FLORENCE

Truyện Phạm Thị Ngọc

(Tiếp theo và hết)

Không được chuộng bằng một đứa học trò bản xứ, tôi cũng chẳng lấy gì làm buồn rầu. Ðiều làm tôi khó chịu là bà Ernie sau khi đã về hưu vẫn thường hay lui tới nhà tôi, như thể bà là người giàu lòng bác ái. Bà Ernie đến chơi nhưng ít khi nào ghé sang thăm người giáo cũ của bà là Florence. Bà Ernie bảo Florence từ hồi nào đến giờ vẫn khó tính, luôn luôn có một thái độ như mình ở một địa vị cao hơn mọi người, rất khó thân. Ðến đỗi Florence đã từ chối hôn nhân với vị hiệu trưởng vào thuở xưa khi còn dạy học. Ông ta về sau làm đến thị trưởng, còn Florence vẫn là gái già. Bà Ernie hé một tí tình sử của Florence, kể qua khói thuốc. Chẳng hiểu vì bà Ernie đã hút thuốc lá hay sao mà tôi đã cảm thấy không thích nghe.

“Sao bà không lấy chồng”, mẹ tôi vui miệng hỏi Florence một lần. Florence im lặng, tôi tưởng bà sẽ quay qua và dạy rằng đó là một câu hỏi thiếu lịch sự, như khi bà bảo tôi là bấm kèn inh ỏi trước sân nhà người, dù người quen, là một hành động bất lịch sự. Nhưng Florence đã trả lời mẹ tôi, vì dù sao mẹ tôi cũng không phải là người đáng ghét nhất đã hỏi bà điều đó. Florence nói bà không định để sống độc thân, bà cũng không nghĩ bà phải lấy chồng, bà đã sống một lối sống thích hợp nhất nên chẳng bao giờ nghĩ đời sống bà có thể khác đi như thế nào.

Câu trả lời của Florence chẳng trả lời gì cả. Tôi cũng chẳng thắc mắc gì, chỉ tưởng tượng bà ở một mình trong căn nhà đó thừa chỗ quá, giá chi bà cho tôi vào ở ké. Tôi tưởng tượng một mình tôi một phòng trong căn nhà rộng rãi mát mẻ. Nhà tôi chật chội hơn nhiều, sự chật chội không có chi là đầm ấm cả, và nhất là không buồn cười đâu.

Mùa đông thứ hai, một người anh của tôi trở về từ nội trú với cánh tay bó bột. Cả nhà không hề được anh báo tin bị gãy tay, gãy vì chơi đô vật trong giờ thể thao trường. Mùa đông ấy, Florence mua quà cho tôi, đôi găng tay màu đỏ bà mua từ một trong những hiệu đắt nhất. Ðôi găng tay màu đỏ quá sang trọng tôi không bao giờ dám đeo vì không hợp với loại quần áo tôi mặc. Mùa đông ấy, Florence cũng báo tin em gái bà sắp trở về từ Trung Hoa. Laurie, người em gái ngoài sáu mươi tuổi của Florence đã mãn việc ở tòa lãnh sự Hoa Kỳ tại Trung Hoa và sẽ về nghỉ hưu với chị. Và, cũng như chị, Laurie Baudoin không hề lập gia-đình.

Những ngày Laurie mới về là những ngày nhà Florence đông khách nhất. Khách đến thăm lẻ tẻ, kéo dài nhiều ngày, và đến khi không còn khách nữa thì Laurie qua nhà chúng tôi chơi. Laurie cũng cốt cách như người chị già, dáng dấp nhỏ nhắn thanh tao, y phục màu sắc trang nhã. Những câu chuyện của Laurie rộng đề tài hơn của chị, những câu chuyện như vô tận của người từng nay đây mai đó trong cõi Á Châu bao la. Nhưng, Laurie nhấn mạnh chữ nhưng, bà chưa bao giờ được đến Việt Nam cả.

Laurie đi khắp Á Châu trong mấy chục năm liền nhưng không một lần dừng chân lại Việt Nam, về đến nhà lại nghe chị nói rất nhiều về những người Việt Nam sống bên cạnh. Vâng, Laurie nói chuyện rất khéo léo, bắt hết từ chuyện này qua chuyện kia để sự hiện diện của Florence ở đó chỉ còn là một sự hiện diện phụ thêm. Lần có Laurie ghé sang chơi, mẹ tôi ngại ngùng phân trần nhà chúng tôi không có gì đẹp đẽ để dẫn bà đi thăm nhà.

Cắt lời mẹ tôi, Florence nói rằng mai kia chúng tôi sẽ phải đến thăm kho tàng Laurie mới đem về từ Á Châu, những đồ đạc trang hoàng quý giá Laurie sẽ dùng vào căn nhà mới.

Mẹ tôi sửng sốt hỏi Florence “Vậy bà sẽ dọn đi sao”. Florence lắc đầu, trả lời rằng Laurie sẽ dọn ra riêng. Hai chị em, nhưng vẫn là hai thế giới riêng biệt, và cả hai đều đầy đủ, vững vàng trong thế giới riêng của mỗi người.

Laurie về cũng kịp đám tang anh lớn của tôi vài tháng sau đó. Trong những ngày gia-đình tôi lúng túng trước cái tang bất ngờ, Florence và Laurie đã luôn luôn ở cận kề, một sự thường trực quá chu đáo chúng tôi không thể đòi gì hơn. Khi anh tôi đã yên mồ, Florence bảo chúng tôi nên thay màn cửa, và vài ngày sau bà đem qua nhà chúng tôi bộ màn cửa bên nhà bà, treo từ đời người mẹ. Bộ màn cửa custom-made cũ kỹ chỉ vừa cho phòng ngủ. Mẹ tôi không có ý kiến gì về chuyện thay màn. Vải màn dầy cộm che ánh sáng mặt trời ban ngày làm cho căn phòng lúc nào cũng mang một màu lờ mờ khiến tôi liên tưởng đến nhà quàn.

Florence nói, qua những khung cửa sổ thiếu màn che của chúng tôi, có nhiều tối bà đã thấy rõ mồn một cảnh sống gia-đình tôi.

Tôi không hiểu bà có nhìn qua nhà tôi chăng, tối trước đêm anh tôi ra đi vĩnh viễn. Chẳng hiểu bà có thấy tối có bức ảnh Mẹ Hằng Cứu Giúp trên tường đã tụt đinh rơi xuống đất, để anh lật đật đi tìm búa đóng đinh vào tường treo tranh trở lại.

Chẳng hiểu bà có thấy tối đó anh đã mình trần đứng trước gương chải đầu bực mình không biết sẽ rẽ ngôi tóc bên phải hay bên trái hay chính giữa. Chẳng hiểu tối đó bà có nhìn qua chăng, để thấy anh tôi bực dọc hơn mọi ngày, mắng mỏ em lớn em bé là một lũ ngu như bò, để thấy tôi nằm quay mặt vào tường bực bội thầm giục thôi anh đi làm thì đi đi cho tôi còn ngủ.

Và anh đã đi luôn, để tôi còn nhỏ bước vào những bóng đêm dài nhất cuộc đời, dù không có ác mộng, những bóng đêm khi tôi ngộp thở nằm lắng nghe những tiếng động sẽ sàng nhất để tưởng chừng như anh đang trở về nhà, lưu luyến xác nhận sự hiện diện của anh, sự hiện diện mỏng manh nhẹ hẫng chỉ có tôi mới biết.

Anh đi luôn để tôi vỡ tan, vỡ tan tôi biết tôi không thể nào gượng dậy nổi. Anh buông bàn tay giữ dắt để tôi chìm sâu, chìm sâu để vùng vẫy đạp chân đạp tay hoài mà tôi vẫn không tài nào ngóc được lên trên.

Tôi đã nằm nín thở, không dám thở, nhìn bóng đêm không hiểu tôi còn muốn gì nữa, còn có thể muốn gì nữa. Tôi nhìn bóng đêm nước Mỹ nơi chúng tôi ở, không biết nước Mỹ còn gì cho chúng tôi, còn có thể còn gì nữa cho chúng tôi.

***

Cuốn phim chúng tôi đi xem là một phim về chuỵện tình của một người đàn bà với một người đàn ông điên. Một tình yêu thật bền bỉ của nàng dành cho chàng, bỏ gia-đình xã-hội để tìm đến với chàng, đi với chàng qua những cơn điên loạn, sẵn sàng chịu đựng khi người đàn ông điên trút cơn giận dữ vô nghĩa lên nàng, thô bạo giải quyết sinh lý trên nàng. Cuối phim, người ta bắn chết chàng để cứu đứa bé trai, con của chàng và nàng, mà chàng trong cơn điên loạn đã bắt đi trong đêm. Một người điên bị bao vây bởi muôn người tỉnh, sợ hãi nắm lấy cổ đứa bé con mình và cứ xiết chặt xiết chặt cho đến khi một viên đạn bắn xuyên qua lưng chàng, viên đạn của những người tỉnh không còn biết cách nào khác hơn một viên đạn.

Tôi thì nghĩ rằng cuốn phim ấy không thể có một kết thúc nào khác. Dù thế, tôi cũng quay hỏi chàng lúc chàng dắt tôi ra về.

“Lúc coi phim, anh có khóc không?”.

“Anh mà khóc gì!”. Chàng reo nhỏ, rồi kéo tôi lại gần khi hai đứa đi bộ với nhau một quãng đường dẫn về nhà tôi. Tôi thường thích bắt chàng đậu xe ở đầu khu phố, rồi đi bộ về nhà.

“Em khóc”. tôi nói.

“Sao anh không nghe gì cả?”.

“Thì em chỉ chảy nước mắt thôi”.

“A, như vậy gọi là khóc thầm”.

“Em thấy cuốn phim nói lên một nỗi cô đơn. Nàng cô đơn, chàng cô đơn, xã hội của họ cô đơn…”.

“Anh thấy tội cho nhân vật nữ. Em có thể hy sinh cho ai như vậy được không? Em có thể hy sinh cho anh như vậy được không?”.

Tôi nhìn chàng, tự nhiên cảm thấy chàng không nên hỏi như vậy. Dù sao tôi cũng trả lời.

“Hy sinh cho tình yêu? Dĩ nhiên”. Tôi trả lời để bỗng cảm thấy tôi thật cô đơn, bỗng cảm thấy một sự sợ hãi rất nhẹ vừa thấm vào lòng. Tôi bỗng nghĩ đến một ngày khi ước mơ ruồng bỏ. Và, tôi nói để chàng biết điều tôi sợ.

“Em mơ mộng nhiều quá, em nhạy cảm quá anh theo không kịp”.

Chàng nói trong lúc vòng tay ôm trọn lấy tôi khi chúng tôi ngừng lại ở ngã tư đường. Tôi nghe hơi thở chàng thật gần.

“Anh đã chẳng yêu em vì những ước mơ của em sao?”.

“Thôi, em”.

“Rồi, thôi anh về đi, em đi một mình ở quãng này cũng được”.

“Giận rồi? Ðể anh đi với em”.

“Tối nay em muốn đi một mình ở quãng này”.

Chàng còn ngần ngừ. Tôi nói bằng một giọng vui: “Mai em đi rồi, anh ở nhà nhớ ngoan kẻo em giận”.

“Yeah, đi nhớ viết thư về kẻo anh trông”.

Chàng quay ngược đường, tôi tiếp tục con đường về nhà. Cảm giác nhẹ tênh của một ràng buộc nào đó vừa mới đứt làm tôi muốn ngã quỵ. Nhưng, thế giới này chẳng phải là một cõi cô đơn sao. Mỗi con người thật ra là một phần tử rất lẻ loi cô đơn, thế giới có cả hằng tỷ con người cô đơn. Thời đại này là thời đại của những kẻ cô đơn. Những con người cô đơn ngày càng xuất đầu lộ diện, thật hợp thời như những con người mắc chứng AIDS, hợp thời như chứng ung thư, như phụ nữ bình quyền, ERA. Tôi chỉ là một phần tử rất nhỏ nhoi, lạc lõng trong khối cô đơn vĩ đại đó. Tôi sẽ không khóc trong chính cuộn phim cô đơn này của riêng tôi.

***

Trong một lần nói chuyện với tôi qua điện thoại, mẹ tôi kể rằng bà Florence mới bị tai nạn xe. Lúc đó, chúng tôi không còn được là hàng xóm của Florence nữa. Mẹ tôi kể Florence lái xe vào một buổi sáng đi lễ về như mọi sáng, nhưng sáng ấy bà bị đụng bởi một chiếc xe truck chạy vượt đèn đỏ. Bà không bị thương tích, nhưng chiếc xe của bà kể như bỏ. Chiếc xe của bà, truyền xuống từ đời mẹ đời cha, được gìn giữ nâng niu như đứa con yêu, sau khi bị đụng chỉ còn giá trị vài trăm bạc. Tôi nói với mẹ, bà Florence có thể mua được một chiếc xe khác. Nhưng mẹ tôi chậc lưỡi, bảo Florene đâu có giàu như Laurie, mà Florence cũng không muốn một chiếc xe nào khác. Vậy bà Florence di chuyển đi lại như thế nào, tôi hỏi. Mẹ tôi nói có Laurie đến nhà đưa đón mỗi ngày. Năm ấy, người em trai của cả hai bà cũng vừa mất, để hai chị em Florence là hai người niên trưởng sau cùng của giòng họ Baudoin.

Khi tôi về nhà mùa đông đó, hai chị em Florence đến thăm nhà tôi vào ngày trước Giáng Sinh. Tôi chợt nhớ tới đôi găng đỏ Florence cho tôi năm nào tôi còn giữ kỹ. Laurie không thay đổi, nhưng Florence thì đã chịu thua tuổi già. Bà ngồi ở cái ghế Laurie dắt bà đến ngồi, và chỉ nói khi Laurie gợi chuỵện cho bà nói.

“Ðây là con Ngọc, chị nhớ nó không, Florence?”. Laurie hỏi khi tôi đến bên cạnh hai người.

Chị nhớ nó không? Câu hỏi gì lạ vậy? Chẳng lẽ Florence không nhớ tôi? Chỉ mới có hơn một năm thôi khi tôi đến chào bà ở nhà cũ, chẳng lẽ bà không nhớ tôi.

“Yes”, Florence trả lời, nhìn tôi ngờ ngợ tôi đọc được trong ánh mắt bà một sự cố gắng lôi ra trong trí nhớ một vài hình ảnh quen thuộc.

“Oh, yes, Ngọc. Mày có đủ tiền tiêu dùng không?”.

“Oh, Florence!”. Laurie càu nhàu khiến ánh mắt Florence đang mới linh động lại tắt ngúm. Florence im lặng trở lại.

“Chị lại giận nữa rồi phải không”, Laurie nói rồi quay qua tôi, “Hồi này bả hay giận lắm. Tôi lỡ miệng một tí là bả giận ngay”.

“Bây giờ Florence chịu ở với bà rồi?”. Tôi hỏi.

“Bả phải ở với tôi chứ ở hai nơi làm sao tôi trông bả nổi.

Nhưng ngày nào hai chị em cũng về nhà cũ và ở lại từ sáng đến chiều, vì đó là điều Florence thích. Mỗi lần như vậy, tôi thu dọn dần dần đồ đạc của bả qua nhà tôi. Florence không thể sống một mình được nữa”.

Mùa đông đó là lần cuối cùng Florence đến thăm chúng tôi.

Bây giờ, cũng đã hơn một năm kể từ ngày đó, tôi nghe tin rằng Florence đã chính thức bước chân vào cơn mê của căn bệnh Alzheimer.

Tôi đến thăm Florence với mẹ, cũng để chiều mẹ. Bao nhiêu năm trời, tôi chạy theo những thay đổi của thời gian, những đòi hỏi của cuộc sống, chẳng hề nghĩ lại về một người hàng xóm tốt, lúc xưa hằng ân cần thăm hỏi, chẳng hề nhớ đến một người bạn gia-đình đứng bên ngoài những xô đẩy của cuộc đời. Bây giờ đến thăm?

Căn nhà màu xám của Laurie nằm tại một khu vực sang trọng của những người về hưu có tiền. Nhà rộng, sân rộng, nhưng bước vào bên trong thì lại thiếu chỗ ngồi. Florence đã có lần bảo rằng Laurie rất bừa bãi. Chúng tôi đến, không thấy Florence mà chỉ thấy Laurie. Bà thu dọn vội vàng đống sách vở báo chí ngổn ngang trên mặt bàn mặt ghế, cho chúng tôi có được chỗ ngồi.

Laurie vừa thu dọn vừa than phiền bao nhiêu năm nay rồi mà cái nhà của bà vẫn như một cái nhà kho. Ðồ đạc vẫn còn ở trong thùng, và từ hồi nào tới giờ bà mới chỉ tạm ổn định được cái buồng ngủ cho Florence. Bao nhiêu năm nay, bà chỉ lo nổi cho Florence là hết sức.

Laurie nhắc về Florence, để tôi thấy yên tâm cho một nỗi lo âu thắc mắc vô cớ Florence còn sống hay đã mất. Laurie cũng đã quá sáu mươi. Bà sẽ cố thêm được bao nhiêu năm nữa? Người Mỹ ngày càng sống lâu, nhưng y học thì chưa trang bị đầy đủ để đương đầu với những căn bệnh đi đôi với tuổi già. Laurie bước tới, hôn tôi bên má, nói bà đang nấu xúp. Và trước khi mọi người ngồi xuống ở phòng ngoài, Laurie kéo mẹ tôi xuống ngay gian bếp và bắt nếm thìa xúp beef stew còn đang sôi. Công thức mới, bà nói. Florence rất thích beef stew, và cái gì Florence thích là bà nấu. Tôi đứng lại một mình nhìn quanh gian phòng.

Lại cái tivi để mở. Lại dĩa chuối xanh trên mặt bàn ăn. Bên trong hành lang tối mờ, có một ánh đèn đổ ra từ một căn phòng.

Tôi bỗng thấy ớn lạnh. Kinh nghiệm khiến cho tôi không sợ gì bằng sợ nhà quàn và bệnh viện. Tôi đang ở nhà Laurie, nhưng tôi đi thăm một người bệnh. Khi từ dưới bếp trở ra nhà ngoài, Laurie hỏi sao tôi không ngồi xuống.

“Florence đâu?”. Tôi hỏi, và ngồi xuống.

“Chị Florence đang nghỉ trong nhà”, Laurie trả lời, nhìn tôi như tuyệt vọng. “Bả bị Alzheimer, cô biết chứ?”.

Tôi gật đầu nhưng Laurie đã quay sang mẹ tôi, hỏi cùng một câu hỏi, rồi trả lời luôn câu hỏi của bà. Alzheimer, chứng bệnh di truyền bộc phát lúc về già, tế bào óc não chết dần chết dần để người bệnh mất dần trí nhớ và các khả năng căn bản. Người Á-đông không thấy ai bị, nhưng có thể là người Á-đông chưa thọ lâu đủ. Tôi định nói cho Laurie nghe về khám phá mới nhất của y học nhưng tôi thấy bực với ý nghĩ của tôi, để tôi trở về câu chuyện của Laurie lúc bà nói đến chỗ đời trước mẹ của bà cũng bị Alzheimer nhưng trong các anh em Baudoin đời bà thì chỉ có Florence mới bị. Làm sao Laurie biết trước được bà sẽ không mắc bệnh?

Nhật báo mấy ngày qua có loan tin một người đàn bà cao niên đã tự sát bằng một liều thuốc độc chích vào gân, tự sát khi mới biết mình có giống Alzheimer, chết trước khi căn bệnh có cơ hội tàn phá. Die in dignity. Chết sớm để còn giữ phẩm cách. Florence có nghĩ đến điều này chăng.

Laurie quay qua hỏi tôi về chuyện học hành. “Florence ngày trước hay nói về tương lai của cô”.

“Florence bị bịnh không đúng lúc. Bà về đây để hưởng tuổi già mà, Laurie?”.

“Chị Florence yếu đi từ ngày mất cái xe. Nhưng chị Florence chỉ bắt đầu nhắc về cái chết ngày người em trai tôi chết. Florence bắt đầu sợ chết từ đó, lúc nào cũng sợ mình sắp sửa chết. Nhưng thôi, cô đến đây không phải để thăm một người bệnh”.

Laurie kéo một chiếc ghế từ bộ bàn ăn, rồi kê sát ghế vào tường, để lưng ghế làm thành góc với vách. Chúng tôi hiểu bà sắp làm gì. Mẹ tôi lên tiếng ngăn trước.

“Laurie, bà không phải đem Florence ra đây”.

“Không, bà Phạm, khách đến thăm Florence phải gặp. Tôi cũng muốn Florence ra khỏi giường. Ôi bà Phạm, bà không biết tôi cực đến mức nào, mẹ tôi nuôi Florence không biết có cực bằng tôi chăng. Ngày ngày tôi lo từng mảnh tã đến muỗng ăn cho Florence”.

Rồi không nghe ai nói thêm, Laurie đi vào hành lang tối mờ. Từ căn phòng có ánh đèn đổ ra, tôi nghe có tiếng ú ớ không ra lời của Florence khi Laurie bước vào. Tiếng ú ớ gắt gỏng phản đối, rồi tiếng dằng co của tay chân chạm vào nhau, rồi tiếng những bàn chân dặm lết trên sàn nhà. Laurie từ trong nhà trở ra, vòng tay ôm ngang người Florence cao lớn hơn, bế xốc từng bước từ trong nhà bước ra rồi đặt ngồi vào cái ghế đã kê sẵn. Laurie đặt Florence vào ghế, cho lưng tựa hẳn ra ghế, cho đầu tựa vào vách tường. Rồi Laurie đứng thở dốc.

Florence mặc áo chùng màu đỏ. Tôi cố tìm ra bà tiên năm nào trong con người ngồi kia. Mẹ tôi đến bên cạnh Florence, bàn tay run run vuốt mái tóc bạc Florence để xõa dài, bù rối.

“Florence, Florence”, mẹ tôi thầm gọi theo mỗi bàn tay vuốt nhẹ lên mái tóc người ngồi đó. Tôi nghe như có sự xót thương, tiếc nuối trong giọng nói của mẹ tôi.

Florence không phản ứng. Tôi nhìn Florence trong áo chùng màu đỏ, cố hình dung ra một Florence ngày xưa. Con người đó, Florence, ngồi dạng háng để hở phần kín thân thể mà không biết, nhưng đã có Laurie che lại cho. Mái tóc bạc phơ chải ngược, xõa xuống lưng chỉ còn là một mái tóc khô. Miệng không đeo răng giả, móm mém. Miệng há hốc như đang cười, cái miệng ấy ngày xưa có nụ cười chúm chím. Ðôi mắt xanh đã đục mờ, đôi cửa sổ hoang vắng của linh hồn không còn ở đó nữa. Florence ngồi tựa đầu vào tường, ai muốn làm gì thì làm, ai muốn ngắm sao thì ngắm.

Tôi ngắm Florence, chợt thấy bà như to lớn nặng nề hơn trước, giống như khi người ta chết thì thân thể bỗng trở nên nặng nề hơn lúc sống. Florence còn thở, nhưng bà không còn ở đây nữa. To die in dignity. Chẳng biết Florence có nghĩ đến điều đó không.

Mẹ tôi vẫn đứng bên cạnh Florence. Cuộc đời bà, chồng con đầy đủ, nhưng có chắc bà yên ổn hơn, đầy đủ hơn những người đàn bà không chồng con này chăng.

To die in dignity. Tôi nhìn Florence ngồi ngả đầu qua một bên, há hốc mồm. Florence ngồi dạng háng nhưng Florence còn phẩm cách. Florence ngồi dạng háng với đầy đủ phẩm cách của bà, vì dignity (danh dự? phẩm cách?) còn nằm trong sự can đảm. Sống cho trọn những gì đã được an bài, nếu đã tin vào sự an bài.

Tôi đứng lên và tiến đến hôn lên má Florence. Da thịt bà chằng chịt những vết tích dọc ngang của thời gian, da thịt bà lành lạnh ở môi tôi. Trước khi bước ra về, ở ngưỡng cửa, tôi quay lại nhìn Florence một lần nữa.

“Good bye, Florence”, tôi nói thật lớn, tay tôi vẫy cao.

Trong một thoáng ngắn ngủi, tôi đã gọi được Florence trở về. Bà đảo đôi mắt, tìm tôi bên ngưỡng cửa, rồi giơ tay vẫy trả.

“Bye!”.

Một tiếng ngắn ngủi thôi. Một tiếng ngắn ngủi the thé. Nhưng tôi thấy như có nụ cười vụt sáng trong ánh mắt ấy. Tôi ôm nụ cười ấy, ra về. Chắc tôi không gặp bà lần nào nữa. 

Comments are closed.