Phạm Nguyên Trường
47. Arms control – Kiểm soát vũ khí. Kiểm soát vũ khí là một thuật ngữ nói về các biện pháp hạn chế vũ khí trên bình diện quốc tế nhằm ngăn chặn việc phát triển, sản xuất, dự trữ, phổ biến và sử dụng vũ khí loại nhỏ, vũ khí thông thường và vũ khí hủy diệt hàng loạt. Kiểm soát vũ khí thường được thực hiện thông qua con đường ngoại giao nhằm tìm cách áp đặt những biện pháp hạn chế đối với những nước đồng ý tham gia thông qua các hiệp ước và thỏa thuận quốc tế, mặc dù nó cũng có thể bao gồm những nỗ lực của một quốc gia hoặc một nhóm quốc gia nhằm thực thi những hạn chế đối với quốc gia không đồng ý tham gia.
Các hiệp ước và hiệp định kiểm soát vũ khí thường được coi là biện pháp nhằm tránh các cuộc chạy đua vũ trang tốn kém, đi ngược lại các mục tiêu của quốc gia và hòa bình trong tương lai. Một số hiệp ước được sử dụng nhằm ngăn chặn việc phổ biến một số công nghệ quân sự (như vũ khí hạt nhân hoặc công nghệ tên lửa) để đổi lấy sự đảm bảo cho các nước có khả phát triển những công nghệ này rằng họ sẽ không trở thành nạn nhân của những công nghệ đó. Ngoài ra, một số hiệp định về kiểm soát vũ khí áp dụng nhằm hạn chế thiệt hại do chiến tranh gây ra, đặc biệt là cho dân thường và môi trường, tức là thiệt hại đối với tất cả những người tham chiến, dù bên nào chiến thắng thì cũng thế.
Trong khi các hiệp ước về kiểm soát vũ khí được nhiều người ủng hộ hòa bình coi là công cụ then chốt trong cuộc đấu tranh chống lại chiến tranh, trong khi các nước tham gia hiệp thường coi là biện pháp đơn giản nhằm hạn chế chi phí cho việc phát triển và chế tạo vũ khí, và thậm chí giảm chi phí liên quan đến chiến tranh. Kiểm soát vũ khí thậm chí có thể là biện pháp duy trì khả năng gây chiến, vì những vũ khí làm cho chiến tranh trở thành quá tốn kém và phá hủy đến mức không thể được sử dụng làm công cụ để thực thi chính sách của quốc gia.
48. Arms races – Chạy đua vũ trang. Chạy đua vũ trang là khi hai hoặc nhiều quốc gia tham gia vào việc cùng gia tăng hoặc ganh đua với nhau số lượng “những người được trang bị vũ khí” cũng như “vũ khí, khí tài”. Có thể nói đơn giản rằng đấy là cuộc cạnh tranh giữa hai hoặc nhiều quốc gia để có lực lượng vũ trang vượt trội bên kia; cuộc cạnh tranh liên quan đến sản xuất vũ khí, gia tăng lực lượng quân sự và có công nghệ quân sự vượt trội.
Thuật ngữ này cũng được sử dụng để mô tả tình huống cạnh tranh leo thang kéo dài, trong đó mỗi bên dều tập trung vào việc vượt qua đối thủ.
49. Arrow’s Impossibility theorem – Định lý bất khả thi của Arrow. Định luật bất khả thi của Arrow là thuyết lựa chọn xã hội minh họa những sai sót của các hệ thống bỏ phiếu xếp hạng. Xin xem xét ví dụ sau:
1. 45 phiếu A> B> C (45 người thích A hơn B và thích B hơn C)
2. 40 phiếu B> C> A (40 người thích B hơn C và thích C hơn A)
3. 30 phiếu C> A> B (30 người thích C hơn A và thích A hơn B)
Ứng cử viên A có nhiều phiếu bầu nhất, vì vậy A sẽ là người chiến thắng. Tuy nhiên, nếu không có B, C sẽ là người chiến thắng, vì nhiều người thích C hơn A. (A sẽ có 45 phiếu và C sẽ có 70). Kết quả này là một minh chứng cho định luật của Arrow.
50. ASEAN – Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (tiếng Anh: Association of Southeast Asian Nations, viết tắt là ASEAN) là một liên minh chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội của các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á. Tổ chức này được thành lập ngày 8 tháng 8 năm 1967 với các thành viên đầu tiên là Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Singapore, và Philippines, nhằm biểu hiện tinh thần đoàn kết giữa các nước trong cùng khu vực với nhau, đồng thời hợp tác chống tình trạng bạo động và bất ổn trong những nước thành viên. Sau Hội nghị Bali năm 1976, ASEAN xúc tiến chương trình cộng tác kinh tế, nhưng tất cả những nỗ lực đều lâm vào bế tắc vào giữa thập niên 1980. Phải đợi đến năm 1991, khi Thái Lan đề xuất thành lập khu vực thương mại tự do, thì Khu vực Mậu dịch Tự do ASEAN mới hình thành. Hàng năm, các nước thành viên đều luân phiên tổ chức các cuộc hội họp chính thức để tăng cường hợp tác. Tính đến năm 1999, ASEAN gồm có 10 quốc gia thành viên (trừ Đông Timor và Papua New Guinea chưa kết nạp, hiện đang giữ vai trò quan sát viên).
ASEAN có diện tích đất 4,46 triệu km², chiếm 3% tổng diện tích đất của Trái Đất, và có dân số khoảng 600 triệu người, chiếm 8,8% dân số thế giới. Vùng biển của ASEAN có diện tích gấp ba lần so với vùng đất. Năm 2018, tổng GDP ước tính của tất cả các quốc gia ASEAN lên tới xấp xỉ 2,92 nghìn tỷ USD.Nếu ASEAN là một thực thể duy nhất thì quốc gia đó sẽ xếp hạng 10 trong số các nền kinh tế lớn nhất trên thế giới, sau Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Đức, Nga, Pháp, Canada, Tây Ban Nha, Brazil, Anh, và Ý. Dự kiến đến năm 2030, thực thể này sẽ đứng thứ 4 thế giới.
Vào ngày 31 tháng 12 năm 2015, Cộng đồng Kinh tế ASEAN (ASEAN Economic Community – AEC) được thành lập.
50. Asiatic mode of production – Phương thức sản xuất châu Á. Phương thức sản xuất châu Á là một khái niệm của Marx, lần đầu tiên xuất hiện trong tác phẩm “Góp phần phê phán chính trị – kinh tế học” của ông – xuất bản tại Luân Đôn năm 1859, trong đó, Marx đã cho rằng “Về đại thể có thể coi các Phương thức sản xuất Châu Á, cổ đại, phong kiến, tư bản hiện đại là những thời đại tiến triển dần dần của hình thái kinh tế – xã hội”.
Theo Marx, sản xuất vật chất được tiến hành bằng một phương thức nhất định. Và phương thức sản xuất (PTSX) là cách thức con người thực hiện quá trình sản xuất vật chất ở những giai đoạn lịch sử nhất định của xã hội loài người. Mỗi xã hội được đặc trưng bằng một PTSX nhất định. PTSX đóng vai trò quyết định đối với tất cả các mặt của đời sống xã hội như kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội… Sự thay thế kế tiếp nhau của các PTSX trong lịch sử quyết định sự phát triển của xã hội loài người từ thấp đến cao.
Trong sản xuất, con người có “quan hệ song phương”: một mặt là quan hệ giữa người với tự nhiên, tức là lực lượng sản xuất; mặt khác là quan hệ giữa người với người, tức quan hệ sản xuất. PTSX chính là sự thống nhất giữa lực lượng sản xuất ở một trình độ nhất định và quan hệ sản xuất tương ứng.
Phương Đông là một trong những cái nôi của nền văn minh nhân loại. Những nền văn minh lớn nhất được biết đến đều nằm ở phương Đông. Những nền văn minh đó không chỉ có tầm vóc lớn tương đương với dân số và phạm vi không gian của nó, chúng có một nội dung mạnh mẽ, bề dày văn hóa – lịch sử độc đáo và những thành tựu trên mọi lĩnh vực vô cùng rực rỡ. Phương Đông khác biệt với Hi Lạp, La Mã, các nền văn minh châu Mỹ như Inca, Maya hay những nền văn minh nào đó ở phần còn lại. Bởi vì xã hội phương Đông dựng xây trên nền tảng nông nghiệp lúa nước vì thế nó đã tự quy định cho mình một định hướng phát triển khác so với phương Tây. Do điều kiện kinh tế này các xã hội phương Đông cũng trở nên khác biệt tương đối. Hiện nay trong xã hội phương Đông, phương thức sản xuất châu Á vẫn tồn tại đan xen với các phương thức tiên tiến khác. Việc nghiên cứu xã hội phương Đông không thể không chú ý đến phương thức sản xuất châu Á, đến các đặc trưng của nó.
Sự phân chia Thế giới thành phương Đông và phương Tây trong lịch sử phản ánh sự tiếp cận trên quy mô toàn cầu tiến trình phát triển của xã hội loài người. Theo khái niệm của người Hy Lạp, phương Đông là những quốc gia nằm ở phía mặt trời mọc, ngược lại phương Tây bao gồm các quốc gia nằm ở phía mặt trời lặn. Đông Bắc Phi là nơi Nhà nước xuất hiện đầu tiên (khoảng 3.500 – 3.000 trước Công Nguyên). Các khu vực tiếp theo có sự ra đời của nhà nước từ rất sớm là Tây Nam Á, Nam Á và Đông Á. Như vậy, ngoại trừ Ai Cập ở Bắc Phi, các nhà nước còn lại đều xuất hiện ở khu vực châu Á. Vì vậy, 4 nhà nước ở châu Á còn được gọi là phương Đông, còn các nhà nước xuất hiện muộn hơn ở châu Âu là phương Tây.
Tóm lại, phương Đông – phương Tây trước hết là 2 khái niệm hoàn toàn mang tính quy ước, nhưng đây là quy ước khoa học để tiếp cận với quá trình hình thành và phát triển của thế giới.
51. Athenian democracy – Chế độ dân chủ ở Athens. Chế độ dân chủ ở Athens phát triển ở thành phố Athens, nước Hi Lạp cổ đại, bao gồm thành phố Athens (gọi là polis –thành bang) và vùng phụ cận vùng lãnh thổ Attica, khoảng năm 500 Tr. CN. Chế độ dân chủ Athens là một trong những nền dân chủ đầu tiên được biết đến và có lẽ là nền dân chủ quan trọng nhất trong thời cổ đại. Những thành phố Hy Lạp khác cũng thiết lập chế độ dân chủ, phần lớn noi theo mô hình Athens, nhưng không chế độ dân chủ nào được ghi chép kĩ lưỡng như của Athens.
Hi Lạp thời đó bao gồm mấy trăm thành phố độc lập với nhau, mỗi thành phố lại có một vùng nông thôn bao bọc xung quanh. Khác với Hoa Kỳ, Pháp, Nhật Bản, và các nước hiện đại khác, những quốc gia-dân tộc, hiện đang bao trùm toàn thế giới ngày nay, các nhà nước có chủ quyền lúc đó ở Hy Lạp chỉ là những quốc gia-thành phố (city-states). Quốc gia-thành phố nổi tiếng nhất trong thời cổ đại, cũng như sau này, là Athens. Năm 507 trước Công nguyên, người dân Athens áp dụng một hệ thống chính quyền nhân dân, tồn tại được gần hai thế kỷ, tức là cho đến khi thành phố này bị nước láng giềng phương Bắc là Macedonia chinh phục.
Chính người Hi Lạp – mà có thể là người Athens – đã sáng chế ra thuật ngữ democracy hay demokratia từ từ demos của Hi Lạp tức là dân chúng, và kratos, tức là cai trị. Điều lí thú là trong khi ở Athens từ demos thường ám chỉ toàn thể người dân thành phố Athens, nhưng đôi khi nó lại chỉ có nghĩa là người bình dân hoặc chỉ là người nghèo mà thôi. Từ dân chủ, xem ra, đôi khi được giới phê bình quý tộc sử dụng như một thứ hình dung từ, biểu thị thái độ miệt thị của họ đối với những người bình dân đã giành được quyền kiểm soát chính phủ mà trước đây họ vẫn giữ. Dù sao mặc lòng, từ demokratia đã được người dân Athens và những người Hi Lạp khác sử dụng cho chính quyền của Athens cũng như chính quyền của nhiều thành phố khác ở Hi Lạp cổ đại.
Trong số những chế độ dân chủ của Hi Lạp lúc đó thì chế độ của Athens là quan trọng nhất và vượt xa những chế độ dân chủ khác. Cả lúc đó cũng như hiện nay, đây là chế độ được biết rõ nhất, có ảnh hưởng nhiều nhất đối với triết lí chính trị và thường được người đời sau coi là trường hợp điển hình của quyền tham gia của công dân hay như một số người gọi là chế độ dân chủ tham gia (participatory democracy) .
52. Australian ballot – Bỏ phiếu kín. Bỏ phiếu kín là phương pháp bỏ phiếu trong đó lựa chọn của cử tri trong một cuộc bầu cử hay trưng cầu dân ý được giữ bí mật (vô danh), giúp ngăn ngừa các tác động bên ngoài ảnh hưởng đến cử tri như hăm doạ hay đút lót. Tuy nhiên, bỏ phiếu kín cũng có thể làm gia tăng việc mua phiếu bằng cách trả tiền cho những người ủng hộ đi bầu cử và trả tiền cho những người phản đối không đến bầu, từ đó giảm bớt chi phí mua phiếu.
Trong thế giới hiện đại, một trong những hình thức bỏ phiếu kín thường gặp nhất là in sẵn những lá phiếu trên đó có tên của các ứng cử viên. Các điểm bỏ phiếu sẽ cung cấp những lá phiếu này cho cử tri để họ bí mật lựa chọn. Cách bỏ phiếu này được thiết kế để tránh sự thiên vị và ngăn không cho người khác biết được cử tri nào đã bầu cho ai.
53. Autarky – Chế độ tự cấp tự túc. Thuật ngữ này thường được sử dụng cho các nhà nước, xã hội hay hệ thống kinh tế của xã hội đó. Chể độ tự cấp tự túc là khi xã hội sống hoặc tiếp tục các hoạt động của mình mà không cần sự giúp đỡ bên ngoài hoặc thương mại quốc tế. Nền kinh tế tự cung tự cấp không có bất kỳ giao dịch nào với thế giới bên ngoài, các nhà kinh tế học gọi là “nền kinh tế khép kín”, trước đây thường gọi là “bế quan tỏa cảng”. Chể độ tự cấp tự túc, theo nghĩa chính trị không nhất thiết chỉ là hiện tượng kinh tế, ví dụ, chể độ tự cấp tự túc về quân sự sẽ là một nhà nước có thể tự vệ mà không cần sự giúp đỡ của các quốc gia khác, hoặc có thể sản xuất tất cả vũ khí của mình mà không cần nhập khẩu từ bên ngoài.
54. Authoritarian personality – Nhân cách độc tài/độc đoán. Nhân cách độc tài/độc đoán là muốn người khác người phục tùng vô điều kiện và tôn trọng mà không hề nghi ngờ quyền lực của mình, được thể hiện qua việc áp bức những người dưới quyền. Thuật ngữ này thường được áp dụng cho những người có thái độ quá nghiêm khắc và áp bức đối với cấp dưới.
55. Authoritarianism – Chế độ chuyên chế. Chủ nghĩa chuyên chế là hình thức chính quyền với quyền lực tập trung trong tay một nhóm người và quyền tự do chính trị bị hạn chế. Các chế độ chuyên có thể là độc đoán (autocratic) hoặc đầu sỏ (oligarchic), và có thể chế độ độc đảng hoặc do giới quân nhân nắm quyền.
Định nghĩa ngắn gọn nhất: chính phủ chuyên chế không có các cuộc bầu cử trực tiếp, tự do và có tính cạnh tranh cho các cơ quan lập pháp, không có các cuộc bầu cử trực tiếp hoặc gián tiếp, tự do và cạnh tranh nhánh hành pháp hoặc cả lập pháp lẫn hành pháp. Được định nghĩa một cách bao quát: các quốc gia chuyên chế là những quốc gia không có các quyền tự do dân sự như tự do tôn giáo, hoặc đất nước mà chính phủ và phe đối lập không thay nhau cầm quyền sau các cuộc bầu cử tự do.
Các quốc gia chuyên chế có thể có các thiết chế dân chủ trên danh nghĩa, như các đảng chính trị, cơ quan lập pháp và các cuộc bầu cử, được quản lý nhằm kéo dài chế độ chuyên chế; do đó, chế độ độc tài có thể tiến hành các cuộc bầu cử gian lận, không có tính cạnh tranh. Từ năm 1946 đến giữa những năm 1970, ti lệ của các quốc gia độc tài trong hệ thống chính trị quốc tế gia tăng, nhưng sau đó đã giảm.
56. Authority – Thẩm quyền. Thẩm quyền là quyền hay khả năng, hoặc cả thẩm quyền lẫn khả năng của một người hoặc nhóm người trong việc buộc những người khác phải chấp nhận một đề nghị hay quy định mà không cần phải thuyết phục, mặc cả hay vũ lực. Các thuật ngữ thẩm quyền (authority) và quyền lực (power) đôi khi được như những từ đồng nghĩa, nhưng như thế là không chính xác. Thuật ngữ thẩm quyền là tính chính danh về mặt chính trị, nó cung cấp và biện minh cho quyền (right) thực thi quyền lực (power) của chính phủ; còn quyền lực (power) nói về khả năng thực hiện mục tiêu đã được ủy quyền; như vậy, thẩm quyền là quyền ban hành quyết định và tính chính danh trong việc ban hành các quyết định pháp luất và ra lệnh thực thi các quyết định đã ban hành.
57. Autogestion – Tự quản lý tổ chức, còn được gọi là quản lý lao động và tự quản lý của người công nhân. Xem thêm mục Industrial Democracy (Dân chủ trong công nghiệp).
58. Autonomous Republic – Nước cộng hòa tự trị. Liên Xô bao có nhiều nước cộng hòa tự trị, đấy là các nước cộng hòa mang tên một dân tộc chiếm đa số nào đó, và về nguyên tắc có quyền rút ra khỏi liên bang. Liên bang Nga hiện nay cũng có một số nước cộng hòa tự trị nhưng không có quyền rút ra khỏi liên bang; ngoài ra cò có các khu vực tự trị với những đặc điểm về lịch sử và địa lí, nhưng không phải là trên cơ sở sắc tộc. Nhiều quốc gia vì muốn duy trì toàn vẹn lãnh thổ trước những đòi hỏi về tự quyết hoặc độc lập của dân tộc bản địa hay sắc tộc đôi khi áp đặt hoặc đề nghị cho quyền tự trị giới hạn đến những khu vực như vậy. Trung Quốc và nhiều nước khác có những khu vực tự trị như thế. Trước đây, Việt Nam cũng có khu tự trị Việt Bắc và Tây Bắc (giải thể năm 1975).
59. Autonomy – Tự chủ/tự trị. Tự chủ/tự trị là khả năng đưa ra quyết định sáng suốt, không bị người khác ép buộc. Người tự chủ là người có thể hành động theo suy nghĩ của mình. Các tổ chức hoặc thiết chế tự trị là các tổ chức độc lập hoặc tự quản. Quyền tự chủ còn có nghĩa là mức độ tự quyết của nhân viên khi làm công việc của mình, tự chủ trong trường hợp này được cho là làm cho người lao động hài lòng hơn khi làm việc.
60. Ayatolla – trong Hồi giáo Shia Ayatollah là giáo sĩ cấp cao, chuyên gia trong nghiên cứu luật học, kinh Coran, triết học và thường giảng dạy trong các tu viện Hồi giáo, có thẩm quyền thực hiện các quyết định pháp lý đối với các tín đồ và giáo sĩ trong phạm vi của luật Hồi giáo.