ăn
Đau đời biết bấy nhiêu năm
Vẫn còn hơn khối kẻ ăn mà ngậm tăm.
Bây giờ thế hệ chúng tôi
Thấy mùi bánh vẽ là quăng đi liền.
Thương thương Chế Lan Viên…
2008
Tác giả gửi Văn Việt.