Thơ về biển đảo Việt Nam

Bài thơ đời người (*)

Đỗ Quyên

 

(Kính tặng Hoàng Sa – Trường Sa)

 

 

Trên Người-đàn-bà Trung Quốc

Như chiếc khuyên tai

dải đất Việt Nam tôi.

 

Ngàn năm trước

Có những buổi chiều hôm

đặt lên lòng bàn tay

Người-đàn-bà ngắm vuốt.

 

Thế kỷ văn minh

cần khoe sắc

gương mặt ấy kiêu hãnh một thời

nhân loại ngợp ánh mặt trời

lóng lánh vòm đất Việt

Đấy là thời tuổi tôi

biết ngắm và say những người phụ nữ đẹp của đời.

 

…Thân em tròn chiếc hoa tai

Buổi nay người có buổi mai người cầm…

 

Vâng

Lịch sử đếm đủ hơn ba lần

mảnh đất tôi yêu

đại lục ấy không cần

Cũng là những khi tuổi tôi biết mình

ngộ nhận hai chữ Niềm tin

Cũng là những khi cả cha và con

nhìn hết mắt sự phản bội giữa các quốc gia như trong tình trai gái.

 

…Hôm nay lại trở về tay

Người-đàn-bà ấy chiếc hoa tai vàng…

 

Hất khỏi vai

pho sử dày

Tôi đóng vào tim

câu tê nhức

Đất nước Việt như cái khuyên tai

cho Người-đàn-bà Trung Quốc.

 

… Một lời thôi nỗi bâng quơ

Mà chong chong nhớ đến giờ khôn nguôi

Đất trời ơi chuyển xoay rồi…

 

 

 

Baiersdorf, 9/1990; Vancouver, chỉnh lại 5/2014

 

 

——-

(*) Phiên bản mới từ bài Thơ mùa thu; nguyệt san Diễn Đàn – Forum số 4 – 1/1992; và www.diendan.org/tai-lieu/bao-cu/so-004/tho-mua-thu

 

 

Kì thị biển

Lý Đợi

 

 

từ thời lập ấp, lập quốc

gia tộc tôi chưa có ai làm vua

hẳn gốc tích tôi thuộc nhóm “theo cha xuống biển”

sau cuộc li hôn mà không chia gia tài và đất đai vùng trung thổ

18 vua Hùng thuộc nhóm theo mẹ Âu Cơ

ngày kén rể cũng cố tình chọn chàng trai xứ núi…

 

 

nếu động từ đã phân biệt, như: “lên rừng [trước] xuống biển”

thì danh/tính/trạng từ về biển lại càng kì thị

luôn “rừng vàng biển bạc”

sao không “rừng vàng thì biển cũng vàng”…

 

rồi từ xưa càng vậy:

đày Mai An Tiêm ra đảo xa chứ không lên rừng vắng

đánh quỷ cũng đuổi ra biển

An Dương Vương thất thủ cũng trốn ra biển…

                        – chắc nơi ấy có Lạc Long Quân và các huynh đệ đang sống

 

nhưng ngay khi cần kế nghiệp:

thà chọn bánh chưng bánh dày Lang Liêu (trồng trọt),

chứ không phải “hải vị” của các hoàng tử khác

thà chọn con nuôi là Mai An Tiêm (vì trồng dưa hấu),

chứ không chọn con ruột Tiên Dung (thích phiêu lưu)

hay con rể Chử Đồng Tử (vì dám kinh doanh ngoài biển cả)…

 

50 theo mẹ lên núi làm vua, kì thị biển cũng là đương nhiên

50 theo cha xuống biển đánh cá, bèo bèo cũng hải tặc, kì thị biển thiệt là vô lý

vậy mà vẫn kì thị…

 

tự nhận thuộc nhóm “theo cha xuống biển”

nay nhìn về biển khơi mà trơ trơ con mắt, thiệt là lợi hại

hoặc vì:

những kẻ khoan dùi, cướp phá ngoài biển kia cũng thuộc nhóm xuống biển?

hoặc vì:

            quà cưới bất thành xưa mà Thủy Tinh nâng cấp phương tiện để trả thù nay?

 

thôi thì để hợp thời: vờ khẩu hiệu yêu biển nhưng trong lòng cứ kì thị biển…

 

la hán phòng, 3/6/2014

Biển Đông trái tim ta

Ngô Minh

 

 

Biển Đông trái tim ta phập phồng

Biển đông trái tim ta sóng dậy

Đêm qua thổn thức

Hoàng Sa, Trường Sa một góc quê nhà

Bóng đen quân thù xâm lấn

 

Ta không ngủ được vì căm hận

Năm vượt Trường Sơn thức dậy bừng bừng

Chân mỏi gối chồn vẫn vượt lên

Bám vào đá tai mèo rình giặc

Tưởng đất nước mãi bình yên

 

Ai ngờ bọn xâm lăng lại đâm dao vào tim

Biển Đông máu ta đã đổ

Hoàng Sa, Gạc Ma máu ta đã đổ

Cho ta được ôm súng ra khơi

Hừng hực tuổi hai mươi cứu nước

 

Biển Đông trái tim ta ơi

Triều dâng máu uất

Già rồi, nhưng ta là đứa con của biển

Phải xông ra chặn giặc thôi!

 

Huế, 14/5/2014

 

Tác giả gửi Văn Việt.

Comments are closed.