Lưu Hiểu Ba có chết vô ích?

Bùi Mẫn Hân

Phạm Nguyên Trường dịch

clip_image002

Cái chết tương đối đột ngột của Lưu Hiểu Ba, nhà bất đồng chính kiến Trung Quốc đang bị giam cầm và cũng là người đoạt giải Nobel Hoà bình, là một tổn thất lớn. Nó cũng đưa ra một thông điệp mạnh mẽ: Lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) quyết tâm bảo vệ độc quyền chính trị của mình bằng bất kỳ phương tiện nào và với bất cứ giá nào.

Lưu Hiểu Ba, 61 tuổi, từng là nhà phê bình văn học và người bảo vệ nhân quyền và phản kháng bất bạo động, đã sống 8 năm cuối cùng của cuộc đời mình trong tù ngục vì những cáo buộc về “họat động lật đổ”. Tội thật sự của ông là kêu gọi thiết lập chế độ dân chủ ở Trung Quốc. Ngay cả trước khi bị giam cầm, ông đã thường xuyên bị cảnh sát giám sát và quấy rầy. Năm 2010, khi ông được trao giải Nobel, nhà cầm quyền Trung Quốc không chỉ cản trở, không cho gia đình ông đến Oslo nhận giải; mà còn giam lỏng vợ ông.

clip_image004

Giải thưởng Nobel Hòa Bình được đặt trên chiếc ghế trống dành cho ông Lưu Hiểu Ba. Bên trái là Chủ tịch Ủy ban Nobel ông Thorbjorn Jagland và bên phải là bà Kaci Kullman Five một thành viên trong ủy ban.

Vụ lăng nhục cuối cùng mà chính phủ Trung Quốc dành cho Lưu Hiểu Ba xảy ra hồi tháng trước, đấy là khi họ bác bỏ yêu cầu được điều trị ung thư gan giai đọan cuối. Đó là hành động tàn bạo vô nghĩa – đã dẫn tới cái chết của Lưu Hiểu Ba – lúc đó đang bị cảnh sát giam giữ – chỉ một tháng sau khi ông nhận được chẩn đoán. Lần cuối cùng một người đoạt giải Nobel gặp một số phận như vậy là vào năm 1938, đấy là Carl von Ossietzky, một người Đức theo chủ nghĩa hòa bình, chết trong trại giam của Đức quốc xã.

Dường như không thể giải thích được vì sao trong mấy năm gần đây Trung Quốc đã chi một số tiền khá lớn cho dự án “quyền lực mềm” ở nước ngoài mà lại sẵn sàng để mình rơi vào tình huống như thế. Tuy nhiên, càng muốn giữ vai trò lãnh đạo trên trường quốc tế thì các nhà lãnh đạo Trung Quốc thậm chí càng muốn đàn áp bất đồng chính kiến hơn nữa. Và có lẽ họ nghĩ rằng cách chế độ dân chủ phương Tây – nhiều nước đang lâm vào tình trạng hỗn lọan – sẽ phản ứng một cách yếu ớt.

clip_image006

Carl von Ossietzky, nhà họat đông người Đức chết trong tù Quốc xã năm 1938

Cho đến nay, tính toán như thế dường như là chính xác. Những hành động ngược đãi của chính quyền đối với một người bênh vực nhân quyền và dân chủ đã gây một số lời phàn nàn ở các thủ đô phương Tây; các nhà lãnh đạo như thủ tuớng Đức, Angela Merkel, đã than thở về cái chết của một người “chiến sĩ can đảm”. Nhưng không có nhà lãnh đạo phương Tây lớn nào lên tiếng tố cáo hành động của chính phủ Trung Quốc.

Hơn nữa, bằng cách từ chối mong muốn của Lưu Hiểu Ba là được sống những ngày cuối cùng trong tự do ở nước ngoài là chính phủ đã tránh được hình ảnh đáng xấu hổ: Một đám tang công khai với hàng chục ngàn người ủng hộ và ngưỡng mộ ông tham dự. Lúc đó ngôi mộ của Lưu Hiểu Ba sẽ trở thành đài kỉ niệm mang tính chính trị, một biểu tượng vĩnh cửu của cuộc đấu tranh với chống lại chế độ độc tài. Trong khi đó, những người kiểm duyệt ở Trung Quốc đã làm việc suốt ngày đêm giờ để đảm bảo rằng cái chết của Lưu Hiểu Ba không trở thành sự kiện.

Chế độ ở Trung Quốc có thể vượt qua được tình trạng lúng túng như vậy, như nó đã từng vượt qua sự phản đối của quốc tế. ĐCSTQ vẫn là lực lượng chính trị khổng lồ, với gần 90 triệu đảng viên, và khả năng bảo vệ quyền lực của họ còn rất lớn. Mấy thập niên cải thiện điều sống củng cố được tính chính danh của ĐCSTQ đến mức ít người còn nghĩ về năm 1989, khi lần đầu tiên Lưu Hiểu Ba trở thành người nổi tiếng trong những cuộc biểu tình ở quảng trường Thiên An Môn.

Nhưng chế độ của ĐCSTQ còn lâu mới là bất khả chiến bại. Ngược lại, nó có một số điểm yếu căn bản – bắt đầu từ tầng cao nhất trong chính phủ.

Dưới thời chủ tịch Tập Cận Bình, “lãnh đạo tập thể” vốn giữ thế thượng phong từ khi Mao Trạch Đông chết đã ngày càng được thay thế bằng quyền lực của nhà lãnh đạo độc tài. Chiến dịch thanh trừng chính trị của Tập Cận Bình, được tiến hành dưới khẩu hiệu chống tham nhũng, đã được tái khởi động, làm cho các đảng viên thường mất hết ý chí vì bị mất đặc quyền đặc lợi và lo sợ trở thành mục tiêu kế tiếp. Khi sự thống nhất của các tầng lớp tinh hoa chính trị bị bào mòn, chế độ ngày càng trở nên mong manh hơn.

Tốc độ gia tăng thu nhập chậm lại đang làm cho chế độ suy yếu thêm. Lời hứa về thịnh vượng vật chất ngày càng gia tăng là nền tảng cho tuyên bố về tính chính danh của ĐCSTQ. Tuy nhiên, mô hình tăng trưởng nhờ các khỏan đầu tư từng tạo ra phép mầu kinh tế của Trung Quốc trong suốt 30 năm qua đã đi đến cuối đường rồi.

Phản ứng chống lại toàn cầu hoá trong những năm gần đây, thể hiện qua việc nước Anh rút ra khỏi EU và việc bầu Donald Trump làm tổng thống Mỹ, làm xuất hiện yếu tố bổ sung về sự không chắc chắn đối với tương lai kinh tế của Trung Quốc. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc có thể đang tìm cách hướng đến tăng trưởng nhờ tiêu dung ở trong nước, nhưng, thực tế là nền kinh tế vẫn phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu. Nếu chủ nghĩa bảo hộ củng cố được trong những thị trường nước ngoài quan trọng của Trung Quốc, thì triển vọng kinh tế của đất nước – và do đó là tính chính danh của ĐCSTQ – có thể suy giảm một cách nhanh chóng.

Trớ trêu là, mấy thập kỷ tăng trưởng kinh tế đã củng cố vị thế của ĐCSTQ, đồng thời sự thịnh vượng ngày càng tăng cũng tạo ra các điều kiện thuận lợi cho quá trình chuyển hóa dân chủ. Trên thực tế, Trung Quốc đã đạt đến mức thu nhập bình quân đầu người mà hầu như tất cả các chế độ chuyên chế trong các nước không sản xuất dầu mỏ đều bị mất quyền lực.

Tất nhiên, khi tăng trưởng kinh tế chao đảo như đang diễn ra, ĐCSTQ có thể quay trở lại chế độ đàn áp tàn nhẫn và sử dụng chủ nghĩa dân tộc nhằm chống lại những thách thức đối với quyền lực của nó. Nhưng hiệu quả của cách tiếp cận như vậy là có giới hạn. Chi phí về kinh tế và đạo đức của việc đàn áp ngày càng leo thang cuối cùng sẽ dẫn đến tình trạng hỗn loạn ở trong nước, mà ngay cả nhà nước độc đảng quyền lực nhất thế giới cũng không thể che giấu được.

Trong bối cảnh như thế, dường như rõ ràng rằng, không những không phải là biểu hiện của sức mạnh, mà việc chế độ của Trung Quốc ngược đãi Lưu Hiểu Ba là chỉ dấu về sự yếu đuối, bấp bênh và sợ hãi của họ. Tại một thời điểm nào đó, có lẽ trong vòng hai thập kỷ tới, tình trạng thối rữa trong nội bộ và áp lực đòi tự do của nhân dân kết hợp với nhau sẽ lật nhào chế độ độc đảng ở Trung Quốc – và, người ta hy vọng là nó sẽ đưa mọi người tới một xã hội cởi mở, và đấy cũng là mục tiêu chiến đấu suốt đời của Lưu Hiểu Ba.

Bùi Mẫn Hân là giáo sư về quản trị ở và cộng tác viên cao cấp không thường trú German Marshall Fund của Mỹ. Ông là tác giả cuốn China’s Crony Capitalism (Chủ nghĩa tư bản ô dù của Trung Quốc).

Bản gốc tiếng Anh: https://www.project-syndicate.org/commentary/liu-xiaobo-death-weak-china-regime-by-minxin-pei-2017-07

Comments are closed.