Lê Học Lãnh Vân
1) Tôi thích thơ anh Phan Đắc Lữ, nhất là lục bát. Hiền, từ tốn, điềm đạm, những câu thơ nhẹ nhàng như cánh võng êm đưa. Thỉnh thoảng điểm vài câu sâu lắng hay vụt sáng như áng nắng lóe mặt ao.
Trong hai mươi sáu câu kể chuyến về thăm Hội An của Phan Đắc Lữ, lòng tôi lắng đọng nhất ở hai câu
Rêu phong xô lệch mái đình
Ngói lam sấp ngửa bóng hình âm dương (Hội An Ngày Về)
Mái đình xiêu vẹo phủ rêu được đặc tả trong sáu chữ “Rêu phong xô lệch mái đình”, vừa tượng hình vừa khiến lòng người đọc trĩu gánh nặng thời gian. Từ đó mà tài tình hạ xuống câu tám với cái tứ “sấp ngửa bóng hình âm dương”, cái tứ gợi lên ít nhiều “lớp sóng phế hưng” của đời dâu biển, và ẩn trong nó chút gì ý nghĩa tâm linh… Trong hình ảnh bao đời quen thuộc của mái ngói lợp âm dương, tác giả đã nhìn ra “sấp ngửa bóng hình âm dương”! Đó là một công phu!
Với tôi, thơ anh Phan Đắc Lữ là miền đất thân quen. Cảnh vật thì “Trời xưa đất cũ”, bờ sông, mái chùa, cánh buồm, con phố buồn nhạt nắng, tường loang lổ… Âm thanh thì tiếng chuông chùa, tiếng chèo khua, tiếng gọi đò… Giữa cảnh vật, âm thanh quen thuộc, tôi nằm võng lơ đãng và lười biếng thưởng thức tình thơ của nhà thơ Phan Đắc Lữ, như cơn gió của một thời chưa xa trở về vuốt ve êm ái…
2) Nghe anh em nói về Vũ Lập Nhật, tôi tò mò, tìm đọc. Trời đất, cõi thơ gì mà quái lạ! Thoạt ngó qua không vần điệu, tứ kỳ dị, sắp xếp vô trật tự…
Tuy nhiên, lội lâu hơn, trồi lên, hụp xuống, tôi cảm nhận trong cõi thơ đó một nét tinh tế mơ hồ, và có trật tự. Thật thú vị khi dần dần hiểu ra lớp trẻ ấy chẳng khác chi mình. Cũng như mình thôi, chỉ là họ ra đời khi thế giới trở thành phẳng, công nghệ phát triển cực nhanh, xã hội đầy ắp thông tin, ngó đâu, muốn làm gì cũng trùng trùng dữ liệu lớn… Trước cảnh đó, nhiều lúc con người thấy cô đơn.
Căn phòng con thuyền
tôi thu mình trong màu xanh ô cửa sổ
nằm trên ba chiếc ghế xếp cạnh nhau
giang sơn nhỏ hình thành khi ngoài kia
tiếng mưa rơi tựa sóng vỗ
căn phòng này sẽ trôi cùng tôi đến đâu
giữa thành phố mười triệu dân này
Cho dù được kết nối chặt chẽ nhau bởi công nghệ, Internet, smart-phone… nhưng những kết nối đó có phù hợp với tầm vóc và thói quen của tình cảm mỗi cá nhân không? Nếu không thì mỗi người có sẽ rút vào cái “giang sơn nhỏ” của riêng mình, biệt lập với thế giới bên ngoài không?
Đọc thơ Vũ Lập Nhật mệt. Nhưng được đền bù. Đắm mình vào cõi thơ lạ lùng mới mẻ đó tôi có niềm vui khám phá. Hiểu được, tôi có niềm vui chinh phục. Và cảm thấy mình còn theo kịp, cảm được với giới trẻ hiện nay. Vui thay, mình cũng còn trẻ được thêm một khoảng nữa! Cũng không khó nhọc lắm để hiểu giới trẻ, chỉ cần chú tâm học hỏi, tìm cách giải mã một số ký hiệu của họ. Chỉ cần tôn trọng họ, biết rằng họ có nền tảng, có nếp sống, có lập luận, có tình cảm của thế hệ họ. Vả chăng, phần rất lớn cuộc sống hiện nay thuộc về họ cơ mà, lứa tuổi của tôi đã bị đẩy ra phía sau khá xa rồi!
Vậy đó, niềm vui thơ phú của tôi hiện nay là du lịch giữa các miền văn chương khác nhau. Khi làm biếng, ngả lưng trên cánh võng thơ Phan Đắc Lữ. Khi cao hứng, xỏ giày đi phượt cõi thơ Vũ Lập Nhật.
3) Tôi được nghe những phê bình về thơ Vũ Lập Nhật.
Có ca ngợi: “Vũ Lập Nhật đem vào trong thơ một chiều kích khác của ngôn ngữ, đó là một sự triển khai hình ảnh trong trường ngôn ngữ (Jacques Lacan), là sự mơ hồ cấu thành của thông điệp thi ca (R. Jakobson), là thứ ngôn ngữ biểu tượng của Roland Barthes. Đó là những bài thơ không viết hoa” (Vũ Thành Sơn, Đọc thơ Vũ Lập Nhật)
Cũng có chê trách: “Trao giải thưởng cho thứ được gọi là thơ đó, có phải Văn Việt muốn khuyến khích sự sáng tạo, tìm tòi theo khuynh hướng “Bộ phận sinh dục thì theo cách của một vòi nước không thể khóa chặt / Tuôn xối xả những chất lỏng màu đỏ””. (nhà văn Phạm Đình Trọng, Đi chỗ khác chơi).
Trong khi hiểu và cảm thơ Vũ Lập Nhật một cách khác, tôi thông cảm với lời phản đối của ông Phạm Đình Trọng về các câu ông đã trích bên trên. Thật không dễ để những câu đó được đồng cảm trong xã hội Việt Nam hiện nay! Lại có người chê thơ “hũ nút”. Tôi có người bạn là nhà văn, hạp tính ý, hạp cả nhiều mặt về văn chương. Đọc bài viết của tôi về thơ Vũ Lập Nhật, anh nói anh không thích loại thơ không đi thẳng vào tim, mà khi đọc phải chờ giải nghĩa. Và anh nói, thảo luận về đề tài này có vẻ lạc lõng khi ngoài Biển Đông tàu giặc đang xâm lấn Tổ Quốc!
Rõ ràng, mỗi người có một quan điểm riêng, phản ứng riêng trước cùng một bài thơ, một trường phái thơ… Người khen, hay khen hết lời, người chê, hay chê hết mức, cũng là chuyện thường. Tôi thực lòng tôn trọng quan điểm khác nhau của mỗi người khi đọc thơ. Và tôi cũng nghĩ, chưa chắc người thảo luận về quan điểm thưởng thức thơ hiện nay, người làm thơ hay thích thơ kiểu Vũ Lập Nhật, lại là người ơ hờ với vận nước đang mệt mỏi vì bên trong là nạn đại tham nhũng và các chính sách mòn kiệt sức dân, bên ngoài là tàu giặc xâm lăng lãnh hải.
Chỉ mong xã hội bao dung nhau hơn. Nếu khác quan điểm thẩm mỹ văn chương thì nêu quan điểm, lập luận nhưng đừng vì đó mà lao vào tranh cãi hay chê trách, thậm chí miệt thị nhau… Xin chấp nhận các quan điểm trái biệt và tôn trọng nhau, bởi vì đó là nền tảng của tự do dân chủ mà xã hội chúng ta đang muốn xây dựng. Thời đại yêu cầu người khác yêu nước giống như mình, yêu cầu người khác cầm vũ khí giống như mình, yêu cầu người khác phản ứng với các tệ hại trong xã hội giống như mình, thời ấy đã xa rồi và còn để lại di chứng tai hại mà thời đại ngày nay đang gánh chịu và sửa chữa.
Ngày 14 tháng 8 năm 2019