VĂN HỌC MIỀN NAM 54-75 (161): NHẤT LINH (13) – Xóm Cầu Mới (2)

(Bèo giạt)

Thế mà bây giờ Siêu lại về ở cạnh nàng như độ nào. Nằm nghĩ phiêu diêu, Mùi quên không biết là đã để hở cả ngực ra ngoài chăn mà sáng hôm nay lại lạnh nhất từ khi bắt đầu trở rét đến giờ. Mùi vội kéo chăn che chùm đầu. Nàng cựa quậy người mấy cái để nhận thấy rõ hơn cái ấm của hơi nóng trong chăn thấm ran khắp người.

Bên ngoài, bỗng có tiếng ông Lang ho luôn mấy cái; sáng nào ông cũng ho thế, để báo cho con gái biết là ông đã dậy, nước đun gần sôi, đã đến lúc Mùi ra vườn hái hoa mộc. Ông Lang Hàn nghiện chè tàu và bao giờ cũng dậy uống chè thật sớm. Ông lại có cái thú cầu kỳ là mỗi chén chè phải bỏ vào một nhánh hoa mộc mới hái; khi nào cánh hoa ngả mầu nâu thì lại vất đi thay nhánh khác. Vì ông mới ốm khỏi ra vườn sợ bị cảm lại nên sáng nào Mùi cũng phải dậy sớm ra vườn hái hoa mặc dầu chưa đến giờ ra hàng ngoài Xóm Cầu Mới.

Ông Lang Hàn ngồi yên đợi; một lát lâu không thấy động tĩnh gì bên buồng con gái, ông mới cất tiếng gọi. Nể con nên ông gọi rất khẽ chỉ đủ để Mùi nghe thấy nếu nàng đã hơi tỉnh và nếu nàng còn ngủ thì tiếng gọi không làm nàng mất giấc. Thấy Mùi ho mà không trả lời, ông lấy làm lạ xong ông cũng đành ngồi yên đợi.

“Cứ để ông cụ đợi một lát nữa. Gớm, giời rét gì mà rét ghê rét gớm thế này.”

Tuy miệng lẩm bẩm thế nhưng không lúc nào Mùi thấy trong người ấm áp như lúc đó.

Mùi co hai chân lên, hai cánh tay ruỗi thẳng và bàn tay đặt giữa hai đùi nóng kẹp thật chặt vào nhau. Nàng rùng mình ở sống lưng một cái rồi lấy gân ở cánh tay ở bắp đùi, ưỡn cong các đầu ngón chân để nhận rõ cái mệt mỏi dễ chịu của các thớ thịt sau một đêm không động đậy rồi lại thả người cho mềm đi và thấy các thớ thịt êm dịu dần dần rồi người nàng nhẹ hẳn. Nàng làm như thế hai ba lần. Rồi vơ vẩn, hai bàn tay nàng nắn vào thịt của bắp đùi mình, mềm êm và nóng dưới làn lĩnh trơn; nàng tưởng hai bàn tay ấy như là hai bàn tay của một người khác. Một cái thú là lạ và hơi thèn thẹn làm nàng thấy bâng khuâng ở bụng, ở hai đầu vú mọng cứng và nóng bừng hai bên gò má. Nàng hé môi yên lặng một lúc lâu rồi mỉm cười, nói theo giọng ông Lang thường nói với những người đến chữa mắt:

“Hoả nó bốc!”

Nàng thường nghe người ta nói đến chuyện những người đĩ ngầm; nàng chắc mình thuộc vào loại đó mà lại đa tình nữa, như cô Thuý Kiều.

Bỗng nàng tung chăn ngồi thẳng dậy vì nàng vừa sực nghĩ đến hôm nay là ngày phiên chợ Xóm Cầu Mới. Nàng vội dạ lên một tiếng to. Ông Lang đương ngồi trầm ngâm ở ngoài nhà giật mình một cái, ngơ ngác không hiểu vì cớ sao mình gọi đã lâu lắm mà đến bây giờ con mình mới cất tiếng dạ. Ông mỉm cười:

“Nó lại mê ngủ.”

Mùi khoác vội chiếc áo bông rồi thò đầu ra cửa buồng tựa vành khăn vào cánh cửa để quấn. Ông Lang nói:

“Làm thế nào tìm được nhà cho bà Cai bây giờ.”

Mùi ngước nhìn cha, mắt long lanh cười; cũng như nàng cái ý nghĩ đầu tiên của cha nàng cũng là về việc Siêu đến xóm. Ông Lang lại tiếp:

“Còn cái ông Cai ấy không bao giờ chừa được máu mê cờ bạc để đến nỗi vợ con phải khổ sở như thế.”

Ông Lang nhắc đến việc ông Cai vì thua bạc nên vỡ nợ phải bỏ trốn mấy tháng trước, nhưng ông nói thế không phải khó chịu vì ông Cai cờ bạc. Tính ông xưa nay không muốn có gì bận đến thân mà việc bà Cai về ở đây sẽ làm rối loạn đến ông. Bà Cai về đây trong lúc thiếu thốn ông không thể tránh được việc giúp đỡ vợ con một người đã từng giúp ông nhiều lần trước kia. Mùi nói:

“Thế nào con cũng tìm được nhà cho bác Cai, thầy không lo.”

Nàng quấn khăn xong, lại tủ chè lấy cái đĩa đi ra sân. Tuy trời sáng trăng nàng cũng khó khăn lắm mới ra được tới chỗ những cây mộc vì sợ chạm vào các chậu lan và nhất là đi qua đầu bể nước, chỗ ấy đã làm bất cứ người nào trong nhà cũng ngã một vài lần. Cứ chiều đến ông Lang ra bể nước rửa chân và trong mười lần thì đến tám chín lần ông bỏ quên bánh xà phòng. Lần đầu tiên Triết (lúc bấy giờ còn bé) bị ngã đau quá và trong lúc tức kêu rầm lên:

“Không biết đứa nào để xà phòng thế này!”

Ông Lang nghe thấy thế vội nói:

“Tao đấy chứ đứa nào đâu. Ai bảo mày giẫm vào nó. Còn mày, mày bé nhất nhà sao lại hỗn gọi ai là đứa. Đồ mất dậy.”

Thế là Triết vừa ngã đau tại lỗi ở bố lại vừa bị bố mắng.

“Hôm nay ít sương, hoa thơm lắm thầy ạ.”

Mùi vừa nói vừa đưa hoa cho cha rồi kéo vạt áo ngồi xuống phản, giơ hai tay lên sưởi trên hoả lò than.

“Hôm nay rét quá thầy nhỉ.”

Ông Lang rót chè ra chén, nói với Mùi:

“Uống một chén cho ấm.”

Nói vậy nhưng ông chỉ rót có một chén vì ông biết Mùi không bao giờ uống chè ô long sợ đau bụng. Còn Mùi, nàng lật ngửa một chén và rót vào ít nước sôi.

Ông Lang uống một ngụm nhỏ, ngẫm nghĩ một lát rồi nói:

“Ngoài xóm thì đào đâu ra nhà cho thuê mà thuê.”

“Thưa thầy, chẳng thuê được nhà thì làm nhà mới.”

“Làm gì có tiền mà làm nhà với làm cửa. Còn ở đây thì chật chết.”

Lúc ông Lang nói đến chỗ ấy, bất giác Mùi đưa mắt nhìn quanh và mỉm cười; riêng nàng, nàng thấy nhà ở rộng quá. Tiếng ông Lang lại tiếp theo:

“Mà tại sao lại oái oăm đưa nhau về ở cái xóm này. Lấy gì mà sống… hừ… lấy gì mà sống.”

Mùi nhìn cha ái ngại vì thấy cha thắc mắc khó chịu về việc bà Cai và Siêu về ở xóm.

Từ lúc dậy đến giờ hễ cha mở miệng nói là y như nói đến việc bà Cai. Câu “lấy gì mà sống” nhắc lại hai lượt khiến Mùi nghĩ đến chỗ cha nàng sợ gia đình Siêu quấy quả. Nàng thì trái lại, nàng chỉ thích thế. Siêu bây giờ chắc vẫn đi giầy tây nhưng đôi giầy tây của chàng không đáng ghét nữa như độ chàng còn giầu và nàng còn tức. Nếu Siêu nghèo đến nỗi không còn giầy tây đi nàng sẽ tự bỏ tiền mua biếu chàng một đôi, hai đôi cũng không sao để chàng đi cho oai. Mùi nhớ lại câu trong thư “giá thuê nhà bao nhiêu cũng được” vội nói cho vui lòng cha:

“Thưa thầy bác Cai có tiền.”

“Sao cô biết?”

“Con biết.”

Nhưng Mùi không đả động đến bức thư; nàng loay hoay tìm câu trả lời khác. Song ông Lang không hỏi vặn tại sao Mùi lại biết, ông nói sang chuyện khác:

“Hôm nay gió to mà giời hanh, con phải cẩn thận củi lửa.”

Một lúc sau ông Lang lại nói:

“Nhưng về đây rồi buôn bán gì mà sống?”

“Thầy không lo. Con có cách. Thầy cứ để mặc con lo liệu, thế nào cũng xong.”

Ông Lang nghe nói thế lại tin ở tài con gái mình, ông nhẹ hẳn người. Ông không phải bận tâm nữa, việc bà Cai về là việc của Mùi rồi. Ông uống một ngụm to, vuốt râu nói:

“Gói chè này ngon như chè đầu xuân.”

“Thưa thầy con cũng đoán thế. Nhà chú Phoóng có ba gói con mua cả. Con không uống được nhưng con ngửi cũng biết. Ngửi thì không sợ đau bụng.”

Mùi mỉm cười rồi đứng dậy vui vẻ vì thấy ông Lang đã hết băn khoăn. Rồi nàng lại mỉm cười một mình, nghĩ đến tính cha hay sợ phiền đến nỗi là ông Lang mà có người đến chữa lại lấy làm khó chịu, có khi lại trốn tránh bảo u già nói là đi vắng. Vì thế ông chỉ chuyên chế các thứ thuốc bột, thuốc viên, giao Mùi bán, cho đỡ bận đến thân.

Mùi thấy cha thắc mắc về việc bà Cai đến nỗi quên cả cái sân gạch.

“À thưa thầy, khi nào họ đem gạch đến thầy bảo u già ra trông kẻo họ làm vỡ.”

Mùi nói thế để nhắc ông Lang nghĩ đến cái sân gạch cho ông quên hẳn bà Cai đi.

Lúc trở về buồng, thấy Triết nằm lòi ra ngoài màn để hở cả ngực, nàng khẽ ngồi xuống cạnh giường, kéo chăn đắp lên ngực em rồi tay nàng vuốt vuốt những sợi tóc rũ xuống trán. Có một thứ gì thân yêu hơn, sáng hôm nay, trong cử chỉ nàng vuốt tóc em và lần đầu tiên nàng thấy êm êm trong lòng chứ không như mọi lần bao giờ nghĩ đến em là nàng cũng nao nao thương em và lòng nàng se lại vì buồn.

Trước kia tuy là sống cạnh cha và em, hai người mà nàng yêu, nhưng Mùi vẫn thấy mình cô đơn và đời sống trong gia đình lạnh lẽo. Cha nàng thì ít khi nói, lúc nào cũng sợ phiền mà buồn nhất là nàng thấy cha nàng như xa nàng lắm, không hề có một lời thân yêu với nàng bao giờ và cũng không bao giờ có một lời mắng hay gắt nàng, hoặc tỏ vẻ giận dữ với nàng. Cha nàng lúc nào nói với nàng cũng nói một cách ôn tồn tử tế, tử tế quá như là đối với một người khách lạ không phải con gái. Cha nàng vẫn hình như có sự gì giấu nàng; nàng đoán thế và linh tính nàng cảm thấy thế chứ cũng không có một căn cứ gì rõ ràng cả. Có vài lúc cha nàng như có vẻ sợ nàng và lánh mặt hay tránh nói chuyện.

“Cớ sao thế?”

Mùi vẫn tự hỏi vậy, nhưng không tìm ra duyên cớ bởi vì chính cái cảm giác thấy cha sợ mình ấy, Mùi cũng không dám chắc là có đúng không. Nhưng tại sao nàng lại cứ thấy có cái cảm giác ấy; nó vô lý, không dựa vào cái gì cả nhưng mà nàng không thể bảo là nó không có. Từ lúc bà Lang mất đi nàng cố hết sức chiều chuộng cha, cố hết sức làm việc kiếm tiền để cha nàng khỏi phải lo phiền, khỏi phải có điều gì không vui lòng, nàng thấy nàng yêu cha nhưng sao trong thâm tâm nàng vẫn ngấm ngầm một thứ gì khiến nàng nghi ngờ cả lòng mình.

Giữa nàng và Triết cũng thế, cũng vẫn có cái gì cách bức giữa hai chị em. Triết lại còn ít nói hơn ông Lang và lúc nào em nàng cũng buồn, nàng chẳng hiểu tại sao. Cái phiền của ông Lang là do việc ngoài gây nên và như thế nàng còn có thể tìm cách tránh cho cha; đối với cái buồn vô duyên cớ của em, nàng không biết xử trí ra sao. Triết lúc nào cũng yếu, gầy và xanh lướt nhưng ít khi ốm đau. Triết lười học, cái đó nàng không cần lắm, nhưng lười đến nỗi không thiết gì tới quần áo mặc, tắm rửa, không thiết cả đến ăn uống nữa. Có hôm làm món ăn đặc biệt ngon cho em ăn, nàng cũng chỉ thấy Triết gắp lấy lệ, nhai uể oải như là phải ăn gượng vì nể chị. Nàng tức nghẹn ngào ở cổ, nhưng làm gì được đối với một người chỉ có mỗi một cái lỗi là ăn không thấy ngon.

Có nhiều buổi trưa bất chợt có việc gì phải về nhà, nàng bắt gặp Triết ngồi ở hiên mặt nhìn thẳng vào quãng không, yên lặng và rất buồn; nàng có cái cảm tưởng là Triết ngồi yên thế đã mấy giờ đồng hồ rồi. Một lần về đến ngõ nhìn qua dậu dâm bụt thấy Triết ngồi buồn ở hiên nàng đứng lại rình đợi xem Triết ngồi như thế bao lâu. Nàng đứng đến nửa giờ mà Triết vẫn ngồi yên chỉ thỉnh thoảng thở dài một cái. Nàng lẳng lặng bỏ đi không muốn vào nhà vì nàng thấy ngượng đã đứng rình trộm em không muốn nhìn mặt em lúc đó. Thảm đạm nhất cho nàng là cái cảnh một buổi chiều mùa đông, nàng mới ở ngoài hàng về, vừa đến cửa buồng bỗng đứng dừng lại: Triết nằm trên giường, hai tay thủ bọc còn đầu Triết thì chui vào lòng một chiếc chăn bông còn cuộn tròn nguyên, ngập kín cả cổ; Triết thấy lạnh chui đầu vào chăn cho ấm nhưng lười quá không muốn dở chăn đắp hay là Triết nằm thế để buồn mà không muốn cho ai biết, hay là Triết khóc? Em Triết của nàng mà từ lúc nhớn nàng chưa từng thấy khóc một lần nào. Nàng muốn đến lôi em dậy để an ủi; nghĩ thế nhưng nàng lại đi thẳng ra vườn. Nàng nhớ tới lời mẹ nàng trước khi mất dặn dò nàng trông nom em và gây dựng cho nó thành người: mẹ nàng chỉ có mỗi một người con trai nên trước khi nhắm mắt đặt cả hy vọng vào nàng. Bây giờ Triết như thế kia, Mùi thấy tất cả những cái ấy đều là lỗi ở nàng cả. Nghĩ đến đây Mùi lại ứa nước mắt khóc thương em và thương cả đời nàng nữa.

Mùi rất yêu em và biết là Triết cũng yêu mình nhưng lạ lắm không bao giờ nàng nói một câu hay làm một cử chỉ gì có tính cách thân yêu với em. Nàng săn sóc chiều chuộng em từng ly từng tý nhưng không bao giờ ngỏ với Triết về những sự thầm kín của lòng mình và cũng không bao giờ hỏi Triết về ý nghĩ riêng của Triết. Vì thế thấy em buồn nàng chỉ yên lặng thương em và thương cho mình. Nhiều lần định hỏi nhưng sợ hãi cái gì nàng lại thôi. Giá Triết cũng như nàng có tính hay khóc nàng còn dễ có dịp phá tan cái yên lặng cách bức hai người; nhưng Triết chỉ lẳng lặng có vẻ không muốn nàng hỏi đến mà nàng thì lại ngập ngừng sợ không muốn biết sự thực; cái cách làm lơ như không thấy gì cả là một cách tiện và dễ dàng nhất nên nàng làm theo cách đó và lâu dần cái hàng rào cách bức hai người lại càng dầy thêm.

Có một lần nàng đã suýt phá tan được hàng rào yên lặng cách bức ấy.

Một hôm chính lòng nàng cũng hiu hiu buồn vô cớ, nàng ra luỹ tre sau nhà để bắt chước “ngồi buồn” như em thì lại vừa bắt gặp Triết đương ngồi trên đám cỏ khô, yên lặng nhìn ra sông.

“Sao mặt em tôi nó buồn thế kia?”

Nàng đến đứng gần em và cũng nhìn ra sông. Nàng định hỏi:

“Sao lúc nào chị cũng thấy em buồn?”

Nhưng chỉ mới nghĩ đến nói câu thân mật ấy thôi, Mùi đã thấy rươm rướm nước mắt. Triết nhìn chị không hiểu tại sao chị mình lại ra đứng ở bờ sông khóc, nhưng đã biết tính chị nên Triết cũng không hỏi và cũng không bận tâm; chàng đứng lên đi thẳng về nhà. Triết đi rồi, Mùi đến ngồi thay vào chỗ lá tre khô để suy nghĩ; thấy nóng ở hai mông, Mùi biết Triết ngồi đấy đã lâu lắm, nàng lại càng thương em và nước mắt lại trào ra nhiều hơn:

“Vì lẽ gì em tôi buồn thế?”

Có khi Mùi đương ngồi ở cửa hàng tíu tít gắp bánh cuốn, rót nước chè cho khách, lòng nàng lại se lại vì nàng vừa chợt nghĩ Triết giờ này có lẽ đương ngồi một mình yên lặng, nét mặt buồn thiu ở hiên vắng và nàng thấy mủi lòng thương em. Khách hàng ngạc nhiên thấy Mùi vừa tươi cười gắp bánh vừa rươm rướm nước mắt. Mùi thấy mọi người nhìn mình vội cười nói:

“Khói đấy, các bà ạ.”

Triết lại sống một đời lủi thủi; dễ thường Mùi chưa thấy có một người bạn học nào của Triết đến nhà chơi. Hai người bạn của Triết là một cuốn sách ướp bươm bướm và một cuốn sổ tay. Cuốn sổ tay ấy Mùi không biết Triết viết những gì, chỉ biết là viết thứ chữ nhỏ lắm. Cho đến một ngày Triết dở chạy ra ngoài vườn, Mùi đến gần mới nhìn, chưa kịp đọc thì Triết đã chạy vào sợ hãi giằng nhanh lấy cuốn sổ. Từ hôm đó Mùi không thấy Triết biên sổ nữa hay đúng hơn không biên trước mặt nàng. Mùi chỉ biết là Triết có cái gì không muốn cho nàng biết nhưng nàng không mảy may đoán được là cái gì.

Cũng may Triết có cái thú chơi bươm bướm; thứ năm hay chủ nhật nào Triết cũng ra đầm Cói hoặc đi các làng xa bắt bướm, có khi quên cả về ăn cơm trưa. Chiều về, quần áo nhầu nát, bẩn thỉu hơn lúc thường và rơm cỏ, lá khô đầy cả tóc, đầy cả túi áo. Chỉ có những lúc đó là Mùi thấy Triết vui sướng; hôm nào bắt được con bướm lạ, dầu Mùi bận đến đâu, Triết cũng bắt nàng xem và Mùi cũng bắt buộc phải xem và phải khen để được thấy em vui sướng hơn.

Nhưng cả đến cái thú chơi bướm của Triết, Mùi cũng thấy là một thứ chơi buồn. Đêm nào đi ngủ Triết cũng để sách ướp bướm ở cạnh gối và từ hôm bắt được một con bướm lạ mà Triết đặt tên là con “bươm bướm ma” Triết vẫn nói với nàng:

“Thỉnh thoảng lại có đêm nó nói chuyện với em, chị Mùi ạ.”

Mùi chợt nghĩ đến những chuyện hồ tinh hiện hình thành bướm hay bướm hiện thành các thiếu nữ mà thuở nhỏ cha nàng vẫn kể cho nghe và nàng sờ sợ. Một hôm đi rẽ ra sau vườn chùa, Mùi thấy em ngồi ở trên con đường xuyên qua đầm Cói, yên lặng bên cạnh một khóm xương rồng bị lá bạc thau che kín. Nàng không biết Triết ngồi rình bướm hay ngồi để buồn. Dẫu sao cái thú ra ngồi cả ngày ở những nơi nào vắng người nhất, Mùi vẫn thấy là một cái thú buồn và nàng lo sợ nghĩ thầm:

“Biết đâu không phải là hồ tinh nó quyến rũ, nó hiện thành bướm và nó lấy mất cả hồn.”

Nàng thấy nhói ở quả tim khi chợt nghĩ ra trước kia Triết không buồn, em nàng chỉ bắt đầu buồn từ khi bắt đầu chơi bướm.

“Phải rồi, những lúc Triết ngồi yên là lúc bị hồ tinh nó thu mất hồn. Thảo nào mà em tôi nó xanh xao thế!”

Bây giờ có tin Siêu về, những mối lo ngại của nàng về Triết tan đâu hết; anh Siêu học rộng, biết nhiều chắc sẽ có cách chữa cho Triết khỏi cái nạn hồ tinh. Đời nàng sống trong gia đình sẽ hết cả lạnh lẽo.

“Hôm nay rét quá chị nhỉ?”

Mùi giật mình ngồi thẳng lên vì nàng yên trí là Triết đã ngủ say.

“Triết thức đấy à?”

Rồi để khỏi ngượng vì đã bị em bắt gặp mình vuốt ve tóc, làm một cử chỉ có vẻ thân yêu, Mùi nói, hơi gắt:

“Ngủ gì mà cứ để hở cả ngực ra thế này. Rồi lại đâm ho tốn hết tiền thuốc.”

Mùi đứng lên về phía giường gấp chăn rồi đi dọn các thứ đồ đạc trong nhà. Triết hỏi:

“Mấy giờ rồi chị?”

“Còn sớm, nhưng hôm nay chủ nhật, hỏi giờ làm gì. Cứ ngủ đi.”

Triết thấy mình buồn ngủ nhưng cố chống lại; chàng thích nhất những lúc sực thức giấc mà được có cái thú thiu thiu ngủ lại. Chàng cố kéo dài lúc đó ra và có khi sắp thiếp đi, chàng lại cựa mình, lắc đầu cho hơi tỉnh để rồi lại có được cái thú đó lần nữa.

Qua vải màn, bóng Mùi đi lại trong buồng càng làm tăng thêm cái thú của chàng đương nằm trong chăn ấm, phiêu phiêu đợi giấc ngủ đến. Triết thấy thương chị trời rét thế này mà phải dậy sớm rồi lại phải ra ngoài Xóm Cầu Mới. Cái ý nghĩ ái ngại cho chị, cho tất cả cuộc đời rét mướt ngoài tấm chăn làm chàng cảm thấy rõ hơn và hưởng một cách đậm hơn cái khoan khoái ấm áp nó đương ran ran trong khắp người. Tiếng Mùi lọt vào tai chàng:

“À Triết này. Bác Cai sắp về ở đây.”

Chàng định cất tiếng nói “thế à!” nhưng sự tê dại của giấc ngủ làm chàng không đủ sức nói lên thành tiếng. Tiếng Mùi tiếp theo nghe xa hơn:

“Cả anh Siêu nữa.”

Tiếng guốc của Mùi nhỏ dần rồi lại có tiếng nói gần như không nghe thấy:

“Vui quá nhỉ.”

Triết thiu thiu ngủ nhưng chỉ mới là thân thể chàng ngủ thôi; tai chàng vẫn nghe thấy tiếng guốc của chị tuy chỉ là những tiếng rất nhỏ; ánh sáng ngọn đèn vẫn lọt qua hai mi mắt lim dim và lờ mờ trong ánh sáng Triết vẫn thấy hình dáng thân yêu của người chị thân yêu qua lại trước ánh đèn. Lòng chàng êm êm và nở ra đón lấy một nỗi thương yêu chị dào dạt. Trong đời, chàng chỉ có một người chị như Mùi một người chị hơn cả một người mẹ lúc nào cũng săn sóc tới chàng, trông nom hết cả mọi việc lớn nhỏ của đời chàng. Có chị đây, chàng có thể yên tâm sống, cũng như sáng nay chàng có thể yên tâm nằm hưởng cái thú giấc ngủ êm và hơi chăn ấm: ngoài căn buồng rét mướt kia cũng như ngoài cuộc đời đầy rẫy vất vả, đã có chị lo liệu cả, đã có hình dáng lanh lẹn, hoạt động và những tiếng guốc qua lại mau lẹ, như không bao giờ biết mỏi của người chị đảm đang và chăm chỉ ấy. Chàng cũng chẳng cần ái ngại cho chị vì chị chàng hình như lấy sự làm việc làm vui thích lắm.

“Thì cứ để chị ấy làm việc.”

Triết nghĩ thế và định ý mỉm cười nhưng môi vẫn không động đậy. Chàng ngủ thiếp đi lúc nào không biết và lần này thì ngủ hẳn.

Đợi một lúc lâu không thấy Triết nói gì, Mùi về ngồi trên giường để tính sổ đếm tiền. Đếm xong Mùi lấy những đồng bạc cho vào cái hộp đề dành tiền. Vốn riêng của nàng đã lên một số khá cao; bẩy chục bạc tất cả, gói thành từng gói mười đồng một, bọc giấy trắng. Chỉ riêng gói mười đồng của mẹ nàng cho nàng làm vốn trước khi chết là gói bằng giấy đỏ bao giờ cũng đặt giữa những gói giấy trắng trông như một nhị bông hoa. Mùi vẫn thường nói với mọi người: “Độ này sắp phải tiêu đến bạc nhị rồi còn gì nữa” hoặc: “làm ăn vất vả mà chả kiếm được mấy đồng bạc cánh” mặc dầu nàng vẫn biết không ai hiểu bạc nhị, bạc cánh là cái gì cả.

Nàng lại thấy nhói một cái tiếc tiền vì nghĩ đến cái sân gạch.

“Thế là bay mẹ nó mất một cánh, chỉ còn năm.”

Mùi mở hòm chân, đặt cái hộp để dành tiền vào trong một cái nồi đất rồi đậy vung lên vì nàng cho kẻ trộm kẻ cướp không bao giờ nghĩ đến lục một cái nồi đất.

Mùi ra vườn sau đánh thức u già dậy rồi rẽ sang chuồng lợn. Nàng ngừng lại ở vườn rau xem chiều hôm qua nàng vui về việc Siêu về, quên không tưới thì u già có nghĩ đến tưới thay nàng không. Nàng thích việc trồng rau cũng như Triết thích chơi bướm; từ việc cuốc đất đến việc tỉa lá, bắt sâu, tưới nước, nhất nhất nàng đều tự tay làm lấy.

“Nếu u già có ý tứ một tí chắc…”

Nàng cúi nhìn xuống đất. Dưới ánh trăng các gốc rau vẫn còn khô nguyên. Thế mà chiều hôm kia nàng mới cấy lại cả một luống cải.

“Chết tôi rồi, ngu đến thế là cùng.”

Nàng cất tiếng rối rít gọi:

“U già ơi, u già! U ra ngay đây. Thế này thì thôi… chết cả rồi!”

U già vừa chít khăn vuông vừa đi ra thong thả; thấy vẻ cuống quít giẫy nẩy của Mùi, u nói giọng chậm rãi:

“Ai chết thế?”

Mùi gắt:

“Ai chết. U chết, tôi chết, chết hết cả. Đấy u xem, cải mới cấy lại mà chiều hôm qua u không tưới nước. Chết khô cả rồi. Sao mà ngu đến thế!”

U già cúi xuống nhìn luống rau mới cấy rồi ngửng lên thản nhiên nói:

“Không sao, chưa chết khô.”

“Thế sao hôm qua u không tưới. Tôi quên thì u cũng phải có ý tứ một tí chứ. Ngu đâu mà ngu đến thế!”

“Tôi biết thế nào được là cô quên. Cô phải bảo tôi chứ. Thế ai ngu nào.”

“Ai ngu? Tôi quên thì còn bảo u thế nào được.”

Mùi thấy u già nói ngang phè nhưng mà u nói có lý. Người có ý tứ đến đâu cũng không thể biết được là nàng quên vì cứ yên trí là một lát sau nàng sẽ ra tưới. Câu mắng của nàng thật là vô lý và nàng cũng nhận thấy nàng vô lý ngay từ lúc bắt đầu gắt nhưng nàng cũng cứ gắt. Sự nàng hay gắt u già lâu ngày thành một thói quen, một sự cần nữa. Ở cửa hàng về, Mùi thấy nhà lúc nào cũng yên lặng quá, yên lặng và lạnh như một ngôi chùa. Cha và em đều ít nói. Chỉ có u già với nàng thôi nhưng u già lẩn thẩn nàng biết nói chuyện gì với u ta, thành thử hễ có dịp là nàng gắt mắng u gọi là cãi nhau với u thì đúng hơn. U già vốn là vú nuôi của Mùi nên u cho việc cãi lại Mùi là tự nhiên. Khi có chuyện gì bất bình u hay lẩm bẩm; đối với ông Lang, u nể nên u chỉ lẩm bẩm trong miệng; Triết để mặc u nói nên u cũng không nói dai, chỉ có đối với Mùi hay cãi lại là u nói lải nhải mãi cho tới bao giờ Mùi chịu thua. Thường thường thì Mùi chịu thua, nghĩa là yên lặng hay bỏ đi nơi khác. Còn nhận lỗi với u già thì Mùi không bao giờ nhận. Những lý của u già tuy một vài lần Mùi thấy có vẻ đung đúng nhưng nàng thấy chúng nó đúng một cách ngang ngang thế nào, nàng không thể chịu phục hẳn được. Tuy nhiên lúc nàng không biết rõ là mình có lý ở chỗ nào, nhưng nàng cũng cứ mắng to tiếng hơn để nàng có cái cảm tưởng là mình có lý thật và để u già cũng có cái cảm tưởng ấy. Nhưng u già thì không bao giờ u có cái cảm tưởng ấy vì bao giờ u cũng cho u là phải.

Lần này Mùi biết mình thật vô lý nhưng Mùi cũng cứ gắt thêm:

“Thế sao u không nhắc tôi.”

“Không biết cô quên, sao lại nhắc.”

“U thì lúc nào cũng nhiều lý sự cùn lắm.”

Đấy là câu mà lúc cùng Mùi đem ra để cắt đứt câu chuyện. Nhưng câu chuyện không bao giờ cắt đứt một cách gọn gàng thế vì chính lúc đó là lúc u già lẩm bẩm:

“Quên mà cứ bắt người khác…”

U già đã bắt đầu; bây giờ Mùi đã nhận rõ mình hoàn toàn có lỗi nên nàng không thể chịu được những lời ray rứt của u già. Nàng đổi câu chuyện:

“À này. Bà Cai sắp về đây ở. Hôm qua tôi nhận được thư.”

Thấy u già ngửng đầu quay về phía mình Mùi biết là u chú ý đến tin đó lắm, nàng chắc thoát.

“Thế sao cô không cho tôi biết ngay để… bao giờ thì bà Cai đến.”

“Chưa biết, nhưng cũng sắp.”

“Thế à? Thảo nào mà cô cứ lú gan lú ruột quên cả tưới rau… Đã quên lại còn…”

Thấy u già quay trở lại chuyện trước, Mùi chỉ còn một cách bao giờ cũng hiệu nghiệm là chuồn đi nơi

khác.

“Tôi phải ra hàng ngay, hôm nay phiên chợ. Chốc nữa u đừng quên tưới. Đừng lý sự cùn nữa.”

Mùi đi rồi còn nghe từng mẩu tiếng u già sau lưng:

“Mình lơ đễnh mà …lý sự… ai lý sự thì khắc biết…”

Mùi đi nhanh bước hơn và khi không nghe thấy tiếng u già nữa, nàng mỉm cười. Nàng thấy tuy nàng gắt một cách tức tối nhưng u già cũng biết rõ là nàng không tức gì cả mà u cũng chẳng có tí gì khó chịu; u lại thích nữa vì được có dịp lẩm bẩm hả hê và tự cao là mình phải, cô chủ bị thua. Thế là nàng đã hả được cái tức vì rau cải bị héo và u già cũng thích chí.

Mùi ra chỗ bể gạch múc nước rửa mặt, vào bàn thờ mẹ thay nước cúng và thắp hương rồi chào cha mở cửa đi ra ngoài hàng.

Trong gió từ ngoài sông Hàn đưa lại có thoảng mùi khói; nàng đoán là ở các thuyền chài đậu bến chùa Hàn người ta đã dậy thổi cơm. Mùi đã ra đến bờ sông mới sực nghĩ ra là sáng nay đã đi qua gốc cây thị có ma mà không để ý và rờn rợn sợ như mọi ngày.

Đến chỗ bè lưới của bác Lê thấy có bóng người, Mùi đứng lại nhìn xuống:

“Bác Lê đấy phải không?”

“Thưa cô không. Cháu đây mà.”

Mùi cất tiếng vui vẻ:

“À, anh Nhỡ đấy à? Sao lại ngồi đấy.”

Yên lặng một lúc rồi Mùi hỏi:

“Rượu?”

Nàng nghĩ đến bác Lê tính nết hiền lành nhưng khi uống rượu say thì đánh chửi vợ con rất thậm tệ.

Tiếng Nhỡ ở dưới đưa lên:

“Vâng, thưa cô, rượu.”

Nhỡ nói tiếp:

“Hôm qua cháu kéo xe ở bến Cháy về, đến nhà mệt chết cha chết mẹ thì ở nhà cha mẹ cũng đánh nhau gần chết. Cháu vội chuồn ra đây ngay.”

Giọng Nhỡ nói vẫn vui vẻ. Mùi nhìn Nhỡ ái ngại và thầm phục. Từ ngày biết Nhỡ, Mùi chưa thấy Nhỡ buồn hay tức giận bao giờ. Gặp những việc có thể tức chết người thì Nhỡ cũng nói ra là tức lắm nhưng có vẻ như là chỉ nói tức ở miệng thôi. Hai mắt của Nhỡ lúc cười nói thì hai vành môi đều cong lên và hai mép môi của Nhỡ lúc bình thường cũng nhếch lên một tí khiến miệng chàng lúc nào cũng như hơi mỉm cười. Cả gia đình bác Lê người nào cũng xấu xí, chỉ riêng có mình Nhỡ đẹp trai, có lẽ đẹp trai nhất xóm. Cả đến Mùi cũng bắt gặp mình ngồi lặng nhìn ngắm Nhỡ vì nét mặt đẹp và có duyên của Nhỡ.

“Thưa cô, đêm nay dễ được đến bốn năm hào cá.”

“Nhiều thế cơ à! Anh Nhỡ.”

Mùi cũng thấy vui vì Nhỡ được nhiều cá, nàng bước qua mấy mô cỏ rồi lần đường dốc đi xuống chỗ bè lưới. Nàng đưa mắt nhìn vào vào cái khoang tuy bé nhỏ nhưng cũng đủ chỗ cho một người nằm. Chắc Nhỡ đêm qua đã ngủ trong cái khoang ấy.

Nhỡ từ từ kéo lưới cất tiếng hát:

“Cuộc phù thế nhân sinh…”

Câu ấy không biết Nhỡ học của ai mà Nhỡ cũng không hiểu rõ nghĩa ra sao nhưng hễ có cái gì hứng chí là cất tiếng hát. Lần này chàng hát là vì ngạc nhiên thấy Mùi, cô Mùi xinh đẹp mà chàng vẫn yêu thầm giấu hai ba năm nay, cô Mùi cao quý mà chàng không dám yêu nhưng vẫn cứ yêu cô tự nhiên bỏ đường cái, đi xuống cái dốc gồ ghề rất khó đi kia để đến đứng cạnh chàng mà lại vào giữa đêm hôm vắng người như thế này.

Nhỡ đã kéo lưới lên hẳn khỏi mặt nước.

“Đấy cô xem.”

Mùi tiến lên một bước để nhìn cho rõ. Trong cái lưới rộng mênh mông chỉ có một con cá bé bằng cái lá liễu làm cả Mùi cả Nhỡ đều bật cười lên một lúc. Hai tiếng cười vang lên trong đêm thanh làm cho cả hai người đều nhận ra là đứng gần nhau quá.

Con cá đương rẫy rụa tìm đường ra, dưới ánh trăng thân lấp lánh như bạc mới. Nhỡ cũng cố rung rung lưới cho đến khi con cá trôi tuột vào miệng rổ.

Mùi lại đưa mắt nhìn vào trong cái khoang nhỏ, hỏi Nhỡ:

“Chật thế kia mà anh cũng nằm ngủ được cơ à… mà lạnh chết.”

“Thưa cô cũng chẳng chết vì cháu còn đây. Nhưng lạnh thì có lạnh cô ạ.”

Một sự yên lặng hơi là lạ theo sau hai câu nói vì cả hai người cũng vừa nhận ra câu chuyện ấy có vẻ hơi thân. Bỗng Nhỡ mỉm cười giơ tay với cái điếu cầy nhỏ dắt ở mũi thuyền. Mùi vội nói:

“Muốn chết à!”

Cứ hễ khi nào hút thuốc lào là Nhỡ say lịm đi bất tỉnh nhân sự đến mấy phút; đã có lần ngồi bếp ngã chúi xuống bị cháy cả mảng tóc.

Nhỡ nói:

“Cháu biết hút vào thì “tùng bi li” xuống theo với cá ngay. Cháu chỉ cầm lấy cho đỡ thèm.”

Bỗng Mùi giật mình vì thấy Nhỡ đột nhiên gọi:

“À này, cô Mùi…”

Yên lặng một lúc rồi Nhỡ ngập ngừng nói:

“Thôi, cháu chẳng dám nói ra sợ…”

Mùi ngơ ngác nhìn quanh; xưa nay nàng vẫn mang máng thấy Nhỡ đối với mình không phải đối với người thường; nàng biết nàng đẹp nhất xóm mà Nhỡ lại đẹp trai nhất xóm. Vì thế điệu bộ và câu nói ngập ngừng của Nhỡ ở một nơi vắng người làm nàng hơi sợ. Nhỡ nói tiếp:

“Có cô đây cháu mới nghĩ ra. Cháu thèm thuốc lào quá.”

Mùi thốt ra một tiếng “à” nhẹ nhõm rồi mỉm cười. Nhưng sao trong thâm tâm nàng lại thấy như hơi thất vọng. Nàng cất tiếng nói to:

“Ý anh định bảo tôi đứng đây nhìn anh chết đuối có phải không?”

“Sao cô nhanh ý thế.”

“Nhưng tôi chịu thôi, tôi không biết bơi.”

“Cô không sợ. Cháu biết bơi. Cháu sẽ cứu cô.”

Mùi bật lên cười vì câu nói ngộ nghĩnh của Nhỡ, nhưng nàng đổi ngay câu chuyện vì nhận thấy nó có vẻ thân mật quá.

“Hễ cứ hôm nào bác Lê say rượu là anh phải ra ngồi lưới suốt đêm thế này?”

“Vâng, vì ở nhà cũng không ngủ được. Ra đây lại được mẻ cá.”

Mùi cất bước:

“Thôi anh Nhỡ ngồi đấy mà chịu rét nhé.”

“Cám ơn cô, cô ra hàng.”

Lúc Mùi đã đi xa, Nhỡ lẩm bẩm:

“Cô Mùi nhà ta sao sáng hôm nay vớ vẩn tệ.”

Nhỡ sung sướng đứng nhìn theo Mùi và mỉm cười tinh nghịch. Chàng ngồi xuống bè, dựa lưng vào cửa khoang, duỗi thẳng hai chân, quên cả kéo lưới.

Chàng tự hỏi thầm:

“Không biết tại sao cô ấy lại hỏi thế?”

Câu “hễ cứ hôm nào bác Lê say rượu…” mà Mùi hỏi vô tình lại khiến Nhỡ chú ý đến nhất. Chàng lặng người đi khi đem chắp câu hỏi ấy với câu hỏi về cái khoang chật và những cái đưa mắt của Mùi nhìn vào trong khoang, có vẻ nghĩ ngợi. Chàng cũng không dám chắc và cũng không dám mong như thế nhưng chàng cũng hồi hộp sung sướng. Chàng cất tiếng hát chèo theo giọng than để cho Mùi nghe.

Tiếng Nhỡ hay rất hay; tính người vui vẻ nhưng đến lúc hát thì Nhỡ chỉ thích những điệu than thật buồn. Thỉnh thoảng những đêm có trăng, đợi đến khi đã khuya, mọi người trong xóm đều đóng cửa tắt đèn, chàng ra ngồi một mình trên rễ cây đa rồi cất tiếng than. Tiếng hát theo gió tan vào ánh trăng, lan ra khắp nơi, não nuột ai oán khiến các bà goá chạnh lòng nao nao buồn và các cô con gái đến tuổi dậy thì, vừa lắng tai nghe vừa thở dài, thương nhớ vẩn vơ. Còn Nhỡ, chàng chỉ cốt hát cho Mùi nghe vì một hôm đã lâu, Mùi có hỏi xem ai hát ở ngoài xóm và khi đã biết là Nhỡ hát nàng khen chàng hát hay lắm, nàng đã mải lắng nghe quên cả ngủ. Nhỡ tưởng mình như anh Trương Chi, anh thuyền chài xấu xí mà được con gái nhà quan mê vì tiếng hát. Thế mà chàng, chàng lại không xấu xí.

Sáng nay chàng hát để riêng cho Mùi nghe và để tỏ nỗi sung sướng của lòng mình.

Mùi quặt lên con đường lớn để ra quán hàng. Tiếng những người gánh gạo trên con đường cụt đã thấy vang lên ở xa. Mùi không trông thấy rõ người chỉ thỉnh thoảng thấy lấp lánh ánh trăng trên một hai chiếc nón mới, nhưng nghe tiếng họ, Mùi đoán là đông lắm. Trong khi phố Phủ Lệ ở xa xa bên kia sông còn yên lặng, tối tăm thì Xóm Cầu Mới đã ồn ào tiếng người và lấp lánh ánh đèn cân gạo.

Mùi nghĩ đến những người ở xóm, độ này nhà nào cũng làm ăn khá giả. Sự thịnh vượng chung ấy là do cả mạn sông Hàn về phía bên xóm được mùa luôn, các bà bên Phủ Lệ sang dựng rất nhiều quán cân gạo để đón mua trước của những người hàng sáo. Cả đến nhà bác Lê vừa nghèo vừa hà tiện nhất xóm mà thỉnh thoảng cũng có đĩa tôm đĩa cá trong mâm cơm, lại có cả rượu để uống để vợ chồng đánh đập nhau. Mùi cũng không quên nghĩ đến cái nồi đất đã khá nặng của nàng; giữa lúc này Siêu lại về ở cạnh. Nàng mỉm cười ngửa mặt đón lấy gió lạnh, trong lòng rung động một nỗi vui nhẹ và xôn xao yêu đời, yêu tất cả mọi người.

Tiếng Nhỡ hát sau lưng, ai oán trong đêm trăng thơm mùi lúa, tuy là những câu than mà nàng nghe cũng thấy phiêu phiêu như những lời vui. 

*

Ở ngay cầu đi vào nhà đầu tiên của xóm là nhà bác Lê. Ở cạnh nhà bác Lê là cửa hàng của Mùi. Cửa hàng ấy từ khi bà Lang mất, Mùi thuê để tiện việc buôn bán. Cửa hàng có hai gian: một bên là hàng bán thuốc và rượu bia, nước chanh, một bên là nước chè, bánh cuốn. Ở phía gian bán thuốc có treo một tấm biển vẽ hai con mắt dưới đề: 

HIỆU THỌ-ĐƯỜNG

BÁN THUỐC ĐAU MẮT

THUỐC GIUN, THUỐC TẢ

RƯỢU BIA, NƯỚC CHANH 

Cái biển ấy là do công trình của Triết vẽ và kẻ chữ. Mấy chữ kẻ dưới tên hiệu đã làm cho Mùi giận em. Triết cho đề như thế thì buồn cười chết, làm như nước chanh và thuốc giun, thuốc tả cũng là một thứ. Mùi thì cứ nhất định bắt em để cho đủ; nàng viện lý:

“Mình bán nó thì mình đề nó. Ở trong hàng mình để được rượu bia gần thuốc giun thì ở biển mình cũng để được chúng nó gần nhau. Sao chú hay kiếm chuyện thế?”

Tiếng nàng lúc nói câu sau cùng đã bắt đầu run run. Không phải nàng tức vì lời nói mỉa của Triết mà chỉ vì thấy Triết đã viện cớ tỏ ra không thích làm một việc mà nàng nhờ. Điều mà nàng vẫn sợ nhất ở đời là bị một người thân yêu làm mất lòng (đối với người không thân nàng không cần lắm). Nỗi sợ đó hình như nàng đã có từ lâu, có lẽ từ hôm đập tay vào cành găng. Vì sợ chỗ đó nên đối với mọi người thân yêu nàng ít khi dám nhờ một việc gì hay có nhờ cũng chỉ khi nào nàng chắc chắn người ấy vui lòng nhận. Một sự từ chối rất nhẹ, một vẻ phiền thoáng qua về một thứ nàng nhờ không có gì quan trọng cũng sẽ làm nàng tủi thân vô cùng và đau khổ như là đã nhận ra mình lầm, người thân yêu ấy không yêu gì mình cả. Nàng đã dặn Triết vẽ đến mười hôm rồi mà vẫn không thấy Triết bắt đầu. Bao nhiêu lần nghĩ đến nàng đã thấy giận ứ lên cổ nhưng nàng không dám nhắc vì nàng sợ nhắc mà Triết vẫn không chịu vẽ thì nàng sẽ không giữ được cáu nữa. Và sẽ có chuyện to giữa hai chị em. Mãi đến một hôm nhân thấy Triết vẽ địa đồ nàng mới làm như chính nàng cũng đã quên việc nhờ em vẽ để có thể nhắc em mà không nổi tức:

“À cái biển của chị. Hôm nay nhân tiện có thuốc vẽ, em vẽ cho chị nhé.”

Vì vậy mà những lời nói lý của Triết khiến Mùi tưởng Triết kiếm cớ nọ cớ kia để dằn vặt nàng, báo thù nàng đã bắt Triết phải làm một việc mà Triết không thích.

Triết thì không để ý đến chỗ đó; chàng thấy chị có lý nhưng mặc dầu có lý chàng vẫn thấy câu đề biển ấy buồn cười và những người có học đi qua đọc đến ai cũng phải bật lên cười chế riễu. Chàng thong thả đặt bút chì lẩm bẩm:

“Nước chanh mà để gần thuốc tả, thuốc giun, làm cho người ta nghĩ ngay rằng uống nước chanh của chị thì sẽ tả ngay hoặc sinh giun đầy bụng. Chị không nghĩ thế à?”

“Tôi không thấy gì cả!”

Triết ngước mắt nhìn vì thấy có vẻ hơi khác trong giọng nói và nhất là chữ tôi chị dùng. Thấy chị mắt đã chớp mau và hai môi bắt đầu rung rung, Triết biết là chị sắp khóc nên phải vội vàng cầm lấy bút chì.

“Chú không muốn kẻ thì thôi… thế này là xong!”

Nói xong câu ấy một sự hờn uất mà chính nàng cũng không hiểu vì cớ gì từ ở đâu đến, nhưng từ ở rất xa nổi lên trong lòng nàng, ào ạt lấn át cả lẽ phải. Mùi giằng mạnh lấy tờ giấy rồi trước vẻ mặt đương ngơ ngác và hơi hối hận của Triết, Mùi xé tan tờ giấy làm mấy mảnh, quẳng xuống đất và nằm gục xuống giường nức nở khóc. Triết đau khổ thấy chị tự nhiên lại giận mình đến thế mà mình thì không có gì trái với chị lắm; miệng chàng bất giác lẩm bẩm xin lỗi chị, mặc dầu chàng biết chàng không có lỗi gì cả. Tuy Triết đã xin lỗi, Mùi đã nguôi hẳn giận nhưng cũng đến mấy ngày nàng ngượng không dám nhìn mặt em vì sau khi hết cơn giận nàng lại thấy chỉ có nàng là người có lỗi, đã không nén nổi lòng mình và đã làm em Triết của nàng khổ lắm tuy Triết không nói ra. Cái vẻ hối hận thoáng hiện ra ở nét mặt em khi nàng sắp xé tờ giấy làm nàng bứt rứt nhất; giá nàng nhận thấy sớm một chút thì không bao giờ lại làm khổ em như thế. Nghĩ vậy, Mùi lại thấy thương em hơn; nàng muốn xin lỗi em nhưng đã chậm quá. Bây giờ tự nhiên nàng không thể nhắc lại chuyện ấy để ngỏ lời xin lỗi em được nữa. Nàng chỉ hối tiếc là ngay lúc đó nàng chỉ nghĩ đến việc nhận lời xin lỗi của em mà không nghĩ đến việc xin lỗi em. Mùi nhận thấy mang máng có một mối liên quan gì giữa cái tính hay hờn của nàng bây giờ với việc xẩy ra hôm tiễn Siêu đi, nhưng tại sao lại có liên quan thì nàng không biết. Lúc nàng nói câu: “Thế này là xong” nàng đã thấy có sống qua một lần như thế rồi. Tuy không nhớ rõ hẳn nhưng nàng cũng cảm thấy câu ấy nàng đã nói đến, chính hôm đập tay vào gai và cơn hờn giận Triết, Mùi cũng thấy giống như cơn hờn Siêu, tuy nhẹ nhàng hơn.

Mấy hôm sau, cứ khi nào Mùi buông màn ngủ là Triết bắt đầu lấy giấy, lấy thuốc vẽ ra kẻ biển. Chàng ra công vẽ một con mắt thật đẹp và cố ý để những chữ “thuốc giun, thuốc tả, rượu bia, nước chanh” vào một dòng riêng để chiều ý chị, còn ai muốn cười thì mặc người ta. Rồi một buổi sáng chàng đem biển ra treo ở cửa hàng; lúc Mùi xem biển đọc đến dòng đề thuốc giun, nước chanh, Triết nhếch mép mỉm cười. Mùi cũng nhìn em một cái và mỉm cười theo. Thế là hai chị em đã lặng lẽ làm lành với nhau.

Ở phía bên bàn rượu bia nước chanh có để một cái bàn và bốn cái ghế; trên bàn phủ một tấm vải lúc nào cũng trắng tinh và để một cái lọ thuỷ tinh vằn xanh đỏ, trong cắm mấy bông cúc bằng giấy. Vì sang và sạch sẽ quá nên thỉnh thoảng lắm mới có khách sang trọng ghé qua mới ngồi đấy. Mùi bầy biện thế không phải mong có khách ngồi mà chỉ cốt để cửa hàng có vẻ sang.

Ở gian bên kia thì quang cảnh khác hẳn. Mặc dầu ngày nào Mùi cũng lau rửa rất sạch sẽ chõng ghế, bát đĩa nhưng lò bánh đun củi thì tránh sao khỏi được nhọ nồi, mồ hóng.

Thấy Mùi ra hàng, Bé đương ngồi gần lò bánh vội đứng dậy nhường chỗ. Đã thành cái lệ – tuy không ai bảo ai – là chỗ lò bánh mùa rét thì về phần Mùi ngồi, mùa nực thì về phần Bé.

Trước đây vì bán hàng mỗi ngày một chạy nên Mùi phải thuê Bé con gái bác Lê sang giúp việc và đem bánh sang bán cả bên Phủ Lệ; Bé tuy sạch sẽ nhưng quanh năm đau mắt và vì thế bao giờ trên mắt cũng che cái khăn vải trắng tinh. Mắt của Bé ít người được trông thấy cả hai con một lúc. Nếu con mắt bên phải đỡ hơn thì Bé cài phía khăn bên phải cao hơn để hở một nửa mắt bên phải nhìn, nếu mắt bên trái đỡ thì ngược lại. Mới đầu Mùi bắt Bé luôn luôn tra thuốc của hiệu mình nhưng mãi cũng không thấy đỡ. Mùi nghĩ đến chỗ Bé đau mắt là một cái quảng cáo không hay cho hiệu thuốc đau mắt rất thần diệu của cha nàng. Nhưng nàng tìm ra được một lý cứng, nếu có ai đả động đến nàng sẽ đem ra đáp:

“Nếu không có thuốc của hiệu Thọ-Đường thì mù rồi, còn gì nữa.”

Song cũng không có ai đả động vì không ai để ý đến điều đó.

Ngoài đường, bóng mái nhà và bóng lá đa mờ mờ nhạt dần rồi mất đi; ánh trăng đã hoà tan với ánh sáng ban ngày. Có tiếng kẹt cửa ở hiệu tạp hoá bên kia đường. Mùi nghĩ thầm:

“Chậu tóc tiên” sắp ra đánh răng.”

“Chậu tóc tiên” là tên Mùi đặt riêng cho ông chủ hiệu tạp hoá Ninh Ký. Ông ấy là khách lai nhưng lai đã ba đời nên mặc quần áo ta; ông ấy đã trên ba mươi tuổi, goá vợ mà chưa có con. Mùi thấy có người nói phong thanh là ông Ninh Ký định hỏi nàng làm vợ. Nàng cười cho việc ông Ninh Ký định lấy nàng là vô nghĩa lý. Ngay từ lúc mở cửa hàng hai năm trước, Mùi đã thấy ông Ninh Ký ngồi sừng sững ngay trước mặt với hai con mắt to và lồi ra, cái mũi tròn và xù xì nằm ở giữa hai gò má rỗ hoa và phụng phịu lúc nào cũng như sắp nhổ; đầu bao giờ cũng đi khăn xếp nhưng ở lòng khăn các tóc bao giờ cũng dựng ngược tua tủa ra bốn bên, cả cái đầu trông như một chậu tóc tiên, còn lá tóc tiên ngắn hay dài là tuỳ khi mới húi hay lâu chưa húi.

Trước kia đầu ông Ninh Ký đối với Mùi là một cảnh vui mắt vì Mùi mới mười sáu mười bẩy và ông Ninh Ký gần gấp hai tuổi nàng nên nàng nhìn ngắm ông ta rất tự nhiên. Nhưng năm ngoái được biết ông Ninh Ký định hỏi mình làm vợ, chưa hỏi chỉ vì nàng đương có tang, thì từ đấy cái đầu của ông Ninh Ký đối với Mùi là một cái tội vạ lúc nào cũng ở ngay trước mắt. Mùi cố hết sức tránh nhìn ông Ninh Ký để ông ấy khỏi tưởng lầm là nàng để ý đến ông; chỉ mới nghĩ đến chỗ ông Ninh Ký yêu mình, Mùi đã thấy ngượng ran cả người. Nhưng ông Ninh Ký lại ngồi ngay trước mặt nàng và nàng cũng lại ngồi ngay trước mặt ông; hết ngày nọ đến ngày kia, tháng nọ sang tháng kia mà cứ phải nghĩ đến việc tránh nhìn một người ngồi lù lù trước mặt, Mùi cho là một cái tội nợ truyền kiếp, một sự hành hình kéo dài. Lắm lúc thật tình nàng muốn cả dẫy phố bên kia bị cháy mà chỉ riêng dẫy phố bên kia thôi – cháy cả hiệu tạp hoá và cháy luôn cả ông Ninh Ký nữa.

Nhưng buổi sáng sớm, còn mờ mờ tối, biết là ông Ninh Ký không nhìn rõ mặt mình, Mùi tha hồ ngắm nghía ông. Ông Ninh Ký đánh răng thì cẩn thận lắm, ông đánh thật nhiều bọt và thật lâu, đánh ngoài răng, trong răng, đánh cả lợi cả môi, có khi Mùi thấy ông ta lè lưỡi ra thật dài và “eo ôi”. Mùi thốt ra như vậy ông ta đánh cả lưỡi (có lẽ hôm ấy ông ta quên mang cái nạo lưỡi ra). Đánh xong ông uống một ngụm nước to, ngửa mặt súc ở trong cổ họng y như con gà uống nước rồi ông phun mạnh cho nước toả ra nhỏ và đều, y như rồng phun mưa. Mỗi lần phun ông lại xoay về một phía sân và khi ông trở vào thì cả mặt sân ướt đều. Trước Mùi nghĩ mãi không hiểu tại sao ông ta lại cứ phải ra trước nhà đánh răng, có lẽ ông ta muốn được nhìn mặt nàng. Mãi gần đây nàng mới nghĩ ra ông ta làm thế để sân khỏi bụi. “Cũng là một cách tiện” nàng nghĩ thế và cũng vì thế nàng cho ông Ninh Ký có tính lẩn thẩn.

Ngồi một lúc thì Nhỡ đem rổ cá về ngồi vào ghế hàng của Mùi lật bát nước chè rồi nói:

“Cô bán cho cháu một hào bánh cuốn nhân thịt.”

Mùi nhìn Nhỡ ngạc nhiên.

“Anh Nhỡ hôm nay hoang ghê.”

“Vâng hôm nay được nhiều cá, phải ăn một bữa cho thoả thê.”

Nói xong Nhỡ cúi mặt húp nước chè nóng không dám nhìn lâu vào hai con mắt của Mùi, hai con mắt mà bây giờ trời sáng nhìn rõ chàng thấy đẹp khác hẳn mọi ngày. Lúc còn ở ngoài lưới Nhỡ đã nẩy ra ý định ăn bánh cuốn, không phải vì tham ăn nhưng chỉ cốt để được Mùi hầu mình trong một lúc, một cái thú mà đặc biệt sáng hôm nay chàng muốn có mặc dầu phải tốn đến hào bạc.

Ngay từ lúc Mùi dọn cửa hàng ở xóm, lúc đó Mùi mới độ mười lăm mười sáu và Nhỡ mười bẩy, tính còn trẻ và bồng bột, chàng đã để lòng mình yêu ngay cô gái ít tuổi, xinh đẹp và đảm đang ấy, không nghĩ ngợi xa gần. Mỗi lần sang bên cửa hàng được Mùi mỉm cười với mình hay có cử chỉ gì tỏ vẻ săn sóc đến mình đôi chút là Nhỡ sung sướng cả ngày. Nhưng hết năm nọ qua năm kia, Nhỡ càng lớn tuổi càng nhận thấy rõ sự cách bức giữa chàng, một anh phu xe và Mùi, cô con gái một ông Lang, cháu một cụ cử; tuy mới có Bé sang ở nhưng chàng cũng thấy rõ Mùi đứng vào địa vị một cô chủ mình. Nhỡ thấy Mùi đối với mình một cách quá tự nhiên; chắc nàng cũng chỉ coi mình như một người đầy tớ không sợ ai dị nghị. Nhưng trong mấy năm nay thấy Mùi cư xử với mình rất tử tế, hễ có dịp là cho tiền mình một cách rộng rãi khác thường, Nhỡ cũng biết là Mùi có cảm tình ngầm với mình. Chàng cũng tự biết mình đẹp trai, có duyên và có khi cũng thấy Mùi nhìn mình một lúc lâu, mắt có vẻ khác lúc bình thường và vì thế chàng mới nuôi cái hy vọng được Mùi yêu lại. Chuyện con nhà thuyền chài lấy công chúa ít khi xẩy ra nhưng ít khi nghĩa là cũng có khi xẩy ra.

Nhỡ ăn thong thả ngẫm nghĩ đến cái ngon của những chiếc bánh thơm nóng mà Mùi lấy dần ở trong quả hấp ra, tự tay nàng đặt vào đĩa của chàng. Mỗi lần mở quả hấp một làn hơi trắng lại phào qua khiến Mùi nheo một bên mắt, nghiêng đầu để tránh hơi nóng. Ngồi gần lò sưởi đôi gò má của Mùi hơi phớt hồng. Thỉnh thoảng qua làn hơi trắng, Nhỡ lại thấy nàng yên lặng nhìn ra ngoài và mỉm cười. Nhỡ đã quen nhìn nàng lâu ngày nên bất cứ một cái gì đặc biệt trong cử chỉ của Mùi chàng đều để ý mà để ý nhất là cách cười hay mỉm cười của nàng. Bao giờ cũng vậy, trước khi mỉm cười, hai mắt Mùi cũng long lanh sáng, hai hàng mi hơi rung rung như báo trước cái cười rồi nét cười mới lộ hẳn ra trên môi. Sáng hôm nay tuy Mùi nhìn đi chỗ khác mỉm cười và vì cớ gì sáng nay nàng lại mỉm cười luôn thế, Nhỡ không rõ nhưng Nhỡ cũng thấy bàng hoàng như là được Mùi mỉm cười với chính mình.

Bỗng Mùi cất tiếng reo to:

“Ơ hơ, bà “chủ nhật trình”! Bà đi đâu về sớm thế, vào xơi bánh cuốn nóng đã, mới có cà cuống ở Hà Nội về.”

Mùi nhận thấy tiếng mình chào mời bà Ký Ân có vẻ mừng rỡ khác hẳn mọi lần và chân thật mừng rỡ. Đã từ lâu nàng không ưa gì bà Ký Ân và sáu cô con gái của bà ta tuy hai bên vẫn đi lại giao du như thường, nhưng sáng nay chợt thấy bà Ký Ân nàng nghĩ ngay đến việc hỏi bà ta xem ở đâu có nhà cho thuê vì vậy nàng chân thật mừng rỡ. Bà Ký Ân thì chắc biết và nếu bà ta không biết thì chắc chắn là không có nhà.

Nhìn thấy hai môi bà Ký bắt đầu động đậy, Mùi biết là bà ta sắp nói:

“Con này đi đánh tổ tôm suốt đêm về đây. Nào có bánh cuốn thì cho ăn mấy cái. Nhà mẹ Lục kiết bỏ mẹ. Đánh tổ tôm suốt đêm mà chẳng có gì dính răng dính lợi”.

Bà Ký Ân vì nặng tai nên bao giờ cũng nói to như mắng vào mặt người ta. Tuy bà ta không biết đọc và không biết viết chữ nhưng không một việc gì xẩy ra ở vùng quanh đấy, không một tin gì quan trọng đăng báo ở “tận Hà Nội” mà bà ta không biết rồi bà ta đi la cà hết nhà nọ đến nhà kia kể lại cho mọi người nghe. Vì thế người ta gọi bà là “bà chủ nhật trình” và lâu ngày tên ấy át cả tên thật. Thấy người nào nghe bà kể cho tin gì lạ mà tỏ vẻ ngạc nhiên khâm phục thì bà ta lấy làm sung sướng và bao giờ cũng thưởng cho người kia bằng một câu riếc:

“Người trần mắt thịt ơi!”

Lúc bà ta nói thì cả mặt bà là một bức tranh hoạt động và hoạt động nhất là vành môi dưới. Trong khi vành môi trên yên tắp và ngậm chặt lấy hàm răng trên thì vành môi dưới uốn éo đủ chiều: lúc thì chìa hẳn ra phía trước, lúc lại uốn cong hẳn vào phía trong, lúc thì chếch chếch xuống mép phải để hở cả răng lợi, lúc lại chếch sang bên trái, có lúc cong xuống cả hai bên mép nhưng ở giữa lại còng lên; chưa nói thì cái môi dưới đã bắt đầu động đậy và nói xong rồi nó cũng còn quằn quại một lúc mới yên.

Nhỡ đứng lên nhường chỗ cho bà Ký Ân, rồi đi ra phía sau nhà, chỗ có ổ rơm của Bé. Chàng bảo Bé xách rổ cá về nhà, với cái điếu cầy kéo một hơi dài rồi nằm xuống ổ rơm. Ban ngày khi nào cần ngủ thì Nhỡ ngủ ở đấy vì có chăn ấm và yên tĩnh. Nhỡ nằm thẳng nhìn sợi tơ nhện đen mồ hóng rủ trên mái nhà gió đưa đi đưa lại. Suốt một đêm kéo lưới, chân tay mệt mỏi của chàng được đặt trên ổ rơm, chàng thấy êm ái lạ thường. Một lúc sau chàng ngủ đi lúc nào không biết. Ánh nắng chiếu vào chỗ Nhỡ nằm và in những vòng tròn ánh sáng mờ tỏ trên mặt chàng. Nhỡ nằm mê thấy mình đương kéo lưới, nặng trĩu cả hai tay và trong lưới không biết bao nhiêu là cá vàng cá bạc lấp lánh hoa cả mắt. Trên bờ có một cô công chúa đương nhìn chàng kéo lưới và mỉm cười luôn. Cô công chúa phảng phất giống Mùi.

Ở ngoài hàng tiếng bà Ký Ân vẫn oang oang:

“Rõ tội nghiệp ông Năm Bụng đêm qua. Có tây đoan sang khám ở phố Phủ ông ấy đã vất cả nồi rượu xuống sông.”

Mùi ngạc nhiên vì chính nàng ngồi đây nàng không biết; bà Ký Ân ở trên phố Phủ mới về làm sao bà biết được.

“Bà vừa lại ông Năm Bụng?”

“Không tôi vừa về đến đây.”

“Thế sao bà biết?”

“Ấy thế.”

Mùi hỏi nhưng nàng không đợi câu trả lời vì bà Ký Ân không bao giờ nói ra tại sao bà lại biết được tin nọ tin kia.

“Bà biết bên phố Phủ ở đâu có nhà cho thuê hay để lại không? Ở xóm này thì chắc là không có.”

Biết đó là một điều kiện của bà Ký để bà mách nhà nên Mùi phải nói rõ duyên do; vả lại cũng không phải là một tin cần phải giữ bí mật. Bà Ký chăm chú nghe; thế là tự nhiên bà biết được một tin mới, chắc chưa ai biết. Bà Ký ngồi nghe nhưng cũng không quên gắp bánh ăn luôn miệng. Lúc ăn bà không cho bánh vào trong miệng mà lại đặt nó lên cái môi dưới đã chìa sẵn ra đợi rồi hai môi bà đớp đớp và cho dần vào y như một con thỏ ăn lá rau. Trong khi nhai, cái môi dưới cũng uốn éo như khi bà nói.

Mùi nói chuyện nhưng cũng không quên mỗi khi bà ta ăn xong một chiếc bánh thì lại đặt ngay một chiếc khác vào đĩa bà ta.

Bà Ký nghe xong, ăn nốt chiếc bánh ở đĩa rồi nói:

“Người trần mắt thịt ơi! Mở mắt ra mà nhìn sẽ thấy nhà. Mở tai ra mà nghe thì sẽ có nhà.”

Rồi bà cúi đầu ghé vào tai Mùi nói thầm. Mùi nghĩ không cần phải mở tai vì bà Ký nói thầm mà cũng nói to hơn người khác nói thường.

“Hai Vinh bán củ nâu ấy mà. Củ với kiếc gì lão ấy. Hắn vờ buôn để đến đây ở với vợ bé. Bây giờ vợ cả nó biết tin rồi, chỉ dăm bữa nửa tháng là nó đến kéo chồng về quê. Nhà đấy chứ đâu.”

Mùi mừng rỡ vì đã thấy có nhà, nhà ở ngay Xóm Cầu Mới mà giá thuê chắc lại rẻ. Đã biết được điểm cần biết nàng chỉ mong bà Ký đi ngay khỏi cửa hàng để nàng chạy qua báo tin cho cha yên tâm. Nhất là nàng lại vừa nhớ ra là đã quên bẵng không để tiền ăn quà cho Triết. Mỗi ngày, Triết có hai xu ăn quà ở trường học, ngày thứ năm chủ nhật nàng đưa nhiều hơn để em đi chơi xa bắt bướm. Nàng phải về vì nếu nàng quên thì Triết không bao giờ ra cửa hàng xin tiền cả. Nhưng bà Ký Ân thì vui miệng cứ ngồi nói chuyện mãi. Sau cùng Mùi vui mừng thấy bà ta đứng lên cho tay vào túi áo cánh lấy tiền:

“Ấy chết làm thế nào bây giờ; chúng mình mải nói chuyện thành ra không biết bao nhiêu bánh tất cả.”

Mùi mỉm cười vì chữ “chúng mình” dùng không đúng, nàng thì nàng nhớ đếm bánh lắm.

“Bà không lo, cháu đếm. Tám chiếc, hào hai bà ạ.”

“Nhiều thế cơ à? Đồ ăn tham.”

Bà Ký trả tiền, lấy miếng trầu ăn rồi đi ra cửa nhưng bà lại quay trở vào ngay và môi lại bắt đầu uốn éo. Mùi sợ lắm vì bà Ký nhiều lần ngồi nói chuyện rất lâu, đã nói hết cả chuyện, đứng dậy đi rồi lại quay trở lại vì tìm ra được một câu chuyện mới và đứng nói lâu hơn lần ngồi trước. Mùi cũng hay nói nên Mùi sợ nhất là những người hay nói, nhất là những người đó lại là những người nàng phải kính trọng không dám ngắt lời. Nàng nói thì nàng không thấy mệt nhưng cứ phải chú ý nghe… thỉnh thoảng phải gật đầu tán thưởng, hoặc điểm những câu nói đệm hay mỉm cười ngượng ngạo, về những câu không có gì đáng cười, Mùi thấy mệt vô cùng; tức nhất là cứ chịu khó nghe cho xong câu chuyện ấy là chắc thoát (dựa vào một vài cử chỉ rất rõ ràng) nhưng rồi lại phải nghe thêm một câu chuyện nữa, thất vọng vài lần mới thoát hẳn. Bà Ký nói:

“À tối hôm qua cụ Hường đuổi thằng Minh hầu trà vì nó ăn cắp một chai rượu tây uống say tuý luý càn khôn mà còn đánh vỡ luôn cả cái lọ lộc bình cổ. Cái lọ cổ Khang Hy ấy…”

Mùi lo sợ vì bà Ký Ân chắc lại kể cho nàng nghe sự tích cái lọ cổ ấy, ai biếu cụ Hường, vì sao mà biếu; sự tích mà bà Ký đã kể cho nàng nghe một lần rồi. Nhưng nàng ngạc nhiên thấy môi bà ấy rung rung rồi yên hẳn. Bà Ký có vẻ suy nghĩ, bà vừa nhớ ra bà đã kể cho Mùi nghe rồi; bà ta không chắc chắn lắm nhưng trong khi nghi ngờ bà ta thà thôi còn hơn vì bà rất sợ kể một chuyện gì hai lần cho một người nghe. Bà nhìn Mùi:

“… Cô đã biết chuyện cái lọ ấy rồi mà.”

Mùi vội gật, bà Ký ngoe nguẩy đi, lấy hai tay tự đập vào mông mấy cái làm như mình đuổi mình.

“Thôi cút đi, cút đi, con nỏ mồm ơi!”

Mùi đứng nhìn theo khẽ lẩm bẩm:

“Ừ phải đấy, cút đi, nỏ mồm lắm.”

Tuy nói thật khẽ nhưng nói xong nàng cũng giật mình. Bà Ký điếc nhưng lại có khi hiểu được cả những câu nói rất khẽ (Mùi không hiểu là người điếc có thể nhìn môi đoán được vài câu ngắn), Mùi sợ nhưng lại yên tâm ngay vì nàng nhìn lưng bà ta không có gì thay đổi.

Mùi gọi Bé trông hàng thay rồi cắp hộp tiền chạy về nhà báo tin. Ông Lang đương ngồi chọn thuốc với u già thấy con gái về đột ngột lại thở hồng hộc, tay ôm hộp tiền, ông giật mình lo sợ.

“Cháy nhà à?”

Mùi vừa thở vừa mỉm cười, cho cha khỏi lo.

“Con đã thuê được nhà rồi, thầy ạ (nói đến đấy nàng chợt để ý đến u già nhìn nàng). Nhà Hai Vinh củ nâu, có hai đồng một tháng, rẻ quá (sao u già lại cứ nhìn nàng như thế)”.

Nàng nói ngay là đã thuê được hẳn nhà và kể cả tên chủ nhà và bịa cả số tiền thuê để ông Lang chắc bụng là việc ấy đã giải quyết xong hẳn rồi; trong người nàng nhẹ nhõm hẳn. Nàng mỉm cười một mình vì nhận thấy rằng việc báo tin không có gì gấp nhưng nàng cần phải nói ngay mà cần phải nói ngay như thế không phải để cho nàng được yên tâm sớm hơn mà chỉ vì nàng thấy để việc ấy chậm lại lúc nào thì nàng cứ dấm dứt khó chịu trong người lúc ấy. Lúc qua mặt u già nàng thấy u già lẩm bẩm:

“Đã biết ngay mà.”

Nghe câu ấy Mùi hiểu ngay tại sao u già lúc nẫy lại cứ nhìn nàng và bĩu môi: u thì u cho nàng chỉ vờ vờ vĩnh vĩnh để về nhà bắt chộp u nếu u quên chưa tưới rau.

Nàng đi thẳng ra đứng cạnh Triết:

“Triết à. Chị đã thuê được nhà cho bác Cai, may quá. À hôm nay Triết có đi chơi đâu không?”

“Có, hôm nay em đi xa, không về nhà ăn cơm trưa.”

Mùi suy nghĩ chưa biết đưa Triết bao nhiêu và nàng cũng chẳng bao giờ biết đưa Triết bao nhiêu là vừa cả. Đã có lần, quen thói hay tính toán của mình, Mùi có hỏi về sự chi tiêu của Triết hơi kỹ thì nàng thấy em tỏ ý khác; số tiền nàng cho em đến chiều về nàng thấy vẫn còn để nguyên trên bàn. Nàng khổ lắm vì mới có một tí thế mà Triết đã dỗi nhưng nàng cũng cố nén lòng nói thản nhiên như không thấy gì cả:

“Này Triết để quên tiền.”

Nàng thấy Triết ngần ngừ một lát rồi đứng dậy bỏ tiền vào túi:

“Em quên.”

Từ hôm ấy Mùi cứ đưa tiền mà không bao giờ hỏi nữa nhưng Mùi không biết rõ Triết tiêu những gì; đưa ít quá thì Mùi sợ em thầm chê ít mà đưa nhiều quá lại sợ em tiêu phí mà nàng cũng tiếc tiền thành thử nàng phải dùng cái lối đưa thất thường cho khỏi thành lệ, lúc nhiều lúc ít không chừng.

Mùi mở hộp lấy ra hai hào đặt ở thành bể:

“Em cầm lấy mà tiêu, hôm qua chị được món lời.”

Chưa bao giờ trong một ngày nàng đưa em nhiều thế để tiêu vặt. Nhưng vì có cái mừng nhận được tin Siêu sắp về nên nàng không mảy may tiếc tiền. Nàng thấy Triết đưa mắt nhìn hai hào bạc rồi nói khẽ, mặt vẫn cúi xuống:

“Chị cho em thêm hai hào nữa.”

Mùi ngạc nhiên nhìn em rồi sợ em hiểu lầm là mình ngạc nhiên vì khó chịu, nàng mở hộp, mở vội vàng lấy ra đồng hào ván đặt xuống thành bể. Nàng nhận ra là nếu Triết có xin thêm năm hào hay một đồng nàng cũng đưa ngay, không chút tiếc rẻ mà lại vui sướng nữa. Cái vẻ rụt rè của Triết lúc xin thêm tiền (một việc chưa bao giờ có) đã tỏ ra cho nàng rõ là Triết đã cần đến tiền như thế là em nàng tất phải có một thú vui riêng, mặc dầu nàng không biết thú vui ấy thuộc loại gì mà nàng cũng không bao giờ hỏi em cho biết rõ.

Thực tình nàng cũng muốn ra qua vườn rau xem luống cải, nhưng vì u già đã có ý nghĩ nàng, nếu ra vườn sau tất sẽ tỏ ra là u già hoàn toàn nghĩ đúng mà nàng chỉ hoàn toàn vờ vĩnh.

Đợi đến lúc ra đến cổng, nàng mới quay mặt vào nhìn u già, mỉm cười và nháy u một cái. 

Nguồn: Nhất Linh – Trong Tự lực Văn đoàn. Xóm Cầu Mới (Bèo giạt). Nhà xuất bản Văn Mới, California, Hoa Kỳ, 2002. Bìa: Nhất Linh. Hoạ bản: Nhất Linh. Trình bày: Nguyễn Tường Thiết. Copyright © Nguyễn Tường Thiết. Bản điện tử đăng trên talawas do Nguyễn Tường Thiết cung cấp.

http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=10069&rb=08

 

Comments are closed.