Nam quốc sơn hà…

(Rút từ facebook của Lưu Trọng Văn)

 

Ngôi chùa cổ. Đại La. Cảnh bình, êm. Gió dường như cũng rón rén khi qua đây. Nắng dường như cũng ngậm bớt cái chói khi qua đây. Khoảng 30 nhà sư trẻ khuôn mặt Việt tuấn tú mặc áo nhà chùa ngồi thẳng, tay khoanh, cùng đồng thanh đọc bài thơ “Nước Nam sông núi”:

“Nam quốc sơn hà Nam đế cư

Tiệt nhiên dĩ định tại thiên thư

Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm

Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư”.

Lý Công Uẩn chợt đứng dậy:

– Thưa thầy! Xã tắc là của chung, sao bài thơ này chỉ nói đến vua ở ạ…?

– Vậy ý con là… Sư Vạn Hạnh để lửng câu nửa như nói, nửa như hỏi.

– Nước Nam sông núi dân Nam ở. Uẩn dõng dạc.

Các nhà sư trẻ đồng thanh:

– Nước Nam sông núi vua Nam ở.

Tuyệt nhiên sách Trời đã ghi.

Uẩn như thét lên át dàn đồng thanh của các nhà sư trẻ kia.

– Nước Nam phải là của dân Nam!

Bỗng vang lên tiếng quát từ phía ngoài:

– Láo! Xã tắc là của vua! Của riêng Vua!

Tất cả im lặng nhìn ra ngoài hiên, một chú bé khuôn mặt khôi ngô nhưng ánh mắt đầy xược. Vạn Hạnh nhận ra hoàng tử Long Đĩnh. Long Đĩnh nhìn mọi người đầy vẻ thách thức rồi bỏ đi, lên kiệu phía ngoài chờ sẵn. Kiệu khuất khỏi cổng chùa cùng tiếng cười mà sự trẻ con của nó làm cho sự ngạo mạn trở thành buồn cười.

Trống nổi, lớp học tan,các nhà sư trẻ túa ra sân chùa làm cho cái màu vàng của áo cà sa như những nhát chổi lớn cùng lúc xua đi hết những chiếc lá vàng cô quạnh.

Chỉ còn Vạn Hạnh và Công Uẩn dưới mái hiên.

– Uẩn, có những điều con có thể nói trong ngôi chùa này, nhưng không được nói ở bất kì đâu. Xã tắc là vua hay xã tắc là dân bao đời nay không chỉ ở Đại Tống kia mà cả ở Đại Cồ Việt ta nữa luôn là điều cấm kị luận bàn.

– Nhưng con muốn…

– Một mình con muốn không đủ. Ta e rằng đầu con có thể rơi khi cái điều con muốn kia lọt tai một kẻ gian thần thậm chí lọt tai một kẻ sĩ trung quân.

– Nhưng…

– Không nhưng gì hết! Nam quốc sơn hà Nam đế cư. Không phải thiền sư Pháp Thuận khi viết những câu thơ này dâng vua Lê Hoàn bình giặc Tống xâm lăng bờ cõi Đại Cồ Việt ta, người không hiểu cái lẽ của nhà Phật – cái lẽ của chúng sinh mà con gọi là dân. Nhưng thiền sư vẫn viết “Nam đế cư” vì thiền sư hiểu bao đời nay dân, chính dân tin là như vậy. Chỉ dựa vào niềm tin của dân mới mong có sức mạnh. Dân xưa nay chỉ quen nhìn lên ngọn cờ và trông ngóng ngọn cờ…

– Thưa thầy, phải chăng để cho dân tin như vậy cũng có lỗi của các bậc thánh hiền?

– Ý con là lời dạy của đức Khổng tử?

– Vâng, “Trung quân là ái quốc”. Bây giờ con đã hiểu vì sao mà có những kẻ tôi hèn. Nếu con làm vua thì việc đầu tiên con sẽ…

– Muốn “Trung dân là ái quốc” thì trước hết con phải làm sao cho chính những bạn học của con kia cũng tin như con đã. Muốn nước Nam của dân Nam và chỉ dân Nam mới thật là chủ thì phải chính những người dân Nam tin như thế đã.

– Nhưng làm sao để dân Nam ta tin như vậy thưa thầy?

– Đó là câu hỏi lớn nhất mà đêm đêm thầy trăn trở. Con có bao giờ hỏi là một nhà tu hành vì sao thầy cứ phải lắng nghe tiếng cuốc ngoài cánh đồng, tiếng binh đao nơi chiến trận, tiếng khóc trẻ xóm kia hơn tiếng mõ tụng kinh, tiếng chuông chùa? Con ơi, thầy là kẻ tu hành không gia đình, không con cái, nhưng con có biết vì sao thầy lại nghiêm khắc với con trong từng nghĩ suy vận nước? Thầy lại ngày đêm cùng con chuyện nhân gian, cái lẽ đời? Vì thầy biết mình đã già rồi. Thầy chỉ còn biết đặt niềm tin vào con. Làm sao để dân Nam tin ư? Chỉ có một cách thôi, duy nhất một cách thôi là con thực lòng thương dân Nam. Chỉ tình thương mới đánh thức được tình thương thôi con ạ. Có tình thương sẽ có đức tin vững bền. Con hãy tin rằng mọi cái gọi là “niềm tin” của dân chúng hôm nay nếu không xuất phát từ tình thương, từ trái tim thì có thể chỉ là do sự ngu muội hoặc do sự sợ hãi. Đó không thể là niềm tin vững bền. Chỉ tình thương dân, yêu dân, kính dân nồng nàn mới có thể cho con sức mạnh đánh bật sự ngu muội và sự sợ hãi trong dân…

– Thưa thầy cái đích của tình yêu thương của con bao năm nay bên thầy con đã rõ. Và bây giờ con đã rõ cái đích của sự căm ghét mà con phải tiêu diệt đó chính là sự ngu muội và sự sợ hãi của con người. Thưa thầy, con muốn từ hôm nay, thầy cho con được rời cổng chùa này.

– Con sốt ruột lắm rồi phải không?

– Long Đĩnh một ngày nào đó không xa sẽ trị vì nước Nam ta. Thưa thầy làm sao con có thể ngồi yên dưới mái chùa này khi nghe tiếng quát từ ông vua tương lai ấy: Láo!Xã tắc là của vua!

***

11. 11. 2015.

Mấy hôm nay trên nhiều diễn đàn sôi nổi những cuộc tranh luận xung quanh sự kiện Sách giáo khoa cho in bản dịch khác bài thơ “Nước Nam sông núi”. Gã xin trích đăng một đoạn trong tiểu thuyết lịch sử “Khát vọng Rồng” mà gã viết hơn năm năm trước nhưng vì nhiều lẽ chưa thể xuất bản để gọi là góp thêm một tiếng nói trong cuộc tranh luận này.

Comments are closed.