Bản thảo (kỳ 7)

BÚT KÝ NGUYỄN ĐỨC TÙNG

36. Sài Gòn

Văn học có năm đề tài quan trọng nhất: cái chết, tình yêu, thiên nhiên, nỗi buồn, sự hành hạ con người.

Không có một đề tài nào khác.

Bốn giờ sáng Sơn thức tôi dậy khi tôi đang ngủ say hai đứa uống cà phê đậm cho tỉnh người rồi Sơn đưa tôi ra phi trường Sơn là em họ con cậu tôi ngày mẹ tôi còn sống cậu rất thân với bà có lần cũng tàn khuya rạng sáng khi tôi tám tuổi thức giấc nằm nghe cuộc trò chuyện giữa cậu và mẹ tôi đó là cuộc trò chuyện cuối cùng của họ đường ra Tân sơn nhất giờ đó vắng cơn mưa đêm qua làm Sài gòn dịu lại cái nóng mùa hè nghẹt thở mặt đường loang loáng nước lấp la lấp lánh như một điệu nhảy của đất phía ngược chiều trước đó vài mươi phút một chiếc xe gắn máy bị xe tải đâm từ phía sau hất người lái xe máy lên lề đường chết ngay lập tức người tài xế bật băng nhạc giọng của Thanh Tuyền réo rắt như suối rửa sạch bao nỗi bụi bặm trầm tư của kiếp người Sơn là bác sĩ phẩu thuật giỏi nhưng nhiều lần xin nghỉ việc để ở nhà săn sóc vợ bị bệnh tôi nhìn thấy trên mặt đường nhựa một hạt mưa to nẩy lên chiếu sáng ánh đèn xe hơi thoắt chuyển mình thành cánh bướm từ cái chết vô danh.

Hãy đối xử với cuộc đời như một người vừa thoát chết.

37. Bảo Ninh có nỗi buồn chiến tranh nổi tiếng giờ đây trở thành niềm tự hào của một nền văn học mà nhà văn ấy vừa tìm cách xa lánh vừa tìm cách trở lại với nó. Tôi nói là nỗi buồn chiến tranh chứ không nói tác phẩm Nỗi buồn chiến tranh còn có tên là Thân phận tình yêu hay Thân phận của tình yêu thì tôi không thể nhớ được vì cái tên ấy tào lao.

Tôi cần giải thích: câu chuyện tình yêu của Kiên và Phương là cái subplot của truyện, nên bỏ đi vì nó chỉ là thứ trang điểm, một thứ mua chuộc độc giả. Tác phẩm này không phải là tiểu thuyết mà là một autobiograpical novel, tiểu thuyết tiểu sử, đó là một tác phẩm kỳ lạ và xuất sắc, dù không lớn như người ta tưởng. Truyện Nguyễn Huy Thiệp lớn hơn.

Khe hở tự do ba hay bốn năm tạo ra hai tác phẩm ấy: nó chứng tỏ rằng không có tự do thì không có gì cả. Nhưng có tự do cũng có thể không có gì cả: vì tự do là điều kiện ắt có chứ không phải là điều kiện đủ, như phép chứng minh trong toán.

Nỗi buồn chiến tranh là một ý niệm, một tư tưởng, một lập trường, riêng.

Chiến tranh chỉ là một thời kỳ ngắn, đặc biệt, của nhân loại. Không có một nền văn chương chiến tranh nào được gọi là lớn cả.

38. Tôi vẫn yêu mến các câu văn. Câu văn dài và câu văn ngắn. Câu văn dài mang lại sức mạnh bao quát như một cảnh quan rộng lớn, dẫn bạn đi trên đường với một ngã rẽ, khúc quanh, hơi hướm của trường ca. Ngày nay ít người viết câu văn ngắn.

Câu văn ngắn thật khủng khiếp. Nó phải đầy tính âm nhạc.

39. Chỉ có kẻ đầy sức mạnh mới học được nghệ thuật cúi đầu xuống trước một câu văn. Những nhà văn tự đắc, sâu xa là yếu đuối, không làm thế được. Cũng như trong đời sống những người cực đoan, sâu xa là những kẻ hẹp lượng và mất thăng bằng, hay than thở ở chỗ riêng, không làm thế được.

40. Thơ và chính trị

Các nhà thơ làm việc một mình. Các nhà thơ trữ tình không trò chuyện với ai cả, suốt ngày anh ta lẩm bẩm gì trong miệng không ai biết. Tác phẩm của anh ta thường nói về mình, một con người không có gì đặc biệt và cũng không xuất hiện trong bài thơ như một nhân vật đặc biệt: thiên tài, chiến sĩ, anh hùng. Trái lại nhân vật nhà thơ thường xuất hiện rầu rĩ.

Kỉ niệm sầu như tiếng thở dài

(Nhã Ca)

Ngay cả những nhà thơ đàn ông mạnh khỏe cũng không khá hơn mấy:

Bác âm thầm chìm nổi

Cùng kiếp người lang thang

Em lông nhông bầu bạn

Với kiến đen chó vàng

Trần Đăng Khoa (gửi bác Trần Nhuận Minh)

Thế mà những vần thơ ấy vẫn có người đọc, không những thế vẫn được nhớ qua nhiều năm tháng. Không có một bài thơ nào có thể tồn tại độc lập, chỉ cần tác giả và nó. Một bài thơ chỉ có thể là bài thơ khi được thế gian thừa nhận đó là bài thơ, cảm nhận như một bài thơ, đọc và nhớ lại như một bài thơ. Nguyễn Trãi hay Nguyễn Du, Đoàn Thị Điểm hay Hồ Xuân Hương cũng chỉ có thể sống trong tâm hồn độc giả, chỉ sống khi nào người yêu thơ đọc họ, nghĩ tới họ, nghĩ tới tác phẩm của họ. Trong xã hội nguyên thủy sự khai sinh của một ngôn ngữ có lẽ bắt đầu như thế này: một người nhìn thấy mặt trời lên, đẹp quá và đặt cho nó một cái tên.

Có thể nhiều người trước đó đã đặt tên cho nó, nhưng không ai nhớ. Lần này may mắn hơn cái tên ấy được người thứ hai nhớ lại và gọi nó vào ngày hôm sau khi nhìn thấy mặt trời. Cái tên ấy có thể là mặt trời, có thể là sun, là nhật, là soleil…Mặt trời là mặt của trời. Mặt của bầu trời.

Nhật tân, nhật nhật tân

Chúng ta dịch là: ngày mới, mỗi ngày một mới.

Vì nhật là ngày. Nhưng có một nhà thơ đã dịch như sau:

New sun, new sun sun

Mặt trời mới, mặt trời mặt trời mới

Cái tên được nhiều người nhớ lại ấy tiêu biểu cho một thực tế, một sự vật mà chúng ta cùng nhau thừa nhận. Cái tên ấy được thừa nhận vì một số lí do: nó hợp lí, nó ngắn gọn, nó tạo ra niềm vui thú.

Đối với mặt trời thì chữ mặt trời là hay nhất.

Đối với cái ghế, chữ ghế là hay nhất

Tương tự, đối với ĐM thì ĐM là hay nhất. Bạn có thể suy ra thêm nữa. Chúng thích hợp để trở thành các biểu tượng.

Về sau sự lý thú của việc phát hiện một chữ không còn nữa. Xã hội quen dần với một chữ, mặt trời chỉ là một chữ để chỉ một thiên thể ngoài trái đất, nóng dữ dội, cần thiết cho đời sống. Cái tách chỉ là cái tách để uống trà nếu không gọi cái tách mà gọi cái khác cũng không sao. Nó chỉ là một cái tách thôi mà.

Các nhà thơ không nghĩ vậy. Họ là những người vẫn lắng nghe được tiếng nói từ thuở ban đầu, nhận ra sự vui thú từ ban đầu của những người phát minh ra cái tên ấy.

Khi đọc lên một chữ, quả lựu chẳng hạn, bạn không chỉ một sự vật, một thứ trái cây ăn được mà không phải ai cũng thích, có màu đỏ, mở chúng ra để ăn không phải một việc dễ dàng. Chỉ có thế thôi. Nhưng khi nghe con trai của tôi phát âm chữ lựu, năm nó bốn tuổi, thì tôi giật mình lắng nghe. Cái âm được phát ra từ miệng một đứa bé hay vô cùng. Người lớn không bắt chước được.

Cũng hay như vậy, khi nó phát âm chữ moon, mặt trăng. Không ai bắt chước được.

Đối với những đứa trẻ, và đối với những nhà thơ có tài, chữ lựu làm vang lên một mùa hè rộn rã, buổi sáng cỏ thơm lừng mặt đất sau cơn mưa, mùa tựu trường, mùi mồ hôi, những nhành cây gầy thật đẹp ngả vào tường vôi trắng. Tôi chắc rằng thời kỳ mới đầu tiếng Việt không phong phú như bây giờ, ít chữ hơn, cách nói ít phức tạp hơn.

Mới đầu chỉ có trắng, nhưng trắng không đủ. Mới đẻ ra trắng tinh, trắng muốt, trắng bệch, trắng trong, trắng ngà, trắng toát. Cũng như tròn hay vuông không đủ, tròn thì tròn xoe, vuông thì vuông vức, như thế là cảm quan của con người mỗi ngày một phong phú hơn. Tiếng Việt không giàu lắm trong các chữ trừu tượng, và không xuất sắc lắm trong việc diễn tả các ý tưởng có tính khoa học và hợp lý. Tôi sống ở Việt Nam một thời gian khá dài gần bằng thời gian sống ở nước ngoài, nhưng khi cần diễn tả một ý chuyên môn, hoặc chính trị, tôi đều suy nghĩ bằng tiếng Anh thì mới thông suốt vấn đề.

Tiếng Việt lên đến đỉnh cao với truyện Kiều của Nguyễn Du, nhiều người đồng ý thế. Tôi cũng đồng ý, nhưng tôi tin rằng sau Nguyễn Du tiếng Việt còn phát triển hơn nữa và cần phải phát triển hơn nữa. Nó có thể đẹp hơn nữa.

Nhu cầu tương tác trong xã hội buộc người ta phải đoán nhiều hơn lắng nghe, đọc nhanh để hiểu nghĩa nhiều hơn đọc chậm để nắm được nhiều chữ.

Thơ đi ngược con đường ấy.

Để đi ngược con đường ấy, thơ tạo ra những chữ mới, cách nói mới. Cái mới ấy làm cho bạn nghe mà không đoán được. Không nghe được chữ nào là mất chữ đó.

Đêm giao thừa thế kỷ mưa rơi sao

(Thanh Tâm Tuyền)

Đọc (nhóm) chữ trước bạn không đoán được (nhóm) chữ sau.

Bạn phải lắng nghe.

41. Hòa bình

Sau khi chiến tranh kết thúc, hòa bình lập lại, mọi thứ đâm buồn tẻ. Đừng hiểu lầm: tôi cũng ghét chiến tranh, thèm khát hòa bình, như tất cả những người khác, không ai muốn chết, không ai muốn quê hương điêu tàn, nhìn thấy dân tộc đau khổ vì bom đạn. Nhưng đó là một chuyện khác. Buồn thì vẫn buồn. Nói thế tức là thời chiến tranh vui hơn? Tôi không biết, chỉ biết rằng khi hòa bình thì buồn hơn. Mọi thứ bỗng nhiên mất trọng lượng, rơi hẫng xuống. Tôi có cảm giác có lỗi khi cảm thấy thế. Khi còn chiến tranh, tôi đi dọc những con đường bụi đỏ bốc mù mịt vì xe nhà binh, cảm thấy sợ hãi, nhưng cảm giác ấy thôi thúc bạn mạnh mẽ, rõ ràng bạn muốn làm một điều gì đó, bạn muốn đi lính hoặc muốn trốn lính, bạn muốn cầm súng lên hay muốn vứt súng bỏ chạy, bạn căm ghét cuộc chiến tranh này, biểu tình, xuống đường, hay bạn ủng hộ nó, bất kể ra sao, bạn đứng về phe này hay đứng về phe khác, thì rõ ràng có một động lực sâu xa trong lòng bạn.

Bây giờ cái động lực ấy biến mất, cả dân tộc không biết phải làm gì, đâm ra khinh nhau, mà không ai cần đến bạn nữa. Mọi cuộc đoàn tụ đâm ra lóng cóng, ngỡ ngàng. Tất cả đã có chính quyền lo giúp. Ngày trước khi tôi còn bé, bạn muốn đào một cái giếng cho cả xóm ư? Thì làm như Dũng, như Đạm, quyên tiền, rồi thuê thợ, bạn hội ý giữa những người trẻ tuổi và các bô lão, bây giờ đã có chính quyền cấp xã, ngày trước bạn muốn viết một bài thơ, kể rằng tôi yêu đất nước mình, bây giờ những bài thơ như thế đầy rẫy trên mặt báo, chẳng ai thèm đọc, vì chúng kêu the thé như vẹt, toàn do bọn nịnh hót viết, một trăm phần trăm, nếu bạn viết ra, nó lập tức sẽ có vẻ giả dối, ngày trước bạn muốn thức suốt đêm nằm trên cỏ nhìn sao trời nghĩ về quê hương thanh bình bạn sẽ đi từ Nam ra Bắc, từ Hà Tiên đến Bắc Ninh, bây giờ quê hương đã thanh bình nhưng bạn không thể đi được vì xe tàu khó khăn, vả lại có dễ dàng bạn cũng không có hứng, chẳng biết vì sao. Mọi thứ như thể một người bệnh bị rút ống thở. Mọi thứ như một thân cây bỗng bị cưa ngang gốc. Những giấc mộng tuổi trẻ tựa như diều đứt dây. Tình trạng ấy rõ ràng là bệnh tật, nhưng ngày ấy tôi còn trẻ, niềm vui thú trong đời bao giờ cũng xen lẫn với lầm lỗi, lúc nào tôi cũng tin rằng sự vật nếu chăm chú nhìn kỹ sẽ bộc lộ ở chúng những bí mật lý thú, nên tôi vượt qua những điều khó hiểu dễ dàng hơn người khác. Hôm sau câu hỏi ấy lại trở lại, tôi càng cảm thấy tôi khác với những người chung quanh, những người hơn hở nhảy múa trên đường, bọn cơ hội cầm cờ chạy rong ngoài phố, bọn trí thức từ Hà Nội tới Sài Gòn sắm sửa cờ và quạt, tranh và ảnh, tôi không thể tha thứ chúng được, nhìn đâu cũng loá cả mắt khẩu hiệu, cho đến một lúc tôi bắt đầu thuyết phục mình rằng cái hiện thực mà tôi đang có đúng là thứ tốt đẹp nhất cho mọi người, nếu tôi cảm thấy khác đi thì đó là lỗi của tôi, cái tôi nhỏ bé, phải bỏ đi, và tôi đã cố bỏ nó đi, cái tôi nổi loạn ấy, và đã làm được trong vài năm. Nhưng nỗi buồn vẫn trở lại. Tôi không nghi ngờ gì về nó cả. Khi bạn ở thiên đường, có thể bạn không biết, nhưng khi bạn ở địa ngục, bạn biết ngay là nó.

Địa ngục của tôi không có gì ghê gớm cả, không phải cái chết, sự tra tấn, mà là nỗi buồn, sự vô vị của đời sống. Sự vô vị ấy không làm tôi hoảng sợ, nhưng chính điều này làm tôi sợ hãi: sự vô vị của người khác, sự vô minh của họ đối với nỗi buồn của con người. Khi buồn rầu chán nản, có một thứ có thể chữa trị được nó, đó là sự sợ hãi, hay sự can đảm, cả hai mạnh hơn nỗi buồn kia. Cả hai, sự sợ hãi hay sự can đảm, được kích hoạt trong chiến tranh, người ta có thể sống với nó cùng một lúc, sống hào hứng, vừa khóc vừa chạy trên đường, vừa khóc vừa cười. Người ta có thể sống ý nghĩa hơn trong một đời sống khổ đau, với dũng cảm và sợ hãi, và người ta sống vô vị hơn trong một đời sống hòa bình, phi sự kiện, phi mục đích, luồn cúi, giả tạo, ở đó những kẻ ngụy biện là ngoi lên dễ nhất. Tôi hình thành cái nhìn của tôi, viễn kiến về tương lai của tôi, đúng như thế, khi tôi mười tám tuổi, như một đứa trẻ sắc bén và ngu dại, chưa từng trải và hoàn toàn liều lĩnh. Lòng tôi khiêm tốn và khinh bạc. Vào lúc ấy, sự trống rỗng chiếm đầy tâm hồn tôi, đôi khi làm tôi kiệt sức, đó không phải là sự trống rỗng bất động không có gì như một căn phòng không có bàn ghế, đó là sự trống rỗng ác liệt, đầy hoạt động như một cái cây ngày một lớn lên, lớn hơn nữa, tràn ngập khắp nơi. Tôi quyết định ra khỏi cuộc sống ấy, ra khỏi sự trống rỗng ấy, ra khỏi nỗi buồn hậu chiến, ra khỏi chính cuộc hòa bình dang dở, sự chết mòn. Ra khỏi sự vô nghĩa. Tôi muốn giành lại cuộc đời mình, sống thật cho nó một lần xem sao.

42. Thơ là gì?

Không ai biết thơ bắt đầu từ bao giờ. Nhiều người tin rằng thơ có mặt cùng với ngôn ngữ. Từ những thời nguyên thủy con người đã biết sử dụng nó. Trong mọi thời đại, trên mọi xứ sở, thơ được làm ra, được đọc, được hát bởi tất cả mọi người, thợ thuyền, trí thức, nam và nữ, trẻ con và người lớn tuổi. Vì sao thơ được làm và được đọc?

Cũng như mọi hình thức nghệ thuật khác, con người sáng tạo nên thơ ca vì nó đem lại niềm vui thú. Đọc thơ và làm thơ tạo nên sự vui thú tinh thần. Nhưng không phải chỉ có thế, thơ mang lại ý nghĩa cho các sự vật, cho những xúc cảm của con người. Thơ làm cho cảnh sắc trở nên tươi đẹp hơn, làm cho tình yêu trở nên sâu sắc hơn, làm cho những cảm xúc trở nên vững bền, tỏa sáng.

Thơ làm bằng ngôn ngữ, nhưng đó là một loại ngôn ngữ đặc biệt, được tăng cường, được nén chặt. Thơ cũng khác với ngôn ngữ. Trong đời sống ngôn ngữ được dùng để giao tiếp, để truyền đạt những thông tin, nêu những câu hỏi, để trả lời. Không có ngôn ngữ con người không thể hiểu nhau, không thể hợp tác, không thể cùng làm việc. Không có ngôn ngữ thì không có xã hội.

Có một thứ ngôn ngữ khác, có thể gọi là ngôn ngữ văn học, như trong tiểu thuyết, các ca khúc, trong thơ. Mặc dù ngôn ngữ trong nghệ thuật cũng bao hàm các thông tin cần thiết nhưng công việc của chúng là truyền đạt các kinh nghiệm cảm xúc. Một bài thơ hay một cuốn tiểu thuyết về lịch sử không phải để kể lại lịch sử, công việc ấy đã có các sách sử kí, và để diễn tả các kinh nghiệm cá nhân, những cảm xúc xuyên qua các thế hệ. Ngôn ngữ của nghệ thuật mang lại những kinh nghiệm mới.

Ngôn ngữ thơ ca không phải chỉ là phương tiện để truyền đạt kinh nghiệm hay các kiến thức, mà còn hơn thế nữa, bản thân chúng là các kinh nghiệm ấy. Một bài thơ có đời sống riêng như một nghệ thuật.

Hãy chọn một ví dụ. Bạn đi qua một vùng quê, đứng bên một bến đò, bạn nhìn thấy một thân cây cao lớn, trổ hoa, đỏ rực. Bạn ngẩn ngơ đứng trước cái đẹp tinh khiết rực rỡ. Bạn muốn tìm hiểu về bông hoa gạo, có mặt nhiều nơi ở miền Bắc và một số nơi ở miền Trung. Bạn về nhà, tìm trong sách vở các tài liệu nói về cây hoa gạo. Ở đó có đủ cả: nguồn gốc, phân bố, nhu cầu dinh dưỡng, kích thước của cây, mô tả chi tiết các bông hoa, mùa ra hoa. Càng đọc bạn càng hiểu thêm về cây hoa gạo, điều ấy là tốt, nhưng bạn cảm thấy thiếu một điều gì khác. Đó là cái cảm xúc kia khi bạn đứng bên bờ sông trong buổi sáng khi trời còn mờ sương, chờ chuyến đò đang chậm rãi băng qua sông. Bạn ngẩn ngơ trước vẻ đẹp ấy. Thế rồi có người đọc cho bạn nghe mấy câu thơ sau đây của Quách Thoại

Mặt trời mọc

Mặt trời mọc

Rưng rưng mùa hoa gạo

Bạn đọc đi đọc lại. Rung động. Phấn khích. Ngào ngạt đất trời. Và ba câu thơ ấy chẳng có gì cả, nó ngắn, đã có hai câu nói về mặt trời mà hai câu ấy là trùng nhau. Nói về hoa gạo chỉ có một câu ngắn ngủi, mà cũng không mô tả gì cả. Nhưng mấy câu thơ ngắn ấy mang lại cho bạn cả một trời, vì đó là cái kinh nghiệm xáo động khi bạn đứng ở trên bờ sông kia, một nơi nào đó miền Bắc hay miền Trung chẳng hạn. Bạn nhớ đến buổi sáng hôm ấy, bạn nhớ đến mặt trời lên đỏ rực như màu hoa gạo. Bạn nhớ đến một vùng đất nước. Đã mất. Ngay với người vẫn còn ở đó.

43. Văn học cao hơn đời sống. Nó nâng con người lên.

Tôi nói sâu hơn về thơ: thơ đẩy xa các giới hạn của suy nghĩ và ngôn ngữ, tập hợp chúng lại trong những khoảnh khắc. Những khoảnh khắc ấy là khi bạn đọc hay viết, ở đó bạn trở nên cao đẹp hơn chính mình.

Khi đọc: sáng hôm nay hồn em như tủ áo

Của Huy Cận, thì tâm hồn bạn trong suốt tinh tươm ngăn nắp hẳn lên.

N.Đ.T

(Còn tiếp)

Comments are closed.