Chuyển hóa dân chủ: Đối thoại với các nhà lãnh đạo thế giới (kỳ 19)

Biên tập: Sergio BitarAbraham F. Lowenthal, Viện Quốc tế Hỗ trợ Bầu cử và Dân chủ (IDEA), Stockholm

Dịch: Phạm Nguyên Trường

Chương 9

Tây Ban Nha: Chuyển hóa bằng giao dịch

Charles Powell

Lịch sử chính trị đầy khó khăn của Tây Ban Nha đã tạo ra khái niệm “Biệt lệ Tây Ban Nha”, khái niệm thường được người ta gắn với sự bất lực về mặt cơ cấu, không thể xây dựng được các thiết chế dân chủ ổn định. Nhưng khái niệm này đã phủ bóng đen lên sự kiện là quá trình phát triển về chính trị của Tây Ban Nha không khác với quá trình phát triển của nhiều nước châu Âu khác. Phải thừa nhận rằng, thế kỉ XIX và đầu thế kỉ XX đã chứng kiến những vụ hỗn loạn rộng khắp, trong đó, có các tranh chấp triều đại gay gắt, những cuộc nổi dậy thường xuyên của giới quân nhân và sự phân cực quá mức về chính trị và xã hội. Chế độ quân chủ đại nghị, thành lập năm 1874, đã trải qua mấy thập niên ổn định và thịnh vượng, Mặc dù những cố gắng nhằm dân chủ hóa của nó cuối cùng đã bị cuộc đảo chính quân sự không đổ máu năm 1923 chặn đứng. Chế độ độc tài Primo de Rivera sau đó đã thất bại trong việc giải quyết những vấn lớn đã ăn sâu bén rễ và sụp đổ mà không hề kháng cự. Chế độ này được thay thế bằng nền Đệ nhị Cộng hòa (1931-1936), nỗ lực đầu tiên của Tây Ban Nha trên con đường tiến tới dân chủ, nhưng những bất ổn trong nội các, hệ thống đảng phái năm bè bảy mối và sự phân cực về ý thức hệ đã cản trở quá trình này. Chế độ này cũng hứa thực hiện những cải cách kinh tế-xã hội sâu rộng, nhưng không thành công. Tuy nhiên, nền Đệ nhị Cộng hòa đã tự sụp đổ, nó đã bị lật đổ bằng bạo lực, đấy là cuộc đảo chính quân sự chỉ thành công một phần, do tướng Francisco Franco lãnh đạo, đã đẩy Tây Ban Nha vào cuộc nội chiến đẫm máu, kéo dài ba năm (1936-1939) với khoảng 400.000 người thiệt mạng.

Chế độ Franco

Sau khi quân đội Cộng hòa thất bại, tháng 4 năm 1939, Franco lập ra chế độ chính trị độc tài, cực kì khép kín, theo lối hiệp hội một cách miễn cưỡng, vô cùng bảo thủ, dân tộc chủ nghĩa theo kiểu Tây Ban Nha. Franco nắm quyền lực tối cao vì ông ta vừa là người đứng đầu nhà nước, vừa là tổng chỉ huy (Generalissimo) các lực lượng vũ trang, vừa là người đứng đầu đảng giả tạo, duy nhất do ông ta lập ra, bằng nghị định năm 1937. Tổ chức này, sau đó được gọi là Phong trào, mất dần phần lớn ảnh hưởng ban đầu của nó, đến mức hệ thống chính trị của Franco được coi là nhà nước không đảng phái. Giáo hội Công giáo, các nhà lãnh đạo của tôn giáo này coi nội chiến là “cuộc thập tự chinh” chống lại những người Marxist và những người vô thần, ngay từ đầu đã là một trong số những đồng minh đáng tin cậy nhất của Franco và do sự ủng hộ như thế mà được tưởng thưởng bằng giáo ước (kí giữa nhà thờ và nhà nước –ND) đầy hào phóng vào năm 1953. Nhưng, sau Công đồng Vatican II, Giáo hội đã từng bước tự tách ra khỏi chế độ. Ở nước ngoài, đồng minh chính của Franco là Mỹ, từ năm 1953, Mỹ đã cung cấp cho Franco những khoản viện trợ đáng kể về quân sự và kinh tế để được quyền tiếp cận với các căn cứ của Tây Ban Nha. Vì trong Thế chiến II, nước này đã liên kết với các cường quốc trong phe Trục cũng như chế độ độc tài của nó, chế độ Franco đã không được tham gia vào quá trình hội nhập của châu Âu ngay từ đầu, mặc dù cuối cùng, năm 1970, Cộng đồng châu Âu đã kí với nước này hiệp định thương mại với nhiều ưu tiên, ưu đãi.

Chế độ của Franco là ví dụ hiếm hoi về quá trình thiết chế hóa có giới hạn kết hợp với quá trình hiến định hóa tương đối công phu. Mặc dù các thiết chế của chế độ này chưa bao giờ có đời sống thực, nhưng các quy định trong hiến pháp đã được người ta rất tôn trọng và một số sẽ đóng vai trò cực kì quan trọng trong quá trình chuyển hóa. Quan trọng nhất, Luật Kế vị năm 1947, tuyên bố rằng Tây Ban Nha là nhà nước quân chủ, Franco là quan nhiếp chính cho đến chết, có quyền chỉ định người kế nhiệm. (Điều khoản này tạo điều kiện cho ông ta bổ nhiệm Juan Carlos làm người kế vị vào năm 1969). Tương tự như thế, mặc dù Luật về những nguyên tắc cơ bản, năm 1958, tuyên bố rằng những nguyên tắc này là “vĩnh viễn và không bao giờ thay đổi”, Luật kế vị tuyên bố rằng tất cả các luật cơ bản đều có thể được cải cách, với điều kiện là hai phần ba thành viên Cortes (Nghị viện) chấp thuận và sau đó đưa ra trưng cầu dân ý, đây là điều có lợi, được áp dụng trong quá trình chuyển hóa.

Mặc dù có tính bảo thủ, chế độ đã chứng tỏ có thể tương thích với những thay đổi quan trọng về xã hội và kinh tế. Phần lớn những thay đổi này đã diễn ra sau khi Kế hoạch Ổn định (1959) được thông qua nhằm đối phó với những thất bại của chính sách kinh tế tự cung tự cấp của chế độ. Trong một thập kỉ rưỡi sau đó, Tây Ban Nha đã trải qua giai đoạn tăng trường kinh tế chưa từng có trước đây (từ năm 1960 đến năm 1973, trung bình: 7,3% một năm), GDP bình quân đầu người tăng từ 300 USD lên 3.260 USD. Từ năm 1950 đến năm 1975, tỉ lệ lao động trong lĩnh vực nông nghiệp giảm từ 48% xuống còn 22%, trong khi đó, lĩnh vực công nghiệp tăng 38%, dịch vụ tăng 40%. Những thay đổi này đã làm cho tầng lớp trung lưu gia tăng đáng kể, tăng từ 14% lên 43% dân số. Người Tây Ban Nha cũng được học hành nhiều hơn: tỉ lệ người trưởng thành mù chữ, năm 1930 là 44%, năm 1975 giảm còn 5%.

Trong những năm 1970, Tây Ban Nha là xã hội hiện đại, đã đô thị hóa, tương đối thịnh vượng, với nền văn hoá chính trị khác hẳn so với những năm 1930. Sự biến đổi như thế đã tạo ra những đòi hỏi ngày càng gia tăng về dân chủ: Từ năm 1966 đến năm 1976, sự ủng hộ cho các thiết chế dân chủ đã tăng từ 35% lên 78%. Giai cấp công nhân có thái độ ủng hộ dân chủ đặc biệt mạnh mẽ, phần lớn giai cấp công nhân đã quay lưng lại với các ý thức hệ mang tính cách mạng. Hiện đại hóa đã không làm cho sự xuất hiện chế độ dân chủ là tất yếu, nhưng, tăng trưởng kinh tế có thể làm chậm lại bằng cách làm cho chế độ trở nên dễ chấp nhận hơn đối với thành phần dân cư ngày càng thịnh vượng hơn.

Và mối quan hệ của nó với chế độ. Vì mức độ hiện đại hoá nền kinh tế càng gia tăng thì bộ máy quản lí nhà nước cũng ngày càng chuyên nghiệp hơn và có nhiều người tài năng hơn – cũng như phi chính trị hơn – đấy là lí do chính, giải thích vì sao sau này bộ máy quản lí không chống lại quá trình dân chủ hóa. Tương tự như vậy, mặc dù ban đầu các sĩ quan quân sự giữ các vị trí quan trọng trong bộ máy hành chính nhà nước, đầu những năm 1970, tất cả – trừ mấy bộ thuộc lĩnh vực quân sự – đã được thay thế. Những xu hướng này đã dẫn tới kết quả là, trong quá trình chuyển hóa, không cần thanh trừng bộ máy quan liêu, cũng không cần đưa quân đội ra khỏi vũ đài chính trị.

Những thay đổi sâu rộng này đã tạo ra những hậu quả chính trị phức tạp, hầu hết nằm ngoài dự tính của chế độ. Sự mở rộng nhanh chóng các trường đại học đã dẫn đến sự xuất hiện phong trào học sinh mới, phần lớn đều có thái độ thù địch với Franco. Quá trình công nghiệp hóa nhanh chóng tạo điều kiện thuận lợi cho sự xuất hiện phong trào lao động mới, ngày càng tự tin hơn – do Comisiones Obreras (Các Ủy ban của Công nhân) lãnh đạo – đã bị cấm năm 1967. Mặc dù trên lí thuyết là bất hợp pháp, số lượng các cuộc đình công đã gia tăng rất nhanh, từ 500 cuộc năm 1969 đã tăng lên thành 3.156 cuộc vào năm 1975, một số bị cảnh sát đàn áp một cách tàn bạo, trong giai đoạn từ năm 1969 đến năm 1974 đã có 11 người chết. Ở Catalonia và xứ Basque, việc hàng trăm ngàn người từ các vùng nghèo ở Tây Ban Nha kéo tới và sự thịnh vượng kinh tế chưa từng có đã kết hợp với nhau trong việc thúc đẩy mối quan tâm mới đối với ngôn ngữ và văn hoá bản địa của họ, và thường được các giáo sĩ Công giáo địa phương ủng hộ. Sự phục hưng nói trên cũng giải thích được phần nào quá trình cực đoan hóa các sinh viên đại học, cuối những năm 1950, sinh viên đã đứng ra thành lập tổ chức ETA (Euskadi Ta Askatasuna, hay Xứ Basque và tự do), chẳng bao lâu sau ETA đã trở thành tổ chức khủng bố phức tạp trong các thành phố, từ năm 1960 đến năm 1975 đã làm 45 người thiệt mạng.

Những năm suy tàn của chế độ cũng là lúc có ​​sự gia tăng đáng kể hoạt động của phe đối lập. Nhóm lớn nhất và được tổ chức tốt nhất là Đảng Cộng sản Tây Ban Nha (PCE), hoạt động mạnh trong phong trào công nhân và sinh viên, cũng như trong các hội đồng hương, ra đời trong những năm 1960. Từ năm 1956, PCE đã tuyên truyền cho chính sách hòa giải dân tộc và năm 1970, đảng này chính thức đưa ra mục tiêu là “hiệp ước tự do” bao gồm nhiều giai cấp. Nhưng khi một hiệp ước như thế trở thành hiện thực vào năm 1974 với tên gọi Junta Democratica, nó đã không đạt được mục tiêu được dự tính là thống nhất toàn bộ phe đối lập dân chủ. Đảng Công nhân Xã hội Chủ nghĩa Tây Ban Nha (Spanish Socialist Workers’ Party – PSOE), đã nhanh chóng khắc phục được sự kém cỏi của mình sau khi Felipe Gonzalez được bầu làm lãnh đạo đảng vào tháng 10 năm 1974, rất tức giận trước những nỗ lực của PCE nhằm giành thế thượng phong trong các lực lượng cánh tả Tây Ban Nha, đúng vào lúc công đoàn có gắn bó mật thiết, Union General de Trabajadores (UGT), bị nghi ngờ là chịu ảnh hưởng của Cộng sản trong các Ủy ban Công nhân (Comisiones Obreras). Gonzalez không chia sẻ niềm tin của PCE vào một cú rutpura democrática (đột phá dân chủ), tức là những cuộc vận động quần chúng quy mô lớn sẽ dẫn đến kết quả là chế độ bị lật đổ một cách ôn hòa, và được thay thế bằng chính phủ đại diện tạm thời, rồi chính phủ này sẽ tổ chức bầu cử Hội đồng Lập hiến.

Thay vào đó, ông ủng hộ phương pháp tiếp cận từng bước một, mà kết quả là giành giật parcelas de libertad (từng mảnh nhỏ tự do). Gonzalez từ chối tham gia Junta Democratica và quyết định ủng hộ phương án thay thế là Cương lĩnh cho Hội tụ dân chủ (Plataforma de Convergencia Democratica), giữa năm 1975, Cương lĩnh này đã trở thành cực kì quan trọng trong việc đảm bảo cho PSOE quyền tự quyết trong quá trình chuyển hóa.

Cuộc khủng hoảng ngay sau đó của chế độ Franco là do một loạt yếu tố. Sự bùng nổ về kinh tế những năm 1960 đã chấm dứt cùng với cuộc khủng hoảng dầu mỏ năm 1973, tạo ra “lạm phát đình trệ” và bất ổn xã hội ngày càng gia tăng. Vụ ám sát người bạn thân nhất của Franco, đô đốc Luis Carrero Blanco, tháng 12 năm 1973, chỉ sáu tháng sau khi ông này được cử làm thủ tướng, càng làm gia tăng những nghi ngờ mới về tính liên tục của chế độ này. Tháng 1 năm 1974, Carlos Arias Navarro lên làm thủ tướng, ông này liền đưa ra kế hoạch khiêm tốn về quá trình tự do hóa (apertura), nhưng kế hoạch này chỉ làm sâu sắc thêm vụ rạn nứt đang gia tăng giữa những người theo đường lối cứng rắn, tức là những người tin rằng tính liên tục của chế độ phải được đảm bảo bằng chế độ quân chủ độc tài dưới quyền Juan Carlos, và những người mềm dẻo, tức là những người cho rằng nhà vua tương lai cần làm cho hệ thống chính trị của Tây Ban Nha phù hợp với hệ thống chính trị của các lân bang châu Âu. Mặc dù vụ sụp đổ của chế độ độc tài Bồ Đào Nha, tháng 4 năm 1975, là kết quả của những cuộc chiến tranh ở thuộc địa mà Franco đã tránh được, nhiều người Tây Ban Nha lại coi vụ sụp đổ này là dấu hiệu của sự kiện có thể xảy ra, nếu không tiến hành những cải cách quan trọng ngay lập tức. Cuối cùng, việc hành quyết năm chiến sĩ chống chế độ vào tháng 9 năm 1975, (kết quả của luật chống khủng bố hà khắc, được thông qua sau vụ ám sát Carrero Blanco) đã dẫn đến sự phản đối quốc tế chưa từng có. Nhưng cuối cùng, chính cái chết của Franco vào ngày 20 tháng 11 năm 1975, đã khơi mào cho quá trình chuyển hóa.

Chuyển hóa sang dân chủ

Quá trình dân chủ hóa của Tây Ban Nha là hình mẫu của trường hợp “chuyển hóa thông qua giao dịch”, với những đặc điểm sau: sử dụng (có vẻ nghịch lý) các thiết chế của chế độ cũ và các thủ tục phù hợp với hiến pháp để khởi động quá trình dân chủ hóa, các cuộc đàm phán giữa những người theo đường lối ôn hòa của chế độ độc tài sắp ra đi và đại diện của các nhóm đối lập lớn, việc đưa đại diện của tất cả các lực lượng chính trị quan trọng vào quá trình ban hành quyết định, và những cuộc thảo luận riêng tư giữa cá nhân ở các giai đoạn quan trọng có số người tham gia tương đối nhỏ. Một số người khẳng định mức độ huy động quần chúng tương đối thấp cũng là đặc điểm của chuyển tiếp thông qua giao dịch, nhưng kinh nghiệm của Tây Ban Nha cho thấy quá trình này thích hợp với áp lực cao “từ dưới lên” nếu các nhà hoạt động chính trị sẵn sàng và có khả năng điều chỉnh áp lực để đáp lại những nhượng bộ “từ bên trên”. Một số còn tuyên bố rằng quá trình chuyển hóa thông qua giao dịch chỉ có thể thành công nếu không có bạo lực chính trị, nhưng ở Tây Ban Nha, trong giai đoạn từ năm 1975 đến năm 1980 đã có 460 người chết vì bạo lực chính trị, một phần là do lo ngại rằng bạo lực có thể làm chệch hướng quá trình chuyển hóa đã khuyến khích giới tinh hoa chính trị đàm phán ngay từ đầu.

Quá trình chuyển hóa sang dân chủ tương đối ngắn của Tây Ban Nha được tiến hành từ trên xuống, nhưng nó tăng tốc nhằm đáp ứng trước những áp lực từ dưới lên. Về cơ bản, quá trình này được thúc đẩy bởi các tác nhân ở trong nước, mặc dù Cộng đồng Châu Âu – và một số nước thành viên, nhất là Đức – đã tích cực ủng hộ quá trình dân chủ hóa (thông qua các đảng, các tổ chức công đoàn và các cơ sở chính trị). Nguồn gốc của nó, nói chung, thể hiện những khó khăn về chính trị mà vua Juan Carlos đang gặp phải, ông này cần phải giành được tính chính danh, theo lối dân chủ, cho chế độ quân chủ nhằm đảm bảo cả sự sống còn của ông với tư cách là người đứng đầu nhà nước và tính liên tục của vương triều. (Số phận của người anh rể, Constantine, đã bị tước vương miện của Hi Lạp năm 1967, là lời cảnh báo tốt cho ông ta). Chế độ quân chủ mà Juan Carlos thừa kế vào năm 1975 không phải là thiết chế cho đến năm 1931, được biểu hiện bằng hình ảnh ông nội Alfonso XIII của ông, mà đúng hơn, đấy là chế độ quân chủ độc tài, hoàn toàn nhân tạo, được thiết kế nhằm duy trì mãi mãi chế độ. Juan Carlos đã không thừa kế được quyền lực của Franco, tuy nhiên: Luật Cơ bản về Nhà nước (1967) đã lập ra chế độ quân chủ, trong đó quyền lực hỗn hợp của thủ tướng và chủ tịch Cortes, những người chia sẻ một cách hiệu quả quyền kiểm soát hệ thống chính trị, ngăn chặn một cách quyết liệt vai trò của nhà vua. Nghịch lý là ở chỗ, điều này ngay từ đầu đã có nghĩa là nhà vua có sẵn mối quan tâm đặc biệt tới việc cải cách hiến pháp, để ông ta thoát khỏi sự giám hộ của các quan chức không được bầu chọn.

Trong giai đoạn đầu của quá trình chuyển hóa, Thủ tướng Carlos Arias Navarro, ông này ngày càng gắn bó với những người theo đường lối cứng rắn, đã đưa ra kế hoạch của cuộc cải cách hạn chế có thể dẫn tới bầu cử Cortes bán dân chủ và hợp pháp hoá một số đảng (như PSOE) nhưng không hợp pháp hóa những đảng khác (trước hết là PCE). Phe đối lập hoạt động ngày cành tích cực hơn, các cuộc vận động quần chúng (đôi khi dẫn đến chết người), các phương tiện truyền thông đại chúng mới, và Nghị viện châu Âu công khai bác bỏ kế hoạch này. Tuy nhiên, cũng trong giai đoạn này, Gonzalez bắt đầu xuất hiện thường xuyên trước công chúng, và tháng 4 năm 1976, Liên hiệp Công đoàn (UGT) đã có thể tổ chức cuộc tập họp công khai đầu tiên – kể từ sau nội chiến.

Tháng 7 năm 1976, quyết định của nhà vua bãi chức Arias Navarro và thay bằng Adolfo Suarez – một công chức của chế độ cũ, mới 44 tuổi, nổi tiếng vì có tham vọng và liều lĩnh, là một bước ngoặt quan trọng. Suarez nhanh chóng đưa ra Luật về cải cách chính trị. Luật này kêu gọi tổ chức bầu cử Cortes lưỡng viện theo lối phổ thông đầu phiếu: Hạ viện được bầu theo nguyên tắc đại diện theo tỉ lệ và Thượng viện theo nguyên tắc đa số. Theo đúng quy trình được vạch ra trong Luật cơ bản của Franco, dự luật này đã được Cortes lúc đó phê chuẩn lần đầu tiên vào tháng 11 với 425 phiếu thuận và 59 phiếu chống. Tháng 12, dự luật được phê chuẩn bằng cuộc trưng cầu dân ý với 77% cử tri đi bầu (94% ủng hộ), mặc dù phe đối lập quyết định tẩy chay với lí do là họ không được tham gia vào quá trình này. Nhưng, các cuộc đàm phán bí mật giữa Suarez và Gonzalez đã tạo điều kiện cho PSOE tổ chức đại hội đảng ngay sau cuộc trưng cầu dân ý, mở đường cho việc hợp pháp hóa đảng này vào tháng 2 năm 1977.

Cuộc trưng cầu dân ý càng lảm cho Suarez quyết tâm hơn, sau cuộc trưng cầu này ông mới tham gia các cuộc đàm phán chính thức với Ủy ban Chín người của phe đối lập, trong đó có Gonzalez. Các cuộc hội đàm tập trung vào bảy điều kiện mà phe đối lập đòi phải đáp ứng thì họ mới tham gia vào các cuộc bầu cử trong tương lai, trong đó có hợp pháp hoá tất cả các đảng chính trị và công đoàn, trung lập về chính trị của công chức nhà nước, ân xá có tính khoan hồng, đàm phán về luật bầu cử, và công nhận bản sắc chính trị của các khu vực. Như Gonzalez thừa nhận, đây không phải là những cuộc đàm phán chính thức; mà Suarez nghe những đòi hỏi của phe đối lập và chuyển một cách khéo léo thành luật pháp. Quan trọng nhất là những cuộc đàm phán này đã dẫn đến việc hợp pháp hoá Đảng Cộng sản vào tháng 4 năm 1977, việc loại bỏ đảng này làm cho quá trình chuyển hóa trở thành bất hợp pháp trong mắt nhiều người Tây Ban Nha. Việc này đã mở đường cho các cuộc bầu cử dân chủ đầu tiên, được tổ chức vào tháng 6 năm 1977, đến lượt mình, cuộc bầu cử đã tạo ra một kết quả phải nói là lí tưởng: Tỉ lệ cử tri đi bầu cao (79%), khẳng định tính hợp pháp của nó, và thể hiện sức mạnh của Liên minh Dân chủ Trung tâm (Union de Centro Democratico – UCD), của Suarez, với 34% phiếu bầu và 165 trong tổng số 350 ghế nghị sĩ, tạo điều kiện cho ông ta tiếp tục nắm quyền. Đồng thời, PSOE nổi lên như là đảng đối lập hàng đầu, với 29% phiếu bầu và 118 ghế nghị sĩ, vượt xa PCE, đảng này chỉ được 9% phiếu bầu và 20 ghế nghị sĩ.

Giai đoạn cuối của quá trình chuyển hóa bao gồm một loạt các thỏa thuận, liên quan đến tất cả các tác nhân chính trị quan trọng. Trước hết là Hiệp ước Moncloa, kí tháng 10 năm 1977, nhằm phục hồi sự tăng trưởng của nền kinh tế ốm yếu của nước này và kiềm chế lạm phát bằng những cuộc cải cách cơ cấu sâu rộng và kiềm chế lương bổng thông qua đàm phán. Để bù đắp cho khoản hạn chế lương bổng, Hiệp ước đưa ra khoản thuế thu nhập trực tiếp mới, khoản thuế này sẽ tài trợ cho sự tăng trưởng ngoạn mục của hệ thống y tế và giáo dục Tây Ban Nha trong những năm 1980. Một sáng kiến ​​quan trọng khác cần có sự đồng thuận chính trị rộng rãi là Luật Ân xá, có lợi cho tất cả những người đã bị xử vì những tội ác chính trị nhằm chống lại chế độ Franco, được thực hiện trước cuộc bầu cử năm 1977, trong đó có cả những phần tử khủng bố ETA đã bị buộc tội giết người. Luật này cũng đảm bảo rằng cựu công chức của chế độ sẽ không bị điều tra hoặc bị truy tố vì những vụ vi phạm nhân quyền mà họ có thể đã phạm trong quá khứ, và bằng cách đó, đã loại bỏ khả năng thanh trừng các lực lượng vũ trang, cảnh sát, hay những người làm trong ngành tư pháp. Mấy năm gần đây, luật này ngày càng bị nhiều người chỉ trích hơn, nhưng lúc đó, các đảng cánh tả lớn nhất lại là những người ủng hộ nó một cách nhiệt tình nhất.

Cho đến nay, sản phẩm quan trọng nhất của sự đồng thuận là bản hiến pháp dân chủ mới, được thông qua sau 16 tháng đàm phán giữa các đại diện của tất cả các đảng phái có chân trong nghị viện, và được đưa ra trưng cầu dân ý vào tháng 12 năm 1978. Các cuộc tranh luận giữ thế thượng phong trong quá trình lập hiến cũng tập trung vào những vấn đề từng làm cho nền Đệ nhị Cộng hòa lúng túng, nhưng lần này, đã được giải quyết một cách thực tế hơn. Ban đầu, Đảng Xã Hội đưa ra tu chính, mà nếu được chấp nhận thì có thể biến Tây Ban Nha thành nước cộng hòa, nhưng sau khi bị các đảng lớn khác (trong đó có PCE, đã đồng ý công nhận vua Juan Carlos để đổi lấy việc đảng được hợp pháp hóa) đánh bại, họ đã nhanh chóng tán thành chế độ quân chủ đại nghị mới. Hiến pháp tách Giáo hội ra khỏi nhà nước, đồng thời thừa nhận quyền của tất cả trẻ em được giảng dạy giáo lí trong các trường công và trách nhiệm của nhà nước trong việc hỗ trợ các trường tôn giáo. Trong việc giải quyết các vấn đề kinh tế, văn bản mới giữ được sự cân đối giữa những vấn đề ưu tiên của phái hữu và phái tả. Hiến pháp công khai thừa nhận nền kinh tế thị trường và bảo vệ tài sản cá nhân và quyền thừa kế chống lại việc tịch thu phi pháp, đồng thời đảm bảo quyền đình công và cam kết cung cấp nhiều loại dịch vụ xã hội, trong đó có an sinh xã hội, y tế, giáo dục, trợ cấp người khuyết tật và thất nghiệp và hứa phân phối thu nhập bình đẳng hơn.

Hiến pháp cũng có các điều khoản quy định việc chuyển giao các quyền từ chính quyền trung ương cho các cộng đồng tự trị, mở đường cho việc xây dựng Tây Ban Nha thành nhà nước gần như liên bang của những thực thể có quyền tự chủ. Mặc dù những nỗ lực này đã chứng tỏ là đủ để có thể hòa giải với những người dân tộc chủ nghĩa Catalonia, nhưng không đáp ứng được những đối tác người Basque.

Củng cố chế độ dân chủ mới: Vai trò của Felipe González

Felipe Gonzalez đóng góp cho quá trình củng cố chế độ dân chủ nhiều công sức hơn là cho chính quá trình chuyển hóa – chủ yếu bằng cách chuẩn bị cho đảng của mình nắm quyền. Sau khi thua Suarez trong đường tơ kẽ tóc tại cuộc bầu cử nghị viện lần thứ hai, được tổ chức vào tháng 3 năm 1979, PSOE đã kiểm soát được một số thành phố lớn trong các cuộc bầu cử địa phương, được tổ chức vào tháng 4. Tháng 5, quyền của Gonzalez trong vai trò người lãnh đạo đảng đã bất ngờ bị thách thức sau khi ông quyết định loại bỏ các đoạn trích dẫn trực tiếp từ chủ nghĩa Marx ra khỏi cương lĩnh của PSOE, làm cho ông phải từ chức để phản đối. Tuy nhiên, tháng 9 cùng năm, ông được bầu lại làm tổng thư ký trên cơ sở quan niệm cho rằng ông sẽ được tự do điều hành hoạt động đảng để đảng có sức hấp dẫn rộng rãi cử tri hơn nữa.

Một số nỗ lực của Gonzalez nhằm phá hoại ngầm chính phủ của UCD có thể đã tạo ra những hậu quả tiêu cực đối với sự ổn định chính trị của Tây Ban Nha nói chung. Ví dụ, đầu năm 1980, PSOE đã thách thức Suarez bằng cách đòi cho Andalusia có cùng mức độ tự trị như vừa mới ban cho Catalonia và xứ Basque, đã khơi mào cho việc trao quyền cho tất cả các khu vực. Gonzalez cũng thường xuyên chỉ trích cách giải quyết vụ suy thoái kinh tế của Suarez – do vụ khủng hoảng dầu mỏ thế giới năm 1979 gây ra – và thất bại của ông này trong việc ngăn chặn chủ nghĩa khủng bố của ETA. Tháng 5 năm 1980, ông thậm chí đã tung ra đề nghị bất tín nhiệm nghị viện, mặc dù biết rằng sẽ thất bại.

Ngay sau khi Suarez từ chức và cuộc đảo chính vào tháng 2 năm 1981, Gonzalez đồng ý ủng hộ người kế nhiệm ông này, Leopoldo Calvo Sotelo, trong nỗ lực nhằm khôi phục sự ổn định. Quan trọng nhất là, tháng 7 năm 1982, PSOE tán thành một đạo luật nhằm tìm cách áp đặt những giới hạn đối với quá trình chuyển giao quyền cho khu vực, mặc dù những bộ phận quan trọng của đạo luật này sau đó bị tuyên bố là vi hiến. Mặc dù chính phủ ngày càng yếu đi, Gonzalez vẫn kiên quyết phản đối quyết định của chính phủ trong việc xin làm thành viên của NATO, một quyết định gây ra nhiều tranh cãi, được nghị viện thông qua tháng 10 năm 1981. Ngoài ra, Đảng Xã hội cũng đẩy nhanh quá trình tan rã của đảng cầm quyền bằng cách đề nghị các chức vụ trong chính phủ của PSOE trong tương lai cho một số lãnh đạo nghiêng quá nhiều về phe tả.

Gonzalez thực sự thành công và được kính trọng sau khi trở thành thủ tướng sau chiến thắng long trời lở đất trong cuộc bầu cử tháng 10 năm 1982. Trở lại quyền lực một lần nữa, ưu tiên trước hết của ông là củng cố chế độ dân chủ, mặc dù ông cũng tìm cách thúc đẩy chương trình cải cách dân chủ-xã hội của mình. Thách thức trước mắt của ông là đưa quân đội nằm hoàn toàn dưới quyền kiểm soát của các quan chức dân sự, Luật quốc phòng năm 1984 cho ông nhiều quyền hạn hơn đối với Lực lượng vũ trang, và luật quân sự thông qua năm 1985 đã đặt ra giới hạn phạm vi quyền lực của giới quân nhân đối với lĩnh vực quân sự. Gonzalez cũng đã thành công trong việc xử lí Giáo hội Công giáo, mặc dù hai cuộc cải cách giáo dục và việc hợp pháp hóa phá thai năm 1985 đã gây ra nhiều tranh cãi. Quan trọng nhất là, chính phủ của ông đã tiến hành một cuộc cải tổ lớn nền kinh tế Tây Ban Nha, đòi hỏi thu hẹp (và sau đó tư hữu hoá) phần lớn ngành công nghiệp nặng kém hiệu quả và tự do hóa lĩnh vực ngân hàng. Quá trình này vừa là đòi hỏi vừa diễn ra một cách thuận lợi hơn nhờ triển vọng được tham gia Cộng đồng châu Âu, mục tiêu này cuối cùng đã được thực hiện vào tháng 1 năm 1986, và đây có lẽ là thành công lớn nhất của ông. Các cuộc cải cách này đã mở đường cho giai đoạn tăng trưởng chưa từng có (1986-1991), tăng trưởng cũng làm cho việc mở rộng một cách nhanh chóng nhà nước phúc lợi non trẻ Tây Ban Nha trở thành khả thi, mặc dù cuộc suy thoái nghiêm trọng trong giai đoạn 1992-1994 làm cho người ta nghi ngờ về khả năng tồn tại của nó.

Những khía cạnh khác trong di sản của Gonzalez không được tích cực như thế. Ông bất ngờ quay ngoắt 1800, không còn ủng hộ việc rút khỏi NATO như trước nữa, mà còn tổ chức và giành chiến thắng trong cuộc trưng cầu dân ý vào tháng 3 năm 1986, khẳng định tư cách thành viên của Tây Ban Nha, một quyết định làm xã hội bị thương tổn một cách vô ích. Và mặc dù dưới thời chính phủ UCD, các hoạt động chống khủng bố đã bị lên án là bất hợp pháp, trong giai đoạn 1983-1987, chính phủ của ông đã tiếp tay cho “cuộc chiến tranh bẩn thỉu” chống lại ETA, nhưng không kiềm chế được hoạt động của nó và phá hoại một cách nghiêm trọng chế độ pháp quyền. Về mặt thiết chế, việc PSOE nắm đa số tuyệt đối trong Nghị viện suốt một thập kỉ (1982-1993) đã tạo được sự ổn định mà lúc đó rất cần, nhưng cũng dẫn đến quá trình chính trị hoá ngành tư pháp và các cơ quan truyền thông của nhà nước, gây ra hậu quả tiêu cực về lâu dài đối với chế độ dân chủ Tây Ban Nha. Không có cơ chế kiểm soát và đối trọng phù hợp là nguyên nhân chủ yếu của nhiều vụ bê bối về tham nhũng, cùng với vụ suy thoái kinh tế năm 1992-1994, cuối cùng đã dẫn tới kết quả là Gonzalez bị đánh bại trong cuộc bầu cử năm 1996.

Mấy năm gần đây, quá trình chuyển hóa sang chế độ dân chủ của Tây Ban Nha ngày càng bị người ta săm soi, phê phán và thường bị một số người cho là phải chịu trách nhiệm về nhiều hiện tượng xấu xa (có thực hay tưởng tượng) của Tây Ban Nha, trong đó có những khó khăn trong việc giải quyết với quá khứ, sự thất bại của hệ thống được cho là á liên bang (semifederal system) và sự bất mãn ngày càng gia tăng đối với hệ thống chính trị của nước này. Nhưng phần lớn những lời chỉ trích này vừa không công bằng, vừa dễ làm người ta hiểu nhầm, phê phán như thế là cho rằng việc dàn xếp trong quá trình chuyển hóa là nhất thành bất biến và những thế hệ người Tây Ban Nha sau đó là những người chỉ biết sống với quá khứ.

Tiểu sử Felipe González, Tổng thống Tây Ban Nha giai đoạn 1982–1996

Felipe González học luật ở Đại học Seville và sau đó là ở Louvain (Bỉ), trở thành luật sư trong lĩnh vực lao động và năm 1964 thì tham gia PSOE, lúc đó còn hoạt động bất hợp pháp. Xây dựng được tầm nhìn ngay trong tuổi 20, cả ở Tây Ban Nha lẫn trong Quốc tế xã hội, tại đại hội đảng năm 1970, Gonzalez thách thức ban lãnh đạo đã có uy tín của PSOE và bằng cách đó, đã thúc đẩy sự chia rẽ ở trong đảng. Cuối cùng, Quốc tế Xã hội đã công nhận phái Gonzalez. Năm 1974, ông được bầu làm lãnh đạo đảng và năm 1975 thì bị cảnh sát Tây Ban Nha bắt giữ trong một thời gian ngắn. Cũng trong năm đó, ông lập ra cơ cấu tổ chức của PSOE ở Madrid với sự hỗ trợ của quỹ Friedrich Ebert (Đức) và hướng dẫn của Olaf Palme và Willy Brandt. Gonzalez đã từ chối tham gia Junta Democratica do Cộng sản đỡ đầu, thay vào đó, ông xây dựng Cương lĩnh cho Hội tụ Dân Chủ (Platform for Democratic Convergence), cạnh tranh với Junta Democratica và thiết lập quan hệ với Tổng thống Adolfo Suarez sau khi Franco qua đời, mở đường cho đại hội công khai đầu tiên của PSOE ở Tây Ban Nha – kể từ cuộc nội chiến trong những năm 1930. Gonzalez là thành viên của Ủy ban Chín người, tức là nhóm thương lượng để đặt ra luật lệ cho cuộc tổng tuyển cử tự do đầu tiên vào năm 1977 và có vai trò quan trọng trong các cuộc đàm phán với Suarez – được vua Juan Carlos khuyến khích – dẫn đến công cuộc chuyển hóa theo thỏa thuận của Tây Ban Nha. Ông đã dẫn dắt PSOE tới kết quả bầu cử đầy ấn tượng trong các năm 1977 và 1979, và sau đó là đến chiến thắng vang dội vào năm 1982, đưa ông lên chức tổng thống Tây Ban Nha.

Là Tổng thống Tây Ban Nha từ năm 1982 đến năm 1996, Gonzalez củng cố quyển kiểm soát của các quan chức dân sự đối với lực lượng vũ trang, đàm phán để xây dựng hệ thống gần như liên bang, khá phức tạp, cho việc chuyển giao nhằm làm dịu bớt những đòi hỏi về quyền tự trị ở Catalonia và xứ Basque, và theo dõi chương trình hiện đại hóa đầy tham vọng, trong đó có tự do hoá kinh tế và cải cách xã hội; hệ thống y tế mới, giáo dục và hưu bổng mới; quá trình tham gia của Tây Ban Nha vào Cộng đồng châu Âu; và gây tranh cãi hơn, là việc Tây Ban Nha tiếp tục là thành viên của NATO. PSOE chiếm được đa số ghế trong các cuộc bầu cử năm 1986, 1989, và 1993, Gonzalez và đảng của ông đã bị đánh bại vào năm 1996; họ trở thành nạn nhân của vụ suy thoái kinh tế nghiêm trọng và một loạt những vụ bê bối về tham nhũng. Sau khi rời nhiệm sở, Gonzalez thường xuyên được người ta tham vấn về quản trị quốc tế và các vấn đề về chuyển hóa ở nhiều nước khác nhau.

Phỏng vấn Tổng thống Felipe González

Các cuộc chuyển hóa hiện nay có thể học được gì từ kinh nghiệm của Tây Ban Nha?

Bài học quan trọng là phải biết các yếu tố đặc thù của mỗi nước, vì các tiến trình sẽ không bao giờ giống nhau. Sự kiện xảy ra ở mỗi nước là do các lực lượng chính trị, xã hội và kinh tế – ở mỗi nước các lực lượng này lại cũng khác nhau – phản ứng như thế nào trước các vấn đề phát sinh trong tất cả các trường hợp, ví dụ, làm sao kiểm soát được các lực lượng vũ trang.

Vai trò của nhà vua

Các nước quân chủ ở vùng Vịnh đã hỏi tôi về vai trò của chế độ quân chủ Tây Ban Nha, và tôi đã nói với họ về điều mà trong các cuốn sách lịch sử có ghi, nhưng người ta không nghiên cứu:

Nhà vua thừa hưởng tất cả các quyền lực của chế độ quân chủ độc đoán từ nền độc tài Franco. Nhà vua không chỉ có quyền lực của chế độ quân chủ độc đoán, mà còn có quyền lực của chế độ độc tài cá nhân. Vai trò của nhà vua không phải là hình thức chính thức vì không được củng cố trong hiến pháp. Ngài, tương tự như ông vua-chiến binh, là người đứng đầu lực lượng vũ trang và đứng đầu chính phủ. Đấy là lúc Franco chết và thời điểm tuyên bố thiết lập chế độ quân chủ, vài tháng sau nhà vua đã có điều kiện chỉ định Adolfo Suarez làm thủ tướng [năm 1976, và sau đó, Suarez được bầu vào năm 1977-1981]. Bước đi này trong quá trình chuyển hóa ở Tây Ban Nha đã không được người ta nghiên cứu kĩ: Nhà vua nhận được quyền lực và đã quyết định không sử dụng quyền lực một cách độc đoán, mà ủy thác quyền lực cho Adolfo Suarez, như thể hiến pháp đã có hiệu lực. Tháng 7 năm 1976, Suarez được chỉ định làm thủ tướng, vì mãi đến năm 1977 mới tổ chức bầu cử. Lúc đó nhà vua là quốc vương theo chế độ hiến định, mà không có hiến pháp. Đó là trực giác vô cùng tuyệt vời của nhà vua, người được trao tất cả quyền lực, nhưng đã quyết định không sử dụng quyền lực. Adolfo Suarez cũng bắt đầu nhiệm kỳ như thể ông là thủ tướng theo hiến pháp, về trách nhiệm, thì ông đã thực hiện. Sự kiện đó đã làm cho Suarez trở thành nhân vật chính của toàn bộ quá trình và của cuộc đối thoại, của cái mà chúng ta có thể gọi là quá trình chuyển hóa của Tây Ban Nha. Nhà vua giành được uy tín và khoảng cách như là lực lượng tiết chế, và vai trò của ông là rất quan trọng, ông là tấm gương để lực lượng vũ trang nhìn vào.

Chuyển dịch quyền lực trong lòng chế độ độc tài

Tương tự như tất cả các chế độ chính trị đã tồn tại trong một thời gian dài, chế độ độc tài cá nhân đã tồn tại từ 30 đến 40 năm – chế độ độc tài Franco ở Tây Ban Nha kéo dài 35 năm – ngay cả khi có các nhóm khác nhau cùng tồn tại trong lòng nó, thì quyền lực độc tài cá nhân cũng đã tự vận hành, trong đó có cả vì lí do sinh học. Vì vậy, các “nhà cải cách” nắm chức vụ cao trong lòng cái hệ thống trên thực tế chẳng làm gì ngoài khác ngoài việc phản ứng trước bản năng sinh học – nhận thức về đời sống của những nhà cải cách vượt xa phạm vi hiểu biết của những người đại diện cho chế độ độc tài – phải chơi trò may rủi trước những việc sẽ xảy ra sau khi chế độ độc tài biến mất. Do đó, các nhà cải cách được sinh ra, đấy là những người có thể đàm phán với phe đối lập, và xuất hiện cái có thể được coi là quá trình chuyển hóa sang chế độ dân chủ. Ở Tây Ban Nha, nhóm này gồm có Adolfo Suarez, Rodolfo Martin Villa [Bộ trưởng Lao động 1975-76, bộ trưởng nội vụ 1976-79, Phó thủ tướng 1981-1982] – những người khoảng 45 tuổi lớn lên trong lòng chế độ Franco, một nhà độc tài 75 tuổi và ốm yếu. Họ sẽ nghĩ: “Thời gian phía trước cuộc đời chúng ta còn lại được bao lâu nữa so với họ?”

Đó là những lực lượng có vai trò tích cực ở tất cả các nước, đấy là thành tố chung trong tất cả các quốc gia. Nếu xem xét một cách kĩ lưỡng bất kì chế độ độc tài nào – ví dụ, Cuba – người ta sẽ phát hiện ra ngay rằng có một thế hệ các nhà lãnh đạo chính trị trên 50 tuổi, một số người 60 tuổi, bị gạt ra bên lề xã hội. Các nhà lãnh đạo này có nhận thức về đời sống vượt xa nhận thức của anh em nhà Castro, ví dụ thế. Vì vậy, họ cố gắng tìm những quan điểm thận trọng hơn, không nhiều thì ít, để trả lời câu hỏi: Sẽ xảy ra chuyện gì, họ sẽ có vai trò gì, và làm sao thoát được khi chế độ có khả năng bị tiêu diệt. Điều đó tạo ra động lực phản kháng mang tính tích cực, cần được phân tích cùng với công việc cụ thể của từng nước. Khi suy nghĩ về vai trò của lực lượng vũ trang, tôi phân biệt đặc quyền đặc lợi với địa vị. Nếu nhìn vào các nước Ả Rập, ví dụ, Morocco hay Ai Cập, đấy là các chính thể quả đầu, ngoài địa vị, còn có nhiều khoản đặc quyền đặc lợi lớn mà người ta gắn với sự sống còn của chế độ và quyền lực. Nhưng có những người không đấu tranh vì sợ mất những đặc quyền đặc lợi, mà vì sợ mất một cái gì đó khiêm tốn nhường hơn nhiều, nhưng lại quan trọng: Địa vị của họ.

Hãy tưởng tượng Guardia Civil [Cảnh sát vũ trang Liên bang] ở Tây Ban Nha hay các lực lượng vũ trang ở Ai Cập. Tôi không nói những người cầm đầu lực lượng vũ trang, tôi nói về các lực lượng vũ trang thôi, họ có kho quân nhu và được ưu tiên trong việc mua nhà ở. Ở Chile, bạn cũng thấy như thế: Các lực lượng vũ trang đã có và giữ, bất chấp mọi thứ, địa vị nhất định. Đấy không phải là đặc quyền, vì từ quan điểm của cái mà chúng ta cho là đặc quyền ở Tây Ban Nha, hiện nay lực lượng vũ trang có đời sống – cơ hội nâng cao nghề nghiệp cao hơn, mở cửa ra thế giới – tốt hơn nhiều so với trước đây. Tuy nhiên, nỗi sợ mất địa vị lớn hơn hẳn nỗi sợ hãi trước những mất mát mà thay đổi dân chủ có thể gây ra. Do đó, phải hiểu công việc của mỗi nước và các yếu tố chống lại sự thay đổi, đôi khi cái này lại làm gia tăng cái kia. Ở Tây Ban Nha có hai thành tố phản đối thay đổi được đem ra thảo luận, còn những thành tố khác thì không được đem ra thảo luận. Trên hết là lực lượng vũ trang muốn quay trở lại quá khứ, và bên dưới nó là mối đe dọa của chủ nghĩa khủng bố, làm người ta nghi ngờ về sự thống nhất của Tây Ban Nha. Đây là một hiện tượng tự hồi tiếp: Tấn công khủng bố càng nhiều, thì phong trào đòi quay lại quá khứ trong lực lượng vũ trang càng mạnh.

Trong chiến dịch bầu cử năm 1982, khi tôi giành được chiến thắng, người ta vẫn nói về tôi, hay về cương lĩnh của tôi, rằng tôi sẵn sàng quốc hữu hoá ngay cả đất trong các chậu hoa. Nhiều chủ đất lớn và một số ngành công nghiệp phản đối, họ sợ rằng thay đổi có thể tạo ra tình trạng bất ổn. Đây là cái tôi nghĩ cần phải xem xét trong từng nước: Những lực lượng nào có thể tham gia vào động lực thay đổi trong trật tự, không nhiều thì ít, làm sao xây dựng đồng thuận giữa các lực lượng đó và có thể phải đối mặt với những hình thức phản kháng nào.

Nhu cầu về khả năng tình báo trong chuyển hóa dân chủ

Khi chúng tôi xuất hiện trước Nghị viện Chile, năm 1990, một vài giờ sau khi Pinochet choàng dải ruy-băng biểu tượng tổng thống lên vai Aylwin – một buổi lễ mà tôi không muốn tham dự, cho nên chúng tôi đến chậm vài giờ – tất cả các nguyên thủ quốc gia tham gia đã gặp vị tổng thống vừa tuyên thệ nhậm chức tổng thống nước cộng hòa. Lần lượt, mỗi người đều có một cuộc phỏng vấn thân tình. Lúc đó Aylwin đã là nguyên thủ, và tôi nói với ông ta: “Thưa Tổng thống, tôi không muốn lạc đề, nhưng tôi muốn đưa cho ông một vấn đề có liên quan tới tôi ngay khi chính phủ vừa được thành lập, vì tôi đã trải qua ở Tây Ban Nha, đau khổ vô cùng, tôi nếm mùi với Adolfo Suarez, cũng như khi làm thủ tướng”. Tôi nói với ông: “Thưa Tổng thống, đặt mình vào vị trí của Pinochet là việc cực kì khó, nhưng ngài phải hết sức cố gắng. Nếu tôi là Pinochet và tôi thua trong cuộc trưng cầu dân ý, và bây giờ tôi có nghĩa vụ phải choàng biểu tượng tổng thống lên vai một nhà dân chủ, người sẽ kết liễu chế độ của tôi hoặc ít nhất cũng kết liễu phần chính trị của chế độ của tôi, vì tôi tiếp tục là người đứng đầu lực lượng vũ trang, tôi sẽ có những biện pháp cần thiết để biết những việc ông đang làm, trong từng phút một, và những việc mà bộ trưởng bộ nội vụ đang làm, và những việc đang xảy ra trong toàn bộ bộ máy nhà nước. Nếu là Pinochet, tôi tuyệt đối đảm bảo rằng mình có khả năng tình báo như thế, và tôi cho là bất thường nếu Pinochet, nếu quả đúng là con người mà tôi vẫn nghĩ, chưa làm như thế”.

Ông nói với tôi rằng tôi đưa ra cho ông một vấn đề rất nghiêm túc, và ông hỏi tôi rằng tôi có thực sự nghĩ là kịch bản này là khả dĩ hay không, và tôi trả lời là có, tôi đã tin như thế; và ông đề nghị tôi hợp tác vì tôi đã có kinh nghiệm. Tổng thống Aylwin thực sự nghĩ rằng, với niềm tin hoàn toàn trong sáng, chuyện đó có thể không xảy ra; tuy nhiên, đề nghị vẫn được giữ nguyên. Ông cảm ơn tôi, chúng tôi chuyển sang thảo luận những vấn đề khác, và một lần nữa, tôi lại đề nghị giúp ông, vì bạn phải tìm xem liệu mặt đất mà bạn đang đi có an toàn hay có bị đặt mìn hay không, và gỡ được càng nhiều mìn thì càng tốt.

Ví dụ, một ngày trước cuộc bầu cử mà tôi thắng, ngày 27 tháng 10 năm 1982, phong trào cuối cùng ủng hộ cuộc đảo chính nổi lên ở Tây Ban Nha. Hôm đó, âm mưu đảo chánh đã bị tiêu diệt ngay lập tức, lúc đó Calvo Sotelo [1981-82] làm thủ tướng. Tôi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử, ngày 28 tháng 10, với đa số tuyệt đối, nhưng trước đó một ngày, vẫn có nỗ lực nhằm ngăn chặn quá trình; do đó tôi có nhiều lý do để thận trọng.

Một năm sau ngày Aylwin lên nhậm chức, thượng nghị sĩ Jaime Guzman [thượng nghị sĩ của Chile và cố vấn cho Pinochet] bị ám sát. Tổng thống Aylwin đã lập kế hoạch cho chuyến đi châu Âu, tới Tây Ban Nha và Brussels, nhưng vụ ám sát và tình hình diễn ra sau đó đã làm cho ông đắn đo về việc liệu có nên đi nữa hay không. Cuối cùng, ông quyết định sẽ không hoãn chuyến đi, vì nó sẽ làm cho những việc vừa xảy ra trở thành quá quan trọng, như thể quá trình dân chủ có thể bị gián đoạn, và ông gọi điện cho tôi để nói rằng ông sẽ tới. Ông nhắc tôi về những việc chúng tôi đã thảo luận trong ngày nhậm chức của ông, và ông nói với tôi rằng đấy là vấn đề ông muốn thảo luận, trong khi vẫn nhớ lại những sự kiện đã xảy ra. Chúng tôi gặp nhau và ông nói với tôi rằng ông lúng túng, không biết tai họa có thể đến từ đâu. Ông không biết chắc những sự kiện đang xảy ra, và ông hỏi tôi có thể hợp tác được không. Ông nói với tôi rằng, bên cạnh những thứ khác, những người đã ra đi dường như có hệ thống theo dõi và nghe lén bộ máy an ninh quốc gia, trong đó có văn phòng tổng thống. Tôi nói với ông rằng phải có cơ cấu tình báo trong văn phòng tổng thống, và bộ máy an ninh bảo vệ tổng thống dân chủ. Tôi đã gửi cho ông ba người được tôi tin tưởng, họ xem xét liệu các cuộc thảo luận trong văn phòng tổng thống có an toàn hay có bị nghe lén hay không. Hai tuần sau, ông nhận được báo cáo về những việc đang diễn ra một cách tệ hại, với những bức ảnh về toàn bộ hệ thống đang theo dõi và nghe lén ông. Đây là vấn đề chung trong quá trình chuyển hóa.

Nếu những điều Garcia Marquez (nhà văn đoạt giải Nobel) người Colombia nói là đúng, thì không có tác phẩm nào có thể dạy cho người ta nếu nó không có những giai thoại, giúp con người hiểu được các phạm trù đằng sau giai thoại. Ví dụ, Raul Alfonsin [tổng thống Argentina 1983-1989] là một chính trị gia trường phái cổ điển, đối với ông này, lạm phát hay thâm hụt ngân sách là những vấn đề dành cho các nhà kĩ trị, chứ không phải cho dành cho các chính trị gia thực sự; do đó, đối với ông, các nhà kĩ trị phải giải quyết những vấn đề này. Đó là giai đoạn mở cửa dân chủ, và vì chúng tôi đã trải qua một vài khoảnh khắc rất phức tạp, chúng tôi rất sẵn sàng hợp tác, để thúc đẩy dân chủ trong các lĩnh vực cơ bản, như tình báo, để tìm hiểu những biện pháp đã thu được và chuyển giao. Tôi chưa làm được như thế với Raul, mặc dù ông nói rằng tôi đã làm được. Chúng tôi đã cảnh báo ông rằng sắp xảy ra đảo chính ở La Tablada.

Tôi thậm chí còn thông báo cho Carlos Andres Perez [tổng thống Venezuela, giai đoạn 1974-1979 và 1989-1993], tháng 11 năm 1991, tôi đã gửi cho ông thông điệp nói rằng chúng tôi có thông tin. Chúng tôi biết rằng cuộc đảo chính đang được lên kế hoạch và sẽ được thực hiện trong mấy tuần tới, chứ không phải mấy năm. Đáp lại, ông ta đưa người tới để nói với chúng tôi rằng ông biết và chúng tôi không cần phải lo. Chuyện đó xảy ra 5 hoặc 6 tuần trước vụ đột nhập của Hugo Chavez và đồng bọn vào dinh tổng thống, vừa đi vừa bắn, còn ông thì khăng khăng nói rằng chúng tôi không cần lo. Chúng tôi nhận được tin đó từ năm người từng theo ETA [những người dân tộc chủ nghĩa xứ Basque và nhóm ly khai], họ bị trục xuất [khỏi Tây Ban Nha] và sống ở Venezuela và những người nằm trong hệ thống an ninh của quân đội Venezuela. Tôi đã nói với Carlos Andres, nhưng ông không thèm quan tâm. Mỗi vị tổng thống có cách hành xử riêng của mình. Ngược lại, Carlos Menem [tổng thống Argentina giai đoạn 1989-1999], ngay từ ngày đầu tiên của nhiệm kì, đã muốn kiểm soát hoạt động của lực lượng tình báo quốc nội.

Một giai thoại nữa, phản ánh sự khác biệt trong quá trình chuyển hóa dân chủ diễn ra giữa tôi và Vaclav Havel [Tổng thống cuối cùng của Tiệp Khắc giai đoạn 1989-1992 và là tổng thống đầu tiên của Cộng hòa Czech, giai đoạn 1993-2003]. Trong khi người Czech và người Slovaks vẫn còn nằm trong cuộc hôn nhân hợp pháp – chia li vẫn chưa xảy ra – chúng tôi có mối quan hệ đầy tin tưởng và tình cảm vì ông từ thế giới văn hoá, từ lĩnh vực sân khấu nhảy vào chính trị. Tôi đến thăm nước này khi đang diễn ra cuộc thảo luận về một vấn đề cần phải được phân tích trong quá trình thay đổi. Trong cơ quan lập pháp dưới sự chủ trì của Alexander Dubček [Bí thư thứ nhất Đảng Cộng sản Tiệp Khắc giai đoạn 1968-1969 và Chủ tịch Quốc hội 1989-1992], từng là người đứng đầu chính phủ bị xe tăng Liên Xô lật đổ năm 1968, đang diễn ra cuộc thảo luận về luật về việc kiểm tra các quan chức của các chính phủ Cộng sản trước đây. Trong khi đạo luật như thế đang được thảo luận, thì nổi lên phong trào, lúc tiến lúc lùi, xem ai là người đòi hỏi nhiều hơn, vì càng đòi hỏi nhiều càng tỏ ra ta đây là người dân chủ, cho nên những người ít dân chủ nhất lại là những người đòi hỏi nhiều nhất. Những người có cái gì đó để mất là những kêu gọi trách nhiệm giải trình hung hăng nhất, đến mức buộc chính Dubček phải chịu trách nhiệm trong vai trò người đứng đầu chính phủ năm 1968. Ông là chủ tịch cơ quan lập pháp, và vì vậy mà ông phải kí vào luật về kiểm tra các quan chức.

Khi tôi đến thăm chính thức nước này, tôi đã gặp Vaclav Havel trong vùng lãnh thổ của người Slovak. Ông biết tôi đã nói chuyện với Dubček. Ông nói với tôi rằng mình rất quan tâm đến một điều tôi đã nói với ông, mà ông nghĩ là người đứng đầu cơ quan lập pháp đã nghe về quá trình chuyển hóa của Tây Ban Nha. Tôi kể cho ông nghe một câu chuyện mà không hề lưỡng lự, vì tôi tin rằng giai thoại này nói lên những đặc điểm của quá trình chuyển hóa ở Tây Ban Nha. Tôi nhậm chức ngày 2 tháng 12 năm 1982, mà ngày 5 tháng 1 năm 1983, bố vợ tôi qua đời, vì vậy tôi đã đi từ Madrid đến Seville trên chuyên cơ tổng thống để kịp tham dự tang lễ. Khi tôi đến sân bay ở Seville, một viên cảnh sát đã gặp tôi và nói rằng anh ta đợi lệnh của tôi vì anh ta là người chịu trách nhiệm về an ninh của tôi trong khi tôi ở đấy. Tôi bắt tay và nhắc tên anh ta khi chào, anh ta chào lại với vẻ ngạc nhiên, rồi anh ta hỏi tôi biết anh ta ư, tôi nói biết, năm 1974 anh là người bắt tôi. Một năm trước khi Franco chết, người đàn ông này đã bắt tôi khi tôi từ Bồ Đào Nha tới Seville. Tôi bí mật vượt biên, tôi đến Seville, họ nghĩ rằng tôi sẽ tới đấy và họ bắt tôi vì một vấn đề trước đây chưa giải quyết xong. Và bây giờ viên công an không biết phải nói gì; bây giờ anh ta là người chỉ huy bộ phận phụ trách an ninh cho người mà bảy năm trước đây anh ta đã bắt giữ. Vaclav Havel nói với tôi: “Bây giờ tôi hiểu rõ hơn những sự kiện đã xảy ra ở Tây Ban Nha”. Người bảo vệ tôi không phải là từ lực lượng điều tra những vụ cướp bóc, mà là từ cảnh sát chính trị.

Vì vậy, phải hiểu những lực lượng nào có khả năng tạo ra động cơ tích cực cho quá trình chuyển hóa. Những lực lượng này phụ thuộc vào tương quan sức mạnh ở bên trong và bên ngoài chế độ, ở phe đối lập, và mức độ nào đó thì nên hay không nên vạch ra ranh giới với nguyên tắc “bất kỳ người nào từng cộng tác, trong bất kì giai đoạn nào của chế độ cũ, sẽ bị truất quyền vĩnh viễn”. Mà nếu phải vạch ra như vậy, thì đấy sẽ là rào cản gần như không thể vượt qua, nếu muốn đạt được hòa giải dân tộc, là tác nhân làm cho quá trình chuyển hóa sang dân chủ một cách trật tự trở nên khả thi. Tôi không nói tất cả mọi nơi đều thế, tôi nói về các cuộc chuyển hóa dân chủ với mức độ thành công nhiều hơn hay ít hơn.

Cuộc chuyển hóa có thể xảy ra ở Cuba

Ông đã nói tới sự khác nhau ​​giữa những người lãnh đạo Cuba và một thế hệ trẻ đang nghĩ về tương lai. Anh em nhà Castro không bao giờ thể hiện cho người ta thấy rằng họ quan tâm tới việc tạo dựng cây cầu hướng tới tương lai. Làm sao ông thấy được những điều kiện cho quá trình chuyển hóa ở Cuba?

Cuba có hoàn cảnh đặc biệt, đó là việc Gorbachev giành được quyền lực với tất cả những thành công của ông trên bình diện thế giới và những thất bại ở trong nước. Ông phải trả giá đắt vì chỉ có 1% dư luận dân chúng Nga ủng hộ, trong khi 80% dư luận dân chúng trên thế giới kính trọng ông vì ông đã đem lại một sự thay đổi mang tính lịch sử. Ở Cuba cũng như ở Nga, chỉ có 1% người dân trong chế độ đánh giá cao ông ta mà thôi. Trong cuộc khủng hoảng năm 1991, do hậu quả của chính sách của Gorbachev và sự sụp đổ của Bức tường Berlin, Cuba đã không còn được Liên Xô và sau đó là Nga, chống lưng cho nữa, mà sự ủng hộ của Liên Xô có tầm quan trọng sống còn đối với Cuba. Chính Fidel đã bắt đầu tìm kiếm giải pháp theo cách riêng của ông ta và khuyến khích thế hệ với quan điểm khác tiếp cận với quyền lực, nhưng vẫn giữ diễn ngôn mang tính cách mạng. Có nhiều nỗ lực nhằm mở cửa trong những 1991-1992, nhưng lúc lên, lúc xuống. Khi một số người của chúng tôi, như Carlos Solchaga [Bộ trưởng Bộ Công nghiệp và Năng lượng giai đoạn 1982-85 và Bộ trưởng Bộ Kinh tế và tài chính giai đoạn 1985-1993], những người tham gia sâu vào lĩnh vực kinh tế, nói với Fidel về mở cửa nền kinh tế ở mức độ nhất định, ông ta tỏ ra giận dữ, vì những người có sáng kiến tư nhân ở mức độ nhất định sẽ kiếm được tiền, và vì vậy mà ông đã cắt đứt nguồn gốc của “thoái hóa tư sản”, và quay ngược lại tiến trình mở cửa.

Năm 1995, năm cuối cùng tôi có chân trong chính phủ, tôi giữ chức vụ chủ tịch luân phiên của EU, và tôi chịu trách nhiệm về việc phải kí được thỏa thuận song phương giữa EU và Cuba, trong khi Mỹ kiên quyết phản đối. Thỏa thuận này dựa trên thỏa thuận mẫu, đã có từ trước, ví dụ, thỏa thuận song phương giữa EU và Việt Nam. Có thể thấy, ngay cả Raul Castro cũng mê mô hình Việt Nam. Đối với Raul Castro, Trung Quốc có vẻ hơi xa, nhưng ông ta nhận thức được mức độ quan trọng của thành công ở Việt Nam, rằng nước này đã cất cánh về kinh tế chẳng khác gì một mũi tên và đảng duy nhất ở đó vẫn giữ được quyền lực và mặc dù nước này đã kí thỏa thuận hợp tác với EU, và nhận được các khoản vay của các ngân hàng và đầu tư từ châu Âu.

Tôi đã có buổi nói chuyện cuối cùng về thỏa thuận có thể được kí với Fidel Castro, ở Bariloche (Argentina), hội nghị thượng đỉnh Ibero-Mỹ, tháng 10 năm 1995. Tháng 12 năm đó sẽ có cuộc họp Hội đồng châu Âu cuối cùng, mà tôi làm chủ tọa. Trong cuộc trò chuyện với Fidel, ngoài những vấn đề khác, chúng tôi đã thảo luận cơ hội cuối cùng của họ trong việc kí kết hiệp định song phương với EU; việc kí kết có thể xảy ra bất chấp sự phản đối rất mạnh của các nước Đông Âu, họ phản đối quan hệ với Cuba. Hai điểm chính của hiệp định là kinh tế và chính trị. Về điểm thứ nhất, người Cuba cam kết mở cửa nền kinh tế ở cơ sở, theo mô hình Việt Nam, tức là mô hình dựa trên nền kinh tế tư bản nhà nước, tạo ra được tốc độ tăng trưởng cao, cải thiện đáng kể phúc lợi xã hội của người dân. Về chính trị thì phải cải cách Luật hình sự, người Việt Nam sẵn sàng chấp nhận. Tội “chống lại cách mạng” đã không còn trong các bộ luật – hay tôi phải nói, ý tưởng là bảo đảm quyền tự do thể hiện của cá nhân. Hiệp định này không đòi hỏi đa đảng chính trị, Việt Nam cũng không bị yêu cầu như thế; chỉ đơn giản nói rằng những người chỉ trích chế độ sẽ không bị bỏ tù. Đó là tự do ngôn luận và, do đó, tự do phê phán. Quá nhiều tiến bộ đã được ghi trong thỏa thuận này, Hội đồng Nhà nước Pháp đã tiến hành lập báo cáo về cải cách. Trong cuộc đối thoại đó ở Bariloche, tháng 10 năm 1995 – dù đó là cuộc đối thoại khó khăn vì những lý do khác – các điều kiện của thỏa thuận đã được nói rõ.

Tháng 12, tôi báo cáo với Hội đồng châu Âu, và tháng 2 năm sau, Fidel quyết định bắn hạ hai chiếc máy bay nhỏ bay từ Miami đến Havana để thả truyền đơn. Sau khi ông ta bắn hạ máy bay, thì không còn bất kì khả năng thỏa thuận hay đàm phán nào nữa. Đó là cách Fidel xử lí cam kết mà ông không muốn đẩy đến những hậu quả cuối cùng. Ông ta viện cớ rằng ở Cu Ba, người dân thực hiện quyền tự do cá nhân ngay cả khi họ không có những quyền đó, khác với Việt Nam, đó là xã hội tôn ti trật tự cứng nhắc, tập thể hoàn toàn lấn át cá nhân, nơi các cuộc biểu tình đòi quyền tự do chỉ lôi kéo các nhóm thiểu số cấp tiến, tương tự như ở Trung Quốc. Não trạng hoàn toàn khác.

Những cuộc chuyển hóa hiện nay

Kinh nghiệm của Tây Ban Nha liên quan như thế nào với những quá trình chuyển hóa hiện nay?

Không thể khái quát hóa, mỗi trường hợp đều là duy nhất. Tôi đã có mặt trong quá trình chuyển biến tình hình ở Tunisia, và nó bộc lộ theo cách hoàn toàn khác với quá trình diễn ra ở Morocco. Ở Chile cũng thế, giới tinh hoa tiêu biểu nhất là những người thuộc cộng đồng lưu vong Chile. Rất ít người lên tiếng chống lại chính phủ độc tài, tuyệt đại đa số bị buộc phải bỏ nước ra đi. Ở Tunisia cũng có hiện tượng tương tự. Một số người thuộc giai cấp tư sản Tunisia không muốn chung sống với chế độ, nhưng chế độ không quan tâm đến việc tiêu diệt những người đó, vì nó không coi họ là mối đe dọa đối với sự ổn định của chế độ, đối với công việc của nó, hay đe dọa nạn tham nhũng của nó. Chính phủ đã tập trung nhiều hơn vào việc tiêu diệt các phong trào phản đối, mà họ gọi là những kẻ khủng bố, và nó đã tiêu diệt được những phong trào này. Phương Tây không bao giờ tìm cách buộc chế độ phải có trách nhiệm về chuyện đó. Sau những gì xảy ra ở Algeria, phương Tây mới bất đắc dĩ phải làm điều đó.

Tôi đã tham gia vào các hiệp định về chính sách hợp tác mới với khu vực Địa Trung Hải, đi kèm với kế hoạch hòa bình, năm 1995, sau Cuộc chiến vùng Vịnh lần I. Chúng tôi thiết kế chính sách của châu Âu về các thỏa thuận song phương với tất cả các nước liên quan, từ Morocco đến Syria. Các thỏa thuận này có ba thành tố. Một là hợp tác kinh tế, mở cửa, và tự do hoá; thành tố thứ hai liên quan đến an ninh, cái thứ ba liên quan đến điều kiện dân chủ. Tôn trọng các quyền con người và quyền tự do dân chủ là gói bị bỏ ra, vì trong nửa sau của những năm 1990, đe dọa khủng bố quốc tế là mối quan tâm thực sự của phương Tây. Vì vậy, nếu những người đứng đầu nhà nước và các nhà độc tài bảo đảm được an ninh, thì phương Tây nhìn vấn đề tự do theo cách khác. Do đó, cuộc đối thoại với giới tinh hoa muốn có tự do và dân chủ là rất phức tạp. Tôi vẫn tiếp tục đối thoại, nhưng họ là những người thiểu số. Họ tỏ ra bực tức khi thấy điều kiện dân chủ giảm dần; thực ra, một trong những nguyên nhân của vụ can thiệp vào Libya là do Pháp không hỗ trợ được quá trình chuyển hóa của Tunisia.

Nhân dân không chấp nhận quan hệ của Pháp với Ben Ali và chế độ của ông này. Đối với Pháp, Tunisia có lãnh thổ riêng, có nền văn hóa riêng của mình. Khi cuộc nổi dậy bắt đầu, đại sứ Pháp không thể xuất hiện ở bất cứ đâu, trong khi đại sứ Tây Ban Nha không gặp vấn đề gì khi làm như vậy. Cho nên, tôi có thể nói chuyện với giới trẻ, những người đã nổi dậy, đã “bắn mũi tên khỏi dây cung” (Nguyên văn: let the genie out of the bottle nghĩa là “để cho vị thần thoát ra khỏi chai”, ý nói đã khởi động một việc không thể nào ngăn chặn được nữa – ND). Trên thực tế, họ không phải là những người dẫn dắt cuộc nổi dậy; đấy là những người Hồi giáo, những người có cơ cấu lãnh thổ, và các đảng chính trị truyền thống, những người thường không đi đến được thỏa thuận. Tôi tham gia rất tích cực vào quá trình đó, với niềm tin tuyệt đối rằng những nhân vật chính mà tôi biết từ trước sẽ không phải là những nhân vật chính của quá trình thay đổi. Tôi đã nói chuyện với những người Hồi giáo, những người đang cố gắng đề trở thành những người ôn hòa và dân chủ – ví dụ, cam kết không thay đổi các quyền mà phụ nữ đã giành được ở Tunisia – nước tiên tiến nhất trong thế giới Ảrập. Tuy nhiên, những nhân vật chính của cuộc cách mạng đã biến mất, như ở Ai Cập. Những người ở trên Quảng trường Tahrir, liên tục kêu gọi, không biết chính xác là kêu gọi cái gì, vì sau cuộc nổi dậy, cuộc bầu cử đã cho lực lượng Hồi giáo mới nổi tính chính danh, lực lượng này được 40% người ôn hoà và 20% phần tử cực đoan ủng hộ. Ngay cả khi các phần tử cực đoan bị loại khỏi quyền lực, thì những người ôn hòa cũng sẽ phải thỏa thuận với lực lượng có sức mạnh thực sự ở Ai Cập, mà đấy vẫn là lực lượng vũ trang, để đảm bảo ổn định.

Vì vậy, rất khó nói ai là người đối thoại. Ví dụ, trong quan hệ với Marrocco, tôi cáu tiết vì những người đối thoại tự nhiên của tôi, những người đã từng nằm trong thành phần cai trị trong nhiều năm, lại là các đảng viên Dân chủ-Xã hội Marrocco. Họ xuất thân từ phe đối lập, khi nhà vua Hassan II qua đời, để lập ra một phần của chính phủ; họ sử dụng quyền lực với Đảng Dân tộc và cùng với các lực lượng chính trị khác, từng có truyền thống dân chủ nhất định. Nhưng cuộc thảo luận của với họ luôn luôn bắt đầu từ cùng một điểm: Họ là giới tinh hoa, có học vấn cao đến nỗi họ dường như là trop Sorbonne (quá Sorbonne) đối với đất nước, vì các cuộc cải cách và hiện đại hóa đều xuất phát từ những người đã học ở Sorbonne, mặc dù thực tế ở Marrocco ít liên quan với thực tế của Pháp. Họ rất ngạc nhiên vì trong thời gian ở Morocco tôi đã tới thăm các khu vực lân cận và các thị trấn ở nông thôn để xem người dân sống như thế nào, cuộc sống của họ ra sao, trong khi những người kia không bao giờ đi đến những chỗ đó, thậm chí ngay cả trong các chiến dịch vận động bầu cử họ cũng không tới. Hậu quả là lần đầu tiên, khi phiếu bầu thực sự được đếm, trong cuộc bầu cử gần đây, người ta đã bầu lên vị thủ tướng người Hồi giáo. Lá phiếu trong cuộc bầu cử tự do được đếm, và vị thủ tướng được bầu trong cơ quan lập pháp hóa ra lại là người Hồi giáo, vì người Hồi giáo có mặt ở những nơi mà các nhà lãnh đạo mặc complet và cà vạt không tới.

Công lí và hòa giải

Những bài học nào của Tây Ban Nha trong việc giải quyết các vấn đề công lí, hoà giải, và ân xá có thể có ích cho những nước khác?

Về vấn đề ân xá, hiện đang được xem xét lại và bị phê phán, những người trong chúng tôi đòi hỏi việc đó biết rằng nó cũng có lợi cho các tù nhân thuộc ETA. Điều chúng tôi theo đuổi là đưa ra khỏi nhà tù những người đang chờ xét xử, trong đó có tôi, vì tôi đã phải đối mặt với đề nghị từ phía công tố viên đòi kết án 8 năm tù, và họ sẽ tăng lên thành 20 năm.

Đó là ông Manuel Fraga, Bộ trưởng bộ nội vụ, đã ra lệnh rằng vụ việc sẽ được xem xét lại và cáo buộc bị hủy sau khi ông này nói chuyện với tôi. Lần đầu tiên tôi thấy Fraga là khi ông đang ăn tối. Lúc đó vẫn chưa có đảng chính trị nào, chưa có cuộc bầu cử nào được tổ chức. Chúng tôi gặp nhau ngày 30 tháng 4 năm 1976, ông dọa tôi rằng đây là thời khắc rất căng thẳng, còn tôi thì nói với ông rằng nếu ông muốn làm như thế, tôi sẽ tạo điều kiện để ông dễ dàng thực hiện lời đe dọa của mình. Tôi mới được tạm tha, và đang đối mặt với bản án 8 năm tù giam, ông ta có thể khởi động ngay ngày hôm sau. Tôi nói với ông: Xin đừng dọa tôi, chỉ cần nhớ những điều tôi nói sau đây: “Trong vòng tám năm tới, ông sẽ phải dựa vào tôi nhiều hơn là tôi dựa vào ông”.

Vì vậy, quan điểm hiện nay là chúng tôi đã ân xá những tội ác của chế độ độc tài Franco, trong đó có thể có những tội ác mà Fraga đã phạm, nhưng thực tế là chúng tôi muốn đưa những người đã chiến đấu cho dân chủ ra khỏi nhà tù, và chấm dứt tiến trình xét xử. Từ những năm 1960, Cộng sản đã nói về hòa giải dân tộc, về việc tạo ra thoả thuận đưa đến kết quả như thế. Đó là đề xuất của họ, họ là những người tiên phong. Lúc đó, không ai nghĩ rằng chúng tôi có thể đòi hỏi trách nhiệm giải trình về những tội ác và những hành động sai trái của chế độ độc tài, đó là điều không thể nào tưởng tượng được.

Rõ ràng là, khi được ân xá, bạn không phân biệt đấy là ân xá hay tha thứ, và rõ ràng là, thả tù nhân thuộc lực lượng ETA là sai; lúc đó cứ nghĩ rằng thả họ thì nhóm khủng bố này sẽ ngừng hoạt động và chấm dứt cuộc chiến chống lại nhà nước, chỉ vì lúc đó nhà nước đã cho phép thả họ và bắt đầu soạn thảo bản hiến pháp cho chế độ dân chủ. Dưới chính quyền Adolfo Suarez, những năm 1979-1980, ETA thực hiện nhiều vụ tội phạm nhất, 90 đến 100 vụ một năm. Dưới chính quyền của tôi, đã bắt đầu giảm một chút, đến cuối nhiệm kì thì giảm nhiều hơn hẳn.

Về vấn đề ân xá, Nam Mỹ cũng đang trải qua chuyện như thế, mỗi ngày. Những sự kiện xảy ra cách đây 25 năm không được người ta xem xét trong hoàn cảnh lịch sử lúc đó, người ta không soi xét những quyết định trong bối cảnh thực tế tại thời điểm chúng được đưa ra.

Khó khăn quá lớn của các tiến trình chính trị không phải là giai đoạn chuyển hóa, mà sẽ tới sau đó rất lâu, đấy là tiếp tục xem đi xem lại vấn đề này như thế nào. Ví dụ, ở Uruguay, đã có hai cuộc trưng cầu dân ý, và chính Tổng thống nước cộng hòa [Jose Mujica] từng tham gia lực lượng du kích, và như thế là ông hiểu rằng mình cũng có phần trách nhiệm và ông không muốn tiến hành kiểm tra các quan chức, vì ông chịu phải trách nhiệm vì đã từng nổ súng trái phép, và thậm chí là đã kích động lực lượng chống đối ngóc đầu dậy. Ở Tây Ban Nha, hoàn toàn không có ý định xem xét lại và buộc người ta phải có trách nhiệm giải trình về những tội ác của chế độ độc tài Franco.

Phân cấp

Ngoài phong trào ly khai xứ Basque, một số khu vực khác cũng đòi chính phủ trung ương quyền tự chủ, với những mức độ khác nhau. Chính phủ đã giải quyết những yêu cầu này như thế nào?

Có quá trình chuyển hóa kép, là dân chủ hóa và phi tập trung hóa quyền lực nhà nước. Việc phân cấp, tác động mạnh tới vấn đề tự chủ, trên thực tế, chỉ có hai cộng đồng rưỡi đòi hỏi mà thôi: Catalonia và xứ Basque, và Galicia với mức độ thấp hơn. Tôi đang nói tới những cộng đồng có ngôn ngữ riêng của họ, mặc dù ở Galicia tình cảm chưa ăn sâu bén rễ bằng hai khu vực kia, đã có mầm mống của chế độ tự trị ngay từ thời Đệ nhị Cộng hòa (1931-1939), và tự coi mình là cái được gọi là cộng đồng lịch sử, mặc dù ở đó không có đòi hỏi quyền tự trị. Trong tất cả các cộng đồng khác, đơn giản là không có đòi hỏi như thế.

Có động lực rất tích cực ủng hộ phi tập trung hóa về chính trị, nhưng nó đã sinh ra một số tác hại: Tại sao Andalusia không được hưởng nhiều quyền tự chủ như Catalonia, nói ví dụ thế. Ngược lại, ở Castile-La Mancha không ai đòi quyền tự trị, hay ở Murcia, và ở nhiều vùng khác của Tây Ban Nha cũng thế. Do đó, hiến pháp quy định hai cấp độ tự trị: Một mức là cho các cộng đồng lịch sử và mức kia là cho các cộng đồng khác, phân quyền về hành chính hơn về chính trị, nhưng có con đường dẫn tới cái mà chúng ta có thể gọi là tự trị “loại một”. Khi nhân dân bỏ phiếu để chọn giữa hai loại: một (chính trị) và loại hai (hành chính), tất cả mọi người thích loại một hơn. Vì vậy, động cơ thi đua đã có và phân quyền về chính trị đã được thực hiện. Trong khi phân quyền đã có ảnh hưởng tích cực đối với Tây Ban Nha trong suốt nhiều năm, thì đến một lúc, khi mà phân quyền cho phép các chính quyền đã được phân quyền hành xử chẳng khác gì những ông vua con, và những yếu tố gắn kết quốc gia suy yếu đi. Đây là tình hình của chúng tôi hiện nay, chưa nói tới khủng hoảng kinh tế, khủng hoảng kinh tế lại thúc đẩy thêm.

Đâu là những thách thức chính cần phải được giải quyết nếu muốn chuyển hóa dân chủ thành công?

Kể từ thế kỉ XIX, chúng tôi đã có chương trình nghị sự gọi là bốn vấn đề cơ bản. Trước hết là vấn đề quân sự: Làm sao buộc lực lượng quân sự nằm dưới quyền các quan chức dân sự, trong khi các tướng lĩnh luôn luôn coi thường các chính trị gia? Đây là vấn đề không thể tránh được. Thứ hai, là vấn đề xã hội [sự phân chia giai cấp đã góp phần tạo ra cuộc nội chiến Tây Ban Nha], đấy là bị kịch của nước Cộng hòa. Thứ ba, là vấn đề lãnh thổ, vấn đề vẫn chưa được giải quyết của Catalonia và xứ Basque. Ngay từ thời Đệ nhất Cộng hòa, thế kỉ XIX (1873-1974), đã có ý tưởng nói rằng Tây Ban Nha phải là nhà nước liên bang. Ý tưởng này tồn tại trong hai năm. Cuối cùng là vấn đề tôn giáo: Thuyết giáo quyền và thuyết phản giáo quyền, và vai trò của Giáo hội.

Khi quá trình chuyển hóa diễn ra, vấn đề xã hội là dễ giải quyết nhất, vì xã hội đã tiến bộ hơn nhiều trong lĩnh vực này. Cho nên, ở Tây Ban Nha, ngay cả trong những giai đoạn khủng hoảng, căng thẳng xã hội cũng không quá lớn. Ở Tây Ban Nha, vấn đề xã hội là ít phức tạp nhất.

Quan chức dân sự kiểm soát lực lượng vũ trang

Vấn đề quân sự rất phức tạp, nhưng nó là vấn đề được hiến pháp giải quyết một cách tốt nhất, và được củng cố bằng cải cách mà chính quyền của tôi đã làm cùng với Narcis Serra, Bộ trưởng quốc phòng giai đoạn 1982-1991. Lần đầu tiên trong lịch sử đương đại của nhà nước Tây Ban Nha, lực lượng quân sự không được coi là quyền lực hay một nhánh của nhà nước mà là một thiết chế, chính sách quốc phòng và chính sách quân sự được coi là trách nhiệm của các chính trị gia. Tôi đã có quan hệ tốt với quân đội, tốt hơn là với ngành tư pháp.

Trong thời gian cầm quyền, ông có bao giờ sợ quân đội can thiệp, như những vụ can thiệp trước đó, trong những năm 1981 và 1982?

Có một âm mưu, năm 1981, và một lần nữa, tháng 10 năm 1982, và một lần xảy ra ngay trước khi kí Hiệp định tham gia EU, đúng Ngày Quân đội, chúng tôi đã dùng lực lượng tình báo dẹp tan một cách nhanh chóng. Ở La Coruna, một cuộc tấn công đã được lên kế hoạch, có thể làm bùng lên việc xem xét lại quan điểm đối với tất cả các cơ quan nhà nước, trong đó có gia đình hoàng tộc, và bằng cách đó, khởi động quá trình không thể nào ngăn cản nổi. Việc chuẩn bị cho cuộc tấn công cũng tương tự như ETA đã làm, đấy là vụ ám sát Carrero Blanco, tháng 12 năm 1973, khi ông này đang là người đứng đầu chính phủ Franco. Do đó, quan hệ của chính phủ Adolfo Suarez với quân đội ngày càng căng thẳng thêm. Tôi không nói rằng trong thời chính quyền của tôi không có căng thẳng như vậy, nhưng biện pháp sử dụng để giải quyết đã được cải cách, chúng tôi nắm được đa số trong quốc hội và được quốc hội ủng hộ mạnh mẽ. Điều này làm cho việc thông qua các cuộc cải cách trong lĩnh vực quân sự trở thành khả thi: Luật quân sự, tư pháp quân sự, cải cách trong lĩnh vực huấn luyện và tham gia vào các sứ mệnh quốc tế, tất cả những cuộc cải cách này từng bước một đã dẫn đến công cuộc chuyển hóa hoàn toàn trong các lực lượng vũ trang. Chắc chắn là quá trình này không phải là không gặp những sự cố mà chúng tôi sẽ giải quyết bằng các những biện pháp hoàn toàn khác nhau, như từng xảy ra ở Valladolid.

Xuất phát điểm của của Adolfo là từ bộ máy nhà nước, và ông ta là tổng thư kí của Phong trào Quốc gia (Movimiento Nacional), đảng duy nhất, khi nhà vua bổ nhiệm ông ta làm thủ tướng. Mỗi lần người đứng đầu lực lượng quân sự tung ra một tuyên bố không phù hợp, ông thường lao vào tranh luận, từng có những cuộc tranh luận nóng bỏng trong cơ quan lập pháp. Lúc đầu tôi cũng bị như vậy.

Tôi đã trải qua sự kiện như thế ở Chile khi tôi đang ở thăm nước này, đấy cũng là lúc người ta bắt đầu nói về việc Ricardo Lagos ứng cử, và người ta hỏi Pinochet xem ông nghĩ gì về việc tôi sẽ tới Chile để hỗ trợ Lagos – chuyến đi của tôi không được thể hiện bằng những từ ngữ đó, vì tôi sẽ tới dự một cuộc hội thảo – và Pinochet đưa ra nhận xét không phù hợp ở Câu lạc bộ Lions rằng “nếu là ứng viên đảng xã hội thì, có thể sẽ có một ngày 11 tháng 9 nữa” [ngày 11 tháng 9 năm 1973, Pinochet tiến hành đảo chính quân sự lật đổ chính phủ dân cử của Tổng thống Salvador Allende], lời bình luận ngạo mạn thường thấy của ông ta. Rõ ràng là, khi báo chí hỏi liệu tôi có đến để ủng hộ Lagos hay không, và tôi nói với họ rằng tôi không có ý định trả lời Pinochet, vì để nói chuyện với Pinochet thì ông ta phải cất khẩu súng lục của mình đi. Chừng nào ông ấy còn cầm súng thì khả năng đối thoại là bằng không, vì ông ta ở vị trí thuận lợi hơn. Nếu ông ta muốn cạnh tranh trong các cuộc bầu cử, ông ta phải không được đe dọa nữa. Sau đó đã xảy ra một vụ ồn ào.

Ở trong nước, tôi chưa bao giờ nói chuyện với các sĩ quan quân sự. Có một hoặc hai tuyên bố được tung ra ở Valladolid, một là trong cuộc phỏng vấn trên tờ tạp chí Interviu, không phù hợp với sĩ quan quân đội. Antonio Asensio, ông chủ của tờ tạp chí này, đã gửi cho tôi tuyên bố của một sĩ quan, dự định được công bố vào thứ hai tuần sau. Ông ta lo sợ, ông ta muốn tôi đề nghị người được phỏng vấn vui lòng rút lại tuyên bố của mình. Tôi đã nói với ông ta rằng tôi sẽ không, vì tôi không làm công việc kiểm duyệt. Ông ta nên công bố, và tôi không đưa ra bất kì lời giải thích nào nữa. Nhưng tôi gọi điện cho bộ trưởng quốc phòng và phó tổng thống và nói với họ rằng, thứ hai, ngay khi tờ tạp chí xuất hiện, họ phải kí sắc lệnh đưa quý ông này vào lực lượng dự bị, và phải chỉ định viên tướng mới cho khu vực Valladolid. Khi người dân đọc tờ tạp chí trong các quán bán báo, họ sẽ thấy tuyên bố của một người đã nằm trong lực lượng dự bị, bởi vì đây là điều được quyết định trong nghị định của Chính phủ.

Chuyện đó đã xảy ra với tôi hai lần, và cái mà lúc đó được gọi là Junta de Jefes del Estado Mayor de la Defensa (Hội đồng tham mưu trưởng liên quân) đã cảm ơn tôi. Những vị tham mưu trưởng này, một số vẫn là những người trung thành với chế độ Franco, đã cảm ơn tôi vì không tham gia tranh luận, vì không gây ra trò cười cho thiên hạ. Nếu một người nào đó không làm tròn nghĩa vụ của mình trong vai trò người chỉ huy quân đội, thì đơn giản là phải đưa ông ta vào lực lượng dự bị, phải tước quyền chỉ huy của ông ta, và đưa người khác lên thay, thế thôi. Còn cái này nữa, tôi đã đưa các thành viên của Hội đồng tham mưu trưởng sang dự lễ nhậm chức của Sanguinetti [tổng thống giai đoạn 1985-1990 và 1995-2000] ở Uruguay, và trên máy bay họ hỏi tôi xem tôi muốn họ làm gì, vì họ sẽ gặp những đối tác của mình ở đó và đây là những người cũng đang chuyển giao quyền lực khi chế độ độc tài cáo chung. Tôi không đưa bất kì chỉ thị nào, tôi chỉ đơn giản bảo họ nói chuyện với những người kia và nói họ tới thăm Tây Ban Nha, để xem mọi việc đang diễn ra như thế nào.

Tôi chỉ gặp hai âm mưu đảo chính, mặc dù Adolfo hầu như tuần nào hay tháng nào cũng gặp. Có lần Adolfo gọi tôi tới văn phòng của ông để nói với tôi rằng ông đã quyết định triển khai một số đơn vị quân đội tới biên giới với Pháp trong xứ Basque và Navarra. Tôi nói với ông rằng tôi thấy làm thế có vẻ sai, nhưng ông nói rằng ông không làm việc đó vì ETA mà do áp lực của quân đội. Tôi nói với ông rằng không thể kiểm soát hiệu quả tất cả đường biên giới, ngay cả trong Thế chiến II, và cố gắng làm như vậy vào lúc này, khi những tên khủng bố vượt biên từ Pháp vào Tây Ban Nha và ngược lại, sẽ là cố gắng vô ích, sai lầm. Tôi nói với ông: “Ông sẽ ban cho ETA tính chính danh, họ sẽ nói rằng họ đang đánh nhau với quân đội, vì vậy tôi không đồng ý”. Ông nói với tôi rằng ông cũng không đồng ý, nhưng ông không có không gian để lèo lái quân đội. Ông sẽ giao cho họ quyền để bịt miệng họ – họ phải biết rằng sẽ không thể giải quyết được việc này như họ nói – và ông muốn buộc họ phải chia sẻ trách nhiệm. Ông biết rằng làm thế sẽ chẳng được tích sự gì, thậm chí sẽ dẫn đến kết quả là ETA sẽ giết một số binh sĩ. Đó là sai lầm, nếu nói về chiến lược, nhưng không có không gian chính trị để lèo lái quân đội và đấy là việc phải làm. Nói cách khác, ông không đề nghị tôi đồng ý, mà là để tôi không chỉ trích. Tôi nói với ông: “Hãy làm như thế và tôi sẽ không lên tiếng”.

Vì vậy, chúng tôi có thể thoả thuận ngay cả về những vấn đề mà chúng tôi không đồng ý với nhau. Đây là vấn đề cơ bản để xem xét vì sao có chuyển hóa và chuyển hóa đã diễn ra như thế nào. Vì vậy, chúng tôi đã giải quyết suôn sẻ vấn đề quân sự, nhưng chúng tôi chưa bao giờ đạt được giải pháp thỏa đáng trong vấn đề tôn giáo.

Vai trò của lực lượng an ninh

Nhà vua có đóng góp như thế nào vào quá trình chuyển hóa dân chủ và đảm bảo chế độ quân chủ lập hiến? Tại sao lại có những âm mưu đảo chánh khi vua là người đứng đầu chính phủ?

Tôi sẽ trả lời bằng cách nói cho bạn nghe hai chuyện mà tôi khó thảo luận. Trong quân đội, có một thế hệ gắn bó hoàn toàn với Franco, họ coi các bước đi của nhà vua [hướng tới dân chủ hoá] là sự phản bội lại di sản mà ông đã nhận, và do đó, họ đã không đặt vấn đề về nhà vua mà đặt vấn đề về những bước đi mà ngài đang thực hiện. Vì vậy, họ tập hợp chống lại chính phủ và cảm thấy khó chịu khi nhà vua tạo điều kiện thuận lợi cho công việc của chính phủ. Là tổng chỉ huy các lực lượng vũ trang, nhà vua có quyền làm cho họ bớt hung hăng hơn. Chống đối thay đổi là có và có khả năng là nếu không có nhà vua thì cuộc đảo chính đã thành công rồi.

Tôi đã trải qua quá trình chuyển hóa khi tất cả các cơ quan tình báo đều nằm dưới quyền chỉ huy của quân đội. Sau đó, các cơ quan này hợp nhất với tình báo dân sự. Ở những nước như Tây Ban Nha, khác với thế giới nói tiếng Anh, các quan chức dân sự có tinh thần dân chủ nhất không muốn bị bẩn tay khi dính líu các vấn đề tình báo. Lịch sử nước Anh có rất nhiều trí thức lớn từng hoạt động trong lĩnh vực tình báo, hay hoàn toàn do lòng yêu nước, với những niềm tin dân chủ mạnh mẽ. Khi một số người chỉ trích tôi nói rằng hoạt động tình báo về cơ bản là thuộc lĩnh vực quân sự, tôi thường nói với họ rằng có tình hình như thế vì những người như họ không muốn bị bẩn tay do làm việc trong ngành tình báo để bảo vệ lợi ích của nhà nước dân chủ. Đó là thực tế, là di tích lịch sử, nhưng có thực tế khác thú vị hơn.

Khi Franco chết, các cơ quan tình báo, vốn đã rất phức tạp, bị chia thành các nhóm theo hai quan điểm khác nhau. Theo phe thứ nhất, chức năng của các cơ quan tình báo là bảo vệ chế độ mà họ phục vụ, trong khi phe thứ hai, đáng chú ý, đã gặp tôi khi Franco vẫn còn sống vì họ tin rằng họ phục vụ nhà nước Tây Ban Nha, chứ không phục vụ chế độ Franco, và do đó, nhiệm vụ của họ là tạo điều kiện thuận lợi cho giai đoạn dân chủ mới – với giá mà nhà nước phải trả là ít nhất. Sự chia rẽ như thế, được thể hiện qua những tình huống cực kì khó khăn, là tác nhân quan trọng sống còn cho việc thúc đẩy những đề xuất dân chủ và triệt tiêu một số xu hướng đi giật lùi.

Comments are closed.