VĂN HỌC MIỀN NAM 54-75 (110): GIÃ TỪ (3)

VÕ PHIẾN

Tôi ngoảnh đi ngoảnh lại, lướt mắt trên cái thị xã vắng vẻ, trên đất trắng im lìm trước sau một ngôi chùa.
Trong những ngày mà các người cán bộ theo nhau, níu lưng nhau, kẻ trước người sau kéo nhau đi rầm rập như trước một đổ vỡ, thì ông bác già của tôi ngơ ngác trước đại cuộc. Người ngoảnh sang bên này hỏi một câu, ngoảnh sang bên kia hỏi một câu, và được giải thích qua loa. Nhưng chừng nửa năm sau ngày đình chiến thì tôi biết rõ người bác già đã quên hết những lời giải thích.
Lúc bấy giờ người có vẻ tần ngần ngơ ngẩn: người đã bám sát theo Đại Cuộc ngược xuôi hồng hộc trong chín mười năm trời rồi, nay theo dõi trận đánh này, mai hồi hộp vì trận đánh kia, tháng này học tập một chủ trương, tháng nọ phổ biến một chính sách, lúc kêu gào đoàn kết hy sinh, lúc reo hò tranh đấu…; đến nay dừng lại, người bỗng thấy mệt nhoài, bao nhiêu gân cốt trong người như dãn cả ra. Người có cảm tưởng như mình đã không tự lượng sức, trót nhảy lên lưng Đại Cuộc như nhảy lên lưng con ngựa bất kham để cho nó lồng lên mà tế mà phi, để nó tung hoành thỏa sức. Đến khi tuột xuống khỏi lưng con ngựa Đại Cuộc, người lắc đầu nhìn lại nó với một cái nhìn vô cùng ngao ngán.
Khi ấy, bỏ rơi chính trị và thời sự, người lần hồi trở về những câu sách thánh hiền, những chuyện khí tiết nhà nho v.v… như kẻ ngao du mệt mỏi quay trở về quê hương. Ông bác già của tôi rời bỏ cổ nhân mà đua chạy theo thời sự như thể cái dây cao-su bị kéo nhằng ra, đến khi buông thả nó, nó lại thun về chỗ cũ: bác tôi lại quay với cổ nhân. Nếu đức vạn thế sư biểu hiểu rằng bác Đại Cuộc của tôi lần này lắc la lắc lư bước về cửa Khổng sân Trình những bước nặng nề uể oải như thế nào thì chắc ngài cũng đâm phân vân trước cái danh dự của mình.
Dĩ nhiên cũng như năm nào tung hoành vì đại cuộc, lần này phục hưng thánh đạo, bác tôi cũng chỉ hoạt động bằng mồm. Như thế lại cần đến ông Ba Thê, vì thời giờ để phiếm đàm thì không ai có thừa thãi bằng ông Ba Thê. Chẳng hạn bác tôi chủ trương rằng nho học bao giờ cũng hợp thời, nhà nho thời nào cũng có kẻ sáng suốt; để chứng minh, người đưa ra ông Nguyễn Trường Tộ:
— Ông Nguyễn Trường Tộ là một ông thánh, ngài biết hết các thứ tiếng trên thế giới. Giả tỉ ông Trương Vĩnh Ký giỏi một lần, thì ông Nguyễn Trường Tộ giỏi mười lần.
Ông Ba Thê cũng là kẻ học thức, nhưng ông ta không phải đã học đến những điều như thế. Ông ta bày tỏ một sự tò mò khuyến khích. Và bác tôi giải thêm:
— Những tờ điều trần của ngài, ông đội không biết sao? Ngài nói một vạn lời thì sau này mở ra coi trúng hết vạn chuyện. Nhưng mà hồi đó không ai nghe theo nên mới mất nước. Lúc ngài chết cái bụng cứ chướng lên, chướng to lên mãi thành ra tròn vo, không làm sao đậy nắp quan tài được. Sau, có một ông bạn đồng liêu tới bên quan tài nói nhỏ rằng đó là thứ máu uất nó dồn lại bởi sinh thời ngài tâu phải mà vua không nghe. Trúng ý, cục máu uất tan liền; từ trong bụng xì ra máu ướt lênh láng, rồi bụng xẹp xuống…
Ông Ba Thê phác một cử chỉ vu vơ, tỏ một sự kính phục rất có chừng mực, điều độ. Bà Ba Thê kêu lên:
— Tội nghiệp chưa!
Rồi vội vàng đưa chéo khăn lên chùi nước trầu chảy leo ra bên mép, chùi rất kỹ lưỡng.
Bác Đại Cuộc của tôi nghĩ cần thêm một chú thích cuối cùng:
—Truyện ông Nguyễn Trường Tộ có trong sách.
Bà Ba Thê làm như vừa bắt gặp điều hệ trọng nhất trong câu chuyện:
— Thiệt vậy hả? Tội nghiệp!
Kỳ thực đó là sự lễ phép của bà ta. Khi nào sực nhớ tới, bà liền tỏ thái độ vồn vã với kẻ đối thoại mà không kịp chú ý đến câu nói của họ. Sự rủi ro nhiều lần khiến bà Ba Thê rơi đúng vào những câu lạt lẽo nhất của người khách: khách tỏ vẻ ngạc nhiên trước, bà Ba Thê ngạc nhiên sau, không bao giờ ngờ rằng cái ngơ ngác là do ở sự lễ phép của mình mà ra.
Nhưng ông bác Đại Cuộc lần này không ngạc nhiên. Người đang phát huy cái hay cái giỏi của một đấng tiền nhân khác:
— Nhật nó cố tìm ngôi mộ đức Quang Trung Nguyễn Huệ ghê lắm.
Ông Ba Thê hỏi:
— Chi vậy?
— Hồi năm 1944, nó qua Đông Dương lần đầu tiên là cốt để tìm mả Nguyễn Huệ đấy! Nó biết ơn lắm…
— …?
— Hồi trước, vua Quang Trung có cho quân qua giúp vua Minh Trị. Nếu không có thì Nhật bị Tàu lấy mất nước rồi còn đâu.
— Cụ cũng biết rõ chuyện đó nữa sao?
— Thì chuyện đó có ghi trong một quyển sách mà.
Trong sự hiểu biết mơ hồ của bác tôi, “có ghi trong sách” là có ghi chép đâu đó vào một nơi vô định mà chắc chắn, cũng tựa như số mệnh con người được ghi vào quyển sổ của Nam Tào, không sửa đổi được. Bác tôi chẳng phải là người nho học nhiều chữ nghĩa.Ít nữa cũng trên nửa thế kỷ người không có duyên hội ngộ với sách vở.Cho nên tất cả những điều người nhân danh sách vở đem ra quảng bá đều nhuốm một tính cách ly kỳ huyền hoặc.
Ông Ba Thê cũng hâm mộ những chuyện ly kỳ, bởi cái khiếu ham thích những tuồng tích hát bộ xưa kia còn sót lại. Nhưng ông ta không có một lòng tín nhiệm mơ hồ nơi sách vở theo kiểu ông bác Đại Cuộc: ông ta là người của thời thế, những kiến thức của ông ta toàn do ở thời thế cung cấp. Ngày nay, thay đổi một thời đại, rồi ông biết lựa chiều để chứng tỏ rằng mình hợp thời, ông tỏ bày sự hoài nghi rẻ rúng chế độ trước ra mặt:
— Hôm nọ, nghe bảo Hồ Chí Minh sang Nga họp hội nghị. Hừm! Hồ Chí Minh đâu còn? Ông ta bỏ mạng lâu rồi. Hồi còn kháng chiến ở Bắc Việt, trúng miếng bom ngang sườn, gãy ba chiếc xương, lủng bao tử một lỗ lớn, bác sĩ phải vá mãi không được. Trung Hoa có phái sang hai tay danh y: một bác sĩ Tây học với một y sĩ Tàu. Họ đi tới Vân Nam thì trông thấy vì sao chiếu mạng của Hồ Chí Minh lờ rụng đi, họ biết là tiêu rồi nhưng cứ đi gấp sang Việt Bắc, bí mật bày cho vài nhân vật tín nhiệm Việt Bắc giấu cái tin dữ đó, cứ tuyên bố là Hồ Chí Minh còn sống, rồi mài xương ông Hồ ra cho một người khác uống. Chẳng bao lâu người này giống hệt ông Hồ, ra mắt dân chúng không ai biết cả. Còn việc lãnh đạo chính quyền thì họ chia nhau nắm hết…
Ông Ba Thê Đồng Thời đã ghép ông Hồ Chí Minh vào một cái chết khủng khiếp. May mà đó không phải là trường hợp độc nhất. Cứ theo lời ông Ba Thê thì trước sau ít ra cũng có tới hai người Việt Nam bị mài xương. Người thứ nhất là ông Bảo Đại. Hồi còn nhỏ ông ta đi học bên Pháp, thực dân nó thấy rõ người có lòng yêu nước, nó ám hại, rồi mài xương cho một người học trò khác uống để thay thế Bảo Đại về làm vua. Ông bác già của tôi nghe qua, không tán thành, không phản đối, người chỉ lắc đầu ngao ngán trước những lộn xộn vô thường của Đại Cuộc. Hết thảy các tay trọng yếu trên sân khấu chính trị hiện đại của ta đều do ngoại quốc nó chế tạo một cách xảo trá, giả dối như thế cả thì còn nói làm sao được, còn luận bàn tin tưởng làm sao được? Muốn tìm ra những người thật, chắc chắn là thật, không giả mạo, chỉ còn cách quay về các đấng tiền nhân, có ghi rõ ràng trong sách vở.
Ông bác Đại Cuộc không cần giỏi chữ nghĩa, không cần am hiểu nho giáo, không cần đọc thông sách vở; ông là một người dân Việt Nam, đến già lần mò tìm về thánh đạo, về cổ nhân, giản dị như là những kẻ lang bạt làm ăn thất thế trở về từ đường, như cọp già về núi để gửi xương.
Bác tôi không còn được bao nhiêu sức lực nữa, người cũng không còn minh mẫn để xoay xở khéo léo như ông Ba Thê trên công việc sinh sống, cho nên người túng quẫn rõ rệt. Trong những buổi luận đàm viễn vông, nếu là vào buổi sáng thì người nhấm nháp chén trà của ông Ba Thê, nếu vào buổi trưa buổi tối người cũng có khi không từ chối một vài món quà, vẫn của ông Ba Thê: một tô cháo gà, một bát mì, bát phở v.v… Người cháu gái ông Ba Thê thỉnh thoảng bắt gặp chuyện như thế, nàng chiếu một cái nhìn đầy uy quyền lên những chén trà và tô cháo mà bác tôi đang dùng.Tuy nhiên bà Ba Thê vẫn còn là người trọng khuôn phép gia đình, cho nên bác tôi khỏi gặp sự nhục nhã nào ồn ào làm kinh động đến các đấng tiền nhân trong câu chuyện. Trong đôi ba năm liền sau ngày ngưng tiếng súng, thỉnh thoảng tôi ghé thăm gia đình ông Ba Thê, như thăm lại dĩ vãng của mình, thì tôi vẫn an tâm trông thấy có bác tôi ở đó: hai người vẫn được nhàn hạ trong sự thiếu thốn triền miên của họ.
Tôi có lỡ lời nhắc xa xôi đến những kẻ vắng mặt, đến cái chết của người này, đến sự lạc loài vất vưởng của người khác, trước kia đều là xuất tự gia đình này mà ra, thì bà đội Ba Thê thở ra một cách nhẹ nhàng như sợ hơi thở của mình thổi chạm vào thời thế, vì bà biết gia đình mình đã dính líu quá nhiều vào các biến cố chính trị phái đảng. Bà nói:
— Những chuyện chúng nó làm, mình biết đâu được. Nhưng thời nào thì mình cũng cứ thương cho số phần chúng nó được chứ cậu?Không lúc nào là tôi không nghĩ đến chúng nó, tội nghiệp hết sức vậy đó.
Bà Ba Thê đưa bàn tay áp vào bụng, nơi mà bà ta thương tiếc tội nghiệp lũ con dâu đã khuất.
Tôi nhìn lên nét mặt của bà Ba Thê để trộm ngắm hình dáng sự tiếc thương “hết sức”: nó lại chỉ có vẻ giống như sự bình thản hiền lành dịu dàng vậy thôi.
Gia đình ông Ba Thê còn lại chừng đó: một cô cháu gái lãnh phần nuôi sống mọi người, một ông chồng rảnh rỗi dồn tất cả hoạt động vào việc tán gẫu về thời sự, một bà vợ rảnh rỗi thong thả phát huy tấm lòng từ ái; thêm một ông bạn già kể những chuyện huyền hoặc vô hại về cổ thời. Thỉnh thoảng tôi ghé qua viếng thăm dĩ vãng của mình và yên lòng thấy nó cứ như thế khệnh khạng tiến về tương lai.
Nhưng phải chi lúc nào tôi cũng được yên lòng như thế thì mối quan hệ giữa gia đình ông Ba Thê với tôi đã dứt lâu rồi. Đàng này một đôi lần về ngồi trong nhà ông Ba, tình cờ gặp cơn mưa nhẹ, giọt nước rơi không tiếng không tăm trên hàng rào lá bụt dày sum sê trước nhà, trời không gió, lâu lâu một chiếc lá mãng cầu úa vàng ướt sũng thình lình rụng xuống im lặng và nhanh như một cái xắc tuột khỏi tay một người đàn bà rơi xuống đất, vài con gà trống trên hè cử động e dè chậm rãi… những lần đó tự nhiên tôi thấy ngùi ngùi. Tôi không biết có phải khung cảnh ấy làm cho mình ý thức được cái chật hẹp, tàn tạ, ngẩn ngơ của một cuộc sống biếng nhác, lây lất?hay có phải tại khung cảnh ấy đánh thức bóng dáng cô bé ngày xưa từng múa hát trong thuở ấu thời của mình?
Cảm tưởng ngùi ngùi thực là mênh mông mơ hồ, khiến tôi tưởng có thể nghi ngờ, không rõ đó có phải là cảnh sống ở đây tự nó phát sinh ra cái ngùi ngùi như thế?có phải là quá khứ của mình tự nó ngùi ngùi?hay chính là mình đang ngùi ngùi? Tôi nghi ngờ không rõ chính mình đang rưng rưng buồn bã, hay cái buồn bã ấy đã ngấm khắp quá khứ của mình.
Tôi ước được biết rõ chỗ đau của mình để đặt một bàn tay lên xoa qua, như bà Ba Thê đã biết áp bàn tay đúng vào chỗ bụng của bà.
Nhưng khổ cho tôi, những hôm mưa mù trời mà nhẹ hột như thế, tôi không biết đặt bàn tay mình vào đâu.
Ngày tháng trôi qua. Tôi không kịp để ý trong khi cuộc đời hiền lành khệnh khạng tiến về phía tương lai thì ông bác già của tôi và ông Ba Thê bắt tay chia biệt nhau từ chỗ ngã ba nào. Đến khi tôi ngoảnh lại thì mỗi người đã ra mỗi ngả.
Hồi mùa xuân năm Tuất tôi có việc ghé thăm, thấy bác tôi đã suy nhược lắm rồi.Người quên lần lần những chuyện cổ thời.Sau trận ốm kéo dài một tháng rưỡi, mắt người trở nên lờ đờ khờ dại, da thịt teo tóp, trông người nhỏ bé hẳn đi.Có điều đáng chú ý là người bắt đầu đổi tánh, không thích nói năng nữa.Người hoàn toàn lãnh đạm với thế cuộc. Ngay đến những chuyện xảy ra trong thành phố, có kẻ kể lại, người cũng dửng dưng ngồi nghe không thiết hỏi han. Người ta cho rằng các cụ già bỗng nhiên đổi tánh đi như thế là một điềm gở.
Tới đầu mùa thu năm ấy thì bác tôi hoàn toàn thành ra một kẻ dớ dẩn. Ngày ngày ăn xong, bác ngồi trầm ngâm gật gù yên lặng ở một góc nhà không mở miệng.Tối đến, khi đèn điện trước Hoàng Cung hí viện bật sáng và các ống loa oang oang phát ra vài câu của bài hát mở đầu là bác tôi đứng dậy, xách gậy ra đi. Có một vài tháng hí viện mở đầu đêm vui bằng bài “Gạo trắng trăng thanh”, vài tháng sau dĩa hát ấy cũ, lại thay bài “Chờ em”, kế đó đến bài “Tìm nhau”, rồi một bài hát Tàu v.v… Đối với ông bác già Đại Cuộc tất cả những bài hát đó đều có giá trị một tiếng kèn hiệu. Nhạc nổi lên: bác tôi tức thì đứng dậy, quơ lấy chiếc mũ dạ đen đã cũ chụp lên đầu, ra đường. Người thường mặc áo sơ-mi trắng và quần đen, trông hơi giống một người chệt già, đi lom khom, run rẩy.
Bác tôi đi thẳng đến Hoàng Cung hí viện, trèo lên bảy bực cấp, đến ngồi dựa bên một chân cột to tướng, một tay vẫn nắm cây gậy, một tay rờ rẫm sờ nắn vu vơ hai bên túi áo thăm chừng, kiểm soát, vài thứ vật dụng lặt vặt. Xong, người hếch mắt trông xuống đường.
Hoàng Cung hí viện là rạp chiếu bóng của người Tàu. Thành phố chưa có điện, nhưng ở đấy có riêng một máy phát điện 30 kw nên tha hồ dùng ánh sáng làm quảng cáo. Ngay trên đầu ông bác Đại Cuộc một hàng chữ Việt bằng ống nê-ông dàn ngang dài suốt mặt tiền của rạp.Lại một hàng chữ Tàu nằm dọc bằng ống nê-ông, xung quanh viền một mũi tên chỉ ngay vào rạp, hai chữ đỏ và hai chữ xanh thay nhau tắt sáng.Giăng ngang đường cái và ở hai bên hí viện có ba tấm băng vải quảng cáo cuốn phim đang chiếu, xung quanh mép băng vải treo bóng điện ngũ sắc.
Trước mặt hí viện, dựa theo mỗi trụ cột dựng mỗi tấm bảng vẽ những hình quảng cáo to tướng. Như thế có khi ông bác già của tôi ngồi bên cạnh hình vẽ một gã tướng cướp đeo băng đạn ngang hông, quàng ôm ngang cổ con ngựa, tay gã lăm lăm cây súng lục kê lên vai ông lão Đại Cuộc; có khi bên cạnh người là một hiệp sĩ trung cổ dạng hai chân ra khoa gươm ngang đầu; cũng có khi là một cô gái chỉ còn mảnh vải che vài chỗ kín, ngã ngửa ôm ghì một đầu người đàn ông v.v… Nhưng bất luận nhân vật bên cạnh mình là hạng người thế nào, bác tôi, mặc quần đen, áo trắng, đội mũ dạ đen, cầm chiếc gậy mây, vẫn một mực nghiêm chỉnh trong thế ngồi lim dim gật gù.
Xung quanh bác tôi: guốc, dép, giầy khua lộn xộn, vỏ hạt dưa, vỏ quít, giấy kẹo rơi bừa bãi như xác pháo. Trẻ con giỡn la lóe chóe. Những người đàn bà mặc đồ mỏng đi sát qua mặt bác tôi mà không hề bao giờ biết rằng như thế có một làn hương thơm phất vào mũi Đại Cuộc… Trên tất cả cái quang cảnh tưng bừng sặc sỡ ấy tiếng hát oang oang phát ra không ngớt từ hai chiếc loa đặt trên mái hí viện.
Bác tôi không lắng nghe nhạc, không ngắm quần áo chật, cánh tay trần, không hít mùi hương thơm, không nhìn xe hơi loang loáng lướt qua lại dưới ánh đèn. Người ngồi yên trên thềm hí viện, giữa sự tưng bừng ấy, người không hề chú ý đến cái gì, tất cả các giác quan đều bỏ ngõ cho sự xâm nhập tự do. Tiếng hát của Lâm Đại, tiếng guốc, tiếng dép, mùi nước hoa, ánh đèn chói chang, màu hạt dưa, giấy kẹo… tất cả gặp nhau trong ý thức của ông bác già Đại Cuộc như khách lạ tứ xứ thản nhiên gặp nhau tình cờ ở một ngã tư đông đảo, không ai phải cất mũ, ngả nón, không có một lời chào hỏi.
Và như thế ông bác già tìm được sự yên tĩnh.
Vì thực vậy, tối tối bác tôi lần mò đến đấy chính là để tìm sự yên tĩnh thảnh thơi! Người đến đấy như một ngày mùa đông con mèo đến nằm phơi mình dưới tia nắng ấm, duỗi hết gân cốt, để thân mình mềm oặt như tấm giẻ rách, im lặng hưởng một sự thư thái biếng nhác. Bác tôi tự phơi mình dưới ánh sáng giữa tiếng động và quang cảnh loạn xạ rộn ràng, để cho những cái đó làm bốc hơi tan biến khỏi đầu óc mình mọi suy tưởng lẩn quẩn, mọi ký ức vụn vặt, để cho đầu óc rỗng tuếch, bác chỉ còn là cái xác không hồn lơ mơ hưởng thú xuất thần.
Những lúc ấy bác tôi, ông già bảy mươi sáu tuổi, tựa hồ như đứa trẻ sơ sinh: người không còn có quá khứ nữa.
Ngồi chơi một lát, ông bác già buồn buồn nghẻo đầu dựa vào cây cột, há mồm ra ngủ như đứa trẻ, mấy ngón tay thỉnh thoảng bất giác cựa quậy sờ nắn vu vơ chỗ túi áo, do một thói quen cẩn thận lẩm cẩm. Tiếng ồn ào không làm trở ngại giấc ngủ ấy, chỉ khi nào một đứa bé chạy giỡn lao đầu vào bác tôi, người mới giật mình thức giấc.
Đến chín giờ tối, khán giả của xuất đầu ào ào kéo về, lớp khán giả của xuất thứ hai trong đêm lần lượt vào hết trong rạp rồi, bác tôi tỉnh giấc, mở mắt ra, thấy trước thềm hí viện vắng vẻ buồn hiu, người đứng dậy ra về.
Thỉnh thoảng có hôm ông bác già để ý đến một tờ giấy đỏ xanh in quảng cáo “điện ảnh cố sự” mà một khán giả vứt bên cạnh.Người tò mò lượm lên, lật bật xếp bỏ vào túi áo. Những tờ giấy ấy, mỗi lần giặt áo cho ông bác già, người nhà lục túi lấy ra, chọn những tờ còn tốt, vuốt cho thẳng thớm, đem dán vào những chỗ hở trên các bức vách ván, và các tấm cửa bằng phên khại. Như thế dần dần khắp bốn phía nhà bác tôi người ta trông thấy toàn những thứ giấy ngũ sắc in hình minh tinh màn bạc với những dòng chữ: “Đoạn trường nhất khúc, Biểu tận chân tình, Hữu huyết hữu lệ, Ca từ mỹ diệu, Cảm nhân phế phủ v.v…”
Thoạt mới để ý đến sự ra đi đều đặn chuyên cần của bác tôi mỗi tối và đến cách trang trí trong nhà, hẳn có kẻ phải cho rằng người bắt đầu nghiện xi-nê vào lúc tuổi quá thất tuần, tức thị là một ông lão mà năng khiếu về điện ảnh phát triển có phần chậm trễ muộn màng.
Giữa mùa đông năm Hợi, một độ tôi không thấy ông bác già ở trước hí viện Hoàng Cung.Hỏi thăm mới hay người lại đau nữa.Tôi bắt đầu ngờ rằng sự đổi tánh đột ngột của người già có thể là điềm gỡ thực chăng.Sức khỏe tinh thần của người xuống tới mức quá thấp rồi. Từ một kẻ hăng hái, ham ăn nói, tha thiết với đại cuộc, người bỗng cảm thấy tất cả sức nặng của cái quá khứ ngổn ngang vì sự rắc rối của đại cuộc, người lắc đầu nhắm mắt từ chối hết quá khứ của mình. Do một linh tính may mắn xui khiến, người tìm theo tiếng loa của hí viện Hoàng Cung lánh hưởng vài năm yên tĩnh.
Nhưng một ông già đã sống ngót bảy mươi lăm bảy mươi sáu năm có thể ngồi trên chỗ thềm cao bảy bậc cấp của một hí viện, rũ sạch dĩ vãng, lơ ngơ nhìn xuống cái hoang vắng không tin tưởng của đời mình mãi sao?
Ông bác già Đại Cuộc lại đau, tôi e lần này người không qua khỏi. Để gượng bám nổi vào sự sống, người ta cũng cần đến cái sức khỏe tinh thần.
Loại sức khỏe đó, ông Ba Thê Đồng Thời hãy còn thừa.
Hồi tháng bảy năm Tuất, chị Toàn từ bên xứ quê chồng trở về được một lần.Chị mừng rỡ quá sức. Người đàn bà đó từ bé tới lớn chưa đi đâu xa bỗng nhiên qua sống bên Âu châu gần bốn năm trời: chị nhớ quê hương, nhớ nhà cửa, nhớ bà con, không biết bao nhiêu mà kể. Nhưng lòng nhớ chồng cũ thì chắc là không hề có tăng thêm. Tuy vậy ngày trở về xứ, trong cái vui mừng ba hoa của kẻ đi xa mới về, chị Toàn đối với vợ chồng ông Ba Thê như một người con dâu hiếu thảo hiếm có. Bà Ba Thê ngó qua đứa con dâu bây giờ sang trọng xinh đẹp quá, bà nhẹ nhàng kéo chị lại gần bên mình một cách thân ái. Bà nắm lấy cánh tay trần của đứa con dâu; bàn tay gầy và lạnh của bà Ba Thê ôm lỏng cánh tay mơn mởn của chị Toàn rất lâu, vừa tỏ cái ý “tội nghiệp” cho cuộc tình duyên dở dang ngày trước vừa như thưởng thức một cách vô tình, lơ đãng, cái sinh lực đẹp đẽ của người con gái.
Không biết chị Toàn xúc động về điểm nào, mà rồi cả hai mẹ con cùng sụt sùi.
Người ta cho rằng trong chuyến về xứ ấy chị Toàn đã giúp đỡ vợ chồng ông Ba Thê một món tiền lớn. Tôi tin việc đó có thật. Ông Ba Thê Đồng Thời còn đủ sức khỏe tinh thần để bày tỏ một hoan hỉ đúng mức.
Chị Toàn lại ra đi.Lần này chị hãnh diện và nhẹ nhõm. Một lẽ là vì trông thấy chị về, đẹp đẽ và sang trọng, dư luận của người quen kẻ biết xung quanh đã ủng hộ chị, không còn coi cái việc gá duyên với anh lính lê dương rồi bỏ xứ ra đi là điều bất hạnh xấu xa nữa. Một lẽ khác, vì chị đã phân phát một món tiền khá lớn, bày tỏ lòng hào hiệp rộng rãi đối với bà con thân thích, và nhất là với vợ chồng ông Ba Thê, cho nên lương tâm của chị sau khi mục kích sự hoan hỉ lộ trên nét mặt những người này cũng vui lòng xóa hết mọi bứt rứt ân hận cho chị.
Hôm chị ra đi, ông Ba Thê có hỏi và ghi cẩn thận địa chỉ của gia đình chồng chị bên nước Áo vào một quyển sổ con bằng nửa bàn tay, bìa cứng, có hai sợ dây cao-su giằng chữ thập, rồi xếp vào giữa cái cặp giấy cất dưới đầu giường. Chị Toàn xuất ngoại được nửa tháng, bà Ba Thê nhỏ nhẹ nhắc chồng viết thư thăm chị, kẻo tội nghiệp. Ông Ba Thê đeo gương lên, ì ạch viết xong lá thư, lấy sổ, gỡ các sợi dây cao-su ra kêu “tách tách”, tìm xem địa chỉ, đề phong bì gởi đi. Thư gởi đi thì dày mà hồi âm thưa thớt lắm. Cho đến cái lần ông Ba Thê bạo tay viết một câu yêu cầu giúp đỡ về tiền bạc thì chị Toàn mất lặn.
Rồi sau bà Ba Thê có nói với tôi về sự bặt tin đó. Bà ta thở dài, ngụ ý trách móc phàn nàn. Tôi cũng thở dài: lại thêm một người nữa trong bọn dứt khoát giã từ quá khứ. Chị Toàn đã trở về một lần, đã đền ơn đáp nghĩa đầy đủ rồi, chị hóa ra nhẹ tênh tênh.Chị đi lần thứ hai như quả bóng khinh khí bay bổng lên cao. Ông Ba Thê chỉ giữ một sợi dây liên lạc mong manh như sợi chỉ mành nhỏ xíu; ông trót nóng nảy bạo tay giật mạnh sợi chỉ mành đó: dây dứt, quả bóng mất lặn vào trời xanh bát ngát!
Mất một người nữa, nhóm chúng tôi sa sút thêm, còn lại thỏn mỏn quá, quá khứ của chúng tôi gầy đi nhiều quá! Trong tình trạng thỏn mỏn gầy gò ấy, ông Ba Thê lần hồi gắng gượng, và cuối cùng ông ta tìm ra nguồn hứng thú trong cuộc sống mới. Ban đầu ông ngại ngùng, mang một mặc cảm tội lỗi đối với chính thể mới, cho rằng mình đã ba hoa mồm mép trước kia quá nhiều, thì bây giờ tốt hơn là mình nên dè dặt. Ông ta vẫn ham tiếp trục bàn tán về thời sự như nhiều kẻ ham bàn tán về các cuộc đấu quyền Anh, nhu đạo, đá banh v.v… nhưng đối với các nhân vật trong chính quyền mới ông Ba Thê đặc biệt cung kính trong cách xưng hô: “ngài thủ tướng”, “ngài tổng trưởng”, “ngài tỉnh trưởng”, “cụ ty Công Chánh”, “cụ ty Công An” v.v… Vướng víu vì sự cung kính đó, các cuộc đàm luận của ông Ba Thê mất đi nhiều hứng thú lắm.
Phải chờ thời gian một đôi năm trôi qua, ông ta mới dám bạo dạn thưởng thức quyền tự do của mình. Vì ngày nào cũng nói đến các nhân vật cao cấp, dần dần ông Ba Thê cảm thấy mình nhích tới quá gần các ông tổng trưởng lúc nào không ngờ; bây giờ trong khi luận bàn thời sự ông Ba Thê thân mật kêu các vị tổng trưởng, các vị giám đốc là “va”, là “giã, là “y”. Chẳng hạn ông ta nói:
— A! giám đốc nha Canh Nông hả? Ông thân sinh ra “va” hồi trước có làm án sát tỉnh này mà.“Va” thông minh có dòng, tôi biết.“Va” lanh lợi lắm. Nhưng “va” có chị vợ ghen quá trời… Ha ha… Ghen “te-ríp”!
Hoặc là:
— Luật trừng trị mạo hóa à? Anh tổng trưởng này muốn “chơi” bọn Hoa kiều làm rượu giả đó mà, tôi biết ý “giã” rồi.Nhưng “giã” không làm gì trị nổi gian thương đâu.Để rồi coi.“Giã” thiếu kinh nghiệm.
Cứ nghe ông Ba Thê nói, người ta tưởng ông ta có thói quen hay bá cổ vít vai các ông tổng trưởng trong chính phủ. Kỳ thực không có như thế: nếu những vị ấy là “se a-mi” của ông ta thực thì việc đầu tiên ông ta làm sẽ là gửi đi một tấm danh thiếp chứ không phải là xưng hô thân mật.
Ông Ba Thê cứ như vậy, mỗi ngày mỗi bạo dạn và tự do lần lần. Ông ta sỗ sàng với các nhân vật cao cấp không thấy có gì trở ngại, ông ta bèn sốt sắng xông đến các chính sách, len lỏi vào các dinh cơ để moi tìm những thâm cung bí ẩn. Đối với mọi chính sách, mọi quyết định của chính phủ, ông Ba Thê có cái khiếu giỏi tìm ra những chỗ ý ngoại, và lấy làm đắc ý tới nỗi ông ta không sao cầm lòng được, phải chạy đi kiếm người nghe mình trình bày. Theo sự trình bày của ông Ba Thê, phía sau mọi chủ trương, mọi quyết định đều có những lý do rất ít khi tốt đẹp và những câu chuyện rất ly kỳ. Thường thường người ta hay có dụng ý “chơi” nhau và bao giờ cũng bị ông Ba Thê thấy ý định của họ rõ như ban ngày. Người ta cũng hay mưu mô thủ lợi, nhưng rồi ông Ba Thê cũng vạch được mưu mô của họ dễ như bỡn. Chẳng hạn phóng một đoạn đường về ngã này là vì có một nhân vật định mua đồn điền về phía ấy, dựng một cái cầu ở chỗ kia là vì lại có một nhân vật muốn tìm việc cho cậu em vợ làm thầu khoán.
Ông Ba Thê mang vào sự luận đàm thời thế của ông cái ham mê của người theo dõi một ván cờ tướng. Cho nên lắm khi ông ta nhấp nhỏm muốn can thịêp vào lắm. Có lần ông tỉnh trưởng quyết định đuổi đi mười mấy ngôi nhà cất bất hợp pháp để nới rộng bến xe, tức thì ông Ba Thê tìm ra lý do ngay:
— Anh tỉnh trưởng này khôn thiệt. “Y” mở rộng bến xe, “y” có lợi. Phía tây bến xe còn một khu đất trống, “y” định cất lên một căn phố, dưới mở tiệm ăn trên làm phòng ngủ. “Y” đuổi mấy cái nhà phố bất hợp pháp bên này thì khách hàng dồn cả sang phía của “y”.
— Nhưng ông ta đã cất phố đâu?
— “Y” sẽ cất chớ, “y” dại gì mà không cất? Mình tính còn ra, “y” lại không trù tính ra à?
— Có thể ông ta không sẵn tiền, hoặc ông ta dùng tiền vào chuyện khác, hoặc ông ta sợ mang tiếng.
— Thì “y” để cho vợ đứng tên chớ. Tôi biết mà, thế nào “y” cũng cất phố chỗ đó.“Y” sẽ cất.
Ông Ba Thê ghét lối suy tưởng vất vả, ông cho mình cứ tính như thế là phải đúng cái thâm ý của “y”, là lấy làm đắc ý.
Rồi kế đến các chủ nhà bị đuổi kêu nài. Ông Ba Thê chăm chỉ theo dõi thái độ hai bên. Ngày nào ông ta cũng sang các nhà láng giềng bàn luận, phân tách lý sự phải trái của bên đuổi đất và bên bị đuổi. Cho đến một hôm ông ta nghe nói mấy người chủ nhà có viết cái đơn nhờ đăng trên nhật báo để xin cứ ở lại chỗ cũ. Ông Ba Thê đi tìm mượn tờ báo vể đọc, tấm tắc ngợi khen, và mang đi cho mọi người xem.Ông Ba Thê quyết định đứng hẳn về phe chủ nhà. Ông ta ra phố, đến tận bến xe, rồi trở về bảo với người này người kia rằng:
— Tôi đã trông thấy anh chủ tiệm vải Hòa Hưng, va cầm đầu hết thảy mười mấy người chủ nhà bị đuổi. Tay này cứng. Coi bộ va rành lắm. Nhất định va biết đường kêu. Nghe nói va đã gửi thư bảo đảm tới Quốc Hội, đồng thời tới bộ Nội Vụ, tới thủ tướng. Va còn mướn luật sư.Thằng cha cứng đầu “te-ríp”.
Bà Ba Thê nghe ông ta tiếp tục bênh vực ông Hòa Hưng, mà công kích phía đuổi đất mạnh quá, bà lo ngại nhắc nhở:
— Ông liệu lời nói cho dè dặt một chút, kẻo động thời thế…
Lúc đầu ông Ba Thê cũng có phần e dè, nhưng về sau ông cứ cọ xát mạnh vào thời thế, cứ động chạm bừa vào nó mãi mà vẫn không thấy gì, ông ta bèn say sưa với sự tự do. Ông ta bàn luôn tới cả những việc cải tổ chính phủ, tới tình hình kinh tế, quân sự v.v…
Cứ độ vài ba tháng ông Ba Thê lại thì thào báo cho mọi người biết một dự định cải tổ chính phủ.Toàn là những dự định còn giữ kín. Anh giám đốc này sẽ thay anh đổng lý kia, cụ nhân sĩ này sẽ ra đời tham chính, nhà cách mạng lão thành nọ đặt điều kiện… Những cải tổ gấp rút ấy lúc thì do Mỹ nó đòi, lúc thì do Pháp nó đề nghị, lúc thì do “tình thế đặc biệt”. Cứ thế không mấy khi ông Ba Thê chịu để cho chính phủ yên thân quá ba tháng liền. Lần nào cải tổ gấp quá, đột ngột quá, ông Ba Thê nóng ruột không thể ngồi nhà chờ bạn bè tới để báo tin, ông — chính ông — phải đi thăm hết người này tới người khác, hấp tấp vất vả. Trong sự tích cực sốt sắng ấy có một bi quan ghê gớm. Ông Ba Thê bĩu môi, lắc đầu nói về các nhân vật chính phủ: anh này rung rinh, anh kia lung lay, anh nọ bấp bênh… Và ông ta giơ lên một ngón tay đe dọa: “Chuyến này thì là thay đổi lớn nhé! Thay đổi căn bản đấy nhé!”
Ngừng một lúc lâu, ông Ba Thê chợt chép miệng mơ màng: “Te-ríp! Te-ríp!” Tiếng kêu như dư vang vọng lại của cơn bão tố khủng khiếp đã qua. “Te-rip” là tiếng thông dụng của một thời kỳ mới, chuộng những cái giật gân.
Tuy vậy, sau mấy mươi lần ông Ba Thê tiên tri, căn bản chính phủ vẫn y nguyên mà ông ta cũng không hay tự ngờ vực mình. Ông Ba Thê cứ tiếp tục tỏ ra vô cùng tinh nhạy trong cảm xúc về thời thế, ông ta cứ đánh hơi đoán trước mọi biến chuyển rất xa xôi, ông ta lúc nào cũng hướng cả tai cả mắt của mình đón nhận tin tức tình hình. Sống gần ông Ba Thê thỉnh thoảng người ta bắt gặp một cơn sốt của thời thế.
Ông Ba Thê cứ như cái lá mỏng mà mỗi ngọn gió nhỏ phất qua đều làm cho nó lay động run rẩy. Và điểm quái dị là nó tìm thấy khoái trá trong sự run rẩy ấy. Những lúc ông Ba Thê lắc đầu kêu lên: “Chán ôi là chán, rồi còn thay đổi lớn, rồi còn xáo trộn nữa!” người ta thấy rõ ràng cái đau buồn của ông, nhưng đồng thời người ta cũng thấy ông thiết tha với nó hết sức.
Hai mươi năm về trước trong sự nhàn rỗi quanh năm ông BaThê chỉ thèm xem hát, thèm chọi gà, và đánh bạc. Các chính biến và những năm loạn ly đã tập cho ông chú ý đến một khuây khỏa mới: thời thế. Và ông Ba Thê Đồng Thời nghiện thời thế giữa lúc ông bác già Đại Cuộc nghiện xi-nê; trong buổi xế chiều của cuộc đời mỗi người bạn phát lộ rõ một xu hướng tinh thần.
Duy đối với ông Ba Thê, suốt mấy mươi năm, có một điều không thay đổi là “thời buổi bây giờ” kinh tế vẫn khó khăn. Mặc cho những thay đổi căn bản, vẫn chưa phải là thời buổi ra tay làm ăn được.
Những buổi chiều ở nhà ông Ba Thê, lúc trời chạng vạng tối, bóng bà Ba Thê trăng trắng đứng ở trong cùng gian phòng sờ soạng chậm rãi chùi cái bóng đèn, cô cháu gái đi chợ về muộn lom khom bên bếp lửa rang một mớ tép khô làm bay lên mùi khen khét, trong lúc ấy ông Ba Thê xếp cả hai chân lên võng đưa kẹt kẹt loáng thoáng trong bóng tối nhá nhem, tiếp tục nói hăng về thời thế, về các “giã” các “va”, về những biến đổi vô thường rất hấp dẫn kích thích của tình hình… với một vài người khách ngồi trong phòng, trông không còn rõ mặt. (Trong số cũng có ít nhiều người khách tới lui vì cô cháu gái ông Ba Thê đang còn chê chồng). Phía bên ngoài hàng rào dâm bụt thỉnh thoảng một chiếc xe gắn máy cũ kỹ lướt qua, tiếng nổ gắt gỏng nóng nảy tạt rè vào giữa câu chuyện của ông Ba Thê trong phòng.
Bác tôi chết vào cuối mùa đông năm Hợi ấy. Tôi không biết bác tôi chịu rửa tội đi đạo từ lúc nào, mãi đến khi bác chết, trông thấy lễ nghi tống táng tôi mới hay.
Khi quan tài bác đưa tới nhà thờ làm phép xác tôi có thấy ông Ba Thê đến dự, và ông ta cũng tỏ vẻ ngạc nhiên như tôi.
Sáng hôm ấy, vì chủ chiếc xe vận tải hạng nặng thuê chở quan tài có lãnh một mối chở gạo đi Pleiku nội trong ngày nên vội vàng đưa bác tôi đến nhà thờ quá sớm. Mới bảy giờ, quan tài đã đến sân nhà thờ. Người tài xế lùi xe vào tam cấp hơi quá trớn một chút, tấm ván cửa phía sau xe mở lật xuống, chạm vào bậc cấp xi-măng, kêu một tiếng lớn, khô, như tiếng gỗ bị đập vỡ. Người lơ xe vừa khoa tay ra dấu vừa la to; tiếng la vang lên đột ngột, tự do, đem cái không khí hoạt động vô tình của chỗ bến xe vào trong khoảng sân rộng và vắng của giáo đường.
Quan tài khiêng xuống.Những cây nến cắm trên mặt quan tài ngã xuống, tắt cả.Các cây nến tiếp nhau ngã trên mặt quan nghe lộp cộp, ghê rợn. Quan tài xuống khỏi xe rồi, trong chiếc xe “poa lua” rộng lớn chỉ còn lại người vợ bé của bác tôi, già và gầy, mặc tang phục trắng toát, đứng nghẻo đầu, toát mồm ra, khóc ngất không ra tiếng, thành một hình tượng rũ rượi kỳ dị.
Mấy người phu khiêng quan tài vội vã đi vào nhà thờ.Nhưng một thầy câu chạy ra ngăn lại, yêu cầu lùi ra trước cửa, chờ linh mục làm lễ.
Độ năm bảy cậu học trò của trường tiểu học bên cạnh nhà thờ, đi học sớm, ban đầu rụt rè chụp ấn cái mũ trước ngực, dừng lại dưới tam cấp, tò mò đứng nhìn. Một lát sau, bạo dạn lần và tụ tới đông lần, chúng xúm nhau đùa giỡn xung quanh chiếc xe.
Gần bảy giờ rưỡi quan tài mới được đưa vào trong nhà thờ.Cùng với mấy kẻ thân quyến và một số giáo dân đến đọc kinh mai, tôi quỳ xuống một chiếc ghế, giữa ngôi giáo đường cao rộng thênh thênh và mát rượi.Những nét mặt yên lành kính cẩn, tiếng đọc kinh rền rền đem đến một cảm tưởng thanh thoát, yên ủi, trấn tĩnh. Chiếc quan tài phủ giấy đen choáng một chỗ nhỏ dưới nền, giữa ngôi nhà thờ cao vút; cái chết như thu nhỏ lại, như tự xóa đi giữa lễ nhạc trang trọng, mực thước, êm đềm. Cái chết lấy lại bình tĩnh và thản nhiên.
Tôi ngẩng đầu lên, đưa mắt lần lượt nhìn từ những ngọn nến trên bàn thờ hai bên tượng Đức Mẹ, cho đến cái ánh sáng buổi mai rực rỡ qua những tấm kính cửa màu vàng và xanh, đến hai con sẻ đuổi cắn nhau kêu chách chách dưới vòm nhà thờ… tôi ngẩn ngơ, quên lãng, không kịp nghĩ trong cái chết của bác tôi có gì đáng khóc.
Khi chúng tôi ra khỏi nhà thờ, nắng đã bừng sáng lên khắp các mái ngói của thành phố. Chiếc xe “poa lua” đi tới nghĩa địa hơi vội vã. Số thân quyến theo xe đưa bác tôi ít bớt lần. Đến huyệt chỉ còn lại năm người.
Lúc trở về, trời đã nắng gắt.Tuy còn là mùa đông mà đã thấy nóng.Tôi dừng lại bên đường, rút khăn lau mồ hôi rươm rướm trên trán, và uống một ly nước chanh. Vừa đưa ly lên môi tôi nghe một giọng nói quen quen sau lưng, ngoảnh lại, và thấy ông Ba Thê đang hoa tay kể chuyện quốc trưởng mới vừa cho một chiếc máy bay trực thăng ra thẳng Côn Lôn rước một chính khách bị lưu đày ngoài đó về gấp để bàn việc nước suốt đêm, chuẩn bị cải tổ quan trọng. (Dẫu sao như thế cũng không có gì hoang đường hơn là việc mài xương ông Bảo Đại).
Tôi mời ông Ba Thê một ly nước chanh.
Trong khi ông Ba Thê đứng bên cạnh, đội chiếc mũ cối vành rộng và mỏng, kiểu rất xưa, đánh phấn trắng toát, trong khi ông ta khuấy cái thìa trong ly nước làm kêu lên những tiếng lanh canh trong trẻo, tôi nheo mắt nhìn ánh sáng nhấp nhánh trên mặt nước biển xanh ngắt.
Ông Ba Thê và tôi: chỉ còn lại có chừng ấy. Tất cả cái dĩ vãng kéo dài từ thuở tôi đứng mấp mé ngoài hè nhìn trộm Loan làm Điêu Thuyền, đến những ngày thấp thỏm theo sự thăng trầm của hai chiếc bồ, những ngày nằm rừng và chịu bắn giữa lưng đèo… cho đến ngày nay, mỗi ngày mỗi gầy sút, rốt cuộc chỉ còn lại được vài người không nghĩa lý: ông Ba Thê vẫn là một kẻ ăn xin bằng danh thiếp như từ đầu chí cuối, và tôi, từ đầu chí cuối vẫn quấn quít xung quanh thân thế một kẻ ăn xin. Và đến nay thì tới lượt tôi sắp rời bỏ Qui Nhơn. Hai chúng tôi nhờ ông Sáu mà lại có cơ hội gặp nhau trịnh trọng giữa mâm rượu.
Vậy thì chiều hôm ấy chúng tôi cùng đi Phước Mai bằng ghe, có đem theo chú Tư Tái, y như lời ông Sáu.
Ra khỏi bờ chừng nửa cây số, chưa có cá gỏi, chưa có hàu, nhưng ông Sáu đã đề nghị mở rượu ra bắt đầu nhắp từng hớp trong khi chờ đợi. Ông Ba Thê không phản đối, lại cho rằng có thể bổ quả thơm ra nhắm với rượu cũng không đến nỗi dở.Chúng tôi có mời chú Tư Tái thử một hớp. Chú ta dìa cả hai tay về phía chúng tôi làm dấu xô chén rượu ra. Tôi ép:
— Chú nhắp một chút cho ấm để chuẩn bị lặn xuống lấy hàu.
Tư Tái giải nghĩa:
— Mời thầy! Xin mời thầy dùng trước. Em chưa dám đâu: gỡ hàu phải cho khéo léo, mà có rượu vào thì mình sinh ra dạn tay. Cho nên uống rượu gỡ hàu thường bị đứt tay. Để rồi em gỡ hàu xong, lên ăn nhậu một thể.
Ông Sáu mau mắn, tán thành:
— Thằng Tư nó nói trúng. Thôi ể dành phần nó lại sau… Với lại tôi biết tánh nó không uống ược mấy âu.
Tư Tái quét ngang qua mặt ông Sáu một cái nhìn khinh thị, rồi khoanh tay ngồi ngó lảng ra ngoài khơi, không nói nữa. Thằng bé Thành, con ông Sáu, một mình cầm hai mái chèo ngang, chiếc ghe lúc la lúc lắc tiến chậm chạp trên một mặt biển láng gió dọc theo bờ gành bên phía mũi Đèn. Những lúc dứt câu chuyện, tôi để mắt hững hờ nhìn từ con nha màu xám tro lỏng khỏng trên hai chân vàng vàng, đi len lỏi giữa những tảng đá lớn chạy doi ra mé nước, đến những con cò đen đứng cao nghều nghệu trên đá hoặc bay sà trên mặt nước, đến những đàn cá đối nhảy vượt trên sóng, sáng ánh lên dưới nắng chiều chiếu xiêng v.v…
Ghe ghé vào bờ, Tư Tái nhảy xuống nước gỡ hàu. Cứ một lúc chú ta lại trồi lên thở phì ra một cái mạnh, vung vung cái đầu để rảy nước, ném lên cho chúng tôi một nắm hàu rồi lại hụp xuống. Ông Sáu lăng xăng chăm chỉ như bất cứ lúc nào có món ăn.Thằng bé Thành chạy lên ngọn hải đăng mời ông Tám xuống.Cuộc ăn uống bắt đầu uể oải, hàu thì ít quá không kịp để ăn, chuyện đi chuyện ở lạt lẽo quá không có gì sôi nổi. Rốt cuộc ông Sáu nóng nảy đón một chiếc sõng đang chèo vun vút chở cá về Qui Nhơn để bán; hỏi cá trỏng không có, ông đành mua một con cá thu, luộc qua, cuốn với bánh tráng kẹp rau thơm. Lúc bấy giờ Tư Tái hết sợ đứt tay, cùng trèo lên ghe nhắp rượu.
Tuy nước da chú thợ lặn trẻ tuổi ấy đặc biệt tái ngắt, nhưng chỉ có hai chén rượu nhỏ là đủ làm cho nó đỏ ửng lên. Chú ta bắt đầu nói huênh hoang về tài lặn tám sải nước của mình. Ông Sáu lại tỏ ý ngần ngại, toan bảo Tư Tái bớt rượu lại. Lần này chú ta cự liền:
— Bác Sáu! Em giận bác đó. Bác sợ em say sưa, nói nhảm trước mặt mấy thầy đây phải không? Bác yên trí: em là người biết phải. Nói vậy cho quí thầy với bác biết chừng.
Ông Sáu bật cười, dễ dãi. Chúng tôi đồng ý cứ để Tư Tái tự do. Đám ăn uống do đó mỗi lúc mỗi huyên náo dưới chân gành, lôi cuốn chúng tôi vào một không khí cởi mở khá thích thú.
Tiệc tàn, ông Sáu, ông Ba Thê và tôi cùng kéo nhau lên nhà ông Tám tận trên mỏm múi.Đường đi ngoằn ngoèo quanh co và dốc ngược quá.Trèo lên đến ngọn núi thì vừa thấm mệt.
Mặt trời đã lặn.Dừng lại trên một quãng đường núi đầy đá dăm lởm chởm, dưới chân ngọn hải đăng, nhìn ra trời nước ngui ngút mịt mù, tôi tự nhiên buồn dịu dàng.
Vài chiếc sõng nhỏ chòng chành trên sóng nhấp nhô; đó là những chiếc sõng chở cá từ bên Sơn Châu qua Qui Nhơn bán, đang vòng quanh mũi Đèn để trở về.Một con chó rài đứng trên mỏm đá cao đầu gành sủa văng vẳng xuống bể rộng bốn bề.Tôi có cảm tưởng như là một Từ Thức xa trần thế đã lâu năm, nghe tiếng chó sủa tiếng gà gáy, nhớ về thôn xóm rất xa xôi. Tuy vậy mà Qui Nhơn của tôi chỉ cách có một eo biển hẹp. Tôi có thể nhìn thấy Qui Nhơn với khói chiều tỏa lên xanh mờ mờ. Tôi có thể phất tay vẫy chào Qui Nhơn được, mà Qui Nhơn đối với tôi như đã là dĩ vãng. Phất tay vẫy chào Qui Nhơn như là vẫy chào một dĩ vãng đang lùi xa.
Cũng trong cái ảo tưởng thoát trần của một lúc đứng cheo leo ngoài đảo hoang, tôi thương hại dịu dàng tất cả những say mê khổ sở cùng những ngày chán nản của tôi ở Qui Nhơn, những hăng hái quờ quạng và sự ngơ ngác thất lạc của bác tôi trong bao nhiêu năm, tôi thương hại số phận của người này, người khác… Và tôi thương cả ông Ba Thê với tất cả những bôn chôn rạo rực vô lối về thời thế của ông ta: thời thế chuyển mạnh trên đất nước như dòng sông trôi, và những chiếc lá mục bết bùn ở dưới đáy sông cũng cựa quậy ve vẩy. Tôi thấy lòng dịu dàng thương cả sự ve vẩy vô bổ của ông Ba Thê trước thời cuộc.
Cuối một quyển truyện tình nào đó của Tourguéniev, cô con gái xinh đẹp Zinaida từ từ cúi xuống đặt môi hôn lên cái dấu roi của một người tình già quất mạnh còn in rõ trên cánh tay cô ta. Tôi tưởng như mình cũng đang cúi hôn lên cái dĩ vãng gồm toàn những chuyện đau lòng, ngớ ngẩn.Vừa hôn vừa ngạc nhiên không hiểu tại sao mình làm như thế.
Gió chiều thổi mạnh làm cho mọi người nôn nao chơi vơi. Ngọn đèn pha trên đầu chúng tôi đã chiếu phóng ra ngoài khơi tối đen những tia ánh sáng vàng tai tái. Ông Tám lên tiếng mời mọi người vào nhà.
Và đến khi chúng tôi cáo từ vợ chồng ông Tám để trở lại ghe thì Tư Tái đã uống hết cả rượu trong chai, đã đánh rơi một cái dao xuống nước, đập vỡ mất một chiếc ly, đang cãi cọ om sòm với thằng Thành. Chúng tôi an ủi “người biết phải” mấy câu, và chèo ghe trở về Qui Nhơn.
Ông cụ Hoa Lan chọn cho tôi một ngày tốt đẹp dưới ảnh hưởng của sao Trương, một ngày nên làm nhiều việc: hội hữu, xuất hành, nạp tài, di cư, nhập thương, an môn, tu trù, tác táo, v.v…
Vậy thì một ngày “Trương tinh chi nhật”, vào giờ dậu có in bằng chữ đỏ kỹ càng trên quyển lịch Ngũ kinh đường của ông cụ Hoa Lan, chiếc đầu tàu Diesel huýt lên một tiếng ngắn, tôi bắt đầu xuất hành rời bỏ Qui Nhơn đi làm ăn một nơi xa.
“Nghi tác táo, nghi an môn”… dựng nhà cửa, bếp núc, như thế không ngầm có nghĩa là có thể lập nên một cuộc đời mới rồi sao? Tôi sẽ lập lại một cuộc đời khác, tôi mong sẽ sống một giai đoạn mới mà thời cuộc lạnh lùng không vung vẩy làm tan tác lần lượt ở dọc đường, ngay dưới mắt mình, những cuộc sống có liên hệ, để làm mủi lòng mình; tôi mong sẽ tránh được khuất mắt những ve vẩy hèn mọn bất lực trước cuộc đời luôn luôn xáo động…
Tôi sẽ…tôi sẽ… tôi sẽ thoát khỏi “thời buổi bây giờ”, tôi sẽ không kéo dài mãi hôm nay nữa, tôi trịnh trọng bắt đầu ngày mai.
Sài Gòn 11-1960

Comments are closed.