Nghề của Nhà thơ

Elias Canetti, Nobel Vănchương năm 1981, nguyên văn tiếng Đức, viết năm 1975-76
Quyên Hoàng dịch từ bài “Elias Canetti on Being a Writer in a Tumultuous and Troubling World”, bản dịch tiếng Anh của Lucas Zwirner, 2022

 

clip_image002

 

Có những từ ngữ lâu nay héo mòn trong sự bất lực, bị xa lánh và xếp xó, những từ ngữ mà ta sẽ tự cười nhạo bản thân nếu thấy mình dùng đến chúng, những từ ngữ vì đã cạn kiệt ý nghĩa nên tự chúng queo quắt và trở thành những cảnh báo không hay – trong số đó, ta thấy từ “nhà thơ”. Và bất kỳ ai vẫn chọn theo đuổi hoạt động viết lách, vốn mãi luôn tồn tại, sẽ tự gọi mình là “một người viết”.

Tưởng rằng viết luôn đồng nghĩa với việc rũ bỏ những khẳng định sai lầm, đặt ra những tiêu chuẩn mới, trở nên nghiêm khắc hơn với bản thân, và trên hết, tránh xa mọi thứ đưa ta đến thành công ngụy tạo.  Thực tế lại trái ngược. Những kẻ kịch liệt công kích cái từ “nhà thơ” đã lập nên một kiểu chủ nghĩa giật gân của riêng họ. Họ đưa ra lời tuyên bố thảm hại rằng văn chương đã chết và in trên những trang giấy đắt đỏ cái ý tưởng nhỏ nhen của mình, như thể lời khẳng định trên có gì đó đáng để ta suy xét.

Theo lẽ tất yếu, vấn đề mà họ khơi mào nhanh chóng bị nhấn chìm bởi chính sự lố bịch của nó, nhưng những người khác – những tâm hồn chưa khô tàn đến mức phải đưa ra những tuyên bố “sức cùng lực kiệt”, mà thay vào đó, họ viết ra những cuốn sách nếu thông tuệ thì lại cay đắng – sớm được mệnh danh là “những cây viết”. Họ làm cái việc mà những nhà thơ đi trước họ từng làm: họ viết đi viết lại một cuốn sách thay vì giữ im lặng. Và bất kể nhân loại có nhiều khiếm khuyết và xứng đáng trước cái chết ra sao trong mắt họ, con người ta vẫn có một phận sự: tán dương những người viết. Bất kỳ ai không muốn làm điều đó, những ai cảm thấy chán nản trước khối lượng sáng tác ồ ạt, bất tận và mãi lặp đi lặp lại, đều bị đày đọa hai lần: lần đầu tiên với tư cách là một con người – không gì có thể giúp cứu vãn loài người được nữa – và tiếp đó, với tư cách là một người không chịu thừa nhận rằng nỗi ám ảnh bất tận với cái chết – hay nỗi ám ảnh với cái chết của những người viết – chính là nỗi ám ảnh duy nhất có giá trị.

Vì lẽ trên, tôi dành sự nghi ngại như nhau cho những người chỉ đơn thuần viết lẫn những người vẫn thỏa mãn gọi mình là nhà thơ. Tôi không thấy sự khác biệt nào giữa họ; họ giống nhau như hai giọt nước, và họ xem sự công nhận từng được trao cho họ trước đây là cái quyền bất di bất dịch.

Thực ra, không ai ngày nay có thể làm nhà thơ nếu anh ta không hoài nghi một cách nghiêm túc về cái quyền để trở thành một nhà thơ. Bất kỳ ai không nhận ra thế giới này đang ở trong tình trạng ra sao sẽ khó có thể đưa ra thứ gì đó đáng để nói. Hiện trạng nguy khốn của thế giới, một thời là mối bận tâm chính thuộc phạm trù tôn giáo, nay đã bị đẩy vào địa hạt của những sự vụ thế tục, và những ai không phải là nhà thơ thì dõi theo sự tàn diệt của thế giới (không chỉ tái diễn một lần) với một phong thái điềm tĩnh. Trong số họ còn có những kẻ trù hoạch triển vọng lẫn lợi nhuận đến từ sự suy tàn của thế giới, biến hoạt động trên trở thành cái nghề của họ, xem đó là công cụ để vỗ béo bản thân. Những lời tiên tri nay không còn giá trị kể từ khi ta giao phó chúng cho máy móc: khi ta càng ngày càng đẽo đục bản thân thành vụn mảnh, khi ta càng ngày càng đặt niềm tin vào những vật thể vô hồn, ta sẽ càng mất đi khả năng kiểm soát những gì xảy đến với mình. Quyền năng ngày một lớn của chúng ta trước vạn vật – vô hồn lẫn tồn tại sự sống – và đặc biệt là quyền năng với chính bản thân chúng ta, đã trở thành một thế lực tưởng chừng như đem lại những giá trị tích cực nhưng ẩn sâu trong đó là thực tế đối nghịch, đó là thế lực mà chúng ta tưởng rằng mình vẫn đang nắm toàn quyền kiểm soát. Hàng trăm, thậm chí hàng nghìn thứ đều có thể được đưa ra để bàn luận về vấn đề này, nhưng chúng đều đã trở nên quá quen thuộc. Có chăng, điều khiến ta ngạc nhiên nhất về sự mất kiểm soát ở đây lại là: mọi chi tiết xoay quanh nó đều đã trở thành tin tức hàng ngày, một sự tầm phào quỷ quyệt. Không ai cần tôi lặp lại chúng. Hôm nay, tôi đảm nhận một việc khác, một việc khiêm tốn hơn.

Trước tình trạng hiện nay của thế giới, cũng đáng để ta suy ngẫm về việc liệu vẫn có cách nào để một nhà thơ (hay cái cách mà chúng ta định nghĩa về một nhà thơ cho đến nay) có thể khiến anh ta trở nên hữu dụng. Suy cho cùng, dẫu cái từ “nhà thơ” đã hứng chịu nhiều cú đòn chí mạng do chính các nhà thơ gây ra, một phần những gì mà từ này khẳng định vẫn còn nguyên giá trị. Dù nó là gì đi chăng nữa, văn chương ở đây chính là những con người vẫn bám trụ với nó: nó chưa chết. Nhưng cuộc sống của những người đại diện cho văn chương trông ra sao ở thời điểm hiện tại, và họ có gì để nói với chúng ta?

Gần đây, tôi tình cờ bắt gặp ghi chép của một nhà văn tôi không thể nêu tên vì không ai biết ông ta là ai. Đoạn ghi chép khuyết danh được soạn ngày 23 tháng 8 năm 1939, một tuần trước khi Thế chiến Hai bùng nổ. Nội dung như sau: “Mọi thứ nay kết thúc thật rồi. Nếu tôi thực sự là một nhà thơ, tôi đã có thể ngăn cản cuộc chiến”. Ngày nay, ta thấy suy nghĩ này thật ngớ ngẩn, vì ta đều biết những gì đã xảy ra trong quá khứ. Thật kiêu ngạo! Một người không thôi có thể ngăn cản cái gì cơ chứ? Và tại sao, trong số tất thảy mọi người, lại là một nhà thơ? Ta có thể tưởng tượng ra điều gì phi thực tế hơn hay không? Và điều gì khiến câu nói trên trở nên tách biệt khỏi lời lẽ khoa trương của những kẻ cố tình dùng câu chữ của mình để kích động chiến tranh?

Ban đầu, tôi đọc dòng ghi chép trên trong sự bực bội khó chịu, và trong sự bực bội khó chịu ngày một lớn, tôi viết nó ra trên giấy. Sau đây là thứ, tôi tự nhủ, khiến tôi cảm thấy ghê tởm về cái từ “nhà thơ” – một thứ tham vọng mâu thuẫn cực kỳ với những gì mà một nhà thơ có khả năng đạt được trên thực tế. Tóm lại, dòng ghi chép trên là ví dụ cho những lời lảm nhảm ngớ ngẩn khiến từ “nhà thơ” không còn được tôn trọng và gieo vào lòng chúng ta nỗi ngờ vực mỗi khi thấy một ai đó vỗ ngực xưng tên gọi mình là nhà thơ và bảo với mọi người về những điều to tát, vĩ đại mà anh ta sẽ làm.

Nhưng rồi, vài ngày tiếp theo, trước sự ngạc nhiên của chính mình tôi nhận ra câu nói trên vẫn không để tôi yên – nó cứ lởn vởn trong đầu tôi, tôi vẫn tìm đến nó, sắp xếp lại nó, xua nó đi chỗ khác, kéo nó lại gần một lần nữa, nhưng thể nó phụ thuộc vào tôi, và chỉ tôi mà thôi, để cắt nghĩa. Phần mở đầu của lời ghi chép thật lạ lùng: “Mọi thứ nay kết thúc thật rồi”. Một sự diễn đạt nỗi thất bại tuyệt đối và vô vọng ngay thời điểm thắng lợi liên hoàn là thứ đang được kỳ vọng. Trong lúc mọi thứ đều đang hướng đến thắng lợi, câu nói trên biểu lộ cảnh bại trận tan hoang, như thể đó là điều không thể tránh khỏi. Xem xét kỹ hơn, phần chính của lời ghi chép – “Nếu tôi thực sự là một nhà thơ, tôi đã có thể ngăn cản cuộc chiến” – lại thể hiện thật rõ tư thế đối lập với những lời lảm nhảm rỗng tuếch: cụ thể, đó là lời thú nhận sự thất bại hoàn toàn. Nhưng hơn thế, nó truyền đạt nhận thức về trách nhiệm, và đây là điều gây kinh ngạc – nó làm được điều đó trong một tình cảnh không liên quan gì đến trách nhiệm theo cái cách đúng đắn mà ta nhìn nhận khái niệm này.

Đây, tôi nhận ra, là một người rõ ràng toàn tâm toàn ý trong lời nói của ông ta vì ông ta nói ra nó trong im lặng, và khi làm điều đó, ông ta buộc tội chính mình. Ông ta không quả quyết về những lời khẳng định của mình, ông ta từ bỏ chúng. Trong nỗi tuyệt vọng trước những gì nay tất yếu xảy đến, ông ta kết tội chính mìnhkhông kết tội những kẻ đã thực sự gây ra tình cảnh này – những kẻ ông thừa biết danh tính, bởi ông sẽ có cái nhìn lạc quan hơn về tương lai nếu ông thà không biết đến chúng. Vì vậy, chỉ còn sót lại một nguyên do khiến tôi ban đầu cảm thấy bực bội khó chịu: cái ý nghĩ của người đàn ông này về việc nhà thơ là người thế nào, hoặc nên là người thế nào, và việc ông ta tự xem mình là nhà thơ cho đến lúc, khi chiến tranh bùng nổ, mọi thứ sụp đổ.

Chính lời khẳng định phi lý về trách nhiệm nêu trên đã khiến tôi khựng lại và thấy ấn tượng. Dù vậy, cũng cần nói thêm rằng thông qua từ ngữ – sự vận dụng một cách có nhận thức và thường lệ những từ ngữ bị bạo ngược – mà hình thành một tình cảnh khiến chiến tranh trở thành điều tất yếu. Nếu có quá nhiều thứ đạt được nhờ con chữ, tại sao có rất ít thứ mà con chữ có thể cản trở? Không quá ngạc nhiên khi một người tất bật với chữ nghĩa hơn thảy những người khác sẽ đặt nhiều kỳ vọng hơn ở chúng.

Nhà thơ phải là người (và có lẽ tôi đã quá hấp tấp trong cách nhìn nhận này) đặc biệt xem trọng con chữ và thích sống cùng với chúng, có chăng còn hơn cả việc anh ta thích dành thời gian bên đồng loại; đó là người, dù anh ta dâng hiến bản thân cho con chữ lẫn nhân loại, vẫn tin tưởng con chữ nhiều hơn. Anh ta thậm chí có thể kéo những con chữ cô độc trên vị thế cao vời vợi của chúng xuống đây nhằm khiến chúng tái hòa nhập với thế giới bằng hết sức bình sinh. Anh ta nghiên cứu con chữ và chạm đến chúng; vuốt ve, cào bỏ, mân mê, và vẽ chúng; và thậm chí sau khi đã chơi đùa hả hê cùng chúng trong cõi riêng tư, anh ta vẫn nghiêng mình trước chúng trong sự kính sợ. Ngay cả khi anh ta lạm dụng một con chữ (một cách thường xuyên), hành động này xuất phát từ tình yêu.

Ẩn sau cuộc chơi này là một thế lực anh ta thậm chí nhiều lúc không hiểu, một thế lực đa phần yếu ớt nhưng đôi khi lại áp đảo đến mức khiến anh ta bị giằng xé. Đó là khát khao chịu trách nhiệm cho mọi điều ý nghĩa mà con chữ mang lại và buộc anh ta, và chỉ riêng anh ta mà thôi, phải đứng ra giải trình cho sự thất bại của chúng.

Nhưng làm thế để làm gì – cái hành động nhận trách nhiệm vì người khác có phần huyễn tưởng này? Chẳng phải nó không có sức tác động thực thụ nào bởi chính sự đặt sai chỗ của nó? Tôi tin rằng ngay cả những cái đầu có suy nghĩ hạn hẹp nhất vẫn có thái độ nghiêm túc với những gì họ tự ép buộc bản thân hơn là những gì mà người khác áp đặt lên họ. Và ta sẽ không cảm thấy thật gần hơn với một sự kiện, ta sẽ không có quan hệ mật thiết hơn với một sự kiện, trừ phi ta cảm thấy phải chịu trách nhiệm cho nó. Nếu từ “nhà thơ” đã trở nên cạn kiệt ý nghĩa bao lâu nay, đó là vì con người ta đã gán ghép cho nó một sự phù phiếm nhất định – thi ca là thứ đã thoái lui khỏi thế giới nhằm khiến con đường nó đang đi trở nên bằng phẳng. Và mối liên hệ rõ ràng giữa thói kiêu ngạo và mỹ học, ngay cái lúc bắt đầu một trong những giai đoạn đen tối nhất trong lịch sử loài người (điều mà các nhà thơ không nhận ra ngay cả khi nó đã đến thật gần trước mắt họ), đã không thể khơi dậy sự tôn trọng. Lòng tin sai chỗ mà các nhà thơ đặt vào nhiều thứ, phán đoán sai lầm của họ về thực tế (một thực tế mà họ tiếp cận với thái độ khinh miệt và thiếu sáng suốt), sự phủ nhận của họ về mọi mối liên hệ với thực tế, cách thâm tâm họ cắt đứt mối liên hệ với mọi thứ đang thực sự diễn ra xung quanh họ – bởi trong ngôn ngữ mà họ đang sử dụng không tồn tại quá nhiều sự thật – vì những lý do này, ta có thể dễ dàng hiểu được tại sao những con mắt vốn nhìn gần hơn và kỹ hơn những người khác lại ngoảnh mặt quay lưng khỏi bấy nhiêu mù quáng trong nỗi khiếp sợ.

Dẫu vậy, ta vẫn phải nhớ rằng những câu chữ như lời ghi chép khiến tôi bị ám ảnh vẫn tồn tại. Miễn vẫn có đó những câu chữ (và chắc chắn chúng nhiều hơn một) tự gánh trách nhiệm cho con chữ, và trong trường hợp mọi thứ sụp đổ hoàn toàn những câu chữ này vẫn cảm nhận cùng cực trách nhiệm nêu trên, chúng ta vẫn sẽ có quyền vin chặt vào một từ – nhà thơ – vốn luôn được dùng để mô tả chủ nhân của những tác phẩm giúp loài người định nghĩa chính mình. Vắng đi những tác phẩm này ta sẽ không biết rốt cuộc chúng ta là gì. Chúng nuôi dưỡng và duy trì ta chẳng khác gì bánh mì thường nhật, dù sự nuôi dưỡng của chúng thuộc về một phạm trù khác. Và nếu chẳng còn gì để lại cho ta trên đời, nếu ta thậm chí còn không biết những tác phẩm trên đã hoàn toàn định hình chúng ta ra sao, thế thì, trong nỗ lực tìm kiếm vô vọng thứ gì đó ngang hàng với chúng ở thời đại này, ta vẫn sẽ bắt gặp một lựa chọn sẵn có: nếu ta đánh giá thời đại này một cách cực kỳ nghiêm khắc, và thậm chí còn nghiêm khắc hơn khi tự đánh giá bản thân, ta sẽ có thể thừa nhận rằng ngày nay ta không có bất kỳ nhà thơ nào cả, và dẫu vậy vẫn tiếp tục đắm say với ước mong vào điều ngược lại.

Nhận định trên nghe chừng cực kỳ lớn lao, và nó sẽ không nắm giữ tầm quan trọng gì nếu ta không làm sáng tỏ việc ngày nay một nhà thơ có thể đem lại cho ta điều gì để khiến anh ta xứng đáng với cái tước vị này.

Đầu tiên và trước nhất, tôi muốn nói rằng nhà thơ là người bảo tồn sự biến thể (tiếng Anh: metamorphosis) – anh ta bảo tồn sự biến thể bằng hai cách khác nhau. Một mặt, nhà thơ sẽ khiến di sản văn chương của nhân loại, vốn giàu sự biến thể phong phú, trở thành thứ gì đó của riêng anh ta. Ta chỉ đang mới bắt đầu thông hiểu di sản trên phong phú và giàu đẹp ra sao, nay mà hầu như mọi văn bản của những nền văn hóa đi trước đã được giải mã. Mãi đến tận thế kỷ 19, bất kỳ ai vốn lưu tâm đến cái khía cạnh trung thực và bí hiểm nhất này của nhân loại – sức mạnh của sự biến thể – đều bị giới hạn bởi hai ví dụ đến từ thời cổ đại. Ví dụ “trẻ” hơn, tác phẩm Metamorphoses của nhà thơ La Mã Ovid, đem đến cho ta một tập hợp gần như là hệ thống mọi sự biến thể mang tính thần thoại và “thần thánh” vốn đã trở nên quá đỗi quen thuộc. Và ví dụ thứ hai, lâu đời hơn, The Odyssey, thì xoay quanh những sự biến thể đến từ cuộc phiêu lưu của một người phàm, Odysseus. Đỉnh điểm của mọi sự biến thể mà anh ta kinh qua là khi anh ta trở về quê hương trong bộ dạng một kẻ ăn mày, tức tầng lớp thấp kém nhất có thể. Không một nhà thơ nào theo sau có thể đạt đến, chưa kể đến việc cải thiện, sự trọn vẹn và hoàn hảo đến từ lớp cải trang của anh ta. Sẽ thật buồn cười nếu tôi thử luận giải tầm ảnh hưởng của hai tác phẩm trên đến nền văn hóa Âu châu trước, và đặc biệt là sau, thời Phục hưng. Tác phẩm Metamorphoses của Ovid đều xuất hiện trong các sáng tác của Aristotle và Shakespeare, cũng như trong vô vàn tác phẩm của bao người khác, và sẽ thật khờ dại khi cho rằng nó không còn tác động gì đến chúng ta, những kẻ đang sống ở thời hiện đại. Ta vẫn bắt gặp Odysseus ngày nay: anh ta là nhân vật đầu tiên đặt chân vào địa hạt cốt lõi của văn chương, và sẽ rất khó để ta nêu tên một vài nhân vật đếm trên đầu ngón tay có tầm ảnh hưởng lớn hơn anh ta.

Dù Odysseus là người đầu tiên trong số những nhân vật mà ta thấy hiện hữu khắp mọi nơi này, anh ta không hề là người có “tuổi đời” lâu nhất; đó thuộc về một người khác. Nay vẫn chưa tới trăm năm kể từ khi Sử thi Gilgamesh (niên đại 2100-1200 TCN) thuộc nền văn minh Lưỡng Hà được phát hiện. Thiên anh hùng ca này bắt đầu với sự biến thể của Enkidu – một người mang bản tính hoang dã và sống cùng động vật – để trở thành một con người văn hóa và văn minh, một chủ đề vẫn liên quan đến chúng ta ngày nay khi ta đang sở hữu những bằng chứng cụ thể và xác thực về những đứa trẻ được đàn sói nuôi nấng trong rừng. Thiên anh hùng ca kết thúc với cái chết của Enkidu, để lại người bạn Gilgamesh đơn độc, chuẩn bị để đương đầu với cái chết – sự đương đầu duy nhất không khiến cho một người hiện đại cảm nhận được dư vị cay đắng đến từ việc tự huyễn hoặc bản thân.

Sau đây là bằng chứng từ chính cuộc đời tôi để cho thấy một ví dụ hy hữu: không một tác phẩm văn chương nào, không hề tồn tại một tác phẩm nào khác, giúp đóng vai trò then chốt trong việc quyết định sự nghiệp của tôi như thiên anh hùng ca có tuổi đời 4000 năm mà hơn một thế kỷ qua không ai biết đến này. Tôi bắt gặp nó lần đầu vào năm 17 tuổi, và cho đến nay tôi chưa bao giờ quên được nó. Tôi luôn tìm về nó như thể nó là một quyển thánh thư, và song song với tác động của nó lên cá nhân tôi, tác phẩm này cũng đong đầy trong tôi niềm kỳ vọng vào thứ gì đó hiện còn là ẩn số với văn hóa của chúng ta. Sẽ là bất khả để tôi xem những trước tác kinh điển được truyền lại cho ta và nuôi dưỡng ta là thứ gì đó bất biến. Và thậm chí nếu xảy ra trường hợp không một sáng tác văn chương nào sau này có thể đạt được tầm quan trọng tương đương với chúng, ta vẫn còn đó một kho tàng đồ sộ những tác phẩm truyền miệng của những người đi trước.

Trong chúng luôn dạt dào những sự biến thể mà ta đang bàn đến ở đây. Ta có thể dành ra cả cuộc đời để suy ngẫm và tái hiện chúng, và cuộc đời ấy sẽ không hoài phí chút nào. Các bộ lạc với dân số ít hơn trăm người đã để lại cho ta những báu vật mà ta chắc chắn không xứng đáng được thừa hưởng. Ta là kẻ đáng trách cho sự tuyệt diệt của chúng, và chúng sẽ tiếp tục thất truyền vì sự bất cẩn của ta. Chúng lưu giữ những câu chuyện thần thoại của mình đến giây phút cuối, và nghịch lý ở đây là gần như không tồn tại thứ gì khác có thể cho ta thấy rõ sự hữu ích của nó, gần như không tồn tại thứ gì khác giúp khơi dậy trong ta niềm hy vọng tràn trề, như là những bài thơ lâu đời, vô song từ những con người đã và đang bị ta săn lùng, đày đọa, và cướp bóc cho đến khi họ gục ngã trong nỗi thống khổ và cay đắng. Họ – những con người mà ta khinh thường bởi văn hóa giản đơn của họ, và những con người mà ta tiêu diệt một cách mù quáng và nhẫn tâm – đã để lại cho ta một di sản tri thức vô biên. Ta không thể cảm ơn sao cho đủ những học giả đã có công cứu vớt nó. Sự lưu giữ cái công việc này, sự phục hồi nó trong đời sống quanh ta, là phận sự của nhà thơ.

Tôi đã miêu tả nhà thơ là người bảo tồn những sự biến thể từ thời quá vãng, nhưng họ cũng là những người bảo tồn một thứ khác nữa. Trong một thế giới quá chú trọng vào thành tựu và sự chuyên môn hóa , một thế giới không công nhận thứ gì khác ngoài đỉnh cao của sự thành công, mà nó xem là một thứ hệ quả tất yếu; trong một thế giới dồn mọi sức lực của nó đến sự cô quạnh lạnh lẽo nơi đỉnh chóp và xem thường và xóa bỏ mọi thứ nằm dưới nó – quần chúng, sự thật – vì chúng không mang lại đóng góp gì đáng kể cho nơi đỉnh chóp; trong một thế giới mà sự biến thể đang càng ngày bị ngăn cấm vì nó mâu thuẫn với mục đích duy nhất của sản xuất, vốn gia tăng phương thức nó tự hủy hoại chính mình một cách liều lĩnh và bóp nghẹt bất cứ thứ gì bẩm sinh trong ta nhằm chống lại nó – trong một thế giới như vậy, cái nơi mà ta phải gọi là mù quáng nhất trong tất cả các thế giới, sẽ là việc hệ trọng khi vẫn còn vài người trong chúng ta, bất kể thế giới này ra sao, vẫn tiếp tục thực hành nghệ thuật của sự biến thể.

Đây, tôi cho rằng, chính là phận sự thực thụ của nhà thơ. Một nhà thơ nên cố gắng, dù cái giá phải trả là gì đi chăng nữa, để lưu giữ một món quà một thời là cố hữu nhưng nay đã thoái trào, và anh ta nên làm điều đó nhằm giữ cho cánh cửa giữa người với người luôn rộng mở – giữa anh ta và những người khác. Anh ta phải có khả năng trở thành mọi người: người nhỏ bé nhất, người ngây thơ nhất, người bất lực nhất. Nhưng cái khát khao thấu hiểu trải nghiệm của những người khác từ bên trong này không bao giờ có thể bị chi phối bởi những mục tiêu tạo thành thứ mà ta hay gọi là cuộc sống bình thường hay chính quy. Khát khao này sẽ phải hoàn toàn thoát ly khỏi bất kỳ hy vọng nào hướng đến thành công hoặc thành tựu; nó sẽ phải được tạo thành từ chính cái khát khao của riêng nó: cái khát khao cho sự biến thể.

Tâm thế luôn sẵn lòng lắng nghe và đón nhận là điều cần thiết. Nhưng thế thôi vẫn chưa đủ. Đa phần con người ngày nay gần như không thể diễn đạt chính mình bằng ngôn ngữ. Càng ngày, họ càng lặp đi lặp lại những lời lẽ sáo rỗng từ báo chí và các phương tiện truyền thông đại chúng khác mà không thực sự truyền đạt bất kỳ nghĩa lý gì cả. Chỉ với sự biến thể theo ý nghĩa cực đoan nhất của từ này – cái ý nghĩa mà tôi đang sử dụng ở đây – thì ta mới có thể cảm nhận được cái con người phía sau lời lẽ của anh ta, để nắm bắt sự tồn tại lâu bền của sức sống thực thụ. Đây là một quá trình bí ẩn, một quá trình hiếm hoi được tìm tòi, và dẫu vậy vẫn là con đường thực thụ duy nhất giúp ta thấu hiểu những người khác. Tôi đã thử nhiều cách khác nhau để tìm ra tên gọi cho quá trình này – đại khái nó là thứ mà ta từng gọi là “sự đồng cảm” (tiếng Anh: empathy) – và tôi vẫn đang sử dụng cái từ “sự biến thể” đầy uy lực này vì nhiều lý do khác mà tôi không tiện nêu ra ở đây. Nhưng dù chúng ta gọi quá trình này là gì, không ai có thể phủ nhận rằng một thứ gì đó rất thực và cực kỳ quý giá đang bị đe dọa. Trong cách thực hành mãi tiếp diễn này, trong việc trải nghiệm mọi cung bậc của nhân loại mà ta khó cưỡng lại này – đặc biệt là cái khía cạnh thu hút ít sự chú ý nhất của nhân loại – trong cách thực hành không ngơi nghỉ vốn không bị tàn úa hoặc làm cho tê liệt bởi bất kỳ hệ thống nào, tôi nhìn thấy cái nghề chân chính của nhà thơ. Có thể tưởng tượng ra được, thậm chí là có nhiều khả năng, rằng chỉ một phần rất nhỏ của cái trải nghiệm nêu trên sẽ xuất hiện trong sáng tác của anh ta. Cách ta đánh giá tác phẩm này ra sao – một lần nữa, nó thuộc về cái thế giới nơi uy thế và đỉnh cao thống trị – không phải là mối lưu tâm của ta. Ngày nay ta quan tâm đến việc nắm bắt khái niệm một nhà thơ sẽ là người thế nào, nếu anh ta có thực sự tồn tại, thay vì đánh giá công trình mà anh ta để lại sau này.

Nếu tôi xem thường mọi thứ liên quan đến thành công, nếu tôi ngờ vực nó, đó là vì nó đi kèm với một mối nguy hại mà bản thân mỗi người sẽ tự biết trong trường hợp của chính họ. Cái ham muốn hướng đến thành công, cũng như bản thân sự thành công, có một tác động mang tính gò bó. Một người chỉ chăm chăm muốn có được thành tựu sẽ xem bất cứ thứ gì không giúp anh ta đạt được mục tiêu là gánh nặng. Anh ta vứt bỏ chúng, và từ đó trở nên hiệu quả hơn. Anh ta không bận tâm rằng có thể anh ta đang vứt bỏ phần đẹp đẽ nhất của chính mình vì anh ta xem trọng thành tựu hơn cả. Anh ta đu mình lên cao hơn nữa, từ nơi này đến nơi khác, và so đo sự cách biệt mà anh ta đã đạt được. Vị trí là tất cả; nó được quyết định bởi những yếu tố nằm ngoài bản thân anh ta, và anh ta không tạo ra nó. Anh ta không có tiếng nói trong nó. Anh ta thấy nó và phấn đấu để đạt được nó. Nhưng dù cho những nỗ lực này có hữu dụng và quan trọng ra sao trong nhiều lĩnh vực của cuộc sống, đối với nhà thơ, và ta cũng muốn rằng anh ta sẽ là người như thế, chúng hoàn toàn là những nỗ lực tàn hủy.

Vì hơn tất thảy, nhà thơ phải tạo ra nhiều khoảng trống hơn nữa trong chính bản thân anh ta: khoảng trống cho tri thức – tri thức mà anh ta thâu nạp không vì một mục tiêu cụ thể nào cả – và khoảng trống cho những người khác, những con người anh ta va chạm và biến họ thành một phần của mình thông qua quá trình biến thể. Xét đến tri thức đơn thuần, anh ta chỉ có thể thu nạp nó thông qua các quy trình trong sạch và trung thực vốn xác lập mọi hệ thống tri thức. Nhưng giữa muôn vàn nhánh rẽ khác nhau, và những nhánh rẽ này có thể nằm cách nhau rất xa, anh ta không được dẫn lối bởi bất kỳ quy tắc chủ định nào cả, mà thay vào đó là một sự thèm khát không tài nào giải thích được. Khi anh ta vừa mở lòng mình với những con người mang nhiều trải nghiệm quá khác biệt với anh ta và vừa hiểu được họ thông qua các phương thức khoa học cổ xưa nhất – sự biến thể – khi anh ta từ đó rơi vào một trạng thái rối loạn nội tâm thường trực và mãi khôn nguôi vì anh ta không thể định nghĩa cho nó một mục tiêu nào – thì lúc đó, anh ta không thu thập người với người; anh ta không sắp xếp họ cạnh nhau một cách hệ thống; anh ta chỉ đơn thuần bắt gặp họ và khiến họ trở thành một phần của mình như cái cách họ đến với anh và như cái cách con người họ vốn dĩ – và khi những cú hích cảm xúc bất thình lình xảy đến từ những cuộc gặp gỡ này, nhiều khả năng chúng sẽ đưa anh đến những bước ngoặt bất thình lình khiến anh chuyển hướng sang những nhánh rẽ mới của tri thức.

Tôi biết đề xuất trên có thể gây quan ngại ra sao. Nó sẽ không tránh khỏi việc bị chỉ trích. Nghe chừng như thể nhà thơ chỉ chăm chăm nhắm đến sự hỗn loạn và sự mâu thuẫn với chính bản thân anh ta. Hiện tại, tôi không sở hữu gì nhiều trong tay để đưa ra lời phản biện cho lời buộc tội này – nó thực sự là một lời buộc tội đáng nể. Nhà thơ chỉ thật gần nhất với thế giới khi anh ta mang sự hỗn loạn trên bên trong mình, thế nhưng – và đây là giả định chúng ta đã bàn đến ban đầu – anh ta cảm thấy mình phải chịu trách nhiệm cho nó. Anh ta không chấp thuận nó. Anh ta không cảm thấy ổn khi mang nó theo mình. Anh ta không thấy mình quyền lực hay to tát gì hết chỉ vì anh ta có khả năng chất chứa trong mình biết bao thứ lỏng lẻo và bị phản đối. Anh ta căm ghét sự hỗn loạn này. Anh ta căm ghét nó, nhưng anh ta không từ bỏ hy vọng rằng anh ta sẽ có thể vượt qua nó vì những người khác và nhờ vậy, vì chính bản thân anh ta.

Nếu một nhà thơ muốn nói lên điều gì có ý nghĩa về thế giới, anh ta không được phép đẩy thế giới ra xa mình hoặc tìm cách lảng tránh nó. Dù mọi kế hoạch và ý định tốt đẹp nhất đã được vẽ ra, thế giới lại đang hỗn loạn hơn bao giờ hết, và sự hỗn loạn này đang đẩy thế giới đến bờ vực tự-hủy diệt mình với tốc độ ngày một kinh hoàng. Nhà thơ phải gánh vác sự hỗn loạn này với mọi bản chất thật sự của nó – một bản chất không bị “là phẳng” hay “đánh bóng” nhờ việc lược bỏ những gì bị xem là không thuận tai vừa mắt (thuật ngữ La-tinh: ad usum Delphini) – theo cái cách khiến anh ta không bị nó làm cho mờ mắt. Thông qua những trải nghiệm của anh ta, nhà thơ phải chống đối nó từ bên trong và dồn sức mạnh của mọi niềm hy vọng tồn tại trong anh ta nhằm phản kháng lại nó.

Nhưng niềm hy vọng này là gì? Và tại sao niềm hy vọng này chỉ có giá trị khi nó được nuôi dưỡng nhờ những sự biến thể – những sự biến thể xuất phát từ niềm hân hoan khi anh ta đọc những cuốn sách trước đây, hoặc những sự biến thể đương đại, mà anh ta áp dụng cho thế giới hiện đại nhờ thái độ rộng mở của mình? Một mặt, sức mãnh liệt tàn bạo của những nhân vật này chiếm lĩnh anh ta, và chúng không bao giờ từ bỏ cái không gian chúng đã lấp đầy trong anh. Chúng hành động thông qua anh, như thể chúng là thứ tổng gộp nên toàn bộ sự tồn tại của anh ta. Chúng làm nên ít nhất là cái phần chủ đạo của tâm hồn anh, và vì chúng sống trong anh, một cách có ý thức và tỏ tường, chúng là cách anh kháng cự cái chết. Một đặc tính của những thần thoại truyền miệng chính là việc chúng đòi hỏi ta phải thuật lại chúng. Nhưng sự tồn tại lâu bền của chúng lại bắt nguồn từ những khía cạnh văn hóa đặc thù, vì vậy một đặc điểm khác của chúng nằm ở việc chúng sẽ khó mà suy đổi. Vì thế, ta có thể phát hiện được sức sống của chúng đến từ đâu trong mỗi lần kể chuyện riêng biệt, và có chăng rất hiếm khi ta dành thời gian nghiền ngẫm những yếu tố cho phép chúng được kể đi kể lại nhiều lần và lưu truyền mãi tận nay. Ta có thể miêu tả điều gì sẽ xảy ra với một ai đó khi anh ta lần đầu tiên bắt gặp một câu chuyện thần thoại, nhưng một bản miêu tả hoàn chỉnh từ phía tôi là việc bất khả, và một bản miêu tả khái quát sẽ là thứ vô nghĩa. Tôi muốn chỉ ra một điều duy nhất: cái cảm giác về sự chắc chắn và không thể bàn cãi mà những câu chuyện thần thoại mang lại cho ta, điều mà chúng muốn nói đến ở đây là: mọi thứ trước đây là như vậy đấy; chúng không thể hiện diện theo cách nào khác. Dẫu cho các câu chuyện thần thoại muốn truyền đạt bất cứ thứ gì – dù những sự kiện xảy ra trong những câu chuyện này sẽ có vẻ hoang đường trong bất kỳ bối cảnh nào khác – trong mỗi lần riêng biệt khi thần thoại được thuật lại, trải nghiệm của chúng ta về nó không gợn chút hồ nghi, và thần thoại trở thành một thể thức nhất quán, không nhầm lẫn đi đâu được.

Nguồn tài nguyên giúp đem lại cảm giác chắc chắn trên đã được truyền lại cho chúng ta, nhưng nó đã bị ngược đãi vì những mục đích kỳ quái nhất. Ta biết quá rõ những thể thức mang tính chính trị của sự ngược đãi này. Những công dụng thấp kém đó đã làm biến dạng, hạ bệ, và xâu xé cái sự chắc chắn trên khi chúng vớ lấy và vồ chặt những câu chuyện thần thoại cho đến khi mọi thứ vỡ vụn. Những sự ngược đãi nhân danh khoa học lại có bản chất hoàn toàn khác. Tôi sẽ chỉ nêu ra đơn cử một ví dụ rõ ràng: dù ta nghĩ gì về tính xác đáng của phân tâm học, một phần không nhỏ của cái quyền lực mà nó sở hữu lại đến từ cái từ “Oedipus”. Những sự phê bình nghiêm túc về phân tâm học, dù chúng chỉ mới đang thành hình, đều hướng mũi rìu chuẩn xác vào cái từ này.

Ta có thể giải thích nỗi ác cảm thời nay với những câu chuyện thần thoại thông qua biết bao sự ngược đãi đã và đang đeo đuổi chúng. Ta cảm thấy chúng là những lời dối trá vì ta chỉ biết đến những ngược đãi không thôi, vì vậy ta thảy cả hai thứ này sang một bên. Những gì mà chúng có thể mang lại cho ta thông qua phương thức của sự biến thể trông có vẻ không đáng tin cậy, và ta chỉ công nhận một số điều kỳ diệu trong chúng một khi chúng đã được hiện thực hóa nhờ những cách tân công nghệ. Ta thất bại trong việc nhìn nhận một cách công bằng rằng những câu chuyện thần thoại chính là khởi nguồn nguyên thủy cho mọi sự sáng tạo tài tình trong ta.

Nhưng ngoài những trường hợp cụ thể nêu trên, điều làm nên tính cốt lõi của những câu chuyện thần thoại nằm ở những sự biến thể mà chúng chứa đựng bên trong. Chính xác là, thông qua những sự biến thể này mà con người tạo ra chính mình. Thông qua chúng, anh ta tạo dựng nên thế giới của riêng mình; thông qua chúng, anh ta có mối liên kết bền chặt với thế giới. Dễ dàng để ta thấy anh ta có được quyền năng của mình nhờ sự biến thể, nhưng cũng nhờ nó mà anh ta sở hữu một thứ khác còn tuyệt vời hơn nữa – lòng trắc ẩn.

Điều quan trọng ở đây là ta không trốn tránh khỏi cái từ trông có vẻ không đủ tốt trong mắt những người đang nghiên cứu các lĩnh vực nhân văn. Lòng trắc ẩn – và đây cũng là một hệ quả của quá trình chuyên môn hóa – đang càng ngày bị đẩy lùi vào địa hạt của tôn giáo, vốn đã chỉ định cho nó nhiều cái tên khác nhau và giám sát cách nó vận hành. Lòng trắc ẩn đang bị tách biệt khỏi những quyết định mang tính khách quan trong đời sống hàng ngày của chúng ta, vì thế những quyết định này đang ngày một trở nên máy móc.

Tôi đã bàn đến việc nhà thơ chỉ có thể là ai đó chịu gánh lên vai trách nhiệm, dù rằng anh ta không thể làm gì nhiều để chứng tỏ anh ta đã thực sự làm vậy thông qua những hành động của anh ta. Đó là một thứ trách nhiệm anh ta sẽ phải gánh vác cả cuộc đời – một cuộc đời sống trong một thế giới đang tự hủy hoại sự sống của chính nó – và ta không nên cảm thấy hổ thẹn khi nói rằng trách nhiệm này đang được nuôi dưỡng bởi lòng trắc ẩn. Trách nhiệm này sẽ trở nên vô giá trị khi nó bị đánh đồng với một thứ cảm xúc mơ hồ và chung chung. Thay vào đó, nó phải đóng vai trò như một lời hiệu triệu cho sự biến thể chân chính ở mỗi cá thể đang tồn tại trên cõi đời này. Thông qua thần thoại, thông qua văn chương thời quá vãng, nhà thơ sẽ học hỏi và diễn tập sự biến thể này. Nhà thơ sẽ không là gì cả nếu anh ta không áp dụng thần thoại một cách không ngơi nghỉ vào cái thế giới bao quanh anh ta. Hàng vạn lớp lang sự sống đang thấm vào huyết mạch của anh ta, dù nhìn từ mọi vẻ bề ngoài chúng vẫn có vẻ tách biệt khỏi anh ta trong mọi cách thức chúng biểu thị bản thân, chúng sẽ không bị suy rã hành một phạm trù phân loại mang tính khái niệm thuần túy. Thay vào đó, cuộc sống này truyền cho anh ta sức mạnh nhằm đương đầu với cái chết và từ đó trở nên thứ gì đó có sức lan tỏa sâu rộng.

Phận sự của nhà thơ không thể chỉ xoay quanh việc cứu rỗi nhân loại cho đến khi anh ta lìa đời. Nhà thơ, cái con người mở lòng với mọi người, sẽ trải nghiệm nỗi phiền muộn khôn nguôi trước quyền lực ngày một lớn dần của cái chết ở vô số người khác. Anh ta sẽ vật lộn với cái chết và không bao giờ nhượng bộ kể cả khi những nỗ lực của anh ta tưởng chừng như vô vọng. Với lòng kiêu hãnh anh ta sẽ giữ vững lập trường trước những sứ giả của sự trống rỗng vốn đang sinh sôi nảy nở trong nền văn chương của chúng ta, và anh ta sẽ chống chọi chúng bằng những thứ vũ khí của riêng mình. Anh ta sẽ tuân thủ một thứ luật lệ vốn không được tạo ra cho anh ta nhưng vẫn là của anh ta mà thôi:

Hãy để anh ta không đẩy vào cõi hư vô những kẻ sẵn lòng sống trong cõi hư vô. Hãy để anh tìm kiếm cõi hư vô hằng kiếm ra lối thoát khỏi cõi hư vô và chia sẻ lối thoát đó đến với mọi người. Hãy để anh ta chìm trong nỗi sầu muộn và tuyệt vọng để rồi anh ta biết cách kéo những người khác khỏi nỗi sầu muộn và tuyệt vọng, và không ghen tức trước niềm hạnh phúc của những sinh vật khác, cho dù chúng cào xé và chém giết và chia cắt nhau ra sao.

Comments are closed.