(Rút từ facebook của Lại Nguyên Ân)
1/ Sự việc gần nhất: chương trình Chuyển động 24h chiều tối ngày 9/11/2015 nói đến một thanh niên dân tộc thiểu số tự rèn luyện để có thể thi bắn súng với kết quả rất tốt (tôi không nhớ tên nhân vật) MC nói đến ý định của thanh niên này là trở thành 1 xạ thủ, nhưng không thực hiện được. Để nói ý đó, MC dùng từ “thực hiện hóa” (ý đồ đó). Một cách dùng từ sai và khá nực cười. Lâu nay các nhà báo (báo viết, báo nói) hay dùng từ “hiện thực hóa” (để diễn tả việc thực hiện một dự kiến, dự án, v.v.); đây là cách mô phỏng (dịch) từ Âu “realization”, “realisation” hơi máy móc vì nhại từ “hóa” theo kiểu Tàu. Lẽ ra chỉ cần diễn đạt là “thực hiện”. Thế nhưng cái lối thêm “hóa” (máy móc kiểu Tàu) vẫn không thôi hấp dẫn nhà báo trẻ, vì vậy mới có cái từ quái thai “thực hiện hóa” trong “Chuyển động 24 h” chiều tối 9/11/2015.
2/ Những từ Việt như “diễn ra”, “xảy ra” là từ thông báo về sự việc, sự kiện, hiện tượng…, nó chỉ có thể kết hợp với những từ đứng trước như “đã”, “đang”, “sẽ” mà thôi. Ấy vậy mà khá nhiều Phóng viên thể thao nhà đài VTV1 cứ ghép “được” với “diễn ra”! Hình như tư duy xin-cho áp và óc các bạn quá nặng, nên các trận bóng đá cũng cứ phải “được diễn ra” chứ không chỉ là diễn ra đơn thuần?
Tôi nhận thấy các phóng viên thể thao lên truyền hình đang phá phách tiếng Việt khá nặng. Không biết chính các bạn đó có thấy thế không?
3/ Gần đây, “với cả” đã từ miệng một số MC dẫn về thời tiết, lây lan sang các MC khác, kể cả các MC dẫn các chương trình thời sự.
Từ “cả” này vốn chỉ là một hư từ, một tiếng đệm. Ai từ nơi xa mới đến Hà Nội, sẽ thấy khá lạ tai khi nghe dân cư ở đây, chủ yếu là cư dân ngoại thành, thường nói “mí cả … mí cả”! Chính là “với cả” đó! Nghĩa của nó chỉ là “và”, tức là kể thêm, nói thêm, “mua rau mí cả mua thịt”, “ăn cơm mí cả ăn cá”, v.v.; người dân vùng quanh Hà Nội dường như coi “và” là từ … sách vở, nên họ tránh dùng, họ thay bằng “mí cả”, “với cả”… Điều đáng lạ là từ “với cả” này lây nhiễm hầu khắp những người nói giọng Bắc! Có thể các MC truyền hình đã lầm tưởng rằng “với cả” là dạng nói chuẩn (!?) của vùng Hà Nội, họ bèn lạm dụng, đem dùng phổ cập khi dẫn chương trình truyền hình. Thật ra, chỉ “với” là đủ rồi, sau “với” là các cụm từ liên quan, đừng nên “với cả”!
Đó là sự lạm dụng khẩu ngữ không cần thiết.