Những mảnh đời sau song sắt (kỳ 5)

Hồi ký của Phạm Thanh Nghiên

PHẦN HAI

————————————

NHỮNG CHUYỆN Ở TRẠI 5- THANH HÓA

01 —    

Mẹ con thằng Khoai Tây

Ngà sắp về hết án.

Một buổi chiều, Ngà ngập ngừng nói với tôi:

– Có điều này em định nói với bác, mà ngại.

– Chị em với nhau có gì mà ngại.

Ngà nịnh:

– Em cám ơn bác, cả trại phải cảm ơn bác vì hôm chủ nhật nếu bác không làm um lên thì ai cũng chết khát cả. Chúng nó ác thật, bắt cả tù nhịn uống nước.

– Việc đó họ sai mười mươi, người tù nào cũng có thể lên án và yêu cầu họ phải cấp nước cho mình uống.

Tôi vừa lau rớt rãi cho thằng Khoai Tây, vừa lườm Ngà một cái. Ngà gãi đầu, cười ngượng:

– Làm gì có ai dám làm như bác. Em mà ho he nó cho thằng Khoai Tây đi trại trẻ mồ côi thì em mất con à.

Ngà đưa tay bế con, nhưng hai chân thằng Khoai Tây quặp chặt lấy tôi, tay túm chặt cổ áo, gỡ mãi nó mới chịu buông. Hôm nào cũng lưu luyến như thế.

– Mà mày định nói gì với tao cơ mà? Nói đi.

– Nhưng bác không được chửi em nhé. Ngà mặc cả.

– Ừ, chửi gì mà chửi.

– Hôm nọ “mẹ” Thắng () đội mười lăm nói sẽ mua thằng Khoai Tây. Nhưng em muốn hỏi bác có muốn nuôi nó không thì em nhường. Tại em thấy bác yêu nó và nó cũng quấn bác hơn cả mẹ.

Tôi sững người. Mấy hôm trước Hằng “đen” mách với tôi là Ngà tính bán con. Nó đang lưỡng lự nên bán cho “mẹ” Thắng sắp hết án hay bán cho bà dân () gặp ngoài đồng. Dự định ra khỏi cổng trại là giao con và nhận tiền ngay. Lần đầu hai chữ “bán con” lọt vào tai khi tôi mới lên trại. Đó là người ta xì xào với nhau ngoài sân giếng buổi trưa hôm ấy. Nghe nói, người vừa mãn án bán rất “được giá” đứa con trai hai tuổi khi vừa ra khỏi trại tù. Tôi đánh rơi chiếc gầu múc nước vào chân, tóe máu.  Sau này, dù không làm rơi gầu múc nước nhưng hai chữ “bán con” vẫn làm tôi rùng mình.

Mai Bích Ngà sinh 1982. Trước khi đi tù, vợ chồng Ngà sống chung với người em gái ở phố Thanh Nhàn, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Ngà bảo: “Ra tù em cũng chưa biết đi đâu. Em gái em lấy chồng rồi, nó còn phải nuôi thằng em út nữa.

Bố mẹ Ngà mất sớm, mấy chị em tự nuôi nhau. Tôi không hỏi kỹ cuộc sống của ba chị em Ngà khi không có bố mẹ. Chuyện đời của những người tù, nhớ không xuể.

Đến tuổi trưởng thành, Ngà lấy chồng – một anh chàng nghiện ngập. Rồi Ngà cũng nghiện. Ngà bị bắt năm 2010, bị kết án hai mươi bốn tháng tù giam vì tội “tàng trữ trái phép chất ma túy.” Chồng Ngà cũng bị bắt thời gian ấy. Khi bị tống vào Hỏa Lò, Ngà đang mang bầu đứa con thứ ba, thằng Khoai Tây. Ngà bị đưa tới Trại 5 Thanh Hóa mùa hè năm 2011, khi Khoai Tây được mấy tháng tuổi. Người mẹ tù khoe với tôi:

– Em sinh nó đúng ngày 2/9 nên đặt tên là Quốc Khánh. Bác Nghiên thấy tên cháu hay không?

– Ừ!  hay, hay lắm! Nhưng nếu không có cái ngày Quốc Khánh chết tiệt ấy chắc mày chưa phải khổ, phải nghiện ngập. Con mày cũng như nhiều đứa trong nhà tù này đã được sung sướng, chăm chút chứ không phải đi tù từ trong bào thai như thế.

Mặt Ngà tái xanh khi nghe tôi nói một tràng:

– Úi! Em xin bác, bác nói thế có đứa nghe thấy nó mách là em chết. Em sợ lắm.

Vừa van nài, người mẹ trẻ vừa sợ sệt, đảo mắt nhìn quanh như kẻ ăn trộm.

– Tao nói miệng tao, mày sao phải sợ.

Tôi cố tình trêu Ngà.

– Miệng bác, nhưng tội em gánh. Em lợi dụng thằng Khoai Tây để được gần bác. Chứ nếu không, quý bác đến mấy em cũng chạy xa. Bao nhiêu người bị đi uống cà phê () chỉ vì nói chuyện với bác, bác biết thừa còn trêu em.

Suốt 18 tháng tạm giam, tôi chưa hề viết đơn từ, thưa gửi ai. Trong các bản tường trình khi làm việc với điều tra viên cũng thế, tôi không bao giờ viết trọn phần tiêu ngữ. Nếu viết cụm từ CHXHCNVN thì bỏ trong dấu ngoặc kép và không viết phần “độc lập – tự do- hạnh phúc”, hoặc để trống hay thường không viết). Tôi cũng không kính thưa, kính gửi ai mà chỉ “gửi:..” với nét chữ cố tình viết cẩu thả. Dù rất khó chịu, điều tra viên phải chấp nhận, nếu không, sẽ chẳng có bản tường trình nào.

Vậy mà khi lên trại, tôi phải phá lệ. Tôi làm đơn gửi Trại giam để họ cho trích một phần tiền lưu ký mua sữa cho lũ trẻ. Trước đó, đã có mấy bà mẹ bị đi “uống cà phê” vì “tội nhận sự giúp đỡ của Phạm Thanh Nghiên.” Làm đơn vẹn cả đôi đường, bọn trẻ có quà và mẹ chúng không bị đe nẹt, dọa dẫm. Chỉ có tôi ấm ức một tí, nhưng chấp nhận được. Riêng thằng Khoai Tây, ngoài phần quà chung, tôi vẫn kín đáo giúp mẹ con nó. Mẹ tôi nghe chuyện, hàng tháng gửi thêm tiền lưu ký để tôi khỏi thiếu thốn trong tù. Tôi chưa bao giờ được đứa trẻ nào yêu như thế, kể cả đám cháu ruột của tôi. Hầu như chiều nào tôi cũng bế Khoai Tây cho mẹ nó tắm giặt, cơm nước. Thằng Khoai Tây tưởng tôi là của riêng nó. Nó ghen với bất cứ đứa trẻ nào tôi bế trên tay. Chỉ cần ai đó giả vờ đánh tôi một cái là nó hét toáng lên, lao đến túm tóc rồi cắn người ta. Hiếm có đứa trẻ nào có tiếng hét to và chói tai như nó. Khi ấy nó còn chưa biết đi. Có hôm tôi phải trốn Khoai Tây, để được chơi với những đứa trẻ khác.

Mẹ con Ngà thuộc thành phần “không gia đình” tức không có thăm nuôi. Không người tù nào có thể sống chỉ với những gì trại giam cung cấp. Vì thế, phải cố xoay sở.

Xoay sở là mua bán, đổi chác, vay mượn, nhờ vả hay làm thuê như múc nước, lau nhà, giặt giũ, rửa bát, làm khoán, đấm lưng, massage…để có chút thức ăn tươi mang về cho con hoặc cuộn băng vệ sinh cho mẹ dùng. Tất nhiên, các thứ “xoay sở” ấy đều bị cấm, bị vi phạm “nội quy trại giam.” Đội “con nhỏ” thường được phân công đi trồng rau, công việc theo cai tù mô tả là rất “nhẹ nhàng và được ưu ái.” Bất cứ bà mẹ nào cũng chỉ được ở trong trại đến khi con đủ bốn tháng là phải “đi làm.”

Ra đồng cực nhọc nhưng có cơ may tiếp cận vài người dân gần đó để nhờ vả. Khi nhờ mua giúp lạng thịt, con cá, hộp sữa, khi là cú điện thoại gọi về cho gia đình. Tất nhiên với giá tiền đắt hơn thị trường. Mua được đồ ăn, phải tìm cách nổi lửa nấu ngay tại hiện trường lao động. Khổ nhất là lúc đang nấu bị cai tù trong trại ra kiểm tra phát hiện. Có khi, chúng lấy chân hất hết thức ăn xuống đất, tịch thu nồi niêu và luôn miệng chửi mắng. Tù không còn cách nào khác là “van ông lạy bà() kèm theo chút tiền đút lót để khỏi bị kỷ luật. Ai không có tiền, không khéo xin xỏ thì bị dong về trại lập biên bản kỷ luật, mất giảm án. Nấu chín thức ăn là một chuyện, còn mang lọt qua cổng phân trại dưới sự khám xét của cai tù là chuyện khác. Xin mở ngoặc một chút, với người được cai tù “đỡ” thì bất kể thứ gì cũng có thể mang được vào trại, thậm chí đích thân cai tù mang đưa tận tay.

Chiều hôm ấy vừa nhập trại, Mỹ Lệ — người ở cùng buồng với tôi — hớt hải báo tin:

– Cái Ngà bị đi kỷ luật rồi.

Tôi lo lắng:

– Làm sao mà bị đi kỷ luật?

– Nó mang hộp sữa với ít thịt kho về, nó xin mãi mụ Nhung dứt khoát không cho. Nó ức quá bảo mụ ấy “ác.” Mụ tát vào mặt nó mấy cái rồi tống vào nhà kho rồi.

Mỹ Lệ lẩm bẩm rủa thầm mụ cai tù thêm mấy câu đủ để mình tôi nghe thấy. Ngà bị kỷ luật mười ngày.

Suốt thời gian vắng mẹ, thằng Khoai Tây phải ở nhà trẻ () để những người tù khác trông nom. Nó khóc suốt. Án kỷ luật dành cho Ngà như là sự trừng phạt dành cho tôi, cho Mỹ Lệ và Hằng “đen.” Giống như tôi, Lệ và Hằng rất thương, thường cưu mang mẹ con Ngà. Vắng nó, chúng tôi buồn ngẩn ngơ.

Không riêng gì Ngà, bất cứ người tù nào cũng có thể bị trừng phạt vì một lý do rất vớ vẩn như thế. Bọn cai tù dùng “nội quy trại giam” để kinh doanh: gặp cán bộ không chào; tự ý giúp đỡ, biếu tặng quà, đồ dùng cho nhau không xin phép… đều là vi phạm. Oái ăm hơn, tù nhân là người dân tộc thiểu số không biết tiêng Kinh mà giao tiếp với nhau bằng ngôn ngữ của họ cũng bị coi là vi phạm nội quy. Nhưng cứ có tiền, dù dùng dao lam rạch mặt bạn tù cũng chỉ bị đi kỷ luật vài ngày là xong. Trong khi, hành vi đó có thể bị truy tố trước pháp luật.

Hai hôm trước khi mẹ con thằng Khoai Tây về, tôi đưa Ngà hai trăm ngàn và một bịch sữa tươi. Để có hai trăm ngàn tiền mặt, tôi cũng phải tham gia trò chơi mua bán đổi chác với những tù nhân khác, một việc mà tôi rất ghét. Tôi dặn đi dặn lại Ngà đừng bán con.

– Bác tưởng em muốn thế hả? Nhà cửa không có, chồng đi tù, hai đứa lớn để ông bà nội nuôi. Bố nó cũng như em nghiện ngập, tù tội. Đau đớn một lần nhưng hy vọng nó đi ở nhà khác còn có tương lai. Bác cứ nguyền rủa em đi, nhưng bác bảo em còn cách nào khác nữa? Nếu có vài chục triệu đồng đút cho bọn điều tra viên ngay từ hồi bị bắt thì em đã được tại ngoại, được hưởng quyền hợp pháp là hoãn thi hành án vì đang mang thai.

Vừa nói Ngà vừa khóc. Tôi lặng người đi.

Tù nhân hết án được nghỉ làm ngày hôm trước. Vì thế, tôi được chơi với thằng Khoai Tây nguyên một ngày. Ngà tặng tôi tấm hình Khoai Tây chụp lúc mới biết ngồi.

Tôi đưa Ngà số điện thoại nhà tôi, dặn khi cần cứ gọi, giúp được gì tôi sẽ giúp:

– Sáng mai em cứ cho con về, chị không tiễn đâu. Nhớ là tám tháng nữa chị mới về. Đừng làm mất số điện thoại nhé!

Sáng hôm ấy, Ngà trong dáng vóc gầy gò, xiêu vẹo bế con theo cai tù hướng ra phía cổng trại giam, thi thoảng ngoái lại nhìn như tìm kiếm. Cánh tay trái cong queo vì bị gãy hồi còn trong Hỏa Lò, khó nhọc xách túi đồ nào áo nào quần của thằng con. Toàn quần áo bạn tù cho. Tôi đứng nấp sau cổng khu nhìn theo, không để Ngà trông thấy. Thằng Khoai Tây tay cầm cái bắp — chắc ai cho từ hôm qua — vừa gặm vừa vần vò. Khoai Tây không biết nơi nó sinh ra và vừa rời đi là nhà tù. Nó cũng không biết mẹ bế nó đi đâu. Nó mới hơn một tuổi. Nước mắt tôi rơi. Câu chuyện về những người đàn bà trong tù bán con làm tôi đau đớn, sợ hãi. Tôi thẫn thờ mấy ngày.

Những đứa trẻ còn lại trong nhà tù không làm tôi nguôi nỗi nhớ Khoai Tây. Tám tháng sau, tôi bấm máy theo số điện thoại Ngà để lại. Không có tín hiệu. Và Ngà cũng chưa một lần gọi cho tôi. Thằng Khoai Tây, tháng Chín năm nay sẽ tròn năm tuổi.clip_image001

02 —

Anh” Thìn

Vợ chồng “anh” Thìn ly hôn từ nhiều năm trước. Các con của họ đều đã trưởng thành. Hôm ấy đi gặp gia đình về, “anh” Thìn vui lắm, khoe: “Tao vừa lên chức bà ngoại. Gái lớn mới sinh con trai rồi.” Vẻ mặt hớn hở, “anh” Thìn lấy gói kẹo trong túi quà tiếp tế ra bảo tôi chia cho mọi người, coi như chung vui với “anh” được lên chức bà ngoại.

Cánh tù nữ thường gán cho nhau đủ thứ danh xưng của cánh mày râu như ông, bố, chú, anh, cậu. Tuy lối xưng hô ấy chẳng giống ở đâu nhưng…ngồ ngộ, và vui. Mà niềm vui đối với tù quý giá lắm. Ngoại trừ một số là dân đồng tính thật sự, tức mang yếu tố sinh học. Nhưng cũng không ít người tự biến mình thành đồng tính vì… thích như thế, tức hoàn toàn xuất phát từ yếu tố tâm lý.

Lúc còn ở ngoài, họ là người rất bình thường, cũng lấy chồng, sinh con như những phụ nữ khác. Có lần, tôi đã nói đùa với bạn tù rằng “Nhà tù là nơi lý tưởng để thực hiện một cuộc cách mạng về giới tính.” Mấy chị tù “có tật”, đấm thùm thụp vào lưng tôi chữa ngượng.

Trình tự một cuộc “chuyển giới” không qua phẫu thuật trước tiên là cắt tóc ngắn, sau đó quẳng chiếc coóc-xê — thứ tố cáo “anh” vẫn là đàn bà — vào một xó và ăn mặc theo phong cách đàn ông. Đối với những chị vòng ngực nở nang, việc giả trai khó hơn vì hai quả đồi khi được thả rông cứ ngúng nguẩy theo chuyển động của cơ thể, trông đến ngượng mắt. Tức nhất là có đứa chửi đổng “trông chả ra dáng đàn ông gì cả, đúng là dở hơi.”

Tiếp theo là điều chỉnh phong thái: từ dáng đứng, điệu đi, đến nết ăn giọng nói phải mạnh bạo — pha chút hùng hổ — làm sao cho thật giống đàn ông. Và như thế, không ít những cô gái, những người mẹ từ bình thường đã tự biến mình thành người khác biệt trong các trại tù.

Bước vào nhà tù, Trại 5 Thanh Hóa, chị Thìn cũng muốn coi mình như một người đàn ông. Vì thế mới có lối xưng hô kỳ cục là “anh” Thìn. Có thứ chị Thìn không cần giả vờ cũng giống đặc đàn ông là giọng nói. Tôi nhớ rất rõ hôm chị nhập buồng, cánh tù nhân chưa thấy mặt, nghe giọng nói của chị, tưởng cai tù vào sục buồng () đã vội dập điếu thuốc lá, hoặc cuống quýt giấu vội ít tiền mặt. Hóa ra một chị tù mới! Cánh tù nhân thở phào.

Nhưng “anh” Thìn hiền lành và sống tử tế với các bạn tù, ít ra là theo cảm nhận của tôi.

“Anh” Thìn nhập trại khoảng mùa thu 2011 — tôi nhớ mang máng thế. Anh bị bắt vì tội “buôn bán trái phép chất ma túy” nhưng tôi không nhớ anh bị kết án bao nhiêu năm. Giống như các tù nhân khác trong phân trại, nhất là với người cùng buồng, “anh” Thìn cũng bị cảnh báo phải tránh xa tôi nếu muốn yên thân. Nhưng chính sách cô lập của cai tù đối với tù nhân chính trị không phải lúc nào cũng có tác dụng. “Anh” Thìn là người tù dám vượt qua ranh giới cấm đoán để giao du với một “tên phản động” như tôi. Người ta gọi “anh” và những người dám chơi với tôi là kẻ “liều lĩnh”, hoặc “bọn không cần giảm án.” Nếu không tính chị Trần Ngọc Anh, một dân oan Vũng Tầu hết án đã về hồi đầu năm 2012 thì tôi là tù nhân duy nhất trong Phân Trại số 4 — K4 — từ chối lao động. Trong mắt tù nhân và cai tù, tôi thuộc “thành phần chống đối lao động.

Hàng ngày, cứ ra tới xưởng sản xuất là tôi lại ôm chiếu ra gốc cây ngồi đọc sách. Cũng có lúc, tôi rời “đại bản doanh” là cái gốc cây để đến chơi với bạn tù ở đội khác — những người quý mến tôi hoặc không sợ cai tù.

Chiều hôm ấy, “anh” Thìn đến chỗ tôi, bắt chuyện:

– Em bị tội gì?

Vốn dị ứng với câu hỏi đó, tôi đáp giọng hơi “gằn”:

– Em ấy à? Tội nói thật và tội yêu nước.

Nhiều người tù sau khi nhận được câu trả lời ấy của tôi thì bỏ đi — vì sợ —, hoặc trố mặt ngạc nhiên. “Anh” Thìn hỏi tiếp, giọng có phần gấp gáp:

– Vậy em biết bác sĩ Phạm Hồng Sơn và luật sư Lê Quốc Quân chứ?

Tôi giật mình. Lưỡi líu lại không nói ra câu.

– Trời! Anh…anh…biết anh Sơn và anh Quân sao?

– Biết chứ, giam chung với nhau ở quận Hoàn Kiếm một ngày mà.

Tôi choáng váng, trống ngực đập thình thịch.

Một điều đáng sợ nhất là nhận được tin anh em của mình bị bắt. Suốt thời gian bốn năm ở tù, tôi nhẩm tính có hàng chục người bị bắt vì đấu tranh cho Nhân Quyền, Dân Chủ và Tự Do Tôn Giáo. Không ít người trong đó tôi thân quen hoặc từng may mắn được gặp. Tổng cộng số năm tù cho những người đấu tranh ôn hòa này lên tới hàng trăm năm. Với tôi, Phạm Hồng Sơn và Lê Quốc Quân là hai người anh rất trân quý. Nếu hai anh bị bắt, những anh em tranh đấu ở ngoài mà tôi quen biết chỉ còn lại mấy người.

Cố gắng lắm tôi mới thốt ra được một câu:

– Nghĩa là cả anh Sơn, anh Quân đều bị bắt hả anh?

– Ừ! Sơn và Quân vào sau anh ít hôm. Sơn bị giam buồng giữa, anh và Quân hai bên. Sơn chủ động “còi”() sang cho anh mà. Hai người bị bắt đêm mồng bốn tháng Tư nhưng đều bị chuyển đi vào đêm hôm sau.

– Anh có biết hai anh ấy bị chuyển đi đâu không? Mà anh có biết hai anh ấy bị bắt theo điều bao nhiêu không? Ngoài anh Sơn và anh Quân còn ai bị bắt nữa không? Tinh thần họ thế nào?

Tôi bắt đầu hỏi dồn.

– Anh không biết có ai bị bắt nữa không. Nhưng anh nghe Sơn và Quân nói thì anh biết họ là những người rất đặc biệt. Hình như liên quan tới chính trị thì phải.

“Anh” Thìn bảo rất thích nghe giọng Nghệ An của anh Quân và ấn tượng với bài thơ Cây Tre mà anh Sơn đọc trong buồng tạm giữ hôm ấy.

“Anh” Thìn kể:

– Sơn hát nhạc Trịnh rất hay. Giọng Sơn ấm, truyền cảm. Quân thì ít nói hơn. Anh không thể ngờ trong chế độ này có những con người đáng quý như Sơn, như Quân và em. Rất không ngờ, dám chống chế độ cơ đấy.

“Anh” còn kể, hôm đầu tiên anh Phạm Hồng Sơn cất tiếng hát, tên cai tù đá cửa buồng giam rồi quát nạt, không cho hát tiếp.

– Hắn gọi Sơn là “thằng” và bảo “đi tù còn hát với hò.” Thế là Sơn đi ra cửa, gọi “thằng cán bộ” đó lại và chất vấn. Vì “anh” ghé tai qua cửa để nghe mà. Đại loại Sơn bảo hắn không được gọi tù bằng “thằng, con” và không được có thái độ hống hách như thế. Sơn nói mấy câu thế nào mà thằng cai tù kia lỉnh mất.

Ấn tượng tốt đẹp của “anh” Thìn về hai người anh khiến tôi tự hào. Nhưng tôi không khỏi lo lắng nghĩ tới những ngày tồi tệ của phong trào tranh đấu bên ngoài. Đếm trên đầu ngón tay, chỉ còn dăm ba người… chưa bị bắt hoặc mới về hết án nhưng còn bị giam lỏng tại nhà.

Sự kiện bác sĩ Phạm Hồng Sơn và luật sư Lê Quốc Quân bị bắt sau hàng loạt vụ bắt bớ khác khiến tôi xuống tinh thần ít nhiều. Chị Hương, bạn tù khác buồng nói với tôi: “ Phải nghĩ tích cực lên chứ. Em chả bảo chị là nhiều người trong số bị bắt, em chưa từng nghe đến tên của họ là gì. Chứng tỏ đang có thêm nhiều người cùng đấu tranh như em. Thế thì cần mừng chứ sao lại ủ rũ vậy”.

Ngày về, mẹ tôi “khoe”:

– Mấy hôm trước có anh Sơn và anh Quyền — chồng luật sư Lê Thị Công Nhân —  tới thăm.

Tôi nghĩ chắc anh Sơn mới ra tù. Lúc nhận được điện thoại chúc mừng của anh Lê Quốc Quân, tôi vô duyên đến mức hỏi đi hỏi lại: “Anh Quân tức là luật sư Lê Quốc Quân phải không ạ?” Rồi tôi lại hỏi tiếp: “Thế anh và anh Sơn ra tù bao giờ thế?”

Đến lượt anh Quân ngạc nhiên. Tôi nhắc tới chị Thìn, anh ngậm ngùi. Lúc ấy, tôi mới biết hai anh bị bắt khi đến quan sát phiên tòa xử luật sư Cù Huy Hà Vũ. Và cả hai đều được trả tự do sau chín ngày bị tạm giữ.

Trở lại với câu chuyện về “anh” Thìn.

Từ hôm ấy, thi thoảng “anh” Thìn vẫn ra ngồi với tôi dưới gốc cây. Tôi hỏi “anh” có sợ không, đã bị cán bộ gọi đi uống cà phê chưa? “Anh” bảo ”Người ta phấn đấu vào khung giảm, anh có phấn đấu cũng chỉ vào khung ảnh thôi. Với lại ngồi nói chuyện với em hay lắm. Sợ gì!” Sợ tôi quên, lần nào “anh” cũng nhắc nếu có dịp thì chuyển lời hỏi thăm của “anh” tới hai anh Quân và Sơn. “Anh” Thìn còn khoe:

– Sơn cho anh địa chỉ nhà đây rồi. Ở ngõ 72 Thụy Khuê. Hết án nhất định anh sẽ tới thăm Sơn rồi bảo Sơn chở đến nhà Quân. Lúc ấy chắc sẽ vui lắm.

Mấy tháng sau, tôi chuyển buồng và ở hẳn trong phân trại cho tới ngày ra tù.

Thời gian đầu, hôm nào tôi cũng trở lại buồng cũ chơi. Nhưng về sau ngày càng thưa dần, phần vì đã quen với buồng mới, phần có quá ít thời gian. Khổ nhất là về mùa đông, có hôm người tù đi làm về còn chưa ăn xong bữa cơm, có chị còn đang tắm dở đã bị lùa vào buồng.

Bẵng đi một thời gian, tôi mới gặp “anh” Thìn.

“Anh” hỏi tôi có tin gì của anh Sơn và anh Quân thì cho “anh” biết. Tôi bảo, mấy tháng nữa em về thì mới có tin. “Anh” Thìn kêu dạo này hơi mệt. Mấy hôm sau, tôi nhờ người gửi cho anh ít đồ ăn.

Buổi chiều hôm ấy tôi đi dạo quanh sân chung. Đang giờ lao động nên trại vắng tanh. Một người tù đẩy một người tù khác trên xe lăn từ cổng phủ () đi vào.

Tôi đứng chết trân nhìn chiếc xe lăn tiến lại gần, sững sờ thốt lên: “Ôi! anh Thìn!” Anh gắng cười với tôi, thều thào: “Đi gặp gia đình về. Chắc lần cuối em ạ.”

Tôi lóng ngóng, không biết phải làm sao. Cô trực sinh ra hiệu cho tôi mang giúp ít đồ vào buồng. Hai cô cháu khó khăn lắm mới đỡ được “anh” Thìn ra khỏi chiếc xe lăn và đặt “anh” nằm xuống chiếu, tấm chiếu đơn đã cắt bớt một đoạn chiều ngang để vừa đủ diện tích 60cm chỗ nằm.() Thân hình “anh” Thìn chỉ còn một dúm nhỏ, nằm co ro trên chiếc chiếu hẹp bỗng trở nên thênh thang. Dáng co ro của người tù rất khác với cái co ro của người bình thường. Cái co ro của người tù sắp chết càng đặc biệt. Tôi không biết diễn tả thế nào, nhưng không ít lần cái dáng nằm co ro ấy đã trở thành hình ảnh cuối cùng của những cuộc đời tù.

Bấy giờ tôi mới biết, “anh” Thìn đang ở giai đoạn cuối của căn bệnh Aids. Hôm sau, một bạn tù khác dìu “anh” Thìn xuống y xá.

Ai cũng biết “anh” Thìn sắp chết, nhưng còn lê lết được — dù phải có người dìu — nên anh phải đích thân đi trình diện cán bộ y tế để được cấp giấy nghỉ ốm. Tôi từng thắc mắc về sự bắt tù bệnh nặng vẫn phải đi làm, hoặc được nghỉ nhưng hàng ngày phải đi trình diện, lấy giấy ốm. Câu trả lời tôi nhận được là: ”Đây là quy định chung, cả nước đều thế chứ có riêng trại nào. Chúng tôi có tự bịa ra luật đâu. Đã là quy định thì phải tuân thủ, không còn cách nào khác.” Lạ! cộng sản không bịa ra luật để cai trị người dân thì còn ai vào đây được nữa.

Chắc luật trên trời tự nhiên rơi xuống!

Hôm sau nữa, tôi mang mấy hộp sữa tươi sang cho “anh” Thìn. Mấy người buồng cũ bảo: “Lưỡi trắng toát hết rồi, nổi cục lên, còn ăn uống được gì nữa đâu.”

– Anh Thìn ơi!

Tôi khẽ gọi.

“Anh” Thìn hé mắt, nhưng lại thiếp đi.

Đêm hôm ấy, “anh” Thìn đi bệnh viện, vài hôm sau thì chết. Nhưng cuộc vĩnh biệt với bạn tù đã được tính từ ngày “anh” rời trại. Lũ tù chúng tôi đều hiểu “đi bệnh viện” là để chết, là sẽ “thẳng ra Núi Mành() chứ không phải để chữa bệnh. Trừ các trường hợp gia đình có nhiều tiền, khéo chạy chọt và không thuộc dạng bệnh hiểm nghèo, người tù mới được đưa đến bệnh viện điều trị. Còn lại, bệnh nhân khác đều phải chờ ngấp nghé cửa tử mới được mang tới bệnh viện để khỏi chết trong trại giam, một điều kiêng kỵ đối với cai tù.

Biết bao trường hợp bệnh nhẹ thành nặng, bệnh nặng thành không cứu vãn nổi rồi chết oan chỉ vì không được chữa trị. Khi chết, người ta vẫn không cho mang xác về nếu người nhà không đủ tiền chạy chọt, lo lót. Nó giống như một hình thức mua bán xác tù mà “bên mua” không có quyền mặc cả. Không ít gia đình đã đau xót, ngậm ngùi chấp nhận để người thân nằm lại Núi Mành, chờ đợi nhiều năm sau với các thủ tục nhiêu khê mới mang được thi hài tù về nhà.

Mang tới bệnh viện dù để chết vào hôm sau, coi như hoàn tất khâu cuối cùng cái gọi là “chính sách nhân đạo” của đảng đối với “phạm nhân.” Đấy! đi tù còn được khám chữa bệnh miễn phí, sướng thế còn gì.

Sau này, tôi được nghe anh Phạm Hồng Sơn kể chị Thìn đã dùng cách riêng của mình để gửi cho anh và anh Quân mỗi người một suất lạc rang cho bữa chiều. Chi tiết này chị Thìn không kể với tôi. Ấy là nét khiêm tốn và chân thực của một người chỉ dám nhận mình là “dân bụi đời” như chị Thìn.

Chị Thìn đã được tự do.

Không phải thứ tự do đến từ tờ “lệnh tha” cai tù đọc trước xác chết của những người tù xấu số.

Thoát kiếp đọa đầy, đấy là thứ tự do thật sự.

Hết án nhất định anh sẽ tới thăm Sơn rồi bảo Sơn chở đến nhà Quân. Lúc ấy chắc sẽ vui lắm.”

Lời hẹn ấy cứ văng vẳng bên tai tôi, buồn buồn, dìu dịu. Kể lại chuyện này, tôi muốn cùng anh Sơn, anh Quân nhớ đến một người bạn tù đặc biệt: Chị Thìn.

Ba năm trước, cũng khoảng thời gian này, chị ra đi.

Không biết bây giờ, thi hài chị đã được đón về, hay vẫn nằm lại núi Mành?

Mùa thu năm 2015

03 —

May mà không bị phạt.

– Này! Con kia bỏ ngay cái gầu múc nước của tao xuống. Ai cho mày lấy, cho mày mượn để tao rước họa vào thân à?

Người tù rít lên, lu loa như vừa bị ai gây sự. Bà ta quẳng vội chiếc áo đang vò giở vào chậu giặt, lao đến cướp chiếc gầu múc nước trên tay tôi, vừa lườm nguýt, vừa càu nhàu. Tôi ngơ ngác, đứng đớ ra không biết phản ứng ra sao. Sau vài giây động não, tôi mới hiểu là mình vừa xâm phạm trái phép đến tài sản riêng — tức chiếc gầu múc nước — của bà ta, thứ mà tôi cứ tưởng là đồ dùng chung cho người tù ngoài sân giếng.

Một người tù khác ấn chiếc gầu múc nước vào tay tôi, lúc tôi vẫn còn đang ngơ ngác, và chưa hết ngượng.

– Lấy tạm gầu của chị mà dùng này.

– Cảm ơn chị!

Tôi trả lời, giọng thiếu tự tin hẳn. Tôi vừa múc nước, vừa run. Không phải tôi sợ “bà tù đanh đá” kia, mà vì cái miệng giếng to quá, cảm giác như nó có thể kéo bất cứ người nào xuống. Đường kính miệng giếng rộng đến 2,5 mét, sâu chừng 12,13 mét, to gấp mấy lần cái giếng nhà. Tôi chưa từng thấy giếng nào to như giếng tù.

Người tù đanh đá tên là Hòa, có biệt hiệu Hòa Gỗ.

Sau này, tôi gọi là u Hòa. U Hòa Gỗ ngoài sáu mươi tuổi, án ma túy. U có nước da sần sùi xám xịt mà một số tù mỉa mai, hoặc thân mật gọi là “nước da mười hai giờ đêm.” Nói chung, gương mặt u Hòa Gỗ không có nét ác độc nhưng toát lên vẻ đành hanh, ghê gớm, không giống gương mặt của một lão bà. Đôi mắt hơi nhỏ, trắng và đục. Mũi to rất cân xứng với đôi môi dầy, xám ngoét, hai bên má có phần sệ xuống. Không biết vì sao người tù gọi u là Hòa Gỗ, nhưng tên ấy có từ hồi ở ngoài xã hội.

Cũng như những người tù khác, u Hòa sợ phải đi gặp cán bộ, sợ bị phạt, bị đe nẹt, kỷ luật, sợ không được giảm án.., tức một ngàn lẻ một nỗi sợ. Cái đanh đá, ghê gớm của người tù không bao giờ có thể trở thành vũ khí đem ra đối phó với cai tù. Nó trở thành vô dụng, vô nghĩa và không ai dám thể hiện trước mặt cai tù để rước họa vào thân. Chả thế mà bao nhiêu tên tội phạm khét tiếng, những kẻ sát nhân, trùm buôn lậu, trùm ma túy, thậm chí nhiều tay quan chức tham nhũng có cỡ, ở ngoài thét ra lửa nhưng khi vào tù cũng nhũn như chi chi, hạ mình gọi những cai tù miệng còn hơi sữa bằng “ông, bà” xưng “cháu” với thái độ khúm núm, nịnh nọt.

U Hòa Gỗ sợ đứa tù nào đó ác ý, mách với cai tù rằng bà giúp con “phản động” bằng cách cho “nó” mượn chiếc gầu múc nước. Mấy hôm trước cả Phân Trại đã xôn xao vụ chị Chanh ở đội 29 bị cai tù gọi lên rằn mặt, đe dọa vì “tội” dám bán cho tôi chiếc hòm đựng đồ dùng cá nhân. Kết quả là sáng hôm qua, chị Chanh bị bêu mặt giữa sân chung, trước sự chứng kiến của hơn một ngàn tù và tất cả các cai tù của Phân Trại. Tuy chưa đến mức phải vào nhà chó, () nhưng chị Chanh bị chuyển đội, và mất giảm án năm ấy sau khi bị đấu tố. Không khí sợ hãi bao trùm cả Phân Trại. Người ta bảo nhau phải dè chừng và tránh xa “con phản động” nếu không muốn gặp tai họa.

Người tù xa lánh tôi không phải vì ghét, mà vì sợ bị liên lụy. Song vẫn có những quan hệ, giao tiếp rất khéo léo, đủ để không bị phạt hay vào tầm ngắm của cai tù.

Tôi không nhớ chính xác từ lúc nào u Hòa Gỗ đổi thái độ với tôi. Có lẽ sau vài tháng tôi ở chung khu giam giữ với u. Lúc ấy, tôi đã có chiếc gầu múc nước của riêng mình. Thậm chí, nó trở thành vật công cộng cho bất cứ ai muốn xử dụng. Nhiều khi bạn tù dùng xong, vứt linh tinh không tìm thấy, tôi lại lấy chiếc gầu của u Hòa Gỗ để múc nước.

Mấy hôm rồi nghe tù kháo nhau, u Hòa Gỗ vừa gây ra một vụ gì đó dở khóc dở cười. Vì vậy, không thấy u hát ca trù, ca cải lương như mọi lần. Mặt buồn thiu và đầy lo lắng. Thì ra là thế này:

Suốt mấy tháng không thấy người nhà lên thăm, u Hòa lo lắm. U ở đội người già, làm việc in giấy tiền vàng âm phủ trong phân trại nên không có cơ hội ra ngoài đồng. U nhờ một chị ở đội trồng rau “giao dịch” với người dân gần đó thực hiện việc báo tin về nhà. Đây là hình thức làm ăn rất phổ biến giữa người dân với tù ở khắp các trại giam trong cả nước. Ngoài việc nhờ người dân gọi điện thoại về nhà, còn nhờ gửi thư hay mua bán… Nếu sự việc bại lộ, tất nhiên chỉ có tù bị kỷ luật.

Gia đình không thăm kể như cuộc sống thiếu thốn. Cái hòm sẽ trở nên nhẹ bẫng. Lại chẳng có tiền đóng cho cai tù, bù vào số sản phẩm bị thiếu do không thể hoàn thành mức khoán trại đưa ra, luôn quá sức với hầu hết mọi người tù. Thiếu khoán, đừng mơ được giảm án.

Vụ nhờ vả này u Hòa mất mấy lần tiền mà chẳng đi đến đâu cả. Tức lắm, song không thể làm to chuyện được. Khác nào “lạy ông con ở bụi này” rồi bị kỷ luật cả nút. U Hòa lại nhờ người khác. Chị Bình thật thà hơn. Gọi lần đầu, gia đình nói nhà đang có việc, chưa lên thăm được ngay. Mấy hôm sau lại gọi thêm cuộc nữa. Vẫn câu trả lời ấy. Thế này sao được. U Hòa nói với chị Bình: “Mày cứ nhắn thế nào cho thật mùi mẫn, khẩn cấp vào để chúng nó lên thăm tao. Kẻo tao chết trên trại.”

Độ dăm hôm sau, một chuyến xe từ Hà Nội tiến thẳng đến Trại 5 Thanh Hóa. Không những đủ mặt dâu rể trai gái, lại có cả anh em ruột thịt của u Hòa. Trong căn phòng gặp mặt, chật ních toàn người thân của u. Con dâu, con gái vừa kể lể, vừa khóc lóc thảm thiết. Chỉ có cánh đàn ông còn tỏ ra bình tĩnh. Họ thắc mắc vì sao mẹ họ — tức u Hòa — lại chết? Chết bao giờ? Rồi đặt vấn đề với phía trại giam về việc đưa thi hài u Hòa về nhà lo ma. Người cai tù chưa hết ngạc nhiên vì cuộc thăm tù đông đúc hơn mức bình thường lại được phen hú vía, ngơ ngác không hiểu những người này nói gì. Một lúc sau, u Hòa lò dò xuất hiện dưới sự áp giải của một cai tù khác.

– Không hiểu con Bình nó nhắn thế nào mà bọn nhà tao lại tưởng báo tin tao chết. Vội vàng thuê xe lên trại.

U Hòa Gỗ kể với tôi:

– Mà con mẹ nông dân kia cũng ngu bỏ mẹ. Nói cũng không biết đường nói.

Trách chị Bình chán, u Hòa Gỗ xoay qua đổ lỗi cho “con mẹ nông dân.” Tôi không nhịn được cười, mặc dù cũng thương u Hòa.

– Cười “đéo” gì. Tao đang chết dở đây này.

U Hòa cau có. Tôi hỏi:

– Nhưng chị Bình có phải người trực tiếp nói chuyện với người nhà u không?

– Thì nó truyền đạt lại cho mụ nông dân ngoài đồng. Mụ ấy gọi.

– Đấy, vậy là chữ tác đánh chữ tộ. U bảo chị Bình phải mùi mẫn, khẩn cấp kẻo u chết trên trại. Chị Bình truyền đạt với người nông dân ý tứ đó. Bà ta có lẽ không hiểu rõ, tưởng phải nói nguyên văn như vậy. Thành ra mới ra nông nỗi này. U nghĩ xem có đúng không?

Tôi lý giải, vẫn không nhịn được cười khi nhìn nét mặt thộn ra của u Hòa.

– Ừ! Thì tại con Bình không dặn kỹ, làm con mẹ ấy báo tin linh tinh. Lũ nhà tao cú tao lắm. Đấy mày xem, nó tưởng mình chết thì nó khóc lóc, vật vã. Đến khi thấy mình còn sống ra gặp chúng nó, nó trách được ngay. Thằng con trai còn bảo tao là “mẹ đi tù mà vẫn còn làm loạn ở nhà lên.” Mày bảo thế có điên không?

– Thế lúc ấy cán bộ bảo sao? Liệu u có bị kỷ luật không?

– Bọn nhà tao lo cho ngay hôm ấy rồi. Hôm qua cán bộ gọi tao lên, bảo tha. May quá! May mà không bị phạt! Nhưng mất tiền ngu, mày ạ.

Sau vụ thoát án phạt, u Hòa lại tươi như hoa.

Chiều đến, ăn cơm xong vừa rửa bát vừa ca cải lương. Hàng tháng, cô con gái vẫn đi thăm và gửi quà cho mẹ đều đặn. Một thời gian sau, gương mặt thiểu não không khác đi đưa đám, u Hòa tâm sự với tôi:

– Con Thủy bị bắt hai tháng nay rồi. Hôm nay thằng con trai lên thăm mới biết.

Tôi không biết nói gì, thương thì thương nhưng không ngạc nhiên. Mấy mẹ con u Hòa đều là dân buôn bán ma túy. Bao nhiêu lần bị bắt, đút tiền chạy chọt lại thoát tù. Lần này cả mẹ lẫn con đều phải đi.

– Mày mua lại cho u mấy cuộn băng vệ sinh nhé. Thằng kia ngu lắm. Mẹ ngoài sáu mươi tuổi rồi mà con đi thăm còn mua cả băng vệ sinh cho mẹ.

Tôi phải trở thành khách hàng bất đắc dĩ cho u Hòa Gỗ thêm mấy lần nữa. Dặn mãi nhưng anh con trai không nhớ. Lần nào lên thăm cũng mua băng vệ sinh cho mẹ.

U Hòa lại thôi hát ca trù, thôi ca cải lương cho đến khi Thủy, cô con gái của u đoàn tụ với mẹ trong nhà tù.

Mẹ con u Hòa Gỗ, chỉ là một trong rất nhiều cặp mẹ con tôi đã gặp trong nhà tù.

                                                          — Tháng 10/2015

04 —   

Gái Yêu Của Mẹ

Mai đi tù lần này là lần thứ hai. Cả hai lần tù đều mang tội “buôn bán trái phép chất ma túy.” Lần đầu bị kết án bẩy năm tù giam. Khi ấy Mai mới hai mươi ba tuổi. Chưa hết bẩy năm tù, Mai được giảm án, về trước thời hạn. Nhưng cái “cung tù” vẫn đeo đẳng lấy Mai. Về chưa được bao lâu Mai lại bị bắt. Lần này Mai bị kết án mười bốn năm. Tuổi xuân bị nhà tù nuốt gọn. Lần đầu Mai bước chân vào nhà tù, mẹ Mai tròn sáu mươi, vừa mới về hưu. Nhắc đến mẹ Mai vì chính bà — chứ không phải đứa con tù — mới là người thực sự đau khổ, buồn rầu nhất. Hồi Mai bị bắt lần đầu, bà ngất lên ngất xuống, vật vã suốt thời gian dài. Vật vã y như khi phát hiện đứa con gái duy nhất của mình nghiện ma túy.

Tôi gặp Mai trên trại 5 Thanh Hóa, khi chị đang ở “tăng hai.” Mai cầm tinh con hổ, lớn hơn tôi ba tuổi.

Tôi viết về Mai vì chị là người dám chơi với tôi không sợ bị cai tù rầy rà, dù đã có đôi lần bị mời đi uống cà phê. Bước chân khỏi phòng làm việc của cai tù, mặt Mai tỉnh bơ, phảng chút  thách thức. Gặp tôi, Mai khoe:

– Gặp bà Tuyết, em ạ!

Tôi hơi cáu:

– Chả có đứa nào là bà chúng mình cả. Ở đây chỉ có tù và cai tù thôi, chị.

Nhớ ra mình lỡ lời, Mai chữa ngượng:

– Ừ chị quên. Chị vừa gặp con mụ Tuyết.

Sợ không, từ “bà” tụt ngay xuống hàng “con mụ.” Tôi buồn cười, nhưng chả thích thú gì lối xưng hô ấy.

– Gặp nói chuyện gì vậy, chị?

– Thì lại nói về chuyện chị ngồi chơi với em. Hỏi em nói những gì, có tuyên truyền chống đảng không, có xúi bẩy gì không …

– Thế chị trả lời ra sao?

– Chị bảo, nó chả tuyên truyền gì cả. Bạn tù thì ngồi nói chuyện phiếm.

– Thế mụ ta có cấm đoán hay đe dọa chị không?

– Sao lại không! Mụ ta bảo không được chơi với em vì em là thành phần nguy hiểm. Còn đe chị nếu cố tình sẽ cho vào nhà chó và không được giảm án. Đ.m, tăng tù thứ hai rồi còn “đéo” gì mà mất. Chị bảo “bà quên cháu mất giảm rồi à?” Còn nhà chó thì ai sợ chứ cháu đâu có ngán.

– Lúc chị nói thế, thái độ của mụ thế nào?

– Thộn ra chứ sao. Mụ ấy quên là chị mất giảm, thuộc thành phần bất cần hay sao ấy. Nên mới đe thế.

– Thế chị không sợ hả?

– Sợ thì tao có dám chơi với mày không?

Chị cũng bảo, chả có luật nào cấm tù chơi với nhau. Nói xong câu ấy, Mai ngừng đôi chút vẻ như đợi ở tôi một lời khen. Với Mai và với những người khác, dám lý sự với cai tù là “oách” lắm. Nhất là cái lý sự ấy khiến cai tù cứng họng.

– Ờ đúng rồi, chả có luật nào cấm chị chơi hay giao tiếp với ai.

Tôi khích lệ Mai.

– Lúc gần về, con mụ Tuyết bảo chỉ muốn tốt cho chị nên khuyên thế thôi. Còn đề nghị chị là từ nay khi ngồi chơi với em, nếu thấy em nói gì thì mách với mụ ấy. Mụ cũng dặn đi dặn lại là không được nói lại với em về nội dung cuộc gặp hôm nay nữa chứ.

Hết chuyện, Mai đánh nhẹ vào người tôi, mắng yêu:

– Thế đéo nào mà bọn cán bộ sợ mày thế, hả Nghiên?

Hai người bạn tù nhe răng cười nhăn nhở.

Không riêng Mai, nhiều tù khác từng phải đi “uống cà phê” để nghe cai tù đe nẹt, cấm đoán về tội chơi — hoặc ngồi chơi — với tôi. Có người phải làm cam kết từ nay xin chừa không bén mảng đến “con phản động” nữa. Sau mỗi chầu cà phê, chị nào cũng nhận được lời nhắc “đừng nói lại với cái Nghiên.” Nhưng chả mấy cái miệng tù giữ được lời hứa. Không nói ngay cũng nói eo, không nói trực tiếp cũng nhờ đứa tù khác mách lại. Lúc mới lên trại, tôi hơi buồn. Tính tôi hay chạnh lòng, tủi thân. Sau quen dần, kệ.

Những người dám công khai gần gũi với tôi thường là thành phần cứng đầu, không còn gì để mất. Tức là không được giảm án hoặc sắp mãn hạn tù. Không được giảm án vì vi phạm nội quy trại giam. Có nhiều kiểu vi phạm: buôn bán, tiêu tiền mặt, đánh chửi nhau, làm không đủ mức khoán, thiếu lễ tiết với cán bộ — không chào chẳng hạn —, giúp đỡ bạn tù không xin phép v.v… Người bị Aids, bệnh nặng hay những người sắp chết cũng thích chơi với tôi.

Thời gian là thứ không thể sờ mó được. Nhưng người tù sắp chết, hình như họ chạm được bằng tay và thấy được bằng mắt những ngày tháng đời người đang ngắn lại trong thời gian lao tù dài đằng đẵng. Nhìn thấy, và sờ thấy màu tím tái, cái khô rát trên môi miệng. Trên thân người trơ trụi với da bọc xương. Trong bước đi chậm dần, chậm dần và những cơn đau hành hạ mỗi ngày. Việc cai tù lấy giảm án ra để uy hiếp hay mặc cả với những người không còn gì để mất, thành thừa.

Mai không được xét giảm vì dính án kỷ luật tội đánh bạc. Căn bệnh Aids cũng khiến chị chán, không muốn phấn đấu để có ngày về. Mai không thừa nhận căn bệnh đang mang, nhưng ai cũng đoan chắc thế. 

Ngoài xưởng lao động, thi thoảng tôi hay sang chỗ Mai và Huyền “Rảnh” ngồi tán chuyện. Hai người họ “cặp” với nhau. Tù bảo, ấy là hai con “nghiệp chướng.”

Ai không được giảm án, hay vi phạm nội quy trại giam, gây gổ với bạn tù đều bị gán cho hai chữ “nghiệp chướng.” Tôi không biết vì sao Huyền có cái biệt danh “Rảnh”, thấy mọi người gọi thì tôi gọi theo.

Sáng hôm ấy ra ngoài xưởng, tôi lại sang chỗ Mai và Huyền “Rảnh”  chơi. Mai khoe:

– Hôm qua bà già lên thăm. Mẹ nó chứ, bực thật!

– Mẹ lên thăm vui quá còn gì, sao mà bực?

Tôi vừa tuốt chỉ giúp Mai, vừa lơ đễnh hỏi. Tôi không khoái cái cách chị nói về mẹ mình như thế.

– Đã dặn là lên mang theo bốn triệu để trả nợ rồi mà vác cái xác không với túi quà lên.Thế có điên không chứ.

Mai nghiến răng, bực bội làm như bà mẹ già khốn khổ đang đứng trước mặt.

Tôi rùng mình, nổi da gà.

Miệng tôi cứng đơ không phản ứng lại được một câu. Trước mặt tôi không phải người tù tên Mai tôi vẫn quen. Không để ý đến tâm trạng thay đổi đột ngột của tôi, Mai thao thao kể tiếp.

– Tức quá, bắt bà ấy mang mẹ nó túi quà về Hà Nội.

Tôi muốn bỏ đi ngay lập tức, nhưng không hiểu sao đôi chân cứng đơ, không đứng lên được.

Huyền “Rảnh”  trách Mai:

– Mình làm gì cũng sồn sồn lên như thế. Mẹ lên thăm không được lời nhẹ nhàng. Làm thế khổ thân bả.

– Khổ gì. Bà ấy đẻ tôi ra thì phải biết tính tôi chứ.

Và thế là Mai cho một tràng:

– Tính tao có máu điên, không làm vừa ý thì bực lắm. Hồi còn ở nhà á, đang phê thuốc mà bả đẩy cửa bước vào là tao đuổi ngay. Hôm nọ gọi điện về đã dặn rồi chứ có phải không đâu. Đã nói mang bốn triệu lên cho tao trả nợ. Hôm qua lên lại vác mỗi cái xác già. Nói dối là không có tiền. Mẹ chứ, không có thì đi vay. Bây giờ đéo có tiền trả nợ, các con tù xé xác tao ra.

Huyền “Rảnh” rất nhẫn nại dỗ dành Mai.

Tôi ngồi, mặt cúi gằm xuống chiếu.

Tôi không muốn nghe nhưng từng lời nói của Mai thấm vào tai tôi, rõ mồn một. Tôi chẳng thể nhấc nổi người để đi khỏi chỗ ấy. Mai và Huyền “Rảnh” dường như quên mất sự hiện diện của tôi.

– Nghiên ơi! Về thêu hộ chị một lúc.

Tiếng gọi của chị Nga Phú giúp tôi thoát khỏi tình trạng bất động.

Giờ tôi mới ngẩng được mặt lên, tách ánh mắt ra khỏi cái chiếu. Từ chỗ Mai về chỗ tôi chỉ vài bước chân. Tôi đi như người mộng du.

Chị Nga Phú nhẹ nhàng nói với tôi:

– Ngồi xuống đây!

Tôi ngồi, vẫn như người mộng du.

– Choáng lắm phải không? Ai bảo cứ thích sang đó. Thôi, đừng khóc nữa, nó biết rách việc.

Lúc ấy tôi mới biết mình khóc. Không biết tôi khóc từ khi còn ở chỗ Mai hay bây giờ tôi mới khóc.

Tôi đã tỉnh táo phần nào và ý thức được rằng không nên để người khác biết mình đang khóc. Tôi biết trong tù, không mấy khi người ta nói được lời hay ý đẹp. Nhưng Mai vừa cho tôi thấy một tấn bi kịch gia đình chỉ qua mấy lời cằn nhằn, bực bội của chị.

Từ hôm ấy, tôi không sang chỗ Mai chơi nữa.

Hình như chị ta không quan tâm, cũng chả nhận ra sự thiếu vắng tôi. Thi thoảng chạm mặt nhau, chị ta vẫn cười hớn hở. Còn tôi ngượng.

Mà lạ, người ngượng phải là Mai mới đúng.

Tôi thương bà mẹ của Mai, và xấu hổ vì mình từng quý mến chị ta.

Mai và Huyền “Rảnh” thường xuyên cãi nhau. Có hôm cầm cả viên gạch to tổ chảng đòi đập vỡ đầu nhau.

Tôi nóng lòng định chạy ra can.

Chị Nga Phú ngăn lại:

– Mày không biết đâu, cái giống tù, nhất là giống “nghiệp chướng” càng can chúng càng ra vẻ. Không ai can, chúng chỉ dọa nhau thế thôi. Đố đứa nào dám xông vào. Mày cứ xem đi thì biết.

Huyền “Rảnh” một tay cầm que, một tay cầm viên gạch giơ cao hơn đầu như chực ném. Miệng chõ vào mặt Mai mà chửi. Mai, mặt tái xám, một tay cầm dép, tay còn lại cũng cầm viên gạch to không kém viên gạch của Huyền “Rảnh”, giơ lên như chực ném. Không có ai can. Hai bên cứ thế đánh võ mồm. Viên gạch, que và dép vẫn nằm im trong tay.

Tài chửi của Huyền “Rảnh” lẫn Mai ngang nhau. Họ lôi ông bà tổ tiên, bố mẹ nhau ra chửi. Cho nhau ăn đủ thứ dơ bẩn. Nhiếc móc nhau không còn gì thậm tệ hơn. Rồi kể công, moi móc nhau đủ chuyện.

Tù cứ đứng xem. Đến hồi họ chửi nhau lâu quá thì không còn ai xem nữa. Ai cũng bận làm cho đủ mức khoán để mong có ngày giảm án. Cai tù can ngăn lấy lệ. Chắc họ cũng thực hiện cái “mẹo” của tù, không can để chúng nó chửi nhau chán thì thôi.

Màn đánh võ mồm, đấu tố nhau rồi cũng kết thúc. Mà cũng không có gì to tát ngoài chuyện ghen tuông.

Đào buộc tội Huyền “Rảnh” đứng nói chuyện với ai đó ở dưới buồng y xá: “Tao thấy mày đứng nói chuyện với cái con mặc bộ kẻ sọc đội 19. Đ.M mày có chối được không?” Lúc lên cơn điên, Mai không thèm gọi Huyền “Rảnh” bằng “anh” nữa.

Huyền “Rảnh” cãi: “Làm đéo gì có con nào. Con tù nào chả mặc quần áo kẻ sọc.”

Mai đuối lý, thế là chiến tranh bùng nổ. Chỉ một hai hôm họ lại làm lành. Rồi dăm bữa nửa tháng, họ tiếp tục cãi chửi nhau. Lý do quay đi quẩn lại cũng vẫn là sự ghen tuông, hoặc đơn giản là một chuyện bực bội vô cớ.

Hôm Mai về hết án, mời tôi sang ăn liên hoan.

Tôi không đi. Chị Nga Phú cầm cho tôi mấy quả táo và ít bánh kẹo, nói là của Mai gửi.

Mai mãn hạn tù. Mẹ Mai chắc vui lắm.

Nhưng Mai sẽ lại xé lòng mẹ ra mỗi khi thiếu thuốc. Và sẽ chẳng ngần ngại tống cổ bà ra khỏi phòng khi bà làm phiền cơn phê thuốc của con gái yêu.

Tình yêu của người mẹ, kỳ lạ như thế đấy.

P.T.N.

(Còn tiếp)

Comments are closed.