Nguyễn Huệ Chi
Thích thì thu hộ chiếu của công dân viện lý do “quy định của nhà nước”, và nếu cần thì tuyên bố cái quy định đó không còn ràng buộc nữa và trả lại hộ chiếu. Như thế, công dân là con trâu con bò trong tay nhà nước mà dây thừng là cái quy định bí hiểm nào đó, muốn trói thì trói, muốn cởi thì cởi. Một nhà nước như vậy mà lại muốn nhân dân ca ngợi về thành tích nhân quyền, thì sự mỉa mai đi đến mức tột đỉnh.
Cho nên, dễ hiểu là cho dẫu bao nhiêu nghị quyết khẳng định trí thức là rường cột nước nhà, bao nhiêu lời ngọt ngào từ kim khẩu của các bậc lãnh đạo cao chót vót bày tỏ thành tâm muốn trí thức cống hiến trí tuệ cho Đảng, thì sĩ phu vẫn ngoảnh mặt.
Văn Việt
Sau khi đọc được bản Tuyên bố ngày 21-5-2015 của 155 nhân sĩ trí thức và bè bạn bốn phương, đăng đồng loạt trên nhiều trang mạng, không chấp nhận việc Công an Việt Nam bất ngờ cấm tôi xuất cảnh và thu giữ hộ chiếu của tôi vào tối 18-5-2015 tại cửa khẩu Tân Sơn Nhất – cũng như hàng loạt vụ việc ngăn cản xuất cảnh khác đã xẩy ra trước tôi mà không một ai hiểu được tận nguyên ủy – từ trong tâm thức, cả cảm kích lẫn phấn chấn chợt bật nẩy một lần với cường độ như nhau làm tỉnh táo hẳn suy nghĩ của tôi. Như được tiếp thêm sức mạnh, tôi quyết định trong thời gian sớm nhất phải chủ động tìm hiểu rõ sự việc của mình.
Cân nhắc mọi lẽ, ngày 25-5-2015 tôi viết một lá thư ngắn gửi đến Cục Xuất nhập cảnh Bộ Công an Việt Nam đồng gửi Công an Hà Nội là hai địa chỉ mà trong Biên bản tạm ngưng xuất cảnh, công an cửa khẩu Tân Sơn Nhất đã hướng dẫn cho tôi (xem đính kèm). Nội dung lá thư chỉ gói gọn vào việc “đề nghị trả lại hộ chiếu hoặc cho biết lý do nếu chưa trả lại”, bởi các vấn đề liên quan khác, tôi nghĩ, đã có bản Tuyên bố 21-5 (xem đính kèm) và một bài xã luận trên trang Bauxite Việt Nam cũng trong ngày đó (xem đính kèm) nói thay mình một cách nghiêm túc, đầy đủ và sáng rõ; dài dòng nhắc lại chỉ bằng thừa. Trong lá thư tôi cũng không yêu cầu cơ quan hữu trách đền bồi thiệt hại cho tôi vì việc tôi có vé máy bay đi Mỹ do con gái tôi làm việc ở hãng máy bay Delta Hoa Kỳ, bố mẹ đi lại bất kỳ đâu đều được ưu tiên cấp vé, đòi hỏi việc đó là không trung thực và cầu thị.
Nghe tin vừa kết thúc đợt nắng nóng bất thường ở miền Bắc, chiều ngày 7-6-2015 tôi đáp máy bay ra Hà Nội. Sáng hôm sau đến Cục Xuất nhập cảnh ở 44-46 Trần Phú, được người tiếp nhận văn thư chỉ dẫn, lại đi sang 85-87 Trần Hưng Đạo, cuối cùng tìm được đến 44 Phạm Ngọc Thạch là nơi Đội PA72 thuộc CA Hà Nội đóng trụ sở. Lên tầng ba, tôi gặp Thiếu tá Nguyễn Trường Giang. Ông nhận ra ngay đây là sự vụ mà mình đang thụ lý, bèn mời tôi tạm ngồi ở chiếc ghế nơi hành lang rồi đi xuống tầng dưới trong khoảng hơn nửa tiếng đồng hồ. Khi quay lên, ông nói nhẹ nhàng: “Mời bác cùng tôi xuống tầng hai, ở đó có nước trà tiếp bác”. Tôi cùng ông bước vào một căn phòng có đề ở ngoài: Nguyễn Văn Tuấn, Đội phó PA72 và trong phòng, trên tường, có treo một chữ “tâm” khá lớn, phía dưới là 3 chữ Hán nhỏ hơn: “Tâm giả bản” (tâm là gốc). Chúng tôi cùng ngồi xuống đối diện nhau tại một chiếc bàn ở phía ngoài. Đội phó Nguyễn Văn Tuấn bấy giờ mới mở cửa bước vào, chào hỏi, trao đổi một vài câu, nhưng không trực tiếp làm việc với tôi.
Bắt đầu câu chuyện, Thiếu tá Nguyễn Trường Giang nói: Chúng cháu đã nhận được lá thư đề nghị của bác, gửi ngày 25-5-2015, sở dĩ trả lời chậm vì còn đợi hộ chiếu từ Tân Sơn Nhất gửi ra, mong bác thông cảm. Hôm nay cháu được phép cấp trên thông báo với bác, việc tạm ngưng xuất cảnh đối với trường hợp cá nhân bác và tạm giữ hộ chiếu của bác ở cửa khẩu Tân Sơn Nhất vào thời điểm tối 18-5-2015 là hoàn toàn đúng quy định của nhà nước. Nhưng đến giờ phút này, bác không còn bị quy định đó ràng buộc nữa và bác có quyền xuất cảnh đến bất cứ nước nào bác muốn. Tuy vậy, hộ chiếu của bác hiện giờ đang nằm ở Cục Xuất nhập cảnh hoặc đang trên đường di chuyển mà chưa đến tay chúng cháu. Cháu đã gọi điện nhưng chưa có kết quả. Vì thế, bác hãy chịu khó về nghỉ. Chiều nay, hoặc chậm nhất sáng mai chúng ta gặp lại nhau, hoặc bác nhận hộ chiếu ở đây, hoặc sau khi làm biên bản bác sẽ được trao hộ chiếu tại đơn vị cấp trên của chúng cháu.
Tuy có láng máng cảm nhận một điều gì tốt lành qua phong thái cởi mở của người đối thoại, tôi vẫn hết sức ngạc nhiên, không thể ngờ kết quả lại đến nhanh như vậy. Cố nén mọi cảm giác đang xáo trộn trong óc, tôi chỉ nói vắn tắt: “Cám ơn anh và bộ phận thụ lý vụ việc của tôi đã giải quyết thỏa đáng”.
Sau đó Thiếu tá Nguyễn Trường Giang viết biên bản và mời tôi đọc lại. Nội dung biên bản chủ yếu cũng gần như những điều ông đã nói. Ông đề nghị tôi ký vào. Tôi ngỏ ý muốn việc nhận hộ chiếu không phải kéo dài buổi này qua buổi khác vì tuổi mình đã lớn. Ông nói: Bác viết thêm câu ấy vào biên bản. Viết xong tôi yêu cầu có một bản photocopy làm bằng nhưng ông tránh né yêu cầu này bằng cách viện cớ ngày mai sẽ có biên bản chính thức.
Trở về nhà, chờ đến 9 giờ tối mới nhận được mẩu tin nhắn điện thoại: “Ngày mai, đúng 9 giờ 30 mời bác đến 44 Phạm Ngọc Thạch”. Tôi yên tâm lên giường.
Sáng 9-5-2015 tôi có mặt trước phòng Đội phó PA72 đúng giờ đã định. Thiếu tá Nguyễn Trường Giang đang ở một phòng khác, được thông báo liền về đón tôi vào phòng. Trên bàn làm việc, phía đối diện có 3 người: Ngồi giữa là Thượng tá Nguyễn Thế Cường, bên phải ông Thiếu tá Nguyễn Trường Giang và bên trái ông Thiếu tá Dũng (ông không đeo bảng tên trên ngực áo). Hai người hai bên đều rất trẻ so với người ngồi giữa; Thiếu tá Nguyễn Trường Giang có nhiệm vụ ghi biên bản, còn Thượng tá Nguyễn Thế Cường là người làm việc chính với tôi. Không có thủ tục tuyên bố lý do bởi đây chỉ tiếp tục câu chuyện đã diễn ra từ hôm trước. Thiếu tá Nguyễn Trường Giang cầm tấm hộ chiếu nằm sẵn trên bàn đưa cho tôi và nói: Xin bác xem lại thật kỹ xem hộ chiếu có bị thay đổi, thiếu hụt gì không. Tôi xem qua, xác nhận với anh không có thay đổi gì. Thượng tá Nguyễn Thế Cường bấy giờ mới lên tiếng. Ông nêu những nhận xét có lẽ thu thập được đó đây về tư cách và uy tín khoa học của tôi trong hơn 50 năm làm công việc chuyên môn. Ông nói khá dài. Không tiện ngắt lời ông, mấy lần tôi chỉ nhún nhường từ tạ. Ông đề nghị tôi cho ý kiến về tinh thần của buổi làm việc. Tôi đáp vắn tắt: “Nghiêm túc và thiện chí”.
Sau đó, Thiếu tá Nguyễn Trường Giang ghi biên bản. Có 3 ý:
– Việc tạm thời chưa cho ông Nguyễn Huệ Chi xuất cảnh và tạm thu hộ chiếu của ông vào tối 18-5-2015 tại cửa khẩu Tân Sơn Nhất là hoàn toàn đúng theo quy định của Nhà nước;
– Ngày 9-6-2015, Thiếu tá Nguyễn Trường Giang trao trả hộ chiếu cho ông Nguyễn Huệ Chi, có sự chứng kiến của Thượng tá Nguyễn Thế Cường và Thiếu tá Dũng, hộ chiếu nguyên vẹn như cũ, không tẩy xóa, thiếu hụt một tờ nào;
– Buổi làm việc diễn ra trong tinh thần cởi mở, hiểu biết lẫn nhau.
Một bên, Thiếu tá Nguyễn Trường Giang ký và một bên tôi ký, trước khi ký tôi được đề nghị viết thêm mấy chữ xác nhận hộ chiếu nguyên vẹn.
Khi xong việc, tôi yêu cầu được nhận một bản photocopy biên bản nhưng không được đáp ứng. Hơi lấy làm lạ song cũng tự giải đáp: Có lẽ họ ngại biên bản này sẽ được đưa lên một trang mạng nào chăng. Tuy vậy, tôi cũng hỏi thêm: “Thế nếu tôi lại ra cửa khẩu Tân Sơn Nhất rồi bị giữ lại không cho xuất cảnh và thu hộ chiếu lần nữa thì sao?”. Có vẻ như đây là câu hỏi mà họ đang mong đợi nên Thượng tá Nguyễn Thế Cường vừa cười vừa đáp lời: Nói để bác hiểu, vì lý do an ninh nên vào thời điểm tối 18-5-2015 tạm chưa cho bác xuất cảnh là hoàn toàn đúng quy định. Bởi vậy mong bác cứ phát huy tất cả những ưu điểm trong cương vị nhà khoa học của mình 50 năm qua để đóng góp cho đất nước. Đó là điều đất nước rất mong mỏi ở một GS như bác và nhà nước cũng rất cần. Còn nếu có những kẻ nào đấy muốn lợi dụng uy tín của bác nhằm lôi kéo bác vào những việc không hay thì xin bác hãy tỉnh táo. Chẳng hạn trang Bauxite có những bài có ích, rất đáng để Đảng xem xét lại những chủ trương cụ thể, nhưng cũng có những bài không phải không có vấn đề. Hay chẳng hạn ngày kỷ niệm bản Tuyên ngôn nhân quyền LHQ hội họp ở Hà Đông, chúng tôi cũng thấy bác có mặt. Hay như tổ chức Văn đoàn Độc lập chưa được phép của nhà nước cũng thấy bác tham gia… Tôi chỉ cải chính: Chưa có Văn đoàn Độc lập mà chỉ mới có Ban vận động Văn đoàn Độc lập, rồi lặng yên nghe ông nói tiếp. Khi ông nói xong, ngẫm nghĩ một phút, tôi trả lời ngắn gọn: “Không khí cuộc gặp gỡ này không phải là không khí để chúng ta tranh luận với nhau”. Cả ông Thượng tá và những người ngồi xung quanh đều gật đầu. Liền đó tôi đứng lên xin cáo từ. Tất cả cùng đứng dậy bắt tay tôi. Đội phó Nguyễn Văn Tuấn nãy giờ ngồi ở bàn bên cũng bước sang bắt tay, vui vẻ tự giới thiệu mình có người vợ đồng hương với tôi và tiễn tôi ra tận cầu thang.
Mãi khi lên máy bay bay vào lại Sài Gòn, trong đầu tôi vẫn trăn trở với nhiều câu hỏi cứ không thôi hiện ra ám ảnh: Đâu là lý do đích thực để mình có lại tấm hộ chiếu một cách chóng vánh nằm ngoài mọi dự liệu? Đâu là thực chất của mấy chữ “lý do an ninh” mà ông Thượng tá đưa ra để giải thích việc tạm ngưng tôi xuất cảnh tối hôm 18-5? Cũng vậy, tuy những người công an mà tôi tiếp xúc đều có thái độ niềm nở ân cần, cư xử rất đúng mực, nhưng trước việc ngăn tôi xuất cảnh mà nguyên nhân vì sao tôi không thể biết rõ, rồi đến việc trả lại hộ chiếu cho tôi mà nguyên nhân vì sao tôi cũng không thể biết rõ, thì tôi – và nhiều người cùng chung cảnh ngộ như tôi hay còn kém may mắn hơn tôi, không được trả hộ chiếu, cũng không được giải thích rõ ràng đầy đủ – có thể nào yên lòng đặt niềm tin vào tính minh bạch cũng như hiệu lực thực tế của bản Hiến pháp sửa đổi năm 2013, bộ luật gốc mới nhất và quan trọng nhất quy định quyền và nghĩa vụ của mọi công dân trên đất nước Việt Nam?
Đang lúc tâm tư chùng xuống thì máy bay chợt đi vào một vùng trời trong. Nghĩ đến 155 chữ ký của những bậc thức giả đáng kính, chỉ trong một vài ngày đã được công bố ngay trên mạng, tôi lại thấy ấm lòng. Một niềm vui lặng lẽ ùa đến, xua đi những gì còn lởn vởn.
Xin kết thúc bài tường thuật sơ sài ở đây bằng bốn chữ viết hoa: TẠ ƠN TRI KỶ.
N.H.C.