Nhà thơ Hoàng Hưng: “Hồn ta như cánh cửa / Không sao yên khi gió đến chân trời”

Thượng Long phỏng vấn

Hoang HungThưa nhà thơ Hoàng Hưng, thường khi nào thì xuất hiện những cơn gió mới của một nền văn học?

– Xin nói thật (có thể mất lòng nhiều người). Xã hội Việt Nam từ xưa đến nay chưa bao giờ tự nổi bất cứ “cơn gió mới” nào về mọi mặt. Xưa có lần Hồ Quý Ly (mà đâu như ông ấy là người Tàu chưa được Việt hoá nhiều lắm) toan “cải cách” một cái, liền bị phản ứng chết tươi (“họ Hồ chính sự phiền hà, để trong nước lòng dân oán hận…”). Những “cơn gió mới” về chính trị, xã hội, văn hoá… đều từ những “chân trời lạ” ào vào, và chúng ta chỉ đơn giản bị cuốn theo.

Cũng thông thường, những cơn gió mới như vậy đã được đón nhận theo cách nào?

– Bao giờ và ở đâu thì những “cơn gió mới” lúc đầu cũng chỉ có một bộ phận nhỏ cấp tiến trong giới sáng tác và hưởng thụ hoan nghênh trong khi số đông phản ứng tiêu cực vì thấy xa lạ. Dần dần nó mới chinh phục được số đông và trở nên dòng chính. Đó là quy luật phổ quát. Riêng ở những nước chưa có chính thể dân chủ, số phận của “cơn gió mới” tùy thuộc rất nhiều thái độ của tầng lớp thống trị xã hội ở từng thời điểm lịch sử cụ thể. Văn xuôi lãng mạn, hiện thực và Thơ Mới trước 1945 cũng như văn học kháng chiến sau 1945 được phát triển dễ dàng vì những người làm nên nó cũng là những người ở tầng lớp chủ nhân của thời đại mình (các trí thức trẻ Tây học trước 1945 rồi trở thành trí thức yêu nước gần gụi các nhà lãnh đạo cuộc kháng chiến). Văn thơ có xu hướng mới ở miền Nam trước 1975 không thuận lợi như thế do hoàn cảnh chiến tranh nhưng cũng không gặp khó khăn gì đáng kể, do nhà cầm quyền (sau chính thể Ngô Đình Diệm) theo chính sách kiểu Mỹ là không can thiệp vào hoạt động văn học nghệ thuật. Ngược lại, những xu hướng văn học mới trong xã hội do Đảng Lao động và Đảng Cộng sản Việt Nam toàn trị sau 1954 và 1975 luôn bị ngăn cản, do chủ trương “văn nghệ là vũ khí cách mạng”, “văn nghệ phục vụ quần chúng” buộc văn nghệ phải dựa vào truyền thống và dễ hiểu dễ cảm (có “tính nhân dân”, “tính Đảng”), trong khi những xu hướng mới mang tính hiện đại và hậu hiện đại thường mờ nhoà, phức tạp, đa nghĩa về nội dung và tiên phong, đi tìm cái độc đáo, cá nhân, khác lạ về nghệ thuật.

 A dua, học đòi theo mốt thời thượng, chối bỏ các giá trị cũ, dường như cũng đông đảo như những kẻ luôn phủ định, không tiếp nhận được các giá trị khác. Ông giải thích như thế nào về hiện tượng này?

– Chuyện ấy rất dễ hiểu ở một xã hội khép kín lâu ngày. Khi cánh cửa hé mở, số người hoa mắt trông tất cả cái gì màu vàng cũng ngỡ là vàng sẽ đông hơn rất nhiều số người có bản lĩnh và công phu tìm đến những thứ “vàng mười” chính hiệu. Song thực ra, số bị “choáng” trước cái mới nên cứ nhắm tịt mắt để tự vệ mới là số đông áp đảo. Cho nên đừng quá băn khoăn trước hiện tượng chạy theo thời thượng, vứt bỏ giá trị cũ. Hiện tượng này sớm muộn sẽ được điều chỉnh để có sự hài hoà. Mà nhiều khi, cũng phải “cực đoan vứt bỏ”, phải “điên điên” thì mới làm ra được cái mới, phải không nhỉ?

Được biết, ông và nhiều người khác, đang cùng với nhà văn Châu Diên (nhà giáo Phạm Toàn) góp sức với nhóm Cánh buồm để soạn thảo bộ sách giáo khoa mới, trong đó, có sự thay đổi căn bản phương pháp tiếp nhận văn học, nghệ thuật cho học sinh trong bộ môn văn học. Ông có thể nói đôi điều vê phương pháp này? Chúng ta có thể hy vọng gì không thưa ông?

– Tinh thần căn bản của cách học Văn theo Cánh Buồm chủ ở hai điểm: 1/Học Văn là học một bộ môn nghệ thuật chứ không phải học chính trị, đạo đức… 2/ Học Văn bằng việc thực hành “đi lại con đường sáng tạo của nhà văn”, phát huy tự do cảm nhận, tự do biểu đạt của từng cá nhân học sinh, không áp đặt, nhồi nhét. Trong Hội sách Văn Miếu vừa qua, Cánh Buồm đã trương khẩu hiệu với danh ngôn của Einstein: “Trí tưởng tượng quan trọng hơn trí thức”.

Tôi liên tưởng đến một đoạn trong bộ phim Hội các nhà thơ đã chết (Dead Poets Society) của Mỹ, nhân vật chính là một thầy giáo có tư tưởng cấp tiến đã hướng dẫn học trò xé hết các trang sách định nghĩa Thơ trong cuốn sách lý luận kinh điển mà nhà trường bắt các em học, sau đó cho các em tự do phát biểu theo ý mình về bài thơ được đưa ra giảng dạy.

Tôi nghĩ, tiếp nhận bất cứ tác phẩm nghệ thuật nào cũng phải xuất phát từ việc kết hợp hai cơ sở “bản nhiên” và “không nhi nhiên”: 1/ Cảm: là cảm xúc thành thật của chính mình. 2/ Hiểu: là nắm được cách (công nghệ) biến cảm xúc thành tác phẩm.

Như vậy, nói rộng ra, để có thể đến được với những giá trị chưa biết, điều cần thiết là chúng ta phải mở rộng tất cả giác quan, chúng ta phải để cho trực giác (đã bao gồm cả nền văn hóa cá nhân), đi thẳng đến bản chất sự vật. Tuy nhiên, hầu như chúng ta ít nhiều đều có định kiến, những thứ rào cản tinh vi, thậm chí, kinh nghiệm mà anh tích lũy được càng nhiều, rào cản càng dày. Ông có thể kể vài câu chuyện cụ thể không?

– Tôi có những kỷ niệm riêng về chuyện này. Chuyện thứ nhất: Hồi sống ở Hải Phòng, tôi có viết một bài thơ về mùa hạ, có câu “hoa đỏ giữa tiếng ve kim loại”. Sau đó ít lâu, trên báo Văn Nghệ, một nhà thơ có tên tuổi cũng là dịch giả không ít thơ Tây, chế giễu các cây bút trẻ, dẫn câu thơ này, coi như “tắc tị”, vô nghĩa. Tội nghiệp, chỉ vì ông quen sống khép kín trong “thư phòng”, đâu biết đến những cảm giác rất thực của đời sống, nên không hiểu nổi “tiếng ve kim loại” là thế nào. Chuyện thứ hai: sau khi tập Người đi tìm mặt của tôi xuất bản, báo chí nhiều bài “đánh” tới tấp, nhưng có một bài “bênh” rất thiện chí của một nhà nghiên cứu “cấp cao”. Có điều trước khi dẫn một số bài khá “hiện thực” trong tập để khen, ông đưa ngay lên đầu bài Đường phố (cốc xé, váy hè, tiện nghi lạc xon, chất chồng trô trố, môi ngang, vô hồn, khoảnh khắc, mini mông lông…) và thú thật chẳng hiểu tác giả nói gì! Đơn giản thôi, ông không có cơ hội sống trên đường phố Sài Gòn những ngày tháng sau 30/4/1975, lại cũng chưa biết đến thứ “thơ văn xuôi” có tính trực giác bắt chợt những ấn tượng mạnh như loạt ảnh chụp “rafale” (bấm máy như bấm cò súng kiểu liên thanh) mà không cần diễn giải.

Ngay từ khi còn rất sớm, cũng như cho đến tận bây giờ, khi đã bảy mươi, dường như ông lúc nào cũng hào hứng với những cơn gió mới trong văn chương, và tìm mọi cách để đưa nó đến với công chúng. Điều gì giữ được cho ông sự mẫn tiệp đó, thưa nhà thơ?

– Đầu tiên có thể bản tính tôi hay tò mò, chuộng lạ, chóng chán! Thêm nữa, trong khi văn nghệ sĩ thường rất egocentrique (coi mình là trung tâm, tôi tạm dịch là “qui ngã”), nên khi già rồi, bất lực rồi thì ghen tức, không chịu chấp nhận bọn trẻ, không chịu những gì không giống mình, thì tôi may mắn tránh được điều ấy, có lẽ vì không có chí hướng làm nhà thơ đơn thuần. Tôi còn là nhà giáo nên thích hướng về lớp trẻ, tôi lại là nhà báo nên có thiên hướng đi tìm những cái mới lạ. Cho nên chẳng cần mẫn tiệp, thông tuệ gì đâu, chỉ cần vô tư một chút, đừng egocentrique quá, thì sẽ dễ ủng hộ cái mới.

Nói gọn lại, đọc và tiếp nhận, để công việc này thực sự là cánh cửa đi vào các thế giới, theo ông, cần những điều kiện gì?

Hồn ta như cánh cửa

 Không sao yên khi gió đến chân trời

Câu thơ tôi viết 45 năm trước có thể dùng làm câu trả lời.

Làm sao cho cánh cửa lòng mình luôn rung lên “bần bật” như thế!

Chỉ có thể do khao khát, khao khát vô cùng!

Comments are closed.