Trên bảo dưới không nghe?

Nguyễn Tuấn

Không ngờ Thủ tướng mới viết một bài về internet (1) với một ý kiến đáng chú ý. Trong bài viết, ông kêu gọi công dân nên sử dụng internet một cách có trách nhiệm bằng cách đưa thông tin, hình ảnh, dữ liệu có trách nhiệm cao. Ông còn kêu gọi cư dân mạng “hãy cùng nhau đấu tranh vì lẽ phải, công bằng và những giá trị cao đẹp để thiết lập, duy trì và phát triển môi trường Internet văn minh ở Việt Nam.” Nghe thật hay. Thế nhưng những gì xảy ra trong thực tế ở An Giang và vài nơi khác thì lại không theo những lời khuyên của ngài thủ tướng. Giống như tình trạng “trên bảo dưới không nghe.”
Câu chuyện ở An Giang thì chắc các bạn đã biết rồi. Cô giáo Thuỳ Trang chỉ vì chia sẻ một bản tin về vụ ông chủ tịch tỉnh bị kiểm điểm và kèm theo lời nhận xét “kênh kiệu” mà bị phạt 5 triệu đồng. Càng vô lí hơn khi người ta vào đó nhấn nút “Like” mà cũng bị phạt! Nói theo cách viết của ngài thủ tướng, cô Thuỳ Trang chỉ “đưa thông tin” và có trách nhiệm công dân là đưa ra nhận xét. Ấy vậy mà cô ấy bị phạt.

Đọc qua những gì ông chủ tịch tỉnh này trả lời trên báo chí thì có thể thấy ông là người rất cố chấp và cao ngạo. Ông tuyên bố rằng “Tôi sẵn sàng tha thứ để họ sửa sai” (2). Tôi phải hỏi: Ai sai? Chính ông mới là sai. Vậy mà ông dám trịch thượng nói lời “tha thứ”! Thật là quan chức đời nay hành xử như cha mẹ dân. Ông phớt lờ tất cả những lời khuyên của các bậc tiền bối của tỉnh. Chị Kỳ Duyên dùng chữ “tư duy trẻ trâu” (3) cho cách hành xử của ông quả là chính xác. Ông có ngon lành thì phạt Kỳ Duyên xem sao. Một người như vậy mà đứng đầu một tỉnh lớn thì đủ biết qui trình “qui hoạch” cán bộ là có vấn đề.
Tinh thần dầu khí
Quay lại lời khuyên của thủ tướng về việc đưa thông tin có trách nhiệm cao, chúng ta thử xem cái tin “Luật sư Trần Vũ Hải ‘trốn’ sang Mỹ?” của báo PetroTimes (4). Đây là một bản tin rất sai, rất bậy, vì ông Trần Vũ Hải chỉ ở cách văn phòng PetroTimes có 100 mét, chứ chẳng có đi đâu cả. Dùng chữ “trốn” còn là một cách hạ nhục vị luật sư. Bài đó hình như đã rút xuống và thay vào một bài khác. Thành ra, một điều nực cười khác là khi bạn nhấn vào đường dẫn http://petrotimes.vn/luat-su-tran-vu-hai-tron-sang-my-352006.htmlthì lại hiện ra một bài có tựa đề “Sở QH-KT Hà Nội ‘bảo kê’ sai phạm ở tòa nhà Thăng Long – Yên Hòa?” tức chẳng ăn nhằm gì đến đường dẫn! Đây là một trường hợp tiêu biểu về việc đưa tin chẳng có trách nhiệm. Lại một minh hoạ cho hiện tượng “trên bảo dưới không nghe”.
Có một khẩu hiệu rất thú vị về triết lí làm báo của PetroTimes. Khi ông Trần Vũ Hải đến văn phòng PetroTimes để minh bạch về thông tin, ai đó có chụp một bức hình trên tường với dòng chữ: “Hãy làm báo với tinh thần Dầu khí” (chữ “Dầu” viết hoa nữa chứ) và một câu rất vần vè: “Tin không được dài, bài phải sâu sắc”. Thú thật, tôi không biết “tinh thần Dầu khí” là gì mà nó làm nguyên lí dẫn đường của một tờ báo. Tinh thần lợi ích nhóm hay gì? Bạn nào biết xin chỉ giúp.
====
(1) http://baochinhphu.vn/Tin-noi-bat/Vi-mot-moi-truong-Internet-tinh-khiet-va-trong-sach/241782.vgp
(2) http://phapluattp.vn/ban-doc/chu-tich-an-giang-toi-san-sang-tha-thu-de-ho-sua-sai-592387.html
(3) http://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/274479/anh-hung-rom–tu-duy–tre-trau–va-su-chuyen–trach-nhiem.html
(4) http://petrotimes.vn/luat-su-tran-vu-hai-tron-sang-my-352006.html
Hình lấy từ trang anhbasam.wordpress.com

Nguồn: https://www.facebook.com/photo.php?fbid=1515945542051900

Comments are closed.