(Rút từ facebook của Nguyễn Trọng Khôi)
Khi mà những tiếng chim, những bông hoa vẫn nở trong vườn mỗi sáng bình minh; khi mà mọi người vẫn còn hí hửng khoe về sự màu mỡ của da thịt, sự hưởng thụ sung túc no đầy, khoe mẽ bản thân và gia đình, dòng họ… khi mà vừa sáng sớm chúng ta đã dán mắt vào trang FB để click on chữ Like hay đánh Comment trên Text field… thì ở một căn nhà nhỏ hẹp tại một thị trấn hẻo lánh của tiểu bang New Jersey có một người vẫn miệt mài vật lộn với vô vàn máy in, máy đóng xếp trong một cái basement tối và chật chội không đủ lối đi. Công việc không phải một, hai ngày mà đã hàng chục năm qua. Những cuốn tạp chí Thư Quán Bản Thảo phát không lần lượt đến với người đọc. Những tài liệu về Văn Học Miền Nam được truy tìm và bảo vệ như một di sản. Rồi lại in, rồi lại đóng gửi free đến bạn đọc. Tất cả đều free kể cả sức lực dồn hết vào đó đã vắt kiệt một cuộc đời. Bên cạnh là người phụ nữ – chị Yến, lúc nào cũng động viên chồng mình làm công việc này, ngay cả bây giờ khi phải nằm liệt trên giường vì tai biến, hễ còn sót nụ cười nào cũng dành cho chồng để khuyến khích.
Không cho nước mắt rơi, không cho những ta thán vướng vào làm thành những bận tâm bạn hữu. Kiên cường một mình, vượt lên trên những nghiệt ngã để tiến tới. Tiến tới đâu?
Căn nhà nhỏ cũng một mình (tôi chưa bao giờ dám chụp hình sợ rằng sẽ kinh động đến lòng tự trọng của chủ nhân), nơi gần bạn nhất cách 370km. Trơ trọi ở khu hẻo lánh bạn bè không cần khóa cửa vì trong nhà hiện chỉ còn duy nhất cái di sản Văn Học Miền Nam, có kẻ trộm nào vào lấy đi cái di sản tồn trữ tại đó. Nếu có lấy thì thật là mừng, vì kẻ trộm đó có văn hóa.