(Thời biến đổi gien)
Kỳ 25
Bùi Ngọc Tấn
Đến bao giờ mình mới không phải là nhà trọng điểm, bao giờ mới có thể sống bình thường? Cả hai chúng tôi đều khát khao cuộc sống của người bình thường. Tác giả Vĩnh Xương trong một bài giới thiệu Chuyện kể năm 2000, dù chưa một lần gặp tôi, đã viết rất chính xác rằng: Bùi Ngọc Tấn không thích đấu tranh, ông chỉ mê văn chương chữ nghĩa. Tôi rất phục Vĩnh Xương. Chỉ đọc văn tôi mà ông hiểu được tính tình tôi. Tôi rất sợ sách nhiễu, những cuộc gọi hỏi, những cuộc thăm viếng, những cuộc khám xét, những cuộc tranh luận cãi vã chính trị, cãi vã đời sống, những cuộc thanh minh hoặc đôi co. Tôi cũng sợ những kẻ khiêu khích công khai cũng như những kẻ vu cáo ẩn danh. Nếu những chuyện như vậy đến với tôi, tôi sẽ im lặng. Bởi nó sẽ ngốn rất nhiều thời gian, sức lực, thần kinh. Mà tôi lại cần nhiều thời gian thần kinh sức lực để làm việc, và cả để nghỉ ngơi. Cũng đã xẩy ra chuyện đặt điều theo một kịch bản nào rồi đấy, tôi im lặng, tin rồi mọi người sẽ hiểu.
Thần kinh tôi đã chịu tra tấn gần 60 năm! Không biết có ai bị lâu như tôi không. Các tiền bối thuở ấy như Vũ Đình Huỳnh, Đặng Kim Giang, Hoàng Minh Chính, Nguyễn Kiến Giang… đều đã qua đời.
Còn ai từ năm 1967 ấy tới nay 2014 vẫn bị theo dõi như tôi không? ([1]) Tôi không giấu giếm sự mệt mỏi của tôi, nhất là sự mệt mỏi của vợ tôi vì lấy tôi mà khổ cả đời. Đã hơn nửa thế kỷ chúng tôi căng thẳng rã rời cùng một niềm uất hận vì oan khuất. Nhưng không có nghĩa tôi đầu hàng. Tôi có cách phản kháng của tôi, niềm ham thích nhất của tôi: Yên lặng, miệt mài trên bàn viết. Viết để lưu giữ cuộc sống này, trật tự xã hội này, sự giả dối trắng trợn này trên giấy trắng. Tôi đã nói với Kiên và Dũng khi chúng tôi gặp nhau ở khách sạn Thái Dương:
– Các anh cứ theo dõi tôi đi. Các anh sẽ thấy tôi là người cực kỳ lương thiện. Tôi ngồi viết văn. Sách của tôi in có địa chỉ. Có giấy phép của cục xuất bản, có người chịu trách nhiệm. Tôi không tự in ấn rồi tán phát như danh từ các anh thường dùng. Hành động có thể coi là thoái hoá biến chất đối với tôi là thỉnh thoảng nhấm nháp vại bia hơi vỉa hè. Thế thôi.
Trong thời gian Hậu Chuyện kể năm 2000 chắc chắn đã có một sự chỉ đạo thống nhất nhằm bôi nhọ tôi. Cháu Hà Như Hải, người đánh máy bản thảo Chuyện kể năm 2000 giúp tôi khi còn là sinh viên nay làm cho một xí nghiệp liên doanh với nước ngoài. Hai mẹ con cháu đến nhà tôi với vẻ mặt rất lo lắng vì trong một cuộc họp ở xí nghiệp, cháu Hải nghe cấp trên nói rất nhiều đến Chuyện kể năm 2000, một quyển sách phản động do một tên phản động đã mãn hạn tù viết ra.
Người ta lên án tôi ở cả một xí nghiệp liên doanh với nước ngoài! Còn đây là thông tin từ Vũ Trọng Thuần. Thuần là bạn học. Anh học dưới tôi một lớp và tham gia thành uỷ Hải Phòng đúng khoá ông Trần Đông làm bí thư. Anh đã nghỉ hưu với cương vị một giám đốc xí nghiệp. Nghĩa là anh là người trong hàng ngũ chức sắc.
– Tôi mới họp chi bộ xong. Ông chi uỷ nói về ông, về Chuyện kể năm 2000. Tôi cứ ngồi im xem họ nói năng ra làm sao. Ông đại diện chi bộ nói: Có một thằng cha phản động đi tù về vẫn không chịu hối cải, mới viết một quyển sách phản động, nói xấu đảng, chửi từ trung ương trở xuống, không từ một ai. Chửi đảng, chửi chế độ, chửi lãnh tụ, chửi cả lãnh đạo thành phố. Biết nó nói về ông rồi. Tôi mới giả cách nhổm lên hỏi: Bắt chưa? Bắt chưa? Chưa. Sao một phần tử như thế mà không bắt. Vẫn để nó ở ngoài xã hội à? Phải tóm ngay chứ! Mấy ông ấy nói: Chắc sớm muộn rồi cũng bắt thôi. Ác cái là thằng ấy lại ở ngay phường mình. Thế mới gay chứ. Làm đồng chí bí thư, đồng chí chủ tịch phường mất ăn mất ngủ.
Thuần cười:
– Tôi mới bảo: Chắc gay lắm nhỉ. Khéo ốm thì gay. Rồi tôi hỏi ông chi uỷ đang đứng nói: Thế các ông đọc chưa đã? Rồi. Thật không? Thật. Tên quyển ấy là gì? Chuyện kể năm 2000. Nội dung là gì ông nói tôi nghe xem nào. Không ông nào nói được. Tức là chưa đọc. Chưa đọc nhưng trên bảo thế nào thì cứ thế hót. Tôi mới bảo các ông ạ. Tôi đọc quyển ấy rồi. Tất nhiên là bản phô-tô thôi — Bản ông ký tặng tôi, tôi phải cất đi chứ. Cất kỹ. Nhà có máy phô-tô. Tôi phô-tô hai bản. Tha hồ đọc, tha hồ cho mượn, không sợ mất. Nhà tôi có. Ông nào muốn đọc đến lấy đọc. Các ông đã đến nhà anh Bùi Ngọc Tấn là người viết ra cuốn sách chưa? Tôi đến rồi.— Tôi không nhận ông là bạn học của tôi. Tôi đến nhà anh Tấn rồi. Gặp cả chị vợ anh ấy nữa. Văn hoá lắm. Nhất là chị vợ. Những người như thế không thể là những kẻ chửi bới vô văn hoá được. Tôi rất ít đọc sách văn nghệ. Thế mà tập này tôi đọc suốt đêm. Có nhà tôi đây này, các ông cứ hỏi nhà tôi mà xem. Chả là nhà tôi cũng hưu rồi, cũng sinh hoạt chi bộ đường phố, nằm trong chi uỷ. Bà ấy hơn tôi. Chi uỷ cẩn thận. Bà ấy cười bảo: Đúng. Vớ được tập sách, nhà tôi đọc cả đêm. Tôi bảo: Tập sách ấy tôi có. Ông nào muốn đọc đến tôi cho mượn. Bản phô-tô thôi.
Thuần nhìn tôi cười rất đắc ý:
– Từ bấy đến nay tôi chờ, nhưng không ai đến mượn cả ông ạ. Thì ra cứ nói như con vẹt thế thôi, chứ các bố không quan tâm, các bố không đọc.
Thuần ở Lương Văn Can, gần nhà tôi. Thỉnh thoảng sang chơi. Dăm ba câu thế sự như những người về hưu khác. Đầu năm 2003 nghĩa là mùa xuân năm Quý Mùi, đã ba năm sau khi in Chuyện kể năm 2000, câu chuyện tôi là tên phản động trong phường vẫn còn nguyên tính thời sự. Thuần cười ngặt nghẹo. Cười rất lâu rồi mới nói được thành lời:
– Tết xong, phường họp toàn thể cán bộ đảng viên. Đông. Ông bí thư phường lên nói nhiều chuyện trong đó có chuyện phường ta đón xuân thắng lợi an toàn. Ông ấy bảo phường ta có một điểm nóng. Nên phường rất lo. Phải phân công trực ngày đêm. Đề phòng trường hợp xấu nhất. Nhưng may, không có gì xẩy ra.
Nói đến đây Thuần lại cười ngất khiến tôi lờ mờ đoán được chuyện gì. Và tôi đã không nhầm.
– Điểm nóng ấy ở số 10 Điện Biên. Nhà ông Bùi Ngọc Tấn. Ông này bị đưa đi cải tạo năm năm. Về viết tập Chuyện kể năm 2000 nói xấu chế độ, chửi Đảng, chửi Nhà Nước. Mà giao du vô cùng phức tạp. Người ra người vào, Hà Nội, Huế, thành phố Hồ Chí Minh. Người nước ngoài. Mỹ, Pháp đủ cả. Đến mồng 3 Tết thấy không xẩy ra chuyện gì chúng tôi mới yên tâm.
Thuần vừa kể vừa cười giàn nước mắt.
Tôi cũng cười:
– Tức là Bùi Ngọc Tấn không giật mìn phá Nhà Hát Lớn! Mà khách đến nhà ông Tấn cũng không có ai là al-Qaeda!
Thuần lau nước mắt, kể tiếp:
– Tôi bảo bà cụm trưởng. Bảo bà cụm trưởng thôi. Ông bí thư còn đang đứng nói. Tôi là bạn học với ông ấy. Bà có muốn đến nhà ông Tấn tôi đưa đi. Người hiền như đất. Người ấy không thể làm điều ác điều xấu. Mà cũng chẳng thể làm phản động được. Chẳng biết cái gì ngoài văn chương chữ nghĩa. Ông ấy có nói với nhiều người rằng ông ấy yêu nước không kém bất kỳ một người Việt Nam nào kể cả tổng bí thư. Tôi tin. Nhà tôi có một bộ Chuyện kể năm 2000. Hay lắm. Các ông các bà muốn đọc, đến tôi, tôi cho mượn.
Thuần lại cười với cái điệp khúc quen thuộc của anh:
– Vẫn chẳng vị nào đến ông ạ.
Tôi nghĩ phần lớn những người lên án tôi, lên án tập sách đều là những người độc ác một cách hồn nhiên như vậy. Không đọc, không biết nội dung, nhưng nghe trên phổ biến cứ thế là nói. Thành thật. Thiết tha. Chẳng muốn tìm hiểu vì có người tìm hiểu sẵn cho rồi. Chẳng muốn suy nghĩ vì có người suy nghĩ sẵn cho rồi. Không muốn khởi động và không làm sao khởi động được bộ não trì trệ của mình, bộ não không suy nghĩ bởi đã có người suy nghĩ hộ. Tôi không trách họ. Chỉ buồn: Đấy là những người được coi là ưu tú nhất trong nhân dân, những người lãnh đạo dẫn dắt nhân dân, cầm cương nẩy mực, thức tỉnh Nhân Dân! Buồn hơn nữa vì người ta đã thành công trong việc tạo ra những lớp người kế tiếp nhau như vậy để thông qua họ cai trị Nhân Dân. Một Nhân Dân bị lừa dối, chịu quá nhiều đau thương đã trở nên mệt mỏi, cam chịu, phục tùng, luôn nghĩ rằng chẳng thể nào thay đổi được.
Tháng 6 năm 2004 ban tổ chức Festival Thơ Huế định mời tôi tham dự. Cũng là tạo điều kiện cho tôi thăm Huế và gặp những bạn đọc Huế yêu quý tôi. Nhưng rồi ban tổ chức nhận được một ý kiến của TRÊN: Anh Bùi Ngọc Tấn vào xẩy ra việc gì chúng tôi không chịu trách nhiệm. Không ai dám mời tôi. Và nếu có được mời, tôi cũng “không dám đâu.” Đường từ đây vào Huế dài lắm, dài hơn đường 5 của vợ chồng Lưu Quang Vũ cả mấy chục lần!
Trong những tháng năm căng thẳng sống trong không khí vu cáo thù địch, tự giam mình trong nhà, vùi đầu vào công việc viết lách cho quên đi sự tù túng, nhớ đường phố, nhớ cây, nhớ vại bia vỉa hè trong những cuộc “tụ bạ”, một hôm tôi được giấy mời ra bưu điện nhận bưu phẩm: Một hộp sắt tây cũ, băng keo bao kín, kẹp chì bảo hiểm. Đúng tên, đúng số nhà. Đúng cả số điện thoại. Nhưng người gửi thì lạ hoắc. Nguyễn Văn Vận. Một cái tên tôi chưa nghe thấy bao giờ. Địa chỉ: Nhà Bè, thành phố Hồ Chí Minh — tôi đã quên mất số nhà tên phố. Hộp không nặng, chỉ khoảng một ki lô. Tôi lắc khẽ: Có tiếng lục cục bên trong. Trở về nhà tôi đặt món quà lạ lùng không mong đợi, được niêm phong rất kỹ, phải ra tận bưu điện ký nhận này trên sàn gỗ, giữa buồng. Vợ tôi biết có bưu phẩm, bước đến. Hai chúng tôi nhìn nhau, không nói nhưng hiểu ý nghĩ của nhau. Và ngồi nhìn cái hộp im lặng như chúng tôi im lặng.
Tôi cầm hộp lên xem, đọc lại lần nữa tên người nhận, tên người gửi, tên bưu cục. Và lục lại trí nhớ. Không. Tôi không quen ai có cái tên Nguyễn Văn Vận. Người này là ai? Sao lại gửi cái hộp này cho tôi? Nhằm mục đích gì? Có gì bên trong? Tôi lại lắc nhè nhẹ. Rồi đưa cho vợ tôi. Vợ tôi cũng giơ lên tai khẽ lắc — Tôi rất sợ một tiếng nổ lớn vang lên ngay thái dương vợ tôi, sẽ tan nát hết cả hai chúng tôi, tan nát cả cái buồng này! Chúng tôi cùng thống nhất nhận định: Hộp đựng nhiều vật rắn, còn nhiều khoảng trống, chưa đầy. Nhìn vết xoắn của mối bảo hiểm được kẹp chì mà hoang mang. Chỉ cần lấy kéo cắt mối dây, tháo lớp băng keo khoanh tròn nắp hộp là biết bên trong có gì, là biết người ta gửi gì cho tôi, là biết tôi nhận được cái gì. Nhưng không thể. Trước tiên tôi không quen một ai có tên Nguyễn Văn Vận ở thành phố Hồ Chí Minh để gửi cho tôi món quà này. Cái tên chưa từng nghe thấy chứ đừng nói một người quen. Lại càng không thể có người quen nào gửi hộp bưu phẩm kỳ cục bí hiểm mà không báo trước. Trên hộp có ghi chính xác số điện thoại của tôi, sao không gọi? Điều gì sẽ đến khi lưỡi kéo chạm phần lõi của dây? Cứ cho là vẫn chẳng có điều gì xảy ra. Nhưng còn lớp băng keo, sau khi đã liều mạng bóc lớp băng keo an toàn, chắc chắn tôi không dám cậy mở nắp hộp. Một bí ẩn chết người đang nằm trong đó. Một tiếng nổ đang nín lặng trong đó. Một khối lửa chờ bùng lên đang thu mình trong đó. Một sự tàn phá nằm hiền lành trong đó. Một xé toang lồng ngực, đổ sập nhà cửa phục sẵn trong đó. Tôi đã chứng kiến vụ đánh mìn ở phố Trần Khánh Dư gần nhà tôi, rung chuyển gian gác tôi ở, khói bụi cuồn cuộn, từ cửa sổ nhìn sang rất rõ…
Tôi gọi điện vào thành phố Hồ Chí Minh cho Hải Yến, hỏi vợ chồng con gái tôi có quen ai tên như vậy, ở số nhà như vậy không? Hải Yến điện hỏi chồng đang làm việc ở cơ quan rồi trả lời cả hai không quen ai tên Vận. Tôi bảo Hải Yến hỏi cho tôi số điện thoại cái bưu cục đã nhận chuyển hộp quà rồi tôi gọi điện tới.
Một giọng nữ trong trẻo đầu dây bên kia:
– Nguyễn Văn Vận à? Anh chờ cho một xíu… Người gửi nói là thuốc bắc.
Thuốc bắc! Tôi có quen ai ở Nhà Bè và nhờ người ta mua thuốc bắc đâu. Mà tôi có ốm đau gì đâu! Nghĩ ra rồi! Không nghi ngờ gì nữa! Thuốc bắc có nghĩa là tẩm bổ, là kéo dài tuổi thọ. Thằng khốn nạn nói đểu đấy. Phải hiểu ngược lại là chết, chết ngay tức khắc. Không lừa được bố mày đâu, đồ chó đẻ! Tôi khẽ đu đưa cái hộp sắt và lắng nghe. Vẫn tiếng va đập nhè nhẹ nhưng tôi như đã nghe thấy tiếng nổ. Người tôi bị ép nhừ. Căn buồng sập. Bụi mù mịt…
Tôi đã quyết định. Dù bên trong hộp có là vàng tôi cũng không mở. Phải tống khứ ngay lập tức. Một phút một giây còn để trong nhà là một phút giây nguy hiểm. Tôi gọi điện cho cậu con út Bùi Quang Dũng. Dũng đi xe máy tới đèo tôi lên cầu Lạc Long. Cầu cho trên đường đi nó đừng phát nổ. Hai tay tôi nâng niu cái hộp trên lòng, tránh mọi va đập mạnh. Đã đến chân cầu. Đã đến giữa cầu. Tôi xuống xe, vịn lan can cúi nhìn dòng nước đục phù sa trôi dưới chân cầu và buông tay thả cái hộp sắt xuống sông Tam Bạc. Chờ một tiếng nổ rung chuyển, một cột nước dựng cao, mặt cầu rạn vỡ, người đi trên cầu hoảng hốt kêu thét vì trúng thương vì sợ hãi. Và sẵn sàng nhẩy lên xe máy phóng đi để khỏi bị bắt vì tội phá cầu. Hoặc chỉ là một cột khói bốc lên, không gây tác hại gì và tất cả quay lại nhìn tôi như nhìn một tên gián điệp. Nhưng không có tiếng nổ nào, không có cột khói nào. Mọi người xuôi ngược qua cầu chẳng ai thèm nhìn tôi vừa thả một vật gì xuống sông, Chiếc hộp nổi. Trôi. Trôi trên mặt nước giữa sông. Trôi giữa những khóm bèo tây, những mảnh xốp, những vỏ bòng, những rác rến lúc nào cũng rải rác lềnh bềnh mặt sông. Nghiêng nghiêng trôi. Im lặng trôi. Về phía cửa sông nơi hội với dòng sông Cấm.
Chắc nước chưa ngấm vào hộp nên ngòi nổ chưa được kích hoạt. Nó vẫn trôi. Phải mau chóng thoát khỏi nơi này, tôi bảo Dũng quay ngược xe xuống dốc cầu.
Tối, theo dõi báo đài không thấy đưa tin về một vụ nổ nào. Mấy hôm sau, Bùi Ngọc Hiến đến nhà hỏi tôi:
– Bố có nhận được hộp thuốc hoàn thằng Vận tầu Việt Xô 07 gửi ra cho con không?
Hộp thuốc hoàn giá bốn triệu của con tôi đặt người ta làm. Đến lúc ấy tôi mới biết. Hiến ở một ngõ thuộc đường Thiên Lôi, sợ khó tìm nên đã bảo bạn gửi về địa chỉ của tôi ở trung tâm thành phố, gần ngay bưu điện, mà không nói cho chúng tôi bởi thấy không cần phải nói. Còn chúng tôi, quen sống trong lo lắng, luôn nghĩ tới và đối phó với những âm mưu hãm hại nhưng không cho con cái biết, để chúng bớt đi một điều nghĩ ngợi. Chuyện cứ như là của những kẻ tâm thần. Vâng. Chính là chuyện của những kẻ tâm thần. Chúng tôi là những kẻ tâm thần chính hiệu. Những kẻ tâm thần một trăm phần trăm. Sống trong hoàn cảnh như vậy không bị tâm thần mới là chuyện lạ.
*
Có lẽ chúng tôi chỉ mắc chứng tâm thần thôi mà không điên bởi đã được tôi luyện trong gần hai nghìn ngày lao tù rồi cả vạn ngày hậu tù tiếp theo kinh khủng không kém gì tù tội. Hơn thế, hôm nay không còn là cô đơn gậm nhấm oan khuất, âm thầm chịu đựng, tiếp tục thói quen nuốt tiếng thở dài vào bụng, lặng lẽ nghiền ngẫm tiêu hóa nó. Rất nhiều bạn đọc đến với tôi, đem đến cho chúng tôi sự động viên rất lớn, tăng cường sức bền cho hệ thần kinh vốn suy nhược của chúng tôi.
Những người khách đủ mọi tầng lớp, đủ mọi lứa tuổi. Đi xe máy. Đi ô tô. Đi bộ. Đi xe đạp. Máy ảnh. Chân chống vác trên vai. Những vị khách người nước ngoài, những đàn ông da đỏ au cao mét chín, hai mét với camera, với đèn chiếu sáng, những đàn bà tóc bạch kim quần soóc, ôm những bó hoa tươi. Có tốp hai ba người, có đoàn lên tới gần hai mươi người, quay phim chụp ảnh từ đầu ngõ vào cho tới khi lên gác. Tất cả cùng một nét mặt hân hoan, một nụ cười tươi tắn, hơn cả lời nói chúc mừng.
Một nhạc sĩ đang công tác ở nước ngoài về Hải Phòng nhờ Vũ Cao Quận đưa đến thăm vợ chồng tôi.
Giữa trưa. Chúng tôi đang ăn cơm. Người bạn đọc ấy nói:
– Tôi biết anh chị đang ăn cơm. Nhưng tôi chỉ gặp anh một tí thôi. Tôi đến chỉ để vái anh một vái.
Người khách đứng chắp hai tay vái tôi và tiếp:
– Anh đã làm một việc nhân đức. Bộ sách của anh có sức mạnh bằng mấy sư đoàn. Nhiều người sẽ cám ơn anh. Nhiều gia đình sẽ cám ơn anh. Tôi đang nghiên cứu đạo Phật. Anh sẽ được Phật Tổ Như Lai phù hộ độ trì. Cứu một người phúc đẳng hà sa. Tập sách của anh chắc chắn không chỉ cứu một người. Anh chị sẽ được Đức Phật che chở, được hưởng ân phúc của Đức Phật.
Nói rồi anh đi, sau khi đã trao cho tôi cái các vi-dit và hẹn gặp lại. Chúng tôi cứ đứng ngớ ra, không kịp cả rót nước mời anh.
Rồi một chiến sĩ tên lửa thời chống Mỹ. Một vị tướng về hưu — cũng đã trải qua vòng lao lý oan sai —xách đến cho tôi một can mắm tép nhà làm. Mấy ông đại tá bị tù oan. Một thầy giáo già trên bẩy mươi tuổi vừa cắt mật mổ gan trong bệnh viện tới gặp tôi chỉ ao ước có Chuyện kể năm 2000 để đọc mà không dám hỏi. Anh lái xe Nguyễn Vĩnh Cường lái xe cho công ty kiểm toán ở Hà Nội đưa cán bộ đến làm việc ở đâu là nhờ nơi ấy in tiếp vài chục trang Chuyện kể năm 2000 trên mạng, mỗi khi về Hải Phòng lại cầm đoạn đang đọc dở đến nhà tôi xin chữ ký với lời nói về mình rất tự hào: “Cháu là lái xe nên có văn hóa đọc chú ạ. Trong khi anh em làm việc cháu nằm trên xe đọc chú.”
Nhà báo Nguyễn Duy Tâm râu dài cuồn cuộn như râu anh hùng Núp rầm rầm lên thang. Từ thành phố Hồ Chí Minh, anh theo đoàn đua xe đạp xuyên Việt và đội bóng Công An thành phố Hồ Chí Minh ra thi đấu tại sân Lạch Tray. Nhưng anh không xem đấu bóng. Anh xách một bịch to những cốc, những ấm pha trà đến làm quà cho tôi. Anh nói anh mượn được của “anh chị Diệu” bộ sách của tôi. Mãi mới mượn được. Nhiều người mượn quá. Anh bấm di động để tôi nói chuyện với anh chị Xuân Thu trong Sài Gòn, nguyên mẫu anh chị Diệu trong tiểu thuyết. Tiếng chị Diệu ngoài đời reo vui bên kia đầu dây:
– Chị đọc của chú rồi. Viết về chị thế, đọc cũng mát ruột.
Đi Pháp về, Hoàng Hưng cùng vợ đến nhà. Chào người hùng. Sang bên ấy mới thấy tầm vóc người hùng, thơm lây vì có quen người hùng. Nhưng phải viết một cái gì nữa đi. Khác hẳn quyển này. Châu Diên tuyên bố: “Tao cũng sẽ ra một tập.” Điều ấy thật bất ngờ và làm tôi sung sướng. Anh bỏ viết văn lâu quá rồi. Anh là người thông minh và tài năng. Tôi rất mong anh viết trở lại. Cũng như thật vui mừng biết bao khi Nguyên Bình từ Hà Nội về tươi cười:
– Thằng khốn nạn ạ. Đọc mày tao lại muốn viết.
Nguyên Bình cũng đã hàng chục năm nay không viết. Anh đang nghiên cứu một thứ tập luyện nào đó, và đã trở thành một bậc “đại sư” “thượng thừa” như nhiều người nhận xét, nó giải quyết cho anh cả những vấn đề triết học chúng ta là ai, chúng ta từ đâu đến, chúng ta đi tới đâu và đã hơn một lần anh nói với tôi: Tao đi theo cái này hay quá. Biết nó hay nên chỉ muốn giúp bạn. Mày tập đi. Tập đến một lúc nào đó thì mày sẽ không muốn viết nữa. Thế mà bây giờ Bình bảo tôi: Đọc mày tao lại muốn viết. Làm sao tôi không sung sướng.
Trung tướng Trần Độ trước khi vào nhà, dừng lại ở cửa hỏi tôi: Những điều anh viết về chị ấy trong Chuyện kể năm 2000 là thật hay “văn nghệ” thêm ra đấy? Khi được trả lời là tôi viết còn dưới sự thật, những chuyện vợ tôi sống trong thời gian tôi đi tù, tôi có dám hỏi đâu, ông cười, bông đùa như những người bạn đã quen từ thuở nào rồi:
– Thế thì tôi ghen với anh.
Rồi ông khoác vai cả hai vợ chồng tôi cùng ông bước vào nhà. Cùng đi với Trần Độ, nguyên phó chính ủy quân giải phóng miền Nam, nguyên phó chủ tịch Quốc Hội, nguyên trưởng ban tư tưởng văn hóa trung ương một vị lão thành cách mạng nhưng nổi lên như một người chống đối bị giám sát chặt chẽ là một đoàn tháp tùng và tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang, người mới bị bộ Công An bắt giam hơn hai tháng. Hai ông từ Hà Nội về thăm tôi, thăm tác giả Chuyện kể năm 2000. Nói về những chuyện chung quanh tập sách của tôi, ông bảo:
– Cứ hô hào vận động viết tiểu thuyết hay. Nói dối cả đấy. Có tiểu thuyết hay là cấm. Không có tự do làm sao có tiểu thuyết hay được.
Ông hỏi những người cùng đi:
– Các ông đã đọc Những Người Rách Việc của ông này chưa? Tập ấy đọc cũng thú lắm. Đọc Một Thời Để Mất thấy cả nước nói dối. Đọc Những Người Rách Việc thấy chẳng ai làm việc gì cả. Toàn vớ vớ vẩn vẩn…
Lúc ấy tôi mới biết ông đã đọc tất cả sáng tác đã in của tôi. Chao! Giá như Bộ Chính Trị có lấy năm bẩy người như Trần Độ. Thì đất nước này đã đổi khác rồi. Chắc chắn nhân dân sẽ có cuộc sống dễ thở hơn. Tiếc thay phần lớn những bộ mặt dù cố làm ra cao cả nhưng mọi người vẫn nhìn thấy những gì ẩn giấu bên trong họ. Nhìn họ xuất hiện trên tivi, lại cứ nhớ đến Nietzsche: Ta biết quá rõ những kẻ giống với Thượng Đế…
Tôi xin phép thuật lại một cuộc gặp trong rất nhiều cuộc gặp cảm động với những người đọc sách của tôi, những cuộc gặp khiến thần kinh bị đầu độc chết cứng của tôi tươi nở lại. Một cuộc gặp thật hiếm xẩy ra đối với một nhà văn như tôi.
Một hôm nhạc sĩ Duy Thái và đạo diễn Quang Long ([2]) đến nhà, nằn nì:
– Anh phải đi đằng này với chúng em. Không phải đi ăn đâu.
Cái nhìn của tôi nói với hai người rằng tôi không muốn đi đâu vào lúc ấy. Đã mấy lần tôi theo các anh tới nhà bạn các anh vốn rất muốn gặp tôi “ăn một bữa cơm gia đình, ăn là phụ mà chủ yếu là trò chuyện.” Dù tôi rất vui được gặp những bạn đọc yêu quý mình, nhưng các anh nhanh chóng phát hiện ra tôi thường bị mệt ở những chỗ đông người, tôi chẳng uống được bia rượu, còn hàm răng của tôi gần như hỏng hết, chỉ ăn được những thứ mềm và cũng chẳng ăn được bao nhiêu. Hai anh thấy cần nói rõ hơn:
– Có một ông bác sĩ bị ung thư nằm chờ chết đọc anh và rất muốn gặp anh. Đi anh. Ngay ngõ chợ Tám Gian thôi.
Chỉ vậy cũng đủ để tôi thay đồ, xuống thang đi ngay
Bác sĩ Hoàng Ngọc Thắng là phó khoa ngoại bệnh viện Hữu Nghị Việt – Tiệp. Một bác sĩ có tài, có lương tâm thầy thuốc đã cứu nhiều người khỏi lưỡi hái thần chết. Anh khoảng trên dưới năm mươi tuổi, nghĩa là tài năng đang độ chín, cái tài năng cứu nhân độ thế. Lưỡi dao mổ của anh đang đạt tới độ chính xác, hiệu quả cao. Anh bị ung thư di căn. Lần này lưỡi dao mổ của anh, của đồng nghiệp anh hoàn toàn bất lực.
Đang nằm trên giường, thấy chúng tôi vào, anh nhỏm dậy, nhưng đó là một cố gắng vượt quá sức, anh chỉ nghiêng được người và hơi nhấc đầu lên chào chúng tôi. Tôi nắm chặt tay anh. Bàn tay ẩm ướt hâm hấp nóng. Bàn tay người bệnh. Tôi đã có hai người bạn chết vì ung thư. Minh Đà không biết mình bị ung thư nên vẫn tin tưởng sẽ vượt qua bệnh tật cho đến lúc hôn mê. Dương Hùng biết mình bị ung thư, đã chạy xạ, khối u đã teo đi, tóc đã mọc trở lại, đã nhuộm tóc và đi xe máy, những tưởng tai qua nạn khỏi nhưng rồi bệnh lại tái phát. Biết mình không còn sống được bao lâu nữa, anh khóc. Khóc một mình lặng lẽ cũng như mỗi khi có bạn đến thăm. Khóc không giấu giếm. Bởi vì sao trong khi bạn bè sống khoẻ mạnh thế kia, anh lại bị căn bệnh quái ác này. Để anh phải chết.
Tôi giữ bàn tay bác sĩ Thắng khá lâu. Anh để yên tay anh trong tay tôi. Tôi khe khẽ:
– Anh có đau lắm không?
Anh gật đầu:
– Đau.
Ung thư là đau. Minh Đà cũng ung thư gan như anh. Minh Đà vật vã trên giường bệnh, lúc tung hết chăn ra và đòi bật quạt, lúc lại kéo chăn đắp kín người. Minh Đà đã cầm truyện ngắn Người Chăn Kiến của tôi vào tận Nghệ An, đưa cho Thanh Quế, được Thanh Quế công bố lần đầu tiên trên tờ Sông Lam… Sao lại có một thứ bệnh dã man như thế. Y học rồi phải khống chế được nó, không cho nó tác oai tác quái, không cho nó tuyên án tử hình con người để con người nằm chờ cái chết đến từ từ, nghe nó lại gần mình, từng bước, từng bước… Anh rời tay tôi ra và cố gắng ngồi dậy. Tôi đỡ anh. Lần này anh ngồi dậy được. Anh thở mạnh nhưng cười rất tươi:
– Cám ơn anh đã đến thăm tôi. Đọc anh, tôi ngỏ ý với Duy Thái, Quang Long là muốn được gặp anh…
Anh lại nắm tay tôi. Đôi mắt long lanh, cái long lanh của người đang sốt và cả vẻ long lanh của người bất chấp số phận, không quan tâm đến bệnh tật, vẫn sống yêu đời:
– Anh đã giúp tôi rất nhiều. Tôi hiểu rằng con người không được phép bi quan, không được phép đầu hàng. Tập sách của anh đã nâng đỡ tôi sống những ngày còn lại. Còn một ngày cũng sống cho ra sống…
Tôi cảm thấy gai người. Trong đời viết văn long đồng lận đận nguy nan của tôi, tôi không chờ đợi một điều to lớn như thế.
– Cám ơn anh.
Tôi nói mà thấy tự hào. Từ đáy lòng, tôi cám ơn anh, không phải những lời xã giao cửa miệng. Và bỗng thấy giữa tôi và anh có một sợi dây liên hệ gần gũi như những người bạn quen nhau đã lâu rồi, hơn thế, giống những người ruột thịt, những người chung huyết thống đang nói cùng nhau những lời vĩnh biệt khiến người tôi nổi da gà.
– Đọc anh xong, muốn gặp anh quá. Duy Thái, Quang Long hứa sẽ đưa anh đến. Cám ơn anh đã tới thăm tôi.
Từ buồng trong, vợ con anh ra chào tôi. Thằng con nhỏ chắc đang học lớp năm lớp sáu gì đó. Chị vợ xin phép chúng tôi đưa con đi có việc. Như vậy lát nữa khi chúng tôi ra về, anh sẽ ở nhà một mình. Một mình với bệnh tật. Tôi hiểu rằng anh bệnh đã lâu, cuộc sống vẫn cứ phải tiếp tục với tất cả bận bịu vất vả lo toan, mọi người trong gia đình chấp nhận điều khủng khiếp là rồi đây sẽ mất anh như chấp nhận cuộc sống.
– Tôi muốn lại anh chơi quá. Tôi muốn gặp chị, gặp các cháu, xem căn buồng của anh, cây xoan trước cửa buồng anh. Nhưng thôi, được gặp anh như thế này là tốt lắm rồi.
Đã có một bạn đọc từ Hà Nội về đòi tôi dắt đến cửa sổ chỉ cho anh nơi cây xoan đã in bóng lên tường. Và hai bạn đọc nữ hỏi tôi về tập Anna Karenina còn không? Những câu nói làm tôi xúc động. Duy Thái, Quang Long người pha nước, người giúp anh uống thuốc.
– Cuộc sống thật muôn hình muôn vẻ. Anh vẫn tiếp tục dòng suy nghĩ. Thật khó khăn phức tạp… Tôi có cầm cự giỏi lắm cũng chỉ mấy tháng nữa thôi. Thú thật, nhiều lúc chán lắm nhưng rồi tôi gặp một người bạn…
Anh chỉ tay vào bộ sách của tôi đặt bên gối:
– Tập sách của anh rất cần thiết cho cuộc đời này. Cần lắm đấy. Bao nhiêu điều người ta vẫn nghĩ mà không nói được ra. Anh đã nói hộ. Trong hoàn cảnh khó khăn đến thế anh vẫn không chịu thua. Cho nên quyển sách của anh lại càng cần đối với những người như tôi.
Và hình như bỗng nhớ tới nghề nghiệp và cả căn bệnh của mình nữa:
– Bây giờ là phải dùng dao mổ. Ung thư mà cứ dùng mãi bê một để từ đời nào rồi. Làm sao khỏi được. Lưỡi dao mổ của anh sắc lắm.
Ông bác sĩ ngoại khoa cười hóm hỉnh. Tôi cũng lây cái vui của anh:
– Còn thua xa lưỡi dao mổ của anh trước đây.
– Tôi không sống được bao lâu nữa. Lời nói của tôi là chân thành: Những người như anh rất cần cho cuộc đời nay. Quyển sách của anh cũng vậy. Rất cần cho cuộc đời này.
Tôi rưng rưng vì những lời anh nói, vì cách nói không cho cãi lại của anh. Và tự nhủ sẽ cố gắng để có ích cho cuộc đời này, để cần cho cuộc đời này như anh nói. Dù có gặp hiểm nghèo, dù có bị coi là phó người, túng thiếu, vất vả kể cả lại sa vào vòng lao lý.
Người bác sĩ ngoại khoa ung thư đã mất. Không ai báo cho biết, nên không được dự buổi đưa tiễn anh. Nhưng thật may, tôi đã kịp có mặt trong lễ tang trung tướng Trần Độ.
Trung tướng Trần Độ về thăm tôi cuối năm 2000 và qua đời vào giữa năm 2002. Không thể không lên Hà Nội. Không thể không lên vĩnh biệt vị tướng được cả nước yêu thương, người đánh đổi cuộc sống vương giả cộng sản siêu hạng lấy sự trù dập, bị theo dõi săn đuổi, bị bôi nhọ ở mọi nơi mọi chỗ, chỉ vì muốn đất nước, nhân dân được hạnh phúc. Không thể không lên vĩnh biệt người bạn đọc già đã chia xẻ cùng tôi.
Ông chết đã nhiều ngày người ta mới công bố. Công bố tối hôm trước, sáng hôm sau tổ chức tang lễ ngay. Để những người yêu quý ông khắp cả nước khó đến dự. Được tin tối hôm trước trên tivi, sáng hôm sau tôi đi tầu hoả lên Hà Nội ngay. Lên người không rồi sẽ kiếm một vòng hoa vào viếng — Nhà tang lễ ấy tôi biết. Tôi đã lên đó đưa tang bà Tề, vợ ông Vũ Đình Huỳnh, mẹ Vũ Thư Hiên bạn tôi. Thật không ngờ. Tới ga, tôi gặp anh Hữu Tiến và anh Sơn, những người Hải Phòng bị công an theo dõi gắt gao, những người đã cùng tướng Trần Độ đến nhà tôi. Chúng tôi đổi vé cho những hành khách khác để có thể ngồi chung một chỗ trò chuyện. Thì ra đại tá Vũ Cao Quận đã lên Hà Nội ngay tối hôm trước và đã đặt vòng hoa ở trên ấy. Anh Hữu Tiến lấy trong túi xách ra cái băng sẽ cài lên vòng hoa. Một cái băng mầu xanh. Và dòng chữ: Vô cùng kính trọng Trung Tướng Trần Độ. Những người bạn đồng hành Hải Phòng. Hữu Tiến rất đắc ý với dải băng xanh chứ không phải giải băng đen. Nó nói rằng Trung Tướng Trần Độ vẫn sống với chúng tôi. Lại còn dòng chữ nữa. Tiến bảo: Vô cùng thương tiếc là đối với người đã chết. Còn Vô cùng kính trọng là Trần Độ vẫn sống.
Nhưng sự đời luôn đầy những bất ngờ.
Xuống tàu, ba chúng tôi gọi tắc xi. Vừa đến cửa nhà tang lễ, xe dừng, chúng tôi mở cửa bước xuống, một phụ nữ mặc bà ba đen, giọng miền Nam bước lại hỏi tôi:
– Anh là anh Bùi Ngọc Tấn?
Tôi chào chị. Chị nói tiếp:
– Anh Nguyên Ngọc không đến được. Anh Ngọc đang dự một hội nghị về văn hoá ở miền Trung.
Ngừng một lát chị nói:
– Trông anh khoẻ hơn béo hơn bức ảnh ở bìa sách. Bức ảnh ấy trông anh gầy quá.
Tôi biết ngay chị là vợ anh Nguyên Ngọc. Nhưng chưa kịp hỏi chuyện, mấy ca-mê-ra đã đến chĩa ống kính vào chúng tôi. Chà chà. Chu đáo quá. Ghi hình ngay cả ở ngoài đường phố. Một người nữa chạy đến:
– Bùi Ngọc Tấn! Phạm Quế Dương đây!
Phạm Quế Dương. Người tôi đã gặp hôm đưa tro hài cốt Vũ Huy Cương vào chùa. Người được giải Nhân Quyền Hellman – Hammett cùng tôi. Người tôi đã đến nhà mấy lần nhưng không gặp. Tôi muốn hỏi Phạm Quế Dương về chuyện giải thưởng, nhưng nhiều ca-mê-ra đã chĩa vào chúng tôi. Thật là mẫn cán. Những người dám đến đây đều phải cảnh cáo bằng cách ghi hình. Nữa là Bùi Ngọc Tấn và Phạm Quế Dương. Chúng tôi phải tản ra. Thì lại một người nữa bước tới. Lê Hồng Hà. Chúng tôi chỉ bắt tay nhau, và đều hiểu rằng mình đang là tiêu điểm của sự chú ý nên chẳng thể ghé tai thì thầm những điều cần hỏi. Bây giờ mới là Vũ Cao Quận. Anh kéo chúng tôi ra nhận vòng hoa anh đã đặt. Những hai vòng hoa. Một cho Những người bạn đồng hành Hải Phòng, một cho riêng anh, Người lính già Vũ Cao Quận. Chúng tôi kẻ trước người sau khiêng hai vòng hoa bước vào khu tang lễ. Vừa qua cổng, chúng tôi đã được hướng dẫn vào phòng kiểm tra. Tôi đã dự nhiều đám tang nhưng đây là lần đầu tiên có một phòng kiểm tra như vậy. Chúng tôi phải giơ cao vòng hoa lên. Một người đeo phù hiệu Ban Tổ Chức cầm một cái gậy bên trên gắn một cái gì loe ra giống một chiếc đĩa nhỏ mầu đen hơ hơ vào những bông hoa, như người ta hơ chung quanh hành khách mỗi khi bước vào phòng chờ máy bay vậy. Thật khôi hài hết cỡ. Và trơ trẽn đến thế là cùng. Bởi dưới ánh nắng mặt trời, những cánh hoa những đài hoa gần như trong suốt, chẳng thể giấu trong đó một quả mìn tự tạo rồi cho phát nổ.
Hiển nhiên trò khôi hài này chỉ là cái cớ dẫn tới một việc khác mà đây mới là việc chính. Chúng tôi được mời vào trong nhà. Một người đàn ông trạc năm mươi tuổi to khỏe như một võ sĩ giu đô, dáng là sếp ở đó ôn tồn giải thích cho chúng tôi là phải thay băng chữ trên vòng hoa. Rằng băng chữ không thích hợp. Trước tiên là băng vải phải mầu đen. Mà băng vòng hoa to, vòng hoa của cả đoàn lại mầu xanh. Phạm quy. Hai nữa, tất cả các băng đều không được có chữ “thương tiếc” hoặc “kính trọng.” Mà băng của cả đoàn lại có chữ kính trọng. Chúng tôi xúm lại đấu tranh. Chúng tôi viết thế vi phạm ở chỗ nào? Có điều luật nào cấm không? Chúng tôi làm sai hiến pháp ở chỗ nào? Hiến pháp chỉ quy định chung còn trong những trường hợp cụ thể, nhà nước có những quy định riêng. Bộ Chính Trị, Chính Phủ đã quyết định như vậy. “Người lính già” Vũ Cao Quận hăng hái nhất: Anh cho chúng tôi xem bản quyết định ấy. Tôi nói là đủ. Chúng tôi không tin anh. Nguyễn Khoa Điềm là cái thứ gì. Là con cháu Trần Độ thôi chứ là gì? Hình như người đối thoại với chúng tôi đã được dặn dò rất kỹ là kiên quyết nhưng phải mềm mỏng, không để xẩy ra một sự cố nào. Anh ta lắc đầu: Lệnh trên là các băng không đúng quy định đều phải thay. Mà các bác không phải làm gì cả. Cứ ngồi đây. Đã có người thay cho các bác. Các bác cũng không phải trả tiền. Vũ Cao Quận nghiêm trang: Thế thì các anh cho một cái quy định đi. Vì sau đây chúng tôi còn đi nhiều đám ma. Đám nào được thương tiếc, được khóc. Đám nào không thương tiếc. Đám nào cười.
Cuộc thương lượng rất căng thẳng. Và trong khi đấu khẩu, các ca-mê-ra lại châu vào chỗ chúng tôi. Gí tận mặt từng người. Xè xè quay. Cạnh đó là những chiếc ghế băng ngồi kín những thanh niên choai choai ngực đeo phù hiệu Ban Tổ Chức làm ra vẻ thờ ơ với cuộc cãi vã, vô công rồi nghề mà tôi tin rằng đấy là những Hồng Vệ Binh đang ngứa ngáy chân tay, sẵn sàng tung ra những miếng võ học được trong các trường đào tạo công an. Ngôi nhà đối diện phía bên kia cổng cũng rặt những thanh thiếu niên “vô công rồi nghề” như vậy, người nào cũng mang phù hiệu Ban Tổ Chức, nhiều người với chiếc ca-mê-ra trong tay.
Nói thì nói thôi, chúng tôi đều hiểu cái người đối thoại với chúng tôi đây — chắc chắn là một mật vụ có hạng — chẳng có quyền gì. Anh ta chỉ là một cỗ máy, thực hiện nhiệm vụ của Đấng Tối Cao. Một rô-bốt đã được lập trình, cứ thế mà vận hành. Cuối cùng thì vòng hoa lớn, vòng hoa của cả đoàn được mang đi và được mang trả lại rất nhanh với băng vải đen in dòng chữ như mọi vòng hoa khác: Kính viếng ông Trần Độ. Chúng tôi bước khỏi phòng kiểm tra ra sân. Người đàn ông béo khoẻ đang ngồi bỗng đứng bật lên chạy theo chúng tôi. Lần này là vì vòng hoa riêng của Vũ Cao Quận. Yêu cầu bác quay lại thay băng đã. Vẫn không dừng lại, mặc anh ta lải nhải, chúng tôi chầm chậm vào sân. Vũ Cao Quận nói như quát trong “hành tiến”:
– Tôi không quay lại. Vừa nẫy các anh bảo chỉ thay một băng. Còn băng của tôi thì được. Bây giờ các anh lại bảo thay là thế nào? Các anh mời những nhà ngôn ngữ học lại đây xem băng của tôi có gì sai. Kính viếng Trung Tướng Trần Độ. Người lính già Vũ Cao Quận. Có gì sai, các anh nói đi. Ông Trần Độ có là trung tướng không? Tôi năm nay ngoài 70 tuổi làm liên lạc cho ông ấy từ những năm đầu cách mạng có được là người lính già không? Hay vẫn là người lính trẻ? Các anh nói đi.
Vũ Cao Quận đã thắng. Chúng tôi bước vào nhà tang lễ. Quan tài ông đặt trước một tấm vải mầu sẫm — đang ở ngoài nắng bước vào nhà tối, tôi không kịp phân biệt xanh hay đen — trên đó là vỏn vẹn 5 chữ kiểu ba tông không có chân, cắt bằng giấy trắng Lễ tang ông Trần Độ. Bôi bác đến thế là cùng. Những chữ tiêu đề hội nghị ở Quốc Doanh đánh cá Hạ Long mà thằng thi đua là tôi cũng không dám làm cẩu thả như vậy. Đó là chưa kể lời điếu của Vũ Mão kể tội ông. Lòng tôi sôi lên. Thật không ngờ người ta có thể táng tận lương tâm đến mức ấy. Còn Nguyễn Thanh Giang thì nhận xét: Họ sợ Trần Độ khi còn sống và sợ cả khi Người đã chết. Một đám tang không được nói tiếc thương. Mà chính Trần Độ là người đã góp công sức tạo dựng nên ngai vàng của họ!
Chúng tôi đi một vòng quanh quan tài và nhìn ông qua tấm kính trên nắp ván thiên. Bị bảo quản trong nhà lạnh quá lâu, khuôn mặt ông phù nề, sưng lên. Chỉ lát nữa thôi, ông sẽ thành tro bụi. Hạt bụi nào hoá kiếp thân tôi… Tất cả chúng ta đều sẽ thành tro bụi. Nhưng cũng có nhiều loại tro bụi. Cũng như ông và nhiều người khác, tôi nghĩ tro bụi của ông không thể để bên cạnh, lại càng không thể “sống” hoà hợp được với tro bụi chung quanh! Tro của ông được đưa về quê, theo ý nguyện của ông. Vĩnh biệt ông mà tôi cứ nghĩ đến lời giối giăng của ông với con với cháu: Hãy trở thành người tử tế. Thành người tử tế trong xã hội này thật khó khăn biết bao. Mà tử tế chỉ là tiêu chuẩn sơ đẳng của việc làm người!
B.N.T.
([1]) Ngày 27-1-2014 (27 Tết Giáp Ngọ) Dũng người cán bộ an ninh văn hoá theo dõi tôi 30 năm đã về hưu, đưa đến nhà tôi hai người đàn ông và giới thiệu đó là một phó phòng bảo vệ văn hoá và một cán bộ thay anh tiếp tục theo dõi tôi. Anh này còn trẻ, khoảng trên 30 tuổi. Cuộc chuyển giao thế hệ (theo dõi) này chắc là cuộc chuyển giao thế hệ cuối cùng đối với tôi, bởi tôi chẳng thể sống đến năm 120 tuổi để lại có thêm một cuộc bàn giao thế hệ nữa cho mình.
(2) Cũng toàn là những người mới quen sau Chuyện kể năm 2000.
(Xem tiếp kỳ sau)