Cải cách giáo dục thời kỳ công nghiệp hoá ở Hàn Quốc và một vài kinh nghiệm đối với Việt Nam

clip_image002

I. ĐẶT VẤN ĐỀ

Vào thập niên 50 của thế kỷ trước, Hàn Quốc “là một vùng đất nghèo với thu nhập bình quân đầu người khoảng 90 USD/năm, di chứng chiến tranh rất nặng nề, đó là sự tiêu điều, thiếu thốn và lạm phát về kinh tế như những căn bện cố hữu hủy hoại sức sống đất nước”[1]. Vậy mà chỉ sau 3 thập niên tiến hành công nghiệp hóa, Hàn Quốc đã trở thành một nước công nghiệp mới (NIC) và sau đó trở thành nước công nghiệp phát triển, thành viên của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD). Đấy là một kỳ tích đáng để các nước đang phát triển tham khảo, vận dụng và khi phân tích các nguyên nhân dẫn đến sự phát triển vượt bậc nói trên của Hàn Quốc, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng vai trò của giáo dục có ý nghĩa cực kỳ quan trọng, “ là một trong những nguyên nhân cơ bản làm nên “Kỳ tích Sông Hàn”, khiến cho cả thế giới khâm phục” [2], đặc biệt là các cuộc cải cách giáo dục nhằm đáp ứng các yêu cầu phát triển khác nhau của quốc gia qua từng thời kỳ.

Trong khuôn khổ của một tham luận, thông qua việc làm rõ vai trò của các cuộc cải cách giáo dục Hàn Quốc trong quá trình công nghiệp hóa, các tác giả mong muốn rút ra một vài kinh nghiệm thiết thực, hữu ích đối với Việt Nam trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

II. NỘI DUNG

1. Vai trò của các cuộc cải cách giáo dục đối với quá trình công nghiệp hóa ở Hàn Quốc

1.1. Các cuộc cải cách giáo dục của Hàn Quốc từ khi lập quốc (1948) đến đầu thế kỷ XXI

Từ khi Chính phủ Hàn Quốc thành lập (1948) đã quan tâm và không ngừng thực hiện cải cách, đổi mới giáo dục một cách sâu rộng. Phương hướng cải cách được dựa trên nguyên tắc dân chủ tự do được khẳng định trong Hiến pháp và Hiến chương giáo dục quốc gia (1949) cho đến nay. Cải cách giáo dục tại Hàn Quốc trong thời kỳ công nghiệp hóa đã trải qua 4 giai đoạn chính như:

Từ năm 1949 đến năm 1960 được xem là giai đoạn đặt nền móng cho nền giáo dục Hàn Quốc: hệ thống trường 6-3-3-4 được thiết lập và hình thành nền giáo dục bắt buộc; thanh toán nạn mù chữ; thiết kế hệ thống tự trị trong giáo dục; triển khai xây dựng nhiều cơ sở giáo dục, đào tạo giáo viên….Trong giai đoạn này dù có những hạn chế nhưng bước đầu đã tạo được một nền móng vững chắc cho nền giáo dục.

Từ thập niên 1960 và 1970 là giai đoạn nền giáo dục phát triển về số lượng và từng bước nâng cao chất lượng, phục vụ trực tiếp cho nền giáo dục: điểm nhấn trong giai đoạn này là việc Chính phủ đã tạo điều kiện cho hệ thống giáo dục chuyên nghiệp, kỹ thuật cao phát triển để đáp ứng được đòi hỏi của sự nghiệp công nghiệp hóa Hàn Quốc. Bên cạnh đó, việc nước này bỏ thi tuyển lên trung học đã làm cho tính cạnh tranh ở các trường đại học tăng lên, hủy bỏ khoảng cách về chất lượng…

Trong thập niên 1980 chính là lúc nền giáo dục Hàn Quốc được nâng cao chất lượng, nhằm phục vụ cho tiến trình công nghiệp hóa dựa vào các ngành công nghiệp kỹ thuật cao của đất nước. Đây chính là giai đoạn Ủy ban cải cách giáo dục trực thuộc Tổng thống Hàn Quốc được thành lập (3/1985) và nhiều đề nghị cải cách sau đó được Ủy ban này đề trình lên Chính phủ.

Từ thập niên 1990 trở đi nền giáo dục Hàn Quốc đã bước vào giai đoạn tiên tiến với nội dung “hướng đến mục tiêu hướng nội và phúc lợi giáo dục nhằm đáp ứng kỷ nguyên công nghệ cao và Chiến lược gia nhập hàng ngũ các nước tư bản phát triển nhất của Hàn Quốc”[3]. Trong giai đoạn này, các chính phủ đều tập trung đầu tư nghiên cứu và phát triển; chính sách hỗ trợ và phát triển nguồn nhân lực cũng có nhiều thay đổi mang tính khích lệ cao.

Nhờ những cố gắng không ngừng trong việc cách cách giáo dục tại Hàn Quốc với điểm nổi bật là đáp ứng được những yêu cầu trong thời kỳ công nghiệp hóa đất nước. Nên vào tháng 10/1996, Hàn Quốc đã chính thức trở thành thành viên của OECD.

1.2. Vai trò của các cuộc cải cách giáo dục đối với quá trình công nghiệp hóa

Nhà nghiên cứu Hoàng Văn Hiển khi phân tích về vai trò “lực đẩy” của giáo dục Hàn Quốc đối với quá trình phát triển kinh tế – xã hội đất nước đã có một nhận định tổng quát rằng “Hàn Quốc đã xây đựng được một hệ thống giáo dục – đào tạo hoàn thiện, đáp ứng tốt yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội của đất nước cũng như quá trình quốc tế hóa, toàn cầu hóa trên nhiều lĩnh vực đời sống xã hội của quốc gia – dân tộc”[4]. Từ nhận định này, chúng tôi cho rằng vai trò của các cuộc cải cách giáo dục của Hàn Quốc chính là nhằm đáp ứng một cách đầy đủ và cấp thiết nhất các nhiệm vụ, mục tiêu của giáo dục đề ra trong quá trình phát triển của Hàn Quốc qua từng thời kỳ phát triển, có thể khái quát như sau:

Thứ nhất, góp phần đào tạo nguồn nhân lực cho quốc gia – dân tộc, bao gồm:

-Các nhà chính trị có đầy đủ tài năng và phẩm chất chính trị để thực hiện vai trò hoạch định, lựa chọn các chiến lược phát triển quốc gia. Có thể thấy một số tổng thống Hàn Quốc là đại diện tiêu biểu cho lực lượng này, như Tổng thống Park Chung Hee (1963 – 1979) – người có vai trò rất lớn trong việc đưa Hàn Quốc cất cánh kinh tế lần thứ nhất và trở thành một NIC; Tổng thống Kim Dae Jung ( 1998 – 2003) – người có công trạng rất lớn trong việc đưa Hàn Quốc nhanh chóng vượt qua cuộc khủng hoảng tài chính – tiền tệ và kinh tế 1997 – 1998 và thực hiện chính sách hòa hợp dân tộc tiến tới thống nhất đất nước giữa hai miền bán đảo Triều Tiên…

-Đội ngũ chuyên gia cao cấp góp phần quan trọng trong việc hoạch định chiến lược phát triển quốc gia, điển hình là bộ tham mưu trong khu “Nhà Xanh” của tổng thống Hàn Quốc, trong đó có nhiều người được đào tạo từ các nước tiên tiến. Không phải ngẫu nhiên mà người Trung Quốc khi tiến hành cải cách mở cửa đã tham khảo kinh nghiệm giáo dục Hàn Quốc và cho rằng “Kinh tế Hàn Quốc cất cánh được là do dựa vào hơn một trăm nhà trí thức cao cấp”[5]. Tiêu biểu là Thủ tướng Nam Duk Woo (thời Park Chung Hee) là một tiến sĩ đào tạo tại Mỹ…

-Đội ngũ lao động có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, tay nghề và kỹ năng cao đáp ứng đầy đủ các yêu cầu ngày càng cao của quá trình công nghiệp hóa, hội nhập quốc tế và mở cửa. Trong tác phẩm “Tìm hiểu cải cách giáo dục ở Hàn Quốc”, các tác giả đã cho rằng giáo dục ở nước này đã giúp ích cho sự phát triển của đất nước đặc biệt “là góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế phát triển thông qua việc đào tạo nguồn nhân lực có kỹ năng, đáp ứng được những đòi hỏi của quá trình công nghiệp hóa Hàn Quốc”[6]. Như vậy, việc tìm hiểu những kinh nghiệm trong tiến trình tiến hành cải cách giáo dục ở Hàn Quốc thời kỳ công nghiệp hóa thật sự có một ý nghĩa lớn đối với Việt Nam hiện tại.

Thứ hai, góp phần nâng cao trình độ dân trí và phát triển văn hóa, xã hội.

Khi dân trí phát triển, vai trò của nhân dân càng được phát huy bởi ngoài việc cung cấp nguồn nhân lực, nhân dân còn là lực lượng đông đảo ủng hộ các đường lối, chính sách phát triển của Nhà nước; đồng thời cũng là áp lực để buộc các Chính phủ Hàn Quốc phải thay đổi các chính sách đã trở nên bất cập, cản trở sự phát triển xã hội[7].

Thứ ba, thông qua việc đẩy mạnh khoa học – kỹ thuật và công nghệ, đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu phát triển (R&D), giáo dục đã góp phần xây dựng cơ cấu kinh tế, cơ cấu công nghiệp có chiều sâu, gắn liền lý thuyết với thực tiễn sản xuất kinh doanh.

Thực tiễn phát triển kinh tế, xã hội Hàn Quốc đã chứng minh được vai trò to lớn của khoa học và công nghệ trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tiên tiến, tăng sức cạnh tranh của các tập đoàn kinh doanh (Chaebol) cũng như sản phẩm hàng hóa của Hàn Quốc, nâng cao đời sống vật chất của nhân dân và góp phần tich cực vào việc bảo vệ môi trường sinh thái của quốc gia này.

2.Những kinh nghiệm cải cách giáo dục trong thời kỳ công nghiệp hóa ở Hàn Quốc đối với Việt Nam

2.1. Xây dựng thành công một nền giáo dục mở

Chính phủ và nhân dân Hàn Quốc rất quan tâm đến giáo dục, vì họ cho rằng “giáo dục gắn liền với cứu nước, là một quyết sách của phát triển”[8]. Nên ngay từ rất sớm nước này đã đẩy mạnh phát triển giáo dục, cải cách giáo dục theo hướng mở và từng bước hoàn thiện. Sau này, trong các bản đề nghị cải cách của Ủy ban cải cách giáo dục trực thuộc Tổng thống Hàn Quốc (PCER) có nêu rõ: “Hệ thống giáo dục mở là một hệ thống giáo dục mở rộng cửa đối với mọi người, vượt qua những hạn chế về thời gian và địa điểm, có mục tiêu cuối cùng là kiến tạo “một nền giáo dục hoàn hảo” (nhà nước phúc lợi giáo dục) để bảo đảm sự tự hoàn thiện của mỗi công dân…”[9]. Và suốt quá trình tiến hành cải cách giáo dục trong thời kỳ công nghiệp hóa, các Chính phủ Hàn Quốc đã xây dựng “nền giáo dục mở” thành công ở các nội dung sau:

Thứ nhất, phát triển nhanh về số lượng người học và từng bước hướng đến bảo đảm bình đẳng trong giáo dục cho mọi thành phần: trong khoảng 35 năm (1965 – 2000) hầu hết trẻ em ở tuổi đến trường đều đi học. Có khoảng 50% học sinh trung học cơ sở được vào học phổ thông trung học. Và có tới 70 % học sinh trung học phổ thông được vào học ở các trường đại học và cao đẳng hay dạy nghề[10]. Để có được những con số trên, giáo dục Hàn Quốc đã tiến hành miễn học phí tiểu học (1956) đến những năm 60 thì sách giáo khoa được cấp miễn phí cho cấp học này. Đối với phổ thông cơ sở thì tiến hành bỏ hình thức thi tuyển sang xét tuyển (từ năm học 1968 – 1969). Tính bình đằng của giáo dục Hàn Quốc còn thể hiện cụ thể ở việc “đặt sự ưu tiên vào việc lựa chọn bằng cách thi tài chứ không phải bằng sự giàu có của gia đình người học”[11]. Tiêu biểu đến 1981, đã tiến hành kết hợp xét thành tích học tập ở phổ thông (chiếm 40%) với kết quả kỳ thi trên toàn quốc để quyết định học sinh vào được Đại học…

Bên cạnh đó, Chính phủ còn mở rộng loại hình giáo dục đặc biệt cho các em khuyết tật. Năm 1969, Hàn Quốc mới chỉ có 28 trường thì đến năm 1992 số trường này lên tới 103 với tổng số học sinh 20.646 học sinh[12]. Tại các cơ sở này, các em được dạy những kỹ năng để cho trẻ khuyết tật có thể làm những việc có ích. Hay việc thiết lập một kênh truyền hình và phát thanh chuyên biệt dành cho các chương trình giáo dục và ngày càng nhiều loại trường học để cho mọi thành phần đều có thể học tập.

Thứ hai, đảm bảo mọi công dân có điều kiện học tập suốt đời: Trong Hiến pháp và Hiến chương giáo dục quốc gia của nước này có nêu: “Nhà nước bảo đảm phát triển giáo dục suốt đời”. Một hệ thống giáo dục phi chính quy đã được xây dựng và phát triển với hai loại: “Một là, chương trình dạy liên tục cho thanh niên và người lớn tuổi, những đối tượng đã không được hưởng quyền lợi của chế độ chính quy. Hai là, các khóa học bồi dưỡng hay kỹ thuật ngắn hạn dành cho những đối tượng đang đi làm hoặc không phải sinh viên”[13]. Bên cạnh đó, còn có các khóa đào tạo khác nhau do tư nhân và chính phủ tổ chức…

Thứ ba, Nền giáo dục mở phải gắn liền với việc tăng cường tính “tự trị”. Cuộc cải cách giáo ở Hàn Quốc đã tăng cường quyền tự trị giáo dục cho các cơ quan giáo dục địa phương, các đơn vị trường họ. Vấn đề này được đề cập từ 1987, nhưng mãi đến 3/1991 Luật Tự trị giáo dục địa phương mới được công bố. Điều đó, giúp “tạo ra tính trung lập trong chính trị, nâng cao tính chuyên môn, tính tự chủ trong giáo dục để xây dựng một nền giáo dục thích hợp với điều kiện của từng địa phương”[14]. Theo đó, cơ quan giáo dục trung ương chỉ đề xuất phương hướng, tiêu chuẩn và kế hoạch tổng quát về sau chỉ đóng vai trò hỗ trợ thực hiện.

Lưu ý rằng, chính nhờ đặc điểm này mà việc “xã hội hóa giáo dục” ở Hàn Quốc được tiến hành khá thành công tiêu biểu như: 1994, GNP của nước này là 289.500 tỷ Won, nhưng ngân sách dành cho giáo dục chỉ có 11.053 tỷ Won (chiếm khoảng 3,8%); trong khi cha mẹ học sinh chi khoảng 17.464 tỷ Won (chiếm khoảng 6,03%)[15]. Cho đến nay, nét nổi bật này vẫn được duy trì và bổ sung trong các bản Đề nghị cải cách sau này vì: “cải cách đối với nền giáo dục địa phương có tính tự chủ cần phải được định hình để cực đại hóa nguồn trí tuệ và khả năng học tập của tất cả cư dân”[16].

Thứ tư, nền “giáo dục mở” ở Hàn Quốc còn được thể hiện ở việc tăng cường hợp tác quốc tế về giáo dục. Từ lâu Chính phủ nước này đã xem: “Hợp tác quốc tế về giáo dục là một trong những nội dung, lĩnh vực quan trọng của Hàn Quốc trong quan hệ hợp tác quốc tế”[17] và nhanh chóng phát triển trong các thập niên 1980, 1990 với nhiều nội dung. Bằng việc trao đổi hợp tác theo các thỏa thuận song phương với các nước hay tổ chức quốc tế (như UNESCO, UNICEF…) để đưa các sinh viên đi du học ở nước ngoài để có thể học tập những tri thức tiên tiến rồi về phục vụ cho đất nước. Đồng thời, Chính phủ cũng tiến hành hỗ trợ các nhà khoa học nước ngoài, công trình khoa học tìm hiểu và nghiên cứu về đất nước Hàn Quốc hay trao đổi học thuật hai chiều: “1992, có 1989 sinh viên và 413 giáo sư, học giả nước ngoài học và làm việc ở Hàn Quốc”[18] hay đến thập niên 1990, nước này đã trao đổi các thỏa thuận văn hóa và giáo dục với 58 nước…Điều đó, có ý nghĩa lớn đến việc phát triển cũng như giới thiệu đất nước và con người Hàn Quốc cho thế giới.

Như vậy chính nhờ tạo ra được một nền “giáo dục mở” với những đặt tính: tạo điều kiện bình đẳng cho mọi người học tập và học tập suốt đời hay việc tăng cường tính giáo dục địa phương và đẩy mạnh hợp tác giáo dục quốc tế, đã giúp đặt nền tản cho một xã hội dân trí, đáp ứng được những đòi hỏi của thời đại đặt ra.

2.2.Cải cách giáo dục phải gắn liền với chiến lượt phát triển nguồn nhân lực

Từ đầu thập niên 60, Hàn Quốc vẫn là một nước thặng dư về nguồn lao động. Nhưng ngay sau đó, Chính phủ nước này đã nhận thấy: vai trò to lớn của việc phát triển nguồn nhân lực có trình độ cao là không thể thiếu, cũng như chỉ có việc cải cách giáo dục mới đảm bảo được đòi hỏi của xã hội về nhân lực. Nên một trong những điều chỉnh quan trọng ở thời kỳ này là: “phát triển nhanh hệ thống giáo dục chuyên nghiệp, đào tạo lực lượng công nhân kỹ thuật, cán bộ quản lý đáp ứng việc mở rộng cơ cấu công nghiệp và phát triển nhanh các ngành phục vụ xuất khẩu”[19]. Để đảm bảo được sự gắn liền giữa cải cách giáo dục với chiến lượt phát triển nguồn nhân lực, Chính phủ Hàn Quốc đã tiến hành các công việc như sau:

Thứ nhất, xây dựng và nâng cao chất lượng hệ thống đào tạo nghề đã được Chính phủ chú trọng thực hiện. Để đảm bảo giáo dục nghề có chất lượng trong thập niên 1960, “hầu hết các loại hình giáo dục và đào tạo nghề và kỹ thuật chính quy đều nằm trong hệ thống giáo dục nhà nước, và đều được hệ thống hóa và chuẩn mực hóa”[20]: Nhà nước đã cho ra đời Luật Đào tạo nghề (1967) và một số viện đào tạo nghề được thành lập. Đến những năm 1970, Hàn Quốc đẩy mạnh giáo dục dạy nghề và kỹ thuật ở bậc phổ thông cơ sở và phổ thông trung học; tăng thêm một số viện đào tạo nghề công và ủy quyền đào tạo nghề tại nhà máy cho hầu hết các danh nghiệp tư nhân (ban đầu áp dụng với các doanh nghiệp có hơn 500 công nhân; năm 1991, con số định mức này xuống 150 công nhân và 1995 xuống còn 100 công nhân trong khu vực sản xuất)[21]. Điều đó, giúp giảm nhẹ gánh nặng cho Nhà nước và đảm bảo được sự nâng cao tay nghề kỹ thuật cho nhiều công nhân. Chính phủ cũng “yêu cầu các trường học cần phải tổ chức các khóa học theo hướng giúp học sinh nhận thức các nghề nghiệp khác nhau và phát triển khả năng học tập suốt đời sau khi tốt nghiệp”[22] và tiến hành song song “Chính sách phúc lợi sản xuất” nhằm tạo điều kiện cho những người không may mắn (có thu nhập thấp, khuyết tật, thanh niên không việc làm…) học nghề để nuôi sống mình.

Thứ hai, tăng cường hàm lượng khoa học và kỹ thuật công nghệ trong giáo dục. Khi tiến hành cuộc cải cách giáo dục, Hàn Quốc đã có nhiều cố gắng trong việc phát triển tiềm năng khoa học của học sinh. Ở đại học thì: “một mặt tuyển chọn học sinh trong nước và đẩy mạnh bồi dưỡng ở nước ngoài. Mặt khác có chính sách trọng đãi, thu hút nhân tài (lưu học sinh, kiều bào)”[23]. Trong đó, Chính phủ đã thực hiện rất tích cực việc thu hút các nhà khoa học Hàn Quốc và nước ngoài về sinh sống và làm việc trong nước với mức lương cao (khoảng 900.000 won/ tháng) dẫn đến “thập niên 1990, về cơ bản Hàn Quốc chấm dứt hiện tượng “chảy máu chất xám” trong đó Viện KIST đóng vai trò quan trọng”[24].

Bên cạnh, để đảm bảo hàm lượng khoa học trong giáo dục, Chính phủ cũng đẩy mạnh việc thành lập và nghiên cứu khoa học hỗ trợ cho ngành giáo dục. Ngay trong giai đoạn “cất cánh” lần thứ nhất, nhiều Viện khoa học đã được thành lập để hỗ trợ cho công cuộc cải cách như: Viện Quốc gia về đánh giá giáo dục; Viện Phát triển giáo dục Hàn Quốc; Viện nghiên cứu khoa học ứng xử ; Hệ thống phổ biến giáo dục Hàn Quốc và các viện nghiên cứu giáo dục khoa học hàm lâm, nghiên cứu giáo dục của tỉnh và thành phố… “Tính đến 1991, ở Hàn Quốc đã có 2.352 viện nghiên cứu và phát triển của nhà nước và tư nhân”[25]. Đối với giáo dục chuyên nghiệp và kỹ thuật thì đến 1973, Chính phủ đã thực hiện “Hệ thống kiểm tra trình độ kỹ thuật quốc gia” để “cải tiến chất lượng đội ngũ lao động lành nghề và nâng cao địa vị kinh tế – xã hội cho những công nhân kỹ thuật có tay nghề cao”[26].

Những chính sách trên đã cho thấy Chính phủ Hàn Quốc đã tiến hành thành công cải cách giáo dục gắn với việc phát triển nguồn nhân lực, giúp tạo ra một nguồn lao động dồi dào cho đất nước trong giai đoạn công nghiệp hóa. Tinh thần đó vẫn được tiếp tục thực hiện sau đó: vào tháng 1/2001, Bộ Giáo dục cũ được đổi tên thành Bộ Giáo dục và phát triển nguồn nhân lực, “với chức năng giám sát và phối hợp tất cả các chính sách chủ yếu liên quan đến phát triển và sử dụng nguồn nhân lực như đào tạo nghề và hòa đồng xã hội…”[27] thể hiện một sự đề cao việc giáo dục phải gắn với phát triển nguồn nhân lực quốc gia.

2.3.Cải cách giáo dục phải đảm bảo và phát triển bản sắc văn hóa dân tộc

Chúng ta thấy rằng, việc cải cách giáo dục ở bất cứ nơi nào cũng cần phải học tập một mô hình giáo dục hiện đại ở quốc gia khác, song không có nghĩa là xóa hoàn toàn cái cũ hay chấp vá giữa các cũ và cái mới. Cuộc cải cách giáo dục ở Hàn Quốc diễn ra trong thời ký công nghiệp hóa đã “biết tận dụng những ưu điểm của các yếu tố văn hóa truyền thống, biến nó thành một trong những nhân tố góp phần thúc đẩy xã hội phát triển”[28]. Tức là họ đã dung hòa được các truyền thống mang tính lề lối với các yếu tố văn minh của thế giới. Để làm được điều đó Chính phủ nước này đã chủ trương:

Thứ nhất, việc cải cách giáo dục nhưng phải bảo đảm yếu tố truyền thống dân tộc đã được các đời Chính phủ khẳng định bằng các văn kiện quan trọng. 12/1968, Chính phủ Park Chung Hee đã công bố đạo luật giáo dục mới (có tính kế thừa và phát triển đạo luật năm 1949) với giá trị cơ bản của nó là: “nhấn mạnh đến việc xây dựng một nền tảng tinh thần cho sự kế tục dân tộc, cũng như các giá trị nhân văn, đạo đức của xã hội. Sáng tạo thần tượng mới về dân tộc Hàn Quốc trên tinh thần thống nhất và hòa hợp dân tộc”[29]. Đến năm 1987, trong bản công bố Hiến pháp và Hiến chương giáo dục quốc gia (cũng tiếp tục kế thừa và phát triển hai đạo luật 1949 và 1968) cũng với tinh thần: “không ngoài mục đích nâng cao chất lượng giáo dục – đào tạo và bản sắc văn hóa dân tộc, đồng thời góp phần vào sự sáng tạo và phát triển văn minh nhân loại.”[30]. Tất cả đã cho thấy quyết tâm của chính phủ Hàn Quốc đối với việc cải cách giáo dục không hướng ngoại mù quáng.

Thứ hai, Các tư tưởng truyền thống của Nho giáo được phát triển phù hợp với cuộc sống hiện đại như: tinh thần “trung quân ái quốc” ngày xưa qua giáo dục đã dần dần chuyển hóa thành tinh thần tin tưởng vào chính phủ, không ngừng cố gắng vươn lên trong xã hội để góp phần xây dựng đất nước; hay kế thừa và phát huy tư tưởng gia tộc, trật tự gia trưởng, chữ hiếu đã đặt cơ sở cho chủ nghĩa tư bản kiểu gia tộc tạo ra những nhà kinh doanh có tính kỷ luật cao, giữ chữ tín và làm việc một cách cần cù rất cần trong xã hội công nghiệp.

Như vậy, việc cải cách giáo dục nhưng phải trên cơ sở bảo tồn và phát huy truyền thống dân tộc là một điểm đặc sắc trong sự thành công của cải cách giáo dục Hàn Quốc dưới thời kỳ công nghiệp hóa. Trong các cuộc cải cách sau đó, việc phải bảo đảm và phát huy truyền thống Hàn Quốc đã tiếp tục được đề cập hoàn thiện hơn để: “nhấn mạnh giáo dục tái thống nhất đất nước nhằm chuẩn bị cho học sinh, sinh viên có kiến thức và thái độ cần thiết để sống trong một đất nước dân chủ thống nhất…để sống hài hòa với các bạn Bắc Hàn của họ”[31]. Điểm này cho Chính phủ Hàn Quốc rất sâu sắc trong việc giáo dục truyền thống gắn với giáo dục ý thức tái thống nhất.

III.KẾT LUẬN

Hàn Quốc đã thực hiện công nghiệp hóa đất nước song song với cuộc cải cách giáo dục tiến bộ trước Việt Nam 30 năm. Song phải nhìn nhận rằng, Việt Nam khi tiến hành công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước cũng trong bối cảnh và yêu cầu bức thiết như Hàn Quốc. Nên việc học tập kinh nghiệm cải cách giáo dục ở Hàn Quốc là vô cùng quan trọng và cần thiết. Do Việt Nam và Hàn Quốc có nhiều điểm tường đồng về văn hóa, tư tưởng học thuật…Nhưng chúng ta cũng phải học tập các kinh nghiệm trên ở mức độ nhất định và cũng trên cơ sở bảo tồn và phát huy truyền thống dân tộc Việt Nam. Qua phần trình bày trên tôi cũng xin đưa ra vài đề xuất như:

1.Cần tăng cường hơn nữa việc nghiên cứu, hội thảo, tọa đàm để trao đổi kinh nghiệm về cải cách giáo dục của Hàn Quốc để làm kinh nghiệm cho Việt Nam.

2.Hiện nay, do nhiều nguyên nhân, ở Việt Nam chưa có nhiều hệ thống các công trình nghiên cứu chuyên sâu về lịch sử, văn hóa, kinh tế – xã hội, quan hệ Việt Nam – Hàn Quốc cũng như về cải cách giáo dục ở Hàn Quốc và các công trình này cũng chưa được phổ biến rộng rãi. Do vậy, trong tương lai gần, chúng ta cần phải khắc phục tình trạng này, trong đó vai trò của Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á là vô cùng quan trọng.

3.Trong quá trình xây dựng và thay sách giáo khoa mới ở Việt Nam cũng nên biên soạn các nội dung về lịch sử, văn học, địa lý Hàn Quốc … để mở rộng vốn hiểu biết về đất nước khá nổi tiếng này.

Tóm tắt:

Cuộc cải cách giáo dục trong thời kỳ công nghiệp hóa ở Hàn Quốc (1949 – 1993) diễn ra một cách sâu rộng và đạt được nhiều thành quả to lớn. Đó là nhờ vào sự đánh giá, thay đổi nhận thức và giải quyết có hiệu quả các đòi hỏi về giáo dục của lịch sử đất nước. Nhận thấy, qua những kinh nghiệm cải cách giáo dục của Hàn Quốc có thể đóng góp những bài học quý báo cho công cuộc đổi mới nền giáo dục Việt Nam, nhằm phục vụ tốt cho công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Qua đó, mong muốn Việt Nam – Hàn Quốc sẽ càng đẩy mạnh hơn quan hệ hợp tác trên lĩnh vực giáo dục còn đây tiềm năng ở phía trước.

Summary:

The innovation of education through industrialized period in Korea (1949-1993) take place throughly to be attained many achievements because of evaluation, viewpoint modification and effective solution to many request of Korea’s History education. Those experience of Korea contribute many highly valuable lesson in VietNam’s educate renovation to support the industrialization & modernize task. By this way in the future. all desiration head to VietNam-Korea reliation to be intensive copporating in the potiential area of education.

TÀI LIỆU THAM KHẢO CHÍNH
1.Báo Cáo Của Ủy Ban Cải Cách Giáo Dục Trực Thuộc Tổng Thống Hàn Quốc: Cải cách giáo dục cho thế kỷ XXI -Bảo đảm để dẫn đầu trong kỷ nguyên thông tin và toàn cầu hóa, Biên dịch Nguyễn Quang Kính, Hiệu đính Phạm Đỗ Nhật Tiến, Nxb Giáo dục, HÀ NỘI, 2006.
2.Ngô Xuân Bình (chủ biên), Tìm hiểu cải cách giáo dục ở Hàn Quốc, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2002.
3.Huỳnh Văn Giáp: Địa lý Đông Bắc Á – Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản (Môi trường tự nhiên và các đặc điểm nhân văn, kinh tế – xã hội), Nxb ĐHQG TP.HCM, 2004.
4.Hoàng Văn Hiển: Quá trình phát triển kinh tế – xã hội của Hàn Quốc (1961 – 1993) và kinh nghiệm đối với Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2008.
5.Hoàng Văn Hiển: Tiếp cận lịch sử thế giới và lịch sử Việt Nam – một cách nhìn, NXB Chính trị quốc gia, HÀ NỘI, 2009.
7. Hoàng Văn Hiển, Giáo dục và Đào tạo ở Hàn Quốc, Nxb Lao động, Hà Nội, 1998.
8.Trần Anh Phương, Cải cách giáo dục ở Hàn Quốc,http://thongtinphapluatdansu.wordpress.com/2009/05/31/2980-3/

*Trường THCS Võ Trường Toản TP.HCM.

** Trường Đại học khoa học, Đại học Huế

[1] Hoàng Văn Hiển, Giáo dục và Đào tạo ở Hàn Quốc, Nxb Lao động, Hà Nội, 1998, tr.4.

[2] Trần Anh Phương, Cải cách giáo dục ở Hàn Quốc,http://thongtinphapluatdansu.wordpress.com/2009/05/31/2980-3/
[3] Hoàng Văn Hiển, Tiếp cận lịch sử thế giới và lịch sử Việt Nam – một cách nhìn, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009, tr172.

[4] Hoàng Văn Hiển, Quá trình phát triển kinh tế – xã hội của Hàn Quốc (1961 – 1993) và kinh nghiệm đối với Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2008.

[5] Hoàng Văn Hiển, Giáo dục và Đào tạo ở Hàn Quốc, Sđd, tr.62.

[6] Ngô Xuân Bình (chủ biên), Tìm hiểu cải cách giáo dục ở Hàn Quốc, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2002, tr.8.

[7] Hoàng Văn Hiển, Quá trình phát triển kinh tế – xã hội của Hàn Quốc (1961 – 1993) và kinh nghiệm đối với Việt Nam, Sđd, tr.253.
[8] Hoàng Văn Hiển, Quá trình phát triển kinh tế – xã hội của Hàn Quốc (1961 – 1993) và kinh nghiệm đối với Việt Nam,Sđd, tr.27.

[9] Báo cáo của Ủy ban cải cách giáo dục trực thuộc Tổng thống Hàn Quốc, Cải cách giáo dục cho thế kỷ XXI – Bảo đảm để dẫn đầu trong kỷ nguyên thông tin và toàn cầu, NXB Giáo dục, 2006, Hà Nội, tr32.

[10] Ngô Xuân Bình (Chủ biên), Tìm hiểu cải cách giáo dục ở Hàn Quốc, Sđd, tr.14.

[11] Hoàng Văn Hiển, Tiếp cận lịch sử thế giới và lịch sử Việt Nam – một cách nhìn, Sđd, tr.179.

[12] Hoàng Văn Hiển, Quá trình phát triển kinh tế – xã hội của Hàn Quốc (1961 – 1993) và kinh nghiệm đối với Việt Nam,Sđd, tr.201.

[13] Hoàng Văn Hiển, Quá trình phát triển kinh tế – xã hội của Hàn Quốc (1961 – 1993) và kinh nghiệm đối với Việt Nam,Sđd, tr.95.

[14] Ngô Xuân Bình (Chủ biên), Tìm hiểu cải cách giáo dục ở Hàn Quốc, Sđd, tr.59.

[15]Ngô Xuân Bình (Chủ biên), Tìm hiểu cải cách giáo dục ở Hàn Quốc, Sđd, tr.66.

[16] Báo cáo của Ủy ban cải cách giáo dục trực thuộc Tổng thống Hàn Quốc, Sđd, tr.129.

[17] Hoàng Văn Hiển, Quá trình phát triển kinh tế – xã hội của Hàn Quốc (1961 – 1993) và kinh nghiệm đối với Việt Nam,Sđd, tr.202.

[18] Hoàng Văn Hiển, Quá trình phát triển kinh tế – xã hội của Hàn Quốc (1961 – 1993) và kinh nghiệm đối với Việt Nam,Sđd, tr.203.

[19] Hoàng Văn Hiển, Tiếp cận lịch sử thế giới và lịch sử Việt Nam – một cách nhìn, Sđd, tr.170.

[20] Ngô Xuân Bình (Chủ biên), Tìm hiểu cải cách giáo dục ở Hàn Quốc, Sđd, tr.118.

[21] Ngô Xuân Bình (Chủ biên), Tìm hiểu cải cách giáo dục ở Hàn Quốc, Sđd, tr.119.

[22] Huỳnh Văn Giáp, Địa lý Đông Bắc Á – Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản (Môi trường tự nhiên và các đặc điểm nhân văn, kinh tế – xã hội), NXB Đại học quốc gia TP.HCM, 2004, tr.205.

[23] Hoàng Văn Hiển, Quá trình phát triển kinh tế – xã hội của Hàn Quốc (1961 – 1993) và kinh nghiệm đối với Việt Nam,Sđd, tr.46.

[24]Hoàng Văn Hiển, Quá trình phát triển kinh tế – xã hội của Hàn Quốc (1961 – 1993) và kinh nghiệm đối với Việt Nam,Sđd, tr.215.

[25]Hoàng Văn Hiển, Quá trình phát triển kinh tế – xã hội của Hàn Quốc (1961 – 1993) và kinh nghiệm đối với Việt Nam,Sđd, tr.202.

[26] Ngô Xuân Bình (Chủ biên), Tìm hiểu cải cách giáo dục ở Hàn Quốc, Sđd, tr.120.

[27] Huỳnh Văn Giáp, Địa lý Đông Bắc Á – Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản, Sđd, tr.209.

[28] Hoàng Văn Hiển, Quá trình phát triển kinh tế – xã hội của Hàn Quốc (1961 – 1993) và kinh nghiệm đối với Việt Nam,Sđd, tr.225.

[29] Hoàng Văn Hiển, Quá trình phát triển kinh tế – xã hội của Hàn Quốc (1961 – 1993) và kinh nghiệm đối với Việt Nam,Sđd, tr.91.

[30] Hoàng Văn Hiển, Quá trình phát triển kinh tế – xã hội của Hàn Quốc (1961 – 1993) và kinh nghiệm đối với Việt Nam,Sđd, tr.200.

[31] Báo cáo của Ủy ban cải cách giáo dục trực thuộc Tổng thống Hàn Quốc, Sđd, tr.162.

Nguồn: Tham luận đăng trong kỷ yếu Hội thảo khoa học quốc tế “Quan hệ Việt Nam – Hàn Quốc: Quá khứ, Hiện tại và Tương lai” (International Conference on Vietnam – Korea Relationship in the past, the present and the future) do trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Tp. HCM tổ chức dưới sự tài trợ của Viện Nghiên cứu văn hóa trung ương Hàn Quốc (The Academy of Korean Studies) vào ngày 1.12.2012.

Posted by Việt Anh

Nguồn: https://thanhnientudo.com/2014/10/26/cai-cach-giao-duc-thoi-ky-cong-nghiep-hoa-o-han-quoc-va-mot-vai-kinh-nghiem-doi-voi-viet-nam/

Comments are closed.