Lời kêu gọi thực thi Quyền Được Biết của người dân: Yêu cầu Quốc hội bạch hóa Hội nghị Thành Đô

Để tiếp tục thực hiện điều “Chúng Tôi Muốn Biết”, một văn bản “Yêu cầu Quốc hội bạch hóa Hội nghị Thành Đô” sẽ được trao cho Quốc hội vào ngày:

Thứ Tư, ngày 15 tháng 10 năm 2014, tại:

Ban Dân Nguyện – 22 Hùng Vương, quận Ba Đình, Hà Nội

Văn phòng Quốc hội – 56-58 Hoàng Văn Thụ, quận Phú Nhuận, Sài Gòn.

Cho đến thời điểm này, tại Hà Nội và Sài Gòn đã lựa chọn ra một số đại diện để trực tiếp đi trao bản yêu cầu cho Ban Dân Nguyện và Văn Phòng Quốc Hội vào ngày 15/10 sắp tới.

Quyền Được Biết là một quyền phổ quát của mọi công dân và Hội nghị Thành Đô có những ảnh hưởng nghiêm trọng đến vận mệnh của dân tộc. Do đó, chúng tôi xin kính mời mọi người hưởng ứng tham gia vào việc trao yêu cầu này.

Thời gian tập trung tại 2 địa điểm nêu trên là vào lúc 9 giờ sáng.

Đại diện:

Phạm Thanh Nghiên

Nguyễn Phương Uyên

Nguyễn Xuân Nghĩa

Sau đây là nội dung của bản yêu cầu:

Yêu cầu Quốc hội bạch hóa Hội nghị Thành Đô

Vào ngày 4 tháng 9 năm 1990, tại thành phố Thành Đô (Trung Quốc) những người đứng đầu đảng cộng sản Việt Nam và đảng cộng sản Trung Quốc đã ký kết nhiều điều khoản liên quan đến quan hệ giữa hai nước, đặc biệt đến vận mệnh của Tổ quốc Việt Nam. Đến nay, sau gần một phần tư thế kỷ, nhân dân Việt Nam vẫn hoàn toàn không biết nội dung của hội nghị này.

Tuy nhiên, kể từ sau Hội nghị Thành Đô, nhân dân Việt Nam đã chứng kiến:

– Trên đất liền: Việt Nam mất vào tay Trung Quốc hàng trăm ki lô mét vuông lãnh thổ do xương máu tiền nhân để lại và hàng ngàn hecta rừng đầu nguồn chiến lược dưới các dự án cho thuê dài hạn hơn 50 năm. Bất chấp can ngăn của rất nhiều trí thức và nhà quản lý tâm huyết, đảng chỉ đạo chính phủ cố tình thực hiện dự án khai thác bauxite lỗ lã, gây hiểm họa khôn lường đối với môi trường sống Tây Nguyên và Đông Nam Bộ, hàng ngàn người Tàu vào chiếm ngự vùng chiến lược hiểm yếu Tây Nguyên.

– Ngoài biển Đông: Hàng ngàn ki lô mét vuông vùng biển giàu tài nguyên và huyết mạch giao thương của Việt Nam rơi vào tay Trung Quốc. Ngư dân Việt Nam mưu sinh trên ngư trường truyền thống bị lính Trung Quốc xua đuổi, bắt bớ, đánh đập, giam cầm, sát hại, cướp đoạt tàu thuyền, ngư cụ. Các đảo Gạc Ma, Chữ Thập… của Việt Nam bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép và đang bị biến thành những căn cứ quân sự nguy hiểm, nhằm mở rộng tham vọng xâm lược của Bắc Kinh đối với biển Đông.

– Về kinh tế: Kinh tế Việt Nam bị lệ thuộc sâu sắc vào Trung Quốc. Bắc Kinh nắm 90% gói thầu các dự án kinh tế trụ cột, chế ngự kinh tế Việt Nam; hiểm họa đội quân người Trung quốc đi kèm, ăn ở, lập làng, lấy vợ, sinh con đẻ cháu khắp 3 miền ngày càng gia tăng. Máy móc thiết bị lạc hậu, hàng hóa độc hại Trung Quốc tràn ngập Việt Nam.

– Về chính sách đối với chiến sĩ và nhân dân: Để lấy lòng Bắc Kinh, sự kiện Trung Quốc xâm lược Việt Nam vào các năm 1979 và 1988, tàn sát dã man đồng bào và chiến sĩ nước ta bị cấm đề cập trong sách vở, báo chí; mọi hoạt động tưởng niệm đều bị cấm đoán và đàn áp thô bạo; bia liệt sĩ bị chỉ đạo đục bỏ. Mọi cuộc biểu tình chống Trung Quốc xâm lược, phản đối đường lưỡi bò bạo ngược, đều bị đàn áp dã man. Những người dân tập Pháp Luân công ở Việt Nam cũng bị bắt bớ, tra tấn, khủng bố.

– Về ngoại giao: Nhà nước Việt Nam đã tỏ ra e ngại kiện hành vi xâm lược trắng trợn của Bắc Kinh ra các cơ quan tài phán quốc tế, kể cả vụ giàn khoan HD-981. Cờ Trung Quốc thêm sao (5+1 sao) ngang nhiên tràn ngập trong các dịp tiếp tân lãnh đạo Bắc Kinh do Bộ Ngoại giao Việt Nam tổ chức, và trình chiếu công khai trên đài truyền hình trung ương.

Hội nghị Thành Đô có những nội dung gì? Những ai đã thỏa thuận những gì để gây ra những hậu quả vô cùng tai hại trên, dẫn đến những Hiệp định phân định biên giới trên bộ Việt-Trung, Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ bất bình đẳng? Còn những gì khác đã được bí mật thỏa thuận, uy hiếp sự tồn vong của dân tộc mà chúng ta chưa biết?

Nếu không có sự minh bạch thì không chính phủ nào có thể bị quy trách nhiệm. Phải chăng đây là lý do mà nhân dân bị tước đoạt quyền được biết để những người nắm quyền lãnh đạo trốn tránh trách nhiệm trước lịch sử dân tộc?

Những ai đã cam tâm bán rẻ xương máu tiền nhân và chiến sĩ đồng bào cả nước? Những ai đang rắp tâm tiếp tục mặc cả với giặc trên lưng nhân dân? Nhân dân phải được biết!

“Dân biết, dân bàn, dân kiểm tra…” không thể chỉ là một khẩu hiệu tuyên truyền suông mà phải được thực thi. Do đó, trong vai trò những người dân làm chủ đất nước, chúng tôi yêu cầu các đại biểu Quốc hội, phải bạch hóa ĐẦY ĐỦ VÀ CHÍNH XÁC TOÀN BỘ NỘI DUNG của Hội nghị Thành Đô.

Nếu yêu sách chính đáng này của những người dân yêu nước, muốn bảo vệ quyền tự chủ và độc lập của nước nhà không được đáp ứng, thì điều đó chứng tỏ rằng quả thật Hội nghị Thành Đô đã bán đứng tài nguyên, lãnh thổ, lãnh hải và nền độc lập của Tổ Quốc. Sự im lặng của Quốc hội sẽ là câu trả lời rõ ràng nhất cho toàn thể nhân dân về nội dung tệ hại và nguy hiểm của Hội nghị Thành Đô.

Do đó, chúng tôi tin rằng Quốc hội sẽ trả lời nhanh chóng và nghiêm túc những yêu cầu bạch hóa Hội nghị Thành Đô. Chúng tôi tin rằng trong Quốc hội vẫn còn có những đại biểu chưa quên những hy sinh xương máu của những chiến sĩ đã nằm xuống ở các trận chiến biên giới Việt-Trung, Hoàng Sa, Trường Sa… để hành xử đúng lương tâm người Việt Nam yêu nước.

 

Nguồn: http://mangluoiblogger.blogspot.com/2014/10/loi-keu-goi-thuc-thi-quyen-uoc-biet-cua.html

Comments are closed.