Tại Sài Gòn: Lễ tưởng niệm các tử sĩ trong cuộc chiến chống xâm lược do Trung Cộng phát động năm 1979 tại biên giới phía Bắc nước ta bị ngăn cản phá phách

GS Nguyễn Đăng Hưng

 

Tôi xuống Quận 1, Công trường Mê Linh lúc 9 giờ thiếu 20 là thấy có đông người bao vây chung quanh tượng đài Đức Thánh Trần. Nhìn kỹ không thấy ai là nhân vật thân quen, những nhân sĩ trí thức quan tâm đến việc tưởng niệm các liệt sĩ Việt Nam đã hy sinh thân mình vì tổ quốc trong cuộc chiến bảo vệ lãnh thổ chống Trung Cộng năm 1979.

Đúng 9 giờ thiếu 5 phút thì thấy có xuất hiện lẵng hoa tưởng niệm và chừng khoảng 20 người xuất hiện. Tôi thử băng qua đường đến gần xem xét thì thấy có một số người nhảy vào định giật lẵng hoa.

Lễ tưởng niệm chưa được bắt đầu thì đã biến thành sự giằng co giữa công an và người tham gia tưởng niệm. Trước quyết tâm của các bạn trẻ, kẻ xấu không giật được và cuối cùng lẵng hoa cũng được đặt dưới chân bức tượng của Đức Thánh Trần, người anh hùng đã lãnh đạo quân dân Việt Nam đánh bại quân Mông Cổ từ Trung Hoa tràn sang cướp nước Việt Nam trong thế kỷ thứ 13.

Nhưng kẻ xấu liên tục nhũng nhiễu, đứng chắn, che dù, khiến không cách nào chụp được một tấm hình, thắp được một nén hương… Mọi trao đổi ôn hòa, mọi giải thích thấu tình hợp lý đều vô vọng.

Tôi đề nghị ban tổ chức thôi cố định địa điểm mà liên tục xoay chiều lẵng hoa để vô hiệu hóa sự nhũng nhiễu ngang ngược, vi phạm quyền tối thiểu của công dân trong một sinh hoạt ôn hòa vì chính nghĩa quốc gia dân tộc.

Một biểu ngữ được căng lên nhưng tức khắc đám người xấu nhào đến cố tình giật đi cho bằng được. Đứng sát dòng biểu ngữ, tôi cũng can thiệp bảo vệ không cho kẻ xấu chiếm đoạt. Cuối cùng tôi yêu cầu các bạn trong đoàn người tham gia tưởng niệm cho phép tôi giữ biểu ngữ riêng cho mình.

Rồi tôi nói lớn cho mọi người nghe:

“Biểu ngữ này bây giờ là tài sản của tôi, tài sản của công dân, ai xông vào giật thì sẽ có vấn đề trước luật pháp Việt Nam và quốc tế”. Tôi chỉ cần các thân hữu chụp cho tôi một tấm hình chỉ rõ khuôn mặt của kẻ côn đồ đang có hành vi cướp giựt.

Cuộc giằng co tạm ngưng.

Sau một lát, biểu ngữ lại được giăng lên và chúng tôi đã có chút thì giờ thắp hương tưởng niệm. Trong cử tọa vang lên khẩu hiệu đả đảo bá quyền Trung Cộng, Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam…

Tôi khấn vái to trước mặt mọi người trước khi cắm hương vào bình:

“Chúng tôi hôm nay xin tưởng niệm những chiến sĩ đã quên mình vì tổ quốc, những liệt sĩ đã nằm xuống cho đất nước còn tồn tại. Không một thế lực nào có thể ngăn chặn dân tộc Việt Nam đoàn kết từ Nam ra Bắc, từ trong nước ra hải ngoại, đoàn kết một lòng đứng lên noi gương tiền nhân, cương quyết một dạ một lòng chống quân xâm lược”.

Cử tọa hô to Việt Nam mãi mãi độc lập, mãi mãi, mãi mãi…

Khoảng 10 giờ 30 phút, buổi tưởng niệm chấm dứt. Chúng tôi tự giải tán, thong thả ra về…

Tôi vẫn còn giữ trong tay dòng biểu ngữ:

LỄ TƯỞNG NIỆM NGÀY 17/2/1979

TRI ÂN CÁC ANH HÙNG TỬ SỸ ĐÃ HY SINH XƯƠNG MÁU ĐỂ BẢO VỆ QUÊ HƯƠNG

Lòng tôi không khỏi mang nặng một nỗi buồn, một nỗi xót xa vô bờ sau kinh nghiệm mới này…

GS Nguyễn Đăng Hưng

Sài Gòn ngày 17/2/2016

clip_image002

clip_image004

clip_image006 

clip_image008

Nguồn: FB Nguyễn Đăng Hưng

Comments are closed.