Louise Glück, nhà thơ đoạt giải Nobel đã qua đời ở tuổi 80

Adrian Horton, The Guardian 13/10/2023

Bản dịch của Văn Việt

Louise Glück in December 2020.

Louise Glück tháng 12, 2020. Ảnh: Daniel Ebersole/AP

Người đoạt giải Pulitzer và cựu danh hiệu Khôi nguyên Thi ca được biết đến với tác phẩm trữ tình sắc sảo, khắc khổ.

Louise Glück, tác giả đoạt giải Nobel và là cựu Khôi nguyên Thi ca của Hoa Kỳ, đã qua đời ở tuổi 80. Cái chết của bà đã được Jonathan Galassi – biên tập viên của bà tại nhà xuất bản Farrar, Straus and Giroux – xác nhận hôm thứ Sáu với hãng tin AP. Là một nhà thơ thẳng thắn, kiệm lời, thường buồn bã, với những ám tượng thần thoại cổ điển bao quanh là những hồi ức và hiểu biết sâu sắc về triết học, Glück được trao giải Nobel văn học năm 2020.

Ban giám khảo giải Nobel ca ngợi “giọng thơ không thể nhầm lẫn của bà với vẻ đẹp khắc khổ đã khiến sự tồn tại cá nhân trở nên phổ quát”. Thơ của bà, thường chỉ một trang hoặc ít hơn, sắc bén một cách tàn nhẫn, thể hiện sự cam kết của bà đối với “điều không nói ra, đối với sự khơi gợi, đối với sự im lặng hùng hồn, có chủ ý”.

Là người gốc New York, trong đời mình Glück đã xuất bản hơn chục tập thơ, cùng với các bài tiểu luận và cuốn Marigold and Rose, một truyện ngụ ngôn văn xuôi ngắn. Trong số những nguồn ảnh hưởng rất mạnh đến tác phẩm của bà, có thần thoại cổ điển, Shakespeare và Eliot.

Năm 1993 bà được trao giải Pulitzer cho cuốn Wild Iris, một tập thơ có chủ đề đau khổ, cái chết và sự tái sinh. Các tác phẩm khác bao gồm các tuyển tập The Seven Ages, The Triumph of Achilles, Vita Nova và tuyển tập Những bài thơ 1962-2012. Ngoài Pulitzer, Glück còn nhận được nhiều giải thưởng văn học khác, trong đó có giải Bollingen cho thành tựu trọn đời năm 2001, giải Sách Quốc gia năm 2014 cho Faithful and Virtuous Night, và Huân chương Nhân văn Quốc gia năm 2015 cho “hàng thập niên dòng thơ trữ tình mạnh mẽ thách thức mọi nỗ lực gán cho nó một cái tên dứt khoát”.

Bà cũng từng là Khôi nguyên Thi ca của Hoa Kỳ từ năm 2003-2004 và giảng dạy cho nhiều thế hệ nhà văn đầy tham vọng tại các học viện như Stanford và Yale.

Sinh ngày 22 tháng 4 năm 1943 tại Thành phố New York, Glück xuất thân từ người Do Thái ở Đông Âu và lớn lên ở Long Island. Daniel Glück, cha bà, là một doanh nhân được ghi nhận một phần trong việc phát minh ra dao X-Acto; Beatrice Glück, mẹ bà, là một người nội trợ.

Bà bắt đầu quan tâm đến thơ ca khi còn trẻ, mặc dù việc học tập sau này của bà bị chệch hướng bởi chứng chán ăn, căn bệnh chiếm phần lớn thời niên thiếu và những năm đầu tuổi 20 của bà. Quá yếu không theo học đại học được, Glück dự thính các khóa tại Sarah Lawrence College và Columbia University, ở đó bà tìm thấy những người hướng dẫn là nhà thơ kiêm giáo viên, cô Léonie Adams và thầy Stanley Kunitz.

Sau đó, bà ghi công tạo dựng cuộc đời bà – và khả năng viết lách – cho bảy năm phân tích tâm lý chuyên sâu ở độ tuổi 20. “Phân tích dạy tôi suy nghĩ. Dạy tôi cách sử dụng xu hướng nói không với những ý tưởng được trình bày rõ ràng về ý tưởng của chính mình, dạy tôi cách sử dụng nghi ngờ, kiểm tra lời nói của chính mình để phát hiện sự tránh né và cắt bỏ,” bà nhớ lại trong một bài giảng năm 1989 tại Bảo tàng Guggenheim. “Tôi càng giữ kín kết luận, tôi càng thấy nhiều điều hơn. Tôi tin rằng tôi cũng đang học cách viết.” Vào giữa những năm 20 tuổi, bà đã xuất bản các bài thơ trên tờ New Yorker, Atlantic Monthly và các tạp chí khác. Tập thơ đầu tiên của bà, Firstborn, được xuất bản năm 1968 sau nhiều năm nhà văn không viết gì; cuốn sách thứ hai của bà, The House on Marshland, phát hành năm 1975, đạt được thành công đột phá về mặt văn học. Các tác phẩm tiếp theo, bao gồm The Wild IrisArarat, đã trở thành minh chứng cho sự tái tạo và thử thách sáng tạo. Bà từng viết: “Ưu điểm của thơ so với cuộc sống là thơ nếu đủ sắc bén thì có thể trường tồn”. Glück đã kết hôn và ly hôn hai lần, lần đầu tiên vào năm 1967 với Charles Hertz Jr, và với John Dranow vào năm 1977, người mà bà có chung một đứa con trai, Noah.

Comments are closed.