Vài cảm nghĩ nhân dự buổi giới thiệu và tọa đàm bộ sách “Tác phẩm Phan Khôi – Đọc và suy ngẫm”

Đào Tiến Thi

clip_image001

Sự nghiệp báo chí và văn học của cụ Phan Khôi diễn ra chủ yếu trong khoảng thời gian 1928-1942, chỉ gần 15 năm, thời gian không phải là nhiều, nhưng đã để lại một khối lượng trước tác hết sức đồ sộ. Nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân đã bỏ ra khoảng 20 năm tìm tòi trong các thư viện trong Nam ngoài Bắc, sang tận cả Mỹ để tìm kiếm và kết quả thật bất ngờ: tác phẩm đăng báo của Phan Khôi được in thành 10 tập (xếp theo năm), tổng cộng khoảng 6.500 trang sách. Ấy là chưa kể cuốn Phan Khôi – viết và dịch Lỗ Tấn (515 trang), Phan Khôi – vấn đề phụ nữ ở nước ta (631 trang) cũng do ông Lại Nguyên Ân sưu tập. Sắp tới đây ông Lại Nguyên Ân còn cho ra tập cuối cùng – tác phẩm đăng báo 1948-1958 – thì tổng số trước tác của Phan Khôi (có thể chưa hết) là 8000 trang sách.

clip_image003

Nếu cứ đọc từng tập, từng bài tác phẩm đăng báo thì một người kiên nhẫn đến mấy cũng sẽ mệt. Mệt không những vì 8000 trang sách (trong một thời buổi còn phải đọc nhiều thứ khác), mà còn vì trước tác của Phan Khôi rất rậm rạp, bao gồm rất nhiều lĩnh vực: nghiên cứu, phê bình văn học, triết học, lịch sử, luân lý, ngôn ngữ, các vấn đề chính trị, xã hội, thời sự,…

May thay, có một nhà khoa học đã làm công việc phân loại, dẫn giải, bình giá, giúp cho người đọc hôm nay tiếp cận tác phẩm Phan Khôi – tiếp cận toàn bộ hoặc chỉ cần chọn lấy một “góc” nào đó – trở nên dễ dàng. Người ấy là GS.TS. Vật lý học Ngô Quang Huy. Vào quý cuối cùng của năm 2017, Nhà xuất bản Tri thức đã cho ra đời hai tập sách của GS. Ngô Quang Huy: Tác phẩm Phan Khôi – Đọc và suy ngẫm, cả thảy hơn nghìn trang. Tôi chưa đọc được nhiều nhưng xem cấu trúc và đọc lướt một vài chương thì thấy tác giả trình bày hệ thống tác phẩm và tư tưởng của Phan Khôi theo các lớp lang rất mạch lạc. Theo tôi, đây là một CẨM NANG CHỈ DẪN giúp cho việc đọc Phan Khôi một cách nhanh nhất.

clip_image005

Chỉ đáng buồn là một công trình đáng quý như thế mà chỉ in có 300 bản. Có nghĩa là nhà xuất bản đã biết trước chỉ có rất ít người đọc! Và buổi tọa đàm chiều 14.12.2017 cũng chỉ có độ hơn chục người dự, trong đó con cháu nhà cụ Phan Khôi đã chiếm gần nửa!

Diễn giả Vương Trí Nhàn sau khi giới thiệu nội dung và tư tưởng bộ sách đã đề xuất rất nhiều phương án để làm sao đưa được tác phẩm Phan Khôi đến với độc giả hôm nay, nhưng xem ra đều không khả thi. Tôi nghĩ mấu chốt vấn đề là độc giả hôm nay có nhu cầu không? Ai hôm nay còn quan tâm đến tác phẩm Phan Khôi cũng như loại tác phẩm tương tự? Quá ít! Có lẽ chỉ có ai muốn làm người tự do. Chỉ có ai muốn làm người tự do mới quan tâm đến học thuật, tư tưởng. Nhưng bây giờ người ta còn mải mê lo nhà đẹp, xe sang, điện thoại đời mới, cùng với nó là lo chạy chức chạy quyền, cầu tài cầu lộc (chạy thần chạy thánh), tiệc tùng ăn nhậu, nhảy múa,… những thứ hấp dẫn ấy, dù có phải đổi lấy cuộc sống nô lệ, họ cũng sẵn sàng đổi.

clip_image007

Cách đây mấy hôm, có vị lãnh đạo cấp cao khi nói chuyện với thanh niên cũng chỉ lo rằng thanh niên ngày nay “nhạt Đảng khô Đoàn”. Chứ đâu có lo thanh niên kém đạo đức, yếu tri thức, và thiếu trách nhiệm đối với quốc gia xã hội.

clip_image009

Bất giác tôi nghĩ đến cái chết bi thảm của cụ Phan Khôi. Con người từng tả xung hữu đột trong trường văn trận bút những năm hai mươi, ba mươi của thế kỷ trước, nhà văn, nhà báo, nhà học giả lẫy lừng, sinh thời bao nhiêu là bạn bè, đồ đệ, thế nhưng đã chết trong cô quạnh, chỉ có con cháu trong nhà bên linh cữu[*]. Và cũng vào một chiều đông ảm đạm như hôm nay, một dúm con con cháu cụ lặng lẽ đưa cụ về nơi an nghỉ cuối cùng là nghĩa trang Hợp Thiện.


[*] Theo ông Phan An Sa, con út cụ Phan Khôi (trong sách Nắng được thì cứ nắng), nhà thơ Trần Dần (người cũng dính vụ Nhân văn), có gửi vòng hoa viếng (nhưng gia đình không dám dùng). Họa sỹ Trần Duy (cũng dính vụ Nhân văn) đến cúi đầu tiễn biệt trước quan tài chứ không dám đi đưa tang. Duy nhất giới văn nghệ sỹ chỉ có nhà thơ Hằng Phương nhưng với tư cách là người trong gia đình (cháu gọi Phan Khôi bằng cậu ruột).

Comments are closed.