Günter Grass, Nobel văn chương 1999, lương tâm nước Đức thời hậu chiến

Thụy My

grass_1

Nhà văn Đức Günter Grass, giải Nobel văn chương năm 1999, tác giả “Cái trống thiếc” (Die Blechtrommel) đã qua đời hôm 13/04/2015 ở tuổi 87, tại một bệnh viện ở Lübeck miền Bắc nước Đức. Đối với nhiều người, ông là một trong những tiếng nói quan trọng của thế hệ người Đức vừa đến tuổi trưởng thành khi Thế chiến thứ hai kết thúc, cảm thấy ăn năn vì những tội ác của chế độ quốc xã.

Có quan điểm thiên tả, nổi tiếng với các quan điểm gây tranh cãi, Günter Grass là nhà văn Đức nổi tiếng nhất ở ngoại quốc trong hậu bán thế kỷ 20. Trong cuộc họp báo, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Đức cho biết chính quyền “xúc động sâu sắc trước hung tin. Hội đồng Văn hóa Đức vinh danh một con người ngoài tư cách nhà văn, còn là một địa chấn ký của xã hội.

Giải Nobel hòa bình, cựu Tổng thống Ba Lan Lech Walesa bày tỏ sự tiếc nuối “một nhà trí thức lớn đã yêu mến Gdansk, giống như tôi. Ông Walesa thổ lộ: “Chúng tôi có cùng cái nhìn về thế giới, về châu Âu và Ba Lan. Chúng tôi đã nhìn tương lai qua lăng kính màu hồng, rút ra bài học về quá khứ đau xót giữa người Đức và người Ba Lan. Cả hai có rất nhiều điểm chung, và rất ít điều chia cách chúng tôi. Ông ấy biết rằng cha tôi chết vì chiến tranh. Ông biết quan niệm sai lầm của Đức đã khiến thế giới phải trả cái giá rất đắt, đặc biệt là đối với Ba Lan.

—————

Khuôn mặt ấn tượng của Günter Grass – bộ ria mép rậm, cặp kính đeo trễ trên sống mũi và chiếc ống điếu – người ủng hộ lâu năm của đảng Dân chủ Xã hội Đức (SPD) ngự trị trên văn đàn và trong giới trí thức Tây Đức. Năm 2000, cây bút người Pháp Olivier Mannoni khi viết tiểu sử Günter Grass đã mô tả ông là “Rabelais của vùng Bantich”, đại diện đa phương của đời sống tri thức”, nhấn mạnh đến vai trò hợp lưu của ông trong văn chương và các cuộc tranh luận tại nước Đức.

Tác giả “Cái trống thiếc” (1959) diễn đạt bằng ngôn ngữ vừa lý thú vừa thô bạo. Một tác phẩm mang tính nhân bản, phê phán các ý thức hệ, với ưu tư của một công dân bình thường có lương tâm. Nhà văn kiêm nhà thơ, kịch tác gia đồng thời là họa sĩ giải thích: “Sau chiến tranh, tính cách vui vẻ của tôi đã đi đôi với sự hoài nghi không thể nào vượt qua nổi. Đó là kết quả sự kháng cự, thường là cái thú tấn công vào tất cả những ý thức hệ tự cho là vạch ra các biện pháp tuyệt đối.

Danh tiếng của ông đã bị vấy bẩn năm 2006 khi ông thú nhận một cách muộn màng trong cuốn tự truyện “Beim Häuten der Zwiebel” (tạm dịch “Lột hành”), rằng ông từng tham gia lực lượng Waffen-SS vào cuối năm 1944. Tiết lộ gây sốc này làm mờ nhòa đi phần nào vai trò lương tâm đạo đức của ông trong xã hội Đức.

Theo Günter Grass, khi đó ông là một thanh niên 17 tuổi xuất thân từ một gia đình bình dân, bị thu hút bởi Đoàn Thanh niên Hitler, để đấu tranh chống lại chủ nghĩa cộng sản. Grass muốn tham gia lực lượng thủy thủ tàu ngầm nhưng không được tuyển mộ, nên gia nhập một đơn vị xe bọc thép của Waffen SS trong một thời gian ngắn, trước khi đơn vị này tan rã. Phân nửa số đồng đội, hầu hết là thanh niên 17 tuổi đã thiệt mạng chỉ sau ba phút bị quân địch thả bom. Ông chỉ biết được nạn diệt chủng người Do Thái sau khi bị quân Mỹ bắt.

Günter Grass sinh vào tháng 10 năm 1927 tại Dantzig (nay là Gdansk thuộc Ba Lan), thành phố bị quân Đức chiếm đóng năm 1939. Mẹ ông thuộc một tộc người thiểu số Slave ở nước Phổ, còn cha là tiểu thương người Đức. Sau khi chế độ quốc xã sụp đổ, ông phiêu bạt trong một nước Đức bắt đầu từ số không, rồi đến phép lạ tái thiết của một nước cộng hòa liên bang chống cộng và duy vật chất.

Sau một thời gian học ngành điêu khắc, Günter Grass đến Paris trong thập niên 50 và quyết định sẽ sinh sống bằng nghiệp văn chương. Ông sát cánh với các nhà văn chống phát-xít của “Nhóm 47” và chính khách dân chủ xã hội Willy Brandt –  người sau này trở thành Thủ tướng đầu tiên thời hậu chiến thuộc đảng SPD.

Trong một nước Đức thịnh vượng của thập niên 60, bị lay chuyển bởi phong trào phản kháng của sinh viên rồi đến nạn khủng bố đỏ, Günter Grass đóng vai tiếng nói đối lập nhưng mang ý nghĩa cải cách.

Vào thời kỳ chiến tranh lạnh, ông là người ủng hộ chính sách “Ost-Politik của Willy Brandt, không ngừng nỗ lực để Tây Đức chìa tay ra giúp đỡ người anh em Đông Đức. Tuy vậy khi bức tường Berlin sụp đổ cuối năm 1989, ông phản đối mọi sự thống nhất quá vội vã. Günter Grass chống đối việc đặt hỏa tiễn châu Âu tại Đức. Tháng Giêng năm 1993, ông rời khỏi đảng SPD mà ông từng tham gia từ năm 1982, cho rằng đảng này quá bảo thủ. Nhưng năm 1998 ông vẫn vận động cho Thủ tướng Gerhard Schröider của SPD.

…Thành phố Dantzig của tuổi ấu thơ là bối cảnh cho nhiều tác phẩm hư cấu của Günter Grass, đặc biệt là “Cái trống thiếc. Câu chuyện được kể lại dưới cái nhìn của cậu bé Oskar Matzerath, một đứa trẻ thiên tài đã quyết định không lớn lên trong lúc chủ nghĩa quốc xã được áp đặt vào thập niên 30. Năm 1979, đạo diễn Volker Schlöndorff chuyển thể thành phim, được tặng giải Oscar phim nước ngoài hay nhất, đồng thời đoạt giải Cành cọ vàng ở Cannes.

Các tiểu thuyết tiếp theo, “Mèo và Chuột (Katz und Maus, 1961) và “Những năm chó (Hundejahre, 1963), tạo thành bộ ba tác phẩm đều có bối cảnh là Dantzig thời chiến. “Gây tê cục bộ (Örtlich betäubt, 1969) chống chiến tranh Việt Nam và nói về hố sâu ngăn cách giữa các thế hệ.

Khi ông xuất bản cuốn “Cả một câu chuyện (Ein weites Feld, 1995), chỉ trích việc thống nhất nước Đức, tờ báo nổi tiếng Bild lên án: “Grass không yêu đất nước mình”. Một nhà phê bình tên tuổi của Đức cho rằng, không có sự dấn thân của Grass, nước Đức đã có thể khác đi “cho dù đôi khi ông làm cho ta tức giận.

Còn bài thơ “Điều cần phải nói” năm 2012, coi Israel là mối đe dọa cho hòa bình trên thế giới do kho vũ khí nguyên tử, đã khiến ông bị cấm nhập cảnh vào nước này. Grass biện hộ: “Tại sao tôi không nói vào lúc này, rằng sức mạnh hạt nhân của Israel gây nguy hiểm cho một thế giới vốn đã mong manh? Vì nếu ngày mai mới nói, có thể sẽ quá muộn.

Khi trao cho Günter Grass giải Nobel văn chương năm 1999, Viện Hàn lâm Thụy Điển nhấn mạnh đến “những chuyện ngụ ngôn bi hài mô tả mặt trái của lịch sử. Grass đã tiến hành “một sự xét lại rộng rãi về lịch sử, khi nhắc nhở đến những gì đã bị chối bỏ và quên lãng: các nạn nhân, những người bại trận và những dối trá mà người ta muốn quên đi vì có thời họ đã tin tưởng.

Comments are closed.