Đêm giữa ban ngày (kỳ 1)

Vũ Thư Hiên

Tôi tặng cuốn sách này cho:

Những người con của đất Việt

đã cống hiến đời mình cho một nước Việt Nam

độc lập, tự do và dân chủ.

Hương hồn cha tôi,

và những người cộng sản

đã chết bởi tay các đồng chí của họ.

Mẹ tôi,

người dạy tôi sống không cúi đầu.

Vợ tôi,

người cùng chia sẻ

vô vàn khốn khó trong những năm tháng đen tối của đời tôi.

Các bạn tù của tôi,

cộng sản cũng như không cộng sản.

Các thế hệ sau tôi,

hy vọng họ sẽ không bao giờ phải sống như tôi đã sống,

dưới bất cứ gông cùm chuyên chế nào.

Tự bạch

Ba mươi năm đã trôi qua kể từ khi ở miền Bắc Việt Nam nổ ra một vụ án lớn, cho đến nay vẫn còn là chuyện khó hiểu đối với nhiều người.

Trong nhân dân, vụ án này có tên nôm na là vụ “Xét lại chống Đảng”. Tên chính thức của nó ít ai được biết, kể cả các đảng viên cộng sản, là “Vụ án tổ chức chống Đảng, chống Nhà nước ta, đi theo chủ nghĩa xét lại hiện đại và làm tình báo cho nước ngoài”[1]. Đây là tấn bi kịch lớn nhất trong hàng ngũ những người cộng sản Việt Nam, gây hại cho nhiều người, nhiều gia đình, từ nhà cách mạng lão thành suốt đời đấu tranh cho độc lập dân tộc, cho tới đứa trẻ vừa lọt lòng mẹ trong nền độc lập đã giành được[2].

Trong vụ án này Đảng[3] cầm quyền bất chấp luật pháp do chính nó đặt ra đã xuống tay hạ ngục, giam cầm và lưu đày nhiều năm không xét xử những người có quan điểm chính trị bất đồng. Nằm trong phạm vi trấn áp của vụ án do Ban tổ chức Trung ương Đảng khởi xướng còn phải kể rất nhiều cán bộ, đảng viên có liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp với những người bị bắt. Ngoài số đó ra, nhiều dân thường cũng bị Đảng nhân tiện chụp cho cái mũ “xét lại hiện đại” để “xử lý”. Tất tật bị nhét chung vào một rọ, bị Đảng trừng phạt bằng nhiều cách khác nhau, với mức độ khác nhau.

Bị bắt năm 1967, những người tù không có án, còn gọi là tù “xử lý nội bộ”, tới năm 1973 mới lần lượt được thả.

Chưa hết. Sau sáu năm giam cầm, họ còn phải chịu những năm lưu đày biệt xứ và quản thúc tại gia.

Tưởng chừng vụ án đến đây là kết thúc, nhưng không phải.

Người cuối cùng trong số tù nhân được Đảng ban cho ân sủng “xử lý nội bộ” mãi tới tận tháng Chín năm 1976 mới được ra khỏi cổng nhà tù.

Người tù ấy là kẻ viết những dòng này.

Đáng ngạc nhiên là sau nhiều năm “im lặng đáng sợ”, nói theo cách của nguyên tổng bí thư Nguyễn Văn Linh, những ban lãnh đạo Đảng kế tiếp nhau tính từ thời tổng bí thư Lê Duẩn trở đi, vẫn khăng khăng khẳng định rằng đảng của họ đúng trong cách xử lý vụ án, rằng những kẻ vi phạm luật pháp (của Đảng và chỉ của Đảng mà thôi) xứng đáng chịu những án hình lẽ ra phải nặng hơn những án hình mà Đảng nhân từ đã ban cho.

Trong chín năm tù, tôi chỉ làm được một việc có ích cho bản thân và cho những người mà tôi thương yêu là giã từ được ảo ảnh về một xã hội cộng sản được tô vẽ như là thiên đường dưới thế.

Sự nhìn lại đời mình cũng như sự quan sát số phận của đồng bào trong những nhà tù tôi đi qua đã mang lại cho tôi cái nhìn tỉnh táo không riêng với những hành động phi nhân của những vua chúa mới, mà cả một thể chế xã hội trong đó con người dù muốn dù không đều đánh mất mình.

Cuốn sách mà bạn đang cầm trong tay là một phần những quan sát của tôi, một phần những suy nghĩ của tôi về cái xã hội khó hiểu mà số mệnh đã an bài cho tôi sống trong lòng nó.

Xã hội này là khó hiểu, bởi vì căn cứ những gì tôi biết, nó khởi sinh từ những ý muốn tốt đẹp, bắt đầu bởi những con người lương thiện. Cũng căn cứ những gì tôi biết, tôi dám đoan chắc rằng trước kia, khi mới nhập vào dòng chảy của cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, họ không hề ấp ủ những mưu đồ xấu xa.

Trong sự biến dạng của những người cộng sản, trong sự tha hóa của họ, cái gì là tác nhân – chủ thuyết mà họ theo đã nhào nặn con người họ thành ra như thế hay chính họ tự biến đổi để trở lại nguyên hình, cho đúng với bản thể do trời đất tạo ra, hay là cả hai cái đồng thời, tôi không rõ.

Cuốn sách này chỉ là một chút ánh sáng soi rọi vào một vụ án cụ thể nhưng mang tính tiêu biểu cho nền cai trị của Đảng cộng sản, một mảnh gương con phản ảnh một số mặt ít người biết đến của xã hội miền Bắc Việt Nam. Cho nên, vụ án chỉ là cái cớ để nói về cái lớn hơn – về một thể chế được áp đặt lên mọi số phận người đã bị tước đoạt mọi quyền lựa chọn để được sống xứng đáng là người.

Là cái nhìn từ phía người trong cuộc, hồi ức của tôi, cũng như mọi hồi ức khác, không thể tránh khỏi những gì mang tính chủ quan trong sự lựa chọn, trình bày các sự kiện. Nhưng, cũng lại với tư cách hồi ức, nó vẫn là một thứ bằng chứng, cho dù chỉ là bằng chứng từ một phía. Tôi cố gắng, trong chừng mực có thể, đưa ra bằng chứng của riêng tôi, với cái nhìn khách quan tối đa, về vụ án nói trên, qua đó người đọc cũng có thể thấy được bằng chứng về cái xã hội trong đó vụ án đã xảy ra.

Trong cuốn sách này chỉ có sự thật theo cách mà tôi hiểu. Hình thức văn học mà tác giả sử dụng trong cuốn sách chỉ vừa đủ cho bức tranh sự kiện không thành quá tẻ nhạt. Văn học đích thực không có chỗ nơi đây.

Vì mục đích cuốn sách giới hạn trong một vụ án, cho nên nó không thể là cuốn sách nói về chế độ lao tù ở Việt Nam. Để nói về nhà tù Việt Nam cần một cuốn sách khác. Mà đó là một đề tài đáng được chú ý, chí ít cũng là một sự quan tâm không thể thiếu đối với số phận đồng loại trong một nửa thế kỷ.

Quá khứ sẽ chẳng có ích cho ai bởi sự hồi tưởng đơn thuần. Quá khứ chỉ có ích khi con người lấy nó làm cái để mà suy ngẫm, rút ra trong lòng những sự kiện quá khứ bài học cho tương lai.

Cuốn sách này không phải là lời lên án một xã hội nay mai sẽ trôi vào quá khứ.

Tôi không dám đặt cho mình mục đích buộc tội. Chỉ vì lịch sử thường có sự lặp lại, cho nên tôi muốn gióng lên hồi chuông cảnh báo.

Tôi cũng không thể đóng vai người buộc tội, không nên yêu cầu tôi đóng vai đó, bởi trong cái xã hội được miêu tả tôi không đơn thuần là nạn nhân. Về mặt nào đó, trong chừng mực nào đó, tôi còn là thủ phạm.

Tôi viết vì tôi không thể nói lên tiếng nói của mình. Tôi quan niệm kẻ không dám nói “không” trước tội ác là kẻ đồng lõa với tội ác.

Và sau hết, theo cách biểu đạt của nhà văn Nga Prishvine, tôi chỉ là “một cái lá trong hàng triệu cái lá của cây đời, và nói về một cái lá thì cũng là nói về những cái lá khác”. Số phận tôi được nói đến trong cuốn sách này cũng là số phận của nhiều người cùng thế hệ.

Xin hãy coi cuốn sách này là lời sám hối trước đồng bào của cha tôi nay đã không còn. Nó được thực hiện theo lời trăn trối của Người.

Cuốn sách này là một vòng hoa muộn, một nén hương thêm đặt lên mồ những nạn nhân xấu số của một thời kỳ đen tối, những con người bất hạnh đã không chờ được đến ngày cuộc đời lập lại sẽ công bằng cho họ.

Tác giả

1

Lễ mừng Thiên chúa Giáng Sinh năm 1967 tại Hà Nội chẳng hứa hẹn một sự náo nhiệt thường có. Quá nửa số dân đã sơ tán khỏi thành phố. Người ở lại phần nhiều là cán bộ nhân viên các cơ quan Trung ương và địa phương, dân quân tự vệ, cộng với một số dân thường vì lý do này hay lý do khác không thể đi được. Phố xá mất hẳn vẻ sầm uất. Nhiều nhà đóng im ỉm. Bên trên mái đá đen các công thự cũ thời thuộc địa, trên các nóc nhà cao tầng mới xây, tua tủa nòng đại liên trung liên ngóc lên trời xanh nhiệt đới. Vỉa hè lỗ chỗ hầm trú ẩn cá nhân làm bằng những ống cống xi-măng đúc.

Chiến tranh thực sự chưa dạo bước trên ba mươi sáu phố phường, nhưng bóng đen của nó đã trùm lên mái ngói âm dương thanh bình của kinh thành Thăng Long cổ kính.

Trong phố vắng những người ở lại, phần lớn thuộc lớp tuổi trẻ, quần áo gọn gàng, dáng tất bật, cắm cúi đi sát tường, khẩu AK trên vai. Phóng viên AFP ở Hà Nội nhận xét: “Hà Nội bình thản và nhanh chóng hòa nhập với nếp sống thời chiến, dù cho ở bên kia Thái Bình Dương Lầu Năm góc chưa vội vã tuyên bố chiến tranh với nước Việt Nam cộng sản”.

Hà Nội sẵn sàng chống trả, báo Nhân Dân viết.

Người Hà Nội làm việc, ăn ngủ, yêu đương, sinh con đẻ cái trong bầu không khí căng thẳng chốc chốc lại vỡ oà bởi tiếng nổ của mọi cỡ súng lớn nhỏ rộ lên từng đợt mỗi khi máy bay Mỹ bay ngang; trong tiếng nữ phát thanh viên quen thuộc vang vang trên các phố vắng “Đồng bào chú ý! Đồng bào chú ý! Máy bay địch cách Hà Nội ba mươi cây số! Máy bay địch cách Hà Nội hai mươi cây số! Máy bay địch cách Hà Nội mười lăm cây số!”; dưới những vệt khói trắng mỏng manh của tên lửa đất đối không SAM-1, SAM-2 được chế tạo tại Liên Xô…, chúng vun vút kẻ những vệt trắng lên trời xanh nhiệt đới.

Cuộc xung đột vũ trang tại miền Nam với một bên là quân du kích do Hà Nội bí mật tổ chức và yểm trợ ngay từ khi Hiệp định Geneve 1954 được ký kết, cộng với sức mạnh của quân chính quy trá hình xâm nhập bằng đường mòn Hồ Chí Minh qua vĩ tuyến 17, và bên kia là chính quyền Sài Gòn được Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ yểm trợ về mọi mặt, khởi đầu bằng những trận đánh lẻ tẻ đầu thập niên 60 đã lớn lên mau chóng để trở thành nội chiến, hiểu theo nghĩa những người sống và chết trên chiến trường đều là người Việt.

Sự có mặt ngày càng đông đảo các lực lượng vũ trang Mỹ ở miền Nam Việt Nam đã biến cuộc chiến tranh giữa những người cùng một máu thành chiến tranh Việt-Mỹ, như người ta thường nhìn thấy nó như vậy, từ bên ngoài. Về thực chất, đó chính là cuộc đối đầu giữa hai phe cộng sản và tư bản thế giới. Trong bối cảnh chiến tranh lạnh toàn cầu, cuộc chiến tranh nóng ở Việt Nam còn kéo thêm một số quốc gia vào lò lửa của nó, hứa hẹn một sự dai dẳng không biết khi nào mới kết thúc.

Trên lãnh thổ miền Bắc Việt Nam cuộc giao tranh độc đáo và dữ dội chưa từng có giữa bầu trời và mặt đất, bắt đầu từ năm 1965, là sự phát triển tất yếu của cuộc chiến tranh cục bộ nọ. Bằng những trận không tập ồ ạt, rất ác liệt, không ngưng nghỉ, tổng thống thứ 36 của Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ quyết tâm bắt Hà Nội phải quỳ gối trước sức mạnh của vũ khí[4].

Đêm trước, người Hà Nội thở phào nhẹ nhõm nghe giữa lao xao sóng điện đài gần đài xa tin các bên tham chiến trên bán đảo Đông Dương đã thỏa thuận được với nhau một ngày ngừng bắn nhân kỷ niệm Chúa Kirixitô ra đời. Lễ mừng Thiên Chúa Giáng sinh 1967 đến với Hà Nội như một ngày hòa bình bất ngờ, một ngày không bình thường trong cuộc chiến, không phải nhờ ơn người, mà nhờ ơn Chúa.

Thành phố yên tĩnh như thể chưa bao giờ nó yên tĩnh như thế.

Từ sáng sớm không có còi báo động. Chỉ có tiếng loa điện oang oang nhắc nhở mọi người cảnh giác trước hành động bất trắc của kẻ thù. Quanh hồ Hoàn Kiếm nhân dân đi lại nhộn nhịp hơn ngày thường. Nhân đợt ngưng chiến ngắn ngủi, những người sơ tán gần thành phố hối hả đạp xe về nhà. Họ dùng vội khoảng thời gian yên tĩnh ngắn ngủi để đi khám bệnh, đi mua bán, thăm hỏi người thân, đến chơi với bè bạn, ăn với nhau một bữa cơm, uống với nhau một tuần trà, để rồi sớm hôm sau lại tất tả lên đường. Bên miệng hầm tập thể vắng bóng những bà mẹ nhỏ bé bế con nép dưới những khẩu hiệu nhiều cỡ “KHÔNG CÓ GÌ QUÝ HƠN ĐỘC LẬP TỰ DO” của chủ tịch Hồ Chí Minh.

Nước hồ phẳng lặng. Tháp Rùa hiện lên không rõ nét trong sương mù lãng đãng. Gió bấc thổi nhẹ. Trời se lạnh. Hà Nội vào đông muộn hơn mọi năm.

Tôi đang thong thả đạp xe từ Hàng Trống qua Hàng Bài thì bỗng nghe tiếng người gọi tên mình. Mải suy nghĩ tôi không nghe thấy ngay, đến khi nghe thấy thì đã đạp quá mất một quãng.

Người gọi tôi dừng xe, khua tay loạn xạ để tôi nhận ra anh ta. Thấp béo, đầu sùm sụp cát-két dạ trên cái mặt tròn, trong bộ đồ bảo hộ lao động nhàu nhã, anh ta hớn hở khi thấy tôi quay mặt về phía mình. Ai thế nhỉ?

Đành phải tạt vào vỉa hè, dừng xe trước một cửa hàng đóng im ỉm trong những cánh gỗ nham nhở, trước kia là hiệu chuyên doanh đồ sơn mài.

– Gớm, tìm anh gần chết! – anh chàng phanh xe lại ngay trước mặt tôi, cười tít, người chúi về phía trước, hai mắt chỉ còn là hai đường chỉ – Anh về ngay cơ quan, thủ trưởng đang đợi anh. Nhanh lên, để kịp tiếp khách! Em qua nhà, chị nói anh vừa đi, em phóng theo, nhưng không kịp…

Uỷ ban liên lạc văn hóa với nước ngoài, cơ quan cấp trên của báo ảnh “Việt Nam”, nơi tôi làm việc, thỉnh thoảng lại lấy tôi qua làm việc. Công việc tôi được Uỷ ban giao cho là giúp chủ nhiệm Uỷ ban tiếp khách. Khách đến phần nhiều từ Liên Xô hoặc các nước Đông Âu, đều biết nói tiếng Nga, là thứ tiếng tôi thông thạo. Người ta dùng tôi vào việc này chẳng qua cho đỡ tốn, bớt được một phiên dịch. Tôi có thể kiêm nhiệm hướng dẫn viên du lịch đưa họ đi thăm các danh lam thắng cảnh ở thủ đô hoặc các địa phương. Công việc kể ra cũng dễ chịu, nếu như khách là những nghệ sĩ hoặc những nhà hoạt động văn hóa. Nhưng không phải lúc nào cũng được như thế, đôi khi rơi vào số khách mang danh ngành văn hoá của nước bạn lại là những cán bộ chính trị thuần tuý làm việc trong lĩnh vực văn nghệ chỉ để nắm cương vị lãnh đạo. Trong trường hợp này công việc của tôi chẳng còn dễ chịu nữa. Những chính trị gia được đôn lên thành nhà văn hoá đến thăm viếng hữu nghị chỉ ưa những cuộc họp liên miên với những diễn văn được chế sẵn lê thê đến phát ngán về “tình hữu nghị không gì lay chuyển nổi giữa hai dân tộc trên cơ sở chủ nghĩa Marx-Lênin bách chiến bách thắng”, những bài diễn văn này làm tôi mệt nhoài. Còn nói chung, trong đại đa số trường hợp, công việc mà tôi được làm là thú vị. Những người khách phương xa (nhiều người sau này trở thành bạn tôi), phần lớn lịch sự và phong nhã, đã mang lại cho tôi những giờ phút vui vẻ và hơi hướng xứ lạ, là cái bao giờ cũng làm cho cuộc sống hàng ngày đơn điệu bớt tẻ nhạt.

Điều làm tôi ngạc nhiên là khoảng nửa năm nay Uỷ ban đã không còn dùng tôi vào việc tiếp khách nữa, không hiểu sao nay lại cho người gọi tôi đến?

Chuyện ấy có nguyên nhân của nó.

Kể từ năm 1964, khi cuộc đối đầu Trung-Xô trở thành đặc biệt căng thẳng thì bầu không khí chính trị ở Việt Nam cũng nóng theo. Ở khắp nơi, trong những cuộc họp, những người cộng sản cốt cán, với vẻ mặt nghiêm trọng, la lối đến khản tiếng về nguy cơ của chủ nghĩa xét lại hiện đại và sự cần thiết phải vận dụng toàn lực chống lại nó. Cái nguy cơ ở quá xa dạ dày chẳng làm cho những người dân đói bụng lo sợ, do đó ngoài những lời hưởng ứng không thể đừng, thiên hạ vẫn bình chân như vại. Chỉ có giới trí thức vốn không ưa Trung Quốc trong tinh thần căm ghét truyền thống nhằm vào ông hàng xóm dữ tợn với xu hướng bành trướng và bá quyền không giấu giếm là còn tỏ ra khó chịu với thái độ thân Trung Quốc của đảng cầm quyền. Đảng cầm quyền tất nhiên không cho phép một sự bướng bỉnh như thế được tồn tại trên đất đai mà Đảng toàn quyền cai trị. Từ ngày có cuộc “đấu tranh giữa hai đường lối” bất cứ cán bộ nào dám ngang ngược phát biểu những quan điểm khác với Đảng về bất cứ vấn đề gì, không cứ về đường lối đối nội hay đối ngoại của Đảng, đều bị coi là phần tử xét lại, chí ít thì cũng là phần tử hữu khuynh không đáng tin cậy.

Tôi bị liệt vào số đó.

– Anh hôm nay không bận gì đấy chứ?

Một câu hỏi để mà hỏi. Vớ vẩn. Ủy ban đã cho gọi thì tôi nhất định phải đi rồi, có thoái thác cũng chẳng được.

– Anh về trước đi! – tôi lạnh nhạt – Tôi qua nhà một lát, thay quần áo cái đã.

Tôi đã có chương trình cho hôm nay. Tôi không thích nó bị phá vỡ. Tôi đã tính đưa vợ con đi chơi. Được đi chơi trong một ngày hiếm hoi không có báo động thật là tuyệt. Chúng tôi sẽ đến thăm một người bạn cũ lâu không gặp. Nghe nói anh bị ốm bất thần. Có thể, chúng tôi sẽ ăn cơm ở đó. Vợ tôi muốn cho các con đi cùng, nhân tiện kiếm mua mấy thứ lặt vặt.

Tôi ngán ngẩm nhìn thằng cha phá quấy. Chán quá, ủy ban không báo trước để tôi có thể sắp xếp việc riêng của mình. Mà tay này ở đâu ra nhỉ? Có lẽ ở phòng bảo vệ. Ngoài bộ phận đó ra, có ai đi làm chủ nhật?

– Dào, chẳng sao đâu – y nhe hàm răng cải mả, cười không ra tiếng – Đang đánh nhau, mặc thế nào chả được. Thế này tươm chán rồi. Khách lại đang đợi.

Trên người tôi có cái áo bông xanh, cái quần ka-ki, cả hai đều mới, nhưng nhàu nát. Đã lâu chúng tôi quên hẳn việc là quần áo. Không ai trách ai vận đồ không có nếp. Thời chiến quần áo giặt sạch quá, phẳng phiu quá, nếp là rõ quá, còn bị phê phán là sang trọng rởm. Nó là cái gì nếu không phải tàn dư của nếp sống tư sản?

Tôi còn lưỡng lự, thì anh chàng nọ đã trườn về phía tôi.

– Anh về làm gì?! – y chồm tới, nắm lấy ghi-đông xe tôi – Xe đến rồi kìa!

Tay y nổi gân vì nắm chặt. Tôi chưa kịp ngạc nhiên thì một chiếc com-măng-ca Liên Xô đã phanh két bên cạnh. Cửa xe bung ra. Hai thanh niên đen nhẻm phóng xuống. Không nói không rằng chúng túm lấy tôi, lôi tuột lên xe. Tôi còn nhìn thấy anh chàng vừa gọi tôi. Bộ mặt nhăn nhở biến mất, thay vào đó là đôi mắt cá ươn và tiếng cười gằn:

– Lên xe ngay! Biết điều đừng chống cự!

Giờ, ở khoảng cách gần, tôi mới nhận ra y – thằng cha này thường lẽo đẽo bám theo tôi mấy ngày gần đây. Vận đồ bộ đội, cái xà-cột lủng lẳng bên hông, y lấp ló như một con chuột trong đám đông.

Cũng trong thoáng ấy tôi nhìn thấy hơn một chục xe đạp tản ra từ chỗ chiếc com-măng-ca vừa đỗ. Đó cũng là những tên tham gia vụ bắt cóc, nhưng sự việc diễn ra gọn gàng, những tên này chưa phải động thủ. Mọi tình huống đã được lường trước, được sắp xếp trước, y như một trường đoạn trong một phim gangster.

Không một người qua đường nào biết ở nơi này vừa xảy ra chuyện gì. Những chiếc xe đạp vẫn vun vút phóng qua. Trong tiệm đồng hồ, sau tủ kính, tôi nhìn thấy anh Sinh cắm cúi làm việc. Tôi quen anh Sinh đã nhiều năm. Trong khi mọi thợ đồng hồ đều phải vào các tổ hợp tác hoặc hợp tác xã, anh vẫn được phép hành nghề với một cửa hàng riêng, có thể nhờ một ân sủng nào đó, hoặc nhờ có thành tích đặc biệt nào đối với cách mạng, tôi không rõ. Hiền lành, lễ phép với bất cứ khách hàng nào, phong thái của anh gây ấn tượng về một người sẵn sàng cam chịu, nhưng qua những gì tôi biết về anh, nhiều nhất là những câu chuyện tâm sự, tôi hiểu đó chỉ là cái vỏ ngoài che giấu sự khinh mạn đến cùng cực chế độ trong đó anh phải sống. Nếu Sinh ngẩng đầu lên, hẳn anh sẽ nhìn thấy tôi bị lôi lên xe. Tôi thầm mong anh ngẩng đầu lên. Nhưng anh không ngẩng lên. Hình ảnh ghi lại trong trí nhớ của tôi vào mấy giây cuối cùng là một người đàn bà bồng con vượt qua mũi xe. Đứa bé ngủ say trong tấm ni-lông cứng quèo, má hồng lên trong gió bấc.

Theo cái cách kỳ cục như thế, tôi trở thành kẻ tham gia cái mà người ta gọi bằng một chuỗi từ ngữ sang trọng là “cuộc đấu tranh giữa hai đường lối” trong phong trào cộng sản quốc tế.

“Thế là việc phải đến đã đến!”, tôi tự nhủ, ngả người trên tựa ghế xe, lòng bình thản.

Không hiểu sao, vào đúng cái khoảnh khắc gay cấn nhất, tệ hại nhất trong đời mình, tôi không nhớ đến cái gì khác mà lại nhớ tới một câu nói nổi tiếng của Nguyễn Tuân[5] “Nước ta là một pháp trường trắng. Không có đầu rơi, không có máu chảy, mà có người chết”.

Bác Nguyễn ơi, bác sai rồi. Pháp trường Việt Nam, kể từ năm 1945, không hề trắng. Đã có nhiều đầu rơi, đã có nhiều máu chảy. Và có rất nhiều người chết. Bằng rất nhiều kiểu chết khác nhau. Chẳng qua trong vô vàn những cái chết ấy, cảnh không có đầu rơi, không có máu chảy là nhiều, nên bác mới có sự ngộ nhận.

Bây giờ tôi mới hiểu Nguyễn Tuân thốt lên câu đó trong hoàn cảnh nào. Trong một phút phân thân, nhà văn già bỗng bàng hoàng nhìn thấy trước mắt mình một quần thể nhân sinh quái đản không hiểu sao lại kết thành hàng ngũ để sống trong nghi kỵ và thù hằn, trong cuộc chiến không lúc nào ngưng nghỉ. Một cuộc chiến âm thầm, không tiếng súng, với những xác chết không thương tích, hoặc sống vật vờ, với bộ não vô dụng, như những zombi[6]

Giờ đây, trong cuộc chiến mà Nguyễn Tuân nói tới, tôi đã trở thành con mồi của nó. Tôi đang được đưa đi đâu đây? Tới pháp trường nào?

Đó là chủ nhật 24 tháng 12 năm 1967.

Tôi nhớ từng chi tiết của ngày hôm đó. Trong hồi tưởng, tôi thấy rõ mồn một, như trước mắt tôi mọi chuyện được diễn ra một lần nữa. Thời gian đang trôi đột ngột dừng lại. Như một cadre-stop trong cuốn phim đang chiếu. Nó là ngày bước ngoặt, ngày cắt đôi, ngày ranh giới của đời người. Về sau tôi mới biết cảm giác đó chẳng phải của riêng tôi – bất cứ ai từng bị bắt cũng nhớ từng chi tiết vụn vặt nhất của cái ngày đáng nguyền rủa đó.

Tôi ra khỏi nhà lúc chín giớ sáng và mất tăm từ đó. Cả nhà tôi bổ đi tìm, nhưng không thấy tôi ở bất cứ đâu, ở nhà họ hàng cũng như ở nhà bè bạn. Ngày hôm sau, rồi hôm sau nữa, vẫn biền biệt. Thẻ nhà báo, giấy chứng minh nhân dân tôi thường mang theo người được tìm thấy trong ngăn kéo bàn viết. Như vậy, nếu chẳng may xảy ra tai nạn giao thông người ta cũng chẳng biết nạn nhân là ai.

Vợ tôi đạp xe khắp Hà Nội, đập cửa bè bạn báo tin dữ. Bạn bè tôi nháo nhác. Họ lao tới các bệnh viện, các trạm cấp cứu, xục tìm trong những nhà xác tanh tưởi với những xác chết đủ mọi dạng, trong mọi tư thế. Thời chiến, trong nhà xác la liệt cả đống thi thể vô thừa nhận, nhưng không ở đâu có xác tôi.

Mẹ tôi bình tĩnh hơn mọi người. Bà im lặng, suy nghĩ. Không khí hoảng hốt trong gia đình không lây được sang bà.

Ngay từ đêm không thấy tôi trở về nhà, mẹ tôi đã đoán tôi bị bắt.

Hai tháng trước, đêm 18 tháng 10 năm 1967, cha tôi đang nằm đọc báo thì một toán công an hùng hổ xông vào nhà dựng ông dậy, đọc lệnh bắt khẩn cấp và lệnh khám nhà. Một nhóm đẩy ông lên xe chở đi, nhóm còn lại chia nhau ra lục lọi các phòng cho tới gần sáng, lấy đi nhiều giấy tờ, sách báo và ảnh chụp.

Đêm cha tôi bị bắt, cũng là sinh nhật tôi, tôi đang ở Nam Định. Thành phố thợ dệt chìm trong bóng tối. Đèn đường tắt ngấm. Tôi lang thang trong các phố hiu quạnh, dưới ánh sáng nhợt nhạt của trăng rằm lọt qua kẽ lá. Cuộc leo thang của không lực Mỹ đã vượt quá Nam Định lên phía Bắc. Thành phố đang chịu bom hàng ngày. Nhà máy sợi sập từng mảng, khu dân cư Hàng Thao bị san bằng. Dưới chân tôi là gạch vỡ nhà đổ lẫn với đủ mọi thứ tạp nham của đời thường bị thuốc nổ và mảnh bom phá nát – những cái bát vỡ, manh chiếu cháy dở, những trang vở học trò phất phơ trong gió thoảng, con búp bê cụt đầu lăn lóc bên cạnh cái xe nôi tơi tả…

Trong những ngày đó tôi không nghĩ tới cuộc chiến tranh nào ngoài cuộc chiến với nước Mỹ. Thế nhưng một cuộc chiến tranh khác, hoàn toàn không ngờ tới, đã xảy ra.

Thực ra, vụ bắt bớ những người có quan điểm[7] bất đồng với Đảng cầm quyền trong cái gọi là “cuộc đấu tranh giữa hai đường lối” bắt đầu từ tháng 7 năm 1967. Nạn nhân đầu tiên của nó là viện trưởng Viện Triết học Hoàng Minh Chính, phó tổng biên tập tờ Hà Nội Mới Phạm Viết và vài người khác[8].

Như một cơn gió đen, tin Ban tổ chức Trung ương Đảng vừa phát hiện kịp thời và bóp chết từ trong trứng một âm mưu phản loạn lan nhanh trong thành phố.

Đến lượt cha tôi và thiếu tướng Đặng Kim Giang[9] cũng bị bắt thì dư luận ồn hẳn lên. Chỗ nào người ta cũng thì thào bàn tán về sự kiện này. Những người cộng sản thuộc thế hệ già ngán ngẩm: “Thôi thôi, lại như cái đận Cải cách ruộng đất rồi, nào có khác gì. Mấy ông lãnh đạo nhà ta nhìn đâu cũng thấy phản động, bắt bớ lung tung, sau đó thì lại xin lỗi, lại sửa sai, chán chuyện! Mạng cán bộ thời nay đúng là không bằng mạng ngoé”. Số cán bộ cấp thấp hơn to nhỏ với nhau: đây là một cuộc sát phạt lẫn nhau, rành rành thế, chứ các đồng chí lão thành cách mạng thế kia sao có thể là phản động được? Đằng sau vụ bắt bớ này chắc chắn có một âm mưu gì đó, của ai đó, nhưng chắc chắn không phải vì cách mạng gì ráo, mà chỉ vì tranh giành quyền lực, vì địa vị, vì hưởng thụ; các ông kễnh[10] bây giờ chỉ nghĩ tới cái đó, tới quyền uy, tới vị trí ở trên thiên hạ kèm theo tiêu chuẩn được hưởng, chứ có chuyện xét đi xét lại gì đâu? Có người cho rằng đây là cống vật dâng lên Thiên triều để tỏ lòng trung thành. Việc tấn công vào những mầm mống “xét lại”, bất kể là có thật hay bịa ra, đều làm Mao hài lòng, tất nhiên[11].

Những người trước nay trong lòng không ưa chế độ cộng sản thì mở cờ trong bụng: “Chúng bắt đầu thịt nhau rồi! Đã bảo cộng sản là thế mà, chúng nó không sống yên được một ngày không có máu. Chỉ tội nghiệp cho mấy người hiền lành không cùng cánh với chúng, tuy họ cũng là cộng sản”.

Ngày hôm sau, không thấy tôi trở về, mẹ tôi tức tốc đạp xe tới Hỏa Lò. Trước một bà mẹ hung dữ vì vừa mất chồng nay lại mất con, những cán bộ công an tiếp bà chối đây đẩy rằng ở chỗ họ không có ai tên là như thế. Viên giám thị Hỏa Lò còn lật đật mang cả sổ tù ra tra trước mặt mẹ tôi cho bà thấy: bác đừng nghĩ quẩn, nếu anh ấy ở đây thì phải có tên trong sổ, anh ấy phải làm gì phạm pháp thì mới bị bắt chứ. Không, không có tên anh ấy ở đây đâu, tôi tra hết rồi, xem kỹ lắm rồi, hay là bác sang bên Bộ mà hỏi[12].

Tại phòng tiếp khách Bộ Nội vụ ở 16 Trần Bình Trọng, một sĩ quan mặc áo dạ[13] không đeo quân hàm tiếp mẹ tôi. Anh ta tỏ vẻ ngạc nhiên:

– Chết chết, sao bác lại nghĩ thế! Bắt người thì phải có lệnh bắt chứ, kể cả trong trường hợp bắt khẩn cấp thì bộ phận trực ở đây cũng nắm được. Không phải đâu, bác ạ, sao lại thế được, làm gì có chuyện bắt cóc thời bây giờ. Bác đợi chút, tôi sẽ liên lạc với các quận để kiểm tra ngay lập tức xem có chuyện gì xảy ra với anh Hiên không.

Trước mặt mẹ tôi anh ta gọi điện hỏi các quận công an Hà Nội. Không ở đâu có tin về tôi. Tiễn mẹ tôi, viên sĩ quan còn ân cần dặn bà khi nào tôi về nhà thì xin bà báo ngay cho Bộ Nội vụ biết.

“Phải công nhận hắn ta đóng kịch khéo. – mẹ tôi kể lại – Nhưng khéo thì khéo, không qua được mặt mẹ. Miệng hắn leo lẻo, nhưng mặt mày lại nhớn nhác, tay chân quýnh quáng. Bụng bảo dạ: nếu bọn này có tập quán giống bên công giáo chắc hắn sẽ kêu tên Marx mà thề quá”.

Như bao lần gia đình tôi gặp bão táp mẹ tôi chứng tỏ bà là cây cột cái vững chắc gánh toàn bộ sức nặng của ngôi nhà trên vai, quyết không cho nó sụp đổ. Bà lau nước mắt, chu đáo lo toan trăm thứ việc có tên và không tên cho con cái, như thể không có chuyện gì xảy ra.

Trong những ngày này, mẹ tôi kể, bà nghĩ đến thần tượng của bà rất nhiều.

Đêm đêm bà ngồi một mình trong căn nhà vắng lặng. Bà đã tin chủ tịch Hồ Chí Minh. Bà đã tin ông lắm lắm. Còn hơn tin, bà sùng kính ông, người anh cả của cách mạng, lãnh tụ của bà. Bức chân dung cỡ 18×24 ông Hồ Chí Minh tặng bà với dòng chữ “Thân ái tặng thím Huỳnh” trước ngày ông lên đường dự hội nghị Fontainebleau[14] năm 1946 được bà gìn giữ như của gia bảo. Suốt cuộc kháng chiến chống Pháp, nhiều lần chạy giặc càn mất hết đồ đạc nhưng tấm ảnh vẫn còn đó. Nó chỉ bị thu khi công an khám nhà.

Nhiều người khuyên bà hãy cầu cứu ông Hồ. Dù muốn dù không tổng bí thư Lê Duẩn[15] và Trưởng ban Tổ chức trung ương Lê Đức Thọ[16] vẫn còn phải nể ông, họ nói thế. Mọi người tin rằng ông Hồ không biết việc xảy ra. Nếu ông biết, ông không thể để xảy ra chuyện nồi da nấu thịt thế này, họ nói. Vài năm nay, do sức khỏe kém, ông Hồ không còn trực tiếp điều khiển công việc đất nước, theo lời đồn.

Mẹ tôi không tin. Bà cho rằng để khởi lên vụ án lớn như thế này, Lê Duẩn và Lê Đức Thọ không thể không hỏi ý kiến ông Hồ, ông Hồ không thể không biết. Vụ bắt bớ chỉ được tiến hành một khi có sự đồng ý của chủ tịch nước.

Bà nhận xét: không phải vô cớ mà trong khi khám nhà, công an quan tâm đặc biệt những tấm ảnh cha tôi chụp chung với ông Hồ, những tư liệu liên quan tới ông Hồ… Tất cả đều bị mang đi. Cha tôi bắt đầu giữ những tư liệu về cách mạng, đặc biệt về ông Hồ Chí Minh, kể từ khi ông nhận sự phân công của Trung ương Đảng làm bí thư cho chủ tịch nước. Vào những năm đầu cách mạng chưa có cơ quan chuyên trách lo bảo quản những tư liệu lịch sử, cha tôi nghĩ ông có trách nhiệm lưu trữ những gì trong tầm tay, không để chúng bị mất. Cha tôi giữ được khá nhiều ảnh – từ những bức chụp ông Hồ tại chiến khu Tân Trào với đội liên quân Việt Mỹ, những ngày ông Hồ vừa từ chiến khu về Hà Nội, Lễ Tuyên bố Độc Lập tại vườn hoa Ba Đình, chuyến chủ tịch nước sang Pháp năm 1946, nhiều nhất là ảnh trong An toàn khu của chính phủ kháng chiến.

Những ảnh khác cha tôi chụp chung với các nhân vật lãnh đạo như nguyên tổng bí thư Trường Chinh[17], thủ tướng Phạm Văn Đồng[18], đại tướng Võ Nguyên Giáp[19], bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Duy Trinh[20]… cũng bị thu hết. Mấy bức phác thảo chân dung ông Hồ Chí Minh do họa sĩ Pablo Picasso vẽ, cuốn “Paris thất thủ” của nhà văn Ilya Ehrenburg[21] với lời đề tặng cha tôi tại Paris năm 1946, chẳng liên quan gì tới vụ án, bọn chúng cũng thu tuốt. Tuy nhiên, đây là chuyện dễ hiểu – nhân viên công an thường được chọn lựa trong thành phần nông dân ít học, họ chẳng biết, và cũng chẳng cần biết Picasso hoặc Ehrenburg là ai. Dưới mắt họ, ảnh những thằng Tây mũi lõ tìm được trong nhà một kẻ thù của cách mạng, tất yếu gợi nên sự nghi ngờ – hẳn đây phải là ảnh của bọn phản động quốc tế.

Chính do những suy nghĩ như vậy mà mẹ tôi không nghe theo lời khuyên của bè bạn. Bà không xin gặp, không thèm viết một dòng nào cho ông Hồ Chí Minh. Bà cho rằng khi ông biết việc xảy ra mà không can thiệp thì điều đó có nghĩa là ông đồng tình, bất kể là thế nào.

Bà cũng không nghĩ tới chuyện cầu cứu ông bạn cũ Trường Chinh. Từ khi mất chức tổng bí thư vì những sai lầm trong cải cách ruộng đất, Trường Chinh lầm lũi ở ẩn trong sự đường bệ còn sót lại, khiêm nhường lẩn tránh mọi sự can thiệp vào công việc của hai lãnh tụ mới – Lê Duẩn và Lê Đức Thọ. Vả lại, cho dù trong khi còn đương chức, Trường Chinh sau năm 1954 đã không còn giống Trường Chinh trước tổng khởi nghĩa. Nếu như trong thời kỳ bí mật, Trường Chinh chu đáo với anh em bao nhiêu thì bây giờ ông ta lạnh nhạt với đồng chí bấy nhiêu. Hệt như đã xảy ra một cuộc đánh tráo vậy.

Tôi xin kể chuyện này làm thí dụ. Ông Trần Đình Long, người bạn và đồng chí gần gũi của Trường Chinh bị người của Quốc dân đảng thủ tiêu năm 1946, để lại vợ và ba đứa con[22]. Hòa bình lập lại, bà Long từ vùng tản cư Phát Diệm trở về Hà Nội. Năm lần bẩy lượt bà tìm đến Trường Chinh, nhưng vật nài đến mấy cũng không được Trường Chinh tiếp. Người kể cho tôi nghe chuyện này là ông tài xế Đoàn Xuân Sơ, từng là cơ sở cách mạng, từng giúp việc liên lạc cho trung ương với các cơ sở đảng ở Tây Bắc và Hạ Lào. Ông phó viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao Bùi Lâm[23] đến thăm ông Sơ, bị ông Sơ chất vấn về chuyện ông Trường Chinh xử sự tồi tệ với bà Trần Đình Long thì ông Bùi Lâm bảo: “Cái con mẹ Long nó làm như chỉ mình chồng nó hy sinh cho cách mạng. Hy sinh cho cách mạng có hàng đống, thế mà nó làm mình làm mẩy, nằng nặc đòi cách mạng phải lo cho các con thằng Long, rõ là đồ ngu! Anh Thận[24] không tiếp nó là phải”. Nghe nói thế, ông tài xế Đoàn Xuân Sơ nóng mắt, tống ngay ông quan tòa Bùi Lâm ra khỏi cửa: “Cút khỏi nhà tao! Vợ đồng chí gặp khó khăn thì tìm đến đồng chí chứ còn biết tìm ai? Biết chúng mày là giống ăn cháo đá bát, chắc vợ thằng Long đã chẳng thèm gặp. Đồ đểu! Cả lũ chúng mày là đồ đểu! Cút!”

Người vợ và ba đứa con của người cộng sản Trần Đình Long bị các đồng chí chối bỏ lếch thếch dắt nhau xuống Hải Phòng nhập vào dòng người di cư vào Nam. Hai con trai ông Long sau năm 1975 vượt tiếp sang Úc. Chỉ còn lại một người con gái ở lại Sài Gòn. Chị ở lại vì chồng, bác sĩ Phan Thế Vấn, anh cũng bị bắt tù cùng chúng tôi trong vụ "xét lại chống đảng". Nhân tiện, tôi cũng xin nói thêm rằng ông Bùi Lâm này, hồi hoạt động bí mật đã ở nhà tôi trong một thời gian dài, là đồng chí rất thân thiết của ông Long và cha tôi. Với gia đình tôi, ông được coi như người nhà, nhưng từ khi cha tôi bị bắt, ông không hề lai vãng. Ông không đến với gia đình tôi chưa chắc vì sợ hãi hay vì muốn bảo vệ ghế ngồi như nhiều người khác, theo tôi suy luận. Ông không tồi tệ đến như vậy. Ông thuộc lớp người tin Đảng như tín đồ tin Chúa. Vì lập trường cách mạng của ông, ông xa lánh những kẻ mà ông cho là phản cách mạng.

Nói thế nào thì nói, đó vẫn là sự biểu hiện của tình đồng chí trong những người cộng sản sau khi đã giành được chính quyền, đã phân chia ngôi thứ.

Những người cộng sản vẫn còn đến với gia đình tôi trong những ngày sóng gió không nhiều, nhưng họ đến vì tình bạn, không phải vì tình đồng chí.

Mẹ tôi cũng không nghĩ tới thủ tướng Phạm Văn Đồng[25]. Ông quen cha mẹ tôi từ những năm 40 khi còn là một thanh niên mặc áo sơ-mi cộc tay, quần soóc, đang tán tỉnh người vợ tương lai ở hàng kem Zephyr bên Hồ Hoàn Kiếm. Mẹ tôi biết, có tới gặp ông cũng vô ích. Phạm Văn Đồng, theo bà nhận xét, là người không tồi, không tệ bạc, nhưng ba phải, vụng về và cực kỳ vô tích sự. Ông lúng túng trước bất cứ việc cụ thể nào, dù chỉ để đóng một cái đinh giúp hàng xóm. Dư luận ca ngợi ông uyên bác, ông liêm khiết, nhưng những ai quen biết ông đều hiểu ông không làm nổi bất cứ trò gì trong những việc lẽ ra ông phải làm. Những người từng là bạn ông trong thời kỳ cách mạng còn trong “bóng tối” chẳng may gặp rắc rối với chính quyền mới cực chẳng đã phải cầu cứu ông còn thất vọng hơn nữa. Họ tìm đến ông vì chẳng gì bây giờ ông cũng là một trong những người đứng đầu nhà nước, ở cương vị ông mà nói giúp cho họ lấy một câu thì cũng đỡ. Của đáng tội, ông đối xử với họ cũng không đến nỗi nào, ông không quan cách như Trường Chinh, không nhẫn tâm xua đuổi họ, thậm chí trong khi tiếp họ ông còn an ủi họ vài câu, ông còn hứa hẹn với họ điều này điều khác, nhưng rồi ra ông chẳng làm gì hết. Có khi những gì người ta nhờ, ông cũng nhớ đấy, ông cũng áy náy đấy, có vẻ ông cũng muốn giúp họ lắm, nhưng để tránh tiếng, ông lại đi nhờ người khác đứng ra giải quyết hộ ông, cái sự nhờ lại ấy rồi có được việc hay không ông không cần biết. Ông đã nói hộ rồi đấy chứ, có phải ông không nói đâu, khốn nỗi đây là việc khó giải quyết, khổ thế, các đồng chí có trách nhiệm mà đã từ chối có nghĩa là họ có cái lý của họ, hay là của Đảng thì cũng vậy, họ có vì nể ông mà giúp cũng chẳng được, Đảng đã quyết là xong, không thể thay đổi. Ông không muốn mất lòng một ai, nhất là không muốn mất lòng cấp trên, mặc dầu cấp trên của ông trong thời kỳ này chỉ có Lê Duẩn, Lê Đức Thọ, dưới hai người này là Hồ Chí Minh.

Quả nhiên đúng. Một đồng chí cũ thương mẹ tôi đến nói với Phạm Văn Đồng chuyện cha tôi bị bắt. Ông thủ tướng lẳng lặng nghe, rồi buồn rầu thở dài: “Việc tập thể quyết định, tôi làm gì được!”

Mẹ tôi chỉ còn biết tìm người bạn thân thiết nhất của cha tôi trong thời kỳ hoạt động bí mật là ông Trưởng ban Kiểm tra trung ương Nguyễn Lương Bằng[26].

Ông đi vắng, người ta nói thế mỗi lần bà đến. Lần nào cũng như lần nào. Ông vẫn ở nhà, bà nghĩ, nhưng ông tránh mặt.

Từ Nam Định trở về, nhìn cảnh nhà tan hoang, tôi hỏi mẹ chuyện xảy ra thì bà cười cay đắng, mắt ướt nhòe:

– Chúng nó đến, con có tưởng tượng được không, còn tệ hơn cả mật thám Pháp nữa kia. Tay bố to, còng không vừa, chúng nó cố ních khóa vào đến bật máu ra mà chúng nó vẫn cố khóa bằng được. Đến khi biết không khóa nổi, chúng nó lấy thừng trói giật cánh khuỷu rồi điệu bố ra xe bịt bùng chở đi. Lúc chúng nó khám nhà, mẹ quẳng cái khung kính có giấy chứng nhận Huân chương Kháng chiến hạng nhất của bố vào mặt chúng nó: “Các người khám kỹ cái này đi, xem ở mặt trái nó có gì? Chúng nó xử sự, hừm, đúng như cụ Nguyễn Du tả: “Người nách thước, kẻ tay đao. Đầu trâu mặt ngựa ào ào như sôi… ”

Trong lòng bà, ông Hồ Chí Minh chết vào đêm cha tôi bị bắt.

– Lòng người khôn lường, con ạ! Mới biết không thiếu gì kẻ quên đạo làm người khi ngồi vào ghế vương giả.

Bàng hoàng trước sự việc bất ngờ, bà không sao tin được rằng nó xảy ra, không sao tin được rằng chính quyền được xây dựng nên bởi cuộc cách mạng mà vợ chồng bà hiến dâng cả đời mình lại có thể nhẫn tâm với vợ chồng bà đến thế.

Khi tôi mất tích, có nhiều người cho rằng tôi trốn. Riêng mẹ tôi không tin. Là mẹ, bà hiểu con bà. Hơn bất cứ ai, bà tin tôi vô tội. Không những tin tôi vô tội, bà tin tôi đủ dũng khí để đương đầu với bọn tiếm quyền cách mạng. Chạy trốn, theo quan niệm của mẹ tôi, không phải là hành động của người quân tử. Bà muốn thấy chồng con mình đàng hoàng bảo vệ chính nghĩa trước công luận.

Bà buồn rượi khi nghe những đồng chí cũ đến thăm bà, phân tích tình hình đất nước, rồi kết luận rằng sẽ chẳng bao giờ có một phiên tòa mà bà muốn có đâu.

Khoảng một tuần trước khi tôi bị bắt, anh Nguyễn Trọng Luật, vụ trưởng Vụ bảo tồn và bảo tàng Bộ Văn hóa, nhắn tôi tìm cách cắt đuôi[27] đến gặp anh tại nhà riêng ở ngõ Chân Cầm. Trong số các vụ trưởng của Bộ, tôi quí anh Luật hơn cả.

Bề ngoài giản dị, thậm chí hơi thô kệch, thoạt trông ai cũng nghĩ anh là một nông dân nòng cốt được Đảng bồi dưỡng lên làm lãnh đạo. Nhưng chỉ nói chuyện với anh một lần là người ta biết bên trong vẻ chân quê làm cho họ lầm, anh Luật là người lịch lãm, hiểu nhiều biết rộng.

Tôi quyết định đến gặp anh. Anh là người mà tôi tin cậy. Tôi muốn nghe ở anh một lời khuyên. Trước đây, khi tình hình bắt đầu xấu đi, anh đã dặn tôi có chuyện gì cứ đến gặp anh, nhưng coi chừng bị mật thám theo. “Cắt đuôi” là một việc chẳng khó gì đối với người trong một gia đình có nhiều năm hoạt động bí mật. Thời Pháp thuộc, cha mẹ tôi đã dạy tôi đủ mọi cách đánh lạc hướng mật thám. Ông bà thường sai tôi mang mật thư đến nơi này nơi khác trong thành phố. Tôi là trẻ con, mật thám không để ý.

Anh Luật có hồi cùng hoạt động bí mật với cha tôi tại các tỉnh ven sông Hồng. Đối với cha tôi anh kính trọng, coi như người anh tinh thần. Vì tình cảm với cha tôi mà anh quý tôi.

Gặp tôi, anh vồ lấy, hối hả:

– Tình hình gay lắm, chú phải trốn ngay, trốn lập tức, đừng để bị bắt! Anh nghĩ rồi, ta sẽ làm thế này, thế này…

Theo kế hoạch của anh Luật, tôi sẽ chọn ngày giờ thuận lợi rồi báo cho anh biết. Tốt nhất, tôi báo qua bác sĩ Phan Thanh Hoài, em nuôi anh, cũng là bạn thân của tôi. Anh Hoài là người không bị nghi ngờ, anh sẽ mang lời nhắn của tôi tới anh Luật. Sau đó tôi sẽ “cắt đuôi” để tới Chùa Thầy, nơi sơ tán của cơ quan anh. Từ đây anh Luật sẽ dùng xe hơi của cơ quan đưa tôi về Hưng Yên, nơi trước Cách mạng Tháng Tám có thời kỳ anh làm bí thư tỉnh ủy. Con trai một cơ sở cách mạng nay là trưởng công an một huyện là em kết nghĩa của anh, một người tốt, anh ta sẽ nghe lời anh Luật bảo vệ tôi. Tôi sẽ được thay tên đổi họ, anh công an sẽ lo chuyện ấy, rồi đưa tôi tới một vùng hẻo lánh nương náu ở đó chờ cho tình hình sáng sủa.

Tôi im lặng.

– Chú nghe anh đi, anh nghĩ kỹ lắm rồi, phải trốn thôi – anh ôn tồn thuyết phục tôi – Thử nghĩ mà xem, nếu trong thời kỳ Cải cách ruộng đất tất tật những người bị xử trí[28] oan đều trốn cả, và trốn thoát, thì sai lầm của Đảng đâu đến nỗi trầm trọng đến thế, tổn thất về nhân mạng đâu có cao đến thế. Đảng làm sao hiểu được ta bằng chính ta? Biết mình vô tội, bị Đảng ngờ oan mà vẫn xuôi tay mặc cho Đảng bắt, mặc cho Đảng giết, không phải là tuân thủ kỷ luật cách mạng đâu, không phải là trung thành với Đảng đâu, mà là làm hại Đảng đấy, chú hiểu không? Anh hiểu lần này Đảng lại đang sa vào sai lầm nên anh mới khuyên chú trốn.

Thấy tôi vẫn không nói gì, anh bần thần một lát rồi nói tiếp:

– Tùy chú thôi, nghe anh thì nghe, không nghe thì thôi, nhưng chú phải nhớ: tuy hiện nay Đảng bị thằng Duẩn, thằng Thọ lũng đoạn, nhưng trước sau Đảng vẫn là Đảng của ta, chẳng chóng thì chầy Đảng sẽ thanh lọc bọn chúng.

Tôi muốn cười mà không dám cười. Ngẫm ra cách lập luận của anh có cái lý của nó, cái lý chỉ tồn tại được trong lòng người đảng viên trung thành, lúc nào cũng lo lắng cho sức chiến đấu và uy tín của Đảng.

Bằng nhiều dẫn chứng rút ra từ huyền thoại về vị lãnh tụ anh minh, anh Luật khẳng định chuyện này ông Hồ không biết, hoặc giả ông bị désorienté[29] bởi Lê Đức Thọ mà đã đồng ý cho hắn bắt các đồng chí trung kiên, chứ ông Hồ quyết không phải người xấu.

– Lê Duẩn là thằng nhiều tham vọng, điều này những ai từng gần hắn đều biết, nhưng anh nghĩ: tự hắn, hắn không muốn gây gổ trong lúc này. Gạt ra bên ngoài các thứ chủ nghĩa, xét cho cùng chỉ là cái cớ để trấn áp những người không ủng hộ hắn, thì vụ này Thọ khởi xướng là cái chắc, chứ không phải Duẩn. Nhưng Thọ muốn thì Duẩn cũng không ngăn, mọi việc Thọ làm từ trước tới nay đều vì lợi ích của cả hai. Duẩn chọn Thọ sát cánh với mình không ngoài mục đích đó. Thọ là chỗ dựa cho Duẩn, vì mới từ miền Nam ra Duẩn còn lạ nước lạ cái. Chính là nhờ Thọ hiến kế mà Duẩn đã loại được vây cánh của Trường Chinh khỏi những chức vụ then chốt…

Anh đần ra, ưu tư:

– Nhưng thằng Thọ làm việc đó để làm gì, nhằm mục đích gì? Anh ngờ bên trong vụ này có điều uẩn khúc, liên quan tới thời kỳ Thọ ở Sơn La. Chú có nghe ông cụ hay bác Giang nói đến chuyện thời kỳ thằng Thọ làm bồi cho công sứ Cousseau không? Hồi ấy có nhiều việc ban lãnh đạo nhà tù mật bàn mà thằng Cousseau lại biết… [30]

Tôi lắc đầu.

Tối hôm đó tôi chỉ ngồi nghe anh nói, không tranh luận. Đầu tôi trống rỗng. Tôi mệt mỏi. Trong anh vẫn có một niềm tin ở Đảng. Trong tôi, niềm tin ấy không còn.

Nghe tôi kể lại cuộc gặp gỡ với anh Nguyễn Trọng Luật, mẹ tôi hỏi:

– Ý con thế nào?

– Con cho rằng đi trốn là cho người ta cái cớ để nói mình có tội, mình sợ nên phải trốn tránh…

– Còn con? – mẹ tôi hỏi vợ tôi.

– Con cũng nghĩ không nên trốn. – vợ tôi nói – Mình làm gì mà phải trốn?

– Đúng vậy. Cây ngay không sợ chết đứng.

Tôi mỉm cười. Mẹ tôi quen miệng nói thế, chứ ai chả biết chính cây ngay mới chết đứng, chỉ có dây leo mới không bao giờ chết đứng mà thôi.

Hồi ấy tôi còn ngốc lắm. Thế hệ cha tôi, rồi thế hệ tôi đềumang trong mình khái niệm Đảng của những ngày cách mạng còn trứng nước: Đảng là tổ chức của những chiến hữu cùng chung một mục đích thiêng liêng, cao cả – đấu tranh cho dân tộc thoát ách nô lệ nhọc nhằn và nhục nhã. Không hiếm những thí dụ về tình đồng chí đùm bọc thương yêu nhau, thậm chí hy sinh tính mạng để bảo vệ nhau trong những ngày xa xưa ấy. Một khái niệm, tiếc thay, đã lỗi thời.

Sống trong một gia đình mà cha mẹ đều hoạt động cách mạng, tôi nhập vào dòng chảy của công cuộc chiến đấu giải phóng dân tộc, cũng là dòng chảy của thời đại tôi, một cách tự nhiên, như muốn sống thì phải thở khí trời. Cũng tự nhiên như vậy, tôi đi theo những người dẫn đầu cuộc cách mạng như con vật trong đàn đi theo con đầu đàn của nó.

Tôi không có đầu óc tỉnh táo trong cái nhìn những lãnh tụ cách mạng, do còn non nớt, mà cũng có thể do lười suy nghĩ. Ở tuổi đã có thể suy nghĩ độc lập, tôi mới chỉ bắt đầu ngờ vực đức hiền minh được quảng cáo bằng mọi cách của các vị ấy vào thời gian cuộc Giảm tô giảm tức được phát động ở khu 4 kháng chiến, năm 1953.

Mùa hè năm 1953 đêm đêm chúng tôi nằm thao thức nghe trong mịt mùng những thôn xóm tối tăm tiếng loa âm u hờ gọi nông dân vùng lên đánh đổ “kẻ thù giai cấp”. Từ sáng sớm tinh mơ, hàng đoàn người rầm rập trên các nẻo đường làng còn tối đất, khản tiếng hô vang những khẩu hiệu có mùi máu. Dân chúng ùn ùn đổ về những sân đình, những bãi rộng, nơi sẽ diễn ra những cuộc đấu tố “bọn địa chủ cường hào gian ác”.

Điều làm tôi sửng sốt là những cán bộ kháng chiến trong chính quyền xã bị thẳng cánh gạt ra ngoài lề cuộc đấu tranh. Mà tôi biết rõ họ. Mới hôm trước còn là những người lãnh đạo đầy uy tín ở địa phương, bất thình lình họ không còn được tin cậy nữa, bị tước bỏ mọi quyền hành. Tại sao lại như thế? Tôi hỏi một cán bộ trong đội giảm tô giảm tức và được anh ta giải thích: Đảng bảo phải cảnh giác trước các loại kẻ thù giai cấp. Chúng biết chúng yếu, chúng không thể ra mặt chống phá cách mạng, nên đã tìm đủ mọi cách chui vào trong các tổ chức của ta, nắm giữ các vị trí lãnh đạo. Hiện nay không thể biết trong các cơ quan Đảng và chính quyền ai là địch, ai là ta, nếu không kiên quyết gạt những người cũ ra thì nông dân được Đảng phát động vẫn bị kẻ thù giấu mặt khống chế, họ sẽ không dám vùng lên giành lấy địa vị lãnh đạo. Đó là quan điểm chính thống được phổ biến đến tận mỗi đảng viên trước khi thực hiện giảm tô giảm tức. Và họ tin theo lờiĐảng dạy: ta chỉ có thể trông cậy vào những nông dân bần cùng, bị địa chủ bóc lột đến xương tủy, chỉ có họ mới là chỗ dựa vững chắc và lâu dài của Đảng. Cứ như thể sự nghèo khổ, tự bản thân nó, đã là một phẩm chất cách mạng.

Vào thời kỳ ấy tôi, và thế hệ tôi, không hiểu rằng cải cách ruộng đất chỉ là cái vỏ ngoài cho một mưu đồ chính trị. Tất cả những khẩu hiệu ca ngợi nông dân: “nông dân là quân chủ lực”, “giải phóng nông dân”, “tiêu diệt cường hào ác bá, đánh đổ địa chủ, phú nông”; “ruộng đất về tay dân cày”, “nông dân vùng lên giành lấy chính quyền”…, chỉ nhằm để củng cố vị trí cai trị đất nước của Đảng. Đảng cần tiêu diệt những người đi tiên phong trong cuộc kháng chiến chống Pháp là những người mang trong đầu tư tưởng bình đẳng được đề cao trong cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, vì thế họ không phải, và không thể, là những thần dân ngoan ngoãn. Cái mà Đảng cần là một lớp tay sai tuyệt đối trung thành, gọi dạ bảo vâng. Cái gọi là cải cách ruộng đất hoàn toàn không có mục tiêu cải cách ruộng đất. Không có, và không hề có, một cuộc điều tra nào về tình hình phân bổ ruộng đất trong xã hội, là điều tất yếu phải làm trước khi tiến hành cải cách ruộng đất. Hơn nữa, mâu thuẫn ruộng đất hoàn toàn không phải là vấn đề nóng bỏng ở vùng giải phóng (vùng chính quyền kháng chiến) trong giai đoạn cả nước cần tập trung tinh thần và sức lực vào mục tiêu giành độc lập.

Đấu tố diễn ra liên miên, ngày một khốc liệt. Người dân cày dung dị hôm trước, được Đảng phóng tay phát động, vụt trở thành hung tợn, mặt bừng bừng khoái trá trong niềm vui hành hạ đồng loại. Tôi kinh hoàng nhìn cảnh tượng không hiểu nổi: nườm nượp lướt qua mắt tôi từng bày đàn người bị kích thích bởi mùi máu, hăm hở đi dưới lá cờ đỏ sao vàng không phải để chiến đấu với quân xâm lược mà với chính đồng bào mình.

Tại xã Ngô Xá, làng Ngò, Thanh Hóa, nơi có dinh cơ gia đình cụ cử Nguyễn Thượng Hiền[31], người ta trói chặt hai tay rồi dong mẹ một người bạn tôi đi khắp làng chỉ vì bà trót dại nói điều gì đó mất lập trường hoặc không vừa lòng cán bộ giảm tô giảm tức. Tôi biết rõ bà là ai. Khi chiến tranh vừa bùng nổ bà là hội trưởng hay hội phó Hội Liên hiệp Phụ nữ Thái Bình. Mất đất, bà mang con cái chạy vào Thanh Hóa theo chính phủ kháng chiến, làm nghề hàng xáo, buôn thúng bán mẹt. Chúng tôi nghe tiếng kêu khóc chạy tới thì thấy mấy anh du kích quen đang xềnh xệch kéo bà đi. Hai tay bị trói giơ lên trời, bà xiêu vẹo bước sau họ, kêu gào thảm thiết: “Ới cụ Hồ ơi, Cụ trông xuống mà xem người ta đối xử với con dân Cụ thế này đây!”

Ở một xã khác, một người đàn bà bị trói vào hai cây nứa bắt chéo, bên dưới là một đống lửa. Con mẹ ni là phú nông phản động, ngoan cố lắm, những người bâu quanh nhao nhao nói thế. Người đàn bà quằn quại mãi, tới khi ngất đi mới được người ta hạ xuống.

Cha một người bạn khác của tôi, ông chỉ là một cán bộ quèn trong ngành giáo dục, nhưng hoạt động cách mạng từ trước năm 1945. Khi cuộc Giảm tô giảm tức bắt đầu, ông bị bắt vì tội là đảng viên Quốc dân đảng. Ông thắt cổ tự tử, để lại bức thư tuyệt mệnh: “Oan cho tôi lắm, Cụ Hồ ơi. Tôi trung thành với Cụ, với Đảng. Tôi không phản bội. Hồ Chí Minh muôn năm!” Việt Nam Quốc Dân Đảng, được thành lập từ năm 1925, trước Đảng Cộng Sản 5 năm, cùng chung mục đích đánh Pháp giành độc lập, chưa từng có tranh chấp với Đảng Cộng Sản về vai trò lãnh đạo cách mạng trước năm 1945, mặc dầu một bộ phận lưu vong của đảng này đã mắc sai lầm khi trở về nước đi chung với Hoa quân nhập Việt nhằm dựa vào thế lực của quân Tưởng chống Pháp– một sai lầm cố hữu của những người có xu hướng dựa dẫm vào ngoại bang để giành độc lập – đã gây ra những đụng độ với Việt Minh. Nhưng điều đó không hề có nghĩa là tất cả những đảng viên Quốc Dân Đảng trên toàn quốc đã rời bỏ mục đích giành độc lập, không còn là những người yêu nước. Bằng chứng là họ vẫn tích cực tham gia cuộc kháng chiến chống Pháp.Quốc dân đảng được nêu lên như một mục tiêu trấn áp chính trong cải cách ruộng đất, trong thực tế chỉ là cái cớ để quét sạch những người kháng chiến tiên phong, như tôi đã trình bày ở trên. Người ta vu cho bất cứ ai mà họ muốn giết là Quốc dân đảng.

Trong một ngôi đình, tôi thấy người ta lấy gai bưởi cắm vào đầu ngón tay một cô gái. Có trời biết cô ta bị tội gì, có thể cô ta chỉ có một tội duy nhất là con địa chủ, cứ mỗi câu hỏi những kẻ tra tấn lại nhấn những cái gai sâu thêm một chút làm cho cô gái rú lên vì đau, quằn quại trong dây trói.

Một cụ già tóc bạc phơ bị tròng dây vào cổ, bị lôi xềnh xệch trên đường như một con chó. Lũ trẻ làng rùng rùng chạy theo sau. Chúng vỗ tay, chúng reo hò, chúng cười ngặt nghẽo. Tôi nhìn chúng, rùng mình – những đứa trẻ này chắc chắn sẽ lớn lên với trái tim không phải của giống người. Rồi đây, với tâm hồn chai sạn, làm sao chúng có thể sống chung với những anh em khác màu da và tiếng nói trong một thế giới đại đồng mà chủ nghĩa cộng sản[32] hứa hẹn?

Tôi cảm thấy trong mình cục cựa một cảm giác bất bình, điềm báo trước sự thức tỉnh.

Không phải ai cũng có một cảm nhận như thế trước những gì Đảng đang làm. Niềm tin ở Đảng ăn sâu trong lòng mỗi đảng viên cộng sản, đến nỗi vừa buông miệng khuyên tôi trốn, lúc chia tay anh Luật lại vớt vát: “Nói thì nói vậy thôi, chứ anh không thể nào tin được Đảng lại có thể nhẫn tâm bắt một lúc cả hai cha con một gia đình cách mạng kiên cường như gia đình chú. Mình không nên nghĩ quá ra như thế!”.

Mẹ tôi không muốn tôi trốn, nhưng tôi không trốn thì bà lo. Tôi mà cũng bị bắt thì trong nhà không còn người đàn ông nào. Hai em trai tôi đều còn nhỏ. Lại đang có chiến tranh. Bà cảm thấy những gì xảy ra với người khác nay đang xảy ra với mình.

Mẹ tôi nhớ đến bà bạn có chồng bị mất tích trong những ngày Cách mạng Tháng Tám. Người đàn bà khốn khổ lang thang đi đến hết đền này phủ nọ cầu xin Trời Phật cho chồng bà trở về với bà. Bà gần như mất trí.

Khi còn trẻ, ông Nguyễn Thế Vinh, chồng bà, gia nhập Thanh niên Cách mạng Đồng chí hội[33]. Bị lộ, ông chạy sang Pháp, gia nhập Đảng cộng sản Pháp. Từ Pháp ông sang Nga. Tốt nghiệp trường Đại học phương Đông[34], ông hăm hở trở về Tổ quốc tiếp tục cuộc chiến đấu. Vừa bước xuống cảng Hải Phòng ông sa vào tay mật thám. Xa nước quá lâu, ông trở về không quen biết ai, chưa kịp liên lạc với ai trong các tổ chức cách mạng. Mật thám tra tấn ông, ông chẳng có gì để khai, đơn giản vì ông không biết những gì họ muốn biết. Tra mãi không được gì, chính quyền thuộc địa thả ông, thậm chí để cột chân ông lại, chính quyền này còn chiếu cố cho ông được tòng sự tại Phủ Thống sứ. Trong chuyện này tất nhiên không thể thiếu sự chạy chọt của bà vợ con nhà khá giả. Làm việc trong phủ Thống sứ, ông Vinh vẫn không ngừng tìm mọi cách liên lạc với những người cộng sản. Nhưng không ai dám giao thiệp với ông, kể cả cha tôi. Với ông, cha tôi đóng vai người đã nhụt chí, nay trở về với vợ con làm ăn chân chỉ. Người Pháp đến lúc đó đã hoàn toàn không còn nghi ngờ gì ông, ông là một công chức mẫn cán.

Nhưng đó chỉ là bề ngoài. Lòng yêu nước trong lòng ông không bao giờ tắt. Cách mạng Tháng Tám nổ ra, ông hăng hái xuống đường tham gia cướp chính quyền. Thế rồi trong những ngày sôi nổi ấy, như một hòn đá rơi xuống nước, ông biệt tích.

Không ai biết ông biến đi đâu nếu như một hôm ông Trường Chinh không nói riêng với mẹ tôi: “Chị Huỳnh ạ, chị liệu cách an ủi chị Vinh kẻo chị ấy cứ xem bói, xin xăm mãi, tội nghiệp! Nói riêng để chị biết: ta “thịt” anh ấy rồi!”

Mẹ tôi lạnh toát người: “Sao các anh nhẫn tâm thế, tàn ác thế? – bà kêu lên – Anh thừa biết: anh Vinh tuy có không kiên định cách mạng thật, nhưng anh ấy có phản bội xưng khai gì đâu, có gây hại gì cho đoàn thể[35] đâu, mà các anh nỡ giết anh ấy?”

Trường Chinh lúng túng phân trần rằng ông không hề chủ trương giết ông Vinh, người ta giết rồi ông mới biết. Lúc đó ông có muốn can thiệp thì đã muộn.

Về cái chết của ông Vinh, mẹ tôi không buộc tội Trường Chinh. Bà hiểu rằng trong cuộc cách mạng những việc tương tự có thể xảy ra, bởi những người kém hiểu biết nhưng lại quá hăng hái. Riêng tội để cấp dưới lộng hành, thái độ coi thường sinh mạng con người, thì bà không bao giờ tha thứ cho Trường Chinh. Ở cương vị ông, một chỉ thị kiên quyết không cho phép cấp dưới tự quyền xử tử bất cứ ai thì việc ấy chắc chắn không thể xảy ra.

Khốn nỗi, thủ tiêu đối thủ và những người tình nghi phản bội là chuyện thường tình trong Cách mạng Tháng Tám. Người ta không coi việc làm ó là tội ác.

Nhà văn Lan Khai[36] bị bỏ rọ trôi sông ở khúc Ghềnh Quýt trên sông Lô chỉ vì vào thời gian Nhật cai trị, ông làm thư ký cho một hãng buôn của người Nhật là một thí dụ. Cha tôi quen Lan Khai từ những ngày ông còn đi học ở Tuyên Quang. Kể cho tôi nghe về cái chết của Lan Khai, ông tỏ ra rất đau lòng.

Bà ngoại tôi thường gặp các đồng chí của cha mẹ tôi tại nhà tôi khi bà tôi đến chơi với các cháu. Không hiểu vì lẽ gì một số người trong bọn họ không gây được cảm tình nơi bà. Bà ngoại nói thẳng cho mẹ tôi biết bà không thích họ. Đến nỗi mẹ tôi giận bà vì sự không thích ấy. Hóa ra bà ngoại tôi có lý khi nhận xét người này người kia trong bọn họ không phải là những người tử tế. Bằng sự mẫn cảm của phụ nữ, bà thấy trước được cách sống không nhân nghĩa, không có trước có sau, không có tình người, như cách ta thường nói bây giờ, của những người về sau trở thành những nhà lãnh đạo cách mạng như Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt[37].

Trường Chinh đã không làm một hành động nhỏ nào để cứu cha tôi – người bạn, người đồng chí gần gũi của ông ta trong thời kỳ bí mật. Ông ta cũng không đến thăm mẹ tôi lấy một lần trong những năm cha con tôi ở tù. Cha tôi được thả rồi ông cũng không đến. Một số người biết tình bạn của hai ông cho rằng Trường Chinh không đến vì sợ Lê Duẩn và Lê Đức Thọ, nhưng tôi cho rằng trong thái độ này Trường Chinh trung thực với con người ông ta – ông ta không bao giờ coi trọng tình bạn với bất cứ ai. Và để bảo đảm an toàn cho bản thân trong giai đoạn đó, Trường Chinh thản nhiên quên bẵng có lúc ông ta từng hoan nghênh việc lên án tệ sùng bái cá nhân Stalin mà Khrutshov khởi xướng, lạnh lùng sắm vai mác-xít chân chính để đồng tình với việc lên án cha tôi và các đồng chí khác, coi họ như những phần tử chống Đảng. Trong sự đồng nhất cá nhân mình với Đảng từ khi trở thành người lãnh đạo, Trường Chinh là người trước sau như một.

Hoàng Quốc Việt còn tệ hơn – ông ta trở thành một trong những nhân vật tích cực trong Ban chuyên án của vụ trấn phản[38]. Mà chính vì cứu hai ông, cha tôi đã bị chính quyền thuộc địa bắt sau khi đưa họ đi trốn vào năm 1939.

Người như vậy, theo quan niệm của người Việt Nam bình thường, không thể được coi là tử tế.

Vợ tôi kể sau khi tôi mất tích, đêm đêm mẹ tôi ngồi lặng hàng giờ, mái tóc bạc xổ xuống vai. Bà như hóa đá. Linh tính người mẹ báo cho bà biết tôi đã gặp tai họa. Phân tích mọi dữ kiện bà tin chắc tôi đã bị bắt một cách ám muội.

– Trong những ngày ấy mẹ lo nhất con bị thủ tiêu. Chúng nó có thể làm chuyện đó lắm.

Bà nghẹn ngào nói, ôm chặt đứa con trai đầu lòng.

Cuối cùng, may thay, rồi nó cũng đã vượt qua được cái chết để trở về với bà, chín năm sau đó.


[1] Mãi tới năm 1995, tức là sau 28 năm kể từ khi tôi bị bắt (1967), tôi mới được biết tên gọi chính thức của vụ án nhờ bức thư đề ngày 3. 2. 1995 của ông Nguyễn Trung Thành, Vụ trưởng Vụ bảo vệ Đảng, gửi Bộ Chính trị. Trong bức thư này ông Thành yêu cầu giải oan cho hơn 30 đồng chí bị bắt và bị xử lý. Tính riêng số người bị bắt mà tôi biết cũng đã vượt quá con số do ông Thành đưa ra. Có lẽ trong bức thư này tác giả chỉ nói tới những người là đảng viên cộng sản mà ông gọi bằng “đồng chí”.

[2] “Có thể nói, sau những sai lầm, oan trái rộng rãi trong Cải cách ruộng đất và Chỉnh đốn tổ chức (1956), thì đây là vụ án oan sai lớn nhất trong lịch sử Đảng ta, xét về qui mô, tính chất. Và có thể nói không ngoa, đây là vụ án oan sai lớn nhất trong hàng ngũ những người yêu nước Việt Nam của thế kỷ XX” (trích thư của ông Lê Hồng Hà, nguyên Chánh văn phòng, Vụ trưởng Vụ tổng hợp Bộ Nội vụ trong thời gian xảy ra vụ án, gửi cho Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam khóa VII, đề ngày 18. 7. 1995, về vụ “nhóm xét lại chống Đảng”).

[3] Trong các tài liệu chính thức ở Việt Nam, từ “đảng” được viết hoa để chỉ “Đảng cộng sản Việt Nam” với ý nghĩa tôn sùng. Trong cuốn sách này nó cũng được viết hoa như vậy, nhưng là để cho tiện, cho vắn tắt, chứ không hàm nghĩa đó.

[4] L. B. Johnson (1908-1973) cho rằng Mỹ có thể chiến thắng trong một thời gian ngắn. Bắt đầu mở rộng cuộc chiến tranh còn giới hạn trong phạm vi miền Nam Việt Nam bằng cách ném bom miền Bắc Việt Nam vào cuối năm 1965. Hậu quả của nhận định này là ông Johnson tạo ra những khó khăn cho chính mình trong cương vị tổng thống Hoa Kỳ, để rồi vì cuộc chiến ở Việt Nam mà ông phải rút khỏi chính trường vào tháng 3. 1968.

[5] Nguyễn Tuân (1910-1987), nhà văn nổi tiếng với những tiểu thuyết Tàn Đèn Dầu Lạc, Vang Bóng Một Thời, Tóc Chị Hoài, Chiếc Lư Đồng Mắt Cua, Quê Hương, Chùa Đàn, Đường Vui…

[6] Zombi, khởi đầu là từ chỉ những xác hết được các thầy pháp châu Phi làm cho sống lại, nhưng không có trí khôn, không nhớ gì về cuộc sống trước kia, chỉ biết thực hiện các mệnh lệnh của chủ, bị sử dụng như những con vật trong các công việc đồng áng. Sau, nó được dùng phổ biến chỉ những xác chết biết đi.

[7] Vào thời gian được nói tới trong cuốn này khi nói tắt “quan điểm” là hàm nghĩa quan điểm đối với hai đường lối “giáo điều” và “xét lại” trong phong trào cộng sản quốc tế.

[8] Hoàng Minh Chính (sinh năm 1922, quê Nam Định, tên thật là Trần Ngọc Nghiêm, nguyên Tổng thư ký Đảng dân chủ Việt Nam, nguyên Tổng thư ký Hội liên hiệp thanh niên Việt Nam, viện trưởng Viện Triết Học) được coi như người đứng đầu trong cái gọi là “nhóm xét lại chống Đảng”. Phạm Viết (1929-1971), nguyên sĩ quan quân đội nhân dân Việt Nam, thương binh, nhà báo, phó tổng biên tập tờ Hà Nội Mới.

[9] Đặng Kim Giang (1910-1983), hàm thiếu tướng, xuất thân hào lý (còn có tên là Lý Giang) trong kháng chiến chống Pháp làm bí thư khu uỷ Liên khu 3, phó chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần, chủ nhiệm hậu cần mặt trận Điện Biên Phủ.

[10] Ông lớn, quan chức lớn.

[11] Cùng bị bắt với cha tôi và tướng Đặng Kim Giang trong đợt này có Trần Minh Việt (Lê Quang Dụ) – phó bí thư thành ủy kiêm phó chủ tịch Ủy ban hành chính thành phố Hà Nội; Phạm Kỳ Vân – phó tổng biên tập tạp chí Học Tập; Nguyễn Kiến Giang – biên tập viên tạp chí Học Tập; Đinh Chân – biên tập viên báo Quân Đội Nhân Dân; Nguyễn Văn Thẩm – bí thư của thứ trưởng Bộ Văn hóa Lê Liêm…

[12] Giám thị trại Hỏa Lò không tìm thấy tên tôi là phải. Sau chừng hai tháng ở Hỏa Lò tôi mới biết tên tôi đã bị thay đổi. Cán bộ quản giáo chỉ biết tôi dưới một tên khác.

[13] Áo dạ, theo qui định trong Quân đội Nhân dân Việt Nam, được dành riêng cho cấp tá trở lên.

[14] Hội nghị được tổ chức tại dãy một phòng trong dãy nhà ngang của lâu đài Fontainebleau ở ngoại ô Paris chứ không phải ở một phòng sang trọng nào trong lâu đài này, chứng tỏ sự khinh thị của chính quyền thực dân đối với những người đại diện cho nước Việt Nam vừa tuyên bố độc lập.

[15] Lê Duẩn (1908 – 1986) người Quảng Trị, năm 1928 tham gia Thanh niên Cách mạng Đồng chí hội, đảng viên đảng cộng sản năm 1930, bị tù hai lần (1931-1936, 1940-1945), từng làm Bí thư Trung ương cục miền Nam trong kháng chiến chống Pháp, từ năm 1956 làm bí thư Trung ương Đảng, bí thư thứ nhất (1960-1976), sau khi Hồ Chí Minh chết năm 1969, là nhân vật số 1 của đảng cộng sản. Thời gian 1976-1986 là tổng bí thư.

[16] Lê Đức Thọ, tên thật: Phan Đình Khải (1911-1990), quê xã Địch Lễ, huyện Ý Yên, Nam Định, tù Sơn La (1939-1944). Trong thời gian được nói tới trong cuốn này Lê Đức Thọ là Ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên thường trực Ban bí thư, trưởng Ban tổ chức Trung ương Đảng, uỷ viên Quân uỷ Trung ương, phó bí thư Trung ương Cục Miền Nam. Được cử vào Nam năm 1946 với tư cách ủy viên Ban thường vụ Trung ương Đảng, cấp bậc Đảng này nhiều phần là do Tổng bí thư Trường Chinh chỉ định, không phải do bầu trong Đại hội.

[17] Trường Chinh (1917-1988) tên thật: Đặng Xuân Khu, nguyên quán xã Hành Thiện, phủ Xuân Trường, Nam Định, hoạt động cách mạng từ năm 1927, đảng viên Đảng cộng sản Đông Dương từ 1930, quyền tổng bí thư Đảng một thời gian trước Cách mạng Tháng Tám, ủy viên Bộ Chính trị và Tổng bí thư Đảng Lao động Việt Nam từ năm 1951-1956), Trưởng ban cải cách ruộng đất (từ 1953).

[18] Phạm Văn Đồng (1906-2000) người huyện Mộ Đức, Quảng Ngãi. Tham gia cách mạng sớm (1926), Từng là uỷ viên Trung ương, uỷ viên Bộ Chính trị Đàng Lao động Việt Nam, Thủ tướng chính phủ từ 1954 đến 1986. Sau 1986 được cử làm cố vấn của trung ương Đảng và Chính phủ.

[19] Võ Nguyên Giáp (1911-) đại tướng đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam, nguyên Bí thư Quân uỷ trung ương. uỷ viên Bộ Chính trị, Tổng tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp.

[20] Nguyễn Duy Trinh (1910-1985), hoạt động cách mạng từ 1925 trong Tân Việt Cách mạng Đảng, từng có chân trong Bộ Chính trị ĐCSVN, một thời gian dài làm phó thủ tướng kiêm bộ trưởng Bộ Ngoại giao.

[21] Pablo Picasso (1881-1973), danh họa của thế kỷ XX, người Pháp gốc Tây Ban Nha, Ilya Erenburg (1891- 1967), nhà văn, nhà báo Liên Xô.

[22] Trần Đình Long (1905-1946), đảng viên Đảng cộng sản Đông Dương từ 1930, được đào tạo tại trường Đại học Đông phương Moskva. Cách mạng Tháng Tám thành công, ông Long được Đảng dự kiến giữ chức bộ trưởng Bộ Ngoại giao, nhưng chức này rồi được ĐCS quyết định nhường lại cho ông Nguyễn Tường Tam để “thể hiện sự đoàn kết rộng rãi trong thành phần chính phủ cách mạng lâm thời”. Ông bị người của Quốc dân đảng đột nhập vào nhà riêng của ông bà ở phố Chợ Đồng Xuân bắt mang đi thủ tiêu, không rõ xác chôn ở đâu.

[23] Bùi Lâm (1905-1974), xuất dương làm thợ, gia nhập ĐCS Pháp, năm 1927 được ĐCS Pháp cử đi Moskva học ở Học viện Phương Đông. Trong kháng chiến chống Pháp làm công tác toà án quân sự Liên Khu 3, sau năm 1954 làm phó viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

[24] Thận, Năm, hai bí danh của Trường Chinh.

[25] Phạm Văn Đồng (sinh 1906 tại Quảng Ngãi) hoạt động cách mạng từ cuối thập niên 20. Năm 1929 bị thực dân Pháp bắt giam 7 năm. Được bầu vào Bộ chính trị Đảng lao động Việt Nam từ 1951, làm bộ trưởng Bộ ngoại giao rồi thủ tướng chính phủ từ năm 1954 tới năm 1987 (kiêm nhiệm bộ trưởng Bộ Ngoại giao từ 1954 – 1961).

[26] Nguyễn Lương Bằng (1904 – 1979), hoạt động cách mạng trước 1930, đảng viên Đảng cộng sản Đông Dương từ 1930, từ 1945 là ủy viên Trung ương Đảng, đại sứ Việt Nam tại Liên Xô 1952 – 1957. Năm 1969 làm phó chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cũng như Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

[27] Đánh lạc hướng những tên theo dõi.

[28] Xử trí là một từ có nghĩa rất rộng, từ bị bắt cho tới xử tử, bắn, giết, thủ tiêu.

[29] Lừa, đánh lạc hướng, làm cho hiểu sai (tiếng Pháp).

[30] Trong cách suy luận của mình, anh Nguyễn Trọng Luật có lý của anh: trong vụ trấn áp “nhóm xét lại chống Đảng”, trong số những người tù cách mạng cũ ở các nhà lao của Pháp chỉ có những người tù ở Sơn La cùng với Lê Đức Thọ là bị bắt mà thôi.

[31] Nguyễn Thượng Hiền, (1867-1925) bạn của các nhà cách mạng Tăng Bạt Hổ, Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn Thượng Hiền hỗ trợ phong trào Đông Du, cùng với Phan Bội Châu lập ra Việt Nam Quang Phục Hội ở Trung Quốc

[32] Trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản năm 1848, Marx và Engels viết: “Những người cộng sản có thể tuyên bố học thuyết của mình bằng một câu thôi: bãi bỏ tư hữu”. Về mặt lý thuyết cải cách ruộng đất là sự thực hiện thủ tiêu tư hữu tài sản, thông qua cái gọi là đấu tranh giai cấp. Giảm tô giảm tức là màn đầu của cải cách ruộng đất.

[33] Một tổ chức yêu nước có xu hướng cộng sản, thành lập vào tháng 6 năm 1926. Năm 1929, trong một đại hội của Thanh niên Cách mạng Đồng chí hội tại Hồng Kông, hai hội viên là Ngô Sĩ Quyết và Quốc Anh đã bỏ về thành lập Đông Dương Cộng sản Liên đoàn ở Trung Kỳ. Tiếp theo, ở Nam Kỳ tổ chức,An nam Cộng sản Đảng cũng được thành lập. Những nhóm cộng sản này không hợp tác với nhau, mà còn có thái độ kình chống nhau. Trước tình hình này Quốc tế Cộng sản (Comintern) gửi một bức thư kêu gọi những người cộng sản nhanh chóng thống nhất với nhau trong một tổ chức cộng sản trên toàn cõi Đông Dương.

[34] Trường do Quốc tế cộng sản (Comintern) mở tại Moskva sau Cách mạng Tháng Mười Nga để đào tạo cán bộ cách mạng vô sản.

[35] Một cách gọi Đảng cộng sản trong thời kỳ tiền khởi nghĩa, dùng trong nội bộ Đảng.

[36] Nhà văn trước Cách mạng tháng Tám (giai đoạn 1930-1945). Ông nổi tiếng với những tác phẩm: Lầm Than, Cô Dung, Chế Bồng Nga, Cái Hột Mận, Chiếc Ngai Vàng, được giới phê bình coi là nhà văn của “truyện đường rừng”.

[37] Tên thật là Hạ Bá Cang (1905-1992), hoạt động cách mạng sớm, bị thực dân Pháp đầy ra Côn Đảo (1930-1936), từ 1937 đã là bí thư xứ uỷ Bắc Kỳ ĐCSĐD.

[38] Nói tắt: trấn áp phản cách mạng.

(Sách do tác giả gửi cho Văn Việt. Còn tiếp…)

Comments are closed.