Lê Công Tư
Khi mà VTV mong muốn có được một cái tháp truyền hình cao nhất thế giới, thì điều này cũng hàm nghĩa rằng chương trình của VTV xứng đáng được tôn vinh như là một thứ đỉnh cao của trí tuệ nhân loại, kể cả chương trình của VTV lẫn tập thể những con người đang làm việc nơi đây. Thành thực mà nói, sau khi đọc những ao ước của ông Trần Bình Minh, tôi nhận ra cái khả năng “ếch ngồi đáy giếng” của con người này là xưa nay hiếm. Cái tầm cao nào cũng vậy, nó đòi hỏi một sự tương xứng. Biểu tượng nào cũng thế, nó đòi hỏi cái giá trị đích thực mà biểu tượng đó phải cưu mang. Cái chiều cao đó phải phản ảnh được chính xác cái hào quang của quá khứ, cái phong quang của hiện tại. Hai cái yếu tố này sẽ giúp cho cái tháp cao nhất thế giới này trụ vững ở phía tương lai. Cái gì cũng có cái giá của nó, một biểu tượng có bóng dáng trường cửu, vĩnh hằng cũng thế.
Những chương trình của VTV trong suốt chiều dài của nó, có được cái gì để hậu thế mai sau có thể chiêm ngưỡng nó qua một cái tháp truyền hình cao nhất thế giới? Nhìn lại mọi thứ trên cái quan điểm này, tôi cảm thấy ngượng ngùng thay cho những quan chức đài VTV. Hầu hết những chương trình của VTV đều vá víu, vay mượn, bắt chước. Cái ấn tượng cuối cùng còn sót lại trong tôi là những kiến thức rác rưởi, đáp ứng đủ cho một buổi trà dư tửu hậu. Tôi chưa từng thấy một chương trình nào của VTV có bóng dáng của trí tuệ. Tất cả chúng ta đều biết từ kiến thức cho đến tri thức là một chặng đường dài, từ tri thức cho đến trí tuệ là một chặng đường dài nữa, đó là sự phát quang của ánh sáng, cội nguồn của nền văn minh nhân loại. Tất cả những gì mà VTV cống hiến cho dân tộc này mới chỉ là kiến thức. Với riêng tôi, kiến thức không hơn gì rác rưởi cho lắm. Hình như, nếu tôi không lầm thì nhân loại chưa có tượng đài nào dành cho rác rưởi, và những cái biểu tượng cao nhất của loài người dưới hình thức những cái tháp, những tòa nhà v.v… cũng không dành cho những cái đầu rỗng, háo danh.
Vốn là một kẻ đi rất nhiều, gần như không một góc, xó nào trên cái đất nước này mà tôi chưa đặt chân đến, cái cảm giác duy nhất, cũng là một cảm giác buồn bã đến độ bùi ngùi là đất nước mình sao còn nghèo quá, nghèo đủ mọi mặt. Cái nghèo cay đắng nhất vẫn là trình độ dân trí cái trình độ mới đủ để nói dóc. Cái trình độ này cũng là một phần thành quả của VTV. Bản thân tôi cũng không sao nuốt nổi cái luận điểm kinh doanh, giải trí và du lịch của cái tháp này. Cái hấp dẫn của Hà Nội là cây xanh, hồ nước, những di tích đời Lý, Trần, những gánh hàng rong. Nói tắt một lời là những gì góp phần làm nên cái nên thơ. Cái vẻ đẹp kiều mỵ của thành phố này chính là những nét mềm chứ chưa bao giờ là nét cứng.Và tất cả những gì liên quan đến kinh tế, lời, lỗ đều phải đi qua luận chứng. Chúng ta dễ dàng đồng cảm với Hàn Mặc Tử khi ông gánh một gánh trăng đi bán, bởi đơn giản đây là một thi sĩ. Nhưng không dễ dàng chút nào để có thể cảm thông với mấy quan chức ở VTV khi mấy quan chức này có ý định kịnh doanh cái tháp cao nhất thế giới này.
Học lại bài học giản dị nhất từ thưở còn thơ là phải biết ngượng ngừng, biết xấu hổ để nuôi lại cái lòng tự trọng cùng sự liêm sỉ. Cái bài học giản dị này, hình như các quan chức VTV đã quên giữa một dòng đời quá nhiều ô trọc này.
Dalat 3 tháng 4 – 2015
L.C.T
Lê Công Tư