Truyện
Lưu Thủy Hương
Trong bóng đêm.
Nó bước vào nhà. Vừa đến bên cạnh mép giường, đã nói ngay lời từ biệt.
Trời gần sáng là con đi.
Nó mặc bộ đồ rách nát, đầy những vệt mối xông. Ống tay bên phải chứa cả một tổ mối. Những con mối già nua. Những cái xác khô không răng. Nó vẫn vụng về như thế. Vụng về để rơi mấy xác mối lên sàn nhà sạch sẽ.
Mối ở đâu đấy, con.
Nó rùng mình, phả ra làn hơi lạnh buốt.
Mẹ.
Nó gọi nhỏ, bằng một giọng phân vân thiếu tự tin.
Bọn mối gặm mãi, kèn kt cả đêm lẫn ngày. Con không sao ngủ được. Mẹ có nghe tiếng mối không.
Tôi lắng nghe. Chỉ có tiếng gió rừng u uẩn.
Chỉ có tiếng gió. Con vào nhà quên đóng cửa lại cho mẹ.
Ồ.
Nó sững đi một thoáng, rồi lại lúng túng nói.
Con xin lỗi mẹ. Ngày mai, mẹ đem con về quê, mẹ nhé.
Tôi lắc đầu.
Đất nước thống nhất rồi, con ạ, đâu cũng là quê hương thôi.
Mẹ biết là con chưa bao giờ rời khỏi cánh đồng quê mình. Con bị người ta lôi ra khỏi bờ ruộng, đẩy thẳng vào chiến trường.
Nó lại rùng mình.
Chỉ một tháng sau là đi tong.
Và bóng đêm.
Bóng đêm.
Bóng đêm.
Mẹ tự hào về con lắm.
Thế thì mẹ đừng mắng con, mẹ nhé. Đừng mắng. Tay con bẩn lắm.
Nó rụt rè chìa ra bàn tay trắng nhởn chỉ còn lại ba ngón lở lói, bám đầy dòi bọ.
Tôi quay mặt đi. Đấy không phải là bàn tay của đứa bé lẫm chẫm theo tôi ra đồng. Dường như nó nhận ra điều ấy. Nó lúng túng giấu bàn tay xuống vạt áo.
Con xin lỗi mẹ. Con thèm một ngày nắng. Thèm một lần được phơi bàn tay dưới ánh nắng. Nắng ấm lắm, phải không mẹ. Nhưng. Ấm là ấm thế nào, hở mẹ.
Ấm như cái bếp lò kia thôi. Con cứ chạm tay vào bếp lò là biết.
Nó đặt tay lên bếp ga đang cháy. Ngọn lửa xanh xuyên ra lòng bàn tay. Nó ngơ ngẩn lẩm bẩm.
Cảm giác ấy thế nào nhỉ. Nắng cũng xuyên được qua thân thể mình à. Đúng rồi, nắng xuyên qua mái tóc của Xinh, khi cô ấy xõa tóc chạy theo đoàn xe. Mẹ đưa con về quê, mẹ nhé.
Mẹ vẫn vào nghĩa trang liệt sĩ thắp hương cho con đấy thôi. Bố cũng ở đấy, con có đơn độc đâu.
Bố à. Con đi tìm bố chỉ thấy bia mộ và bình hương. Xác bố được mẹ mang giấu nơi khác. Chẳng có ai trong nghĩa trang liệt sĩ cả, chỉ có bia mộ và bình hương.
Nó sụt sịt nơi hố mũi trống hoang. Nó ngồi xuống duỗi cái chân trắng nhởn ra. Chân ủng nước phù to như con lợn sữa. Cái chân teo tóp kia, nó giấu sau lưng. Nó đưa tay vén mái tóc, để lộ cái nốt ruồi màu nâu trên trán to bằng hạt đỗ tương. Nó vẫn có kiểu vén tóc lên như thế, bằng một ngón tay trỏ, như một đứa con gái. Nếu bây giờ tôi đến gần, nó sẽ hoảng hốt và biến mất. Nó vốn là một đứa trẻ nhút nhát. Trong bóng đêm, nó lại còn nhút nhát hơn. Chỉ một tiếng động nhỏ ngoài vườn cũng làm nó hoảng hốt.
Mẹ. Con không hoảng hốt. Con chỉ sợ cái chết lại tìm đến. Nó lạnh lẽo lắm.
Ưm. Ngày mai mẹ đốt áo quần vàng mã cho con, nhé. Đốt cả nữ nhân cho con.
Đừng, mẹ ạ.
Đừng.
Nó cười ngượng nghịu.
Hình nhân cũng chẳng có cảm xúc gì đâu. Mà cảm xúc ấy ra sao, mẹ nhỉ. Nó bắt đầu từ nơi nào trong thân thể mình. Thôi. Ngày mai mẹ đưa con về quê, mẹ nhé.
Nhưng quê mình có còn gì nữa mà về. Ruộng nương đã cào bằng. Bọn phản động cũng bỏ làng nhốn nháo kéo cả lên đây. Con cứ ra vườn hoa ngoài kia là gặp đủ mặt.
Phản động à.
Nó cau mày lầm bầm.
Đất anh hùng sao lại sinh phản động. Cụ Chính bị bắt hôm qua ngoài vườn hoa là thầy giáo chủ nhiệm cũ của con đấy. Hôm tiễn học sinh lên đường ra trận, thầy còn trích máu mình viết lên tường dòng chữ “Sinh Bắc tử Nam”. Hai đứa con trai thầy, thằng Toàn hy sinh trước con một ngày, anh Vẹn hy sinh sau con ba ngày. Một tuần hai cái tang. Bây giờ, cụ cũng trên tám mươi rồi, mẹ nhỉ. Lại bệnh tật. Lại không người nuôi dưỡng.
Nó dừng lại một chút chậm ống tay đầy đất lên hố mắt tối đen. Rồi nó bẽn lẽn giấu bàn tay xuống vạt áo.
Mẹ ơi. Mẹ đừng mắng con nhé.
Không. Mẹ không mắng.
Cô Xinh bị bọn côn đồ đánh gãy tay trong đám biểu tình là vợ con đấy.
Im lặng.
Sao mẹ không bảo gì.
Mẹ ơi.
Và mẹ ơi.
Tao chẳng biết Xinh với Xỏ nào. Lại cái ngữ lăn lóc bờ đường gây rối trật tự thành phố.
Đừng, đừng mắng thế.
Mẹ ơi. Đừng mắng.
Thằng Hoài Nam, con trai của Xinh, là cháu đích tôn của mẹ đấy. Con để lại nó, trong đêm từ biệt. Đêm ấy… mà cảm giác yêu nhau. Thế nào nhỉ. Thật là tuyệt vời. Không thật là ấm áp. Ấm như nắng buổi sớm.
Vớ vẩn. Tao chẳng bà con họ hàng gì với bọn cùng đinh.
Nó lặng đi rất lâu. Cái bóng trên sàn nhà nhỏ dần, chao đảo. Bỗng rồi nó quay lại, lúng túng nắm chặt gấu áo. Khi vào lớp một, nó bắt đầu có thói quen nắm chặt gấu áo, mỗi khi bị cô giáo hỏi bài.
Hôm qua con gặp thằng Hoài Nam. Nó bị đánh chết trong đồn công an tháng trước. Thân thể cũng tan nát như con. Thế mà nó lại bảo, bố chết trẻ quá. Mười bảy tuổi, trẻ quá. Đã kịp sống gì đâu. Mẹ. Con chết cho nó được sống trong ánh sáng. Nhưng rồi hai bố con lại gặp nhau trong bóng tối.
Nó vẫn nắm chặt gấu áo. Không biết rằng, mấy cái xác mối khô vừa bị nghiền nát. Khi nó thả bàn tay ra, một nhúm bụi vàng rơi xuống nền nhà. Nó nhỏ xíu, co ro như đứa trẻ lên năm. Chỉ có hai hố mắt sâu đen như lòng giếng.
Ôi, con làm bẩn sàn nhà mẹ rồi.
Nó rối rít xoa tay lên đám bụi.
Tôi cựa mình trên lớp gối. Xương khô va vào nhau.
Thì để mẹ cải táng thằng Nam vào nghĩa trang liệt sĩ.
Nó lắc đầu nhìn tôi đăm đăm. Nó không nhận ra mẹ. Người đàn bà sanh ra nó ngồi trên giường nhung đỏ. Người mẹ mỗi năm cho bày đèn hoa long trọng, tổ chức lễ tưởng niệm nó. Thế mà nó nhìn đăm đăm. Tóc mẹ đen rợn. Mẹ của mình. Mẹ của mình đấy à.
Tôi gật đầu.
Nó lắc đầu.
Con không chắc, thằng Hoài Nam sẽ chịu vào đấy. Nó hiểu chuyện đời hơn con. Nó bảo, chính mẹ ra lệnh cho báo chí đưa tin, nó say rượu tự tử chết trong đồn công an. Đúng không, mẹ. Nó khôn ngoan bướng bỉnh hơn con, đúng không mẹ.
Làm sao mà tao biết được.
Nhưng mẹ có thấy nó giống con không.
Ừ thì, nó có cái nốt ruồi của mày đấy.
Nó im lặng thật lâu. Cái bóng trên nền nhà gần như biến mất, chỉ còn cái nốt ruồi chấp chới.
Thằng Hoài Nam là con trai liệt sĩ. Nó chết vì muốn giữ đất thờ cha. Xinh là vợ liệt sĩ. Xinh không còn mảnh đất cắm dùi.
Nhưng tao làm gì được.
Nó lưỡng lự nắm chặt gấu áo. Loay hoay một lúc rồi nó đứng lên, lùi xa ra phía cửa. Từ sau cánh cửa, nó thò đầu ra lí nhí nói.
Mẹ biết công ty Vibox chiếm đất làng mình, đúng không.
Tao phải biết hết mọi thứ à.
Có tin đồn, mẹ ký giấy cho họ cưỡng chế đất.
Mẹ nhìn xa hơn những tin đồn.
Mẹ.
Mẹ ơi.
Có điều gì không phải ở đây.
Tôi bước đến bên cửa, đưa tay xoa lên mái đầu lưa thưa tóc của nó.
Mọi việc đều đúng quy trình cả, con ạ. Hãy tin mẹ.
Nó co rúm người lại, nhưng không thể biến đi. Dưới bàn tay tôi, nó gượng gạo gật đầu.
Con ra quét sân cho mẹ phơi thóc, mẹ nhé. Chốc nữa, con đi tát nước ao với thằng Toàn và anh Vẹn.
Vẫn là gượng gạo, nó chống nạng lóc cóc chạy đi. Tiếng chổi quét xào xạc ngoài hiên. Người đàn bà chậm chạp bước đến bên cửa sổ. Tiếng gà quê eo óc gáy bên vườn rau. Đêm cuối năm thoảng mùi hương cũ. Ai đốt hương trầm. Ai đốt hương. Ngoài kia, cái bóng nhỏ xíu chao đảo trong vùng lá khô. Nó không gom lá lại mà quạt lá bay tung toé. Cả bầu trời ào ạt lá khô. Lá bay lên cả bậc thềm cao, tràn vào nhà. Nó đứng bằng một chân. Tay phải cầm cái chân đứt lìa, quạt như điên vào vùng lá khô. Nó nhìn mẹ. Cười. Tiếng cười lạnh như sắt mài. Mẹ đấy à. Bộ xương khô quắt kia. Bộ mặt bơm sửa kia. Mẹ đang trẻ lại. Da căng phốp pháp. Mẹ đang trẻ lại. Bên ngoài bộ xương khô mục là thân hình trẻ trung no đủ. Được bơm. Được chích. Được kéo căng ra. Kéo mãi ra.
Căn biệt thự vĩ đại này, cả dãy phố kéo mãi từ cửa Nam đến cửa Bắc, khách sạn năm sao chọc trời kia, quần đảo du lịch cao cấp đấy. Tất cả là của mẹ.
Nó nhìn tôi. Ánh mắt lạnh như bóng đêm.
Và bóng đêm.
Bố mày từng là bí thư. Anh mày hiện là phó chủ tịch. Em trai mày là thứ trưởng. Em gái mày là tổng giám đốc ngân hàng. Không thể sống khác được.
Mẹ có gặp Xinh, hôm đi nhận xác thằng Nam không.
Không. Lại còn việc gì nữa. Một số báo có đưa tin, nhưng tao bảo bọn chúng gỡ bài xuống. Tao không chịu nổi cái giọng điệu ấy.
Mẹ. Có người mẹ nào mất con mà không đau khổ. Liệt sĩ hay thường dân thì cũng là thân xác con mình thôi.
Im lặng.
Lặng.
Mẹ.
Mẹ vẫn tiếc là, không nhận được xác con.
Mẹ chủ trương đánh nhanh, tiến nhanh, không tiếc quân số. Con bị thương nặng ở chân, bị bỏ lại bên gò mối.
Nhưng dạo ấy tao chẳng làm khác được.
Con chỉ muốn hỏi – nó lưỡng lự nhìn về phía chân trời mờ sáng – mẹ có biết đau khổ không.
Tháng 12/ 2014
Lời tác giả:
Truyện ngắn này, tôi tập viết theo phong cách của Wolfgang Borchert. Những câu văn ngắn, gọn, không đầy đủ, vỡ vụn, là đặc điểm của Kahlschlagstil (phong cách tàn phá). Sự vỡ vụn được lặp đi lặp lại liên tục, một cách vô nghĩa, vô thức, đan xen vào những lời đối thoại cũng rời rạc, không hẳn đã thành lời nói hay còn nằm trong suy nghĩ.
Kahlschlagstil không chỉ tàn phá cấu trúc văn phạm, phương thức đối thoại, mà còn tàn phá cả suy nghĩ của nhân vật cũng như người viết. Sự xáo trộn, chuyển đổi bất thường từ suy nghĩ này sang suy nghĩ khác, từ cái nhìn của người viết sang cái nhìn của nhân vật, từ cái nhìn của nhân vật này sang cái nhìn của nhân vật khác, là một thứ hổ lốn, một thứ chắp vá, một đống gạch đổ.
Thời gian dàn trải câu chuyện rất ngắn, nhưng trong khoảnh khắc đó, cả một niềm tin và lý tưởng cũng bị tàn phá. Trân trọng giới thiệu đến các bạn, nhà văn hậu chiến hàng đầu của dòng văn học tàn phá – Kahlschlagliteratur – Wolfgang Borchert: