Anh bộ đội đi chợ

Lê Học Lãnh Vân

Xem tấm hình chú bộ đội ngồi lề đường tính toán đi chợ, tôi nghĩ tới những đứa con, cháu mình. Nếu con cháu mình cũng lâm cảnh khó như anh bộ đội kia… Gọi khó chắc không sai, sức trai tráng mười tám hai mươi xách rựa lên rừng đẵn gỗ, ôm súng lăn lê bò toài trên thao trường cát nóng chưa chắc khó bằng sắp xếp hàng chục món ăn, tính toán từng gói “combo” thực phẩm cho ra giá chính xác. Phải tính đúng, rủi trật lại phiền phức. Áp lực của phải tính đúng càng làm mệt thêm các con…

Một số bạn tôi giễu cợt chú bộ đội trong hình. Tôi không đồng tình với sự giễu cợt đó.

Có một số người có ác ý, nhưng cũng có những người không ác ý. Tại sao nhận xét không ác ý? Vì thường ngày họ là người nhạy cảm với vẻ đẹp thiên nhiên, nghệ thuật, với tình bạn, với đất nước. Nói chuyện riêng, thấy họ cũng thông cảm “những đứa nhỏ” cực khổ, việc chế giễu của họ thực ra chỉ là cách bày tỏ rằng họ không thích trung ương can thiệp vào việc chống dịch của thành phố.

Số nhiều hơn là những người không giễu cợt nhưng nói rõ không thích trung ương vào Nam, họ nói rằng theo kinh nghiệm đời họ, hễ trung ương vào Nam là có chuyện lớn. Như chuyện hồi đó đánh tư sản làm tan tác kinh tế, xã hội Miền Nam…

Họ, những người đó có đủ nguồn xuất thân, Miền Nam có, Miền Bắc có, dân Sài Gòn xưa có, dân theo Việt Cộng có… Và nhiều người trong họ, theo nhận xét của tôi, là công dân gương mẫu, là thành viên tích cực của cộng đồng, xã hội.

Số người tỏ ý không thích không ít. Nếu tính luôn số người không biểu lộ ra nhưng trong lòng không thích, con số đáng lo ngại! Cần xem con số đó là thực tế xã hội.

Khi gặp những biểu hiện giễu cợt chú bộ đội đi chợ hay không thích trung ương vào cuộc, một số người phản ứng lại. Nếu chỉ phản ứng ở mức khuyên không nên chế giễu, không nên chia rẽ… thì không sao.

Có người lôi cả “bộ đội cụ Hồ”, tức thế hệ ông cố của chú lính kia, vào trận tiếp sức với chú. Cũng không sao.

Nhưng một số người nặng lời. Thí dụ, gọi là lũ “óc cặn bã”, lũ “không đầu không tim”, lũ “vô ơn”… Đó không còn là nhận xét, phê bình nữa mà đã sang lãnh vực chửi bới rồi! Nếu thật lòng xót xa cho hiện trạng kỳ thị vùng miền, cho rằng sự giễu cợt là không đúng, thì nên dịu giọng thảo luận, thuyết phục nhau. Phê phán nặng lời hay chửi bới nghĩa là trong tiềm thức đã có sự phân chia một bên óc người, một bên óc cặn bã, thì làm sao có thể ngồi chung trong tư thế bình đẳng, tôn trọng nhau? Làm sao có thể mở lòng ra để hiểu rằng mỗi người một hiểu biết, một lập luận, một quyết định để hành động? Lập luận đó chịu ảnh hưởng bởi hoàn cảnh, bởi cảm xúc cùng nhiều điều ảnh hưởng khác… Không chịu hiểu nhau thì kỳ thị càng nặng thêm!

Lại có người so sánh với bộ đội vào Nam hy sinh tính mạng “vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, để chấm dứt chiến tranh”. So sánh như thế thật thiếu chính trị vì động chạm vào chỗ rất nhạy cảm của người Miền Nam. Xét về cá nhân, người lính bộ đội có thể thật lòng tin rằng anh hy sinh vì lý tưởng, tôi thương anh vì điều đó, nhưng trên bình diện quốc gia không ít người Miền Nam nghĩ rằng Miền Nam có thể giàu mạnh hơn nếu năm xưa hai Miền không xảy ra chiến tranh.

Tôi chỉ muốn nói trong xã hội có những suy nghĩ, quan điểm khác nhau, chứ không muốn tranh luận về những quan điểm đó. Những điểm nhạy cảm đó nên để lịch sử nhận định, hoàn cảnh này cần hợp tác làm giảm kỳ thị, làm tăng tình tương thân tương ái. Hiện nay đất nước rất cần những tấm lòng đủ bao dung và hoà ái…

Như đã nói trên, cần xem con số người không thích là thực tế xã hội.

Xin đừng cho rằng tại ý thức dân thấp. Ý thức người dân là trình độ của xã hội, trình độ xã hội cao hay thấp là do cấp quản trị cao nhất, quality of a society is from the top, câu nói tiếng Anh kia đã là chân lý được chấp nhận phổ quát. Xã hội được quản trị tốt sẽ có chất lượng sống cao, người dân có kỷ luật, có đạo đức và lần lần đạo đức trở thành tính chất của xã hội.

Cho nên chính quyền không nên, và thật ra không thể, biểu dân PHẢI thích hay KHÔNG ĐƯỢC không thích. Nếu thấy Đoàn Kết là tốt, thấy Chia Rẽ Vùng Miền là không tốt, chính quyền cần chứng tỏ qua hành động, qua chính sách sao cho người dân cảm nhận đất nước có một chính quyền của toàn thể quốc gia chứ không của riêng một vùng miền, một thành phần, một phe phái nào. Và hơn thế nữa, chính quyền cần có những chính sách khả thi khiến các Miền của quốc gia gắn bó hơn về kinh tế mà không cảm nhận Miền nào bóc lột, áp chế Miền nào, đất nước thuận hoà, dân chúng ấm no, thương yêu, cộng tác nhau trong việc bảo vệ chủ quyền trước sự xâm lấn của ngoại bang.

Cho nên, nhìn việc trung ương vào cuộc giúp Tp Hồ Chí Minh chống dịch lần này, tôi rất mong trung ương đạt kết quả mong muốn. Kết quả tốt đẹp của công cuộc này chắc chắn khiến chính quyền và người dân thông cảm nhau hơn, cũng khiến các Miền thông cảm nhau hơn.

Sẵn đà tốt đẹp đó, sẵn uy tín được củng cố hơn, chính quyền trung ương có thể mạnh tay tiến hành cải tổ theo hướng xây dựng quốc gia đoàn kết và hùng mạnh.

Cờ đang nằm trong tay Thủ tướng Phạm Minh Chính!

Ngày 24 tháng 8 năm 2021

Comments are closed.