Xang Hứng
Tết Giáp Ngọ 2014 lão Bùi Ngọc Tấn vui lắm.
Bước qua tuổi 80, gánh hành trang lão mang theo nhẹ tênh. Thời gian đã cất khỏi vai lão cả những tốt đẹp và thối nát, những chân thành và giả dối, những tiếng cười đắng cay, những hy vọng và tuyệt vọng, cả “5 năm tù dài hơn 1 kiếp người”.
“Thật may, lão cũng còn vớt vát lại chút ít. Rất ít. Trong tiểu thuyết và mấy truyện ngắn. Hy vọng nó sẽ là một cái bong bóng nhỏ cùng với nhiều bong bóng khác nổi lên trên mặt hồ tĩnh lặng của ký ức dân tộc về một thời mọi người đều có thể bị biến đổi gien.”*
Hai cái đầu gối, “một bộ phận không nhỏ” trong cái thân thể nhỏ bé của lão bỗng như hết đau, hồi sinh khi bạn bè đến thăm và chúc Tết gia đình họ. Vợ lão, người đàn bà nhỏ thó nhưng rất mạnh mẽ, can đảm, thủy chung, cả đời chỉ biết đau cùng nỗi đau, hạnh phúc cùng niềm hạnh phúc của chồng. Trên môi bà luôn nở nụ cười, nụ cười đã giúp cho lão tồn tại, rồi hồi sinh trở về từ ngục tối.
Cái Tết vừa đi qua, lão sững người ngạc nhiên khi biết Nhà xuất bản Trẻ đề nghị in những tác phẩm của lão thành “tuyển tập”. Vui thì có vui nhưng đêm nằm lão nghĩ, làm chó gì có nhiều niềm vui đến cùng một lúc như vậy. Quả là một sự vô lý vĩ đại, quá sức tưởng tượng của “Người chăn kiến”: Bùi Ngọc Tấn!
Lão đã vào tù bằng cái tội danh bị “người ta” gán cho. 46 năm trước, thứ sáu, mùng 8 tháng 11 năm 1968, khi tỉnh dậy trên giường vẫn còn là người tự do. Vài giờ sau, lão đã được nhận suất cơm tù lạnh ngắt đặt ngay dưới đất, cùng phần nước uống đựng trong cái bô sắt han rỉ.
5 năm sau ra tù, lão “tự thú” bằng cuốn tiểu thuyết “Chuyện kể năm 2000″. Đứa con tinh thần của lão chưa đầy tháng thì nó lại bị người ta bỏ tù.
Những tưởng đến cái tuổi này thì chẳng còn gì làm lão ngạc nhiên, ấy thế mà khi đối diện với những niềm vui đến liên tiếp, lão đã sướng đến mất ăn mất ngủ. Rít thuốc lá cả ngày, nghĩ ngợi cả ngày, phải có nguyên cớ gì chứ, lão cố tìm hiểu.
Thế rồi lão phát ho phét hen. Ho sù sụ, ho như cuốc, ho ngày, ho đêm. Bao nhiêu thuốc Đông, thuốc Tây, thuốc lá, rồi cả chữa mẹo cũng không làm cơn ho buông tha lão. Suốt mấy tháng ròng, vợ con đưa lão đi khám khắp các bệnh viện, nghe ngóng ở đâu có bác sỹ giỏi là đến ngay. Cuối cùng, có anh bác sỹ đề nghị lão đi chụp CAT (Computed Axial Tomography) phổi.
Vừa đặt lưng trên CAT, lần đầu tiên sau nhiều ngày thức trắng, lão ngủ, ngủ say. Hôm đó là tháng 5/2014.
Cầm tấm phim và tờ kết quả, cô con gái lớn của lão khóc ngất: “Trên cửa sổ trung thất: Tổn thương nốt đơn độc đỉnh phổi trái KT 18,5 x 18,3mm, bờ đều, ranh giới rõ, tỷ trọng mô sau tiêm thuốc cản quang khối ngấm thuốc khá mạnh…”. Gần đây, Hải Yến, con gái lão mới tâm sự: “Hai năm ăn kiêng không làm con giảm được cân nào, thế mà cái khối u trong phổi bố giúp con giảm 4 kg trong vòng chưa đến 1 tháng”.
Thêm một lần nữa, bà vợ chung thủy, nhỏ thó lại đồng hành với lão trong biến cố mới.
Thì ra nguyên nhân là đây. Có thế chứ, một lần nữa lão lại phải trả giá cho đời sống, lần này thì bằng những nguy cơ có thật, cái nguy cơ có kích thước 18,5 x 18,3mm đã “hạ đặt” trái phép trong buồng phổi lão, một cơ quan có tầm quan trọng sống còn của con người. Lại thêm một lần nữa, “Nằm co trên giường, ông nghĩ tới vũ trụ không cùng…”*
Năm 2006, sau hơn 40 năm được thoát khỏi cái “nhà tù nhỏ”, lão có dịp trở lại thăm trại Hoành Bồ, một trong những trại lão đã “sống” qua 5 năm thời trai trẻ. “Một thèm muốn, một khát khao như thèm muốn khát khao được trở lại mảnh sân, góc vườn thời thơ ấu: Ao ước được trở lại những trại giam, những nhà tù tôi đã sống. Những nơi ấy là một phần cuộc đời mình, đã góp phần hình thành mình cả về xương thịt lẫn tâm hồn, không thể thiếu, không thể tách rời. Càng về già, càng đến gần cái kết thúc tất yếu càng mong được một lần trở lại. Không phải quê hương, nhưng là một cõi, cõi mình trải qua một kiếp, để rồi sống tới đáy tuyệt vọng của một kiếp người”*
Lão đã trở về, không phải để căm hận những kẻ đã đày đọa mình, nhưng để có thể quên, để tha thứ, để xóa đi những ám ảnh tuyệt vọng khi đã về già, để tiếp tục sống bên những người thân yêu, bè bạn. Để viết, để được tiếp tục trò chuyện cùng “Chữ”, người bạn chung thủy của lão, những “chữ vô hình, những chữ hoài thai trong ngục tối, trong lao động khổ sai để rồi sinh nở trên giấy trắng mấy chục năm sau đó, một cuộc hoài thai kéo dài hơn nửa kiếp người. Chữ trò chuyện cùng tôi, động viên tôi vượt qua cái chết lâm sàng, an ủi tôi mỗi khi tôi tuyệt vọng.”*
“Có những điều hắn tưởng không bao giờ quên được. Ấy thế rồi hắn đã quên”.*
Lần này thì lão cùng gia đình có toàn quyền quyết định. Tháng 6/2014, Bùi Ngọc Tấn cùng vợ vào Sài Gòn ở với cô con gái.
Lão bảo với tôi: “Anh rất thoải mái trong tinh thần, được sống đến ngày hôm nay là lãi lắm rồi, cho dù có xảy ra điều gì thì anh cũng đã được sống một cuộc đời thú vị, có một gia đình yêu thương, nhiều bạn bè tốt. Khi nghe anh có khối u, bạn đọc, người thân đã tận tình giúp anh, tìm đủ mọi cách tốt nhất cho anh để chữa bệnh. Anh đã bàn với chị và các con, sẽ lại một lần nữa chung sống với cái khối u quái ác này”.
Tôi hiểu rằng lão đã chọn thái độ tiêu cực nên hỏi: “Nếu biết chắc khối u trong phổi là u lành, anh sẽ làm gì?”
Nở nụ cười hiền lành và tươi rói, lão trả lời ngay: “Anh sẽ ra Hải Phòng, và… Viết, anh có rất nhiều ý tưởng…”
Lúc này Yến, cô con gái lớn của lão bước ra tham dự buổi chuyện trò. Tôi đề nghị:
– Như anh kể, một người còn sống, còn sáng tạo được như anh sau khi phải trải qua những năm tháng mà chỉ nhớ lại thôi đã thấy khủng khiếp thì có lý do gì mà ngại ngần khi thêm một lần nữa đối diện với sự thật. Cái quan trọng của người bệnh là tinh thần, điều này anh có. Quan trọng nữa là anh có sự chia sẻ từ gia đình, mọi người luôn bên anh. Em đề nghị anh tham khảo ý kiến của những bác sỹ chuyên khoa. Nếu cần, sẽ dùng biện pháp can thiệp tích cực nhất”.
Giác quan của tôi, quan sát của tôi khi nhìn sắc diện lão cho thấy, đây cũng chỉ là một biến cố thử thách của cuộc đời. Lần này cũng chả kém gì những thử thách khắc nghiệt nhất là lão đã từng vượt qua. Lão sẽ chết, nhưng là chết già. Điều quan trọng là trước khi chết già, lão còn phải tiếp tục “lao động khổ sai” và hạnh phúc cùng “Chữ”. Lão sẽ còn được đắm đuối, cay đắng, được lặn ngụp, nhấm nháp và nghiền ngẫm “Chữ”. Được vuốt ve ngắm nghía, gọt giũa, ấp ủ trong tim, ngậm trong miệng, thì thầm và đọc to lên, “Chẳng hạn như người vô hình, mùi của trẻ thơ, góa sống, chứng say tù, độc quyền yêu nước, độc quyền nhận sai lầm, tù ngoại trú mang bản quyền Bùi Ngọc Tấn trong văn học rất rõ ràng. Mà đâu chỉ là những cụm từ. Đó là những khái niệm sống.”*
Tôi mang bệnh án của lão tham khảo ý kiến các bác sỹ chuyên khoa. Trên phim chụp cắt lớp độ dày 8mm trước và sau tiêm thuốc cản quang có thể nhận thấy một tổn thương nốt đơn độc, không có hạch to có ý nghĩa bệnh lý trung thất và rốn phổi hai bên. Khẩu kính các mạch máu lớn trong trung thất bình thường, có xơ mỡ thành động mạch chủ ngực. Không thấy tràn dịch trung thất và màng phổi hai bên. Trên cửa sổ nhu mô: không thấy tràn khí trung thất và khoang màng phổi. Không thấy hình ảnh giãn phế quản và phế nang hai bên.
Hình ảnh nốt đơn độc ở đỉnh phổi trái có thể là u phổi. Vị trí không cho phép chọc sinh thiết. Các bác sỹ thống nhất sau khi kiểm tra chức năng phổi, nâng cao thể trạng là có thể dùng phương pháp mổ nội soi lấy trọn khối u ra. Lão sẽ lại về Hải Phòng, tôi tin như vậy…
Vui mừng gọi điện cho lão, nói rõ ý kiến của các bác sỹ. Lão mừng lắm nhưng vẫn hỏi tôi một câu: “Có cách nào mà không phải mổ, chấp nhận sống chung với “Nó” cả đời không?”
Lần đầu tiên, với một người bạn, người anh lớn, một nhân cách đáng kính trọng, tôi phải gắt lên:
– Trường hợp của anh không giống như trường hợp bệnh cả dân tộc mắc phải, muốn khỏe mạnh thì bất kể loại khối u nào, dù lớn hay nhỏ, dù ác hay lành đều cần cắt bỏ, cắt tận gốc. Đây là lúc anh được toàn quyền quyết định chất lượng đời sống của mình. Hãy đau thêm một lần để có một cuộc sống trong lành cho đến…chết”.
Tôi biết, ở đầu dây bên kia, anh lại nở một nụ cười hiền và đồng ý với tôi.
Sài Gòn tháng 7/2014.
(*) Lời của nhà văn Bùi Ngọc Tấn
Nguồn: http://hieuminh.org/2014/07/11/bui-ngoc-tan-va-khoi-u/