Trí Hiệu Dân
Đứng trước tình trạng hủ bại trong học thuật ngày càng tăng mà chỉ bằng lòng với việc phơi bày các vụ đạo văn thì chỉ là cách trị bệnh từ trên ngọn. Thực sự muốn vãn hồi tình thế đã đến hồi trầm trọng này cần lần chặn những hủ bại đó từ nguồn. Tức là phải bắt tay phân tích bản thân thể chế để tìm kiếm kế sách trị bệnh từ gốc. Theo như tôi thấy, hủ bại trong học thuật ngày nay có quan hệ dính liền với vấn đề tạm gọi là “quan bản vị”.[1] Biểu hiện của việc này có thể quan sát được từ ba phương diện lần lượt được phân tích dưới đây.
1.“Học nhi ưu tắc sĩ” và “Sĩ nhi ‘ưu’ tắc học”[2]
Trong tính cách là một quan niệm chính trị của Nho gia “học nhi ưu tắc sĩ” đã bị phê phán tơi bời trong thời kì Cách mạng Văn hóa. Sau khi “Văn-Cách” kết thúc, việc một loạt phần tử trí thức được cất nhắc lên vị trí lãnh đạo trong thời kì Cải cách-Mở cửa đã cung ứng một cách giải thích mới đối mệnh đề “học nhi ưu tắc sĩ”. Trí thức làm quan tham chính vốn là việc tốt. Thứ nhất, nó nhấn mạnh sự bình đẳng của mọi người trước tri thức. Đây là một sự phủ định tốt nhất đối với chế độ thế tập; Thứ hai, nó chủ trương toàn xã hội cần tôn trọng trí thức, tôn trọng nhân tài, tránh giẫm lại vết xe đổ “phản trí chủ nghĩa”; Thứ ba, nó khiến cho những người có học có tài, người giỏi giang có thể tiến vào quan trường. Đó đều là những điều làm cho sự thiết kế chế độ đi gần đến văn minh.
Thế nhưng, xã hội ngày nay suy cho cùng là thuộc vào thời đại đa nguyên đa giá trị. Điều gọi là tôn trọng tri thức, tôn trọng nhân tài hoàn toàn không chỉ thể hiện ở mỗi cách phong quan tiến tước. Huống hồ, học giới và quan trường là hai lãnh vực khác nhau. Đối với những người chí thú với khoa học mà lại không có hứng thú chính trị và năng lực hành chính (chẳng hạn ông Trần Dần Khác bên khoa học xã hội, ông Trần Cảnh Nhuận bên khoa học tự nhiên)[3] nếu buộc họ bỏ khoa học để tham gia chính quyền thì khác gì với việc phát huy sở đoản hạn chế sở trường? Kết quả chỉ có thể là giới học thuật ít đi một bậc đại sư mà quan trường lại thêm một kẻ xoàng.
Thêm nữa, học giới có quy phạm học thuật của mình, quan trường cũng có luật chơi của nó. Nói chung, học giới tôn sùng bình đẳng, tự do tư tưởng mà quan trường thì chú trọng lệnh phải được thi hành, cấm đoán phải được tuân thủ, chủ trương kế hoạch được thực hiện. Khi quyền lực và lợi ích quan trường át vượt các lĩnh vực khác, người ta sẽ tự giác hoặc không tự giác đem học thuật ra làm chìa khóa mở cánh cửa quan trường. Trong tình hình đó, những quan niệm học thuật mà các bậc tiên triết thời Ngũ-Tứ hô hào đề xướng như “người học đại học phải lấy nghiên cứu học thuật làm thiên chức, chứ không nên lấy đại học làm bậc thang thăng quan phát tài ” (Sài Nguyên Bồi)[4] hay “độc lập tinh thần, tự do tư tưởng” (Trần Dần Khác) đều lâm cảnh nồi vẫn bắc nguyên phía trên mà củi đã bị rút ra khỏi bếp.[5]
Đáng sợ hơn, những hủ bại và thói quen xấu trong quan trường đại loại như giả dối bịa đặt, khoác lác nịnh nọt giống như ôn dịch lây nhiễm sang học giới. Từ đó mà khiến cho “học nhi ưu tắc sĩ” biến thành “‘xuy’ nhi ưu tắc sĩ” (“chém gió” giỏi thì làm quan) hoặc “‘nịnh’ nhi ưu tắc sĩ” (nịnh nọt giỏi thì làm quan). Như thói “sao chép”, “đề tài rác” phổ biến trong học giới ngày nay cũng là có liên quan với những tật xấu trong quan trường.
Nếu nói “học nhi ưu tắc sĩ” dẫu sao vẫn có sắc thái truyền thống thì “sĩ nhi ‘ưu’ tắc học” đích thị là một “sáng tạo” thời nay. Cái gọi là “sĩ nhi ‘ưu’ tắc học” ấy là chỉ những kẻ đã bước được chân lên đường hoạn lộ nhưng vì muốn “ưu” hơn người khác nên cần học cao hơn để tô điểm cho mình. Có những cán bộ cấp huyện, cấp sở thậm chí đã cấp tỉnh cấp bộ chỉ vì tấm bằng thạc sĩ bằng tiến sĩ mà hoặc khi dự tuyển đưa quà cho thầy, hoặc khi lên lớp sai thư kí đi học thay, hoặc khi tốt nghiệp thuê người viết luận văn luận án,… Học vấn bị coi rẻ đến nước đó cũng là phản ánh sự tùng thuộc của học thuật đối quan trường.
2. Tay không dính chữ lợi thu danh hưởng
Một biểu hiện khác của việc học giới cúi theo quan trường là nhiều quan chức tham gia các đề tài nghiên cứu hay hoạt động học thuật tuy tay không dính một chữ nhưng lợi thu danh hưởng. Hẵng nói chuyện đề tài nghiên cứu. Nghiên cứu học thuật vốn là một lao động sáng tạo có tính cá thể rất cao. Hoạt động đó chỉ có thông qua sự tích lũy công sức lâu năm của cá nhân cùng sự tiếp nối thừa kế giữa thế hệ đi trước và thế hệ đi sau trong giới mới mong có được phát minh và tiến bộ. Tình hình hiện nay là, giới học thuật sau tai họa Cách mạng Văn hóa và sự tấn công của cơn sốt kinh tế vốn nên được dưỡng sức nghỉ ngơi để hồi phục nguyên khí. Ấy thế mà rồi họ lại phải đối diện với một lối phù phiếm hư ngụy mới, một kiểu “đại nhảy vọt”[6] mới. Rất nhiều đơn vị, nhiều địa phương dù người có học vấn thực sự, người tiềm tâm theo đuổi đường học thuật đang ngày càng ít đi thế mà đề tài đề xuất thì ngày càng nhiều ngày càng lớn. Những quan chức mê thành tích, máu danh tham lợi hoặc vì chuyện tích vốn leo cao chính là đang khua khoắng, cổ vũ cho những việc như thế. Các vị đó một tay phê duyệt một tay cấp khoản, vừa làm chủ biên lại vừa làm cố vấn. Thành thử tôi lo rằng, những kẻ đó sau khi đã một phen không làm mà hưởng thì còn lưu danh xấu cùng với những công trình tập này bộ kia tổn giấy hao mực.
Cần phải bổ sung thêm là, giao dịch quyền tiền cũng được tiến hành một cách trần trụi trong giới học thuật. Có một quy tắc mới đã hình thành ở một số địa phương và đơn vị: Chỉ cần có người chạy được kinh phí nghiên cứu là có thể “hớt” được một phần theo tỷ lệ nhất định; Đồng thời, chỉ cần một người quyền lớn trong tay duyệt được kinh phí thì không những anh ta có thể làm chủ nhiệm đề tài, chủ biên công trình mà còn cầm được một khoản “hoa hồng” lớn. Cấu kết làm ăn dưới danh nghĩa học thuật như thế thứ nhất có thù lao lớn, thứ hai lại được danh tiếng sang nhã, ba nữa là khá an toàn. Thế nên, nếu có đủ điều kiện ai chả thích làm?
Nói xong chuyện “bếp núc” đề tài nghiên cứu còn có chuyện các bài các chiêu trong hoạt động học thuật. Hội nghị hội thảo vốn là một hình thức quan trọng trong hoạt động nghiên cứu học thuật. Mục đích của nó là giao lưu giữa các nhà khoa học, trao đổi thông tin nghiên cứu, khơi gợi cảm hứng học thuật. Thế mà giờ đây hội nghị hội thảo nếu không phải là du lịch công phí biến tướng thì cũng thành một thứ điểm xuyết cho hoạt động kinh tế. Biến hội thảo hội nghị thành một thứ điểm xuyết cũng là một phát minh lớn của quan trường. Thú vị là, kinh phí và quy mô hội nghị cũng được xác định tùy ở việc xem quan chức cỡ nào tham gia hội nghị. Ngoài ra, ấn tượng của lãnh đạo cấp trên đối với đơn vị tổ chức hội thảo cũng thường phụ thuộc vào tần suất xuất hiện của họ trên các phương tiện truyền thông. Thành thử, cố gắng xuất hiện sao cho quen mặt trên báo đài cũng đã trở thành “nhiệm vụ trọng điểm” của nhiều quan chức trong giới học thuật.
3. Nỗi bối rối trong chuyện “bình xét”
Nghiên cứu học thuật sau khi bị đẩy vào trong quy chế “quan bản vị” thì một loạt hoạt động liên quan như chấm luận văn luận án, thẩm định đề tài, bình xét chức danh, bình xét thi đua khen thưởng lẽ tự nhiên đều chịu thao túng từ lãnh đạo trong ngành và cấp quản lí bên trên. Gần đây, nhà văn Trần Tứ Ích[7] có viết trong một thiên tạp văn: “Ở Trung Quốc, quan chức cơ hồ cái gì cũng hiểu, hoặc có thể là cái gì cũng nên hiểu. “Dĩ lại vi sư” tự cổ đã thế. Ngày nay lại càng không có chuyện gì mà quan không biết, quan không thể. Đúng sai trong học thuật anh ta chỉ thị, tốt xấu trong văn học nghệ thuật anh ta bình xét, thiết kế kiến trúc anh ta thẩm định, kết quả nghiên cứu khoa học anh ta phán đoán. Theo thống kê sơ bộ, những hạng mục do quan chức thẩm định phê duyệt chỉ tính ở cấp ủy ban các bộ trung ương đã lên tới con số 2800. Đó là còn chưa tính các hạng mục quy định ở các cấp địa phương”.
Vậy mà quan chức Trung Quốc thực sự có phải là không gì mà không làm được không? Tục ngữ có câu “khác nghề như cách nhau dãy núi”. Trong thời đại bùng nổ tri thức, các ngành nghiên cứu phân hóa ngày càng sâu, muốn đánh giá đúng người và việc trong các chuyên ngành thực không dễ dàng. Cho dù như thế, nhưng nếu còn lương tri và ý thức về lẽ phải thì cũng không đến nỗi thẩm định một cách hoang đường sai trái. Thế mà tại sao xã hội lại dư luận không ngớt về các hoạt động bình xét thẩm định? Bàn tán rầm rĩ, oán thán khắp nơi. Nói toạc ra, đấy đều do bàn tay của quy chế “quan bản vị”. Lấy chuyện bình xét chức danh làm ví dụ. Thường ngày trong cơ quan ai làm được việc gì mọi người đều bụng tỏ dạ tường. Đến kì bình xét cho dù danh sách có hạn định đi nữa thì ai đáng ai không đáng cũng không đến nỗi phải tranh luận lớn. Thế nhưng với quy chế hiện hành, cái gì lợi thì tranh trong lúc trách nhiệm chả ai chịu. Vì vậy mà trong giới học thuật mới phổ biến ứng dụng cái gọi là quản lí và đánh giá lượng hóa. Học thuật là một hoạt động tinh thần tự do nhất. Nói nghiêm khắc, hoạt động đó không có thước đo hay tiêu chuẩn gì cụ thể. Dùng đủ điều này khoản kia để lượng hóa thành quả nghiên cứu, lấy đó thay thế cho lương tri cá nhân – đó đã là một việc rất nhảm nhí. Nếu có người lợi dụng chức quyền để giở bài giở phép can thiệp vào trong đó thì lại càng không còn gì gọi là công chính nữa. Tình hình này thực là điều mà các học giả thời Ngũ Tứ không thể tưởng tượng nổi. Chẳng hạn, Lí Tiện Lâm[8] khi lưu học từ Đức về được Đại học Bắc Kinh mời làm phó giáo sư. Nhưng chỉ qua một tuần lễ công tác ông được phong thẳng hàm giáo sư. Toàn bộ việc đó chỉ nhờ ở năng lực thẩm định và lương tri của GS Thang Dụng Đồng.[9]
Sự bành trướng của quan quyền và sự thịnh hành của thói quan liêu chủ nghĩa không chỉ làm giảm đi hiệu suất công tác. Trong học thuật lạm quyền để thuê mướn làm sản sinh cái hiệu ứng “hàng kém giá rẻ làm hàng thật mất giá”. Trong hoàn cảnh như thế, chuyện một số người thường vì tư lợi trước mắt mà không còn giữ gìn sự tôn nghiêm của học thuật, cam lòng với việc tự đánh mất phẩm cách, tham gia vào cả việc sao chép và xáo xào công trình của người khác cũng không có gì là lạ cả. Sự can dự của quyền lực vào học thuật, sự lan tỏa của quy chế quan bản vị vào trong học giới là một sự phủ định đối với tự do và độc lập của học thuật. Một nền học thuật không giữ được độc lập chỉ có thể là nô lệ của chính trị, phụ thuộc kinh tế. Một học giả không có tự do thì chỉ còn biết phụ họa nói leo và trở thành đồ chơi của chính khách. Tình cảnh này không chỉ là nỗi bi ai của học thuật mà cũng là bất hạnh của cả đất nước. Bởi vì nghiên cứu học thuật là hoạt động tinh thần sáng tạo nhằm truyền bá văn minh, tích lũy tri thức và tìm tòi chân lí của con người. Một mặt, nó liên quan tới nhiều vấn đề cơ bản của đời sống con người. Mặt khác sự tồn tại của học thuật cung cấp cho ta khả năng biết sửa chữa sai lầm trong cả lí luận lẫn thực tiễn. Một khi ta mắc phải sai lầm trong nhận thức mà học thuật đã mất đi tự do và độc lập, mất đi năng lực hoài nghi thì đã sai là sai đến cùng. May mắn là, trong cả lịch sử khoa học tự nhiễn lẫn trong lịch sử phát triển xã hội, loài người còn có khă năng không ngừng phát hiện và sửa chữa sai lầm phạm phải. Từ chuyện “thuyết địa tâm” chuyển sang “thuyết nhật tâm” trong lịch sử khoa học tự nhiên cho đến chuyện chuyển từ kinh tế kế hoạch sang kinh tế thị trường xã hội đương đại đều là những minh chứng.
Nhà triết học quá cố Hạ Lân[10] từng nói: “Học thuật tự bản chất thế tất phải là độc lập và tự do. Một học thuật không độc lập được về cơ bản không còn được xem là học thuật nữa”. Ông cũng nói giả dụ có người xem học thuật là “công cụ của chính trị, phấn sáp của văn minh” hay học thuật bị để cho kinh tế thao túng thì học giả chân chính nên lấy sự hi sinh tận tụy vì khoa học ra để bảo vệ lấy tự do cho học thuật, giành lấy độc lập cho học thuật. Đối mặt với câu chuyện quan bản vị trong học thuật ngày nay, trong tư cách là những kẻ hậu bối chúng ta nên cảm thấy xấu hổ.
Tháng 3/2002
Lê Thời Thôi dịch từ nguyên bản tiếng Trung
透视学界官本位 trong sách 《往事知多少》
tác giả智效民, 云南人民出版社 xuất bản, 2004
[1] Tác giả mượn từ “bản vị” từ cụm từ “chế độ bản vị tiền tệ” (chú thích trong bài của người dịch).
[2] Nguyên văn câu trong Luận Ngữ 仕 而 優 則 學, 學 而 優 則 仕 Sĩ nhi ưu tắc học, Học nhi ưu tắc sĩ (論 語 thiên 子張). Trong đề mục trên tác giả bài viết đã tách đôi và đảo trật tự sau trước câu này, đồng thời chua dấu ngoặc kép lên chữ “ưu” trong phân câu phía trước. Câu trong Luận Ngữ tồn tại nhiều cách chú dịch. Ở đây tác giả bài viết dẫn dụng câu này theo cách hiểu phổ thông. Cứ như những gì mà tác giả đã viết trong mục có thể dịch đề mục trên là “học mà giỏi thì ra làm quan” và “làm quan “giỏi” thì đi học”. Tiện thể xin nói rõ, trong Hán ngữ chữ “sĩ” với nghĩa “làm quan – sĩ hoạn” và chữ “sĩ” trong “sĩ nông công thương” đồng âm. “Sĩ nhân” (士人) thời hiện đại tiếng Hán gọi là 知 識 份 子 (âm Hán Việt “tri thức phần tử”; trong tiếng Hán hiện đại từ “phần tử” này thường dùng kết hợp với các từ “phản động”, “giai cấp tư sản” để cấu tạo nên cụm danh từ xác định “loại/hạng/kiểu người”), nếu chỉ số đông có thể dùng từ 知 識 界 (âm Hán Việt “tri thức giới”). Trong lúc đó tiếng Việt của ta có từ “trí thức” (intellectuals, gọi gọn “trí” – chẳng hạn trong cụm từ “trí phú địa hào…”) bên cạnh từ “tri thức” (knowledge).
[3] 陳寅恪 (Chen Yinque) – cựu giáo sư Đại học Thanh Hoa, viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học (Academia Sinica Trung Hoa Dân Quốc), nhà sử học và là nhà ngữ-văn học Trung Quốc. 陳景潤 (Chen Jingrun) nhà toán học, viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc (Chinese Academy of Sciences, CAS).
[4] 蔡元培 (Cai Yuanpei) – Bộ trưởng đầu tiên của Bộ giáo dục Trung Hoa Dân Quốc (Giáo dục bộ Tổng trưởng), hiệu trưởng Đại học Bắc Kinh (1916-1927). Chủ trương một nền giáo dục chú trọng Đức-Trí-Thể-Quần-Mĩ (德, 智, 體, 群, 美). Ba yếu tố đầu ta đã nghe quen, hai yếu tố sau “quần” (Collective) và “mĩ” (Beauty) tạm cắt nghĩa là giáo dục năng lực chia sẻ kết nối cộng đồng (sống trong tập thể) và giáo dục thẩm mĩ.
[5] Thành ngữ “釜 底 抽 薪” nghĩa đen “rút củi dưới nồi” hàm ý chỉ dùng biện pháp vô hiệu hóa hay xử lí triệt để.
[6] Công cuộc “đại nhảy vọt” (tập thể hóa sản xuất nông nghiệp, toàn dân làm gang thép) trong kế hoạch năm năm lần thứ hai đã đẩy lùi nền kinh tế Trung Quốc gây chết đói hàng triệu người. Nhưng điều nguy hiểm nữa là nó góp phần dẫn đến cuộc tranh chấp về đường lối mà hậu quả là cuộc Đại Cách mạng Văn hóa 1966-1976 làm điên đảo cả một đất nước.
[7] 陳四益 (Chen Siyi) nhà văn Trung Quốc hiện đại, nổi tiếng bởi những bài tạp văn thời đàm.
[8]季 羨 林 Li Xianlin (1011-2009) Nhà ngôn ngữ học Trung Quốc, chuyên gia Phạn ngữ và Pali ngữ. Lấy bằng tiến sĩ chuyên ngành tại Đức năm 1941. Năm 1946 trở thành giáo sư Đại học Bắc Kinh, là giáo sư trẻ nhất của Đại học này tính đến thời điểm đó. Bị bắt đấu tố và cưỡng bức lao động trong Cách mạng Văn hóa.
[9] 汤 用 彤 (Tang Yongtong) được xem là Quốc học đại sư của Trung Quốc, viện sĩ khóa đầu Viện Hàn lâm Khoa học (The Academia Sinica Trung Hoa Dân Quốc)
[10] 贺麟 (He Lin 1902-1992) nhà triết học Trung Quốc hiện đại. Lời trên dẫn từ luận văn “Học thuật và chính trị” (学术与政治 viết năm1946, in lại trong 文化与人生, xuất bản lần đầu 1947 商务印书馆 tái bản 1988). Đây là tác phẩm tập trung phản ánh quan điểm “học thuật độc lập và tự do” của Hạ. Như nhiều trí thức lớn khác, ông bị khám nhà, bị đem đấu tố và cưỡng bức lao động trong Cách mạng Văn hóa.