Anh về nhé

Ý Nhi

Vào những năm chín mươi của thế kỷ trước, tôi làm việc tại chi nhánh nhà xuất bản Tác phẩm mới ờ thành phố Hồ Chí Minh.

Trong danh mục tác giả, tác phẩm chuẩn bị cho Tủ sách tinh hoa, có Thơ của Kahlil Gibran.

Biết rằng dịch thơ là việc rất khó khăn, nhất là dịch những tác giả như Kahlin Gibran nên tôi nhờ anh Dương Tường tìm giúp dịch giả. Anh Dương Tường “thương lượng” với anh Phạm Toàn – Châu Diên rồi “bắc cầu” cho hai anh em trao đổi công việc, qua điện thoại.

Phạm Toàn lựa chọn và dịch bộ ba tác phẩm Nhà tiên tri, Jesus – Con trai của NgườiVẻ đẹp đời (Nhà Tiên tri, NXB Hội Nhà văn, 1992). Theo ông, bộ ba tác phẩm này cùng một đề tài và sẽ giúp người đọc có được một cái nhìn thấu đáo hơn, trọn vẹn hơn về Kahlil Gibran – nhà thơ nổi tiếng nhưng chưa được giới thiệu nhiều ở Việt Nam.

Cầm bản thảo trên tay, tôi vui mừng khôn xiết. Chỉ khi có được tri thức uyên thâm, mỹ cảm và sự điêu luyện về ngôn ngữ, mới có thể có một bản dịch tuyệt vời như thế.

Những vần thơ trang nhã, ẩn mật, đầy xác tín như lời nguyện của Kahlil Gibran đã hiện hữu trong bản tiếng Việt của Châu Diên:

Tình yêu chẳng cho gì ngoài bản thân nó và chẳng lấy đi gì ngoài những thứ của chính nó.

Tình yêu không chiếm đoạt cũng chẳng bị chiếm đoạt

Vì tình yêu là đủ cho tình yêu… và đừng nghĩ rằng ta có thể lái được con đường tình, vì nếu thấy ta xứng đáng tình yêu sẽ dẫn đường ta đi… hãy yêu nhau nhưng đừng biến tình yêu thành xiềng xích/ Hãy rót đầy ly của nhau nhưng đừng chỉ uống từ một chiếc ly/ Hãy cho nhau bánh mì nhưng chớ ăn chung một ổ… ngay các sợi dây của các cây đàn cũng riêng tư dù chúng cùng rung theo nhạc điệu… vì cột đền cũng đứng tách riêng và cây sồi cùng cây trắc bá không mọc dưới bóng của nhau…

…Bạn muốn biến thời gian thành một dòng chảy để bạn ngồi trên bờ và ngắm nhìn nó trôi/ Song, cái phi thời gian trong bạn lại ý thức được tính chất phi thời gian của sự sống/ Và biết rõ rằng ngày hôm qua chẳng qua chỉ là ký ức của ngày hôm nay và ngày mai là giấc mơ của ngày hôm nay/ Rằng những gì đang hát ca và đang chiêm nghiệm trong bạn vẫn đang còn nằm trong những giới hạn của thời điểm ban đầu khi các vì tinh tú được rắc vào trong không gian…

Bạn nguyện cầu khi bạn cùng khốn hoặc bạn thiếu thốn/ Mong sao bạn có thể nguyện cầu cả trong niềm vui viên mãn và trong những ngày phong túc/ Vì nguyện cầu là gì nếu không là tràn trải bản thân ta vào trong thinh không sống động…

Với Châu Diên, thơ Kahlil Gibran chính là thông điệp về sự xuất hiện một tôn giáo mới cho cả nhân loại văn minh: “Cái tôn giáo của con người có văn hóa cao, của văn minh đích thực, cái niềm tin tôn giáo ở trong lòng từng con người khi sống hồn nhiên với chính mình và sống hồn nhiên với kẻ khác. Đó là niềm tin vào lối sống thuận tự nhiên cao nhất… một niềm tin tôn giáo như thế chắc chắn sẽ là thuộc tính sắp tới của con người trong thế giới văn minh đích thực, không sống sượng… người dịch Kahlil Gibran hoàn toàn tin rằng bạn đọc sẽ tự soi thấy gương mặt tinh thần mình trong một tôn giáo mới như thế.

IMG20190629105632

Tôi có phần bị chấn động bởi thơ Kahlil Gibran, bởi bản dịch, bởi tư tưởng của nhà thơ và tư tưởng của dịch giả Châu Diên.

Vậy mà, chỉ sau khi sách xuất bản, tôi mới được gặp dịch giả. Nhân một chuyến vào Sài Gòn, ông ghé lại Nhà xuất bản để nhận sách và nhuận bút.

Dù mới gặp lần đầu, ông không khiến tôi cảm thấy xa lạ bởi sự vui vẻ hồn hậu trên nét mặt, trong nụ cười, trong giọng nói của ông. Trước khi ra về, ông còn “tặng” tôi một nhận định vừa thâm sâu vừa hài hước: Người Việt Nam đang mắc phải hội chứng “ghét Mỹ nhưng mà yêu Đô la.

Bẵng đi mấy chục năm, tôi gặp lại Phạm Toàn khi hai anh em cùng tham gia Ban Vận động thành lập Văn đoàn Độc lập – cuộc gặp tự nhiên, vui vẻ như chẳng có quãng thời gian dài xa cách.

Lúc này, ông mải mê với việc làm sách giáo khoa, chỉ nói chuyện làm sách, chỉ khoe các cộng sự trẻ nhiệt huyết và các học trò nhỏ yêu quý của mình.

Ông bảo tôi chọn một bài viết ưng ý của nhà tôi về Truyện Kiều. Tôi hơi ngại vì giáo trình của nhà tôi viết cho sinh viên Đại học, e rằng không thích hợp với học sinh cấp Trung học cơ sở nhưng cuối cùng bị ông thuyết phục, tôi chuyển đến ông bài viết Ngôn ngữ nhân vật trong Truyện Kiều. Ông hào hứng đưa bài viết vào sách giáo khoa môn ngữ văn và tin chắc học trò của ông cần phải hiểu và sẽ hiểu. Ông chuyển cho chúng tôi một bộ sách in rất đẹp. Tiếc rằng các cháu nội của chúng tôi đã lớn, không được hưởng thành tựu của ông. Tôi đã tặng bộ sách cho Thư viện tư nhân Phạm Thế Cường. Trước đó, ông cũng gửi tặng vợ chồng em gái tôi bộ sách dành cho học sinh tiểu học, có ý dành cho cháu nội còn nhỏ của họ. Vợ chồng em gái tôi cũng rất yêu quý ông và Dương Tường, dịp nào ra Hà Nội cũng cà phê, chuyện vãn với hai ông anh. Khi vào Đà Nẵng, hai ông anh chịu khó trèo lên bảo tàng Đùng Đình ăn mì Quảng do em gái tôi nấu rồi nhẩn nha ngắm biển. Phạm Toàn cứ đinh ninh em gái tôi tên là Ý Yên. Mấy lần đính chính, ông nghe gật gù rồi lại vẫn “Ý Yên”: Ý Yên có khỏe không, anh vừa gặp Ý Yên…, tặng sách cũng một mực “Tặng Ý Yên”.

Tháng 11 năm 2015, khi được mời đến Đại sứ quán Thụy Điển nhận giải thưởng Cikada, tôi gửi thư điện tử, rồi gọi điện thoại mời hai người bạn vong niên mà tôi yêu kính là Dương Tường và Phạm Toàn đến chia vui. Hai ông nhận lời ngay và đến sớm mấy phút trước buổi lễ để anh em gặp nhau.

IMG_3727

Phạm Toàn và Dương Tường (phải) mừng Ý Nhi nhận giải thưởng Cikada

Sau các nghi thức trao giải là bữa tiệc nhẹ. Nhìn thấy Phạm Toàn và Dương Tường ở góc xa, tôi vội chạy đến nhắc hai ông về sớm, sợ họ mệt vì phải đứng trong suốt buổi lễ. Dương Tường rủ rỉ: Ừ, bọn anh về đây, Phạm Toàn nói to, giọng ấm áp, thanh thoát: Anh về nhé.

Khi hay tin ông ra đi, tôi chợt như nghe thấy lời chào ấm áp, thanh thoát của ông ngày nào: Anh về nhé.

Và, muốn nói vọng về nơi ông:

Vâng, anh về nhé. Anh bình an.


SG 28/6/2019.

Comments are closed.