Phải sống (kỳ 6)

Tiểu thuyết của Dư Hoa (Trung Quốc)

Dịch giả: Nguyễn Nguyên Bình

PHẦN HAI

Ai ngờ được là tôi vừa mới đi thì Phượng Hà lại xảy chuyện, tôi mới đi được mấy phút thì có mấy bác sĩ chạy đến phòng đẻ, đem theo cả bình ô xy. Phượng Hà đẻ xong bị băng huyết, tắt thở trước khi trời tối. Hai đứa con tôi đều chết vì việc đẻ con, Hữu Khánh thì chết vì người khác đẻ con, Phượng Hà chết vì tự mình đẻ con.

Hôm ấy tuyết rơi cực kỳ dày đặc, Phượng Hà chết xong bị đưa vào một gian buồng nhỏ. Tôi đi thăm nó, vừa thấy gian buồng đó, tự nhiên không thế bước nổi chân vào, mười mấy năm trước Hữu Khánh cũng chết nằm trong căn phòng này. Tôi đứng giữa tuyết mà nghe tiếng Nhị Hỉ gọi tên Phượng Hà từng hồi từng hồi, trong lòng đau đớn đến quì xuống đất. Hoa tuyết tới tấp rơi xuống đất tôi không nhìn được rõ cái cửa buồng, tôi liền gọi Nhị Hỉ, gọi mấy lần liền, Nhị Hỉ mới từ bên trong thưa lên một tiếng nó đi ra cửa, nói với tôi:

– Con cần lớn, họ lại đưa bé cho.

Tôi nói:

– Chúng ta đi về nhà đi, cái bệnh viện này nó có thù với nhà ta từ kiếp trước, Hữu Khánh chết ở đây, Phượng Hà cũng chết ở đây. Nhị Hỉ ơi, chúng ta đi về đi.

Nhị Hỉ đã nghe lời tôi, cõng Phượng Hà lên lưng ba người chúng tôi đã đi về nhà. Lúc đó trời đã tối rồi trên đường phố tuyết dày bịt, không nhìn rõ cả bóng người, gió tây bắc ù ù thổi tối, bông tuyết đập vào mặt chúng tôi, xào xạo như cát. Nhị Hỉ khóc đến khàn cả giọng, đi được một đoạn đường thì bảo:

– Cha ơi, con không bước nổi chân nữa.

Tôi bảo nó chuyển Phượng Hà cho tôi, nó không chịu, đi thêm mấy bước nữa nó khuỵu xuống nói:

– Cha ơi, thắt lưng con đau không thể chịu được nữa rồi.

Đó là vì khóc đấy, khóc đến đau cả lưng, về đến nhà, Nhị Hỉ đặt Phượng Hà lên giường, còn mình ngồi bên mép giường nhìn chằm chặp vào Phượng Hà, thân mình Nhị Hỉ co rúm cả vào. Tôi không phải nhìn vào phía nó, chỉ nhìn cái bóng nó và Phượng Hà chiếu lên tường cũng đủ đau đớn đến không thể chịu nổi rồi. Hai cái bóng đen sì, to tướng, một cái thì nằm, một cái trông như đang quỳ, đều im phắc không hề động đậy, chỉ có nước mắt Nhị Hỉ đang tuôn rơi khiến cho tôi nhìn thấy từng giọt đen to trượt xuống giữa hai bóng người. Tôi phải chạy vào trong bếp, đi đun một ít nưóc để Nhị Hỉ uống cho ấm người, một tí. Khi tôi nấu sôi nước, rót ra, đèn đã tắt mất rồi, Nhị Hỉ và Phượng Hà đã ngủ rồi.

Tối đó tôi ngồi trong bếp nhà Nhị Hỉ cho đến sáng, gió thổi bên ngoài cứ hu hu, có lúc rơi từng nắm tuyết to đập vào cửa ràn rạt, Nhị Hỉ và Phượng Hà ngủ trong nhà im phăng phắc, gió lạnh chui hun hút vào khe cửa khiến hai đầu gối tôi vừa lạnh vừa buốt, quả tim tôi cứ tê dại từng đợt như đã đóng thành băng, thế là cả hai đứa con tôi đều đã đi mất rồi, lúc đó tôi chẳng còn nước mắt để khóc nữa. Tôi nghĩ đến Gia Trân giờ này chắc đang chong mắt đợi tôi về báo tin, lúc tôi ra đi, bà ấy dặn đi dặn lại, lúc nào Phượng Hà đẻ xong là phải về ngay, báo cho bà ấy biết con trai hay con gái. Phượng Hà chết rồi, tôi làm sao mà về báo tin cho bà ấy đây?

Dạo Hữu Khánh chết, Gia Trân suýt nữa cũng đi theo mà nay Phượng Hà lại chết ngay trước mắt bà ấy, lòng dạ người làm mẹ chịu sao thấu đây. Ngày hôm sau, Nhị Hỉ cõng Phượng Hà theo tôi về nhà. Lúc đó tuyết vẫn còn đang rơi, trên mình Phượng Hà trắng xoá như đắp bông lên. Vừa vào nhà, thấy Gia Trân đã ngồi trên giường, đầu tóc rối tung đang tựa và tường, tôi biết ngay là trong bụng bà ấy đã biết rõ hết cả rồi, tôi đi đã hai ngày hai đêm liền không về qua nhà rồi mà. Nước mắt tôi rào rạt tuôn ra, Nhị Hỉ vốn đã thôi khóc, vừa trông thấy Gia Trân lại ồ ồ lên khóc, miệng gọi to:

– Mẹ ơi, mẹ ơi…

Cái đầu Gia Trân hơi động động, nhấc ra khỏi tường mắt bà ấy trân trân nhìn Phượng Hà đang gục trên lưng Nhị Hỉ. Tôi đỡ Phượng Hà đặt xuống giường, đầu Gia Trân liền cúi xuống nhìn theo, hai con mắt vẫn mở đăm đăm, trô trố như muốn trồi ra ngoài. Tôi không thể nào tưởng tượng ra bộ dạng như thế ở Gia Trân, bà ấy không rơi đến một giọt nước mắt, chỉ cứ nhìn Phượng Hà, tay sờ sờ vào mặt, vào tóc Phượng Hà. Nhị Hỉ khóc đến rụn người xuống, đầu gục vào mép giường. Tôi đứng bên cạnh canh chứng Gia Trân, trong bụng không biết sự thể sẽ ra sao nữa. Hôm đó Gia Trân không khóc cũng không kêu, chỉ cứ chốc chốc lại lắc đầu. Tuyết trên mình Phượng Hà dần dần tan ra, một lúc lâu sau, cả cái giường đã ướt nhoèn đi.

Phượng Hà chôn cùng chỗ với Hữu Khánh. Lúc chôn thì tuyết đã lạnh bớt, trời hơi lóe nắng, gió tây bắc thổi càng mạnh, cứ ù ù, át cả tiếng lá cây xào xạc. Chôn xong Phượng Hà, tôi với Nhị Hỉ vẫn ôm cuốc xẻng đứng chôn chân ở đó, gió thổi như muốn bay cả người chúng tôi đi. Khắp mặt đất trắng như tuyết, ánh mặt trời chiếu xuống càng trắng đến lóa mắt, chỉ có trên mộ Phượng Hà là không có tuyết, nhìn nấm đất ướt rườn rượt kia, tôi với Nhị Hỉ chẳng ai nhấc nổi chân mà đi. Nhị Hỉ chỉ vào miếng đất không sát bên cạnh đó, bảo tôi:

– Cha ạ, con chết thì chôn vào chỗ đó nhé.

Tôi thở dài một tiếng, nói với Nhị Hỉ:

– Chỗ đó dành cho tôi đi, thể nào tôi cũng chết trước anh.

Chôn Phượng Hà xong rồi, đã có thể bế đứa cháu ở bệnh viện về nhà. Nhị Hỉ bế con trai của nó đi hơn mười dặm đường về tới nhà tôi, đặt đứa bé lên giường, nó mở mắt ra, lông mày cau cau vào đôi con ngươi mắt đưa qua đưa lại, chẳng biết nó đang làm cái gì. Nhìn bộ dạng nó như vậy, tôi với Nhị Hỉ đều cười. Gia Trân thì chẳng cười gì hết mắt bà ấy trân trân nhìn đứa bé, tay đặt bên cạnh mặt nó. Thần thái Gia Trân lúc ây giống hệt như lúc nhìn Phượng Hà, tôi thấy phập phồng lo lắng lắm, bộ dạng đó khiến tôi khiếp hãi quá đi mất, tôi không hiểu Gia Trân ra thế nào nữa cả. Sau thì Nhị Hỉ ngẩng đầu lên, vừa thấy Gia Trân như vậy, nó tắt ngấm ngay không cười nữa, đứng xuôi tay ở đó chẳng biết làm gì cho phải. Lại một lúc lâu lắm, Nhị Hỉ mới khe khẽ nói với tôi:

– Cha ơi, cha đặt cho cháu cái tên.

Lúc đó Gia Trân mới mở miệng nói, giọng sền sệt:

– Thằng bé này sinh ra đã không có mẹ rồi, gọi nó là Khổ Căn đi.

Phượng Hà chết chưa đầy ba tháng, Gia Trân cũng chết theo. Những ngày trước khi chết, Gia Trân thường nói với tôi:

– Phú Quí ạ, Hữu Khánh, Phượng Hà đều do ông đưa tang, tôi nghĩ hễ được ông tự tay chôn cất, là yên tâm rồi.

Bà ấy biết là mình sắp chết, thế mà lại có vẻ rất yên tâm. Lúc đó bà ấy đã không còn sức để ngồi dậy nữa, chỉ nhắm mắt mà nằm trên giường, tai thì còn rất thính, tôi đi làm đồng về đẩy cửa vào nhà, bà ấy đặc biệt thích chuyện trò, tôi liền ngồi xuống giường, ghé sát mặt để nghe bà ấy nói, tiếng nhỏ nhẹ như tiếng quả tim đập vậy. Con người ta thật là, lúc sống có khổ bao nhiêu đi nữa, đến khi sắp chết vẫn cứ tìm cách để an ủi mình. Đến lúc đó, Gia Trân đã nghĩ được thông thoát lắm rồi, bà ấy cứ nói đi nói lại với tôi:

– Kiếp này sắp hết rồi, ông đối tốt vối tôi như vậy, tôi cũng đã thoả tấm lòng, tôi đã sinh cho ông một đôi cả trai cả gái, cũng coi như đã báo đáp ơn ông rồi, kiếp sau vẫn còn mong sống cùng ông nữa.

Gia Trân nói kiếp sau vẫn muốn làm vợ tôi khiến tôi rơi nước mắt, nước mắt tôi rớt cả xuống mặt bà ấy, bà ấy chớp chớp mắt vài cái, hơi hơi cười, nói:

– Phượng Hà, Hữu Khánh đã chết trước tôi, tôi đã đành lòng vậy, chả phải lo gì cho chúng nó nữa. Dầu gì tôi cũng là đàn bà, là mẹ chúng nó, hai đứa lúc sống đã hiếu thuận với tôi, làm người mà được như thế là tôi thấy đã thoả lòng rồi.

Bà ấy lại dặn dò:

– Ông phải cố mà sống nhá, còn có Khổ Căn với Nhị Hỉ. Nhị Hỉ thật ra cũng là con trai mình rồi, Khổ Căn lớn lên rồi cũng sẽ ngoan sẽ tốt như Hữu Khánh đối với ông, nó sẽ hiếu thảo vói ông đấy.

Gia Trân chết vào buổi trưa, tôi nghỉ tay từ đồng về nhà, bà ấy lại mở mắt nhìn, tôi ghé tai nghe bà ấy nói, rồi vào bếp nấu cho bà ấy bát cháo. Đên khi tôi múc ra đang ngồi bên giường, Gia Trân vẫn nhắm mắt bỗng níu lấy tay tôi, tôi không ngờ bà ấy còn được từng ấy hơi sức, lấy làm ngạc nhiên thầm trong bụng, khe khẽ gỡ tay ra. Không gỡ được, tôi vội đặt bát cháo xuống một cái ghế con đưa tay thử sờ lên trán bà ấy, vẫn còn ấm ấm. Tôi mới hơi yên tâm. Gia Trân trông như đang ngủ, nét mặt rất yên tĩnh không thấy gì là có vẻ khó chịu. Ai ngờ chỉ một lúc thôi, cái tay đang níu vào tôi đã lạnh đi, tôi nắn nắn cánh tay bà ấy, cánh tay mỗi lúc mỗi lạnh. Lúc ấy hai chân bà ấy cũng lạnh rồi, toàn thân cũng lạnh hết, chỉ còn một đám trước ngực là hơi âm ấm. Tôi để tay áp vào ngực Gia Trân, hơi nóng dường như cứ từng tí từng tí một lọt qua kẽ tay tôi mà tản đi. Ngón tay đang níu tay tôi rồi cũng lỏng ra, sã xuống.

*

* *

– Gia Trân chết lành lắm – Ông già Phú Quí bảo vậy.

Lúc đó, buổi chiều đang sắp tàn, những người làm trên đồng bắt đầu dắt díu nhau đi trên bờ ruộng, mặt trời gác trên bầu trời đằng tây không còn chói mắt lắm nữa, trở thành một vòng tròn đỏ lựng, nhuộm thắm các từng mây.

Phú Quí hơi cười cười nhìn tôi, ánh chiều tà chiếu trên mặt ông lão hiện ra vẻ rạng rỡ lạ kì. Ông lão nói:

– Gia Trân chết lành lắm, chết rất thanh thản yên bình, rất sạch sẽ. Chết đi rồi mà không hể có mảy may một tiếng thị phi nào. Không như mấy bà trong làng, chết rồi mà vẫn có kẻ nói này nói nọ.

Cái ông già đang ngồi trước mặt tôi đây, đã dùng lời lẽ như thế để nói về người vợ đã mất hơn mười năm rồi, điều đó khiến lòng tôi trào dâng một niềm xúc động khó diễn tả, tôi thấy nó dạt dào như ngọn gió lướt trên cánh đồng cỏ xanh, cỏ bị lay động rập rờn chạy mãi tói chân trời.

Cánh đồng xung quanh khi không còn bóng người nào nữa, thì hiện ra với một tư thái như đang duỗi dài dang rộng hết cỡ ra, trông có vẻ mênh mông bát ngát không bờ không bến, trong ánh chiều tà nó sóng sánh như làn nước. Hai tay Phú Quí để vắt lên đùi mình, đôi mắt nhìn tôi lim dim, ông lão chưa có ý muốn đứng lên, tôi biết câu chuyện của lão chưa kết thúc. Tôi nghĩ bụng hay cứ cố nài ông lão nói cho bằng hết, trước khi ông đứng dậy nhỉ? Tôi liền hỏi:

– Khổ Căn năm nay bao nhiêu tuổi rồi?

Mắt ông lão liền lộ ra một vẻ rất kỳ lạ, tôi không phân biệt được nó là buồn đau hay hoan hỉ. Ánh mắt ông lão lướt qua tóc tôi, bay đi đến một nơi xa xăm nào đó, rồi ông lão nói:

– Cứ theo năm mà tính, Khổ Căn đêh nay cũng đến mười bảy rồi.

*

* *

Gia Trân chết đi, tôi chỉ còn mỗi Nhị Hỉ và Khổ Căn thôi. Nhị Hỉ đưa tiền nhờ người ta may cho một cái địu, Khổ Căn liền ngồi trên lưng Nhị Hỉ suốt ngày, Nhị Hỉ làm việc càng thêm vất vả, nó làm về vận chuyển, phải kéo cái xe chất đầy hàng hóa, lại địu thêm Khổ Căn, có lúc thời tiết xấu, tã phơi không khô được, không có cái thay đành phải buộc mấy cái cây sào lên xe bò, hai cây dọc một cây ngang để phơi tã lên trên. Người trên phố trông thấy thế đều cười nó, các bạn cùng làm việc vói Nhị Hỉ đều biết Nhị Hỉ khổ, gặp những người cười Nhị Hỉ, họ liền mắng:

– Nhà anh cười cái con mẹ gì? Cứ cười đi rồi về được khóc đấy!

Khổ Căn ngồi trong địu hễ khóc là Nhị Hỉ nghe tiếng biết ngay nó khóc đói hay khóc vì ỉa, đái, nó nói với tôi:

– Khóc mà tiếng kéo dài là đói bụng, khóc tiếng ngắn thôi thì là khó chịu ở đằng đít đấy.

Đúng thế thật, Khổ Căn ỉa đùn đái dầm xong chỉ khóc khạch khạch, mới đầu nghe còn tưởng như đang cười. Con người còn nhỏ như vậy mà đã biết khóc không giống ai rồi. Đó là nó thương bố nó đấy, báo ngay cho bố nó biết nó cần gì, Nhị Hỉ khỏi phải loay hoay nhiều.

Khổ Căn đói bụng, Nhị Hỉ liền đặt xe xuống, đi tìm bà nào cô nào để cho con bú, hai tay đưa lên trước mặt một hào bạc, miệng nhẹ nhàng nói:

– Xin chị cho cháu mấy hớp sữa.

Nhị Hỉ không như những người bố khác, được nhìn thấy con mình lớn lên. Nhị Hỉ cảm thấy Khổ Căn trên lưng nặng thêm một ít, nó liền biết là Khô Căn đã lớn thêm một ít nữa. Bụng dạ người làm cha tất nhiên sung sưóng lắm, nó nói với tôi:

– Khổ Căn lại nặng thêm rồi.

Tôi lên phố thăm cha con Nhị Hỉ, thường nhìn thấy Nhị Hỉ kéo xe mồ hôi đầm đìa, bước đi hối hả, Khổ Căn ngồi trong địu, cái đầu bé tí ngật ra ngoài, lúc la lúc lắc. Tôi thấy Nhị Hỉ vất vả quá, khuyên nó đưa Khổ Căn cho tôi đem về dưới làng.

Nhị Hỉ không chịu, nói:

– Cha ạ, con không rời được Khổ Căn đâu.

May thay Khổ Căn cũng chóng lớn lắm, nó đã biết chạy đi, Nhị Hỉ cũng thoải mái hơn một tí, khi Nhị Hỉ xếp hàng hóa lên xe thì Khổ Căn đứng cạnh đấy chơi, khi bắt đầu kéo xe đi thì đặt nó lên xe. Khổ Căn lớn chút nữa thì đã biết tôi là ai rồi, nó thường nghe thấy Nhị Hỉ gọi tôi là cha, liền để bụng nhớ lấy. Mỗi lần tôi lên phố thăm, Khổ Căn ngồi trong xe vừa thấy tôi đã réo gọi eo éo ngay, nó mách Nhị Hỉ:

– Cha ơi, cha của cha đến kìa.

Thằng bé này từ khi còn ngồi trên lưng bố đã biết chửi rồi, lúc tức giận, cái mồm bé xíu của nó bi bi bô bô, mặt thì đỏ tía lên, chẳng ai biết được nó đang nói gì, chỉ thấy nưốc bọt bắn lung tung ra, riêng Nhị Hỉ là biết, Nhị Hỉ bảo với tôi:

– Nó đang chửi mắng người ta đấy.

Khổ Căn biết đi, rồi biết nói mấy câu, thì nó càng ghê, vừa thấy con nhà người ta có cái gì hay hay là liền cười hì hì tay vẫy lấy vẫy để, bảo:

– Lại đây, lại đây, lại đây.

Đứa kia đến trước mặt nó, thế là nó đưa tay giằng ngay của người ta, đứa bé kia không cho, thế là nó trở mặt liền hằm hằm đuổi người ta đi, mồm nói:

– Cút đi, cút đi, cút đi.

Phượng Hà mất đi, Nhị Hỉ không làm sao mà hoàn hồn lại được, nó vốn đã ít lời, Phượng Hà lại chết, nó càng ít lời hơn, ai nói gì nó chỉ ầm ừ, coi như đã nói chuyện rồi đấy. Chỉ khi gặp tôi, nó mới nói mấy câu. Khổ Căn trở thành vật báu của tôi, nó càng lớn lại càng giống Phượng Hà. Càng giống lại càng khiến cho chúng tôi đau lòng. Nhị Hỉ có lúc cứ nhìn nó mãi, đến chảy cả nước mắt, tôi là bố vợ mà cũng phải khuyên nó:

– Phượng Hà mất cũng đã lâu ngày, quên được nó thì hãy quên đi.

Lúc ấy Khổ Căn đã lên ba, nó ngồi trên ghế, đung đưa hai cái chân, dỏng tai lên nghe chúng tôi nói chuyện, mắt mở tròn xoe. Nhị Hỉ nghẹo cái đầu nghĩ ngợi gì đó, một lúc sau mới nói:

– Con chỉ còn có một chút phúc phận là được nhớ Phượng Hà đó thôi.

Rồi tôi thì phải về làng, Nhị Hỉ cũng phải đi làm công việc, hai người đứng dậy ra khỏi nhà. Vừa ra khỏi cửa, Nhị Hỉ đã nương theo bức tường, nghẹo đầu nghẹo cổ mà đi vùn vụt, cứ như người sợ ai bắt gặp ấy, Khổ Căn bị nó kéo đi, bước cao bước thấp lật đà lật đật, đầu lao về đằng trước. Tôi không tiện nói gì cả, tôi biết vì không có Phượng Hà nên Nhị Hỉ mới đâm sấp dập ngửa như thế. Mấy người hàng xóm trông thấy liền kêu Nhị Hỉ:

– Đi chậm chậm thôi chứ, Khổ Căn sắp ngã chúi xuống kìa.

Nhị Hỉ chỉ ầm ừ một hồi, rồi vẫn cắm đầu đi như bay, Khổ Căn bị bố kéo xềnh xệch, mắt lại cứ láo liên ngó ngược ngó xuôi. Đi đến chỗ rẽ, tôi bảo Nhị Hỉ:

– Nhị Hỉ, tôi về đây.

Lúc đó Nhị Hỉ mới đứng lại, nghênh nghênh vai nhìn tôi. Tôi nói với Khổ Căn:

– Khổ Căn, ông đi về nhá.

Khổ Căn vẫy vẫy tay với tôi, nói the thé:

– Ông đi nhé.

Hễ rỗi một chút là tôi lên phố ngay, chứ ngồi nhà thì cũng thấp tha thấp thỏm không yên, Khổ Căn và Nhị Hỉ ở trên phố, tôi cứ cảm thấy như tr9ên đó mới là nhà mình, về đến làng một mình thui thủi nó thế nào ấy. Có mấy lần tôi đã đem Khổ Căn về làng, Khổ Căn chả làm sao cả, sướng lắm chạy khắp làng, lôi tôi đi bắt chim sẻ đậu trên cây, tôi bảo sao mà bắt được, thằng bé giơ tay chỉ lên trời, nói:

– Ông trèo lên đi.

Tôi nói:

– Ông ngã chết thì sao, con không cần ông à?

Nó nói:

– Con không cần ông, con cần chim sẻ cơ.

Khổ Căn sống ở làng rất thoải mái, chỉ khổ cho Nhị Hỉ, một ngày không trông thấy Khổ Căn thì không chịu nổi, hàng ngày đi làm về, mệt đến không còn hột sức nào, lại còn phải đi đến hàng hơn mười dặm đường để thăm Khổ Căn, sáng sớm hôm sau lại dậy sớm, cuốc một mạch lên phố làm việc. Tôi nghĩ cách đó đúng là không hay, nên về sau trước lúc trời tối là cõng Khổ Căn lên phố. Gia Trân chết rồi, tôi chẳng còn vướng víu gì nữa, đến nơi, Nhị Hỉ bảo:

– Cha ạ, hay cha ở lại đây luôn đi.

Tôi liền ở lại trên phố mấy hôm. Nếu mà tôi cứ thế ở lại, Nhị Hỉ chắc bằng lòng, nó thường bảo trong nhà có ba đời cũng tốt hơn chỉ có hai đời, nhưng tôi không muốn để Nhị Hỉ phải nuôi, tay chân tôi dù sao cũng còn cất nhắc được, vẫn có thể kiếm tiền, tôi với Nhị Hỉ hai người cùng kiếm tiền thì cuộc sống của Khổ Căn cũng sẽ được rộng rãi hơn một chút.

Ngày tháng cứ vậy trôi qua cho đến lúc Khổ Căn bốn tuổi, Nhị Hỉ đã chết mất . Nhị Hỉ bị hai tấm bê tông kẹp chết. Làm cái nghề chuyên chở bốc vác, không cẩn thận một tí là sứt đầu mẻ trán như chơi, nhưng mà tai nạn chết người thì mới có Nhị Hỉ là một, người nhà họ Từ có số khổ hay sao. Hôm ấy mấy người cùng làm với Nhị Hỉ cùng khiêng bê tông xếp lên xe. Nhị Hỉ đứng trưóc một chồng bê tông, chiếc cần cẩu đang cẩu bốn tấm lên, không biêt có trục trặc gì đó mà lại chuyển về phía Nhị Hỉ đang đứng, không ai nhìn thấy Nhị Hỉ đang đứng bên trong, chỉ nghe thây tiếng kêu thét lên:

– Khổ Căn.

Các bạn của Nhị Hỉ nói với tôi, tiếng thét đó đã khiến tất cả mọi người đều sợ hết hồn, không thể tưởng là Nhị Hỉ lại thét to được đến thế, nghe như tiếng hét đến rách lồng ngực. Khi họ nhìn thấy Nhi Hỉ chàng rể nghẹo đầu của tôi đã chết mất rôi, thân người dán chặt vào một chồng tấm bê tông, trừ đầu và chân ra toàn thân đều bị ép bẹp dí, một cái xương nguyên vẹn cũng không tìm thấy, máu thịt dính bết trên mặt bê tông. Họ nói trước lúc chết cổ Nhị Hỉ đột nhiên vươn thẳng ra, miệng há rõ to, đó là lúc đang gọi con mình đấy!

Khổ Căn thì đang chơi ném đá ở chỗ cái ao gần đó, nó nghe thấy tiếng cha nó thét gọi trước khi chết, lại quay đầu về phía đó, đáp to:

– Gọi con làm cái gì?

Nó đợi một lúc, không nghe thấy cha gọi nữa, liền tiếp tục chơi trò ném đá. Cho đến lúc Nhị Hỉ bị đưa vào bệnh viện, biết là Nhị Hỉ đã chết thực rồi, mới có người đi gọi Khổ Căn:

– Khổ Căn, Khổ Căn, cha mày chết rồi.

Khổ Căn không biết chết là thế nào, nó quay lại trả lời ngay một tiếng:

– Biết rồi.

Rồi chẳng ngó ngàng gì người gọi nữa, nó tiếp tục ném đá xuống nước.

Lúc ấy tôi đang ở ngoài đồng, một người cùng làm với Nhị Hỉ chạy tới bảo với tôi:

– Nhị Hỉ sắp chết rồi, đang ở bệnh viện, ông đi nhanh lên.

Tôi vừa nghe thấy Nhị Hỉ có chuyện, bị đưa vào bệnh viện là bật lên khóc ngay lập tức, tôi gào lên với người kia:

– Đưa Nhị Hỉ ra đi, nhanh lên, không đưa vào bệnh viện được đâu.

Người kia ngẩn người ra nhìn tôi, cho là tôi điên hay sao. Tôi nói:

– Nhị Hỉ mà vào cái bệnh viện đó là không giữ được mạng nữa đâu.

Hữu Khánh, Phượng Hà đều chết vì nó, không tưởng tượng có ngày Nhị Hỉ cũng lại chết ở đó. Anh nghĩ coi, đời tôi ba lần nhìn thấy cái buồng con con đó, cái buồng chứa xác chết, ở đó đã có ba người thân của tôi phải nằm vào. Tôi già rồi, không chịu nổi những sự đó. Đi nhận Nhị Hỉ về, vừa nhìn thấy căn buồng kia, tôi đã ngã vật ngay ra đất. Tôi với Nhị Hỉ đều phải khiêng ra khỏi cái bệnh viện kia. Nhị Hỉ chết rồi, tôi liền đem Khổ Căn về làng ở. Cái hôm rời khỏi nhà trên phố, tôi đem đồ đạc trong nhà Nhị Hỉ đi cho những người hàng xóm, chỉ chọn mấy thứ gọn nhẹ đưa về làng. Khi tôi dắt Khổ Căn đi, trời đã sắp tối, các nhà hàng xóm đều đến tiễn tôi, tiễn đến đầu phố, họ nói:

– Sau này chịu khó lên chơi luôn nhé.

Có mấy bà còn khóc nữa, họ vuốt ve Khố Căn, nói:

– Thằng bé này đúng là số khổ.

Khổ Căn không thích các bà ấy để rơi nước mắt xuống mặt nó, cứ kéo tay ra sức giục tôi:

– Đi mau, đi mau lên nào.

D.H.

Comments are closed.